Đại Chúng số 79 - phát hành ngày 1/8/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


NGUỒN NƯỚC:
MỐI ĐE DỌA CỦA NHÂN LOẠI, MẦM TAI HOẠ CỦA MIỀN NAM VIỆT NAM

KHI DÒNG MEKONG BỊ ĐẬP CHẮN

Trương Quang

(Theo thông tin, tài liệu tổng hợp và sở kiến của tác giả qua chuyến về thăm châu thổ Cửu Long Giang)

L.T.S: Trung Cộng đã lấn chiếm hai hòn đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hoà năm 1974 do sự đồng thuận của cộng sản Hà Nội. Ngày nay, vòi bạch tuột của Trung cộng đã vươn tới quần đảo Trường Sa. Biển Đông, một huyết mạch sinh tử của Việt Nam và các nước Đông Nam Á đã bị Trung Cộng khống chế. Trung Cộng đã hoàn thành xong hai đập, nay lại xúc tiến xây đập Xianwan lớn nhất thế giới. Nạn lụt lội tại Đồng Bằng sông Cửu Long đã xảy ra đáng lo ngại cho vựa lúa Miền Nam nước ta. Trong tương lai, khi đập Xianwan hoàn thành thì hậu quả khôn lường. Trung Cộng là kẻ thù hung hiểm nhất của dân tộc VN.  Chúng ta phải làm gì để liên kết tất cả mọi người Việt Nam trong và ngoài nước lên tiếng với quốc tế và các nước trong khối Asian chận đứng hành vi chơi ác, chơi xấu, xỏ lá, xảo quyệt của bọn cầm quyền Bắc Kinh. Trong lúc nầy, phải cứu lấy dân tộc Việt Nam và dựa lúa đồng bằng sông Cửu Long đã nuôi sống dân tộc ta tự bao đời. Chúng ta không thể vì quyền lợi, thù hận mà quên đi hiểm hoạ của toàn thể dân tộc trước kẻ thù nham hiểm Bắc Kinh. Hỡi những ai còn có lòng với đất nước, dân tộc Việt Nam. Hãy cùng đứng bên nhau giải quyết vấn nạn nầy cho dân tộc ta khỏi bị tận diệt. Hy vọng bài phân tích, tổng hợp của nhà văn Trương Quang sẽ là chiếc chìa khoá khai sáng để mở cửa những tâm hồn u tối, tù ngục, những bộ óc u mê nhiều tham vọng và trái tim sơ cứng của nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội: “MÊ ÔM CHÂN, THỜ PHƯỢNG CON RẮN ĐỘC HAI ĐẦU-BẮC KINH”.

 

Mùa xuân năm 2000, trong bài viết về “Những Con Rồng Của Tổ Quốc”, tôi đã  nêu lên việc Trung Cộng xây đập chắn dòng sông Mekong sẽ gây thiệt hại không cứu vãn được cho châu thổ Nam Việt của chúng ta. Trung Quốc đã hoàn thành hai đập, nay lại xúc tiến xây đập Xianwan là đập lớn nhất thế giới và rồi sẽ thực hiện đủ 8 đập theo dự trù chận nước sông Mekong. Hiểm hoạ cho Việt Nam gần hơn, nên tôi xin báo động bằng cách xem xét về nguồn nước đang là mối đe doạ cho nhân loại vào thế kỷ 21, đặc biệt là mầm tai hoạ cho đồng bằng Nam Việt khi dòng chảy Mekong bị ngăn chặn.

NHÂN LOẠI PHẢI CHIA XẺ NGUỒN NƯỚC CHO HỢP LÝ:
NƯỚC SINH HOẠT VẪN CHƯA ĐÁP ỨNG THOẢ ĐÁNG TẠI CHÂU Á:

Tháng 3-1998, UNESCO tổ chức cuộc hội thảo về nước tại Paris đã tuyên bố: “Nếu chúng ta không hành động kịp thời thì 2/3 nhân loại sẽ chết khát vào năm 2025!”. Nhìn quanh các nước lân cận với Việt Nam, chúng ta dễ dàng nhận biết bài toán về “nước sinh hoạt” chưa thể giải đáp tại các nước Á Châu.

Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia thiếu nước rất trầm trọng, nhất là tháng 3/1998 dân số nối đuôi nhau xếp hàng rồng rắn ngoài đường, chờ hứng nước từ các xe bồn vào thau, xô mang vào nhà để uống dè xẻn.

Thủ đô Manila của Philippines cũng vào giữa năm 1998, nguồn nước sinh hoạt lấy từ đập Anggat tại Bulacan đã xuống thấp đến 20m, thành phố thiếu nước đến 35% nên lịch cắt nước 2 ngày mỗi tuần, luân chuyển trong thủ đô.

Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc muốn dời đi nơi khác cũng chỉ vì thiếu nước mà đảng cộng sản Trung Quốc chưa biết xoay sở ra sao!

Thành phố Sài Gòn còn có lợi điểm là nguồn nước lấy từ sông Đồng Nai chảy ngang qua, nhưng công suất nhà máy nước không đáp ứng xuể nhu cầu của dân chúng, nên số đông phải dùng nước giếng khoan đóng sâu xuống lòng đất (phải trên 25m mới qua khỏi nước phèn và bùn nhão). Nước khoang lên từ giếng khoan được bán cho dân nghèo, giá mỗi thùng bằng một bát cơm.

Thật ra, nguyên nhân thiếu nước từ các đô thị Châu Á chủ yếu là do nguồn nước khan hiếm, do hệ thống ống dẫn nước cũ kỹ gây ra rò rỉ, nạn ăn cắp nước và thói quen dùng nước phí phạm vì được cung cấp với giá rẻ.

Hiện nay Singapore đã tăng giá nước (và là giá nước đắt nhất Châu Á). Trong suốt thập kỷ vừa qua, dân số Singapore chỉ tăng 1,9%, đồng thời, mức tiêu thụ tăng đến 4,6%. Tiểu quốc nầy phải nhập khẩu 415 triệu m3 nước mỗi ngày từ bang Johor ở Nam Malaysia. Để giải quyết bài toán hóc búavề nguồn nước, Singapore đang xây trạm biến hoá nước biển thành gia dụng, sẽ hoàn thành vào năm 2003 và trạm khác dự định hoàn tất vào năm 2011 để cung cấp 400.000m3 nước/ ngày cho quốc nội. Mức tiêu thụ nước của Singapore là 441 triệu m3/ năm, trong đó 53% cho nhu cầu sinh hoạt. Một cuộc điều tra cho thấy, trung bình mỗi người Singapore dùng 92 lít nước/ ngày cho tắm rửa, 37 lít cho gội đầu, 104 lít cho giặt giũ (nước dội cầu từ 9 lít/lần, nay còn 3,5 lít/ lần, là một trong những biện pháp tiết kiệm nước).  Tưởng cũng nên biết, người Hoa Kỳ xài hết 600 lít nước/ ngày, trong khi một số dân Châu Phi chỉ có chừng 30 lít/ ngày lấy từ ao hồ thiếu vệ sinh.  Theo tổ chức y tế thế giới, hàng năm có hai triệu người chết vì dùng nước không trong sạch.

Khi bản điều tra trên được công bố, thủ tướng Goh-chok-Tong đã lên tiếng cảnh cáo rằng Singapore có thể bị cạn kiệt nước sinh hoạt trong 15-20 năm tới nếu mọi biện pháp về nguồn nước không có hiệu quả.

Nguồn nước tại Nhật Bản khan hiếm không kém, nên người Nhật đã có tập quán tiết kiệm trong cách dùng nước. Tại các thôn quê, có gia đình chỉ dùng 20 lít nước để tắm: Đầu tiên là người cha, sau đó đến phiên các con và cuối cùng là người mẹ. Lắm khi nước tắm còn tiếp tục dùng để giặt và tưới.  Tại các đô thị Nhật, việc sử dụng nước được tự động và vi tính hoá, qua đó việc dội cầu vừa đủ khi người ta đứng dậy, bồn tắm tự động ngắt nước ở mức cần dùng và nhiều bồn tắm được nối với bồn dội cầu để tái sử dụng nước tắm.

Hồng Kông đã có hơn 70% toilet dùng nước biển lấy từ nguồn vô tận của đại dương. Theo thống kê năm 1995, hàng ngày có đến 434,000m3 nước biển được bơm vào hệ thống toilet dội cầu ở hải đảo nầy (tương đương với nước ngọt sinh hoạt). Nguồn nước uống còn phải nhập cảng thêm.

Ở Thái Lan, tình trạng thiếu nước tại đô thị cũng nhẹ nhàng như tại Sài gòn. Cũng là một quốc gia xuất cảng nông phẩm mà người nông dân lại thiếu nước trồng trọt. Chính phủ Thái mở chiến dịch lớn từ thủ đô Bangkok đến tận hang cùng ngõ hẻm kêu gọi dân chúng tiết kiệm nước để phục vụ nông nghiệp.

Sự phát triển nhanh chóng của các nước Á Châu đòi hỏi điện năng và nguồn nước là 2 yếu tố có tầm quí giá ngang nhau. Con người đã sản xuất ra điện nuôi sống kỹ nghệ, nhưng nước do thiên nhiên dành nuôi dưỡng con người. Nguồn nước tuy có ít ỏi ở một số quốc gia, nó chỉ trở thành mối đe doạ thực sự vào thế kỷ 21 khi tình yêu nhân loại không còn được quí trọng.

NGUỒN NƯỚC CÓ THỂ TRỞ THÀNH NGÒI LỬA CHIẾN TRANH:

Nước không phải là nguồn vô tận trời cho, càng không phải là nước có trên địa cầu đều có thể dùng được ngay. Nước ngọt ở sông, ao, hồ chỉ chiếm 1% trữ lượng nước trên hành tinh nầy (chừng 40,000 tỉ m3 nước ngọt). Nước lại không được phân bổ đồng đều cho khắp các lục địa. Có 10 quốc gia “giàu nước” thủ đắc đến 60% tổng lượng nước (đứng đầu là Brazil, đến Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ...). Còn 26 quốc gia có 232 triệu dân lại “nghèo nước”. Quan ngại nhất là vùng Trung Đông nắng hạn, khô cằn, đang tranh chấp nhau quyền kiểm soát những dòng sông, những bờ đập để có được nguồn nước.  Các nước dọc theo bờ sông, các nước ở đầu nguồn và cuối nguồn đã đang và sẽ tranh giành không khoan nhượng việc sử dụng nguồn nước chảy qua lãnh thổ của mình, dùng làm nước sinh hoạt và nuôi dưỡng hoa màu trên 500 triệu hecta đất trồng trọt.

Đã có 6 trường hợp bùng nổ chiến tranh do tranh chấp nguồn nước tại Trung Đông. Đơn cử trường hợp sông Euphrate: Thổ Nhỉ Kỳ (Turkey) xây những hồ chứa nước, đập nước khổng lồ Atatiirk ở đầu nguồn sông Euphrate để sản xuất điện lực và dẫn thuỷ nhập điền mở rộng canh tác. Syria và Irag nằm ở hạ lưu rất lo sợ nước bị cạn kiệt, nên đã thành lập hội đồng các chuyên gia chăm lo phân phối từng mét khối nước còn lại của sông nầy. Nền hoà bình ở Trung Đông tuỳ thuộc một phần ở việc chia xẻ các nguồn nước. Chúng ta còn nhớ vào đầu năm 1965, thủ lãnh Arafat của Palestine cương quyết chống trả việc Israel (Do Thái) phá hoại thuỷ đạo dẫn nước từ hồ Tiberias đến sa mạc Neguev. Đó là nỗi kinh hoàng của toàn dân Palestine mà 70% lượng nước sinh hoạt phải trông cậy vào các nguồn nước nằm ngoài biên giới.

Ai Cập (Egypt, một nước ở Bắc Phi Châu, phía Nam vùng Trung Đông đỏ lửa) cũng rất lo ngại vì lượng sông Nile ngày một yếu dần, nên gây hiện tượng biển xâm thực đất liền. Thượng nguồn của sông Nile là các nước Ethiopia, Uganda đến nước Sudan mênh mông khô cằn rất cần nước để phát triển công kỹ nghệ và mở rộng nông nghiệp. Nguyên tổng thống Ai Cập là Sadate đã từng công khai tuyên bố: “Nguồn nước là nguyên nhân duy nhất có thể đưa Ai Cập vào con đường chiến tranh”.

Đau thương nhất là dân Li-bân (Lebanon) nằm giữa sự tranh chấp của nhiều thế lực bên ngoài, hứng chịu đủ loại bom đạn trút xuống phá tan hoang các ống dẫn nước. Muốn sinh tồn, người dân Li-bân gắng sức đào từng giếng nước nhỏ giữa vùng sỏi đá, dùng bơm hút nước lên mà dùng. Năm 1996, không quân Israle đánh phá một hồ chứa nước, nguồn cung cấp nước cho hơn 20 làng ở Nam Li-bân, nơi căn cứ của quân du kích Herzbollad. Năm 1982, một cứ điểm quân Palestine ở Tây Beirut (thủ đô Li-bân) bị vây hãm, quân Israel đe doạ sẽ đầu độc tất cả các nguồn nước sinh hoạt để buộc đối phương phải đầu hàng. Thửa xa xưa, các đoàn quân thập tự chinh thường dùng chiến thuật triệt nguồn nước như quăng xác súc vật chết xuống giếng và ao hồ nhằm đánh tan sự kháng cự của phía kia; ngày nay, chiến thuật nầy được hiện đại hoá tại Trung Đông.

Năm 1991, vau Hassan nước Jordan đã có lời dự báo: “Nước là một yếu tố quyết định. Từ nay đến năm 2000, nếu các nước ở Trung Đông không đạt được thoả thuận thì cuộc xung đột chắc chắn sẽ xảy ra”. Như ta đều biết, trong dòng nước đã và đang chảy ở Trung Đông có pha lẫn dòng máu và chưa biết đến ngày nào mới có hoà bình.

Phần trên đây là để “thấy người mà gẩm đến ta” trước sự việc Trung Quốc xây đập triệt dòng Mekong sẽ đưa châu thổ Nam Việt đi về đâu?

TRUNG QUỐC XÂY DẬP CHẶN DÒNG ME KONG, GÂY TAI HOẠ CHO ĐỒNG BẰNG NAM VIỆT.
TRIỆT DÒNG MEKONG, CHÂU THỔ NAM VIỆT LÂM NGUY:

Miền đông bằng phì nhiêu bát ngát rộng đến 50,000km2 của miền Nam nước Việt là do phù sa sông Mekong tạo thành qua hàng vạn năm.

Sông Mekong phát nguyên từ Tây Tạng, chảy qua 7 nước với chiều dài 4,200km (đứng hàng thứ 7 của Châu Á, hàng thứ 12 của toàn thế giới). Bắt nguồn  từ những dòng suối nơi dãy Hi-mã-lap-sơn chọc trời, rồi tụ thành con sông mà người Tây Tạng gọi là Dza-chung. Sông chảy vào Vân Nam giáp Miến Điện thì người Trung Hoa gọi là sông Lan-cang (còn đọc là Lan-thương, hay sông Cuồng), có khi thì gọi là Thạch Hà. Sông nầy là biên giới thiên nhiên theo chiều Bắc Nam của hai nước Thái Lan và Lào.  Phía Lào (có thủ đô Vạn Tượng bên tả ngạn) gọi là sông Me-khong, Thái Lan phát âm là Me-com (nghĩa là mẹ của các con suối), vì thế trên bản đồ thế giới ghi thống nhất tên sông Mekong suốt từ nguồn tới biển.

Sông Mekong vào địa phận Việt Nam được tổ tiên ta gọi là Cửu Long Giang, một tên rất đẹp mà cũng rất hiện thực để diễn tả 9 chi lưu như 9 con rồng ôm choàng Miền Nam Việt trước khi hoà dòng vào biển Nam Hải. Sông Mekong có lưu lượng khổng lồ (1000m3/giây), dòng chảy điều hoà, không chênh lệch giữa hai mùa mưa, nắng. Hằng năm, sông Mekong đổ ra biển 475 tỉ mét khối nước, chuyên chở hàm lượng phù sa khoảng 470 triệu tấn xuống hạ nguồn. Khoảng 30% lượng phù sa nầy lắng ở châu thổ Cửu Long (và một ít ở Cambốt). Bảy mươi phần trăm phù sa còn lại lắng đọng ở cửa biển và được hải lưu ven biển chuyên chở xuống phía Nam bồi đắp vào bờ biển Nam Việt, do đó mỗi năm mũi Cà Mau được nới rộng ra biển đến 100m.

Trong thập niên vừa qua, Ủy Ban sông Mekong (Mekong River Commission) đã ít nhiều tài trợ những quốc gia nghèo trong lưu vực sông nầy thực hiện các đập thuỷ điện để phát triển kinh tế.

Lào đã hoàn thành 5 đập thuỷ điện và còn hoạch định xây thêm 20 đập khác nữa trên sông Mekong. Khi Lào hoàn tất kế hoạch, 25 con đập ấy có khả năng chứa 67% nước chảy từ lưu vực sông của Lào (chiếm 26 đến 35% tổng sản lượng nước sông Mekong) và chặn giữ 60 triệu tất phù sa hàng năm trên các hồ chứa.

Thái Lan đã hoàn thành đập Pak-Mun và có dự án chuyển 8 triệu m3 nước từ Mekong mỗi năm, đến tưới ngoài lưu vực.

Việt Nam đã xây xong đập Yali tại Kontum trên sông Sesan là phụ lưu của sông Mekong và dự định xây thêm 3 đập nữa cũng trên nhánh sông nầy đập Yali bé nhỏ (cao 65m ngang 1460m) mà cũng gây ra tai hại lớn: 65km2 rừng già bị ngập, gây lũ lụt cho bên dưới là tỉnh Ratanakini của Cambôt, 20.000 dân phải tản cư, hàng ngàn ghe tàu bị nước cuốn mất, 30 người chết đuối và 952 người tử vong vì nhiễm nước độc.

Trung Quốc đã hoàn thành 2 đập thuỷ điện qui mô Manwan và Dashaoshan tại tỉnh Vân Nam và còn dự trù xây thêm 5 đập nữa ngay trên dòng chính sông Mekong. Mới đây (giữa năm 2001, Trung Quốc loan báo việc tiến hành xây đập nước Xianwan lớn nhất thế giới chặn ngang dòng Lang-cang (tức sông Mekong dòng chính) với chi phí khoảng 32 tỉ nhân dân tệ (tương đương 3,8 tỉ mỹ kim). Đập Xianwan có hình uốn cong cánh cung (hyperbol), cao 292 mét (cao bằng 100 tầng lầu). Theo thống kê, khi đập nầy hoàn thành, chỉ còn 16% lượng nước của sông Mekong phát nguồn từ đấy chảy xuống hạ lưu. Điều đáng trách là trong cuộc họp thượng đỉnh sau đó tại Honolulu (Hoa Kỳ) của Ngân Hàng Phát Triển Á Châu, có ít người phản đối kế hoạch xây đập Xianwan của Trung Quốc mà chỉ chăm chú vào các dự án đã được ngân hàng nầy tài trợ cho lưư vực Mekong nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Nhưng sau đó có một bản tường trình mới của Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB) cảnh cáo là đập nước chặn dòng Mekong sẽ ảnh hưởng trầm trọng hệ môi sinh đa dạng trong vùng, nơi có nhiều triệu nông sản của Lào, Thái Lan, Cam bốt, Việt Nam đang sinh sống nhờ vào dòng sông nầy. Tờ South China Morning Post có đăng tải bào báo cho biết thác nước Xianwan làm gia tăng các vụ ngập lụt, giảm thiểu trử lượng cá, điều đáng lo ngại là lượng nước còn rất ít chảy xuống lưu vực sông Mekong do hậu quả của dòng nước bị phân ra nhiều nhánh và bốc hơi ngay trên đất Trung Quốc. Cả ADB và báo đều né tránh, không đề cập đến những hệ luỵ về thổ nhữơng rất trầm trọng mà chúng ta sẽ nói đến.

Khi Trung Quốc xây xong chuỗi đập trên sông Mekong, nó sẽ chận giữ 120 triệu tấn phù sa hằng năm trên các hồ chứa có dung tích là 53% nước chảy từ lưu vực sông của Trung Quốc (chiếm 18-20% tổng lượng nước Mekong). Kỹ nghệ ở Vân Nam phát triển do thuỷ điện mang lại lợi tức cho Trung Quốc, đồng thời sông Mekong nhận hàng trăm tấn chất thải kỹ nghệ từ đấy chuyển xuống hạ lưu, đưa vào những ao tù giưã đồng bằng thiếu nước và thoái hoá. Khi tất cả hệ thống đập của Trung Quốc, Lào, Việt Nam đã hoàn thành sẽ có công suất 23gigawatt góp phần phát triển kỹ nghệ và trãi màng lưới điện đến thôn quê, tạo điều kiện đầu tư hàng nhiều tỉ mỹ kim. Lợi ích là thế, nhưng đồng thơi nó biến đổi hẳn phương tiện thuỷ vận trên sông Mekong, huỷ hoại hệ sinh thái rất phong phú và đa dạng trong lưu vực, đe doạ kế sinh nhai của 60 triệu dân cư bởi không thể nào có được 700 ngàn tấn ngư sản và 5 triệu tấn gạo mà họ đã làm ra hàng năm như trước. Các lợi tức thì quốc gia đầu sông hưởng trọn, các hại thì quốc gia cuối sông lảnh đủ. Không thể nào chấp nhận “kẻ ăn bánh người đội lá” kiểu như vậy.

BÀI HỌC VỀ ĐẬP THUỶ ĐIỆN Ở THẾ KỶ 20:

Trong thế kỷ 20 vừa qua, nhiều quốc gia trên thế  giới đã xây đập thuỷ điện trên các dòng sông lớn, sản xuất được nhiều điện năng, nhưng cũng dẫn đến nhiều tai hại trầm trọng vô phương cứu chữa. Chính những quốc gia ấy đã nhìn thấy sự  “lợi bất cập hại” nên lần lượt phá bỏ đập triệt sông, để phục hồi hệ sinh thái tự nhiên mà tạo hoá đã gầy dựng qua hàng triệu năm để có được sự cân bằng và tồn tại hỗ tương như ngày nay.

Tại Miền Tây Hoa Kỳ, các đập Hoover và Glen Canuou đã góp phần phát triển cho California và Arizona, nhưng làm cho dòng sông Colorado không đủ sức trường ra tới biển, thường chỉ tới biên giới Hoa Kỳ-Mexixo. Nước sông Colorado chứa chất độc diệt sâu rầy của nông nghiệp và nước thải công nghiệp, nay tích tụ vào các vũng hồ. Dân Cucapa được gọi là People Of The River sống bằng ngư nghiệp, nay đã giảm xúông 95%, với 50 gia đình vỏn vẹn còn tồn tại.

Khi các đập ở Vân Nam hoàn thành thì dòng Mekong rơi vào cảnh ngộ tương tự, rất có thể dòng sông sẽ ngưng tại Kampoun-cham, Biển Hồ Tonle-sap sẽ thành vũng cạn, vùng Đồng Tháp Mười và khu tứ giác Long Xuyên sẽ thành nơi tù đọng chứa đầy nước thải sinh hoạt, kỹ nghệ và nông nghiệp. Nước mặn sẽ xâm nhập vào nội địa, toàn vùng châu thổ Cữu Long trồng lúa sẽ thiếu nước, là cơ hội cho lớp phèn nằm dưới đất chừng 6,7 tấc nổi lên phá hoại hoa màu. Từ xưa nay, dân chúng khắp miền Tiền Giang, Hậu Giang cho đến Cà Mau đều lấy nước sông để uống và dùng trong mọi sinh hoạt là nhờ dòng nước luôn luôn chảy, nhẩy và ròng theo thuỷ triều nên không  bẩn, không độc. Nước đã cạn kiệt thì sự vận chuyển trên sông rạch, là phương tiện chính của Nam Việt bị hạn chế tối đa. Không thể đào giếng lấy nước vì gặp mạch phèn và lớp bùn trầm tích, còn khoan giếng bơm thì đóng thật sâu, quá tốn kém mới đến được mạch nước tốt.

Tại Miền Đông Hoa Kỳ, đập chắn trên sông Missouri (là phụ lưu chính tạo thành sông Mississipi) khiến cho lưu lượng nước chảy ra vịnh Mexico bé nhỏ đi, cho nên duyên hải Louisiana bị biển nuốt mất lối 1000 hecta mỗi năm.

Tại Ai Cập, dưới thời Tổng Thống Nassaer được Nga –Xô trợ giúp xây đập Aswan trên sông Nile, do đó châu thổ sông nầy (cũng có nhiều chi lưu tạo thành như châu thổ Cửu Long của Việt Nam) không còn nhận được 120 triệu tấn phù sa hàng năm nữa. Từ đó đến nay, bờ biển Địa Trung Hải lấn vào đất Ai Cập từ 20m cho đến 240m (vào năm 1991) mỗi năm. Châu thổ nầy bị biển nuốt dần vào ngọn hải đăng trên bờ sông Nile đã rơi vào lòng biển.

Tại Đại Học Saitama Nhật Bản, tiến sĩ Vũ Thành Ca nghiên cứu về phù sa sông Mêkông bằng mô hình toán, đã đưa đến kết luận rằng sự thất thoát phù sa của sông Mekong là điều vô cùng nguy hại cho đồng bằng Cửu Long Giang. Thật vậy, sự thiếu hụt phù sa bồi thêm cho châu thổ không thể nào bù đắp lại quá trình sụt lún đất, khiến cho các vùng đã trũng lại càng trũng xúông hơn nữa. Mũi Cà Mau là do phù sa mới bồi đắp nên, nền đất chưa ổn cố, chắc chắn bị biển gặm nhấm khi phù sa không còn đến. Bờ biển dọc duyên hải Nam Việt không còn tiếp nhận phù sa sẽ bị xói lở, biển lấn vào đất và những vùng rừng ngập mặn là cái nôi của hải sản ven bờ cũng sẽ biến mất. Rừng cây bần, đước, tràm giữ vai trò lắng đọng phù sa, ngăn chặn sóng gió không thể nào tồn tại nếu thiếu phù sa bồi dưỡng. Như vậy, châu thổ Nam Việt sẽ không còn là vựa lúa an toàn cho tổ quốc, còn nói gì đến xuất khẩu gạo như từ trước nữa. Ngư nghiệp trong sông và duyên hải cũng bị đe doạ không kém.

Tại Trung Quốc, trong quá trình xây 80,000 đập thuỷ điện và hồ chứa vào hậu bán thế kỷ 20, trung bình đã có 110 đập vỡ mỗi năm (riêng năm 1973 có 554 vụ vỡ đập). Vụ Shimantan và Bandai đã dìm chết 230.000 người Trung Quốc. Nếu đập Sianwan vĩ đại nhất thế giới khi vỡ vì mưa lụt tại Vân Nam, dòng cuồng lưu ấy đổ xuống đầu dân Lào, Thái Lan, Cam-bôt và Việt Nam sẽ bị nặng nhất vì ở vào vị thế thấp nhất của hạ nguồn.

_ MỘT ĐIỀU QUAN TRỌNG KHÁC: Lưu vực sông Mekong là kho tàng sinh thái đa dạng của nhân loại cần được bảo vệ, như UNESCO đã khẩn thiết kêu gọi. Nơi đây là cội nguồn sinh học phong phú bậc nhì của địa cầu:

Nước Lào được thiên nhiên ban cho 10,000 loài động vật, chim cá trong đó có 25 giống quí hiếm như tê giác Kouprey, Jawan, cá sấu Siamese, chim hạc Sarus và 319 động vật có giá trị cao của thế giới.

Thái Lan có 15 vùng sinh học đặc biệt, 13,000 thảo mộc, 86,000 sinh vật, trong đó là 100 loài cây, 29 giống cá, 39 loài chim, 39 loài thú có nguy cơ diệt chủng.

Cambôt được hoá công ban cho đến 45 loại môi trường sống (habitat) phong phú nhất thế giới. Biển Hồ Tonlesap được UNESCO thừa nhận là mộtt trong 58 sinh khí quyển cho nhân loại cần được bảo vệ ngang hàng với Yellow Stone và Everglade của Hoa Kỳ.

Việt Nam có lãnh thổ chỉ 1% mặt địa cầu nhưng có được 10% các loài cầm thú. Trong 7 giống vật to lớn tìm thấy trên thế giới thì 4 con tìm thấy tại Việt Nam. Đặc biệt quí hiếm là giống chim hạc, chim cò ở Tam-Nông chưa từng được thấy ở bất cứ nơi nào từ trước tới nay.

Sông dài, rừng thẳm, đã cưu mang kho tàng sinh thái đa dạng, đang bị huỷ hoại vì nạn đốn gỗ và khai thác tài nguyên của con người. Bản tường trình của cơ quan ESCAP Liên Hiệp Quốc cho biết rừng che phủ 70% Châu Á (vào năm 1945) nay còn lại 20%, đó là nguyên do gây lũ lụt nặng nề năm qua. Những năm sắp tới, khi các đập thuỷ điện to lớn ngăn chặn dòng Mekong thì hệ sinh thái đa dạng và sinh vật phong phú trong lưu vực đi về đâu?

_ Nhân loại đã có tầm nhìn xa và rộng về mối nguy hại ngấm ngầm và lâu dài do các dập triệt sông, các hồ nhân tạo, nên có quyết định:

_Tại Hoa Kỳ, thế kỷ 21 trở thành kỷ nguyên tháo nước các hồ chứa, phá bỏ đập để phục hồi sinh thái tự nhiên cho các dòng sông. Tiêu biểu nhất là đề án tháo 4 hồ nước tại Colombia và Lake Powell trên sông Colorado ở Glen Canyon Dam (Lake Powell là hồ nhân tạo lớn bậc nhì của cả Tây Bán Cầu).

_Dân chúng Úc từ năm 1967 đã bắt đầu chống đối mạnh mẽ các dự án thuỷ điện không cần thiết lại gây hại tại Tasmania. Họ đã đình chỉ dự án Gordon-under-Franklin. Họ đã bàn thảo với kỳ vọng phục hồi Lake Pedder ở đó trở về nguyên thuỷ vào những năm đầu thiên niên kỷ 2000.

Tuyên ngôn về sông Mekong năm 1999 đã cảnh giác các nước trong lưu vực sông nầy về nguy cơ sẽ đến do việc phát triển thuỷ điện.  Trong những năm qua, việc phát triển đã không ngừng, nhưng việc phát triển phải thật sự nền vững không gây ra hậu quả tai hại mới được phép thực hiện để dân cư Cambôt, Việt Nam còn giữ được đồng ruộng, bát cơm, nồi cá của họ về lâu về dài, đó là điều chúng ta đòi hỏi.

Cơ quan World Commission On Environment And Development của Liên Hiệp Quốc trong hiệp đồng 1995 đã cho rằng: “Phát triển bền vững thoả mãn nhu cầu tự hiện tại mà không gây phương hại đến khả năng đạt được nhu cầu của thế hệ mai sau” (Sustainable development meets the needs of the present without compromising the ability of the future generations to meet their own needs). Định nghĩa nầy quá khái quát, chỉ nói đến nhu cầu, không thích hợp với Mekong vì sự tương liên về lãnh thổ, về dân tộc do sông chi phối. Phải bổ túc định nghiã nầy như sau mới áp dụng đúng với lưu  vực sông Mekong: “Phát triển bền vững là tiến trình sử dụng và khai thác tài nguyên thiên nhiên để mang lại lợi ích cho một số người nhưng vẫn bảo vệ quyền lợi của tất cả dân cư đang cùng chia xẻ kho tàng tài nguyên ấy không kể biên giới quốc gia”. Có nghĩa là phát triển bền vững phải không gây cạn kiệt tài nguyên, phòng chống mọi tai hoạ, bảo vệ môi sinh không thoái hoá, thì mới đáp ứng được nhu cầu các dân tộc Mekong hôm nay và con cháu về sau của họ.

CỬU LONG CẠN DÒNG, BIỂN ĐÔNG DẬY SÓNG:

Năm 1974, công sản Trung Quốc (được cộng sản Bắc Việt đồng thuận_ đã đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hoà, rồi vòi bạch tuột Trung Cộng chòm đến quần đảo Trường Sa tranh cướp chủ quyền của các nước gần quần đảo. Biển Đông dậy sóng, điều nầy không ai có thể tiên liệu được. Đầu thế kỷ 21, Trung Cộng xây dập triệt dòng thượng nguồn sông Cửu Long: CỬU LONG CẠN NƯỚC, HẬU QUẢ KHÔN LƯỜNG! Những sự việc ngạo mạn, kẻ cả ấy của Trung Cộng biểu hiện chính sách bành trướng, bá quyền, cậy lớn mạnh để chơi ác, chơi xấu với láng giềng.

Tổ tiên của Hán tộc, từ thời Đông Châu Liệt Quốc đến đời Tam Quốc thường dùng chiến thuật đắp đập chận nước trên nguồn cho quân địch trong thành chết khát, rồi lại phá vở đập cho thác nước dâng lên ngập thành để dìm chết đối phương. Vốn là nghề của chàng, với bổn cũ soạn lại, dai dẳng mà tai hại hơn.

Nước trên sông Mekong là tài nguyên chung của 7 nước trong lưu vực, không có một quốc gia nào được độc quyền. Lào đã xây nhiều đập trên sông nhánh là phụ lưu chảy vào sông Mekong, sử dụng nguồn nước phát xuất trong đất Lào là quyền của họ. Nhưng Trung Quốc chận ngang dòng sông Mẹ là dòng chính thì không thể chấp nhận. Sự phát triển cục bộ của nước nầy lại phá hoại sự cân bằng môi sinh vốn có của nước khác là trái với công ước quốc tế.

Tưởng cũng nên nhắc lại dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm đã có dự án xây cầu qua sông Cửu Long gặp phaỉ sự phản đối của quốc vương Sihanouk của Cambôt, lấy cớ cầu cản trở lưu thông của tàu thuyền lớn trên thuỷ lộ quốc tế. Phải thay đổi kế hoạch bằng cầu treo (như cầu Mỹ Thuận trên sông Tiền Giang hiện nay) thì phải tạm hoãn vì chiến tranh phá hoại của Việt Cộng phát khởi từ năm 1960. Nước ta đã tôn trọng công ước quốc tế. Mọi tranh chấp có thể thương thảo qua Liên Hiệp Quốc.

Vấn đề Trung Quốc triệt dòng Mekong là một thử thách về khả năng ứng xử của chính phủ CHXHCNVN, bắt buộc Đảng Cộng Sản Việt Nam phải lựa chọn giữa quyền lợi của tổ quốc và dân tộc với tình đồng chí của 2 Đảng Cộng Sản Hoa- Việt.

Connecticut, tháng 6/2001

Trương Quang

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002