Đại Chúng số 82 - phát hành ngày 15/9/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


HÃY DÀNH MỘT ÍT THÌ GIỜ ĐỂ NGHỈ NGƠI

Hoàng Trọng Thụy

Một bài báo của một nhà báo Mỹ tên Diane Cameron với tựa đề: "Hãy dành thì giờ rời chỗ làm mà vui một chút", đã làm cho tôi chú ý đến nhiều. Bà Diane Cameron hiện là một nhà báo hành nghề tự do, bài của bà xuất hiện trên nhiều trang trên báo chí Mỹ. Bài viết của bà nhằm kêu gọi những ai quá bù đầu vào công việc nên dành ít thì giờ để nghỉ ngơi và vui chơi.

Tôi đọc và cảm thấy mình phải đặt câu hỏi cho chính mình vì chúng ta có lấy giờ nghỉ để đi chơi hay không khi mà công việc của chúng ta ngày nay tại một xứ sở văn minh và giàu có như ở Hoa Kỳ đã làm cho con người ngày càng bận rộn hơn lên. Trong một cuốn sách tự giúp bản thân mang tựa đề "Tiền của bạn hay đời sống của bạn", cho rằng đa số chúng ta đã bỏ ra quá nhiều thì giờ để làm việc với hy vọng chúng ta sẽ dư dả để dùng tiền mua nhiều thứ để hưởng thụ hoặc làm những việc thỏa mãn cá nhân. Mặc dù có người biết rằng điều này không đúng cho lắm nhưng chúng ta không làm gì để sửa đổi mà trái lại ngày càng lún sâu vào chỗ làm việc, làm việc và làm việc. Nhìn vào đời sống của những bè bạn chung quanh chúng ta sẽ thấy được thực tế của sự bận rộn đời sống của họ như thế nào. Phản ảnh đúng con số thống kê về việc làm của người dân Hoa Kỳ. Hiện nay họ làm nhiều hơn là nghỉ. Hết việc ở sở lại đến việc ở nhà, hết việc nhà đến việc bạn, đến việc cộng đồng, chưa kể việc của bản thân. Có một ông bạn cho tôi hay ông ta bận rộn đến nỗi vào hai ngày cuối tuần cũng không có thì giờ để ngồi yên một chỗ xem một cuốn phim hay hay đi dạo một vòng vùng ngoại ô. Nhưng dù vậy đời sống của ông ta vẫn tiếp tục quay quanh việc làm, và mặc dù chúng ta biết rằng nếu thực sự chúng ta muốn lấy một thì giờ nghỉ ngơi hay vui chơi nào đó cũng có thể được, nhưng chúng ta không muốn hoặc không nghĩ tới. Chúng ta quá bận rộn với công việc, với chuyện kiếm tiền, với chuyện trách nhiệm...

Tại Anh quốc năm 1914 như một nỗ lực của diễn biến chiến tranh, chính phủ Anh muốn mọi người phải làm việc 7 ngày một tuần. Kết quả là mức sản xuất không tăng ngược lại còn giảm, hiệu năng của công việc cũng giảm theo. Khi nhận thấy làm việc 7 ngày không mang lại kết qua mong đợi, chính phủ bằng lòng giảm xuống 6 ngày, cho nghỉ ngày Chủ Nhật, sau đó lại giảm thêm cho nghỉ luôn ngày thứ Bảy. Kết quả thật không ngờ là hiệu năng công việc gia tăng, đồng thời kết quả sản xuất hàng tuần lại gia tăng như mong đợi. Chính phủ Anh quốc đã học được một bài học lịch sử là Mức Sản Xuất không chỉ là bao lâu một người làm việc mà còn là bao lâu mà họ được nghỉ ngơi và vui chơi. Làm việc có hiệu quả cũng đồng nghĩa với nghỉ ngơi phải có hiệu quả. Nhưng biết là vậy những chúng ta hãy thử đặt một câu hỏi ngay với chúng ta xem sao, có thật là chúng ta biết nghỉ ngơi hay không?

Chúng ta làm nhiều giờ hơn, ở lại chỗ làm trễ hơn, kiếm thêm việc để làm, thậm chí nếu có nghỉ hè thì cũng có người mang theo sổ sách, điện thoại cầm tay, máy Laptop hay máy điện toán cầm tay theo. Nhưng trong lúc làm việc thì chúng ta lại than thở rằng phải chi chúng ta được nghỉ ngơi đầy đủ hoặc được đi đây đi đó. Vấn đề ở đây không phải là chúng ta không có tiền, nhưng chúng ta không dám bỏ việc làm để đổi lấy một thời gian nghỉ ngơi cho đúng nghĩa. Nhiều người còn có cảm giác tội lỗi khi đi nghỉ hè trong khi còn quá nhiều việc phải làm ở nhà hoặc ở sở. Điều này được phản ảnh qua một câu chuyện dân gian: Một người đàn ông vừa qua đời, thấy mình hiện ra ở một chốn lạc thú, đầy đủ hương hoa cỏ lạ và đủ các trò chơi. Một người gác cổng cho biết ông có thể tìm đủ các hương hoa cỏ lạ ở chốn này, thức ăn, trò chơi, giải trí... Trong suốt nhiều ngày tháng, người đàn ông này trải qua đủ những thứ mà ông ta chỉ có thể mơ thấy khi còn ở dương trần. Nhưng đến một ngày nọ ông đến người gác cổng và hỏi: Tôi chán quá rồi, anh có gì để cho tôi làm không, việc gì cũng được. Người gác cổng lắc đầu và nói: Xin lỗi ông, việc làm là điều mà ở đây chúng tôi không thể cung cấp cho ông được. Người đàn ông nghe vậy mới buộc miệng: Biết thế thì chỗ này chẳng khác gì địa ngục. Nghe thế người gác cổng mới nói: Ủa! vậy từ trước đến nay ông tưởng ông đang ở đâu?

Nhà tâm lý học Mihaly Czikszentmihalyi nghiên cứu về công việc và nhân công trong suốt 20 năm trời, ông mô tả điều gọi là sự nghịch lý của thú vui hay Paradox of Leisure, cho biết trong hầu hết các nghiên cứu những người được hỏi đều cho biết rằng thời gian làm việc giúp cho họ cảm thấy hữu dụng và tạo ra sự thỏa mãn cá nhân nhiều hơn là thời gian nghỉ ngơi. Tuy nhiên tất cả những người này đều cho rằng họ muốn có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn vì họ làm việc nhiều quá. Chắc trong chúng ta ai cũng lâm vào trường hợp này.

Trong chúng ta những người bận rộn, có bao giờ chúng ta dám "take a vacation" hay không? Hãy thử nghỉ một tuần xem sao, liệu có chết ai không. Chính phủ Pháp rất nghiêm túc trong việc người dân của họ được nghỉ hè. Ở các công xưởng, nhà máy công ty, ban quản trị luôn đốc thúc công nhân nếu có điều kiện nên nghỉ hè và nghỉ cho đầy đủ. Nhiều người bên Pháp cho chúng tôi biết đời sống bên Tây mặc dù bận rộn không kém gì ở Mỹ, nhưng đến mùa Hè hoặc có điều kiện để nghỉ hè thì người dân luôn xử dụng thật đầy đủ thời giờ của mình. Trái với Hoa Kỳ, một ông anh bạn của chúng tôi làm việc cho một hãng Mỹ đã 20 năm, anh cho biết là anh có đến 3 tháng nghỉ hè nhưng đến giờ vẫn không lấy time off, anh ta sợ nghỉ hè tốn tiền và chẳng biết đi đâu để nghỉ hè, rốt cuộc thì anh ta lại tiếp tục làm việc.

Bài báo của bà Diane Cameron làm người đọc chợt nghĩ đến thời gian nghỉ ngơi của mình, nhưng nghĩ là một chuyện còn làm được hay không là chuyện khác, nhưng ít nhất những ai biết được rằng làm việc nhiều quá chỉ có hại chứ không lợi về lâu về dài sẽ tìm cách để tìm cho mình một giải pháp bằng cách dành thời gian để nghỉ ngơi cho thật đúng mức. Mùa hè cũng đã chấm dứt nhưng đi du ngoạn một chuyến ở bất cứ nơi nào trên thế giới trong thời gian này vẫn chưa phải là muộn phải không thưa quí vị độc giả?

Hoàng Trọng Thụy

Cuối Hè 2001

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002