Đại Chúng số 81 - phát hành ngày 1/9/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


MẤY RẶNG TRÂM BẦU

Hà Ngọc Bích

Mùa lúa ruộng đã bắt đầu gần một tháng rồi, sau những cơn mữa tầm tã, hầu hết các dồng ruộng đều ngập nước. Đất ruộng trở nên mềm mại, những luống đất cày nhũn ra và đã đến lúc người làm ruộng phải trục hoặc bừa những thửa ruộng để sửa soạn cấy lúa. Giữa cảnh ruộng nước bao la, tiếng chim đồng ríu rít hòa lẫn với tiếng ống trục lăn rầm rập trên mặt bùn. Đất ruộng bị nghiền nhỏ tạo thành một lớp  bùn non mầu  mỡ, thích ứng cho sự tăng trưởng của những cây mạ non. Chẳng bao lâu, các khóm mạ nhỏ sẽ trở thành những bụi lúa xanh tươi, đem lại sự ấm no cho người nông dân lành chất phát. Oáng trục lăn đến đâu, nước bùn bị đùa giạt về phía trước. Trong một khoảng thời gian ngắn, các loại cua cá trốn không kịp, phơi mình trên mặt bùn, trước khi nước ở hai bên đầu trục ùa vào lấp lại như cũ. Tôi thường nhân cơ hội này để đi  bắt cá hay cua đồng ngoài đồng nội. Mỗi khi nhắc đến kỷ niệm này, dường như tôi thấy lại bóng dáng thằng bé con lém lỉnh, mặc độc nhất một cái quần cụt bạc màu, tay xách giỏ tre, miện huýt sáo, chân bước càn theo sau bác nhà quê đứng trên cần trục. Thân hình bác bóng lưỡng đen xạm do bao ngày dầm mưa dãi nắng. Mắt tôi chăm chú nhìn phía sau ống trục, một con ốc bưu vừa lộ ra, tôi đã vội cúi xuống lượm bỏ vào giỏ. Vài ba con cua đồng hốt hoảng bò nhanh lẫn trốn, cặp càng quơ qua quơ lại như thủ thế. Tôi chụp lẹ làng với một kỹ thuật nhanh gọn không chê vào đâu được. Dù vậy, đôi khi gặp phải con cua cao thủ võ lâm, nó vẫn kep được cho tôi một phát đau điếng, chảy cả máu tay. Tôi lại chửi thề om tỏi cà lên khiến cho bác nhà quê khoái chí cười lây hỉ hả. Các loại cá tương đối khó bắt hơn, vừa chợt thấy đã phóng vọt đi, chỉ lâu lâu tôi mới chộp được một con cá rô hay một con sặt bướm. Nói gì đến cá lóc thì ống trục vừa lướt qua nó đã phóng rẹt đi như chớp làm tôi càng thêm hít hà tiếc rẻ. Đôi khi lại gặp một con trê rét, tôi cứ chộp bừa váo đầu nó, nếu có lãnh một ngạnh vào tay thì ráng chịu. Bác nhà nông vừa hò hét cặp bò, vừa giơ tay quệt mồ hôi trên trán đang chảy dài xuống chiếc lưng trần đen nhánh, bóng loáng như một pho tượng cổ Hi Lạp bằng đồng đen. Thỉnh thoảng bác lại vui vẻ chỉ cho tôi bắt một con cua kình càng  hay một con sặt bướm. Chiếc roi tre quay tít trong không khí, lâu lâu lại phớt nhẹ trên lưng hai con bò hiền lành như nhắc nhở chúng phải chịu khó nhọc kéo trục siêng năng để chiều nay sẽ được nghỉ ngơi thoải mái, mặc tình nằm nhai rơm rạ. Tiếng vắt phá của bác vang lên đều đặn giữa cảnh trời nước bao la. Tôi sung sướng lâng lâng, hít lấy không khí trong lành, chân bước đều theo sau chiếc trục. Bỗng, ống trục vừa lướt qua , một con rùa nước mun đen cũng vừa ngóc đầu lên thở khì một cái. Tôi lẹ làng nhảy đến chụp đúng vào cái mai rùa. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi mới bắt được một con rùa nên thích chí quá. Tay tôi nắm chặt con rùa xinh xắn, nhìn chiếc mai rùa đen mun, bốn cái cẳng ngo ngoe, cái đầu thụt vô thụt ra trong một cố gắng tuyệt vọng. Bác nhà quê cũng lật đật ngừng trục, những ngắm nhìn một cách thèm thuồng con rùa của tôi. Có lẽ thịt rùa là một món mồi nhậu độc đáo nên bác không bế tôi cho lại bác ta.

_ Mầy không biết ăn thịt rùa đâu. cho tao đi. Hôm nào tao sẽ chỉ cho mầy bắt một mớ cua đồng.

Tôi nhìn bác, lắc đầu. Bác ta lại tiếp:

_ Coi chừng mầy lớ quớ, nó cắn cho cụt ngón tay. Rùa mà cắn thì trời gầm cũng không nhả. Mầy không biết sao?

tôi lại lắc đầu. Dù bác có nói gì đi nữa  vẫn lắc đầu quầy quậy và nắm chặt con rùa quý của tôi. Trước vẻ lém lỉnh và quả quyết của thằng bé con bác ta đành phải nhịn thèm và tiếp tục trục cho xong thửa ruộng. Gió đồng thổi man mác, tiếng sáo cưởng ríu rít hòa lẫn với tiếng ré của đám cò ma từ xa vẳng lại. Mùi sình non, mùi cỏ đồng như quyện lấy bầu không khí của  buổi sáng ban mai. Trên vòm trời xanh ngắt, mấy con chim chiệng đua nhau bay liệng lên xuống, thỉnh thoảng phát ra vài tiếng kêu  chíp chíp. Gần đấy một đàn bò vàng đang hiền lành gặm cỏ. Tôi bỏ vội con rùa vào giỏ giữa đám cua đồng đang ngo ngoe rột rẹt rồi chậm rãi bước về nhà. Lòng tôi thấy sung sướng hân hoan giữa cảnh đồng ruộng quen thuộc. Tôi sẽ cố tìm các cái chậu mẻ để nuôi con rùa nước và đi bứt rau  muống mọc ở bờ mương về cho nó ăn. Khu vườn Bà Ấp vẫn có nhiều rau muống, con rùa của tôi mặc tình ăn thỏa thích. Chiều nay chị tôi  sẽ đem xáo giấm mớ cua đồng nầy, một món ăn bình dân thôn dã mà chị em tôi vẫn ưa thích. Gì chớ cua đồng thì tôi rành lắm mà! Đâu cần gì bác ấy chỉ cho tôi. Biệt tài móc cua của tôi, đến chị tôi cũng phải phục lăn đùng. Tất cả các thửa ruộng chạy dài từ phía sau trường học làng cho đến chợ quận, đều có dấu chân của tôi dẫm qua. Bờ mẫu lớn nhỏ, nơi nào có cua nhiều hay ít, tôi đều biết rành cả. Chỉ cần thọt cái móc vào hang, lắng tai nghe tiếng cạch cạch tôi đã biết là cua đực kình càng hay cua cái nhỏ hơn. Tôi xoay xoay cần móc lựa thế rồi nhẹ nhàng keó tuột con cua ra ngoài hang, chộp lấy bỏ gọn vào giỏ tre. Thỉnh thoảng gặp cái vỏ cua rỗng, tôi biết ngay là chú cua vừa mới lột nên không ngần ngại thọt tay vào hang để nắm lấy con cua mềm nhũn không kẹp ai được nữa. Tôi tò mò nhìn con cua lột đang ngo ngoe trên bàn tay, mềm mụp không bò được. Loại cua lột này chị tôi thích lắm. Lần nào tôi bắt được cũng fể dành riêng cho chị ấy. Đem lăn bột và chiên vàng ăn ngon như tôm vậy.

Một hôm vào ngay chúa nhật đẹp trời, tôi dẫn thằng Năm Xương Gà đi móc cua đồng và bắt nó mang giỏ cho tôi. Hai đứa tung tăng đi trên con bờ mẫu lớn. Vừa đi, tôi vừa ba hoa chích chòe giải thích cho nó nghe cái nghệ thuật móc cua ngoại hạng của to làm cho nó phải lác cả mắt. Dĩ nhiên tôi hứa sẽ cho nó vài con cua kình càng để đem về nhà nướng ăn, đền bù lại công khó nhọc đã mang giỏ cho bậc đàn anh. Đến các bờ ruộng lúa, hai thằng hăng hái nhảy xuống nước, tìm hang cua dọc theo con bờ mẫu. Tôi trổ tài chỉ cho nó xem từng hang cua một. Hang nào nằm xấp xấp dưới mặt nước, khỏi phải móc vô ích vì không có cua hay chỉ là những con cua bé tí thôi. Tôi móc một hơi được gần hai chục con cua đồng lớn làm cho thằng Năm phục tôi lăn đùng, không ngớt lời tán tỉnh.

_ Mầy đúng là tổ sư móc cua rồi.

Tôi dương dương tự đắc phang thêm cho nó một câu xanh rờn.

_ Chắc mẻm rồi. Phần lớn cua đồng ở làng mình, tao sẽ lần lần bắt hết ráo trọi cho  mầy xem.

Nó tò mò nhìn tôi.

_ Mầy làm gì để ăn cho hết!

_ Chị tao xào giấm chua chua ngọt ngọt ănhết xẩy nhứt là mấy con cua có cặp càng to. Lúc này là tối trời nên cua mập và nhiều gạch lắm. Một mình tao ăn vài chục con cũng chưa đủ.

_ Mầy dóc tổ. Sức mấy mà ăn nổi mấy chục con cua. Mà sao kỳ vậy. Bộ trời sáng trăng thì cua ốm sao?

Tôi làm ra vẻ sành đời và chận họng không cho nó hỏi nữa.

_ Chắc vậy rồi, vì trời sáng trăng cua không dám ra khỏi để tìm mồi mà.

Rồi, vô tình tôi chỉ cho nó xem một cái hang to nằm xấp xấp dưới mặt nước, trong có vẻ láng cót, vừa bảo:

_ Mầy xem, cái hang này thì nhứt định là một con cua kình càng tổ bố rồi. Tao bắt cho mầy nghe?

Thằng Năm Xương Gà khoái chí cười tít toét gật đầu.

_ Ừ mầy bắt cho tao đi.

Tôi cẩn thận thọc cái móc cua rồi. Oái, cái hang này sao sâu quá vậy, gần hết cái móc cua của tôi. Mà sao không nghe đụng cạch cạch vào con cua như mọi khi? Tôi có cảm giác như một cái gì mềm mềm đụng mạnh vào đầu cần móc. Thằng Năm nhìn tôi như chờ đợi kết quả. Tôi lanh lẹ xoay cần móc hai ba cái, dường như đầu móc bị vướng víu vào một cái gì đang ghịt lại. Tôi bậm môi lôi tuột ra ngoài hang. Dưới lớp nước ruộng đục ngầu, hai đứa cũng vừa kịp thấy thân hình một con rắn gì to bằng cườm tay, đầy những khoang đen đang ngoằn ngoèo giãy giụa ở đầu  móc. Thằng Năm Xương Gà hét to:

_ Trời! Con rắn mầy. Chạy lẹ lên.

Mặt tôi tái mét như con gà bị cắt cổ, buông lẹ cái cần móc rồi hai đứa co giò phóng thẳng lên bờ mẫu, chạy vắt giò không dám quay đầu ngó lại. Một khoảng xa, tôi và nó mới dám ngừng lại, nhìn nhau thở hào hển. Cái giỏ cua bị bật những nắp, cua rơi rớt lung tung. Thằng Năm nhìn tôi , nói không ra hơi:

_ Trời! Con rắn gì ghê quá! Thiếu chút nữa nó mổ bỏ mẹ rồi. Mầy bảo là tổ sư mà? Sao cua không móc lại móc con rắn hổ, để nó cắn đi chầu Diêm Vương à?

Tôi cười mếu, phân trần:

_ Tao có dè đâu, tính bắt một con cua kình càng cho  mầy mà.

Rồi thở khì, tôi tiếp:

_  Mầy có nhìn lỹ không? Biết đâu chẳng là con rắn ri cá. Loại này nấu cháo với bún tàu củ hành  thì ngon lắm. Mình bỏ đi dịp may, uổng quá.

_ Ri cá cái con khỉ mốc. Tao thấy rõ nó có nhiều khoang đen, không chừng là loại rắn trum. Thứ naỳ mà cắn thì chỉ có trời mới cứu mầy nổi chớ ở đó mà bún tàu với củ hành.

Tôi tặc lưỡi:

_ Tao tiếc cái móc sắt của tao quá! Thân tre đã lên nước láng bóng và cái móc thép của ông dượng cho, cứng lắm không bao giờ bị hoác cả.

Thằng Năm Xương Gà giẫy nẫy:

_ Thôi, chờ một lát cho nó đi xa rồi mầy trở lại lấy cái móc. Tao đứng đây chờ mầy.

Tôi cằn nhằn:

_ Mầy nhát như con thỏ đế, không chịu đi theo ủng hộ tao à?

Thằng Năm cuời tồ tồ:

_ Mầy ngon lành lắm, sao hồi nãy lại chạy vắt giò? Bây giờ lại còn bắt tao đi theo làm chi?

Hai đứa nhìn nhau cười ròn rã. Vòm trời vẫn trong xanh. Đồng ruộng bao la tịch mịch. Gần mấy miếng biền, tiếng cuốc kêu đều đặn uấc.... uấc .... Một con cò ma giật mình tung vọt lên khỏi đọt lúa giương rộng đôi cánh trắng phau lả lướt bay là là trên cánh đồng xanh thẳm. Thằng Năm Xương gà vui vẻ bảo tôi:

_ Chiều nay mầy về sửa soạn cần câu. Ngày mai sáng sớm tao đến kêu mầy đi câu cá rô. Chịu không?

Tôi thích chí gật đầu:

_ Ừ, lúa đã lên cao xanh tốt, lại sắp trổ đồng đồng rồi. Mầy xem kìa, cá rộ lứa con con lội từng đàn,nhiều quá. Loại rô con này ham ăn nên dễ cắn câu lắm nhất là với mồi ong con hay trứng kiến thì hết sẩy.

Thằng Năm chận họng tôi:

_ Mồi trùng không được sao? Trứng kiến với ong non ở đâu mà tao kiếm được?

Tôi được dịp nhiếc nó:

_ Mầy ngu như bò đực. Lát nữa hai thằng mình về nhà xách cái sào dài có cù móc hái so đũa của tao, ra rặng trâm bầu giựt mấy cái ổ kiến vàng thì mặc tình mà lượm trứng kiến.

_ Còn ong non?

Tôi gãi đầu, nhăn mặt:

_ À, món này thì khó kiếm hơn. Ong bần hay ong vò vẽ thì nó chích cho mầy chạy tuột quần. Nghe nói ong lổ chích trâu còn rống lên huống chi là nhỏ bé ốm tong teo như mầyvậy.

Thằng Năm Xương Gà giẫy nẫy:

_ Thôi đừng kiếm ong non.

Tôi cười khì khì:

_ Mầy đúng là một  con rùa đen, chỉ biết thụt đầu vô mu rùa thôi. Tao chỉ cho mầy một cách. Mầy về nhà tìm phía sau mấy cánh cửa, dưới đáy mấy bộ ván ngựa, mấy cái tổ tò vò bằng đất đó. Mầy cứ gỡ lấy bỏ vào lon. Ngày mai mình đập vỡ ra lấy tò vò non còn trắng nõn, câu cá rô thì chắc ăn rồi.

Thằng Năm cười khoan khoái:

_ Ừ, tò vò thì tao không sợ.

Tôi phang cho nó một chưởng:

_ Tò vò có chích chét gì đâu màmầy phải sợ. Thằng nầy thật là vô tích sự. Thôi về nhà rồi còn đi lấy trứng kiến nữa.

Sáng sớm tinh sương, mặt trời vừa ló dạng, tôi đã nhẩy vọt ra khỏi giường. Đến lu nước mưa, tôi múc một gáo nước rửa mặt cho tỉnh táo. Thò một ngón tay vào miệng chà răng lấy lệ vài ba cái rồi phun nước phèo phèo. Vậy làxong, một tay quơ vội cái cần câu, tay kia xách giỏ tre, tôi co giò phóng thẳng ra bìa ruộng. Vừa đến rặng trâm bầu, tôi đã thấy thằng Năm Xương gà đang đứng đợi.

_ Sao ra trễ vậy? Ta chờ mầy lâu quá rồi.

_ Dóc tổ, mầy ra trước tao giỏi lắm chừng vài phút chứ gì?

Thằng bạn nhỏ cười ngắt nghẻo. Móc từ giỏ một gói lá chuối cồm cộm. Vừa ngồi bệt xuống bãi cỏ nó vừa bảo tôi:

_ Mầy hên đó. Tao mua được của dì Bẩy gói xôi dừa. Xôi còn nóng, hai thằng mình ăn cho ấm bụng cái đã.

Tôi khoái quá hỏi nó:

_ Mầy đào đâu ra tiền mà mua xôi đãi tao ăn? Thằng này coi vậy mà biết điều quá ta!

_ Mốc xì, má tao mới cho hai xu đó. Rồi nó bẻ nửa gói xôi chia cho tôi. Tôi xịu mặt lắp bắp:

_ Tao đâu có má ở gần nên làm gì xin được tiền như mầy.

Nó nhìn tôi trìu mến rồi giúi nắm xôi vào tay tôi:

_ Ăn đi mầy.

Trời đã sáng tỏ, vài đám sương mù còn lãng vãng trên đọt lúa. Mặt trời đã lên khỏi ngọn cây, ánh nắng ban mai đem lại sự ấm áp cho  mọi người và vật. Tiếng chim đồng ríu rít tứ phía. Từ xa, vài thằng bé chăn trâu đang lùa trâu vào mấy cái đồng cỏ. Thằng Năm Xương Gà bảo tôi:

_ Tao tìm được năm sáu cái tổ tò vò. Mầy đập ra lấy tò vò non đi. Tôi cẩn thận đập bể từng tổ một, lựa những con tò vò non trắng nõn, gần thành ong để riêng ra rồi vui vẻ bảo thằng bạn nhỏ:

_ Mấy con tò vò non còn nhỏ quá, chừng bằng hạt cơm thì dùng câu cá rô. Những con lớn, mình để dành gặp cá lóc con hay cá trê câu cho chắc ăn. Tao cũng bắt được một tổ ong lác và một ít dế chó, cào cào non đủ cho hai đứa xài. Mầy yên chí, không thiếu mồi đâu.

Hai thằng men theo con bờ mẫu lớn đến những đám ruộng xanh rờn. Nước ruộng xâm xấp chừng bốn năm tấc nên trong suốt tận đáy. Từng đàn cá con bơi lội tung tăng giữa mấy đám hẹ nước. Một đàn rô con kéo đến từ xa len lỏi giữa hai hàng lúa xanh rì. Tôi nhẹ nhàng quăng giây câu, thẩy cục mồi trứng kiến đến gần. Một con, có vẻ to nhất đám, hùng hục xông đến đớp liền. Tôi giật phắt lên. Con cá nhỏ bằng hai ngón tay màu trắng xám, giãy choi choi ở đầu dây câu. Tôi nắm gọn chú cá tham ăn vào tay, gỡ lưỡi câu ra rồi khoan khoái bỏ vào giỏ tre. Tôi lựa trong lon một cái trứng kiến béo bở. Móc vào lưỡi câu và tiếp tục. Tiếng thằng Năm gọi tôi:

_ Chỗ này nhiều rô con quá mầy ơi! Lại đây câu với tao.

Tôi hăm hở chạy về phía nó. Nhiều đám rô lứa trông phát mê. Có lẽ trời vừa sáng, đúng lúc cá đi kiếm ăn nên đớp mồi lia lịa. Hai đứa mặc tình giật lia lịa và bỏ cá vào giỏ tre không ngớt. Bỗng tôi giật mình đánh thót một cái. Hình như tôi vừa thấy bóng một con cào cửng, loại lóc con dài chừng một tấc đang núp mình bên cạnh một gốc lúa. Đúng rồi, cái đầu nó to như  trái sung, mỏ cá hơi nhọn, có lẽ đang rình cào cào hay châu chấu. Tôi nhẹ nhàng kéo dây câu về, lục trong lon mồi lẹ lẹ lấy một con cào cào non xanh lè mềm mụp rồi móc nhẹ vào lưỡi câu. Tôi quăng dây câu, thảy cục mồi đến gần gốc lúa. Con cào cào non nổi lều bều trên mặt nước, ngo ngoe động đậy. Lẹ như chớp, con cào cửng phóng vọt ra táp bóc một cái rồi quẩy mạnh làm văng nước chung quanh. Tôi mừng rỡ giật phắt cần câu lên. Con cá lóc con mắc cau giãy giụa dữ dội làm hoằn cả ngọn câu trúc. Tôi kéo lẹ nó  lên bờ mẫu, buông cần câu để rảnh tay chụp lấy vừa hét to với thằng Năm:

_ Tao câu được con cào cửng bự quá mầy ơi!

Thằng Năm Xương gà chạy đến trầm trồ:

_ Chà, con cào cửng này bự thật, gần thành cá lóc rồi. Mầy muối xả ớt rồi đem chiên vàng thì ngon lắm. Hồi nãy tao cũng gặp một bầy sặc bướm khá to. Thấy cục mồi trứng kiến đến gần, hai ba con xông đến nhưng không con nào đớp cả.

tôi cười hỉ hỉ:

_ Mầy ngu tổ bố. Cá sặc chỉ ăn bọt nước chớ có ăn mồi câu bao giờ đâu mà mầy đòi câu nó.

Hai đứa cười ròn rã. Thằng Năm Xương Gà bảo tôi:

_ Hai đứa mình câu cá rô cũng được nhiều rồi. Tao với mầy lại cái đìa đằng kia, có nhiều cá to và cả cá trê nữa. Biết đâu bọn mình lại có được một con trê vàng hay một con rô mề thì sướng thật.

Chúng tôi hân hoan men theo con bờ mẫu lớn giữa cánh đồng ruộng bao la. Gió đồng thổi man mác. Tiếng sáo cưởng kêu ríu rít, tiếng sáo diều của mấy thằng bé chăn trâu từ xa vẳng lại, nghe vi vu trong gió. Tôi và thằng Năm cảm thấy sung sướng lâng lâng. Bỗng, thằng bạn nhỏ nắm lấy tay tôi ghì lại:

_ Trời, có con cá lóc to tổ bố nằm ở bờ nước kìa. Gần mấy bụi lúa lớn đàng truớc đó. Mầy nhìn xem.

Tôi dứng yên bất động, hướng cặp mắt về chỗ nó chỉ. Quả thật, dưới làn nước trong, tôi cũng vừa nhìn thấy rõ một con cá lóc to đang nằm vật vờ như yên nghỉ, chỉ có hai cái vi hai bên đầu đang phe phẩy nhẹ nhàng như hai chiếc quạt. Cũng lạ, con cá lóc này làm gì nằm ở đây? Tôi bảo nhỏ thằng bạn:

_ Dây câu bọn mình không chắc lắm, lưỡi câu lại là thứ nhỏ, chắc chịu không nổi con cá lóc này đâu.

Nó gật gù thì thầm:

_ Đây đâu có cá bự để tao với mầy chọi nó. Họa may trúng vào đầu có thể bắt được.

Tôi tặc lưỡi:

_ Đành liều vậy, con cá to thật, bỏ qua rất uổng. Mầy còn tò vò non lớn, đưa cho tao hai con đi.

Thằng Năm lẹ làng đưa cho tôi hai con tò vò non trắng nõn ngon lành. Tôi cẩn thận móc cả hai vào lưỡi câu. Con cá lóc vẫn nằm im tại chỗ. Tôi nín thở quăng dây câu rồi kéo cục mồi đến gần đầu nó. Con cá lờ đò nhìn miếng mồi béo bở, bỗng vọt đến đớp liền. Tôi giật cần câu lên. Tiếng thằng Năm Xương Gà hét to:

_ Nó dính câu rồi.

Con cá lóc quảy mạnh, nước ruộng văng tung tóe đục ngầu lên. Tiếng nhợ câu đứt bực một cái. Trong chớp mắt nón đã vọt đi mất để lại cho hai đứa tôi một nổi tiếc rẻ thất vọng ê chề. Tôi nhăn nhó:

_ Tao biết mà, nhợ câu không chịu nổi nó đâu. Lại mất toi đi cái lưỡi câu cá rô của tao rồi.

Thằng Năm Xương Gà cười khì khì:

_ Tại mầy muốn ăn canh chua cá lóc nên mất lưỡi câu là phải rồi còn than thở cái gì nữa. Nhưng thôi đừng lo, tao cho mầy một lưỡi câu khác đền lại. Chịu không?

Hai thằng nhìn nhau thông cảm. Bầu trời vẫn trong xanh. Ngọn gió thoảng nhẹ trên đọt lúa canh mềm mại, lan dần ra xa như những đợt sóng kế tiếp. Từ xa, trên nóc vái mái nhàlá ẩn hiện sau rặng cây, khói lam từ nhà bếp bốc lên, uốn éo rồi loãng dần trong không khí. Tiếng gà gáy trưa te te hòa lẫn với tiếng chó sủa gâu gâu từ xóm xa vẳng lại. Vòm trời xanh ngắt, không một đám mây, báo hiệu một ngày nắng đẹp. Tiếng nhái bén ắc en tạo thành một nhạc khúc êm đềm giữa cảnh đồng ruộng bao la tịch mịch. Xa xa mấy rặng trâm bầu chạy dài mút mắt.

***

Tôi khẽ thở dài, giờ đây đang sống lang thang ở xứ người, quê hương xa vời vợi. Dòng đời vẫn trôi đi, nhìn lại đầu mình đã bạc trắng, mấy rặng trâm bầu ngày xưa của tôi chắc cũng không còn nữa. Cảnh mây trắng như tơ nõn bềnh bồng trôi lang thang trong một bầu trời xanh ngắt của chốn đồng quê mộc mạc chỉ còn mong gặp lại trong một giấc mơ. Tôi chép miện ngậm ngùi lẩm bẩm hai câu Đường thi:

"Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du"

"Vàng tung cánh hạc đi đi mãi,
Trắng một màu mây vạn vạn đời."

(Thôi Hiệu - Vũ Hoàng Chúc)

Hà Ngọc Bích

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002