Đại Chúng số 81 - phát hành ngày 1/9/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


Giới thiệu thi phẩm "Thơ Kỉnh Chỉ"

ĐƯỜNG NÉT LÃNG MẠN VÀ PHONG CÁCH ĐA TÌNH TRONG
"THƠ KỈNH CHỈ"
(1)

Phụng Hồng

Người đời thường có định kiến cố hữu với các nhà thơ cổ điển. Và hay nhận xét thơ văn các cụ xưa mẫu mực khô khan quá, không có chất tươi ướt át gợi cảm. Ví dụ như tả nỗi nhớ nhung người yêu xa vắng đã ngủ giấc ngàn thu thì:

"Đập cổ kính ra tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại để dành hơi." (Vua Tự Đức khóc Bằng Phi)

Hay khi đề cập đến tỏ tình trai gái thì nói bóng bẩy:

"Tình trong như đã, mặt ngoài còn e." (Nguyễn Du)

và:

"Tiếc thay chút nghĩa cũ càng,

dẫu lìa ngỏ ý còn vương tơ lòng." (Nguyễn Du - Truyện Kiều)

Đến như nàng cung phi muốn than vãn ai oán tình yêu lạnh nhạt hờ hững của vua thì cũng phải nói ví von xa gần một cách gián tiếp cho có văn hoa, điển tích:

"Giết nhau chẳng cái lưu cầu,

Giết nhau bằng cái u sầu, độc chưa?" (Ôn Như Hầu - Cung Oán Ngâm Khúc)

Hoặc nếu muốn tả người đẹp thì phải nói ẩn dụ, so sánh một cách cầu kỳ (Họa vân kiến nguyệt # Vẽ mây thấy trăng), chứ không được nói trực tiếp vào chủ đề:

"Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình"

 Thế thôi. Nhưng đối với Kỉnh Chỉ (2) thì không thế. Trước đây, tôi đã, với tư cách là một kẻ hậu học, viết một bài giới thiệu những nét đan thanh trong thi phẩm "Thơ Kỉnh Chỉ" với cái nhìn tổng quát qua lăng kính khách quan. Nhưng sau những lần đàm đạo với các bậc thâm nho, như người tầm sư học đạo, tôi thấy thơ của Người vẫn có những nét đặc thù đầy chất tươi, không kém gì thơ văn hiện đại với trường phái tân thời hiện thực. Trong thơ Kỉnh Chỉ, người ta đã thấy nhiều nét tả chân hơn. Cái thời tỏ tình trong Truyện Kiều của Nguyễn Du như:

"Bóng Nga thấp thoáng dưới mành,

Trông chàng, nàng cũng ra tình chơi vơi."

xa xưa đã không còn nữa. Kỉnh Chỉ vẫn lãng mạn trữ tình. Vẫn thướt tha bay bướm. Càng đi sâu vào khía cạnh tâm lý, tôi càng thấy thơ văn Người lồng lộng quá. Yù thơ của Người thanh thoát bay bổng tận trời cao mà tôi thì quá thấp hèn. Tứ thơ của Người trải rộng phóng túng mà trí hiểu biết của tôi lại hạn hẹp quá. Giòng thơ của Người nhẹ nhàng chảy xiết như thác trường giang vô tận mà tôi chỉ là kẻ càng bơi hoài càng đuối sức vì giòng nước cuốn phăng phăng, theo không kịp. Vườn thơ của Người mênh mông quá, càng đi sâu vào càng lạc lối. Ta hãy để lòng lắng xuống mà nghe những "tiếng lòng" của Tiên Sinh trong Thơ Kỉnh Chỉ (TKC).

"Lại mở tiệc động phòng hoa chúc

Rót sâm banh mà hát khúc giao duyên." (Coi Cải Lương Mới - phân đoạn 2, TKC, Trang 251)

Đây là tiếng lòng tả chân của thi nhân  khi nhắc đến cuộc tình trăm năm của đôi uyên ương lúc tuổi đã xế chiều:

"Khéo vương vấn mãi vòng tơ thắm

và: Càng chứa chan thêm giọt lệ hồng" (Thương như không nhớ cũng như không, phân đoạn I, TKC, tr. 249)

Thi nhân tả cảnh giao tình với cô hàng hoa:

"Người vì sắc nước dừng chân lại,

Kẻ quý hương trời bỏ bạc ra."(Vịnh Cô Hàng Hoa, TKC, tr. 246)

Rồi thi nhân chợt nhớ đến người yêu Tuyết Ngọc xa xăm trong cõi hồng trần ở giây phút chạnh lòng:

"Tuyết Ngọc bây giờ em ở đâu?

...

Gần gũi đôi khi nhờ giấc mộng

Xa xôi ngàn dặm ứa giòng châu." (Nhớ Tuyết Ngọc, TKC, tr. 244)

Nỗi nhớ rất bình dân. Mới đọc qua ta có cảm tưởng tác giả là một thanh niên không phải là người tuổi tác như  Tiên Sinh mà là một thi sĩ đa tình một thời đang lên đứng trồng cây si trong ngày Hội Hoa Anh Đào ở "Xứ Hoa Đào" có "Bài Thơ Hoa Đào" diễm tuyệt với người đẹp tuyệt vời. Còn gì lãng mạn hơn những vần thơ trữ tình hiện thực:

"Nhụy vàng ít rã cơn mưa đổ,

Cọng lục không oằn trận gió xao."

...

"Thanh cao chẳng khác lòng quân tử,

Diễm lệ chi nhường mặt mỹ nhân." (Vịnh Hoa Sen, phân đoạn 2&3, TKC, tr.240)

Qua đến những "vần thơ hoài cổ" thật mới và đầy lãng mạn tính:

"Ly tao lời hát hờn vong quốc,

Thu hứng vần thi nhớ cố hương." (Tiếng Lòng, TKC, tr. 237)

Phải chăng tiếng lòng của Tiên Sinh đã nấc lên giữa một khung trời nhớ nhung "chạnh lòng cố quốc nghĩ mà đau"?

Ở một tình huống khác, Tiên Sinh tuy còn trên trần tục mà mơ cảnh Đào Nguyên huy hoàng có người đẹp như ngày xưa cổ nhân đã từng "vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương":

"Trướng gấm mơ màng hồn Thiếu Nữ,

Non Bồng mường tượng bóng tiên nga." (Đào nguyên lạc lối đâu mà đến đây TKC, 236)

Và:   " Rừng phong dặm khách như buồn bã,

Khóm liễu đài chương ngó ngỡ ngàng." (Thu ơi ai nhuộm lá thu vàng, TKC, tr. 221)

Để rồi cuối cùng "lá rụng về cội", bao giờ Tiên Sinh cũng không quên Huế là chốn hoàng thành đế đô cổ kính, miền sông Hương núi Ngự ngàn đời thơ mộng với những nàng thôn nữ chất phác, thật thà hiền lành:

"Yêu em níu áo dằng em lại,

Chợ có trưa thì mặc chợ trưa." (Thiếu Trai đưa Tuyết Ngọc vô Huế, TKC, tr.67)

Với nỗi nhớ quê nhà của người lữ khách khi hoàng hôn xuống:

"Nhớ chị chèo đò, o bán hến." (Nhớ Huế, TKC tr. 80) (3)

Vâng, đúng lắm. Tình yêu lãng mạn và đa tình của người trai xứ Huế - mà biểu tượng đã thoát ly qua nét bút tài hoa của Kỉnh Chỉ Phan Văn Hy- là thế đó. Chứ không phải như một số người đã lầm tưởng họ "Vô duyên lạ, yêu ai thì không chịu nói, tỏ tình thì mần răng mà người ta biết được ...(???!!!). Thật vô tình, nhà thơ Kỉnh Chỉ đã trả lờ dùm và biện hộ cho họ rồi. Yù thơ trẻ trung của Kỉnh Chỉ thuộc lớp người đi trước đã làm cho người đọc liên tưởng đến những vần thơ mới thuộc đàn con cháu hậu tiến. Thật là nỗi nhớ tân kỳ, hiếm có ở một thi sĩ lão thành như Tiên Sinh. Đọc Tiên Sinh ta thấy tâm hồn trẻ lại như hồi thơ ấu ngày hai buổi thoăn thoắt sánh vai đi học qua cầu Tràng Tiền, hồn thanh xuân không gợn chút u sầu.

Kỉnh Chỉ: một mẫu sĩ phu đích thực qua thi tập "Thơ Kỉnh Chỉ". Tiên Sinh là nhà thơ tiên phong trong thế hệ 'Các cụ xưa" nói đến lãng mạn, tình yêu - một thứ tình yêu đã được "thi vị hóa" - mà ta khó có thể tìm thấy ở những thi sĩ thâm nho khác đương thời. Rất hiếm - hầu như không có trong lịch sử văn học cận đại - nhà thơ cùng thế hệ  với Kỉnh Chỉ đề cập đến lãng mạn, trữ tình tính trong thơ mình. Bởi vì theo quan niệm khuôn phép lưu truyền của các cụ xưa thì thi sĩ phải gọt giũa, chải chuốt những vần thơ sĩ khí, khí khái nói lên cảnh quốc phá gia vong, khơi động tinh thần ái quốc, đánh động lòng yêu nước kẻ sĩ thời loạn.

Viết về Tiên Sinh quả là điều khó, ngay cả đối với những người cầm bút thực sự chuyên nghiệp. Bởi vì kích thước quá lớn của Tiên Sinh, kẻ hậu sinh không thể đào sâu thêm bằng ngòi bút thiển cận của mình được. Người thì hào sảng cao thượng bao la trời mây bay bổng trên cao thượng tầng không khí mà trí tôi thì quá thấp hèn chỉ là là trên hàng cỏ lau sậy, hèn mọn không sao với thấu được.

Tiên Sinh tuy thuộc lớp người đi trước, thế hệ tiền bối, nhưng tâm hồn Tiên Sinh đã thích ứng với hoàn cảnh, phóng khoáng dễ cảm thông với thế hệ hậu bối là thời điểm mà tình yêu lãng mạn bắt đầu nhen nhúm ở trào lưu thơ mới với cách gieo vanà đã vượt khỏi xiền xích uớc lệ cũ ràng buộc bởi công thức, niêm luật muôn đời bất di dịch.

Tiên Sinh lúc sống là biển trời đắng cay hy sinh cho dân tộc và lúc rời cõi trần tục, vùng nằm ấy chỉ đã có thể là lòng đất Tổ Quốc Việt Nam ngàn năm bất diệt.

Bạn đồng liêu, đồng sự với Tiên Sinh đã cho rằng Người "sinh bất phùng thời" và Tiên Sinh đã phải xử sự như người quân tử lúc giao thời: "gặp thời thế, thế thời phải thế". Tài trí ở nơi Tiên Sinh thật đặc biệt. Hồn thơ lai láng, mở rộng dễ thích ứng kết hợp giữa hai trào lưu cũ mới: thế hệ cũ cũng khâm phục và thế hệ mới cũng cảm thông. Tiên Sinh sớm hấp thụ trình độ tây học, kiến thức Âu Mỹ nên đã chọn con đường phụng sự tổ quốc theo  nhãn quan chính trị của riêng mình. Tiên Sinh đã gói ghém niềm tâm sự qua những giòng thơ lãng mạn trữ tình không kém gì thơ mới, lúc tuổi đã xế chiều, ngõ hầu lưu lại nơi đàn hậu bối chút dấu tích một thời đã qua.

Nhà thơ của hai thế hệ, bác sĩ Kỉnh Chỉ Phan Văn Hy những nhất tâm phục vụ Chân-Thiện-Mỹ. Thiện tâm, thiện ý của Người tỏa ra khắp tác phẩm. Đọc thơ Tiên Sinh, ta sẽ thấy tâm hồn trong sáng, thảnh thơi.

Gần đây, trong bài phát biểu khai mạc buổi họp mắt ra mắt Thi tập Thơ Kỉnh Chỉ tại thủ đô tị nạn Cali, ông Ngô Khắc Thuật, một cháu ngoại hậu duệ của tiên sinh đã nói "...Bây giờ,, bổn phận chúng ta, những người đi sau phải lo phổ biến rộng rãi tập thơ này, thơ của ông muôn mặt, nếu như mỗi người khai triển một khía cạnh nào đó trong thơ của ông, tôi nghĩ chúng ta vẫn có đủ đề tài để viết. Để giúp hiểu rõ hơn về ông: cong người đa tình, đa cảm, con người nhân hậu, luôn luôn cố gắng sống cho phải đạo  làm người, lấy Nhân, Lễ Nghĩa, Trí Tín để đối xử, xin mọi người hãy cố gắng nhớ lại và ghi chép tất cả những kỷ niệm nào chúng ta đã trải qua với ông. Tôi mong rằng trong tương lai rất gần đây chúng ta lại gặp nhau để làm lễ ra mắt cho những tập thơ Kỉnh Chỉ khác nữa." Thuở sinh tiền, Tiên Sinh cũng đã nói: "Thử lấy giây tình giăng mặt nước. Tình dài dằng dặc nước vơi vơi"Tôi không dám có tham vọng cao kỳ làm  người biên khảo "ở một khía cạnh nào đó" theo tinh thần trên, bởi vì tôi là người ngoài cuộc, không phải là người có diễm phúc ở trong hàng hậu duệ của Tiên Sinh. Mà tôi chỉ như một con tàu đỗ bến muộn, là người đến chậm trong ngày hội lớn của đại gia đình họ Phan nên chỉ xin được nói lên đôi lời cảm nghĩ thô thiển trong tâm tư sau khi đã có dịp nghiền ngẫm những tinh hoa chất chứa trong thi phẩm của Tiên Sinh, là người mà hơn nửa thế kỷ trước tôi đã từng mang ơn cứu tử, trong tình khứ lưu giữa hai gia đình (4).

Trong tinh thần đó, tôi muốn mượn lời phát biểu của ông Ngô Khắc Thuật đã dẫn trên đẻ thay cho lời kết bài phân tích này với niềm mong ước sẽ được bằng hữu mộ điệu bốn phương tiếp tay trên đường sưu tầm những bông hoa quý của Thi Đàn Việt Nam Hải Ngoại.

Dưới nhãn quan tôi, ngày nay, qua tập thơ Kỉnh Chỉ, Tiên Sinh quả là một nhân vật đa dạng: một lương y có bàn tay mầu nhiệm tế độ cứu tha nhân và yêu tha nhân; một thi sĩ có tâm hồn lãng mạn với ngòi bút trong sáng, đa tình yêu đời đúng theo nghĩa của nó. Đời Tiên Sinh là cả một  cuộc hành trình dở dang đầy phiêu lưu, gian truân bàng bạc, thể hiện trong thi tập Thơ Kỉnh Chỉ. Thế thôi.

Miền bão nắng xứ mặt trời

Trong xuân Tân Tỵ 2001

Phụng Hồng

___________________________________

(1)Thi tập Thơ Kỉnh Chỉ dày 312 trang của tác giả là bác sĩ Kỉnh Chỉ Phan Văn Hy do đại gia đình hậu duệ của Tiên Sinh dày công sưu tập những bài thơ chữ Nôm và chữ Hán lúc sinh tiền su Tiên Sinh và ấn hành năm 1998 tại Hoa Kỳ (hơn 300 bài).

(2)Xem tiếp bài Điểm Sách "Đốt Lò Hương Cũ, Ngâm Vần Thơ Xưa: Thơ Kỉnh Chỉ", cùng một tác giả. Tuần Báo Đại Chúng, số 59, tr. 15, VA, Hoa Kỳ, 9/2000.

(3)Chữ "o" (phụ âm) là tiếng đặc biệt địa phương Huế "rặt" có nghĩa là "cô"

(4)Xem tiếp bài "Đường Lên Thiên Đường", cùng một tác giả. Nguyệt báo Hồn Việt số đặc biệt giáng sinh 1999, bộ 24, số 195, tr.81, Westminster, Cali. Hoa Kỳ, 12/99

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002