Đại Chúng số 79 - phát hành ngày 1/8/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


HƯƠNG SẮC QUÊ MÌNH

Lãng Nhân

Ỷ LAN PHU NHÂN

Ngày mồng một tháng 3 năm giáp thìn (l064 dương lịch) vua Lý Thánh Tông, 38 tuổi chưa có con trai, nghe đồn ngôi chùa Lôi dương rất linh thiêng, ý muốn tìm đến để khấn nguyền cầu tự, nên truyền lập đàn mở hội ở đó. Nhân dịp, cũng tính tuyển thêm cung nữ, bèn phán thị thần ra bố cáo: "Nhà nào có con gái phải cho đến xem hội, trái lệnh sẽ bị nghiêm trị."

Hôm khai hội, đoàn ngự xa đi đến trạm Cầu Bây (Cổ bi ngày nay) vua ra dấu cho dừng lại vì nhác thấy trong một nương dâu có người con gái đang lúi húi nhặt cỏ, trên đầu như có đám mây màu che phủ (1) liền cho gọi đến và gạn hỏi:

_ Gia đình nào mà vô lễ không cho con đi trảy hội, coi thường phép nước thế ư?

Cô gái khép nép thưa:

_ Cha con trước làm quan ở Thăng Long, vì mẹ con không may mất sớm nên đã tục huyền, nhưng rồi người cũng thất lộc luôn, nên con mồ côi ở với kế mẫu nơi thôn Dương xá này. Tuy có nghe rao mở hội song kế mẫu con nhủ rằng nhà nghèo đua đòi sao được với nơi phú quý, thà cứ giữ phận hèn cho xong.

Thấy lời lẽ không chau chuốt nhưng có vẻ thật thà, vua ngó qua dung nhan, thì Phương phi mày liễu mặt hoa, Má đào, môi hạnh, da ngà, lưng ong (2), liền hỏi:

_ Vậy chứ tên là chi, đã thành gia thất chưa?

Thưa con tên Khiết, cảnh nhà bần bách, có ai buồn hỏi tới bao giờ...

Thế là:

Mặt rồng cúi chạnh lòng thương
Phán rằng: "Này thật đá vàng chẳng sai
"Biết đâu là chẳng phúc trời
"Trẫm xưa đã nguyện mấy lời đinh ninh"
Kíp truyền quần áo sắm sanh
Xe sau rước lấy về thành Thăng Long
Dạy cho ở chốn Lan cung
Khiến người dạy bảo vào vòng sẽ hay
Lại sai chọn kỹ tháng ngày
Vào đền thị ngự (3) vui thay ai bì...

Vì vua đã thấy cô Khiết đứng trong đám cỏ nên phong làm Ỷ Lan phu nhân. Năm l066, phu nhân sinh hạ ra thái tử Càn Đức, được tiến phong Thần phi. Rồi một hoàng tử nữa lại chào đời, là Sùng Hiền hầu.

Thánh Tông khôn xiết mừng lòng.
Nhờ ơn tiên tổ Thần phi
Sinh hai hoàng tư uy nghi lạ thường
Gồm no tài đức minh cường
Thật là “dẫn tộ miên trường" lâu xa (3)

Năm l069, Chiêm thành gây hấn ở biên cương

Hóa Châu (5) là đất thành trì
Chiêm thanh nước bé nó thì xâm binh
Mệnh vua đại giá thđn chinh
Sáu quan ủy thác trong thành trị thay

Nhưng quyền tối cao vua trao cho Thần phi, đủ thấy Thần phi được sủng ái át cả hoàng hậu họ Dương.

Vua đánh Chiêm thành, không thắng. Khi rút quân về đến cầu Cự liên, nghe tin Thần phi coi việc nội trị được nhân tâm vui nhận, đất nước thái bình, nên yên lòng quay lại tấn công Chiêm thành, lần nầy đại thắng:

Xe rồng nhẹ ruổi bằng mây
Gió nhân hây hâỷ quét bay bụi hồng
Xa gần nghe thâý mừng lòng
Đều thì đón rước thánh cung khải hoàn

Niềm vui chiến thắng và thịnh trị chưa được bao lâu Thánh Tông cảm thấy:

“Xuân thu tuổi tratm đã già
“Hoàng trừ bé nhỏ dễ mà nên trao
“Thần phi tạm ngự ngôi cao
"Trông nom việc nước giữ sao cho bền
"Mai sau hoàng tử lớn lên
"Bấy giờ đã có con hiền trị thay..."

Thần phi nươc mắt tuôn đầy, khấu đầu lạy tạ. Rồi việc phải đến đã đến:

Vừa năm Nhâm tí đầu thu (1072)
Thái Tông phút chốc đmh hồ rồng bay (6)
Chiếu ra đâu đấy cùng hay
Con là Càn Đức lên thay trị vì
Sắc ra thiên hạ cộng tri
Vua lên bảy tuổi hiệu thì Nhân tông

Và Thần phi nghiễm nhiên lên ngôi thái hậu. Bấy giờ trong triều có hai phe, phe thái hậu có Lý Thường Kiệt cầm đầu quân đội, phe hoàng hậu họ Dương có tể tướng Lý Đạo Thành. Hai phe văn võ chống nhau thường xuyên. Đến năm Nhân tông 13 tuổi nhân ngày Phật đản vua thiết triều, phong Lý Thường Kiệt làm kiểm hiệu thái úy (cầm đầu võ ban) và giáng Lý Đạo Thành xuống binh bộ thị lang. Và thái hậu (Ỷ Lan) phàn nàn với Nhân tông:

_ Mẹ già khó nhọc nuôi con, đến khi phú quý thì người ta giành mất chỗ. Họ sẽ đặt mẹ vào đâu đây?

Sở dĩ có vụ tranh chấp này vì khi trước Thánh tông yêu quý Thần phi nhưng trao quyền chỉ nói miệng, hoàng hậu họ Dương đương nhiên vẫn nắm chính quyền khiến nên xảy ra nhiều chuyện khó xử. Nhân tông (mới 13 tuổi) nể lời mẹ, liền bắt giam Dương thái hậu cùng 72 thị nữ vào cung Thượng dương rồi ép phải uống thuốc độc chết.

Thái hậu mong chuộc lại sự tàn ác này bằng những công đức ở kinh kỳ và tứ trấn:

Làm hết cầu quán chùa đình
Khắp hòa tứ trấn kinh thành sửa sang
Xây am xây tháp xây tường
Mở mang mọi cảnh phong quang ưa nhìn
San kinh tạc tượhg liền liền
Hồng chung bảo khánh để truyền thế gian
Khắp hết Phả lại, Phao san (7)
Cùng nơi Giao thủy, Đông ngàn, Yên tân .
Hào li chẳng tốn của dân
Sửa sang công đức nghìn xuân vững bền

Ngoài những việc làm vì từ tâm, còn những cải cách về chính trị: Những con gái nhà nghèo đã phải đem thân thế nợ cho nhà giàu, nay được chuộc về để gả cho những người góa vợ (năm l l03)

_ Năm l l17, trước khi tạ thế (ngày 22 tháng l0, 25 tháng 9 Đinh dậu), thái hậu đã dặn Nhân tông ra lệnh trừng phạt rất nặng những kẻ lấy trộm hay giết trâu, vì thiếu trâu việc đồng án sẽ chậm trễ, thu hoạch sẽ không đủ nuôi dân.

Trong những đền chùa thái hậu cho dựng nên xưa kia, có ngôi đền Kim Cổ thờ Đạo giáo, sau trở thành đền thờ Thái hậu. Đền này hiện nay tọa lạc tại số 73, phố Đường Thành, Hà Nội.

_________________________

Chú thích:

l. Dưới triều Lý, dân ta tin tưởng thần quyền: trong thần tích những danh nhân được thờ nơi đình làng, thường có ghi những việc thần bí đáp ứng óc mê tín của quần chúng.

2. Những câu thơ lục bát trong bài này đều là trích ở "Truyện Ỷ Lan" do cung nữ Trương Ngọc Trong thời chúa Trịnh viết ra năm (1759). Quốc văn từ hồi đó đến nay đã

qua một bước dài.

3. Thị ngự: hầu vua

4. Dẫn tộ miên trường: con cháu nối ngôi lâu dài

5. Hóa châu: ở phía nam đèo Ngang

6. Đỉnh hồ rồng bay: vua chết. Điển: Hoàng đế thành tiên, tới Đỉnh hồ, cưỡi rồng bay lên trời

7. Phả lại, Phao san: hai nơi gần sông Lục dầu thuộc tỉnh Hải dương. Phả lại có chùa Quỳnh Lâm, Phao sơn có chùa Hộ quốc, Giao thủy (Nam định) có chùa Keo, Đông ngà có chùa Cổ pháp.

 

BÀ TRIỆU

Sau thời Trưng Vương (năm 44) nhà Hán bị chia làm ba: Ngụy, Thục, Ngô. Nước ta gồm cầc quận Giao chỉ, Cửu chân, Nhật Nam (tức là miền Bắc và nửa trên miền Trung nước ta bây giờ) nhà Ngô đặt tên là Giao châu và năm 248 cử Lục Dận sang làm thứ sử.

Theo dấu thực dân cũ, Lục tiếp tục chính sách bóc lột và đàn áp khiến nhân dân phẩn uất trong đói khổ nhục nhã. Lòng phẫn uất nung nấu chí quật cường: quận Cửu Chân bùng lên khởi nghĩa, do cô Triệu Thị Trinh cầm đầu Cô là một thiếu nữ mới ngoài hai mươi, quê ở huyện Nông cống, tỉnh Thanh hóa, mề côi cha mẹ từ hồi ấu thơ, sống với người anh là Triệu Quốc Đạt, một thủ lĩnh ở huyện Quân an và Triệu sơn, vùng núi Nưa tỉnh Thanh.

Cô không những sức khỏe khác thường, còn giàu nghị lực và mưu lược, chí khí lại hiên ngang. Có người dạm hỏi, cô trả lời:

_ Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đuổi quân Ngô ra khỏi cõi, cởi ách nô lệ cho đất nước, chứ đâu thèm bắt chước ai cúi đầu khom lưng làm thân tì thiếp hèn mọn...

Cô thường ngày vào rừng núi, tụ tập đinh tráng thao luyện bỉnh mã để chuẩn bị cuộc nổi dậy. Triệu Quốc Đạt lúc đầu còn e dè khuyên can; vợ Đạt lo ngại, ngầm đi tố cáo chí hướng của cô với bọn quan Tàu.

Cô bèn giết người chị dâu ấy. Bấy giờ Quốc Đạt mới một lòng cùng em đứng ra phất cờ dũng tiến.

Cô mặc giáp vàng, cưỡi voi dữ, xông ra trước đám quân Ngô như vào chỗ không người, nhân dân cảm phục tặng cô cái danh hiệu đẹp đẽ oai hùng "Nhụy kiều tướng quân". Ngay cả quân Ngô cũng khiếp đảm, tôn cô là "Lệ hải bà vương".

Chúng tôi gọi tiếng "cô" vì nàng là thiếu nữ chưa thành gia thất. Nhưng quân Tàu đã tôn là Bà, chúng tôi cũng theo mà kmh là Bà Triệu. Vả lại, ít lâu sau khi khởi nghĩa Triệu Quốc Đạt bị quân gian đầu độc bỏ mình, Bà Triệu một mình đương dầu với giặc, đại công trong cuộc nổi dậy hoàn toàn trong tay Bà Vương.

Sáu tháng dòng dã, thắng nhiều trận lẫy lừng, nhân dân phấn khởi đến nỗi sứ nhà Ngô sang thăm Lục Dận phải thú nhận: "toàn cõi Giao Châu rúng động vì nghĩa binh”.

Sau Lục Dận phải dùng mưu "chia rẽ" đem tiền bạc mua chuộc thủ lĩnh địa phương, làm cho lòng quân ly tán, sức đối kháng yếu dần. Số quân ngày càng giảm sút, Bà vương cầm cự được dăm sáu tháng nữa phải rút lui. Rút đến xã Phú diên, huyện Mỹ hóa tỉnh Thanh, Bà quay gươm lại đâm cổ tự tử.

Về sau, vua Lý Nam đế cho lập miếu thờ tại xã Phú điền, huyện Hậu Lộc Thanh Hóa, tới nay miếu vẫn còn. Dân gian có câu:

“Ai về Hậu Lộc Phú Diền,
Nhớ đây Bà Triệu trận tiền giao phong"

và nêu hình bóng bà trong ca dao:

Con ơi, con ngủ cho lành
Để mẹ gánh nước rửa bành con voi
Mai con lên núi mà coi
Coi Bà tướng Triệu cưỡi voi diệt thù.

x x x

Đời sau có thơ ca ngợi:

Tướng lạ, tài cao, gái khác thường
Sau Hai Bà, lại có Bà Vương
Cửu chân trăm trận gan hơn sắt
Lục Dận mươi phen mắt đổ vàng
Toan lấy yếm khăn đùm vũ trụ
Quản gì son phán nhuốm tang thương
Những trang nhi nữ anh hùng ấy
Miếu vũ ngàn thu ngát khói hương.

 

NỮ TƯỚNG BÙI THỊ XUÂN

Quê ở thôn Xuân Hoà, xã Bình Phá, quận Bình Khê, tỉnh Bình Định, Trung Việt, bà bầm sinh thông tuệ và sức vóc hơn người, thêm cử chỉ đoan trang, nên được chung quanh kính nể. Thuở nhỏ theo đòi nghiên bút, lớn lên ham tập binh đao và nhất là học điều khiển voi trận.

Ngoài hai mươi, kết duyên cùng tướng Trần Quang Diệu của nhà Tây Sơn, chiêu mộ người làng cùng theo giúp chồng, lại lập riêng một đoàn nữ binh tinh nhuệ nức lòng theo vì phục tài thao lược và cảm mến đức tính cao quý của bà: không bao giờ ra lệnh giết những người đối phương đã bị bắt.

Trung thành với anh hồn vua Quang Trung sớm băng, hai vợ chồng đem hết lòng dũng cảm phò tá vua con Cảnh Thịnh trong lúc triều Tây Sơn suy yếu vì triều thần ganh tị nhau, chia bè kéo cánh, nguy hại cho thể thống.

Bấy giờ, nước ta chia làm hai phần: từ tỉnh Khánh Hoà miền nam Trung Việt ra Bắc dưới quyền triều Tây Sơn. Từ Khánh Hòa vào miền Nam do Nguyễn Ánh cai quản. Từ Khánh Hòa tới Qui Nhơn, vua Quang Trung dành quyền cho con Nguyễn Nhạc là Nguyễn Bảo chấp chính. Không ngờ Bảo mắc mưu Ánh, đầu hàng. Vua Cảnh Thịnh cho Vũ Văn Dũng cùng Trần Quang Diệu đem đại quân vào đánh Qui Nhơn, vây hãm hai mặt bộ và biển: hai tướng giữ thành, Ngô Tòng Châu uống thuốc độc tự tử, Võ Tánh nhảy vào đống lửa tự thiêu.

Thừa lúc đại quân Tây Sơn bận ở Qui Nhơn lại nhân có gió mùa đông bắc, Ánh cho một đạo quân ra tập kích Phú Xuân. Phò mã Nguyễn Văn Trị đóng quân ở núi Linh Thái không ngăn nổi quân Ánh do Lê Văn Duyệt chỉ huy đổ bộ chiếm cửa Tư dung. Vua Cảnh Thịnh đích thân đem binh ra kháng chiến, nhưng không nổi, phải chạy ra Nghệ An. Phú Xuân vào tay Ánh. Dừng lại Nghệ An, vua Cảnh Thịnh cử em là Nguyễn Quang Thùy cùng bà Bùi Thị Xuân tiến quân vào Quảng Bình đẩy lui binh Ánh. Hai tướng liên tiếp uy hiếp lũy Trấn ninh và Đâu mâu, song không thắng được ngay. Vua Cảnh Thịnh nóng ruột, muốn lui quân. Bà Bùi Thị Xuân xin tiếp tục chỉ huy cuộc chiến. Cỏ ngày bà thúc quân đánh phá lũy Trấn Ninh từ sáng đến hoàng hôn khiển quân Ánh nao núng.

Rủi ro xảy đến do một tì tướng Tây Sơn làm phản, nên trận Sông Gianh thua, kéo theo sự đầu hàng của một tướng khác ở lũy Động Hải, khiến bà Bùi Thị Xuân phải chia quân cứu ứng hai nơi, thành ra thể quân của bà ở Trấn Ninh suy giảm. Thấy quân Ánh sắp đổ bộ ở sông Gianh, Nguyễn Quang Thùy hoảng sợ rút binh, lui rồi bà Xuân mới biết. Bấy giờ bà đã tràn vào lũy Trấn Ninh, trọng yếu hơn các lũy khác.

Nhưng sự thoái chí của Thùy làm tinh thần binh sĩ sa sút, xin buông khí giới, hùa nhau chạy tán loạn. Cực chẳng đã, bà Xuân phải cùng một số quân trung kiên chạy về Nghệ An.

Ở đây ít lâu bà gặp lại chồng, Thái phó Trần Quang Diệu tuy chiếm được Qui Nhơn song không chống được quân địch từ hai phía, Bắc không chống được địch từ Phú Yên đánh ra và Nam từ Quảng Nam ập vào Phải hợp với Vũ Văn Dũng đỉ xuyên sơn qua Lào về Nghệ.

Rồi Nghệ thất thủ, vợ chồng cùng con gái chạy ra huyện Hương Sơn, sau tới huyện Thanh Chương thuộc miền núi tỉnh Thanh Hóa. Quân Ánh bủa vây nhiều lần không hiệu quả vì không địch lại đàn voi trận của bà Bùi Thị Xuân.

Sau Ánh cho lựa một số người giảo hoạt cải trang thành dân quê thường ngày đem cơm xôi hoa quả tiếp tế và tỏ lòng mến phục trung thành. Mới đầu vợ chàng ngờ vực, dần dần không để ý đề phòng đến nỗi mắc mưu, bị bắt. Ánh muốn dụ về hàng nhưng Trần Quang Diệu trả lời:

_ Tôi trung không thờ hai chủ.

Thế là Trần Quang Diệu bị chém ngang lưng. Bà Bùi Thị Xuân cùng con gái 15 tuổi bị voi giày.

Giáo sĩ De la Bissachère mục kích vụ hành hình dã man này, đã kể lại trong cuốn ký sự "Relation sur le Tonkin et la Cochinchine" (tường thuật về Bắc Kỳ và Nam Kỳ) xuất bản năm 1807:

"Bùi Thị Xuân không đổi sắc, tiến đến trước con voi như chọc tức nó. Mấy võ quan ra lệnh bắt bà quỳ xuống. Bà cứ thản nhiên tiến bước. Voi lùi lại. Lính cầm dáo thọc vào đùi voi, con vật đau xông lên giương vòi quắp lấy bà, tung lên trời. Bùi Thị Xuân tắt thở rồi chúng lấy dao cắt lấy tim gan và thịt ở cánh tay, chia nhau ăn sống, ý chừng muốn được dũng mãnh như bà..."

Đời sau có thơ ca ngợi và kính phục vị nữ anh hùng:

Xưa nay khăn yếm vượt mày râu
Bùi thị phu nhân đứng bậc đầu
Chém tướng, chặt cờ, khoe kiếm sắc
Vào thần, ra quỷ, tỏ mưu sâu
Quên nhà, nợ nước đem toan trước
Vì nước, thù nhà để tính sau
Tài đức nghìn thu còn nức tiêng
Non Côn cháy ngọc bởi vì đâu? (1)

(khuyết danh)

____________________

Chú thích:

l. Non Côn cháy ngọc: Kinh Thư - Dận chinh – “hỏa viêm Côn cương, ngọc thạch câu phần". Lửa bốc chắy núi Côn, ngọc với đá cùng bị cháy. Sái Trầm tiên sinh đời Tống giải thích: Tám chữ trên chính là chê trách chính sự tàn bạo, không phân biệt kẻ tốt người xấu, đem giết hết, vậy thì còn khốc liệt hơn cả lửa cháy thiêu rụi hết, không phân biệt ngọc với đá nữa. "Non Côn cháy ngọc" thi nhân dùng bốn chữ này có ý nói trong lúc Tây Sơn suy yếu, chúa Nguyễn thừa cơ dấy lên nhưng chính sách quá tàn bạo, trang liệt nữ như bà Bùi Thị Xuân mà đem phanh thây thật là không biết phân biệt đâu là đá đâu là ngọc... (Tá Chi chú)

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002