Đại Chúng số 80 - phát hành ngày 15/8/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


TRĂNG NGÀY XƯA

Hà Ngọc Bích

Mỗi khi nhắc đến mùa trăng, lòng tôi và có lẽ hầu hết người Việt ly hương lại thấy bồi hồi rung cảm, nhớ đến con trăng ngày xưa. Đã biết bao nhiêu nhân văn thi sĩ từng ngẫu hứng ngồi uống rượu dưới ánh trăng ngà hoặc rung đùi cảm hứng thưởng trăng, ngâm lại vài vần thơ bất hủ của Trương Nhược Hủ đời Đường: Xuân Giang Hoa Nguyệt Da. Nhiều thi sĩ nhất là các tiên sinh Trần Trọng Kim và Chi Điền cũng đã để lại cho ta những vần thơ trác tuyệt:

"Một màu trắng tỏa trong trời nước,
Trăng sáng ngời vằng vặc trên không.
Đầu tiên, ai kẻ trông trăng?
Vầng trăng chiếu xuống trần gian thuở nào?
Đời kế tiếp không bao giờ tận,
Trăng năm này năm khác giống nhau.
Ai hay trăng chiếu người nào,
Thấy trăng chỉ chiếu ngọn trào Trường Giang!"

                        (Chi Điền)

Đọc Cụ Trần, nguồn cảm hứng cũng rạt rào:

"Sông liền biển, nước dâng đầy dẫy

Trăng mọc cùng triều dậy lên khơi.

Trăng theo muôn dặm nước trôi,

Chỗ nào có nước mà trời không trăng?

Người sinh hóa kiếp nào cùng tận,

Năm lại năm trăng vẫn thế hoài.

Trăng sông nào biết soi ai,

Dưới sông chỉ thấy nước trôi giữa dòng."

                        (T.T.Kim)

Ở quê nhà, mỗi khi trăng rằm tròn vành vạnh, tôi vẫn thích ngồi uống trà thơm thưởng trăng, trong khu vườn nhà, dưới tàn cây vú sữa. Cảnh vật êm đềm tĩnh mịch, mùi hoa nguyệt quới thơm thoang thoảng, mắt nhìn cảnh trời trong xanh, ánh trăng ngà bàng bạc, thấy lòng lắng dịu thanh thản lạ thường. Kể ra Lý Bạch ngày xưa, ngồi uống ruợu dưới trăng, cao hứng đến độ muốn "mò trăng đáy nước" mà chết cũng không có gì là lạ. May mắn hơn, nhà vua đa tình Đường Minh Hoàng cũng đã được lên thăm cung quảng chị Hằng và thưởng thức một màn nghê thường vũ khúc làm ta cảm thấy thèm thuồng ước mơ. Gần ta hơn, đọc "Chơi Giữa Mùa Trăng" của Hàn Mặc Tử, ta cũng thấy cái say mê huyền ảo của một cuộc chèo thuyền dưới ánh trăng ngà như lạc vào một thế giới thần tiên diễm ảo gần như man dại. "Mỗi phút trăng lên cao, chỗ nào cũng có trăng, có ánh sáng cả, tưởng chừng như bầu thế giới chở chúng tôi cũng đang ngập lụt trong trăng và đang trôi nổi bềnh bồng đến một địa cầu nào khác." Ánh trăng mông lung huyền ảo như đưa ta vào một thế giới mộng mơ, trăng nước hữu tình, thấy mình như đang chơi vơi bềnh bồng trên một dòng suối đầy hoa đào, đưa ta từ từ vào chốn đào nguyên như Lưu Thần Nguyễn Triêu gày xưa.

Hoa rơi động khẩu ứng trường tai,

Thủy đáo nhân gian, định bất hồi.

                  (Tào Đường)

Ấy người xưa thưởng thức "trăng nước" như thế, nó tao nhã và đẹp như một bức tranh thủy mạc, một bức lụa thêu gấm dệt hoa, nói lên cái tiêu sái của một con người hào hoa phong nhã.

Lúc còn nhỏ, tôi ở nơi quê nội, một chốn đồng quê mộc mạc. Những đêm trăng tròn vành vạnh cũng đã để lại cho tôi bao nhiêu kỷ niệm êm đềm của khoảng đời thơ ấu. Cảnh trăng nước hữu tình giữa chốn đồng ruộng bao la ở quê nhà vẫn còn ấp ủ trong ký ức, đôi khi chập chờn trong những giấc mơ quê hương, không biết đến bao giờ mới quên được.

Vào những đêm trăng rằm, tôi thường rủ người anh họ, anh Thể, đi cắm câu dọc theo con kinh Măng Thít, ngoằn ngoèo chảy ngang qua cái làng Tường Lộc nhỏ bé của tôi. Thú cắm câu về đêm là cái mà tôi thích nhất nơi chốn đồng quê ruộng rẫy này và đã bao lần vô tình tôi được sống cảnh "Đêm Trăng Hoa trên sông" của làng xưa quê cũ. Mồi câu đã được chuẩn bị từ ngày trước. Các loại cá đồng thích mồi tép ủ hơn mồi trùng nên tôi phải xách rổ xúc ra đìa, chao lấy một mớ tép choai, đem về ủ với lá khế cho có mùi. Bữa cơm chiều vừa xong, tôi đã chuẩn bị cho xuống chiếc xuồng nhỏ chừng năm chục cần câu cắm, hai cái đèn lồng, và không quên vài gói cốm chùi hay vài củ khoai lang nấu. Trời cũng chập tối, mặt trăng vừa bắt đầu lên khỏi ngọn tre, hai anh em phấn khởi xuống xuồng, thả dọc theo bờ kinh, bơi ngược về phía ngọn nơi có nhiều cây cối rậm rạp và tương đối ít ghe xuồng đi lại. Anh Thế bời xuồng vừa chỉ cho tôi những chỗ nên cắm cần câu. Cứ khoảng độ 20 thước, tôi lại cắm 1 cần câu, khi thì núp dưới một gốc bần, lúc ở cận đam ô rô. Đôi khi tôi lại đặt giữa đám dừa nước hay ở gần một cái xẻo nhỏ có chiếc cầu là những nơi mà loại cá ưa chuộng nhất. Tôi vừa cắm câu vừa chuyện trò vui vẻ, chẳng mấy chốc mà đã cắm xong hết cần câu. Dòng nước vắng lặng, tiếng cô trùng rên rỉ dọc hai bờ kinh hòa lẫn với tiếng cá đớp mồi lóc bốc, tiếng nước ruộng chảy róc rách từ đồng đổ xuống, tiếng vạc ăn đêm kêu áo não. Thỉnh thoảng một con cò ma động ổ hay một chú gà nước giật mình phóng vọt đi, buông ra vài tiếng oác oác hốt hoảng. Trên những cụm bần mọc dài theo bờ kinh, hàng ngàn con đom đóm chớp tắt lập lòe ánh sáng như muôn vạn vì sao. lòng tôi thanh thản lạ, thấy mình sung sướng lâng lâng giữa trời nước cỏ cây, hòa mình với cảnh vật thiên nhiên. anh Thể vấn một điếu thuốc rê, bật lửa để hút và bắt đầu quay xuồng trở ra khúc kinh lớn về phía chợ quận. Aùnh trăng ngà huyền ảo mông lung soi sáng mặt nước long lanh tạo thành những vệt sáng dài, lấp lánh bàng bạc như hàng ngàn con rắn trắng đang ngoằn ngoèo bò trên mặt nước. Trời trong xanh mờ ảo bao la, trăng tròn vành vạnh, gió thổi man mác, ánh trăng bao trùm cả vạn vật. Tôi ngồi trước mũi xuồng mơ tưởng như mình đang lạc vào một cõi thiên thai, một thế giới thần tiên diễm ảo. Giọng hò trầm trầm của anh Thể chợt vang lên:

Hò .... ơ....Thân anh như con phụng lạc bầy,

                  Thấy em lẻ bạn, anh muốn vầy duyên loan.....

Tiếng hò ấm áp trầm bổng vang lên, ngân dài trong đê, vắng hòa lẫn với tiếng giầm khua đều trên mặt nước. Con xuồng lướt nhẹ phăng phăng trên dòng nước bạc như trăng mở đường hoa để đón khách phàm trần. Tôi khẽ mỉm cười nhớ lại câu hò của thằng Năm Xương Gà đã dạy tôi:

Hò .... ơ.... Con cua kình càng bò ngang đám bí

                   Anh thấy cô nàng bé tí anh thương.....

Đúng là một thằng quỷ!

Xuồng đã đến khúc kinh rộng, gần đến chợ quận, nên ghe xuồng tương đối đông đảo, di chuyển ngược xuôi. Các ánh đèn lồng trên ghe lung linh rọi xuống mặc nước chập chờn tạo thành một phong cảnh trăng lồng đáy nước như một giải ngân hà ở chốn trần gian. Đâu đây chợt vang lên tiếng rao trong trẻo của dì bán cháo cá quen thuộc:

_ Ai ăn cháo cá, chè đậu xanh nấu đường hôn.....

Gì chớ cháo cá của dì Bảy thì ngon tuyệt rồi. Cháo cá lóc, lại có để thêm vài miếng dồi mong, chút tương ớt. Đúng là hương vị đậm đà của sông nước Hậu Giang. Tôi xuýt xoa chép miện bảo anh Thể:

_ Phải chi có xu, tụi mình mỗi đứa ăn một tô cháo nóng thì hay quá!

Anh hiền lành cười bảo tôi:

_ Có mấy củ khoai lang bí, em ăn đỡ đi. Mình bơi dạo chơi chút nữa rồi trở lại thăm câu là vừa.

Từ xa vẳng lại tiếng chó sủa trăng, điểm thêm tiếng gõ mõ lốc cốc của mấy ông thầy pháp có lẽ đang trổ tài bắt quỷ trừ ma. Đâu đấy tiếng chày giã gào nhịp nhàng của những nhà lân cận bờ kinh, tiếng nước đập vào mạn xuồng, thỉnh thoảng một tràng đại đồng chung của ngôi chùa làng vọng công phu từ xa vẳng lại. Tất cả ngần thứ ấy tạo thành một cảm giác êm đềm man mác. Tôi khẽ bảo anh Thể:

_ Đêm nay trăng đẹp làm sao anh há?

Xuồng chúng tôi bắt đầu quay lại để thăm câu. Tôi thích thú  hồi hộp chờ mong một kết quả tốt đẹp  để bù lại công khó nhọc của hai đứa. Nơi này một con rô biển tham mồi đang giẫy giụa ở đầu dây câu. Tôi hân hoan gỡ con cá, bỏ vào khoang xuồng và móc mồi lại như trước. Nơi kia một con bống tượng rằn ri giẫy rột rẹt, há hóc cái miệng to vì bị mắc câu. Tôi chợt nghĩ đến món cá bống tượng chưng tương với kim chi bún tàu và ít tai nấm mèo thơm phức. Đôi khi xuồng vừa đến gần, tôi đã thấy cái cần câu bị ghịt chặt xuống , rúng rẩy như sắp bị giật bung đi, đúng là con trê trắng rồi. Mặc dù rất thích ăn canh chua cá trê, nấu với bạc hà rau om, để thêm vài lát ớt đỏ, nhưng tôi vẫn ngán loại cá này nhất là cặp ngạnh bén ngót ở hai bên đầu cá. Cũng may, anh Thể lại ra tay nhà nghề gỡ cá dùm tôi kẻo tôi dám lãnh đủ một ngạnh vào tay thì khổ cả hai đứa. Chúng tôi thu hoạch được đủ thứ cá: rô biển, thát lát, trèn bâu, trên trắng trê vàng ...đủ cho gia đình ăn cả ngày không hết. Tiếng cá giãy rột rẹt trong khoang xuồng làm tôi thêm thích thú và bỗng nhiên tôi cảm thấy tất cả: Trời Trăng Nước kể cả con kinh Măng Thít, dường như đã trở thành một giang sơn riêng biệt  của hai đứa tôi vậy. Giọng hò trầm trầm của anh Thể lại vang lên giữa đêm trường tĩnh mịch:

Hò ...ơ.... Gió đưa, gió đẩy về rẫy ăn còng,

      Về sông ăn cá, về đồng ăn cua.....

Tôi tần ngần đứng lặng, nhìn ra ngoài khung cửa, về phía con trăng lưỡi liềm nhợt nhạt. Trăng vẫn còn đó, chỉ có điều khác biệt là ngày nay tôi đang trơ trọi ở xứ người. Đôi khi thấy nhớ nhung, tôi cũng muốn tìm lại con trăng cũ ngày xưa nhưng biển Thái Bình Dương xa vời vợi, cách mấy nghìn trùng. Thật ra trăng vẫn còn đó, nhưng trăng ở xứ người sao quá lạt lẽo, ánh trăng nhợt nhạt lạnh teo như một bãi tha ma hoang vắng, đâu được mông lung huyền ảo, ấm áp bàng bạc như  trăng của quê hương ngày xưa. Con trăng ngà của tôi thật đã mất rồi, có gặp lại họa chăng là trong một giấc mộng, thấy mình trở lại quê cũ làng xưa, tai như còn vẳng nghe tiếng hát mê loạn "Yêu Người Điên" của nghệ sĩ Hùng Cường:

Trăng tôi chơi vơi,

      Trăng tôi đưa giòng

            Trăng tôi bơ vơ

                  Có ai vớt dùm con trăng tôi .....

Hà Ngọc Bích

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002