Đại Chúng số 81 - phát hành ngày 1/9/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


Những người đàn bà đẹp trong bàn tay định mệnh phũ phàng

CHRISTINA ONASSIS

LTS: Tuần báo Đại Chúng ngày càng được các vị nữ lưu độc giả lưu ý đọc đến. Đáp tạ sự mến mộ ấy, tòa soạn chúng tôi đặc biệt sưu tầm những đề tài liên quan đến nữ giới về nhiều phương diện. Ở số báo hôm nay, xin mở đầu bằng câu chuyện Người Đẹp Hy Lạp: Christina Onassis, con gái duy nhất nhà tỉ phú  Onassis - một tay doanh nghiệp giang hồ từng có lúc kết duyên tình sử với cựu đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Jacqueline Kennedy, gây sôi nổi dư luận thế giới, và đáng kể hơn, là đã làm chấn động Mỹ quốc ở một thời đã qua.

 

Một công ty quốc tế vĩ đại

Trong 50 năm qua, nói tới Hy Lạp là phải nhắc ngay đến giòng họ Onassis, một giòng họ tỉ phú nổi danh trên thế giới vì tài kinh doanh có một không hai ở họ. Người tạo dựng cơ đồ đáng nể ấy là Aristote Onassis, một nhà tài phiệt nắm trong tay đội thương thuyền vào hàng quốc tế quy mô, ngược xuôi trên các đại dương, hầu như nắm giữ độc quyền chuyên chở dầu đi khắp các nước bằng chính những đoàn tầu riêng. Ngoài ra, hoạt động thương mại của công ty Onassis bao trùm mọi ngành. Từ khai thác du lịch đến xây cất, mua bán bất động sản, thiết lập hãng hàng không, nắm giữ nhiều bộ danh họa lịch sử, đầu tư vào các ngân hàng Âu Mỹ, các thị trường chứng khoán Thụy Sĩ, Hoa Kỳ, Anh Quốc, Nam Mỹ.... đâu đâu cũng đều vang danh nhà tài phiệt Aristote Onassis. Cho đến nay, con số thực sự về gia sản của nhà Onassis còn là một bí mật khép kín. Người ta chỉ có thể ước lượng chung chung "hàng vài chục tỉ Mỹ kim" mà thôi...

 

Aristote Onassis là ai?

Thế giới tài phiệt biết đến ông ta là sau đại chiến thứ hai nhưng dư luận hoàn vũ chỉ ầm ĩ nói đến Onassis bắt đầu năm 1968. Ngày ấy, sau khi ly dị vợ (mẹ ruột nàng Christina, con gái độc nhất còn lại của Onassis. Người con trai Alexandre, anh của Christina đã tử nạn phi cơ rồi), nhà tỉ phú Onassis chính thức cưới quả phụ Jacqueline Kenedy. Oâng vừa đúng 62 tuổi trong khi tân giai nhân mới ngoài 30 xuân xanh. Nguồn tin lan ra gây chấn động Mỹ quốc. Vì, với tất cả người dân Hoa Kỳ, góa phụ Kenedy đang là thần tượng của họ. Cái chết bi thảm của tổng thống Kenedy còn là một  vết thương sâu đậm trong tâm tư người Mỹ. Chưa một ai quên nhà lãnh đạo Hiệp Chủng Quốc tuổi trẻ tài cao, đã có khả năng tạo dựng một huyền thoại lịch sử cá nhân và đất nước đẹp đến thế. Giá TT Kenedy đừng sớm lìa trần, bộ mặt Hoa Kỳ sẽ ra sao đây?

Bấy giờ góa phụ Jacqueline Kenedy bước sang ngang, dư âm của một giấc mộng vàng còn rớt lại của giòng họ thế là hết. Tất cả, nếu còn được nhắc đến, chỉ là đem lại sự huy hoàng sôi nổi thêm cho một tay nhà giàu bốc lên từ sau thế chiến thứ hai: Aristote Onassis. Mệnh phụ bậc nhất thế giới lấy một doanh thương giang hồ trên bốn biển, bút mực nào tô thắm cho bằng hết được?

 

Hòn đảo tiền định

Như cái tên đã đặt "Scorpios" (con bò cạp), Onassis trong thân tâm muốn chọn nơi này làm giang sơn muôn đời của ông ta cùng con cháu. Onassis đã biến đổi Scorpios Hy Lạp thành một thiên đường hạ giới vào năm 1962. Tên đảo xưa kia được chọn đặt, dựa theo địa hình in hệt con bò cạp, nếu người ta đứng từ cao nhìn xuống. Tuy nhiên, từ cái tên gọi ấy đã là một điều bất thường. Xưa nay chưa ai nằm bên con độc vật này mà không bị nó cắn chết. Nọc nó độc vô cùng: Khi Onassis bướng bỉnh, chọn vùng đất dung thân, nhiều chiêm tinh gia Hy Lạp đã tỏ ý lo ngại thay cho ông. Khởi thủy, hầu như nó là một đảo chết. Không cây cối, không một loài chim chóc. Nước ngọt lại không có, nhưng đã muốn là phải được. Nắm tiền muôn bạc tỉ trong tay, Onassis kiêu hãnh, ngang tàng đem các loại kỳ hoa dị thảo, đem chim muông quý dưới gầm trời thế giới về đây gây giống. Rồi một hệ thống ống dẫn nuớc lành từ đất liền được thiết lập đưa ra đảo. Đường xá qua lại trên đảo vốn không có thì kỹ thuật xa lộ, cầu cống đã biến cái hoang đảo thành một đô thị rộng lớn với đầy đủ tiện nghi lưu thông. Một phi cảng tân kỳ được tạo dựng. Và một hải cảng sầm uất vươn mình bên biển xanh ngắt với hàng trăm biệt thự diễm ảo dưới rừng đèn điện tỏa ánh sáng muôn màu. Chỉ trong một thời gian ngắn, Scorpios trở thành nơi nghỉ mát lý tưởng. Hàng năm, nhiều du khách triệu phú, những minh tinh màn bạc, những chính khách thượng thặng của thế giới tây phương đều mong đợi có lời mời mọc của chủ nhân giải đất thần tiên kia để có dịp đặt chân lên đảo. Những du thuyền tráng lệ, nguy nga, giăng đèn kết hoa muôn hồng ngàn tía về đêm, như những vì sao nơi giải ngân hà, cùng những dạ tiệc thâu đêm suốt sáng với tiếng nhạc mê hồn của những dàn nhạc quốc tế đã hớp hồn các bậc vương tôn quyền quý khó tính  nhất trần gian này. Ai đã lỡ đến đều không dễ rứt ra mà đi.

Chẳng thế, sao bậc mệnh phụ hàng đầu của Hoa Kỳ có tên là Jacqueline Kenedy một khi đã đặt chân lên đảo, lên du thuyền Christina (mang tên cô con gái nhà Onassis) chỉ một lần thôi để sau đấy phải quay gót ngọc lần thứ hai vào năm 1968 làm lễ cưới sánh duyên cùng Aristote Onassis - cũng ngay trên du thuyền ấy! Nhưng nếu cả nước Mỹ buồn và ngao ngán bao nhiêu thì lòng riêng của Christina cũng ngao ngán, buồn khổ không kém. Nhìn người cha kết hôn với góa phụ Kenedy, nàng Christina tiêu tan mọi niềm hi vọng. Từ lâu, nàng vẫn trông chờ, cầu nguyện có một ngày cha nàng sẽ hồi tầm quay về tái hợp với mẹ nàng. Cho nên, Christina đã hận lòng, hờn oán người cô phụ xuân sắc Jacqueline đến cùng cực. Mặc cho tân giai nhân hết lòng chiều chuộng, kết thân, Christinia tỏ rõ sự lạnh nhạt, xa cách. Thậm chí, sau ngày cha lìa trần, Christina đã không màng giữ lại chiếc du thuyền "Christina" một thời kỷ niệm của đời nàng. Chiếc du thuyền được liệt vào bậc nhất thế giới, dài 100 th, cao 5 từng, đồ sộ lộng lẫy như một tòa lâu đài nổi - đã trở thành khối sắt khổng lồ ảm đạm dưới mắt Christina. Nàng vĩnh viễn không còn muốn nó hiện diện như  thách thức và mãi mãi cười cợt trước sự đau khổ tiềm tàng trong đáy hồn mình!

Thì ra, nơi chân trời Mỹ quốc, giòng họ nhà Kenedy đang sáng chói như vì sao băng bỗng tàn lụi trong khoảnh khắc. Và nơi khung trời Hy Lạp, giòng họ Onassis đang nổi bậc như ánh bình minh bỗng phụt tắt chẳng khác nào những tia sáng yếu ớt cuối cùng của buổi hoàng hôn tan biến nhường chỗ cho bóng đêm thăm thẳm hãi hùng bao trùm biển cả.

Gia đình Onassis có 3 người đáng kể thì mỗi những vĩnh biệt dương thế một cách: người con trai độc nhất Alexandre chết vì tai nạn phi cơ khi định đáp xuống đảo Scorpios. Người cha Onassis chết dần mòn trên giường bệnh vì bệnh bại xụi bắp thịt. Và nữ chủ nhân cuối cùng, Christina, thì lại chọn cái chết tức tưởi- tự tử trong bồn tắm khi tuổi đời ngoài 30.

Người đời, mấy ai dám nghĩ rằng hai anh em nhà Onassis ấy- Alexandre và Christina-trong vòng tay bao bọc của người cha có tên là Onassis, lại sớm kết thúc cuộc đời ngắn ngủi và thê lương như vậy. Ơû giữa tuổi ấu thơ, cả hai đã từng được nhà chính khách lỗi lạc của vương quốc Anh - cố thủ tướng Winston Churchill tìm đến tận đảo Scorpios chia mừng sinh nhật, thân mật xoa đầu bắt tay, và rồi những đồ chơi thường nhật của hai đứa trẻ lại hầu hết do từ những quốc vương xứ Ả Rập ngàn lẻ một đêm gửi tặng tới tấp...

Nhưng rồi tất cả vẫn không thoát khỏi vòng trói buộc ác nghiệt của thần định mạng!

Trong xã hội Hy Lạp, từ 2500 năm qua vẫn bao phủ một thần thoại: Có một vị thần được tôn xưng là Pluton. Thần hiện diện dưới lòng đất và là chúa tể của hạng người giàu có. Thần nắm giữ toàn bộ của cải trần gian, đồng thời cai quản luôn địa ngục. Do đó, tùy trường hợp, thần ban phát hạnh phúc tột đỉnh giàu sang cho người này và cùng lúc lại thu về những gì đã cho họ trước đây, nếu thấy sự phú quý kia gây ra biết bao thảm cảnh tội lỗi.

Onassis vẫn nắm biết câu chuyện dã sử. Nhưng không bao giờ quan tâm. Vào một ngày ở tháng 11 năm 1950, nhìn đứa con gái Christina vừa chào đời nằm trong nôi, nhà tỉ phú chỉ thầm nghĩ rằng cha con nhà ông mới thật sự là vị thần Pluton đã tạo ra tất cả! ảnh hưởng của tiền bạc bao trùm sang mọi địa hạt quyền lực. Khi Onassis muốn là trời muốn. Không gì ngăn chận bàn tay của ông ta được, kể cả ở phương trời tình ái. Mà về phương diện này Onassis lại vốn nổi tiếng là tay sớm mận tối đào, ong bướm trăng hoa. Người ta không thể đếm xuể những người đàn bà đẹp đã sa vào lưới tình - tiền của ông.

Càng lớn khôn, Christina càng thấu hiểu điều này và nếu cuộc đời nàng phải trải qua nhiều ngã rẽ, chung quy cũng chỉ là nghiệp chướng của .... một đời cha! Mẹ nàng, Tina nổi tiếng khuê các, thuộc gia đình trưởng giả Hy Lạp đã không thoát khỏi ý định "chiếm đoạt" chớm hiện nơi Onassis - Xuất thân từ chốn bần hàn, Onassis là tay giang hồ lãng tử. Cha ông thuộc thành phần tầm thường nhưng lại ôm mộng lớn. Chẳng thế, ngay vừa khi sinh ra đời, Onassis đã được ông bố chọn, đặt cho cái tên Aristote (một triết gia Hy Lạp ở thế kỷ IV trước TC), thì ra danh nhân trong lịch sử đều cứ phải hội tụ dưới mái nhà nhỏ của Onassis từ thuở nào rồi. Tuy vậy, chưa bao giờ nhà tỉ phú Onassis bằng lòng, thoải mái với cái tên vào đời của ông ta cả. Họa chăng, đọc những trang sử La Mã, Hy Lạp ông chỉ thích được ví mình với Ulysse cũng là một tay thương hồ biển cả. Xửa xưa, Ulysse thực hiện mộng hải hồ. Trên con thuyền buồm rong ruổi qua các bến nước, chỗ nào tay doanh thương ấy cũng đều để lại bao người đẹp mỏi mắt trông chờ 'cánh buồm trở lại"! Thế thì ngày nay, Onassis Aristote phải cứ là hiện thân của Ulysse ngày xưa mà thôi. Song dù muốn chê trách đến thế nào, dư luận vẫn nhìn nhận Onassis là người "sống" thật, không hề có mặc cảm giả dối của bọn quyền quý khoa bảng trong xã hội đương thời. Bất kỳ lúc nào có thể nói thẳng vào mặt họ, Onassis ngang nhiên thuật lại gốc gác nghèo hèn của chính mình lúc còn hàn vi. Nhưng từ cái nghèo mạt rệp đó, ông ta lại biết xác định thế đứng có một không hai của mình trong xã hội vàng son hiện hữu. Vì, đúng ra, có một khuôn mặt tư bản nào của thế giới tư bản lại chẳng đã không mong muốn được kết thân với ông ta! Khi lấy được mẹ nàng Christina thì lúc đó Aristote Onassis đã 46 tuổi. Chiếm đoạt được người đẹp quý phái này - còn có nghĩa là để trả mối hận cái gia đình thượng lưu nhà vợ đã có thời khinh khi mình, Onassis tàn nhẫn tuyên bố: "Một đám cưới này đâu đã xong. Việc truớc mắt, tôi còn phải nghiền nát cái giầu sang ở nơi họ trước đây, và đã dám rẻ rúng tôi"!

Đúng! Sự tàn nhẫn đã tiềm ẩn trong máu giòng họ Onassis từ những bao giờ. Chẳng thế, người cha của Onassis từng lặp đi lặp lại câu châm ngôn này với con: "Nếu không muốn đời tròng cái dây thòng lọng vào cổ mình thì cứ phải là tay treo cổ thiên hạ trước đã"! Quả nhiên lời dặn dó ấy đã là sách lược mà Aristote Onassis đem áp dụng trong mọi công cuộc của đời ông. Thậm chí đối với cả....đàn bà và tình yêu! Nhà tỉ phú Onassis chỉ biết lao mình vào việc đào ra tiền, không cần quan tâm đến Tình. Đàn bà đến với Onassis nhiều vô số kể, trong đó có không ít những ngôi sao màn bạc Hô-Ly-Út. Người đẹp nào cũng chỉ lại là nhất thời, một món đồ chơi trang trí hoặc để dùng vào một mưu thuật dịch vụ hay tạo thêm huyền thoại về ông ta. Lòng riêng chai đá. Người phụ nữ khá sang trọng mà ông được biết đến đầu tiên là một thiếu nữ tóc bạch kim - nàng Ingeborg, con gái một chủ tầu Bắc Âu. Chính cô đã tập làm sang cho Onassis, từ cách ngồi bàn ăn nghiêm chỉnh đến sự lựa chọn giầy dép sao cho thích hợp với y phục, dạ phục. Từ một tay giang hồ tứ chiếng, Onassis được Ingeborg huấn luyện, đưa đẩy vào nếp sống thượng lưu. Song khi tìm được thế đứng rồi, Onassis bỏ rơi nàng không tiếc thương để cưới Tina - người mẹ của Christina sau này. Cứ thế và cứ thế, Onassis mở rộng cánh bay vào giai tầng tư bản. Cái tên "Christina" chính là ngụ ý sâu xa của Onassis ghi lại hình ảnh đài các của "nàng công chúa trên biển cả Ingeborg". Lúc đó đứa con trai đầu lòng, Onassis đặt tên Alexandre (như Alexandre đại đế ấy mà!) Thật đã nói lên tất cả nét ngạo mạn ở con người Onassis. Hai anh em Christina được nuôi dưỡng trên nhung lụa, hoàn toàn xa cách với thế giới bên ngoài. Chúng không được biết tuổi ấu thơ đúng nghĩa, xa hẳn trường học với bạn bè đồng lứa tuổi. Chung quanh chỉ toàn là một bầy quân hầu nhất nhất phục tòng. Các giáo sư được chọn lọc, riêng biệt. Chính cái cung cách ấy đã ám ảnh, tạo sự bất bình thường trong tâm hồn hai trẻ Alexandre-Christina.

Đến nỗi, có lần, trong vụ hè đi nghỉ mát ở bờ biển miền Nam nước Pháp, chúng sống biệt lập giữa một tòa lâu đài cổ kính và Alexandre bỗng "nổi loạn". Cậu bé đã đập phá không biết bao nhiêu là cửa kính cổ xưa nơi tòa nhà, gây sự thiệt hại vật chất nhiều vô kể... Sống bên người chồng Onassis thì bà vợ Tina, mẹ của Christina, khó thể là người đàn bà sau ngưỡng cửa gia đình. Đẹp thì đẹp thật, suốt buổi thiếu thời được gửi sang ăn học ở Anh quốc. Kịp đến khi sa vào tay Onassis, người vợ ấy mau chóng chán chường ông chồng. Tina hết ngày này sang tháng khác vui chơi cùng khắp các chốn thủ phủ phồn hoa nổi tiếng. Từ Nữu Ước, Ba lê, Luân Đôn, Nhã Điển... Đành rằng Onassis không cần tình yêu nhưng Onassis tự ái, nổi giận. Họ ly dị nhau, mỗi người một phương trời. Góa phụ Kenedy chỉ là một ngẫu nhiên trên đoạn đường đời gặp gỡ của tay giang hồ đắc thời Onassis. Nhiều trường hợp như vậy cũng đã từng xẩy ra. Như với Eva Paron, vợ nhà lãnh đạo độc tài xứ Á Căn Đình. Chỉ sau một đêm gần gũi, Onassis đã lần lượt hạ bút ký nhiều tấm chi phiếu trao cho người đẹp Eva! Đôi lúc, tỉ phú thì tỉ phú, Onassis có phần nào thấm thía về cái lối sống "không hồn" ở mình, đến độ phải thốt ra lời với một hai người bạn thân .... "Đây quả là cái trứng gà ốp la đắt giá nhất mà tôi chưa hề biết đến trong đời"!

Khi nhất định lấy cho bằng được mệnh phụ Jacqueline Kenedy, Onassis còn muốn lập tâm trả mối hận đối với người Mỹ. Vì có lúc Hoa Kỳ đã định làm khánh tận gia sản của Onassis bằng những vụ truy tố ra trước pháp luật, dựa vào nhiều dịch vụ làm ăn lớn lao có phần ... mờ ám của Onassis trên đất Mỹ. Tuy không sa vào tay của FBI, không thể sạt nghiệp, nhưng cái đám cưới với góa phụ Kenedy vang danh một thời ấy đã là một giá đắt ngoài sự ước tính của giới tài phiệt. Trong cuốn nhật  của Christina sau ngày nàng tự vẫn, người ta đã đọc được những giòng này: "...Tự chính tôi, tôi luôn biết rằng, thoạt vừa đón nhận cảm xúc "rung động" thì liền đó cũng là niềm chua xót nhất trên đời đến với chúng tôi"

 

Những nỗi tình sầu

Từ lúc nhỏ đến trưởng thành, Christina sống cô độc, lầm lũi âm thầm. Nàng có cha có mẹ mà như đơn côi. Một người mẹ xa vắng, quên đi sự trìu mến, ấp ủ. Một người cha chỉ biết phủ lên con cái hài hoa xiêm gấm. Không còn gì khác hơn thế. Khi người ta thực sự nằm trên núi vàng thì hạnh phúc không thể chỉ là...vật chất. Muốn có được hạnh phúc đúng nghĩa, phải đạt được những rung động tâm hồn. Ngày Onassis cưới góa phụ Jacqueline, Christina ở tuổi 18. Nàng quyết định giã từ đảo Scorpios, ra đi tìm tình yêu. Và đó là cách duy nhất để "trả hận" cha nàng. Nàng tự chọn, không cần hỏi ý kiến cha. Tháng 7/1971, Christina thành hôn với J.Bolker một tay mại bản người Mỹ hạng xoàng và đã 48 tuổi, quá gấp đôi tuổi Christina .Vừa hay tin, Onassis giận điên người. Nhưng chỉ một năm sau, cặp uyên ương rã cánh. Onassis tìm mọi cách để Christina thuận theo lời ông, làm lại cuộc đời với một  người chồng Hy Lạp. Ít nhất cũng phải là gốc người cùng xứ sở. Thế rồi, ăn ở với nhà tài phiệt Andre Adis này không quá 16 tháng, họ lại ly dị nhau. Như cánh nhạn bay tung trời, liền sau đó Christina lấy một  người chồng Nga - Serguei Kansov. Nhiều nguồn tin tiết lộ. Tây phương e ngại, vì sợ có thể một ngày nào đấy, đoàn thương thuyền chở dầu nằm trong tay dòng họ Onassis sẽ trực chỉ về Biển Đen Nga Sô! Song cũng một năm ngắn ngủi thôi, Christina rời bỏ Kansov trở về Scorpios với cha. Ba mối tình, qua ba mùa thu, có mà như không. Như tia chớp lóe sáng trên nền trời mây đen vần vũ rồi tắt lịm. Phải đợi cho đến một ngày đẹp trời vào năm 1984, Christina gặp lại Thierry Roussel một tay cự phú người Pháp và cũng là bạn cũ ngày trước, họ mau chóng sáp lại gần nhau và đám cưới được cử hành cấp bách. Qua năm 1985, họ có với nhau một gái đầu lòng: bé Athina.

Christina mơ bóng Hạnh Phúc, tưởng lần này đã nắm trong lòng tay. Thế nhưng, định mệnh quá oan nghiệt, thần Pluton Hy Lạp đến hạn phải rút về lại những gì đã ban phát cho gia tộc Onassis. Đôi vợ chồng trẻ ấy vẫn yêu nhau nhưng lại vẫn không hợp nhau. Kết cuộc, ly dị là cách giải quyết tốt nhất như thường thấy ở xã hội tây phương. Thierry bay đi rồi, Christina lẻ loi chiếc bóng với đứa con thơ cuối cùng của giòng họ Onassis. Mối tình thứ tư đã gieo cho Christina một vết thương lòng sầu khổ vô phương lắng dịu. Nàng chợt cảm nhận thực sự đã yêu và chỉ yêu có Thierry. Và lần này, sự chán chường, chán đời xuất hiện. Ngày trước, nàng luôn tìm vui giữa đông đảo bạn bè. Dạ tiệc kế tiếp dạ tiệc. Nàng có sẵn một đoàn quân thủ túc với 50 người chuyên lo bếp núc thù phụng bầy khách quý bốn phương của chủ nhân. Đám gia nhân ấy di chuyển bằng máy bay riêng khi có lệnh của Christina ban ra. Sở dĩ Thierry phải ngậm ngùi xa vợ phần lớn vì lý do trên. Chàng thích yên tĩnh, an vui bên vợ con. Trái lại, Christina ưa lối sống ồn ào, khách khứa và tiệc tùng. Cho đến lúc vắng biệt Thierry, Christina mới nhận ra niềm quyến luyến thiết tha thì mọi sự đã lỡ làng. Mối tình cuốn kia lại là mối tình đầu ray rứt. Hai người vẫn điện thoại cho nhau hàng ngày, dù ở thật xa, nhưng chẳng để giải quyết được gì tốt hơn. Thierry yêu thương bé gái Athina vô cùng. Song lòng chàng quả quyết. Đã đi rồi, khó thể trở lại. Christina sầu khổ, trút tất cả tình yêu vào con gái. Nàng tự tay chăm sóc con mỗi sáng mai con thức giấc. Nàng đã thấm biết tình mẫu tử và niềm sống hồn nhiên của trẻ thơ, nên từ buổi đó nàng thận trọng tìm những bạn nhỏ cùng lứa tuổi Athina để vui chơi với con hàng ngày. Trong bất cứ tòa nhà nơi đâu, là lâu đài hay biệt thự, đều phải dành sẵn một phòng rộng mênh mông tràn ngập đồ chơi để Athina vui đùa thỏa thích cùng đám bạn nhỏ. Cả cuộc đời của người đàn bà sống buông thả ấy, nay lại được một điểm đáng khen: tất cả cho con!

Mọi lỗi lầm trong quá khứ nếu đã có, được vùi theo thời gian. Trường hợp của Christina không phải là cá biệt trong xã hội Âu Mỹ. Nhiều, rất nhiều. Nhưng với Christina, được giới báo chí ồn ào khai thác, vì cha nàng quá giàu và mang nhiều huyền thoại. Và, vì nàng trở thành khuôn mặt tỉ phú kế tục cha nàng.

Bây giờ, Christina đã yên nghỉ dưới lòng đất lạnh. Thiên hạ có dịp phanh phui "hiện tượng người đàn bà đẹp sầu thảm", dẫn tới kết luận: Ngay trong lúc sống, Christina luôn linh cảm là định mệnh phũ phàng đeo đuổi, đầy đọa nàng. Nhìn chung là thế. Nhưng nguyên động lực nào thúc đẩy nàng đột nhiên rời xa đứa con thân yêu để bay sang Á Căn Đình, tìm cái chết tại đây thì chưa ai nắm rõ. Người ta chỉ biết, hình như nàng đã có ý định  ấy khoảng 2 tuần lễ trước ngày lên máy bay. Nếu chẳng phải thế, sao Christina đã đặt bút viết sẵn chúc thư để lại cho bé gái Athina với lời vĩnh biệt bi đát: "Nụ hôn cuối cùng"! Tại Á Căn Đình, nàng đến ơ ûchơi nhà một cặp vợ chồng bạn thân thiết với nàng. Vào một buổi sáng mai Christina vào phòng tắm để rồi không buớc ra nữa. Trong bồn tắm, vòi nước bông sen vẫn chẩy đều đặn nhưng Christina thì bất động. Người nàng gập xuống. Tim ngừng đập...

Bức màn tang phủ xuống, thi hài Christina được đưa về đảo "Con Bò Cạp" ở Hy Lạp chôn bên cạnh 2 nấm mồ cẩm thạch của cha và anh.

Ngoài xa, tiếng sóng vỗ đều đặn nơi ghềnh đá. Khung trời sậm thăm thẳm của một ngày cuối thu. Thoảng trong gió, tiếng chuông nhà thờ rời rạc ngân vang. Tiếng chuông gọi hồn người quá cố. Nhưng ở bên kia bờ địa trung hải, em bé Athina vẫn hồn nhiên đùa nghịch, chưa hề hiểu biết chút gì về người mẹ thân thương vừa vĩnh biệt cõi đời. Với em, nếu như có ai định nói thay cho em, thì em đang chờ tiếng chuông giáo đường báo hiệu một mùa Giáng Sinh lại sẽ tới....

Em hoàn toàn sống ngày dại trong vô thức, không thể hiểu được rằng em vừ đặt buớc vào vùng đất của những khuôn mặt giàu có nhất trần gian: hai mươi tỉ Mỹ kim vào lúc tuổi đời chưa lên bốn!

(tài liệu riêng của Đại Chúng)

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002