Đại Chúng số 79 - phát hành ngày 1/8/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


MƯA BÊN NÀY, NẮNG BÊN KIA

Thinh Quang

Một hôm từ cửa tiệm về, Thục Trinh liền nhắc việc gửi tiền cho Sùng Thực:

_ Nè, ông nội "Cục Cưng" đã gửi tiền cho Sùng Thực chưa? Không chừng giờ này ở bên ngoại quốc nó không tiền ăn thì khốn khổ lắm!

Quốc Trung cười trêu vợ:

_ Bà nội nó lộn xộn quá! Hồi nào bảo học mãi tốn kém, bây giờ lại sợ con nó khổ!

Biết chồng đùa với mình, Thục Trinh mỉm cười cúi xuống giả lả hôn cháu nội:

_ Nghĩ đâu nói đó, thực sự bây giờ tôi đã luống tuổi... hay quên đầu quên đuôi... Già rồi... ông ơi!

_ Già? _ Quốc Trung mỉm cười cắt ngang lời vợ _ Nếu bảo là già thì như tôi đây này! Còn bà? Cứ soi gương mà xem, hai hàm răng chưa rụng lấy cái nào mà cứ bảo tuổi đã xế chiều...

_ Ông đó, ông mới thực sự không già...

_ Thôi, cho tôi xin! Tôi trông Thực sự bà còn xuân lắm... hề... hề...

Thục Trinh hạ thấp giọng bảo khẽ chồng:

_ Coi chừng con dâu nó nghe thấy kỳ lắm...

Quốc Trung đưa tay ôm cháu nựng nịu, dùng miệng cắn nhẹ vào hai bên cổ chọc cho nó cười lên sặc sụa.

_ Nước da nó giống hệt như thằng cha nó... Trắng như bông hoa lài ấy.

Thục Trinh chen vào:

_ Cũng giống mẹ nó nữa chứ! Bộ ông không thấy à?!

_ Ừ! Có... có thấy...

Thục Trinh bỗng sực nhớ là hôm sang tiệm cho một người khác Quốc Trung bảo để vừa lấy tiền dành dụm gửi cho con ăn học, vừa đi làm việc khác có đồng lương cố định mà lo xoay xở đời sống hàng ngày, bèn lên tiếng hỏi:

_ Hôm rồi, ông nội "Cục Cưng" bảo sang tiệm rồi thì mần phổ ky, vậy đi mần phổ ky cho ai? Ở tận nơi nào?

_ Thì cũng đi làm cho một tiệm buôn nhỏ như mình. Tôi chỉ làm công việc lặt vặt thôi. Bà nội nó đừng lo, sợ làm công việc nặng nề, chứ ba cái hàng tạp hóa chẳng có gì phải quan tâm cả!

_ Nhưng mà tôi muốn biết ông nội nó làm ở tiện nào? Chủ tiệm ấy là ai?

_ Ờ, làm cho một tiệm mới mở. Tiệm không lớn lắm, mà cũng chẳng nhỏ lắm... Ông chủ còn trẻ, đáng độ con cái mình. Nhờ ăn ở hiền lành nên trời thương gặp được người chủ thông cảm hoàn cảnh khó khăn hiện nay của gia đình ta. Ông ta còn bảo mình cứ ở lại căn nhà này như xưa nay, khỏi cần di chuyển thuê mướn nơi khác.

Trước sự trả lời nửa úp nửa mở của chồng, Thục Trinh cố xoắn lấy để tìm hiểu được rõ ràng hơn:

_ Nhưng mà tôi muốn biết ông chủ mới này là ai? Ngày xưa ông đã từng quen biết với người ta không?

_ Biết... biết chứ! Chẳng những biết mà còn rành rẽ hơn nữa về họ. Người chủ này tốt bụng lắm. Tưởng cả hai mẹ con bà cũng biết ông ta, ngoại trừ thằng Sùng Thực.

Nghe bảo người chủ của chồng sắp làm mà mình và Ngọc Phụng cũng đều quen biết, khiến Thục Trinh càng nôn nóng hỏi:

_ Vậy ông nội nói ngay người chủ ấy là ai ? Cứ nói quanh co mãi, tôi chẳng hiểu cái gì cả!

Quốc Trung cười lớn đoạn dõng dạc đáp lại lời vợ:

_ Thì là Kim Đại Minh...

_ Kim Đại Minh? Người phổ ky của ông?

_ Thì chính vậy.

Mặt bà Thục Trinh biến sắc,từ màu đang hồng hoạt trở nên nhợt nhạt, hỏi lại bằng giọng run run:

_ Nó... mà cũng lên làm ông chủ à?

_ Tại sao nó lại không thể làm ông chủ được? Chú ấy có vốn liếng, vì sợ ở dưới quê người ta biết được tìm cách xoi mói hoạnh họe khó lòng sống được, nên đành bỏ làng lên chợ huyện này tìm kế sinh nhai... Nhờ vậy mà mình mới sang được căn phố với giá phải chăng... nếu không thì chắc không thể nào tránh khỏi bị những người giàu có nơi đây eo sách...

Nói xong,Quốc Trung mỉm cười tỏ ra hài lòng với việc mình sang nhượng được cửa hàng với một đối tượng mà ông ưng ý nhất. Quốc Trung cũng không một chút mặc cảm nào từ chủ nhân ông xuống thành người giúp việc lại cho kẻ từng là tôi tớ của mình. Nhưng đối với Thục Trinh thì đó là chuyện xảy ra ngoài sức tưởng tượng, bà cho đây là điều sỉ nhục... Nghĩ đến nghịch cảnh này,tự nhiên hai dòng lệ từ từ tuôn tràn trên đôi má!

Thấy vợ khóc, Quốc Trung lên tiếng hỏi:

_ Tại sao bà khóc? Bộ bà tiếc rẻ cửa tiệm đó à?

_ Việc bán cửa tiệm tôi hoàn toàn không chống đối. Tôi hoàn toàn tán thành để ông toàn quyền quyết định. Tôi khóc là chỉ vị...

Nói đến đây bà Thục Trinh nghẹn ngào đưa tay chận lấy ngực rồi khóc nấc lên.

_ Tại sao bà lại làm như thế này? Bà đã chấp thuận cho tôi sang lại cho người ta kia mà!

Bà Thục Trinh lắc đầu:

_ Không! Không phải vậy.

_ Nếu không phải vậy thì tại sao bà lại khóc?

_ Tôi khóc là vì tình cảnh của ông mà tôi là vợ ông, từ chỗ ông chủ xuống đi làm phổ ky cho kẻ ăn người ở của mình...

_ Việc đó đâu có ăn nhăm gì! Bộ chỉ có mỗi mình mình mới được làm ông chủ sao? Có tiền thì làm chủ, hết tiền thì làm tớ, đó là chuyện thường tình... Nếu cứ mặc cảm như bà lấy đó làm điều, để chỉ vì cái danh dự hảo mà nằm chờ chết hay sao?

Rồi nửa Thực nửa đùa, Quốc Trung cười bảo vợ:

_ Bà ơi! Nín đi! Tôi nói cho bà biết, làm công cũng có người được chủ trọng vọng, kính nể thì có gì là xấu hổ đến nổi bà phải tủi nhục?

Vốn quan niệm của bà Thục Trinh xưa nay, xem chồng mình là con nhà danh giá, từng giàu có nứt đố,ruộng đất cò bay thẳng cánh, lại thêm có ăn học đỗ đạt thành tài, ngay nay phải hạ thể làm công cho kẻ tôi tớ mình, thì còn cái nhục nhã nào hơn cái nhục nhã này?

_ Quốc Trung à! Theo tôi, chúng ta thà cam chịu sống cảnh nghèo nàn, có mắm ăn mắm,có muối ăn muối mà còn bảo tồn được danh giá... còn hơn chỉ vì muốn được ăn chút thịt cámà trở lại đi làm tôi mọi cho kẻ ăn người ở của mình trước kia... Chỉ còn không bao lâu nữa thằng Sùng Thực nó đỗ đạc ra làm quan rồi, thế nào nhà ta lại chẳng giàu sang danh giá trở lại?

Ngọc Phụng đang nấu ăn trong bếp, nghe mẹ chồng bảo vậy vội lên tiếng:

_ Thưa ba, đến ngày tựu trường sắp đến,thế nào con cũng có thể đi dạy được. Theo má, tưởng ba nên nghỉ ngơi cho khỏe, thỉnh thoảng đi chơi đây đó cho giải khuây. Được như vậy thế nào anh con ở ngoại quốc nghe được cũng yên lòng ăn học. Lương hướng dạy học của con cũng tạm đủ chi dụng việc gia đình...

_ Không thể được! Ba đã nhận lời với người ta rồi. Vả lại ba đâu đã già lắm đến nổi không còn làm việc được nữa?! Việc dọn dẹp nhà cửa với trông nom Anh Hào đã có má con. Ba với con cùng đi làm thì thế nào việc chi tiêu trong gia đình cũng được rời rộng, còn dư dũ gửi sang cho thằng Sùng Thực để nó tiếp tục việc ăn học cho thành tài.

_ Còn chuyện nhà cửa nữa! Đâu có phải đã yên ổn gì! _ Bà Thục Trinh nhìn chồng nói.

_ Kim Đại Minh bảo mình cứ ở lại tại ngôi nhà này, nhưng mà tôi thấy không tiện. Dù sao đi nữa mình cũng nên có nơi ăn chốn ở riêng của mình cũng vẫn hơn.

Ngọc Phụng vội tán thành:

_ Vậy thì mình cũng nên tính chuyện thuê căn nhà khác ngay ba à!

Quốc Trung gật đầu:

_ Vậy thì con ở nhà bàn tính với má... ba cần đến tiệm lo việc bàn soạn việc buôn bán với người ta! Chủ mới mà, họ chẳng biết gì cả... Mình phải có bổn phận giúp họ, con à!

Quốc Trung đi rồi, Thục Trinh ôm mặt khóc lên rưng rức. Bà cảm thấy danh dự nhà họ Mã bắt đầu không còn nữa. Tiếng tăm ngày nào nay đã chìm sâu vào dĩ vảng.Nếu ông bà Mã còn tại thế ắt sẽ buồn lòng không ít...

Thấy mẹ chồng khóc, Ngọc Phụng đến bên an ủi:

_ Má ơi! Đừng khóc nữa. Con biết ba cũng khổ tâm lắm. Nếu nhìn thấy má khóc khoài, chắc ba sẽ đau khổ, rủi ro lâm bệnh biết làm sao!

Nghe con dâu khuyên như vậy, Thục Trinh xúc động, nhất lại là bà sợ chồng vốn đã ốm yếu bị buồn tủi lỡ có bề nào mình sẽ phải ân hận suốt đời, vội phân bua:

_ Không phải má trách cứ ba con, chỉ vì thấy ba con tuổi già mà còn phải hạ mình đi làm công cho kẻ ăn người ở thì còn gì xấu hổ bằng! Má trách là trách cái thằng Sùng Thực, thư từ viết bảo nay về, mai về nhưng cứ lần lữa mà chẳng bao giờ thấy bóng dáng nó... Chẳng lẽ nó còn theo học cái "ngoại ngoại" gì nữa sao?

_ Má yên lòng! Thế nào anh con cũng về, không năm này thì cũng năm tới...

_ Như con thấy đó, chỉ mỗi mình nó mà cả gia tài điền sản đều mang đi bán sạch...đến nổi cả danh dự họ Mã cũng tiêu tùng luôn. Nhiều đêm nằm nghĩ, má không còn thiết tha gì sống nữa! Nếu không có thằng Anh hào đây thì thì chắc má đã chết rồi!

Ngọc Phụng ngồi xuống cạnh mẹ chồng nhỏ to khuyên nhủ:

_ Má an lòng, chỉ trong vòng một hai năm nữa thôi, gia đình chúng ta sẽ sum đoàn tụ sum vầy...

Rồi sực nhớ cha chồng có lần kể lại trò chơi đợi con về của bà, bèn mang ra nhắc lại:

_ Má à! Má có còn chơi trò đếm đồng tiền không?

_ Đó là hồi nó học trong nước. Giờ nó đã ở tận bên ngoại quốc rồi, xa lắm, đếm tiềm sao cho xuể nữa.

Rồi sực nhớ ra điều mà lâu nay đã nhiều lần bà định hỏi con dâu.vội lên tiếng:

_ À, nè Ngọc Phụng hè! con có biết cái ngoại quốc Mỹ gì đó ở tận đâu không?

_ Ồ, thưa má, xa lắm!

Bất giác bà Thục Trinh như tính ra được cách cho con dâu đở nhớ thương chồng và cũng để cho thằng cháu nội của mình biết được mặt mũi cha nó, bèn nói với con dâu:

_ Ngọc Phụng à! Má có ý kiến là khi nào gia đình mình kiếm được nhiều tiền rồi, thì con bồng thằng bé bự sang bên ngoại quốc một chuyến... mà tìm thăm nó...

Nghe mẹ chồng nói vậy, Ngọc Phụng nhõn miệng cười:

_ Không được đâu má! Khó lòng mà đi xa như vậy. Vả lại nếu muốn đi, cũng không thể được...

_ Sao lại không? Sùng Thực nó đi được, thì con cũng có thể đi được... Khó khăn gì?!

_ Tại má không biết đó thôi! Đâu có dễ dàng gì vô được nước người ta? Vả lại, chắc gì mình đã được chính phủ cho xuất ngoại?!

Bà Thục Trinh sực nhớ đến đứa cháu nội:

_ À! Bé Bự đâu rồi? _ Bà Thục Trinh lơ láo nhìn quanh hỏi.

_ Thưa má, nó ngủ từ nảy gờ rồi.

Nghe cháu nội ngủ, bà Thục Trinh cười:

_ Cả ngày hết ăn rồi ngủ, hèn gì mà không bự!

Vốn bản chất vô tư,Thục Trinh buồn đó rồi vui ngay đó. Vì đã quá chịu cảnh xa con ngót cả bao nhiêu năm trời nên riết rồi lòng dạ bà cũng chai như đá. Bà bảo con dâu:

_ Con phải dạy bé bự biết tiếng kêu "ba", phòng khi thằng cha nó về để biết mà gọi!

_ Dạ,thưa má có. Ngày nào con cũng dạy nó như vậy.

_ Quả con chu đáo. _ Bà Thục Trinh khen con dâu _ Con nên nhớ là sau này thằng Sùng Thực về rồi, hễ nó đi đâu, con phải theo đó...Phàm chuyện gì cũng vậy phải có vợ có chồng...

Rồi bà hạ thấp giọng thân mật bảo con:

_ Con biết không, cái thứ đàn ông con trai ra đường một mình nhất định là không tốt rồi.

Tuy ngoài mặt,Ngọc Phụng cười giả lả, song nàng cảm thấy lòng mình như se thắt lại!

Bà Thục Trinh lại bắt sang về việc chi tiêu trong gia đình:

_ Theo hoàn cảnh hiện tại của gia đình ta, thì dù con với ba con không cần đi làm cũng sống lây lất qua ngày ít ra cũng kéo dài được vài năm nữa... nhưng phải cái lấy tiền đâu gửi đài thọ cho thằng Sùng Thực ?

_ Dạ, con cũng nghĩ như má vậy. Con tự nguyện lấy lòng mình cố tiện tặn chi tiêu để góp nhặt có dủ tiền gửi sang cho anh con ăn học!

Thục Trinh nhìn con dâu ái ngại:

_ Ngọc Phụng nè! Chồng con nó đi xa như vậy con yên tâm được sao?

Ngọc Phụng khẽ gật đầu đưa mắt nhìn ra ngoài trời im lặng theo dỏi đôi chim xanh đang nhảy nhót trên cành cây trước mặt nhà. Một vẻ buồn thoáng hiện trên mặt nàng. Bà Thục Trinh vô tình thở dài nói tiếp:

_ Thực má chẳng thấy ai như con cả. Nó cứ ở mãi như vậy tại ngoại quốc Mỹ gì đó,rủi ro nó dại dột lấy luôn cái ngữ con gái bên đó thì biết làm sao? Chẳng lẽ mình bị mất chồng à?

Trầm ngâm trong giây lâu, Ngọc Phụng ngẩng mặt lên gượng cười:

_ Con tin anh con không có như vậy đâu má à ! Anh con đã cùng con thề nguyện cùng nhau chung sống đến răng long đầu bạc như ba má vậy!

_ Ôi! Cái ông già con với con thì yên lòng yên dạ tin tưởng nó. Nhưng đối với má thì mặt mày trắng trẻo xinh xắn như thằng Sùng Thực nhà mình thì... dễ bị mấy con ngoại quốc đó hớp mất hồn mất vía đi... Thôi đi con ơi!

Bà Thục Trinh nói xong rồi ngả đầu ra phía sau cười ngất nga ngất nghẻo khiến Ngọc Phụng cũng phải cười theo.

(còn nữa)

Thinh Quang

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002