Đại Chúng số 83 - phát hành ngày 1/10/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


HOA KỲ TRONG TRÁI TIM TÔI
- AMERICA IN MY HEART -

Ký của Phong Thu

Tôi có hai quê hương để yêu: Việt Nam và đất nước Hoa Kỳ. Cha mẹ tôi đã tạo cho tôi nên vóc nên hình và mảnh đất, ngọn rau, đồng ruộng, đất trời Việt Nam đã hun đúc tâm hồn tôi. Rồi mười năm lưu lạc trên đất nước Hoa Kỳ, tôi tìm được hạnh phúc, bình yên và cuộc sống tự do như tôi hằng mơ ước. Hai tổ quốc đã hoà lẫn trong tôi trái tim tôi như hơi thở và sự sống.

Dân tộc tôi đã trãi qua nhiều cuộc chiến tranh. Chúng tôi đã chịu đựng biết bao đau thương và tang tóc. Khi đất nước được khoát lên chiếc áo "HOÀ BÌNH", người ta ăn mừng vui sướng chỉ được vài hôm rồi lại bị chính người đồng chủng trả thù, bắn giết, tù đày dã man chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Hàng triệu triệu người vượt biển ra đi tìm tự do. Một lần nữa, xác người dân Việt lại phơi trên biển cả, trong rừng sâu nước độc. Nỗi đau đớn đó chỉ có ai trong cuộc mới thấm thía. Cũng như tôi, từ thuở lọt lòng đã nếm mùi chiến tranh. Máu lửa, bom đạn luôn vang bên tai, tôi đã từng chứng kiến những cái chết tức tưởi của nhiều người bạn của ba tôi từ khi mới hai ba tuổi đầu. Và khi nhìn thấy cái chết của ba tôi, tôi ngây thơ vẫn nghĩ rằng ông đang ngủ và ngày mai ông sẽ thức dậy ôm hôn tôi, sẽ dạy cho tôi những bài hát mới. Người bạn thân của ba tôi nói rằng trước khi ba tôi chết, Người trăn trối là mơ ước được nhìn mặt vợ con lần sau cùng nhưng mơ ước đó không toại nguyện. Do đó, khi ba tôi chết mắt ông không chịu nhắm kín. Vầng trán cao, rộng với mái tóc bềnh bồng, đen mượt chảy ngược trên đỉnh đầu. Khuôn mặt ông bình thản như đang ngủ say. Người bạn thân của ba tôi đã bảo mẹ tôi và chúng tôi vuốt mặt ông. Lạ lùng thay! Sau đo,ù mắt ông đã khép lại. Khi lớn lên, tôi luôn cảm thấy thiếu thốn và đau đớn. Nỗi đau đó luôn luôn ầm ỉ và nhức nhói trong trái tim tôi.

Rồi hôm nay, ngày 11 tháng 9 năm 2001, toàn thể thế giới rúng động và kinh hoàng khi chứng kiến ba chiếc máy bay dân sự đã bị bọn khủng bố quốc tế khống chế, đã đâm đầu vào hai toà nhà chọc trời làm bốc cháy và sụp đổ Trung Tâm Mậu Dịch Thế Giới (The Wold Trade Center) ở thành phố New York và Ngũ Giác Đài, Trung Tâm quyền lực tối cao của Hoa Kỳ đối diện thủ đô Washington bên kia dòng sông Potomac. Không kinh hoàng sao được khi sự kiện xảy ra chỉ trông chớp mắt. Hai cao ốc cao đứng hàng thứ ba trên thế giới với 110 tầng, xây cất năm 1973 với giá 750 triệu dollars đã bị tàn phá đẫm máu. Có 5 ngàn người bị chôn vùi, 266 hành khách và phi hành đoàn trong bốn chiếc phi cơ và có 200 lính cứu hoả và 78 cảnh sát ở New York bị chôn sống khi xông vào cứu các nạn nhân.

Diễn biến sự việc bắt đầu từ 8:45 am (giờ Miền Đông), chiếc phi cơ của hãng hàng không American Airlines mang số 11, từ Boston đi Los Angeles bị bọn khủng bố khống chế và đâm đầu vào Trung Tâm Mậu Dịch Thế Giới đã khiến cho 81 hành khách và 11 nhân viên phi hành đoàn tử nạn. Tiếp theo đó, vào lúc 9:03 am chiếc máy bay của United Airlines mang số 175, từ Boston đi Los Angeles cũng bị không tặc tấn công và dâm vào cao ốc thứ hai làm cho 56 hành khách và 9 nhân viên tử nạn. Và ba mười phút sau đó, lúc 9:43 chiếc phi cơ American Airlines mang số 77, xuất phát từ Washington Dulles đi Los Angeles đâm thẳng vào Ngũ Giác Đài (Pentagon) trung tâm đầu nảo của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ làm cho 56 hành khách và 6 nhân viên phi hành đoàn tử nạn. Cao ốc thứ nhất sụp đổ lúc 10:05 và cao ốc thứ hai lúc 10:28 phút, bụi bậm, vôi vữa, khói đen bao trùm cả thành phố và bốc cao trên không trung bao phủ một vùng rộng lớn. Riêng chiếc phi cơ của United Airlines mang số 93, từ Newark đi San Francisco bị không tặc tấn công. Do hành khách chống trả nên rơi xuống một vùng đất trống ở Pennsylvania giết chết 25 hành khách và 7 nhân viên của phi hành đoàn. Cả nước báo động tình trạng khẩn cấp, các công sở, trường học phải đóng cửa. Mọi thị trường tài chánh đều tuyên bố đóng cửa. Các nhân viên trong toà Bạch Oác được lệnh di tản ngay tức khắc. Hàng rào an ninh đã siết chặt. Các đài kỷ niệm ở New York và Washington D.C cũng đóng cửa. Các tàu điện ngầm và các cầu cũng ngưng hoạt động. Các phi trường, máy bay không được cất cánh làm kẹt lại hàng 100 ngàn người trên sân bay....công tác cấp cứu vẫn tiếp tục tiếp diễn. Mọi người hy vọng, chờ đợi có thể cứu kịp những người bị nạn còn sống sót. Gia đình thân nhân của những người mất tích hy vọng, khao khát được nhìn lại người thân.

Cảnh tượng thương tâm trên truyền hình đã làm tôi rơi nước mắt. Cả công ty tôi không ai còn muốn làm việc, mọi người xôn xao và lo lắng khi tin tức trên truyền hình và radio mỗi lúc một xấu. Ông chủ của tôi phải vào tận công ty trấn an mọi người. Tôi gọi điện thoại về nhà cho chồng tôi. Giọng anh nghẹn ngào lạc hẳn đi:

_ Hai cao ốc chọc trời của thành phố New York đã bị tấn công. Trời ơi! Nhân viên trong đó trên 50 chục ngàn người. Còn ở Pentagon cũng bị tương tự. Hiện nay con số tử vong không nhỏ đâu em. Em có thể tưởng tượng là Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế đang cháy thì sụp đổ nhanh chóng làm cho lính cứu hoả và cảnh sát bị chôn sống. Người ta nói rằng không còn đủ nhân viên để cấp cứu nạn nhân.

Tôi chỉ nói với anh vài lời rồi buông máy, tinh thần tôi rối loạn cực độ. Khi tôi về nhà, tin tức từ đài truyền hình và radio vẫn đưa tin. Tất cả các chương trình ca nhạc, vui chơi, giải trí, thể thao đã ngưng lại. Tôi thấy đôi mắt Douglas đỏ hoe. Hai con tôi chưa bao giờ thấy chồng tôi khóc nhiều như vậy nên Dylan nói:

_ Mẹ ơi! Ba khóc cả ngày. Hai toà nhà đẹp và cao nhất New York đã sụp rồi. Mai mốt mình đi ngang qua đó đâu có thấy nữa.

Bé Lindsay có vẻ mạnh mẻ hơn, nó khua tay múa chân và cố giải thích:

_ Con thấy mấy thằng cha xấu, ác đã lấy máy bay đâm vào hai toà nhà ở New York làm cháy lớn lắm. Mình đi kiếm mấy thằng đó bắn vô đầu cho nó chết nhăn răng ra.

Nghe đứa con chưa đầy năm tuổi nói mà tôi xót xa, đau đớn. Tôi ôm hai đứa vào lòng và nói nhỏ:

_ Hai con đi ra sau chơi đi. Mẹ muốn ngồi với ba một chút.

Channel số 7 của chương trình truyền hình ABC đã chiếu đi chiếu lại nhiều lần cảnh chiếc phi cơ thứ hai bay với tốc độ nhanh và thấp đâm vào toà nhà thứ hai. Tôi nghe rõ tiếng nổ long trời lở đất. Lửa hừng hực bốc lên cuộn cuộn pha lẫn khói đen. Hai toà nhà bốc cháy dữ dội. Tôi nhìn thấy nhiều nạn nhân kêu cứu. Nhiều người vì tuyệt vọng đã nhảy ra khỏi lầu. Thân thể họ bay phất phới trong gió như một cánh diều bị đứt dây. Tôi và Douglas ôm nhau khóc khi nhìn thấy cảnh tượng rùng rợn đó. Douglas nói với tôi:

_ Anh đã từng đến hai cao ốc đó làm việc với nhiều người. Hai toà nhà kiên cố nầy anh nghĩ không bao giờ sụp đỗ, nhưng giờ đây đã trở thành một đống gạch vụn.

Tôi ôm anh thật lâu. Tôi hiểu bạn bè và người quen của anh đã ra người thiên cổ. Chồng tôi biên tập cho tạp chí khoa học TAPPI MAGAZINE đã hơn hai mươi lăm năm nên có liên hệ ít nhiều với một số người trong hai toà cao ốc kia. Anh bị một cơn xốc rất mạnh khi nhìn thấy thành phố thân yêu nhất của đời anh đã bị huỷ diệt. Anh sinh ra lớn lên ở Long Island, cách thành phố New York độ 14 miles. Khi rời tiểu học, anh đã vào học một chủng viện nổi tiếng ở New York. Hàng ngày, sau giờ tan trường, anh và bạn bè thường rủ nhau đi chơi đây đó trong thành phố. Không có một con đường, một nhà thờ, rạp hát, siêu thị...nào mà anh không đến. New York là trái tim của Hoa Kỳ, trung tâm sầm uất, giàu có và nổi tiếng khắp thế giới. New York còn được mệnh danh là kinh đô ánh sáng, rộn rịp, hối hả, ầm ỉ và không bao giờ ngủ. Những lâu đài, thành quách tráng lệ, tân kỳ, cổ kính quyện chặt nhau, đã tạo cho New York có một dáng dấp sống động, uy nghiêm, hùng vĩ. Dòng họ anh sinh sống ở Long Island ba đời, chúng tôi vẫn thường xuyên về Long Island thăm gia đình và đi ngang qua thành phố New York. Nếu là người có tầm hồn nghệ thuật và một chút lãng mạn, bạn đến New York một lần, bạn sẽ không quên bức tượng của Nữ Thần Tự Do ( Statue of Liberty) màu xanh ngọc bích cầm bó đuốc soi sáng tự do, đứng sừng sửng trên một hòn đảo nhỏ nổi lên giữa biển trời mênh mông. Hai chiếc cầu, The Manhattan and Brooklyn Bridges xuyên qua chân trời, rực rỡ, sáng chói giữa trời cao. Thành phố New York xinh đẹp và kỳ bí hơn nữa là vào lúc hoáng hôn buông xuống, khi hàng triệu ánh đèn đủ màu từ thành phố được thắp lên, kinh đô ánh sáng huyền hoặc và linh động như hàng triệu ánh sao toả ra từ các cao ốc. Aùnh sáng chiếu xuống mặt biển lấp lánh như những hạt kim cương đang rơi trên mặt biển. Và nhìn kia, hai chiếc cầu vươn mình lên trời đêm mạnh mẻ, tuỵêt đẹp sáng rực những chùm đèn treo từ trên cao chạy dần xuống chân cầu. Bạn có thể nhìn thấy mờ ảo, xa xa những chiếc tàu to nhỏ màu trắng đục chấp chới trên mặt nước. Bạn có thể nghe được tiếng gió vi vu và hơi thở của biển mát lạnh phả vào mặt. Đôi lúc, nếu bạn đang lái xe đi ngang qua hai chiếc cầu nầy vào lúc trăng đang lên, bạn sẽ thấy hai toà nhà- Twin Towers của Trung Tâm Mậu Dịch Quốc Tế vươn vai, hùng dũng, ngạo nghễ như một dũng sĩ chụp bắt ánh trăng thanh.

Tôi đã có lần nói về thành phố New York trong bài bút ký "Dòng Sông Quê Tôi", nhưng hôm nay, thành phố New York đã để lại cho tôi một ấn tượng sâu đậm. Có lẽ ngày định mệnh, tang tóc của nước Mỹ đã khiến cho tôi có cái nhìn sâu hơn, rõ ràng hơn đối với đất nước Hoa Kỳ. Tôi cảm thấy yêu đất nước Hoa Kỳ hơn bao giờ hết. Và sự đau khổ của nhân dân Hoa Kỳ chính là niềm đau của tôi. Năm 1993, lần đầu tiên Douglas đưa tôi về thăm gia đình, anh đưa tôi đi thăm ngôi trường củ, ngôi giáo đường St. Francis Xavier và St. Patrick’s Cathedral trang nghiêm, tráng lệ. Anh đưa tôi đi thăm các viện bảo tàng đồ sộ sách vở. Chúng tôi đến thăm Empire State Buildinh từ trên tầng cao nhất có đặt kính viển vọng, tôi chỉ bỏ vào máy 50 xu là có thể nhìn toàn thành phố. Anh mua cho tôi một bộ sưu tập hình kỷ niệm về New York. Khi đi qua Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế, Douglas kể cho tôi nghe rằng hai toà nhà xây dựng từ năm 1966 cho đến năm 1973 mới hoàn tất. Tôi nhìn lên đến mõi cả cổ vẫn không thấy hết được đỉnh cuối cùng của toà cao ốc. Cách đây mấy chục năm, hàng ngày anh lang thang đến đây. Anh chứng kiến những người thợ miệt mài làm việc quanh năm suốt tháng. Khi hai toà nhà được khánh thành, dân chúng trong thành phố đổ xô ra xem. Họ vui mừng và hãnh diện khi hai công trình độ sộ nhất đã thành công. Suốt mấy chục năm qua, hai toà nhà nầy là trung tâm tài chánh lớn nhất thế giới đã thu hút được giới đầu tư ở các nước. Nơi đây có các công ty, ngân hàng, thị trường chứng khoán, luật sư, khách sạn, nhà hàng..v..v..với vốn đầu tư cả triệu tỉ mỹ kim và trên 50 ngàn người đang làm việc. Vậy mà đâu ai ngờ rằng, cuộc sống vui chơi nhộn nhịp của nước Mỹ đã không còn. Người dân Mỹ không còn vô tư như trước khi họ nhìn thấy tai hoạ khủng khiếp đang giáng trên đầu họ. Hai cao ốc chọc trời và Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đã cháy thành tro bụi. Số lượng xăng trong ba chiếc máy, cộng với gas, điện đã có sức công phá bằng 100 quả bom. Sức nào chịu đựng nỗi? Xương thịt nào mà không tan nát? Hai toà nhà kiên cố, hùng vĩ, ngạo nghễ kia đã sụp xuống mang theo hàng mấy ngàn người. Khi đám cháy đã được dập tắt, bụi khói mù trời đã đóng trên mặt đất cao hơn 2 inches. Hàng triệu tờ giấy trắng đã ngã màu xám vì tro bụi bay tơi tả. Hai cao ốc chỉ còn lại bộ xương khô khốc, nhám nhúa, hoang tàn như một bãi tha ma. Thành phố New York tang tóc và cả nước Mỹ cũng như thế giới đều rơi lệ. Tiếng quốc thiều vang lên đây đó nghe thiêng liêng và tha thiết như lời sông núi nhắn nhủ với mọi người.

Một tuần đã trôi qua, tôi vẫn chưa qua cơn bàng hoàng. Tôi không còn cảm thấy đói. Tôi chỉ lắng nghe tin tức về việc cứu giúp các nạn nhân và gia đình của họ. Tôi hầu như không đọc sách, không muốn đến trường và không muốn đưa con tôi ra công viên chơi. Tôi không thể viết được một dòng nào cho tờ báo sắp phát hành. Nguyên ngày thứ sáu, cả nước để tang cho những người xấu số vô tội bị chết oan kiên, tôi chỉ ăn một gói mì trong ngày hôm đó. Đi làm về, tôi chuẩn bị đèn cầy để ra Đài Tưởng Niệm cố Tổng Thống Hoa Kỳ Lincoln (The Lincoln Memorial). Cùng đi với tôi cuối cùng chỉ còn có nhà thơ Thương Việt Nhân, một cộng sự của TBĐC. Thành phố Washington D.C vắng lặng. Sự ồn ào, nhộn nhịp thường ngày đã mất đi. Sự tang tóc hình như đang trùm phủ khắp nước. Chúng tôi lái xe qua những hàng cây, những toà lâu đài, cao ốc... và đến gần đài tưởng niệm. Những ánh đèn đường thường ngày sáng chói hôm nay tôi cảm thấy thê lương, ảm đảm và ủ dột. Những hàng cây hoa anh đào nằm dọc theo bờ hồ im lìm không một tiếng gió lay động. Tôi tự hỏi lòng mình: Ai đã xây nên lâu đài, thành quách, phố xá, dinh thự, nền văn minh tự do nhân loại cho tôi hôm nay đươc ngắm nhìn hưởng thụ? Ai đã xây dựng một đất nước phồn thịnh, hùng cường, vĩ đại nhất hoàn cầu để tôi được hít thở bầu không khí tự do? Ai đã đổ xương máu để hôm nay Hoa Kỳ trở thành một quốc gia giàu mạnh vào bậc nhất thế giới? Tôi đến đây như một người khách lạ được chiêm ngưỡng, được đón nhận, được ban cho... Và đêm nay, tôi cảm nhận được tình yêu đối với đất nước nầy quá lớn trong tim tôi. Tôi mang ơn đất nước và nhân dân Hoa Kỳ đã mở rộng trái tim và tấm lòng nuôi dưỡng, che chở cho những người Việt tha hương và tất cả các sắc dân trên thế giới. Hoa Kỳ, một đất nước vĩ đại và đầy nhân đạo xứng đáng để chúng ta yêu thương, chia xẻ và chết để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Hoa Kỳ.

Đêm nay giữa bầu trời đầy sao sa. Đài Tưởng Niệm cố Tổng Thống Lincoln đã khá đông người đến thắp nến. Tôi ngước nhìn bức tượng to lớn của Ngài mờ mờ dưới ánh đèn và có cảm giác khuôn mặt khắc khổ đau buồn của Ngài như đang cau lại giận dữ. Đôi vai Ngài như đang cúi xuống thấp hơn. Đôi mắt vô hồn của Ngài đang dõi nhìn về toàn thể nhân dân Hoa Kỳ để an ủi họ trong những giờ phút đau buồn. Đã có khoảng trên hai ngàn người đến đây thắp nến. Họ im lặng đứng từng nhóm, từ trên cao của Đài Tưởng Niệm đổ xuống hồ nước. Những cây nến lung linh soi sáng từng khuôn mặt lo âu và buồn. Chúng tôi đến một đám đông đang ngồi quây quần bên nhau. Ở giữa sân, họ cắm xuống những cây nến đang cháy sáng thành một vòng tròn. Aùnh lửa của hàng trăm cây đèn cầy lớn nhỏ, đủ kiểu, đủ màu hợp thành một đống lửa lớn. Trên tay họ cầm lá quốc kỳ, có người quấn quanh cổ một lá quốc kỳ rất lớn. Mọi người cùng hát quốc ca, hát những bản nhạc âm điệu trầm buồn và họ ôm nhau khóc thút thít. Họ động viên, an ủi nhau. Nhiều người nói lên cảm tưởng đau xót, tức giận và đồng thời liên kết nhau chống lại kẻ khủng bố. Càng về khuya gió càng lạnh và người đến càng đông. Các cơ quan truyền thông cũng bắt đầu đến để săn tin. Chúng tôi cắm hai cây nến lớn và một cây nến nhỏ xuống đất. Tôi nói nhỏ vào tai Thương Việt Nhân:

_ Anh cắm hết nến xuống đất đi. Hai cây nến to nầy đủ thắp sáng cho họ đến nữa đêm. Tôi hy vọng những ngọn nến đêm nay và nhiều đếm khác sẽ soi sáng giúp chúng ta tìm được kẻ thù còn ẩn núp trong bóng tối. Và những ngọn nến nầy, sẽ sưởi ấm những oan hồn chết tức tưởi trong cuộc khủng bố vừa qua.

Chúng tôi ra về vào lúc 10 giờ đêm. Đài Tưởng Niệm vẫn đông đúc. Thành phố lặng ngắt, u ám. Tôi vẫn cầu xin thượng đế ban cho nhân dân Hoa Kỳ sức mạnh để tìm ra cho được tên Osama Bin Laden, người cầm đầu nhiều cuộc khủng bố man rợ. Tôi còn nhớ năm 1993, hắn cho người đặt bom trên Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế làm chết sáu người và bị thương mười mấy người. Năm 1995, bọn chúng tổ chức một số tên khủng bố trong đó có một người Mỹ đã đặt bom phá sập toà nhà của chính phủ ở thành phố Oklahoma làm chết và bị thương mấy trăm người. Tháng 5, năm 1998 bọn khủng bố cũng đặt bom ở Toà Đại Sứ Mỹ tại Kenya and Tazania làm chết 224 người. Năm vừa qua, bọn chúng lại đặt bom trên chiếc tàu hải quân USS Cale ở Yemen làm chết 17 người. Tội ác của bọn khủng bố không thể tha thứ. Chúng ta không những lên án mà phải tìm cách bắt cho được tên Bin Laden. Đối với những quốc gia Ả Rập đứng trong bóng tối hổ trợ cho bọn khủng bố cũng phải được trừng trị thích đáng. Tên vua Taliban của Afghanistan, đã chứa chấp tên khủng bố và tạo điều kiện cho tên nầy thực hiện những phi vụ tấn công Hoa Kỳ và hăm dọa giết Tổng Thống George W. Bush, hắn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự việc trên. Sự chứa chấp trê trùm khủng bố quốc tế nguy hiểm từng giết hại nhiều người là một hành động chống lại nhân loại, đồng loã với tội ác. Tên Taliban không thể phủi tay và nói rằng tôi không hề dính líu với bọn khủng bố. Hy vọng, chính quyền Hoa Kỳ ra lệnh phong toả tiền bạc, tài sản của tên Bin Laden trong các ngân hàng và những ai có dính líu vụ khủng bố để đền bù cho gia đình các nạn nhân.

Trái tim nước Mỹ đã rạn nứt hay chính trái tim tôi cũng đang rạn nứt sau biến cố tang thương vừa qua. Tổng Thống George W. Bush đã chính thức chọn ngày thứ sáu 14 tháng 9 năm 2001 là ngày quốc tang của người Mỹ (National Day Of Prayer And Remembrance), để tưởng niệm những nạn nhân đã tử nạn trong cuộc khủng bố thảm khốc ở New York và Washington D.C trong ngày 11 tháng 9.

Một mùa thu ảm đạm, u buồn trên nước Mỹ... Xin gởi những giọt nước mắt thương tiếc, chia xẻ cùng đất nước và nhân dân Hoa Kỳ trên trang giấy hôm nay. Và hơn bao giờ hết, tôi có thể hét to lên "America In My Heart!..."

Phong Thu

Viết để tưởng nhớ cái chết thảm khốc của trên 5,000 nạn nhân bị khủng bố ở New York và Pentagon

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002