Đại Chúng số 81 - phát hành ngày 1/9/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


Hương Sắc Quê Mình

NỮ SĨ ĐOÀN THỊ ĐIỂM

(1705 - 1746)

Biệt hiệu Hồng Hà nữ sử, người xã Giai Phạm, huyện Văn giảng, tỉnh Bắc ninh, Bắc Việt, sinh dưới triều Lê (1705) cùng thời với cống Quỳnh và Đặng Trần Côn.

Bà nguyên họ Lê, đến đời thân phụ là Lê Doãn Nghi mới đổi ra họ Đoàn. Tư chất thông minh, học một biết mười, bà nổi tiếng văn chương ngay từ khi còn nhỏ. Mới lên sáu, đã học sách Hán cao tổ. Anh ruột là Đoàn Doãn Luân ra một câu đối để thử sức học của em:

Bạch xà đương đạo, Quý bạt kiếm nhi trảm chi.

Rắn trắng ngang đường, ông Quý (tên vua Hán cao tổ) tuốt gươm mà chém nó.

Bà đối ngay:

Hoàng long phụ chu, Vũ ngưỡng thiên nhi thán viết

Rồng vàng đội thuyền, vua Vũ trông trời mà than rằng...

Năm 15 tuổi, học vấn tiến lên đến mức uẩn súc. Một hôm, ông Luân xuống ao rửa chân, thấy em đương soi gương bên cửa sổ, bèn nói:

Đối kính họa my, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm.

Soi gương kẻ lông mày, một nét hóa ra hai nét.

Điểm là nét vẽ, lại là tên, ý nói soi gương, một nàng Điểm thành hai nàng Điểm.

Bà ứng khẩu đối ngay:

Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân

Tới ao ngắm trăng, một vầng hóa hai vầng.

Luân là ví mặt trăng tròn như bánh xe, lại là tên. Ý nói nhìn xuống ao, một ông Luân hóa ra hai ông Luân.

* * *

Bấy giờ ở kinh đô có bốn danh sĩ thường được tôn là Tràng an tứ hổ:

-Nguyễn Duy Kỳ, người Thủy nguyên, Kiến an;

-Trần Danh Tân, người Cổ am, huyện Vĩnh bảo, Hải dương;

-Nguyễn Bá Lân, người Cổ đô (l);

-Vũ Toại người Thiên lộc

Bốn người rủ nhaư tới nhà bà Điểm để so tài, Bà ra một câu đối:

Đình tiền thiêú nữ khuyến tân lang

Trước sân, thiếu nữ mời ăn trầu.

Tân lang là trầu cau, cùng âm với tân lang là chàng rể mới.

Bốn hổ Tràng an không đối được, tiu nghỉu cúp đuôi về.

* * *

Một hôm, bà gặp Nguyễn Công Hãng ở giữa đường Nguyễn vốn là đanh sĩ, người xã Phù chẩn, huyện Đông ngàn, tỉnh Bắc ninh, đỗ tiến sĩ năm 1700, có sang sứ Tàu năm 1718. Nguyễn yêu cầu bà làm hai câu tả cảnh độc hành (đi một mình). Bà ứng khẩu đọc luôn:

Đàm đạo cổ kim tâm phúc hữu

Truy tùy tả hữu cổ quăng thần

(Đàm đạo chuyện xưa nay thì có bạn gan ruột. Theo đuổi mình, bên trái, bên phải, có bày tôi chân tay).

* * *

Niên hiệu Long đức 3, 1734, đời Lê Thuần Tông, vua Tàu sai sứ sang tuyên phong, bà dùng vãn chương mà áp đảo được đại diện của "thiên triều". Từ đấy,  bà lừng danh khắp trong nước.

Đặng Trần Côn, người làng Nhân mục, huyện Thanh trì, tỉnh Hà đông (Bắc Việt), một hôm cao hứng, đưa tặng bà một bài thơ, bà cười nói:

_ Trẻ con mới cắp sách đi học, đã biết gì?

Đặng hậm hực ra về, thề quyết học cho thành tài, sẽ đến rửa hận. Gặp lúc chúa Uy nam vương Trịnh Giang cấm đốt lửa trong thành ban đêm, Đặng phải đào hầm dưới đất, để thắp đèn xem sách. Công phu dùi mài này giúp Đặng mấy năm sau thi đỗ thái học sinh, nổi danh uyên bác. Đặng soạn cuốn Chinh phụ ngâm bằng Hán văn, lấy làm đắc ý, tìm đến trao bà Điểm xem, tin chắc lần này bà không chê nữa. Quả nhiên bà khen hay, và dụng tâm dịch ra quốc âm thành một áng văn tuyệt diệu (2)

Dường như bà cũng nhân bản dịch này mà gói ghém đôi lời thầm khen tài Đặng, để chữa lại sự hắt hủi khi trước, nên hai câu kết của Đặng

Tương hội, tương kỳ, tương ký ngôn

Ta hồ! trượng phu đương như thị

theo nghĩa là: Cùng gặp gỡ, hẹn hò, cùng gởi lời thiếp mong mỏi. Than ôi, trượng phu nên như thế, bà đã dịch:

Ngâm nga, mong gởi chữ tình

Dường này âu hẳn tài lành trượng phu!

Hai chữ tài lành bà thêm vào như để nhắn tin cho ai, thật là ý nhị, chắc họ Đặng xem cũng phải lấy làm hả lòng.(3)

Gần 30, bà về làm thứ thất thượng thư Nguyễn Kiều, tự Hao Hiên, người làng Phú xá, huyện Từ liêm (nay là phủ Hoài đức, Hà đông). Tuy là phận tiểu tinh, nhưng bà cũng được yêu vì kính trọng. Nguyễn Kiều sinh năm 1695, đậu tiến sĩ năm 21 tuổi, nổi tiếng hay chữ, được các đại thần đương thời khâm phục, nên sinh lòng tự phụ, không coi ai ra gì. Bà Điểm thấy vậy bèn sai học trò đi chép đầu bài ở các trường cô tiếng mang về. Rồi đó, hai vợ chồng cùng làm mỗi người một bài. Đến lúc đem bình thì bài của ông Kiều thua, nhưng ông vẫn cố cãi bướng không chịu.

Bà Điểm vẫn kiên tâm chờ cơ hội để ngầm khuyên chồng. Gặp lúc trường Quốc tử giám mở kỳ thi, có các bậc văn nhân nổi danh chấm bài, đầu đề ra là bài phú Quốc Gia Như Kim Âu (Nhà nước vững như âu vàng), bà lại rủ chồng cùng làm mỗi người một bài. Kết quả bài của bà lời khéo ý đẹp, tứ chặt và đủ, hơn hẳn bài của ông Kiều. Bấy giờ ông Kiều mới tỉnh ngộ, biết tài của mình không bằng vợ. Từ đó hai vợ chồng hòa hợp, ngày ngày cùng nhau làm thơ, bàn chuyện cổ kim rất là tương đắc.

Năm 1746, Nguyễn Kiều được bổ đi trấn nhậm tỉnh Nghệ an, bà theo vào, giữa đường nhuốm bệnh, vừa đi đến Nghệ an thì tạ thế, thọ 41 tuổi.

Lãng Nhân

------------------

Chú thích:

(l). Xem Nguyễn Công Hoàn, trang 89, Giai Thọai làng Nho.

(2). Ông Hoàng xuân Hãn cho rằng bản dịch Chinh phụ ngâm thương truyền là của bà Điểm, chính ra là của Phan Huy Ích. Song xét lời văn uyển chuyển nhẹ nhàng hợp với giọng điệu nữ giới hơn là nam giới. Vả chăng luận cứ của ông Hãn không vững lắm:

a) bản nôm của Phan Huy Ích hiện chưa tìm ra, Gia phả họ Phan chỉ nói có bản dịch được truyền tụng, mà không có di cảo.

b) ngoài bản dịch Phan Huy Ích còn có bản Nguyễn Khản cũng chưa tìm ra.

c) bản nôm mà ông Hãn tìm được, khác với bản Đoàn Thị Điểm, trên có dề hai chữ "nữ giới" song giới đây là khuyên răn, chứ không phải nghĩa "nữ lưu" như ông Hãn lầm tưởng.

3. Bản dịch "Chinh Phụ" của bà Điểm át cả nguyên văn chữ Hán. Nguyên văn của Đặng Trần Côn không phải là kém hay, song chúng tôi thấy họ Đặng, trong sự phô trương tài học uẩn súc, đã mắc phải cái tật dùng điển Tàu mà không nghĩ đến vị trí của mình là người Việt, Ông có thể khen Mã Viện: Trượng phu thiên lý chí mã cách (Chí làm trai, dặm nghìn da ngựa) nhưng chúng tôi không thể khen sự anh dũng của tướng Phục Ba trong công cuộc tiến đánh Hai Bà, ở đất Việt Nam mà ông theo người Tàu gọi là nơi man rợ: Tiếu hướng Man Khê đàm Mã Viện. Bà Điểm dường như cũng thấy câu này hơi quá, nên đã dịch một cách lỏng lẻo: Tới Man Khê bàn sự Phục Ba.

Khen công Mã Viện, ta hãy để cho người Trung Hoa. Còn chúng ta nên cùng ý với ông Hải Nam thì phải hơn:

Mặc kẻ chép công, ta chép oán: công riêng ai đó, oán ta chung...

Lãng Nhân

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002