Đại Chúng số 82 - phát hành ngày 15/9/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


LỜI CHO CON

Phong Thu

Con yêu quí của mẹ,

Mới hôm nào đây con còn là một cô bé khóc nhè, đòi ngủ chung với ba mẹ và còn ôm bình sữa. Vậy mà giờ đây, con đã chuẩn bị lên lớp hai. Mấy tuần nay, con nôn nao nói với ba mẹ rằng con muốn ba mẹ dẫn con và bé Đậu Xanh đi chợ để mua giầy, vớ và quần áo chuẩn bị năm học mới. Con nôn nao muốn trở lại trường gặp lại bạn bè, thầy cô và con gái mẹ chờ đợi ngày khai trường.

Những ngày đầu tiên con vào Prechool Child Care Center của trường Montgomery College, cô giáo hơi lo vì con quá giàu cảm xúc. Con quan tâm đến bạn bè nhiều và thường hay khóc mỗi khi có một người bạn nào tỏ dấu không thích chơi với con hay giận dỗi. Con chưa dám trèo cao, chơi cầu tuột và nhảy nhót như những bạn cùng trang lứa. Mỗi lần ba đến gặp cô giáo, cô giáo hay nói rằng con không nói mà chỉ khóc thôi, con rất nhút nhát và hiền hậu rất đáng yêu. Cô giáo phát hiện con có năng khiếu đặc biệt về vẽ và con say mê bộ môn nầy hơn những trò chơi khác. Giữa năm, cô giáo vẫn còn lo về tình trạng hay khóc của con. Nhà trường cẩn thận mời một nhà tâm lý học đến nói chuyện với ba về cá tính và quá trình phát triển tâm lý của con. Ba hơi lo, nhưng sau đó càng ngày con càng thay đổi đi. Con không còn ở trong vòng tay của ba mẹ nhiều, thích học hỏi từ bạn bè và trở thành một đứa trẻ dạn dĩ, nhanh nhẹn. Con đã chuẩn bị để vào mẫu giáo của năm học 1999.

Năm đầu tiên con vào mẫu giáo, ba dẫn con đến trường. Cả đêm, con bi bô nói với mẹ về trường lớp mới. Con vẫn còn nhắc tên bạn bè cũ và các cô giáo trong trường Child Care Center, Montgomery College. Sáng hôm sau, mẹ dậy thật sớm. Mẹ chuẩn bị điểm tâm cho cả nhà và gói thức ăn cho con mang theo vào trường. Con cũng thức dậy sớm hơn thường ngày, tự đánh răng, rửa mặt và chải tóc. Mái tóc của con đã dài quá gần nữa lưng mà con không cho mẹ cắt ngắn đi. Mẹ phải buộc cao lên bằng một sợi thung màu xanh dương phía trên có một cánh hoa màu tím. Con thích mang đôi giầy trắng có in hình mấy chú kiến trong bộ phim thiếu nhi A Bug's Life do Disney sản xuất. Bộ phim mà con và bé Đậu Xanh say mê ngày đêm trong suốt mùa hè.

Sáng hôm ấy cũng vào thư như hôm nay, trời dịu dịu những cơn gió nhẹ. Mây bềnh bông trôi trên bầu trời nắng vàng hanh. Cây hoa Crepe Myrthy trước sân nhà mình hoa nở từng chùm lớn, hồng thắm nặng trĩu cành. Đâu đó, trong hàng kiểng bên hông nhà, mấy chú chim Sơn Tước đang hót ríu rít đón bình minh. Mẹ nhìn thấy đôi mắt con tươi vui, khuôn mặt hớn hở rộn ràng trong ngày đi học đầu tiên. Mấy hôm sau, ba đã mang hình đi rửa. Mẹ nhìn tấm hình con tươi cười trước cổng trường. Tấm hình đó thật đẹp làm lòng mẹ ấp áp và sung sướng. Năm đầu tiên của lớp mẫu giáo, con đã học đọc, viết, cắt, dán chữ a,b,c... Những mẫu tự đầu tiên để sau nầy con lớn lên, con sẽ có nền tảng căn bản tiếp thu văn hoá của đất nước Hoa Kỳ và con sẽ bước vào đời sống xã hội để học hỏi lịch sử, khoa học kỷ thuật văn hoá, văn minh của nhân loại. Cuối năm mẫu giáo, con đã để lại những ấn tượng tốt cho cô giáo và bạn bè. Những bức tranh con vẻ đều được cô giáo đem treo trên tường, hoặc cất vào trong những tấm bìa cứng. Con được khen thưởng một cái cặp màu đỏ có khắc hình con gấu.

Sang năm lớp một, con đã vượt xa ngoài sự mong ước của ba mẹ. Con bắt đầu múa hát, con mê trường lớp và không bao giờ muốn nghĩ học ở nhà. Con siêng năng vẽ hơn và thường thích nghe ba đọc sách mỗi đêm. Con chăm làm bài tập ở nhà và dành nhiều thời gian cho môn toán. Đôi lúc, con mê chơi, xem ti-vi hơi nhiều và thích chơi game trên computer nên mẹ luôn nhắc nhở. Ba thì hiền hậu và chiều chuộng con nên muốn cho con được tự do. Mẹ lại khác, mẹ muốn con dành nhiều thời gian học hành hơn vui chơi. Những bài toán khó, con luôn cố gắng làm và nhớ rất nhanh. Kết quả, học kỳ một con đã đạt điểm tối ưu. Trong cuộc triển lãm tranh tại trường Elementary School Takoma Park, ba chú ý một bức tranh sơn bằng màu nước rất ngộ nghỉnh có nền xanh da trời chỗ đậm, chỗ nhạt. Bức tranh được chấm phá thêm vài đám mây màu trắng đang trôi lang thang, một thân cây màu đen trơ trọi lá và hai chú chim một sơn màu cam có đôi cánh xanh dương đậm, một chú mình đen cánh trắng đang trò chuyện với nhau. Bức tranh nỗi bậc hẳn lên khiến cho ba thầm khen. Nhưng điều làm cho ba vui sướng và hãnh diện là bức tranh đó tác giả lại chính là con. Cô giáo dạy vẽ trao bức tranh cho ba đem về treo trong phòng của con với nhiều lời khen tặng. Cô giáo nói rằng khi bà đã học lớp sáu, bà vẫn chưa thể nào biết cách pha màu và vẽ lạ như vậy. Và cuối năm học, giấy nhà trường gởi về nhà thông báo tất cả các bộ môn của con đều mang chữ S (supper) và O (outstanding). Cô giáo và nhà trường đã phê trong giấy báo nói rằng con là một học sinh rất chăm, giỏi và ngoan. Đó là phần thưởng lớn nhất mà con đã dành cho ba mẹ.

Năm nay, mùa mưa đến sớm hơn mọi năm. Những ngày chớm thu, sương mù bao phủ vào buổi sớm mai. Mẹ đã nhìn thấy nhiều chiếc lá trong vườn đang chuyển sang màu vàng nhẹ. Những chùm hoa cúc vàng mà mẹ và con mình trồng hồi đầu thu năm ngoái đã ươm nụ và bãi cỏ xanh quanh nhà đã bắt đầu héo úa. Mùa thu đang đến và mời gọi những cơn mưa thu dai dẳng lành lạnh giăng kín bầu trời. Tiếng ve không còn rộn rã vào cuối thu và đến hôm nay hầu như đã thưa dần. Ve sầu đã đi ngũ một giấc dài chờ đợi hè sang. Cả tuần nay, mẹ ít thấy bầu trời có nắng sớm. Nhiều ngày mẹ đi làm, sương mù che kín lối đi vì đêm qua mưa suốt đêm. Mặt trời đã bị một đám mây xám vắt ngang chia ra làm hai mảnh đỏ hồng lơ lửng giữa trời cao còn ngậm sương đêm. Mùa thu ở đây dù có khác thường đôi chút hoặc có vài trận bão nhỏ nhưng luôn bình yên. Trong khi đó, ở quê hương của mẹ mùa nước lủ lại đến. Con làm sao hiểu được nỗi lòng của mẹ khi hay tin trận bão cuối năm 1999 và trận bão vào tháng 9 mùa thu năm 2000 đã tàn phá quê hương mẹ như thế nào. Có bao nhiêu đứa bé tuổi bằng con đã chết trôi trong dòng nước lũ? Có bao nhiêu đứa trẻ mồ côi mất cả cha lẫn mẹ và có bao nhiêu đứa trẻ không còn trường lớp hoặc không thể đến trường? Học phí ở Việt Nam, một đất nước nghèo nhất nhì thế giới lại đóng tiền niên liễm đầu năm cao nhất thế giới thì tiền đâu con nhà nghèo được đi học. Tuần vừa qua, ba mẹ nghe đài phát thanh nói về Miền Tây Việt Nam lại bị nước ngập. Dòng Mê Kông nước dâng cao khiến đồng bằng sông Cửu Long Miền Nam chìm trong biển nước. Đã có ít nhất 28 người chết, làm 57,000 ngôi nhà ngập nước, 8,000 gia đình với 40,000 người phải bỏ nhà cửa đi tránh lụt. Ngoài ra, còn có hơn 798,000 gia đình nữa cũng di tản. Trong lúc ấy, có khoảng hơn 150,000 người đang cần viện trợ thực phẩm. Hậu quả của trận lũ lụt năm nay cũng khủng khiếp không kém những năm trước.

Mẹ vẫn còn nhớ mãi bài học thuộc lòng từ ngày còn học tiểu học:

Miền Trung bị bão lụt

Người, vật, của tiêu hao

Em nghe mẹ khuyên bảo

"Con nên giúp đồng bào"

Em soạn chiếc áo ấm

Vội vả gởi ra Trung

Chiếc áo không đáng giá

Nhưng gói gọn tình thương.

Bài học nầy mẹ đã làm hành trang vào đời và không bao giờ quên. Chữ tình thương tuy đơn sơ nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu xa và cao cả. Tình thương luôn là hạt giống tốt nhất nẩy mầm trong những tâm hồn cao quý. Tình thương còn là sự chia xẻ của những người trong một gia đình, giữa ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè, làng xóm v..v... Tình thương còn bao trùm trong xã hội, quốc gia và rộng lớn hơn là thế giới. Nơi nào có tình thương nơi đó thù hận, ganh ghét, tranh chấp, tham vọng, chiến tranh... sẽ tàn lụi không có đất để sinh sôi nẩy nở. Do đó, khi ta có cơm ăn áo mặc hãy chia xẻ chén cơm manh áo với người cùng khổ. Khi ta thấy kẻ hoạn nạn, phải đưa một cánh tay ra nâng đỡ. Thời gian gần đây, mẹ rất đau buồn khi biết rằng, hiện nay tình thương và lòng nhân của bà con hải ngoại đã bị lợi dụng. Một số người dựa vào sự khốn khổ, đói khát của người dân Việt Nam trong nước để quyên góp tiền với nhiều chiêu bài khác nhau. Và số tiền đó, đã không được đến tay các nạn nhân trọn vẹn như nguyện ước của người dân. Và đáng buồn hơn là hiện nay, dù miền đồng bằng sông Cửu Long bị lụt lớn, nhưng không còn ai dám đứng ra quyên góp tiền cứu trợ nạn lụt và không ai còn muốn cho tiền để cứu lụt. Vậy làm sao có thể cứu những đứa trẻ như các con thoát khỏi đói khát và làm sao các em có thể cấp sách đến trường? Ai nhân danh Thiên Chúa, nhân danh Đức Phật để rồi làm chuyện bất nhân thì tội đó sẽ bị Thượng Đế trừng phạt. Mẹ không phải là người ngoan đạo. Mẹ không thường xuyên đưa các con đến nhà thờ để cầu nguyện và xin tha thứ tội, nhưng hành động và việc làm của mẹ luôn ngay thẳng và lương thiện. Mẹ luôn nghĩ rằng khi ta làm điều tội lỗi thì không có ai, không một người nào trên nhân thế nầy có thể rửa sạch được tội lỗi đó. Những dòng tâm sự nầy mẹ nói với con hôm nay, là để mai sau, khi con đủ trí khôn, đủ tri thức, con sẽ nhận thức được đầy đủ sự công bằng của thượng đế.

Ngày khai trường đã đến, mẹ đã chuẩn bị cho con một đôi giầy mới, một chiếc áo đầm xanh lơ có viền hoa màu vàng quanh cổ. Mẹ thấy nụ cười của con hồn nhiên và vui sướng. Khi nhận được lá thư của cô giáo mới gởi đến, con đã giục mẹ đi mua một tấm thiệp phúc đáp gởi cho cô. Con đã viết những lời cảm ơn đối với sự quan tâm của cô đối với con. Đó là lễ nghĩa trong tình thầy trò mà mình phải giữ gìn trong những năm tháng còn đi học và khi đã thành nhân. Đó cũng là truyền thống đạo lý của người Việt Nam mà mẹ muốn con phải ghi nhớ.

Ngày xưa, khi ông ngoại qua đời, mẹ mới bắt đầu rời những bãi chiến hào, những lổ châu mai, những căn hầm sâu trong lòng đất, theo bà ngoại trở về thành thị sống yên ổn và bắt đầu được đi học. Khi mẹ đến trường, mẹ đã quá tuổi mẫu giáo nên phải vào lớp một. Mẹ đã học chữ i, tờ bằng cách vẽ trên cát ướt trong những trại lính, đàng sau dãy hàng rào dây thép gai sau những cơn mưa. Vợ con của những người lính trận không bao giờ có cuộc sống bình yên và no đủ. Sự thiếu thốn đói khát trăm bề trong những tiền đồn heo hút mà mạng sống chỉ là một sợi tơ trời mong manh. Cả gia đình mẹ không ai được phép đến trường và không thể đi học trong những trường xa trại lính. Chiến trường luôn sôi động và liên túc bị cộng sản bao vây. Cộng sản sẽ bắt bớ vợ con của lính tra hỏi lôi thôi và có khi bị thủ tiêu. Mẹ đã từng bị cộng sản giam giữ suốt ngày, đói khát trong một căn chòi nhỏ khi đi cùng người chị hai và đứa em trai tìm mua bánh tráng trong làng ăn để s?ng cầm hơi. Có lẽ những người từng quyền cao chức trọng, lên xe xuống ngựa trong chế độ MNVN, con cái họ không lầm than, khốn khổ như mẹ. Ông ngoại mười năm đi lính là mười năm đánh trận. Sau những cuộc hành quân, ông trở về mới biết ông còn sống hay đã chết. Những năm chiến tranh, dù ông ngoại là con trai độc nhất của gia đình (không có anh em) nhưng ông không thèm giải ngũ, sống đời nhàn hạ như kẻ khác. Có lẽ ông đã chứng kiến cảnh tàn ác của bọn CS ở tại quê nhà mà sinh lòng oán ghét và một lòng chiến đấu bảo vệ tự do cho Miền Nam.

Khi ông ngoại vĩnh viễn nằm xuống, mẹ chưa bao giờ được ai ngồi gần bên cầm tay dạy viết, đọc hay học toán. Bà ngoại vì sinh kế, bôn ba lo cho một đàn con bốn đứa nên cũng không còn thời gian chăm lo cho mẹ. Mẹ lớn lên, trưởng thành nên người, bằng chính nghị lực của mình. Chỉ có khi nào chúng ta hiểu được giá trị của cuộc sống, thì chúng ta mới có thể phấn đấu cho một cuộc sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Con yêu dấu, đêm nay gió lạnh nhiều. Mùa thu bàng bạc trong hơi thở của cỏ cây hoa lá, của đất trời. Mùa thu bềnh bồng trong tâm hồn mẹ, để mẹ hình dung lại ngày khai trường của những ngày thơ ấu xa xưa. Sáng mai con đến trường để chuẩn bị năm học mới, mẹ muốn gởi vào trang giấy nầy tình yêu thương vô bờ của mẹ và hàng ngàn nụ hôn trên khắp thân thể bé nhỏ của con. Mẹ hy vọng con đi vào đời sẽ có bàn tay rắn rõi của ba nâng đở, sẽ có trái tim đầy yêu thương của mẹ trùm phủ đời con. Con sẽ có tuổi thơ tràn đầy tình thương và hạnh phúc trên một đất nước phồn thịnh và yên bình. Những hạnh phúc đó con hãy ban phát, chia xẽ lại cho những ai bất hạnh không có mẹ cha. Và may sau, khi con trưởng thành, con hãy giữ gìn những may mắn đó làm nền tảng cho cuộc đời mình.

Hôn con thật nhiều.

Viết cho hai con yêu dấu của mẹ

Phong Thu

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002