Đại Chúng số 81 - phát hành ngày 1/9/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


NHÂN DỊP CỰU ĐẠI TƯỚNG, QUỐC TRƯỞNG, TỔNG THỐNG 24 GIỜ DƯƠNG VĂN MINH TỪ TRẦN TẠI MỸ QUỐC, THỬ PHÁC HOẠ VÀI NÉT VỀ THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP CHÁNH TRỊ CỦA MỘT VỊ TƯỚNG NẰM VÙNG ĐÃ GÂY NHIỀU ĐỎ VỠ TAN NÁT NHỤC NHÃ CHO MIỀN NAM!

Đặng Văn Nhâm

LỜI TOÀ SOẠN.- Theo tin tức của truyền thông báo chí và phát thanh, ngày 8.8.01, cựu đại tướng, cựu quốc trưởng, và cựu tổng thống 24 giờ Dương Văn Minh mới từ trần ngày 8.8.2001 vưà qua, tại Pasadena, Cali., HK, sau một thời gian dài cư trú ở Ba Lê, với tính cách "cựu trung úy trong quân đội phu lực của Pháp ở VN". Dịp này, chúng tôi cho đăng tải bài sau đây của nhà báo Đặng Văn Nhâm, một phần trích trong bộ sách BMHTCTMN, để bạn đọc có dịp ôn lại một thời nhiễu nhương, hỗn loạn của miền Nam VN, dưới quyền cai trị của các tướng lãnh, mà trong đó tướng Minh đã từng đóng nhiều vai trò then chốt với những trách nhiệm rất nặng nề trước lịch sử dân tộc.

 

ĐẠI TƯỚNG DƯƠNG VĂN MINH:VÀI NÉT VỀ THÂN THẾ

Trong số 4 ông đại tướng của miền Nam: Nguyễn Khánh, Trần Thiện Khiêm, Cao Văn Viên và Dương Văn Minh, có lẽ Dương Văn Minh là người có nhiều biệt danh nhất, và cũng là người có nhiều mặt, nhiều cá tính đáng nói nhất. Ngoài những cái tên Minh Cồ, Minh Bự, Minh Sún, Minh Ngu, người Mỹ còn gọi Dương Văn Minh là "Big Minh"!

Ông Dương Văn Minh sanh ngày 19. 2. 1916, ở Phú Lâm, con ông đốc phủ sứ Dương Văn Mau, làm thơ ký hành chánh trong dinh phó soái Nam Kỳ, sau này gọi là dinh Gia Long. Còn dinh Thống Soái hay còn gọi là Chánh Soái Nam Kỳ thì đặt tại dinh Norordom, sau gọi là dinh Độc Lập. Chức đốc phủ sứ của ông Dương Văn Mau chỉ là chức HÀM, chớ không phải thực thụ.

Thuở nhỏ, gia đình ông Dương Văn Minh cư ngụ gần chợ Phú Lâm. Ta đến chợ Phú Lâm, rời khỏi ngã ba chợ Phú Lâm, khoảng 200 mét, trên con đường từ Chợ Lớn đi Mỹ tho, về phía bên trái, sẽ thấy nhà của ông Dương Văn Minh. Nhưng nay, sau 70 trời, khu này đã cải biến rất nhiều. Có lẽ chỉ ông Dương Văn Minh mới có thể tìm lại được dấu vết xưa thuở thiếu thời. Lớn lên, ông Minh được nhập học trường Chasseloup Laubat (người Việt thường gọi tắt là: Xách Lu). Dưới thời Tây cai trị, ở Sài Gòn có 2 trường công lập nổi tiếng là: Chasseloup Laubat và trường Pétrus Ký. Trường Xách Lu dành riêng cho con tây, tây lai con, con nhà VN dân tây. Còn bọn con nhà VN thuần túy, học giỏi chỉ được thi vào Lycée Pétrus Ký. Ngoài ra còn có trường tư của Thiên Chúa giáo là trường Taberd, với một trường nữ sinh, gọi là trường Áo Tím. Thuở tôi còn đi học, các nữ sinh trường Áo Tím (sau gọi là Gia Long) chỉ học đến 4 ème année, hay 3ème Moderne. Thi xong Brevet hay Diplôme, các cô muốn học lên đệ nhị cấp, seconde và Première, phải sang Pétrus Ký học chung với tụi qủy sứ chúng tôi.

Theo hồi ký của tướng Trần Văn Đôn, "Việt Nam Nhân Chứng", thuở còn là học sinh, ông Dương Văn Minh đã học cùng trường với ông Đôn. Trong trường, ông Minh rất giỏi về thể thao, nhứt là chạy bộ và đá banh. Trong đội banh của nhà trường, ông Minh luôn luôn giữ vai thủ môn, và ông giữ rất tài.

Đến đầu thập niên 40, ông Minh đã thi đậu bằng Tú Tài phần nhứt, Bacc. 1 ère partie, nhưng không muốn tiếp tục học nữa, và chỉ muốn ra đi làm, và lấy vợ. Nhưng làm gì với cái bằng Tú Tài qùe quặt như thế, ngoài việc làm thơ ký còm! Ngặt một nỗi, lúc bấy giờ chánh phủ thuộc địa lại mới ban hành nghị định đình chỉ các cuộc thi tuyển thơ ký chánh phủ, còn gọi là thơ ký hành chánh Nam Kỳ.

Lúc bấy giờ ông Dương Văn Mau muốn đem con vào cùng làm việc trong dinh phó soái Nam kỳ. Nhưng ông không biết phải làm sao, bèn ngỏ ý cậy một bạn đồng sự giúp đỡ. Vị này chính là một sư huynh đồng môn của tôi, tên Trần V.K. Năm nay ông đã già lắm rồi, nhưng còn khang kiện. ÔÂng cư ngụ tại Thụy Điển, cách Đan mạch không xa lắm. Ông đã kể hết chuyện thuở mới vào đời, xin vào làm việc trong dinh phó soái, rồi về sau xin đi lính cho Tây của ông Minh cho tôi nghe.

Vị sư huynh của tôi, tuy lúc ấy còn trẻ tuổi, nhưng cũng đã nhập ngạch, và tòng sự tại dinh phó soái Nam Kỳ từ lâu năm, cùng thời với các ông Quách Tòng Đức, Châu Văn Tích, Vương Hồng Sển v.v...Vị sư huynh của tôi đã giúp ông Dương Văn Mau đem con là Dương Văn Minh vô làm thơ ký công nhật, chia việc công văn với ông Châu Văn Tích. Thoạt đầu, ông Minh lo về công văn "DÉPART" (công văn ĐI), ông Châu Văn Tích lo về công văn ĐẾN "ARRIVÉE".

 

CUỘC ĐỜI BINH NGHIỆP.

Làm thơ ký công nhật trong dinh phó soái Nam Kỳ không được bao lâu, ông Minh đã nghe theo lời khuyên của vị sư huynh của tôi, xin đăng lính, đi sĩ quan cho Pháp, khởi sự huấn luyện tại VN. Từ đó ông Minh tiếp tục tiến thân trên con đường binh nghiệp. Năm 1948, ông Minh mang lon thiếu uý, rồi trung úy thuộc binh đoàn 11 è RIC. Khi ông Ngô Đình Diệm về nước chấp hành chức vụ thủ tướng, ông Dương Văn Minh đã mang lon đại tá.

Sau khi Bình Xuyên nổi loạn, đánh phá trong đô thành thất bại, Bảy Viễn kéo tàn quân ra Rừng Sác cố thủ. Để tiễu trừ dứt hậu hoạn, TT Diệm ra lịnh cho bộ Tổng Tham Mưu quân lực VNCH mở chiến dịch Hoàng Diệu, khai diễn từ ngày 21. 9. 55 đến 24. 10. 55. Lúc bấy giờ Dương Văn Minh đang làm chi huy trưởng phân khu Sài Gòn - Chợ Lớn, nên đã được trao cho nhiệm vụ điều khiển chiến dịch. Bộ chỉ huy chiến dịch đóng tại Rạch Cát, cùng với sự tham dự của các tiểu đoàn nhảy dù 1, 5, 6, do thiếu tá Nguyễn Chánh Thi, chỉ huy phó liên đoàn Dù.

Khi chiến dịch Hoàng Diệu đã kết thúc, ngày 6. 11. 55, trong một cuộc lễ trọng thể, đón tiếp các chiến sĩ Rừng Sát, đại tá Dương Văn Minh đã được tổng thống Diệm vinh thăng lên thiếu tướng. Đến tháng 2. 1957, ông Dương Văn Minh lại được ông Diệm thăng chức, cho lên trung tướng, cùng một ngày với tướng Trần Văn Đôn.

Sau đó, ông Minh được cử đi Mỹ tu nghiệp trong một thời gian ngắn, mở đầu cho giai đoạn thất sủng. Bởi trong thời gian chỉ huy chiến dịch "Rừng Sác", ông Minh đã ngấm ngầm thủ đắc nhiều và báu vật của Bảy Viễn, cùng với một số bạc khổng lồ của lực lượng Bình Xuyên. Hành động chiếm đoạt "chiến lợi phẩm" dùng làm tài sản tư hữu cá nhân của ông Minh, trong hàng tướng lãnh VNCH lúc bấy giờ đã có nhiều người biết. Về sau chuyện đó thấu tai hai ông Diệm-Nhu...

Khi về, 1958, không có một nhiệm sở nào thích hợp cho ông, TT Diệm đã bày ra một văn phòng, gọi là Bộ Tư Lệnh Hành Quân, để cho ông Minh ngồi chơi sơi nước. Đến năm 1960, Bộ Tư Lệnh Hành Quân bị giải tán. Ông Minh được ông Diệm phong cho làm cố vấn quân sự. Nhưng thực chất chỉ là một chức vụ lèo, không có nhiệm sở, chẳng có được cái bàn giấy với cái ghế ngồi. Từ đây ông Dương Văn Minh bắt đầu lập tâm thù hận gia đình anh em ông Diệm.Trong 2 người, ông Diệm còn chút khoan nhượng với ông Minh. Nhưng ông Nhu đã tỏ ra cứng rắn và rất ghét ông Minh.

 Nhân cuộc binh biến ngày năm 1960, ông Minh còn dại dột tuyên bố "trung lập", nghĩa là không theo phe đảo chánh của đại tá Nguyễn Chánh Thi, nhưng cũng không ủng hộ ông Diệm. Hành động ấy chứng tỏ trong lòng ông Minh đã chất chứa mối oán thù rất nặng nề đối với anh em ông Diệm và ông Nhu. Ông ta chỉ còn chờ cơ hội để thanh toán 2 kẻ thù bất cộng đái thiên ấy mà thôi.

Mối thâm thù 2 anh em ông Diệm-Nhu chứa chất nặng chĩu trong lòng ông Dương Văn Minh, đã phát lộ rõ ràng qua 2 sự kiện cụ thể, với bằng chứng rành rành sau đây:

- Từ năm 1960, Dương Văn Minh đã ngầm tiếp xúc, và làm việc cho CSBV, qua trung gian của người em ruột, tên Dương Văn Nhựt, đảng danh là Mười Ty, lúc ấy hãy còn mang quân hàm thiếu tá của quân đội CSBV.

- Ông Minh vốn là một kẻ thiển cận, tâm điạ hẹp hòi, và thù dai, nên đã ghim mối hận "thất sủng" kể trên, chờ đợi mãi cho đến năm 1963, khi thời cơ thuận lợi đến, đã ra tay rửa hận.Sáng ngày 2. 11. 1963... ông Minh đã ngầm ra lịnh cho bộ hạ là thiếu tá Nhung, sát hại cùng một lúc cả 2 anh em ông Diệm và Nhu trong thiết vận xa.

Bây giờ, 33 năm lịch sử đã trôi qua, nhân dịp đảo chánh ngày 1, tháng 11, 1963, tôi ngồi ôn lại ký ức, mở chồng tài liệu cũ, để khắc họa lại chân dung của tướng Dương Văn Minh, một nhân vật đã từng 2 lần đóng vai tuồng lãnh đạo miền Nam. Lần nào cũng ngắn ngủi. Nhưng mỗi lần đều đem đến tai biến thảm khốc vô lường cho nhân dân miền Nam.

Theo dõi cuộc đời của ông Dương Văn Minh, từ thuở còn là một học sinh trung học cho đến nay, đã 80 tuổi, và đang sống lưu vong ở Paris, bằng tiền hưu dưỡng cựu trung úy trong quân đội Pháp ở Đông Dương, tôi thấy có thể tạm chia ra làm các thời kỳ sinh hoạt sau đây:

- Thời kỳ học sinh, từ năm 1916 đến 1940.

-Thời kỳ làm thơ ký công nhật trong dinh phó soái Nam Kỳ, từ 1941 đến 1945.

- Thời kỳ gia nhập quân đội Pháp, từ 1946 đến 1950.

- Thời kỳ chuyển qua quân đội quốc gia, từ 1950 đến 1954. Căn cứ vào ngày 11. 5. 1950, quốc hội Pháp chấp thuận cho VN được thành lập quân đội. Cùng trong ngày này thủ tướng Trần Văn Hữu tuyên bố thành lập quân đội quốc gia, gồm 60.000 người.

- Thời kỳ phục vụ nhà Ngô và bị thất sủng, từ 1955 đến 1963.

- Thời kỳ làm... "cách mạng", và giữ vai trò quốc trưởng, từ ngày 1.11.63 đến ngày 30. 1. 1964 bị tướng Nguyễn Khánh chỉnh lý, cho làm quốc trưởng Bù Nhìn!

- Thời kỳ lưu vong ở Thái Lan, từ tháng 2, 1965 đến 1970. Dương Văn Minh ra tranh cử tổng thống lần thứ nhì với Nguyễn Văn Thiệu, được CSBV ủng hộ, và đại sứ Mỹ Bunker đưa cho 3 triệu Mỹ Kim để vận động tranh cử. Minh đã nhận tiền, bỏ vào ngân hàng Tokyo Bank (theo Frank Sneep). Nhưng tới giờ chót Minh không ra tranh cử , vì không hội đủ 100 chữ ký giới thiệu theo luật định.

- Thời kỳ quy tụ "thành phần thứ ba", từ 1971 đến 1975. Nhưng thực chất, chỉ là một ổ tập trung toàn những cán bộ CS nằm vùng, hầu hết đều là người miền Nam, như: Ngô Công Đức, Dương Văn Ba, Hồng Sơn Đông, Hồ Ngọc Nhuận, Lý Qúy Chung, Nguyễn Hữu Chung, Vũ Hạnh, Huỳnh Văn Tòng, Hồ Ngọc Cứ, Huỳnh Tấn Mẫm v.v..., để thực thi chỉ thị của CSBV trong mục tiêu chiếm trọn miền Nam.

- Thời kỳ làm tổng thống, không do dân bầu, trong 24 giờ, để bàn giao miền Nam VN cho CSBV, từ ngày 28. 4. đến 30.4. 1975.

- Thời kỳ lưu vong tị nạn ở Pháp, từ 1982 đến...

 

QÚA TRÌNH ĐI ĐÊM VỚI CSBV.

Ngay từ năm 1960, khi mới bị nhà Ngô thất sủng, ông Dương Văn Minh đã bắt đầu đi đêm với CSBV.

Trước đây khá lâu, thuở đại tá Phạm Ngọc Thảo còn sống, đã có lần anh kể cho tôi nghe chuyện ông Minh thường liên hệ chặt chẽ với người em ruột, tên Dương Văn Nhựt, là một cán bộ của phe bên kia. Khi chế độ nhà Ngô chưa sụp đổ, ông Minh còn giữ gìn kín đáo, và dè dặt. Nhưng sau khi ông Minh đã lên làm quốc trưởng, khoảng từ năm 1963 đến 1965, ngồi trong dinh Gia Long, tức nơi ông đã xuất thân với nghề thơ ký công nhật cho Tây, ông không cần phải che đậy giấu diếm nữa. Đã nhiều lần ông Dương Văn Minh kêu đại tá Phạm Ngọc Thảo đến bên nói chuyện tâm tình và khoe:

- "Thảo à, thằng Nhựt nó đang ở trong dinh nè. Toa có muốn nói chuyện với nó một chút hông?"

Sở dĩ ông Minh đã khoe như thế với đại tá Phạm Ngọc Thảo, vì ông nghĩ: đại tá Thảo cũng là một nhân vật từng tham gia kháng chiến chống Pháp, từ hồi Mùa Thu 1945.Trong khi đó, Dương Văn Nhựt, cũng là người theo kháng chiến, rồi tập kết ra Bắc vào khoảng năm 1954, chiếu theo hiệp định Genève thỏa hiệp giữa quân đội viễn chinh Pháp và quân đội VM.

Những lần như thế, đại tá Thảo đều tìm cớ thoái thác khéo léo, để khỏi bị vướng mắc giây dưa phiền nhiễu thêm.

 Đại tá Phạm Ngọc Thảo đã không dè hành động né tránh tế nhị ấy, dù không tiết lộ, gây thiệt hại gì cho ông Minh, nhưng từ đó ông Minh vẫn ngấm ngầm lập tâm thù hận P.N. Thảo.

Theo tôi biết, khoảng năm 1960, Ủy Ban Binh Địch Vận (viết tắt: UBBĐV) của Trung Ương Cục miền Nam (TUCMN) đã dò la tìm hiểu được sự thất sủng của nhà Ngô đối với ông Dương Văn Minh. Họ cũng biết được cả tâm trạng bất mãn, đến lòng thù hận sâu cay 2 anh em ông Diệm -Nhu của Dương Văn Minh. Lúc bấy giờ UBBĐV của TUCMN, dưới quyền chỉ huy của ủy viên Nguyễn Huy Dân, liền căng một cái bẫy tình cảm, để lôi cuốn ông Minh ngả theo phe CS, và hoạt động ngầm trong bí mật cho Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam (MTDTGPMN). CSBV đem lá bài Dương Văn Nhựt, có bí danh Mười Ty, ra xài. Lá bài này, mang lon thiếu tá,từ bao lâu rồi vẫn bị vứt lăn lóc trong một xó xỉnhù, trong Bộ Tổng Tham Mưu của quân đội CSBV, để cho buị thời gian phủ dầy.

Một hôm thiếu tá Mười Ty được lệnh trên phải về Nam nhận công tác đặc biệt. Nhiệm vụ của Mười Ty được nói rõ: chủ yếu chỉ nhắm tranh thủ người anh là tướng Dương Văn Minh, lôi kéo ông Minh theo phe MT và hoạt động có lợi cho đảng trong công cuộc thống nhất tòan bộ VN.

Tàu bay của quân đội nhân dân CSBV đưa thiếu tá Mười Ty vào tận Đồng Hới. Sau đó TT Mười Ty dùng xe com măng ca vượt đường rừng, xuyên qua đường mòn Hồ Chí Minh, vào đến vùng ải địa đầu Bùi Gia Mập, tỉnh Phước Bình. Nơi đây Ban BĐV của TUCMN đã cử người đến đón, với đầy đủ giấy tờ tùy thân hợp lệ, gồm cả căn cước bọc nhựa hợp pháp của chánh quyền miền Nam cấp phát. Dĩ nhiên tên tuổi trên giấy tờ cũa Mười Ty hoàn toàn gỉa tạo. Sau đó UBBĐV của TUCMN đã tìm mọi phương tiện thuận lợi, và an toàn nhất, để đưa Mười Ty vào Sài Gòn, trà trộn trong đám đông quần chúng đông đảo trên 5 triệu người, trong một thành phố chật hẹp.

Công việc trước tiên của Mười Ty là bắt liên lạc với người em gái. Tất cả những chi tiết về địa chỉ, thời giờ hoạt động của người em gái Dương Văn Nhựt đã được UBBĐV cung cấp đầy đủ rõ ràng từng chi tiết. Nhờ vậy, Dương Văn Nhựt đã bắt được liên lạc với ngưòi em gái rất dễ dàng. Qua trung gian của người em gái, Dương Văn Nhựt đã được kín đáo chuyển đến cư ngụ hẳn trong gia đình của Dương Văn Minh. Lần đầu tiên, sau 16 năm xa cách, mỗi người một phương trời cách biệt, tưởng chừng anh em không bao giờ còn hội ngộ, ai ngờ bây giờ lại bỗng nhiên đoàn tụ, ông Minh đã giữ Dương Văn Nhựt trong nhà suốt một tuần lễ trong cuộc gặp gỡ lần đầu tiên.

Ngay cuộc tái ngộ đầu tiên ấy, thay vì ông Minh thuyết phục người em, nên bỏ hàng ngũ CS độc tài vô nhân, theo về phe quốc gia. Nhưng ngược lại, ông Dương Văn Minh đã bị người em dùng tình cảm gia đình, thuyết phục hoàn tòan. Điều này kể ra cũng rất dễ hiểu. Vì một phần do bản chất nhu nhược, và dễ bị ảnh hưởng của người khác. Đó là nhận xét của ông Trần Trung Dung khi ông còn giữ chức vụ tổng trưởng bộ Quốc Phòng, thời ông Diệm mới về nước chấp chánh. Một phần do lòng dạ nhỏ nhen, thiển cận, hay thù vặt, oán dai. Ông Minh đã thâm thù 2 anh em ông Diệm. Bây giờ có môi trường thuận lợi, đi theo kẻ tử thù của 2 anh em ông Diệm, để rửa hận cũng là lẽ thường tình của tâm lý người đời.

Từ đó Mười Ty được lịnh bám sát Dương Văn Minh luôn. Mười Ty thường xuyên ra khu lãnh chỉ thị, rồi lại trở vào Sài Gòn, liên lạc với Dương Văn Minh, trao truyền chỉ thị.

Theo sự tiết lộ của ủy viên Nguyễn Huy Dân, đặc trách UBBĐV của TUCMN, khi ông Minh bị Thiệu-Kỳ cưỡng bách lưu đày tại Thái Lan, cũng vẫn không mất liên lạc với CSBV và MTDTGPMNVN. Lúc bấy giờ Mười Ty cũng được TUVMN bố trí thường xuyên sang Căm Bu Chia, để lấy đường qua Thái Lan cách kín đáo, không bị sự dòm ngó của tình báo VNCH và của CIA Mỹ. Mỗi lần qua Căm Bu Chia, Mười Ty thường tạm trú trong nhà một Hoa thương khá giả, buôn bán ở Nam Vang, rất có cảm tình với CSVN và MTDTGPMNVN. Trong thời gian tạm trú trong nhà Hoa thương này, Mười Ty còn học thêm tiếng Trung Hoa, để dễ dàng đóng vai trò một Hoa Kiều qua lại Bangkok làm ăn. Tuy nhiên, khi nào có những tài liệu công tác quan trọng cần trao đổi Mười Ty không thể bay từ Nam Vang qua Bangkok, mà phải bố trí đánh lạc hướng tình báo, bằng cách bay vòng sang Ý Đại Lợi. Rồi từ Ý, Mười Ty mới bay qua Paris. Mỗi lần như thế, cơ sở hoạt động của CSBV ở Paris cũng đã được thông báo trước, để chuẩn bị đón tiếp Mười Ty. Mặt khác, vợ chồng Dương Văn Minh cũng đã được thông báo trước cuộc hội ngộ. Nhưng thường chỉ có vợ của Dương Văn Minh, theo chỉ thị của chồng, ôm theo tài liệu, và hồ sơ mật qua Paris, hội ngộ với Mười Ty. Dương Văn Minh không dám đến Paris vì sợ lộ diện. Vì trong thời gian ấy có hội nghị Hoà Đàm 4 bên ở Paris, nên có rất nhiều tai mắt của cả tình báo VNCH và CIA Mỹ.

Đến năm 1970, sau khi đã hoàn toàn làm chủ được mục tiêu, tức là CSBV và MTDTGPMN đã nắm đựơc trọn cả phần hồn lẫn phần xác của Dương Văn Minh rồi, công tác của Mười Ty đến đó kể như chấm dứt. Thời gian này Dương Văn Minh đã được trở về sinh sống ở Sài Gòn, nhưng TUCMN nại cớ tình hình chiến sự ngày càng gay cấn hơn, nên không cho Mười Ty về thành liên lạc với Dương Văn Minh nữa. Như thế không có nghĩa CSBV đã thả lỏng con mồi bự, rất ngoan ngoãn Dương Văn Minh đâu. Đừng một ai nghĩ thế mà lầm! CSVN không dại, mà hớ hênh, tới cỡ đó. Hành động ấy chứng tỏ CSVN đã cấy xong "SINH TỬ PHÙ" vào con người của Dương Văn Minh rồi. Từ đây, nếu Dương Văn Minh mà bỗng nhiên trở quẻ, thì chỉ có chết, hoặc thân bại danh liệt suốt đời mà thôi. Mặt khác,TUCMN cần phải lôi Mười Ty vào khu chiến, để tránh hậu hoạn. Mười Ty có thể lâu dần bị hủ hóa. Hơn thế nữa, vì tình cảm gia đình, Mười Ty không tiện đưa ra những quyết định cứng rắn, khốc liệt, có thể làm hỏng đại cuộc...Tức là kể từ đó, ông Minh đã bắt đầu "ĐI CHÀNG HẢNG" giữa 2 phe QG và CSBV. Cũng từ đó ông Minh đã khởi sự "ĐI ĐÊM" với CSBV, và MTDTGPMNVN, lãnh chỉ thị thi hành đường lối của trung ương cục miền Nam, tức là lại làm "BÙ NHÌN" và "TAY SAI" của CSBV, để tìm mọi cách ngấm ngầm phá hoại, làm suy yếu tiềm lực chống CS của phe quốc gia và Mỹ.

 

THÀNH PHẦN THỨ 3: Ổ CÁN BỘ CS NĂM VÙNG!

Sau khi được về nước, ông Minh đã quên hẳn lời nói trước kia với tôi, khi ông còn ở Thái Lan. Lời này cho đến bây giờ tôi còn nhớ rõ không sót một chữ: "Qua nhớ nhà, nhớ quê hương. Qua chỉ muốn về V.N. để vui hưởng tuổi già. Qua không còn ham muốn làm chánh trị nữa!"

Tôi cũng thừa biết tâm trạng của ông Minh khi ở Thái khác với tâm trạng ông Minh lúc đã trở về dinh Hoa Lan, đường Trần Qúy Cáp. Lúc bấy giờ, kẻ ra người vào tấp nập, toàn những khuôn mặt mà tôi đã quen biết từ đầu thập niên 50, hầu hết đều là người miền Nam, và là cán bộ CS nằm vùng. Như các dân biểu hạ viện: Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận, Hồ Ngọc Cứ, Lý Qúy Chung, Nguyễn Hữu Chung, Dương Văn Ba, cựu đại tá, nghị sĩ Hồng Sơn Đông, tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng, Vũ Hạnh, Huỳnh Bá Thành v.v...Kín đáo hơn, bên trong còn có cựu chuẩn tướng nhảy dù Nguyễn Hữu Hạnh...

Trường hợp chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh đã bị ban Binh Địch Vận của TUCMN móc nối cũng tương tự như tướng Dương Văn Minh. Thời điểm móc nối của 2 tướng Minh và Hạnh giống nhau, cùng xảy ra trong thời gian 1960. Cung cách móc nối cũng tương tự như nhau, nghĩa là Ban BĐV của CS cũng dùng người trong thân quyến, để thuyết phục 2 ông. Về phần tướng Minh, tôi đã trình bày rõ ở đoạn trên rồi. Bây giờ tôi xin kể đến trường hợp của chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh.

Khoảng năm 1960, Ủy Ban Binh địch Vận của TUCMN, do uỷ viên Nguyễn Huy Dân chỉ huy, đã ra lịnh cho Bảy Lương, một cán bộ Binh Địch Vận giữ chức vụ đội trưởng "ĐỘI VẬN ĐỘNG SĨ QUAN CHẾ ĐỘ SÀI GÒN", phải xâm nhập vào thủ đô, để thi hành công tác đơn tuyến. Thoạt tiên, được ném vào lòng địch, với 2 bộ quần áo, và một cái thẻ kiểm tra mang tên gỉa mạo, Bảy Lương không nhà cửa, không họ hàng bà con thân thích nào để nương tựa. Mục tiêu chủ yếu của Bảy Lương, đã được chỉ định, là phải lôi cuốn cho bằng được đại tá Nguyễn Hữu Hạnh. Lúc ấy Hạnh đang giữ chức tư lệnh phó vùng 4 chiến thuật.

Mục tiêu này có vẻ rất khó vận động. Vì Hạnh là một sĩ quan nhảy dù, đã có nhiều thành tích diệt cộng từ thuở còn là binh nhì, đã từng được du học Mỹ Quốc về ngành tình báo. Địa vị trong quân đội vững chắc, và con dường tương lai còn nhiều hứa hẹn sáng sủa. Về gia cảnh, Hạnh đông con, sống đầy đủ về mọi mặt. Nhưng Bảy Lương đặc biệt chú ý đến chi tiết quê quán, và nguồn gốc xuất thân của Nguyễn Hữu Hạnh. Trong cuộc điều nghiên, Bảy Lương biết được đại tá Hạnh là người sanh trưởng ở xã Phú Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho. Đây là một vùng" sôi đậu ", một vùng "giải phóng lõm". Nơi đây, đồng bào sống dưới áp lực của cả đôi bên: chánh quyền QG và CS. Bảy Lương liền tìm đường đến xã Kim Sơn, nằm kế cận xã Phú Phong, tiếp xúc với một số đồng bào quen thuộc ở đó, để dò la, tìm hiểu chi tiết về gia cảnh, họ hàng, bà con thân thuộc của đại tá Hạnh. Bảy Lương được biết, tuy hiện đã làm nên danh phận, nhưng đại tá Hạnh vẫn còn giữ nhiều liên hệ với nơi chôn nhau cắt rún của mình. Họ hàng, bà con của Hạnh nhiều người vẫn còn cư ngụ trong xã Phú Phong. Bảy Lương bèn lần mò đến làm quen và gắn bó tình cảm với thân nhân của ĐT Hạnh. Khi thân sinh của ĐT Hạnh qua đời, Bảy Lương can thiệp với xã ủy Phú Phong, bắn tin cho ĐT Hạnh biết ông được phép đem thi hài cha về quê mai táng. Đến ngày giỗ mở cữa mả, ĐT Hạnh cũng được phe MTDTGPMN cho biết: ông được phép dùng phi cơ trinh sát lượn thấp 3 vòng trên mả cha, cách an toàn, không bị quân giải phóng ở đó bắn lên.

Từ những việc lấy lòng, gây thiện cãm, nho nhỏ ấy, Bảy Lương tiếp tục đi sâu thêm vào lãnh vực tình cảm cũa Nguyễn Hữu Hạnh. Bảy Lương thừa biết, đối với những người có trình độ như Nguyễn Hữu Hạnh, không thể đem chủ thuyết CS,hay khái niệm giải phóng, đánh đuổi ngoại nhân, như Tây, Mỹ v.v... ra khỏi nước, để thuyết phục đựợc. Trái lại, có khi còn tạo nên tranh luận dông dài vô cùng nguy hiểm.

Muốn đi sâu vào lãnh vực tình cảm của Ng. H. Hạnh, Bảy Lương cũng tự biết không đủ niềm tin để dẫn dụ NH Hạnh. Bảy Lương nhận thấy, trong xã có ông Tám "VÔ TƯ", một thầy thuốc Nam, vốn có họ hàng, bà con với Hạnh. Thuở Hạnh còn nhỏ, ông Tám Vô Tư còn là người đã dạy vỡ lòng A,B,C...cho Hạnh. Vì thế, N.H. Hạnh đã tỏ ra rất quí mến, và ngưỡng mộ ông Tám Vô Tư.

 

NHỮNG THÀNH QUẢ CHIẾN LƯỢC DÂNG CHO CSBV.

Mới đây theo tiết lộ của Nguyễn Huy Dân, ủy viên UBBĐV của TUCMN, sau khi cuộc đảo chánh ngày 1. 11. 63 thành công, Dương Văn Minh đã tạo được những thành tích quan trọng, đáng kể nhất là những món qùa tinh thần để dâng lên cho Bác và đảng như sau:

- Thành tích đặc biệt có lợi cho công cuộc trường kỳ kháng chiến của quân dân cả nước dưới chế độ xã hội chủ nghĩa là: Dương Văn Minh đã can đảm ra lịnh hạ sát cả 2 anh em Diệm -Nhu, như chặt rắn mất đầu, để các lực lượng phản động, ngoan cố ở miền Nam không còn một lãnh tụ chánh trị nào xứng đáng nữa.

- Khi vừa lên giữ chức quốc trưởng, Dương Văn Minh đã hạ lịnh triệt tiêu 16.000 ấp chiến lược trên toàn thể lãnh thổ miền Nam. Đây là một thành tích cực kỳ lớn lao, đã đóng góp đắc lực trong công cuộc tái sinh các kế hoạch du kích chiến của TUCMN.Từ đây, các lực lượng vũ trang nhân dân của TUCMN đã có thể lần hồi khôi phục được sinh lực, sống với dân như cá với nước, khiến các mũi nhọn tiến công của Mỹ và Ngụy bị vô hiệu hóa đến 80 %. Về sau, để khắc phục sai lầm này, chế độ Thiệu-Kỳ mới đẻ ra "chiến dịch PHƯỢNG HOÀNG", nhưng kết qủa vẫn không đáng cho các lực lượng võ trang nhân dân của ta lo ngại.

- Về mặt chiến lược, khi bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mc. Namara đề nghị ném bom nổ chậm xuống đê sông Hồng, ở miền Bắc, để làm cho miền Bắc bị nạn lụt lội, bị mất mùa, dân chúng đói khổ, tinh thần chiến đấu của quân đội nhân dân miền Bắc bị suy giảm. Nhưng đồng chí Dương Văn Minh đã cương quyết lắc đầu, trả lời Mac Namara: "Tôi không muốn đồng bào miền Bắc bị đói!" Nhờ công trạng đó, mà cuộc chiến của quân đội nhân dân vẫn tiếp tục duy trì cường độ, áp lực Mỹ Ngụy phải bước đến bàn hội nghị.

- Chính vì những hành vi yêu nước ấy, công khai phản kháng các kế hoạch tàn bạo của đế quốc Mỹ, nên Dương Văn Minh đã làm mích lòng người Mỹ, khiến ông bị đảo chánh vào năm 1964. (ám chỉ cuộc chỉnh lý 30. 1. 64, của tướng Nguyễn Khánh).

- Sau hơn 10 năm sống lưu vong ở Thái Lan, khi về nước Dương Văn Minh đã có công tập họp các lực lượng đấu tranh chống Mỹ và Ngụy quyền ở Sài Gòn, và nhất là đã có công bảo vệ các cơ sở nội tuyến của cách mạng, để chờ thời cơ hành sự.

- Ngày 28.4.1975, Dương Văn Minh đã hi sinh thêm một lần nữa, cố gắng tranh thủ cho bằng được chức vụ tổng thống đang trong tay những lực lượng phản động, khát máu. Dương Văn Minh lập nội các mới, nhất quyết không nhường các ghế quốc phòng, nội vụ, kinh tế cho những phần tử hiếu chiến, phản động. Ông đã chọn ông Nguyễn Văn Huyền, Vũ Văn Mẫu làm phó tổng thống, và thủ tướng. Vì 2 người ấy hiểu biết thời cuộc đang diễn tiến theo chiều hướng nào. Dương Văn Minh cũng chọn Nguyễn Văn Hảo làm phó thủ tướng đặc trách kinh tế, là một cơ sở cảm tình của cách mạng.

- Về mặt an ninh trong đô thành, Dương Văn Minh đã được phe ta đề cử luật sư Triệu Quốc Mạnh, một cơ sở nội tuyến của cách mệnh, nắm chức chỉ huy ngành cảnh sát. (Tôi xin đính chánh điểm này: Triệu Quốc Mạnh lúc bấy giờ đang giữ chức phó biện lý, tòa sơ thẩm Gia Định, dưới quyền chánh biện lý Nguyễn Thế Cường, hiện đang tị nạn ở Glendale, Cali, Mỹ quốc. Từ khi được bổ nhiệm chức phó biện lý tòa Gia Định Triệu Quốc Mạnh đã đóng kịch "SẠCH ", bằng cách không thèm đi xe hơi, chỉ chạy Mobylette!).

- Về mặt quân sự, Dương Văn Minh đã mau chóng triệu thỉnh cựu chuẩn tướng nằm vùng Nguyễn Hữu Hạnh về cho giữ chức phụ tá Tổng Tham Mưu Trưởng quân lực VNCH, để kềm sát bên tướng Vĩnh Lộc, Tổng Tham Mưu Trưởng bù nhìn. Nhưng chỉ trong vòng 24 giờ, tướng Vĩnh Lộc thấy khó ăn, cũng đã bõ của chạy lấy người, đem theo nàng Minh Hiếu sang Mỹ!

- Trong cơn dầu sôi lửa bỏng, tướng Vanuxem của Pháp, nhận thấy: dù vậy vẫn còn con đường cứu nguy miền Nam, ông đã đề nghị rút tàn quân VNCH về miền Tây, kéo dài cuộc chiến, để có tư thế thương thuyết với CSBV. Nhưng Dương Văn Minh đã nhận được chỉ thị của Lê Đức Thọ, qua người em là đại tá Mười Ty Dương Văn Nhựt, để tuyên bố "ĐẦU HÀNG VÔ ĐIỀU KIỆN", tức dâng trọn miền Nam cho quân CSBV. Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng vào lúc 9 giờ 30 phút sáng ngày 30.4.75, sau khi chỉ làm tổng thống có chưa đầy 24 giờ đồng hồ!

- Theo tường thuật của báo chí, và các tài liệu lịch sử, đã được phổ biến rộng rãi khắp 2 phía Quốc Cộng, sáng ngày 30.4.75, một tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn LÔI HỔ đã gặp Dương Văn Minh để phản đối quyết định đầu hàng. Ông Minh đã trả lời vị sĩ quan Lôi Hổ ấy nguyên văn như sau:

- "Qua cũng như em đều là quân nhân. Người lính buông súng đầu hàng là nhục nhã, nhưng để tránh đổ máu..., qua yêu cầu em..."

Đây là lần thứ nhì tướng Dương Văn Minh viện cớ "SỢ ĐỔ MÁU". Lần thứ nhứt, trong khoảng những ngày từ 21 đến 28. 7. 64, ông Minh đã trả lời tướng Đôn: "Tôi sợ đổ máu!", khi bị tướng Đôn chất vấn, tại sao ông không dám can thiệp với Nguyễn Khánh.(VNNC, TVĐ, trang 308).

Những câu: "TRÁNH ĐỔ MÁU", và "SỢ ĐỔ MÁU" của tướng Minh chẳng qua chỉ để che đậy cho những hành động phản phúc, và hèn nhát của ông mà thôi. Chính ông Đôn cũng đã kết luận như thế trước tôi.(xin xem VNNC,TVĐ, trang 308,309).

 

NHỮNG THỦ HẠ NẰM VÙNG ĐÃ NÓI GÌ VỀ DƯƠNG VĂN MINH?

Dưới đây là những đoạn văn của một số tay chân thủ hạ, thân tín của Dương Văn Minh, trong cái gọi là "THÀNH PHẦN THỨ BA", hay còn gọi là "TRUNG LẬP". Nhưng thực chất, nhóm này chỉ là một ổ cán bộ CS nằm vùng, mà tên tuổi, tôi đã nêu lên trong các phần trên. Nay, tôi trích một vài đoạn văn của những người ấy, đã đăng tải trong quyển "CHUNG MỘT BÓNG CỜ", do CSVN ấn hành, sau ngày 30.4.75, tại VN, để bạn đọc có thêm dữ kiện, để nhận định về cái mặt nạ quốc gia gỉa hiệu của Dương Văn Minh.

- LÝ CHÁNH TRUNG.- Có một lần tôi hỏi tướng Minh: "Tại sao hồi 1945, đại tướng không theo kháng chiến?"

Minh trả lời: "Có, nhưng theo không nổi. Hồi đó, tôi còn làm trung úy trong quân giới Pháp. Theo kháng chiến, mấy anh cũng cho tôi làm quân giới, nhưng khi Pháp chiếm Sài Gòn, thì chúng tôi rút về Mỹ Tho. Khi các anh ấy rút, không cho tôi biết, đến sáng Pháp đã lấy thành. Tôi lên xe đạp chạy tìm, nhưng Tây đã chặn hết các nút rồi. Tôi bị một thằng bạn cũ chặn bắt, đem nhốt tôi ở bót Catinat. Bị giam mấy tháng thì đầu hàng và ra làm việc lại. Lúc đầu tôi không muốn hành quân,nhưng sau cũng không giữ được."

Lúc Minh ra tranh cử tổng thống Sài Gòn (1969), trong một cuộc họp báo chí, có một phóng viên Mỹ hỏi: "Nếu ông được làm tổng thống, mà có yêu cầu đưa thi hài chủ tịch Hồ Chí Minh vào Nam thì ông nghĩ sao?"

Minh trả lời: "Đối với chúng tôi, điều trăn trối của người sắp chết rất thiêng liêng. Nếu Hồ chủ tịch đã trăn trối như vậy thì cứ đưa vào!"

Một lần nữa, lúc Mỹ ném bom miền Bắc trong một cuộc họp tôi nói: "Nếu tôi là thanh niên miền Bắc mà Mỹ dội bom như thế này thì nhất định tôi phải đi lính, đại tướng có nghĩ như tôi không?". Minh gật đầu tán đồng.

Theo ý riêng của tôi, Minh xem mình thuộc phe gọi là: "QUỐC GIA THÂN CỘNG SẢN".

- Nguyễn Hữu Hạnh: - Minh có thổ lộ với tôi lý do Mỹ phải chỉnh lý Minh: "Thứ nhất, MC. Namara gặp và yêu cầu Minh ra lệnh bỏ bom ở mấy cơ sở miền Bắc. Minh từ chối, viện lý do: bỏ bom thì còn miểng và người ta sẽ biết là bom của Mỹ. Thứ hai, Mỹ chủ trương phá đê sông Hồng. Minh cũng phản đối, bảo là không thể làm được. Từ đó, đại sứ Mỹ Martin gặp Minh và cho biết có lẽ là "khó hợp tác".

Minh còn cho biết ông có tìm cách liên lạc với MTDTGPMNVN. Minh chống cái gọi là "QUỐC SÁCH ẤP CHIẾN LƯỢC" của Diệm. Sau khi lật Diệm, Minh đã ra lệnh xóa bỏ hệ thống Ấp Chiến Lược. Chủ trương này của minh cùng với cao trào cách mạng phá ấp chiến lược khắp miền Nam lúc đó đã tạo điều kiện làm chuyển biến mạnh tình hình chiến trường miền Nam.

Minh thường nói rõ quan điểm của mình là không muốn cho quân Mỹ và đồng minh vào miền Nam (1964-65)...

Lý Quý Chung: - Trong nhóm Minh, anh em gần như nhất trí đấu tranh cho một chánh phủ liên hiệp với MTDTGPMNVN, chứ không liên hiệp với Thiệu. Minh nhất trí với quan điểm đó cho nên ta hiểu được tại sao tới giờ phút cuối cùng Minh đã giao quyền cho cách mạng.

Ngoài những "món nợ" giữa 2 bên từ hồi đảo chánh (1963) còn có nhiều sự kiện khác. Như khi tranh cử tổng thống lần thứ hai (1971), Minh đã triển khai guồng máy vận động tranh cử, chủ yếu nhằm tuyên truyền chống Thiệu. Đến giờ chót, Minh viện cớ bầu cử gian lận nên rút tên. Thái độ này của Minh làm cho Mỹ hoảng sợ, vì đối với chế độ Sài Gòn không có gì lố bịch bằng bầu cử gọi là dân chủ mà cuối cùng lại trở thành độc diễn. Cái hiểm của Minh là để đến giờ chót mới rút. Đại sứ Mỹ Bunker phải trực tiếp đến gặp Minh để hỏi lý do rút. Minh cho rằng guồng máy của mình không đủ để có thể đối đầu với Thiệu được. Bunker hỏi: "Vậy theo đại tướng, cần cở bao nhiêu mới làm được?". Minh bảo: "Cả triệu đô la mới được!". Bunker bảo: "Sẽ có một triệu đô la..."

 

TẠI SAO MINH CỐ XIN CHỨC TỔNG THỐNG, ĐỂ RỒI ĐẦU HÀNG NGAY?

LÝ CHÁNH TRUNG.- Tôi đã đặt câu hỏi này với tướng Minh, ông đã trả lời: "Tôi cũng biết như vậy, nhưng ở đây còn là vấn đề nhân đạo. Bớt đổ xương máu chừng nào tốt chừng nấy." Theo tôi, lúc nhận chức TT, tướng Minh không hề có ảo tưởng gì về giải pháp chánh trị.

TRẦN NGỌC LIỄNG.- Khi Hương đã chấp nhận giao quyền lại cho Minh, tôi nói với Minh: "Tình hình đã thay đổi rồi, giờ này còn nhận làm gì nữa?" Minh nêu 2 lý do tại sao Minh quyết định như vậy: Một là, nếu Minh không đứng ra, Nguyễn Cao Kỳ sẽ làm đảo chánh, dân chúng sẽ chết nữa. Hai là, Mỹ đã nói với Thiệu, sau hiệp định Paris, nếu VC tiến công thì Mỹ sẽ thả bom CBU là vũ khí giết người hàng loạt, sẽ chết dân chúng."...

HỒ VĂN MINH.- Lúc Trần Văn Hương đã chấp nhận trao quyền rồi, sau bữa cơm trưa, tôi hỏi tướng Minh: "Theo đại tướng, tình hình đã đến thế này, còn có thể làm gì được nữa?" Tướng Minh trầm ngâm một lát rồi nói: "Tình hình tuy đen tối, nhưng vẫn phải làm chánh trị, tôi nghĩ bên kia cũng cần mình".

Cuối cùng, trước ngày mất miền Nam, ông Trần Văn Hương đã mắng ông Minh trên Tivi rằng: "Thằng Minh, nó là học trò của tôi. Tôi biết nó quá mà... NÓ TỰ VẼ LẤY BÙA MÀ ĐEO!". Như thế ý ông Hương muốn nói: Ông Minh đã tự gán cho mình vai trò sứ mệnh đứng ra thương thuyết với bên kia, để khẩn khoản xin ông Hương nhượng quyền tổng thống...

Nhưng theo tôi, thật ra bùa đó không phải do Minh tự vẽ, mà do CSBV, với sự yểm trợ của Trí Quang, đã vẽ cho Minh!

Dù sao bây giờ ông Minh cũng đã ra người thiên cổ.Vậy, tôi xin dâng hiến những chi tiết trên đây cho lịch sử gọi là đóng góp phần nào nhỏ nhặt trong sự việc "cái quan định luận"!

Đặng Văn Nhâm

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002