Đại Chúng số 80 - phát hành ngày 15/8/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


Phỏng Vấn Nhà Văn Hồ Trường An Về Vấn Đề Văn Học Hải Ngoại

CUỘC BÚT CHIẾN LIÊN QUAN ĐẾN QUYỂN “VĂN HỌC MIỀN NAM” CỦA VÕ PHIẾN GIỮA ĐẶNG VĂN NHÂM, LÊ TẤT ĐIỀU VÀ NGUYỄN TÀ CÚC...

  • HỒ TRƯỜNG AN: “Nếu tôi là Võ Phiến tôi sẽ ngăn Lê Tất Điều đừng kèo dài cuộc bút chiến. Bởi vì cuộc bút chiến càng kéo dài, ổng càng bị sỉ nhục thêm, bị anh Đặng Văn Nhâm tố giác thêm những khuyết điểm trong bộ sách của ổng”!

  • ANH NHÂM ĐÃ “THÀNH TINH” TRONG NGÀNH BÁO. ẢNH BIẾT SỬ DỤNG ĐỦ CHƯỞNG LỰC NHẮM VÀO NHỮNG ĐIỂM NHỘT, ĐIỂM ĐAU CỦA ĐỐI PHƯƠNG ĐỂ ÁP ĐẢO ĐỐI PHƯƠNG.

Đặc phái viên Thiện Tâm thực hiện

Lời tòa soạn.- Theo chúng tôi nhận xét, suốt 26 năm lưu vong hải ngoại, trong giới cầm bút tị nạn chưa từng xảy ra một cuộc bút chiến nào có tính cách dai dẳng và tàn bạo như cuộc bút chiến này. Ngoài những cây bút chủ động, nó còn  lôi cuốn thêm một số nhà văn nhà thơ khác tham dự, và đã khiến cho độc giả lắm khi không khỏi phàn nàn. Dù vậy, may mắn thay, cuộc bút chiến  quái đản đó chỉ diễn ra gần như độc nhất trên một tờ báo vốn nổi tiếng “loan tin một chiều, và vu khống, mạ lỵ, không cho cải chính” ở Bolsa, Cali., nơi mệnh danh “thủ đô của người Việt tị nạn". Bởi thế, có nhiều độc giả ở các nơi khác đã không am tường gì về vấn đề này. Nay, để cho vấn đề được thêm sáng tỏ, và nhất là độc giả được nghe tiếng chuông từ nhiều phía gồm cả các ông Võ Phiến, Đặng Văn Nhâm, Lê Tất Điều và cô Nguyễn Tà Cúc... chúng tôi khởi sự công bố bài phòng vấn nhà văn Hồ Trường An để mở đầu, rồi sau đó sẽ lần lượt đến các vị khác. Vị nào trong cuộc muốn trực tiếp lên tiếng, nói về quan điểm của mình, chúng tôi cũng hoan nghinh và xin đăng tải trọn vẹn, với điều kiện quan trọng là không nên dùng  những lời lẽ   kém nhã độ và chụp mũ, hoặc hàm hồ vu khống, biện luận vu vơ không chứng minh cụ thể.

Xin chú ý: Trong bài phỏng vấn này, những chữ viết tắt : TT (Thiện Tâm), và HTA (Hồ Trường An).

TT.- Thưa anh HTA, chắc anh có theo dõi cuộc bút chiến liên quan đến quyển “Văn Học Miền Nam” của ông Võ Phiến giữa Lê Tất Điều, (ký bút hiệu Kiều Phong) với cô Nguyễn Tà Cúc, về sau lôi cuốn thêm nhà báo Đặng Văn Nhâm?

HTA.- Trước thì có theo dõi vì được bạn bè cung cấp sách báo. Nhưng từ đầu năm tới nay thì không, anh ơi!

TT.- Xin anh cho biết ý kiến về cuộc bút chiến đó.

HTA.-  Thưa anh, anh hỏi điều này cũng ngặt cho tôi. Tôi rất ngưỡng mộ ông Võ Phiến và ngưỡng mộ luôn anh Đặng Văn Nhâm. Tôi chỉ biết đứng trung lập mà thôi.  Ở Võ Phiến, tôi phục về tài năng sáng tác. Ở Đặng Văn Nhâm, tôi phục về kiến thức Đông Tây kim cổ.

TT.-  Còn Kiều Phong Lê Tất Điều và cô Nguyễn Tà Cúc?

HTA.-  Tôi rất thích các tác phẩm của Lê Tất Điều như: Phá núi, đêm dài một đời, những giọt mực, và tập thơ Cao Tần. Lê Tất Điều sáng tác do thiên bẩm, do cái đặc ân của thượng đế ban cho. Nhưng ký giả Lê Phương Chi có lần bảo tôi rằng: Điều lười đọc sách lắm. Cho nên vào khởi đầu cuộc bút chiến, độc giả thấy ngay rằng cô Tà Cúc đọc rất kỹ bộ VHMN, còn Lê Tất Điều chỉ đọc láng máng, qua quít thôi. Như vậy mà Điều lao vào cuộc bút chiến, tôi e rằng Điều chủ quan. Rất có thể cô Tà Cúc nhận định không được chính xác lắm. Nhưng độc giả thấy ngay rằng  cô Cúc đọc kỹ, suy nghĩ kỹ, còn Điều vì nóng lòng bênh vực ông Võ Phiến nên mở cuộc xung trận với tính cách “biển người” để đánh gục đối phương. Điều quên rằng mình là nhà văn có tên tuổi, không nên có cách hành xử như vậy đối với một kẻ hậu sinh như cô Cúc. Đã vậy, vô can, vọ thù oán, Điều còn ngắt véo anh Đặng Văn Nhâm một cách bất công.

TT.- Còn về phần ông Võ Phiến ?

HTA.-  Nếu tôi là ổng, tôi ngăn Lê Tất Điều đừng kéo dài cuộc bút chiến. Bởi vì cuộc bút chiến càng kéo dài, ổng càng bị sỉ nhục thêm, bị anh Đặng Văn Nhâm tố giác thêm những khuyết điểm trong bộ sách của ổng.

TT.- Còn về anh Đặng Văn Nhâm, anh nghĩ sao?

HTA.- Anh Nhâm đã “thành tinh” trong ngành báo. Tinh ở đây có thể là “yêu tinh” mà cũng là “tinh luyện”. Ảnh biết sử dụng đủ chưởng lực nhắm vào những điểm nhột, điểm đau (les points vunérables) của đối phương để áp đảo đối phương. Phiền một nỗi, với kiến thức uyên bác, ảnh lại không tự chủ lúc cầm bút. Ảnh tấn công ông Võ Phiến bằng những lời cứng cỏi, nặng nề hơi nhiều, nên độc giả ít ai chịu đi sâu vào bài viết của ảnh. Nếu chúng ta chịu khó xuyên qua những lời thô nhám đó chúng ta sẽ thấy những khiếm khuyết trong bộ “Văn Học Miền Nam” của ông Võ Phiến có rất nhiều. Lời lẽ của anh Nhâm có chỗ để chúng ta suy ngẫm. Tóm lại, cuộc bút chiến đó làm tôi đau lòng vì hai đàng mà tôi kính mến lại cấu xé nhau, không ai chịu nhịn ai.

TT.- Anh nghĩ sao về bài thơ của Trần Bích Tiên?

HTA.- Đúng như nhà thơ lão thành Hà Thượng Nhân nhận xét: Bài thơ đó chỉ đọc được thôi. Tôi rất thích 2 câu:

“...Bây giờ bướm biệt trên đường phố

Em đuổi sương mù chơi chiêm bao...”

Một bài thơ chỉ có 2 câu xuất sắc không thể làm nên tên tuổi cô nữ sinh Trần Bích Tiên trong lãnh vực văn học.

TT.- Anh nghĩ sao về bộ VHMN của Võ Phiến?

HTA.- Cái tựa không ổn. Ông Võ Phiến nên đổi là “văn chương miền Nam” là phải hơn. Nếu nói tới văn học phải viết những cuốn về triết học, về nhân sinh quan, về xã hội học, về kinh tế học,... Văn học gồm nhiều cái to lớn. Ông Võ Phiến làm không xuể được. TrướcTrước hết ổng không chú trọng tới triết học. Những cuốn như Lão Tử Tinh Hoa, Trang Tử Tinh Hoa, Phật Học Tinh Hoa, Cái dũng của thánh nhân, thuật yêu đương... của Thu Giang Nguyễn Duy Cần không được ông nhắc tới. Đành rằng đó là những tư tưởng, những triết thuyết không phải của người VN, nhưng được trình bày, quan sát, bình luận bởi người VN, thì tại sao chúng ta có thể gạt những sách của Nguyễn Duy Cần qua một bên? Cho nên cái tựa “văn chương miền Nam” có lẽ ổn hơn.

TT.- Anh nghĩ sao về câu nói của nhà văn Võ Phiến trên báo “Văn Học” Thơ  ít mà được chọn, làm thơ nổi danh lại bị bỏ quên... Chọn lựa cũng không thể căn cứ vào “chỗ” đã thành danh. Kẻ thành danh là do thiên hạ chọn, không phải TA chọn?

HTA.- Tôi nghĩ đó là câu nói do phản ứng của bản năng của ông Võ Phiến trước sự tấn công tới tấp của anh Đặng Văn Nhâm. Nó không được soi sáng và hướng dẫn bởi lý trí. Nó không làm đau lòng anh Nhâm, mà lại làm đau lòng những kẻ tận tụy suốt cả cuộc đời với văn chương mà bị ông Võ Phiến gạt qua một bên. Tôi rất đau lòng cho họ, rất thông cảm với anh Hà Huyền Chi vốn là một người không được may mắn trong sự chọn lựa của ông Võ Phiến. Ở hải ngoại mà viết vấn đề lớn lao như vấn đề văn chương thì làm sao ông Võ Phiến tìm đủ tài liệu? Việc khiếm khuyết làm sao tránh khỏi? Nếu bộ VHMN do kẻ khác viết, tôi e rằng nó có nhiều khuyết điểm hơn nưã là khác. Câu tuyên bố đó vô tình gây nhiều bất lợi cho ông Võ Phiến. Ông có nhiều kẻ thù.

TT.- Anh nghĩ sao về lời tuyên bố của Võ Phiến về thơ: “Thơ chỉ cần lời không cần ý”?

HTA.- Đó là ý kiến của riêng ông Võ Phiến. Tôi không chắc đó là ý kiến của mọi người sáng tác thơ và của mọi người yêu thơ. Tôi đã từng viết trong quyển bút khảo của tôi nhan đề là “Tác phẩm đẹp của bạn” rằng:  Nhà văn Võ Phiến trong một cuộc phỏng vấn trên tạp chí Làng Văn đã cho rằng thơ chỉ có lời đáng kể. Còn cái ý không quan trọng. Thế có nghiã, ông trọng cái xác của thơ mà xem nhẹ cái tư tưởng trong thơ. Tôi không đồng ý. Nhà thơ Ba Tư Omar Khayam, nhà thơ Ấn Độ Rabindranath Tagore, nhà thơ Djalâl  Al-Dia Rumi cũng người xứ Ba Tư cùng các thiền sư VN đã xây đựng thơ của họ trên tư tưởng tôn giáo, trong lãnh vực tâm linh. Lại còn có laọi thơ với ẩn dụ (parabole) hay thơ ngụ ngôn (fable) không chỉ có một nghiã thuần túy mà còn có nghiã đôi, nghiã ba. Người đọc sơ siạ chỉ thấy một nghiã trong thơ ẩn dụ mà thôi. Nhưng khi đọc kỹ, họ mới thấy tác giả đã đưa vào thơ những ý nghiã lớn lao hơn, mở rộng tầm nhân sinh quan hơn, đưa thơ vào cõi sâu thẳm của ý tình hơn. Tư tưởng trong thơ có thể chia sẻ cho nhiều giống dân khác biệt nhau về phương diện ngôn ngữ.

Như thế, tôi có ý nghĩ giống anh Đặng Văn Nhâm ở điểm “ý tưởng quan trọng hơn lời” về thi ca.Ước mong đó không phải là một nhận định chủ quan.Thơ của Cao Tần(bút hiệu khác của Lê Tất Điều)  không có ẩn dụ, không xây dựng trên tư tưởng triết học, tôn giáo, tâm linh gì ráo, nhưng vẫn là thơ hay. Nhưng thơ của Mai Thảo trong quyển “Ta thấy hình ta ở miếu đền”  được xây dựng trên thuyết Huyền Đồng của Lão Tử (theo nhận định của Nguyễn Hưng Quốc) và được xây dựng trên tinh thần Bát Nhã của đạo Phật, tức là tinh thần Bất Nhị(le non-deux. le non dualisme) dĩ nhiên là hay hơn nhiều, thâm thúy và ảo diệu hơn nhiều...

TT.- Anh nghĩ sao về những lời phản ứng của anh Đặng Văn Nhâm đối với sự chê bai truyện kiếm hiệp của ông Võ Phiến?

HTA.-  Theo tôi, truyện kiếm hiệp có lồng học thuật văn chương của Kim Dung là những kiệt phẩm (chef d’oeuvre). Nó có già trị tư tưởng Phật học tuyệt vời mà các tác phẩm của các  nhà văn Á Châu lỗi lạc như  Kawabata, Mishima, Lỗ Tấn, Lâm Ngữ Đường chưa chắc vượt qua. Số là như vầy: Ônh Kim Dung rất thích văn chương của nhà văn Nga là Dostoievsky, nhất là cuốn “L’Idiot” (chàng ngốc). Ông Dost rất mộ đạo Thiên Chuá Chính Thống (Orthodoxe)  thuộc lòng phúc âm(Evangile) nhừ như cháo. Trong phúc âm, ở các phẩm của kinh Mathieu, Thánh Lucas có đoạn: Một hôm, người ta đem trẻ con đến gần Chuá để ngài đặt tay  ban phúc cho các em, nhưng các môn đệ trách mắng không cho quấy rầy ngài. Chuá Giê Su gọi các em đến, bảo các môn đệ: “Cứ để trẻ con lại gần ta, đừng ngăn cản, vì nước trời thuộc về những người giống các em này. Ta cho các con biết: Ai không tiếp nhận thượng đế như trẻ con sẽ không được vào nước trời.”

Từ ý tưởng đó, Dostoiesky xây dựng “thằng ngốc”. Chàng ngốc này là ông hoàng Mychkine khờ khạo, vụng về, có những hành xử không hợp nhãn với kẻ phàm phu thế tục. Nhưng tựu trung đó là hạng kiểu cách thời thượng(hạng người Snob). Ông hoàng Mychkine  có những hành xử có vẻ lố lăng. Nhưng đó là người có tấm lòng bác ái tuyệt vời, có tâm hồn trong trắng  tinh anh như tâm hồn trẻ thơ. Đó là hình ảnh của đấng Jesus Christ. Bởi đó Kim Dung nương theo hình ảnh của ông hoàng Mychkine  để tạo ra những nhân vật ngây thơ, trong trắng, bác ái như Viên Thưà Chí trong Bích Huyết Kiếm, Hư Trúc trong Lục Mạch Thần Kiếm,Quách tĩnh trong Anh Hùng Xạ Điêu, Dương Qua trong Thần Điêu đại Hiệp, Trương Vô Kỵ trong Ỷ Thiên Kiếm Đồ Long đao (còn gọi là Cô Gái Đồ Long), Thạch Phá Thiên trong Hiệp Khách Hành, Lệnh Hồ Xung trong Tiếu Ngạo Giang Hồ... Nhưng Kim Dung còn đi xa hơn, ông cho những kẻ ngốc ngếch, dốt nát đó bởi có tâm hồn trong suốt và sáng ngời nên có thể làm nhiều việc phi thường, có những trực giác kỳ diệu trước những bài toán nan giải của cuộc đời.

Như vậy, Kim Dung làm sáng danh thuyết “chân không, diệu hữu”  của Phật giáo, tức là khi tâm hồn mình trong sạch tuyệt đối, không còn một vọng tưởng nào (chân không) thì sẽ có sự kỳ diệu xảy đến(diệu hữu). Vả lại từ hồi nào tới bây giờ, quan niệm chính / tà quá phân biệt, chính là chính, tà là tà, theo đa số chúng ta thường suy nghĩ. Nhưng với Kim Dung, trong chính có tà, trong tà có chính. Điều đó ông làm sáng danh tinh thần Lão Tử  và thuyết tương đối củaEnstein, nhất là trong kinh Dịch: Trong dương có âm, trong âm có dương.

TT.- Theo anh, có phải anh Đặng Văn Nhâm rất tâm đắc với Kim Dung không?

HTA.- Truyện Kim Dung đều được mọi giới yêu thích: Giới bình dân thợ thuyền, lẫn giới trí thức và nhất là giới chuộng vấn đề tâm linh, tôn giáo. Anh Đặng Văn Nhâm thưởng thức tác phẩm Kim Dung qua quan điểm của hai hạng người sau. Vả laị, đọc Kim Dung, chúng ta còn được biết lịch sử, điạ dư, tập tục, văn minh nước Tàu. Nhà văn nào mà không đọc Kim Dung thì hơi...đáng tiếc!

TT.- Như vậy theo anh, ông Võ Phiến không đọc Kim Dung?

HTA.- Thực tình vì kính phục ông Võ Phiến nên tôi ít đàm luận văn chương với ổng. Cho nên tôi chẳng biết ổng có đọc Kim Dung hay vấn đề triết học, tâm linh hay không? Nhưng, ổng hầu như không đề cập đến  những vấn đề này. Có lẽ chúng còn xa lạ hoặc không cần thiết cho văn nghiệp của ổng chăng? Thực tình tôi không hiểu rõ lắm. Ổng đứng ở địa vị tiền bối, ở điạ vị nhà văn lớn, sức mấy ổng thèm bàn luận các vấn đề “nhảm nhí” mà tôi ưa thích. Tôi không có ý kiến về câu hỏi này rồi anh ơi!

TT.- Vậy thì theo anh cuộc bút chiến vưà qua ra sao?

HTA.- Có thể tránh khỏi chứ anh. Người trong cuộc không thấy, nhưng người ngoại cuộc thấy rõ mồn một. Trước hết, cô Nguyễn Tà Cúc nên dùng giọng mềm mỏng khi nêu những khuyết điểm trong VHMN. Giọng cổ hơi chì chiết đó anh ơi! Còn Lê Tất Điều hăng tiết vịt quá đáng, không chịu ở điạ vị đàn anh, khi bàn cãi với một cây viết vưà vào nghề. Đã vậy Điều còn vô cớ khêu chiến với anh đặng Văn Nhâm. Còn anh Nhâm, nếu viết bằng giọng êm ái và xây dựng thì các bài viết có giá trị của ảnh sẽ có nhiều người đọc gấp ba gấp bốn lần. Nấu chè đậu xanh, kho cá, hầm giò heo mà  họ không dùng ngọn lưả riu riu, lại nổi lưả lẫy lừng lên thì đậu xanh sẽ chai sượng, cá không thấm tháp mặn mòi,  giò heo không chín mềm. Như vậy các món ăn sẽ hỏng! Tiếc ôi là tiếc!

TT.- Xin cám ơn nhà văn Hồ Trường An.

Đôi lời nói thêm: Cuộc phỏng vấn nhà văn Hồ Trường An đến đây là chấm dứt. Tuy nhiên, có thể vấn đề này vẫn chưa chấm dứt. Bởi nếu các ông Đặng Văn Nhâm, Võ Phiến, cô Nguyễn Tà Cúc  hay Lê Tất Điều... muốn được phát biểu thêm quan điểm riêng trong phạm vi đề tài này, chúng tôi sẽ sẵn sàng cống hiến bạn đọc.

Thiện Tâm

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002