Đại Chúng số 79 - phát hành ngày 1/8/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


PHỎNG VẤN NHÀ VĂN HỒ TRƯỜNG AN VỀ SINH HOẠT VĂN HOÁ Ở HẢI NGOẠI

  • TÔI NGHE THEO TÔI, TRÚNG HAY TRẬT TÔI HOÀN TOÀN CHỊU TRÁCH NHIỆM.

  • THEO TÔI, SÁCH CỦA ĐẶNG VĂN NHÂM ĐÃ GÂY CHẤN ĐỘNG MẠNH NHẤT. VÌ ANH ĐÃ NHẬN DIỆN RẤT ĐÚNG VỀ CÁC TỘI ĐỒ CỦA DÂN TỘC!

  • CÁC TĂNG NI Ở HẢI NGOẠI NGÀY NAY RẤT KÉM VỀ GIÁO LÝ.

  • HOAN NGHINH HỘI “ÁI HỮU VĂN NGHỆ SĨ VN HẢI NGOẠI” LẮM LẮM. UỚC MONG HỘI SẼ THỰC HIỆN ĐƯỢC THỜI ĐẠI MỸ LỆ NHƯ “LA BELLE ÉPOQUE” CỦA PHÁP THỜI THẬP NIÊN 10...

Đặc phái viên THIỆN TÂM

Lời toà soạn.- Suốt 26 năm qua, ở hải ngoại, sách báo đủ loại của đủ mọi hạng tác giả đã xuất bản khá nhiều. Về số lượng, bởi không một ai đủ khả năng lập bản thống kê cập nhật chính xác nhất, nên chúng tôi chỉ ước tính theo nhận thức và sưu tầm cá nhân, nhiều nhất ở Mỹ, rồi đến Úc châu, Gia Nã Đại, và ít nhất có lẽ là Âu châu. Nếu nhìn vào không khí sinh hoạt sách báo, bề ngoài có vẻ phồn thịnh và đa dạng. Nhưng nếu ai chịu khó đi sâu hơn một chút, xuyên qua làn da mỏng của cái vỏ hình thức đó, sẽ ngửi thấy ngay cái mùi vị thiếu vệ sinh rất nguy hại cho sức khỏe tinh thần của cộng đồng người người Việt tị nạn.

Đến nay, đã hơn một phần tư thế kỷ trôi qua, mùi xú uế ấy đã trở nên ngày càng thêm nồng nực. Nhưng bởi luật pháp của các quốc gia Âu –Mỹ không thể nào can thiệp trực tiếp vào lãnh vực tinh thần và tư tưởng người VN tị nạn, nên vấn đề vẫn luôn luôn tồn tại và trong tương lai sẽ di hại khôn lường.

Chúng tôi quan niệm, con người gồm 2 phần bất khả phân ly: thể xác và tinh thần. Bởi thế, con người không chỉ sống nhờ toàn miếng ăn. Về miếng ăn, ai cũng biết, phải chọn món ăn tinh khiết và bổ dưỡng. Về tinh thần cũng thế. Con người muốn thoát khỏi tình trạng u mê, tối tăm, ngu dốt, dễ dàng bị bọn lưu manh lưà gạt, khiến nói những lời thối tha, làm những điều sằng bậy, cần phải học hỏi qua sách báo. Nhưng đáng tiếc thay,thị trường sách báo Việt ngữ của cộng đồng người Việt tị nạn khắp nơi hải ngoại, từ 26 năm qua đã bị bọn cầm bút lưu manh, bọn con buôn đầu cơ chữ nghiã để kiếm ăn, và “chống Cộng để kiếm tiền nuôi con” (!) như lời một bà chủ báo chợ nọ ở Bolsa đã tự khoe khoang, làm cho tinh thần độc giả bị ô nhiễm hiểm nghèo.

Nhận thấy tệ trạng đầu độc tinh thần quần chúng cần phải chấm dứt, chúng tôi không ngại khó khăn cố gắng liên lạc để phỏng vấn các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, các biên khảo gia có uy tín khắp nơi hải ngoại, tìm cách hướng dẫn độc giả trong công cuộc thẩm thức giá trị nội tại của mỗi tác phẩm và tác giả đương thời, đặc biệt nhất là tạo cơ hội để các vị ấy phơi bày nhận xét của mình đối với sinh hoạt văn hoá hải ngoại từ hơn nưả thế kỷ qua.

Để mở đầu cho loạt phỏng vấn này, nơi đây chúng tôi xin cống hiến bạn đọc những cao kiến quảng bác của nhà văn rất nổi tiếng Hồ Trường An, một khuôn mặt nổi bật trong dòng sinh hoạt văn hoá ở hải ngoại.

Dưới đây là những lời vấn đáp giưã đặc phái viên Thiện Tâm của bổn báo với nhà văn Hồ Trường An. Những chữ viết tắt: TT và HTA, trước mỗi câu hỏi và câu trả lời là: Thiện Tâm và Hồ Trường An.

Cuối cùng, chúng tôi hy vọng bài phỏng vấn này sẽ cống hiến được đôi điều bổ ích cho độc giả. Ngoài ra, nếu trong hải ngoại chư quân tử có vị nào muốn đóng góp thêm cao kiến, thì đây cũng là một cơ hội để các bạn biểu lộ tinh thần xây dựng chung cho nền văn hoá hải ngoại. Báo Đại Chúng sẽ sẵn sàng đăng tải...

TT.- Được biết anh là một nhà văn, đọc và nhớ cũng nhiều, nhất là những chuyện trong giới văn học. Vậy xin anh cho biết ý kiến tổng quát về sinh hoạt văn chương ở hải ngoại kể từ năm 1975 đến nay. Có những tác phẩm đã xuất bản nào bán mạnh nhất? Nếu trong số đó có tác phẩm nào của anh, cũng xin đừng ngại, hãy cứ kể luôn cho độc giả bốn phương thế giới được biết.

HTA.- Thưa anh, kể từ 1975 tình trạng văn học VN ở hải ngoại chỉ bộc phát vào những năm từ 1983- 1989. Văn học gồm những cuốn biên khảo về quê hương đất nước, về văn hoá, chính trị v.v... Còn về triết học, về tâm linh, tôn giáo thì quá ít, chỉ có những cuốn sách do Nhất Hạnh, Nguyên Phong, Minh Tâm cư sĩ bên Phật giáo. Chẳng có ai dám viết tư tưởng triết học, tư tưởng tâm linh trong tác phẩm văn chương, ngoài các ông Nhất Hạnh, Nghiêm Xuân Hồng, nhưng cả hai đều đem tư tưởng vào văn chương không khéo. Anh coi đó, Kim Dung đem đạo Phật vào văn chương, Dostoievsky đem Thiên Chúa giáo vào văn chương thật nhuyễn, đọc mà mê luôn. Còn sách bán chạy thì phải kể như sau: Về tiểu thuyết có: Nguyễn Ngọc Ngạn, Xuân Vũ, Yên Tử Cư Sĩ. Về tôn giáo có: Nguyên Phong. Về khảo cứu phong tục có bạn tôi tức là nhà văn Hứa Hoành (bộ Nam Kỳ Lục Tỉnh). Gần đây anh Đặng Văn Nhâm với bộ “Bí Mật Hậu Trường Chính Trị Miền Nam” (các quyển I, II, III), Lịch Sử Báo Chí VN, Mặt Trận Văn Bút, Stalin Tình Ái và Chính Trị... dẫn đầu về phương diện ăn khách. Mấy cuốn BMHTCTMN nghe nói có tệ nạn bị bọn gian thương bán chợ đen!

Cón các tác phẩm của tôi hả? Bán lai rai thôi anh à. Nhưng vẫn bán được để giờ đây tôi có trên 40 tác phẩm. So với anh Xuân Vũ về số lượng thì tôi còn kém xa. Anh Xuân Vũ đã có gần 60 tác phẩm đả xuất bản rồi. Và tôi cũng xin nhấn mạnh, nãy giờ tôi chỉ nói các tác giả tị nạn chính trị, nói về các nhà văn lưu vong thôi. Còn các nhà văn thoát ly CS (thật hay giả) tôi không biết gì ráo!

TT.- Trong số các tác phẩm bán chạy nhất (best sellers) mà anh đã kể đó, theo nhận định của anh, thuộc loại nào? Tiểu thuyết, hồi ký, ký sự, thơ, dịch thuật, biên khảo hay phóng sự?

HTA.- Theo tôi, truyện ngắn truyện dài làm độc giả ớn rồi, nhợn lắm rồi. Trừ trường hợp Nguyễn Ngọc Ngạn. Có lẽ sách nói về tâm linh, về hồi ký chính trị (của Đặng Văn Nhâm, Lê Trọng Văn) và tiểu thuyết võ hiệp của Yên Tử Cư Sĩ là ăn khách. Cũng chẳng giấu gì các anh, loại sách ma hồ linh qủi theo kiểu” Liêu Trai Chí Dị” của tôi cũng bán được lắm, tuy không bán chạy bằng sách của quí văn hữu mà tôi vưà kể trên.

TT.- Anh có thể giúp độc giả yêu sách dễ sưu tầm, xếp hạng thứ tự chung cho các tác phẩm bán chạy nhất, quyển nào của tác giả nào, phát hành năm nào không?

HTA.- Vấn đề này quí anh nên hỏi chủ nhân các nhà sách ở Cali. Washington DC, Texas, Toronto, hay Montreal, và ở Paris là hơn. Tuy nhiên tôi xin trả lời vắn tắt: Trước năm 1987, về truyện dài truyện ngắn có Nguyễn Ngọc Ngạn, Xuân Vũ, Duyên Anh. Ông Võ Phiến có cuốn Tùy Bút I và Tổng Quan Văn Học Miền Nam. Nguyên Phong có quyển sách dịch về tôn giáo là Hành Trình Về Phương Đông. Sau đó từ năm 1989 tới 1996, các bộ sách dã sử kiếm hiệp như Anh Hùng Lĩnh Nam, Tiêu Sơn Tráng Sĩ, Thuận Thiên Dị Sử của Yên Tử Cư Sĩ. Từ năm 1998 tới nay, thơ của Nguyễn Chí Thiện và những quyển sách của Đặng Văn Nhâm dẫn hàng đầu.

TT.- Như thế chứng tỏ anh cũng đã theo dõi “thị trường chữ nghĩa”, và điều hiển nhiên chắc không ít thì nhiều anh cũng đã đọc qua các tác phẩm mà anh vưà kể thuộc loại “best seller” đó. Vậy xin anh vui lòng cho độc giả bốn phương hải ngoại được biết vắn tắt những nét đại cương về một tác phẩm nào mà anh nhận thầy đã gây chấn động dư luận mạnh nhất?

HTA.- Thưa quí anh, mấy cuốn sách của anh Đặng Văn Nhâm gây chấn động mạnh nhất, như tôi đã nói ở trên. Có cô bạn thân của tôi ở bên Đức phải điện thoại với cô cựu tình nương của nhà văn Văn Quang bên Cali để kiếm mua cho bằng được sách của ảnh. Còn thơ của Nguyễn Chí Thiện được kiều bào đọc tới đọc lui, họ coi tập thơ “Hạt Máu Thơ” của ảnh như quyển sách gối đầu nằm.

TT.- Nãy giờ anh chỉ mới giới thiệu cho độc giả biết sơ lược về nội dung của tác phẩm. Nhưng anh chưa cho biết ý kiến của riêng anh. Anh có những ý kiến riêng hay lời phê bình gì đối với các tác phẩm ấy không?

HTA.- Mấy quyển sách của Xuân Vũ giúp tôi hiểu rõ xã hội miền Bắc trước 1975. Anh Xuân Vũ còn viết loại sách phong tục, tiểu thuyết đồng quê, miền Nam thời tiền chiến rất lôi cuốn. Yên Tử cư sĩ viết dã sử tiểu thuyết thuộc hàng đầu. Ảnh cũng khá thạo về truyền thống và truyền thuyết dân tộc vào thời đại Hồng Bàng. Duyên Anh viết về thiếu nhi rất hàm súc. Còn anh Đặng Văn Nhâm nhận diện rất đúng về các tội đồ của tổ quốc, các thứ sâu dân mọt nước của quốc gia dân tộc. Có nhiều kẻ chê ảnh không được khách quan. Theo tôi, ai dám xung phong vỗ ngực mình viết sử ký hoăïc hồi ký hoàn toàn khách quan, trong khi ai cũng như ai, vẫn còn là phàm phu tục tử thì tránh sao khỏi những nhận định lệch lạc không nhiều thì ít. Chỉ có máy nhân quả luân hồi mới là cái máy “ordinateur” chính xác nhất, công bình nhất, ai đánh programme nào thì về sau chỉ có nhấn nút mở máy là programme hiện ra, không sai sót một mảy lông hạt bụi. Vả lại tôi rất thích tinh thần hiếu học của anh Nhâm. Ảnh rành về đông –tây kim cổ. Năm 1996, tôi được trò chuyện với ảnh rất nhiều, có khi thức tới sáng. Chúng tôi nhắc nhở về tình hình báo chí vào những năm 1948 cho tới 1954. Thuở đó tôi chỉ là cậu học sinh lớp nhất hay lớp đệ thất gì đó. Còn ảnh thì đã vào làng báo rồi. Những nhà văn, nhà báo, những giáo sư nổi tiếng ở các trường trung học, ảnh đều có tiếp xúc, còn tôi chỉ biết qua sách vở, báo chí. Vâng, đúng như qúy anh đã biết, tôi có tính nhớ dai (cả thù dai nữa) cho nên nhớ được những cái tên như Vũ Anh Khanh, Sơn Nam, Thẩm Thệ Hà, Liên Chớp, Hà Liên Tử, Từ Trẫm Lệ, Việt Quang, Dương Tử Giang, Quốc Ấn, Bùi Nam Tử, Vân Lâu, Tô Nguyệt Đình, Thiết Can (nhà văn) hoặc Nam Quốc Cang, Triệu Công Minh, Nguyễn Duy Hinh, Phi Bằng Cao Minh Chiếm, Nguyễn Ang Ca, Anna Lê Trung Cang, Hoàng Hồ, Ngọc Linh, Phong Vân (bên nhà báo), hoặc các nhà giáo cầm bút trở thành nhà văn như Vita, Cấn Huy Tăng (Anh Huy) bà Hợp Phố, Hường Hoa Nguyễn Xuân Tước v.v... Những cái tên tuổi đó anh Nhâm đều đã tiếp xúc, có người rất thân tình... Tôi có khuyên anh Nhâm nên viết hồi ký. Ảnh hứa sẽ viết quyển “ĐỜI TÔI”. Hy vọng rằng quyển đó ảnh sẽ trình bày trong một tương lai không mấy xa xôi.

TT.- Anh không bị chi phối bởi những lời chỉ trích anh Đặng Văn Nhâm hay sao?

HTA.- Hoàn toàn không. Tôi nghe theo tôi. Trúng hay trật tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm. Thực ra tội đồ của tổ quốc, đồng bào ai ai cũng biết rồi. Ảnh chỉ phanh phui thêm mà thôi. Những kẻ binh vực hạng sâu dân mọt nước đó phần nhiều là thứ có dây mơ rễ má với bọn đó hoặc ăn ké chia phần với bọn đó mà thôi. Hoặc là thứ con ông cháu cha, nhưng thứ cha ông tham nhũng ăn hại đái nát. Tôi ghét suy luận sâu xa để rồi nhận định méo mó, tật nguyền. Có lẽ nhận định bằng thứ trực giác thâm sâu (intuition profonde) thì thủ thắng hơn.

TT.- Anh là Phật tử thuần thành, việc anh Nhâm vén màn bí mật đời tư các tăng ni, anh không thấy khó chịu sao?

HTA.- Việc gì cũng có gốc có ngọn, có nhân có quả. Đức Phật đã bảo vào thời mạt pháp, điạ ngục chứa toàn là tăng chúng (phạm giới dĩ nhiên). Việc làm của anh Đặng Văn Nhâm đâu có mới mẻ gì. Vào triều đại nhà Thanh, danh sĩ Đường Bá Hổ tự Đường Dần đã từng làm rồi. Đường danh sĩ là họa gia lỗi lạc, tác giả bức tranh “Hải Đường Xuân Thụy”(giấc ngủ muà xuân của hoa Hải Đường) rất nổi tiếng. Ngoài ra, ông còn là tác giả quyển “Tăng Ni Nghiệt Hải”(thầy chuà bà vãi trong biển oan nghiệt) viết chuyện tà dâm, hiếu sát của bọn tăng ni phá giới dữ dội hơn mấy sãi vãi phá giới trong mục “giặc thầy chuà” của quyển 3 trong bộ Bí Mật Hậu Trường Chánh Trị Miền Nam. Quyển này được Huang San và Jean Blasse cùng Oreste Rosenthal dịch ra tiếng Pháp nhan đề là “Moines et Nonnes dans l’Océan des Péchés” do Picquier Poche xuất bản. Tôi không ưa thứ bưng bít che đậy. Cái gì bên quốc gia, đối với bọn quá khích, cũng tốt, cũng cao thượng. Đây là lúc chúng ta ôn lại cái dĩ vãng lầm lỡ, cái hiện tại sai trái của chúng ta!

TT.- Anh nghĩ gì về vấn đề Phật pháp mà anh Nhâm đã nêu lên trong chương “giặc thầy chuà” ở quyển 3 BMHTCTMN?

HTA.- Tôi rất hoan nghinh. Nếu cần phải so sánh, tôi nhận thấy anh Đặng Văn Nhâm đã tỏ ra có lý hơn TT Thích Như Điển, sư trụ trì chuà Viên Giác. Trong khi Thích Như Điển gọi đạo Phật là triết lý Phật Giáo, còn anh Nhâm cho rằng Phật giáo không phải là một triết lý. Chữ “giáo” của nhà Phật, anh Nhâm cho rằng đó là lời giáo huấn, lời chỉ dạy của đấng Thế Tôn. Anh Nhâm hoàn toàn đúng. Theo tôi, muốn ngộ đạo Phật, ta không thể dùng lý trí và lý luận mà đạt được. Thật vậy, Phật không quan tâm đến những cuộc tranh luận xuông về triết lý siêu hình, mà chỉ dạy chúng sinh nhắm vào mục đích thực tế nhất là thoát khổ bằng hành động. Như thế, theo tôi, ta chỉ có thể đạt ngộ được đạo Phật bằng con đường trực giác thâm sâu (intuition profonde) mà thôi.

Đến đây thiết tưởng tôi cần phải nói thêm để mọi người cùng hiểu trực giác là gì? Là sự biết trước bằng linh tính. Khi tiếp xúc với nhân vật, con người nhờ có lương tri mà biết ngay cách mau chóng, đứng đắn, chứ không cần đến sự suy xét, lý luận và kinh nghiệm. Giả dụ đến gần người ác, tự nhiên ta thấy nặng nề, khó chịu; gần người lành, tự nhiên ta cảm thấy thơ thái, nhẹ nhàng...

Tôi phải thành thực mà nói rằng,tôi nhận thấy đại đa số tăng ni ở hải ngoại ngày nay chỉ biết tụng kinh gõ mõ và giỏi quyên góp tiền bạc mà thôi. Ngoài ra, họ hoàn toàn mù tịt về giáo lý nhà Phật. Như vậy mong gì họ chứng ngộ hay tự giải thoát thân tâm được!...

TT.- Anh nghĩ sao về hội Ái Hữu Văn Nghệ Sĩ VN Hải Ngoại?

HTA.- Hoan nghênh lắm lắm. Bằng cớ tuy là nhà văn, nhưng tôi chỉ thân với các nhạc sĩ, hoạ gia, nhiếp ảnh gia, các ca sĩ, các kịch sĩ, các minh tinh màn bạc. Còn gì đẹp bằng các nghệ sĩ đủ các bộ môn nghệ thuật ngồi lại với nhau, thương yêu, tương trợ (lý tưởng quá xá!). Tôi còn nhớ vào thời đại Mỹ Lệ (la Belle Époque) bên Pháp, tức là vào thập niên 10 của thế kỷ 20, các văn gia, thi sĩ, hoạ sĩ, nhạc sĩ, kịch sĩ, ca sĩ... thậm chí đến các nàng danh kỹ cũng ưa giao du lẫn nhau cũng như các nghệ sĩ, danh kỹ vào thời Đệ Nhị Đế Quốc (Second Empire) của Hoàng Đế Nã Phá Luân Đệ Tam (Napoléon III). Các nhà văn như Jean Lorrain, Alphonse Daudet, Théophile Gautier, nhà thơ như Max Jacob, danh hoạ gia như Toulouse Lautrec, nhạc sĩ Raynolde Haln, cùng các nữ sĩ Anne de Noailles, Lucie Delarue Madrus, Nathalie Clifford Barney, Renée Vivien, Colette...đều tới lui thăm viếng nhau. Thậm chí nữ kịch sĩ Sarah Bernardt, Rejane, nữ vũ công Cléo de Mérode, các nàng danh kỹ như Liane de Pougy, Emilienne d’Alecon, Jeanne Tourbey... cũng nhập bọn với các nhà nghệ sĩ sáng tác kia. Rồi anh có biết sao không? Đại danh kỹ đã từng ngủ với vua chúa và các nhà quí tộc là bà Liane de Pougy viết 6 quyển tiểu thuyết, một quyển nhật ký, nổi tiếng nhất là quyển tiểu thuyết tự truyện “Idylle Saphique”, còn cô nàng Émilienne d’Alecon thì tung ra tập thơ “Temple d’Amour” (ngôi đền tình ái), cô danh kỹ Jeanne Toubey mở ra cái Salon Littéraire hội họp các văn gia, thi sĩ, triết gia, chính trị gia... Bởi đó mà thập niên gọi là Thời Đại Mỹ Lệ. Tôi uớc mong quí anh thực hiện được cái “thời đại mỹ lệ” ấy cho khắp các văn nghệ sĩ sáng tác cũng như trình diễn ở khắp 4 phương trời hải ngoại.

Cuộc phỏng vấn này tạm chấm dứt tại đây. Trong số báo tới, chúng tôi sẽ đăng tải bài phỏng vấn nhà văn Hồ Trường An về những cuộc “bút chiến” đã từng gây sóng gió dữ dội trong dư luận quần chúng hải ngoại thời gian qua. Mong bạn đọc sẽ đón xem.

Thiện Tâm

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002