Đại Chúng số 80 - phát hành ngày 15/8/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


LẦN NỮA PHỐ CỔ THU XÀ

Kỹ sư Sagant Phan

Bài viết về Thu Xà đã được đăng rất lâu trên báo Đại Chúng, mà tôi quên mất số nào. Nhưng vừa qua có một người bạn cho biết ThuXà giờ đây tang thương nhiều hơn ngày xưa nữa.

Dấu xưa xe ngựa, hồn phố cỗ
Tiếng hát u buồn tịch tịch liêu

Trở lại Thu Xà tìm dấu xưa. Dân phố bão tôi, thôi rồi còn đâu nữa mà tìm. Hai bên phố cũng hàng quán, nhà tầng của thời hiện đại hôm nay. Muốn tìm hãy bước đến Chùa Ông, rồi rẽ ra hướng Bắc đi trên con đường còn trơ gạch thẻ mà ngày xưa là nền móng của những dãy nhà. Phố cổ hồn muôn nơi. Phố cổ Thu Xà ngày xưa vì nhân duyên mà sinh, rồi Phố cổ Thu Xà ngày nay cũng vì nhân duyên mà diệt. Bóng câu qua cửa sổ như ngày hôm qua vậy. Ngày xưa Phố cổ Thu Xà người ta xây cất theo hình chữ Đinh, hai đầu giáp sông Vực Hồng và sông Hàm Long đổ ra cửa Cổ Lũy và cửa Lỡ. Từ hai đầu sông có con sông đào chạy song song theo dọc phố nên nhà nào cũng trước là cổng ngõ nhà, sau là bến neo đậu thuyền ghe nhấp nhô theo làn sóng nước, trồi dựt liên miên. Hồn dân phố cổ được thấm nhuần hơi nước mát bốc lên vào mùa hè, rồi Thu muộn về thì cũng làn hơi nước này làm dân phố cổ nhớ nhà hơn bao giờ hết. Nhà của họ là từ một nơi miên viễn vọng về. Phố xưa nhà cửa san sát, mái ngói lợp âm dương, nhà lầu có cầu thang gỗ. Những cửa hàng nối tiếp, bán thuốc bắc, đường, nông cụ, chài lưới. Các mặt hàng như: quế, sa nhơn, đậu khấu, trầm hương từ các nguồn Trà Bồng, Ba Tơ, cau sấy từ Sơn Hà, Sơn Tây được các đầu mối thu về bán cho các cửa hiệu buôn. Rồi được đóng sọt, dùng thuyền chở đi Quảng Nam hay sang Trung Quốc, và khi trrỡ về mang theo mặt hàng nông cụ, dầu thắp sáng, giấy quyến, vãi vóc, nhang đèn, trà tàu... Chủ nhân cửa phố là người Việt và Hoa kiều, gốc dân Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam đến lạc nghiệp từ lâu đời.

Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí của triều Nguyễn: "So với các hạt miền Nam thì phố này kém thua phố Hội An ở Quảng Nam, nhưng mà thạnh vượng hơn phố Tân Quân ở Bình Định, đó cũng là một chỗ đô hội vậy."

Còn theo Bích Khê, nhà thơ tài hoa mệnh bạc, sanh tại nơi đây và mất tại nơi đây luôn. Một phần hiện nay ít người biết đến: Thơ Làng Em:

Nơi đây thành phố đời ngưng mạch

Mấy nàng lai khách vẫn buồn mơ

Đường lên Hội Quán sương khuya xuống

Một ông lão rất già, ngót gần bách tuế, nói như cho một người bạn xưa đứng gần đó:

Những năm đầu thế kỷ, đêm về, ở phố, nhà giàu thắp đèn măng xông sáng ngời ngời, còn nhà nghèo thắp đèn trứng vịt tối mù mù. Các chú Hoa kiều thích chơi hốt me, tam tứ lục, chơi đánh bài cẩu làm bằng sừng trâu. Gần giáp tết các nhà đem lạp xưởng ra phơi thơm phức mùi rượu Mai quế Lộ.

Rồi Chùa Ông.

Người Hoa ly hương, thường nhớ về cố quận. Họ đến ThuXà lập nhiều chùa chiền và lấy tên vùng nguyên quán đặt tên chùa, nên có chùa Phúc Kiến, chùa Quảng Đông, chùa Triều Châu và lập Hội quán. Nay không còn nữa, ngày nay chỉ còn Chùa Ông, thờ Đức Quan Thánh Đế Quân, tọa lạc ở thôn 1, thị trấn Thu Xà. Chùa hiện nay còn lưu giữ nhiều sắc phong của triều Nguyễn, trãi qua 4 đợt trùng tu. Đợt trùng tu lần thứ nhất vào năm 1778. Chùa gồm 18 họ người Hoa góp công góp của: họ Hoàng, Từ, Hà, Tăng, Dương, Ngô, Diệp, Cô, Đỗng, Lê, Phùng, Trào, Cao, Đỗ, Lâm, Tạ, Vũ). Theo ông giữ chùa Từ quang Hiếu thì ngày Tết con cháu Hoa Kiều ở Thành phố Hồ chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng... về thăm cố quận, cùng thắm vài nén nhang thơm nhớ về quê ngoại mang danh là Thu Xà.

Cuộc hợp hôn giữa người Hoa và người Việt trở thành một loại kẹo ngon nhất nước Việt, đó là kẹo gương Thu Xà. Người ta đồn hoài: Kẹo gương Thu Xà, mạch nha Thi Phổ.

Kẹo gương này làm bằng đường cát trắng, đậu phộng và mè. Bây giờ đến Quảng Ngãi thấy bày bán kẹo gương thì đó cũng từ gốc cái Thu Xà mà ra vậy.

Nay nhiều nhà ở khu vực này thêm vài nghề mới như: nghề làm bố chỉ, làm đế dép, nuôi tôm sú, nghề dệt chiếu hiện nay bán mạnh đến Saigon.

Một bản nhạc xưa, hát lên là nhớ liền:

"Em biết Anh đi chẳng trở về".

Bài thơ này của thi sĩ Thái Can, Anh Bằng phổ nhạc mà giọng ca hay tuyệt nhất là của Tuấn Vũ.

Thái Can làm một thi sĩ xưa, ông làm Bác Sĩ hành nghề tại Đà Nẵng, ông có học võ với nhà võ nổi tiếng Phan Thiết là ông Phan văn Hoành, mà ngày xưa người ta gọi là ông võ sư Nam Nhạc.

Bài ca của Anh Bằng thơ của Thái Can giờ đây làm tôi nhớ nhà quá chừng chừng.

Phố cổ ThuXà ngày nay hồn cô quạnh, chỉ còn những miếng gạch thẻ đỏ mang từ Quảng Đông về đây. Chứa đựng biết bao nhiêu dâu chân người phố cổ.

Có sinh rồi có diệt. Nhưng nỗi buồn cô liêu giờ đây chuông gõ trong tâm tư nhiều hơn bao giờ hết. Cổ Lũy giờ đây còn nhớ gì chăng?

Kỹ sư Sagant Phan

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002