Đại Chúng số 77 - Lễ Độc Lập 4/7/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

NGƯỜI ĐẸP AKIMI GỤC ĐẦU VÀO NGỰC QUANG DŨNG THỔN THỨC KHI NGHE ANH NGÂM BÀI THƠ  ”QUÁN BÊN ĐƯỜNG”!...

  • QUANG DŨNG RA ĐI KHÔNG MỘT LỜI GIÃ BIỆT!

  • NGƯỜI KHÁCH LẠ  BỖNG THÌNH LÌNH XUẤT HIỆN GIỮA ĐÊM KHUYA...

ĐẶNG VĂN NHÂM

(Tiếp theo, kỳ 8.Cấm trích từng đoạn hay từng phần, kể cả việc cóp lại những tình tiết về Quang Dũng đã được kể trong loạt bài này, nếu không có phép cuả tác giả).

SỐT RÉT !

Khi nghe anh Quang Dũng nói như thế, trong lòng anh em chúng tôi không khỏi bồn chồn lo ngại, cố nhanh chân, rảo bước theo anh đến quán lá cuả chị Akimi. Hôm nay, tôi không ngờ quanh cảnh chiếc quán bên đường lại hoàn toàn vắng lặng, khác hẳn mọi ngày. Tuy nhiên chúng tôi vẫn tiếp tục theo chân anh Dũng vào thẳng trong nhà thì thấy chị Akimi đang nằm đắp chăn trên chiếc giường tre ọp ẹp. Dưới lớp chăn dầy, chị nằm im đôi mắt nhắm nghiền, như mê man, mái tóc dầy  phủ loà xoà che khuất nưả khuôn mặt xinh đẹp cuả chị. Nhờ làn tóc xoã rối bời đen nhánh ấy mà sắc da trắng, với đôi má ửng hồng tự nhiên cuả chị càng nổi bật thêm ma lực gợi cảm rất hấp dẫn.  Sắc diện cuả chị có vẻ mệt mỏi. Toàn thân chị khuất dưới lớp chăn dầy vẫn rung chuyển đều đều. Hai hàm răng đang đánh vào nhau lập cập, và trong làn môi đỏ như son đầy đặn khẽ tiết ra một âm điệu rên rỉ. Nhìn thấy thế, tôi thầm biết ngay chị đang lên cơn sốt rét, là một chứng bịnh mà trong thời gian kháng chiến, chạy giặc tản cư, nhiều người đã mắc phải.

Tôi không nói một lời nào.Nhưng tôi thấy anh Dũng kéo chăn ra. Lúc bấy giờ chị mới giương đôi mắt xinh đẹp lên nhìn anh Dũng vẻ lờ đờ. Nhưng chị vẫn còn tiếp tục run rẩy khắp toàn thân, và hai hàm răng vẫn còn va vào nhau liên tiếp, nên chị chẳng nói được lời nào. Anh Dũng cũng không nói gì, lặng lẽ đậy chăn lại, rồi đi thẳng xuống bếp, nhanh tay mồi lưả, nấu một ấm nước sôi. Khi đã có nước nóng, anh Dũng bưng bát nước lên, ngồi ghé xuống bên cạnh giường cuả chị, móc túi lấy ra hai viên thuốc sốt rét, loại cuả Tây đem qua VN, rồi gọi chị Akimi:

_ “Em. Anh đem cho em thuốc sốt rét đây. Em cố gượng ngồi dậy, uống đi cho mau khỏi”.

Tôi thấy trong chăn động đậy. Anh Dũng nghiêng mình, luồn một tay ra sau lưng nâng chị lên và âu yếm dỗ dành:

_ “Em chịu khó uống đi. Chỉ độ năm, mười phút là hết sốt ngay à!”

Loại thuốc sốt rét này quả thực rất hiệu nghiệm. Khoảng mười phút sau, tôi thấy chị Akimi đã hết run và đôi hàm răng không còn khua lập cập nưã.Chị đã có thể nói lên thành tiếng rõ ràng. Nhưng câu đầu tiên chị nói với anh Dũng là:

_ “Anh ơi, trong người em bây giờ lại nóng ran lên anh ạ!”

Anh Dũng trấn an:

_ “Sốt rét là vậy đó, em ạ! Khi hết rét là sang nóng ngay. Nhưng em đã uống thuốc rồi thì chỉ nóng một chút, vài ba phút thôi, rồi khỏi ngay!”

Đúng như lời anh Dũng nói, chỉ vài phút sau cơn sốt đã từ từ hạ xuống. Nhưng nhìn chị tôi thấy những giọt mồ hôi đã rịn ra lấm tấm trên khuôn mặt đỏ hồng. Những giọt mồ hôi từ chân tóc cũng bắt đầu đổ xuống ướt đẵm cổ áo, trông như chị vưà mới tắm.

Anh Dũng nói:

_ “Sau khi cơn sốt rét đã qua rồi thì mệt lắm. Bây giờ em hãy chịu khó nằm nghỉ thêm một chút nưã. Nếu ngủ được thì em cứ ngủ cho khoẻ. Mọi việc để anh lo liệu cho!”

Lúc bấy giờ có lẽ đã đến khoảng hơn hai giờ chiều rồi. Sau khi thấy chị Akimi đã nằm yên, và hơi thở trong chăn đã phát ra đều đều, anh Dũng biết chị lúc đó đã ngủ ngon rồi, mới quay sang nói chuyện với chúng tôi:

_ ”Hồi nãy anh bảo các chú  theo anh ra đây sớm một chút  là có ý nhờ hai chú giúp anh và chị Akimi một tay, coi xem cơm nước ra sao. Các chú nấu cơm cho ba cháu nhỏ ăn. Chứ chị ấy đau như thế đâu có lo gì cho con được. Chúng sẽ đói...Sau khi đã cho các cháu ăn uống xong, hai chú đem chúng nó đi tắm rửa và dỗ cho chúng nó ngủ giúp chị ấy.Công việc chỉ có thế thôi!”

Được phân công, tôi và một anh bạn nưã lao ngay vào bếp, lục gạo để nấu cơm, và tìm thức ăn thưà còn lại, đem ra hâm nóng lên. Khi cơm sắp chín,  tôi chạy qua nhà thân mẫu cuả chị Akimi, cũng tạm trú ở gần nơi đó, đem các cháu về ăn.

Trước hết, tôi gọi các cháu lại, bảo cho chúng nó biết hôm nay mẹ các cháu bị sốt, cần phải nghỉ ngơi cho mau lại sức. Vậy khi về nhà, các cháu phải giữ im lặng không được quấy mẹ. Khi ăn uống xong, các cháu phải đi tắm rửa cho sạch sẽ, rồi đi ngủ...Các cháu, con chị Akimi, đã được chị dạy dỗ chu đáo, nên rất ngoan, biết vâng lời, tôi bảo sao, các cháu làm đúng như vậy.

Trong lúc tôi đang cho các cháu ăn uống, anh Quang Dũng vào bếp lục lọi tìm ra một cái nồi nhỏ, bỏ vào đó một ít gạo, rồi bắc lên bếp. Tôi nhanh nhảu hỏi:

_ “Anh làm gì thế ? Để em làm cho !”

Anh Dũng xua tay, và nói:

 _ “ Anh nấu chút cháo cho chị ấy ăn cho lại sức. Các chú cứ để anh lo. Còn các chú cứ lo cho mấy cháu hộ anh là được rồi!”

Chẳng mấy chốc cháo đã chín. Anh Dũng tìm trong trạn kê bát điã, lấy ra một cái tô nhỡ, đập 2 quả trứng gà, bỏ tròng trắng, chỉ lấy tròng đỏ, rồi thái nhỏ vài củ hành tươi với chút gừng, bỏ vào đó.Xong, anh múc cháo vào tô, và rắc thật nhiều tiêu lên. Cuối cùng, anh Dũng lấy muỗng đánh đều tô cháo, hơi nóng bốc lên đưa mùi vị cuả món ăn toả ra thơm lừng, khiến người đang no như chúng tôi cũng có cảm giác thèm thuồng. Nhìn anh Dũng làm tô cháo từ đầu đến cuối, thực tình tôi không ngờ anh là người thanh niên thành thị lại đảm đang, khéo léo việc bếp  nước đến vậy!

Anh Dũng bưng tô cháo đến bên giường chị Akimi, một tay mở chăn, và dịu dàng âu yếm nói :

_ “ Em dậy ăn chút cháo cho khoẻ, chứ sốt như thế là mất sức lắm!”

Chị Akimi nhỏm dậy, nhưng thấy tô cháo còn bốc hơi nghi ngút, nên ngần ngại, nói:

_ “Cháo còn nóng lắm. Anh cứ để đó, lát nưã nguội, em sẽ ăn”.

    Anh Dũng nhỏ nhẹ dỗ dành:

_ “Không, em phải ăn cháo còn đang nóng mới tốt. Anh đã bỏ thật nhiều tiêu vào đấy rồi. Ăn nóng như thế này mới  ra được nhiều mồ hôi và mau khoẻ. Chứ nếu em ăn nguội thì làm sao  xuất hạn mồ hôi được?!”

Chẳng những anh Dũng phải dỗ dành mãi, lại còn phải tự tay múc từng thià cháo nóng ép cho chị Akimi ăn, như ép đưá trẻ con  nhõng nhẽo. Chị vưà ăn vưà nhăn nhó kêu nóng luôn miệng. Tuy nhiên anh Dũng cũng đã cố ép cho chị phải ăn kỳ hết bát cháo, rồi mới đặt chị nằm xuống, kéo chăn lên đắp kín từ đầu đến chân cho chị mau ra mồ hôi.

Chị Akimi đã ngoan ngoãn để yên cho anh Dũng săn sóc. Khoảng chừng mười phút sau, chị Akimi mở chăn, thò đầu ra kêu anh Dũng:

_ ”Anh ơi, trong người em nóng quá.Em chịu hết nổi rồi! Mồ hôi ra đầm đià, làm ướt hết cả quần áo cuả em rồi đây này...Anh ra ngoài chỗ giây phơi quần áo, lấy cho em bộ quẩn áo khô, và một cái khăn  để em lau mình và thay quần áo. Chứ mặc quần áo ướt như thế này, em chịu không được đâu!”

Anh Dũng vui vẻ làm theo lời chị Akimi bảo, rồi máy chúng tôi theo anh ra ngoài sân ngồi hút thuốc. Tôi thầm hiểu ý anh Dũng  muốn cùng chúng tôi ra ngoài để cho chị Akimi tiện việc lau mình và thay quần áo.

Chỉ một lát không lâu sau, có lẽ đã lau mình và thay xong quần áo, chị Akimi gọi anh Dũng vào rồi ghé tai thì thầm nói nhỏ với anh, cốt ý không cho chúng tôi nghe. Tuy nhiên chúng tôi cũng thưà biết chị đã nói với anh điều gì. Anh Dũng lúi húi lo gom đống quần áo cũ và chiếc khăn lau mình cuả chị đem ra sau nhà, bỏ vào một cái chậu thau, rồi múc mấy gáo nước dội lên. Trong nhà, chị Akimi nói vọng ra cho anh Dũng nghe:

_ “Anh ơi, cứ để đó đi.Mai em khoẻ em giặt.”

Anh Dũng lau tay bước vào nhà, lấy ra thêm 2 viên thuốc sốt rét nưã đưa cho chị Akimi và hối thúc:

_ “Em chịu khó uống thêm 2 viên thuốc nưã ngay đi...”.

Trong khi nói, nhìn thấy vẻ ngần ngại thoáng hiện trên nét mặt cuả chị Akimi, anh nói tiếp:

_ ”Em thật là may lắm đó. Cứ uống đi. Thứ thuốc ngưà sốt rét này cuả Pháp, rất hiệu nghiệm và rất hiếm quí, trong bộ đội ở tiền phương chỉ dành để phát cho các cấp chỉ huy thôi. Nhưng tiêu chuẩn cũng rất giới hạn : Mỗi tháng, mỗi người chỉ được cấp có 20 viên mà thôi...

Riêng anh, anh đã được cấp loại thuốc này trong thời gian anh còn  phục vụ ở trung đoàn Tây Tiến .Từ  khi rời khỏi trung đoàn, anh không còn được cấp nưã...

Trong thời gian ấy, lặn lội chiến đấu  trong rừng sâu vùng hạ Lào, các anh em chiến sĩ ai cũng bị con ma sốt rét hành hạ thật là khổ sở. Thậm chí nhiều anh em  đã bỏ mình trong vùng rừng núi  hoang vu rồi. Nhưng riêng anh, nhờ trời thương, nên chẳng hề bị sốt rét một lần nào. Dù vậy, căn cứ trên qui định, anh vẫn được lãnh thuốc theo tiêu chuẩn. Bởi thế anh đã tích lũy để dành được đến hơn 200 viên.  Mỗi khi cứ thấy anh em nào bị sốt nặng là anh lại cho họ ít viên để họ uống. Đến bây giờ anh chỉ còn lại khoảng vài chục viên để phòng thân thôi...”

Anh chờ cho chị Akimi uống thuốc xong, mới móc túi lấy thêm ra 4 viên nưã và dặn :

_ “ Sáng mai, thức dậy, em ráng nấu nồi cháo nóng mà ăn cho lại sức, rồi uống thêm 2 viên nưã, để chận trước cơn sốt buổi chiều. Đến trưa cũng thế, cứ ăn cháo nóng, đừng vội ăn cơm. Ăn xong, khoảng 2 giờ chiều, thì em uống tiếp thêm 2 viên nưã. Anh tin chắc, sau khi đã uống hết 4 viên thuốc này là em sẽ khỏi hẳn bệnh sốt rét rồi đó!”

Dặn dò xong xuôi, anh Dũng nói thêm:

_ ”Thôi hôm nay, em nên đi ngủ sớm cho khoẻ. Các con đã được mấy chú săn sóc tắm rưả sạch sẽ, cho ăn uống no đủ và đã dỗ ngủ cả rồi. Bây giờ anh và hai chú phải về. Mai anh lại ra thăm em...”

 

NGUỒN CẢM HỨNG.

Chúng tôi và anh Dũng ra về.Đến trại thì chúng tôi sức trai mới lớn lên, leo lên giường là kéo gỗ thẳng một mạch đến sáng ngày hôm sau mới thức  dậy. Còn anh Dũng, trước khi đi ngủ, tôi đã thấy, anh đốt vội một điã dầu lên, và lôi trong ba lô ra một xấp giấy với cây bút loay hoay ngồi cắm cúi viết. Tuy nhiên tôi vẫn quen miệng hỏi chiếu lệ, dù biết rằng hỏi như thế là thưà :

_ “Anh chưa đi ngủ à ?”

Anh đáp:

_ “Các chú cứ ngủ đi. Anh còn phải làm việc, rồi sẽ đi ngủ sau! ”

Hôm nay, mới 4 giờ sáng, tôi bỗng giật mình thức giấc. Bước ra ngoài, tôi không khỏi ngạc nhiên thấy anh Dũng hãy còn thức và đang cặm cụi viết lách. lúc bấy giờ anh  mải mê làm việc say sưa, tôi không dám phá rối, nên lặng lẽ trở vào, leo lên giường ngủ tiếp, mãi đến khi tiếng kẻng, 6 giờ sáng, báo thức, chúng tôi mới bừng tỉnh dậy, cùng nhau tuá ra sân tập thể dục như thường lệ. Lúc bấy giờ, có lẽ mới đi ngủ, nên tôi thấy anh Dũng vẫn cứ ngủ mê man, không hề biết những gì đang xảy ra chung quanh.

Sau khi tập thể dục xong, như qui luật đã ấn định, chúng tôi đi tắm rửa, rồi trở vào nhà ăn điểm tâm. Như thường nhật, bưã ăn sáng nào cũng vậy, chỉ có sắn và khoai lang luộc mà thôi.

Cho đến khi bưã ăn sáng chấm dứt, tôi thấy anh Dũng vẫn còn ngủ rất say, nên hết sức ái ngại cho anh. Chúng tôi phải lo cất phần quà sáng quá đạm bạc, rất đỗi nghèo nàn, nhưng vô cùng quí giá ấy cuả anh, để khi nào anh thức dậy thì ăn.

Nhưng hôm nay anh Dũng đã ngủ quá say. Mãi tới 11 giờ, lúc bưã cơm trưa đã dọn ra, anh vẫn chưa thức dậy, một lần nưã, tôi lại phải lấy khẩu phần cuả anh đem cất. Nhưng đến khoảng một giờ trưa thì anh thức. Việc đầu tiên khi vưà mở mắt, anh đã hỏi chúng tôi ngay:

_ “Bây giờ là mấy giờ rồi các chú ?”

Tôi đáp:

_ “Đã một giờ trưa rồi. Nhưng vì thấy anh ngủ ngon quá tụi em không dám đánh thức anh dậy. Đêm qua anh đã thức gần suốt đêm rồi còn gì.  Nhưng phần ăn cuả anh, em đã cất cho anh rồi. Anh cứ đi tắm xong rồi vào ăn...”

Thời gian này, ở trong vùng giải phóng, chúng tôi, ai cũng thế, chỉ được ăn ngày hai bưã toàn rau muống luộc chấm nước muối. Thực đơn này không bao giờ thay đổi. Nhưng anh em chúng tôi ai cũng ăn rất ngon miệng. Cái ngon ấy là do tinh thần hy sinh, chiến đấu chống quân xâm lăng đem lại. Riêng anh Quang Dũng, là một người cao lớn, sức vóc lực lưỡng hơn người, nên bưã nào anh cũng ăn rất khoẻ, có khi gấp đôi khẩu phần cuả những người bình thường khác.

   

Đến chiều, khoảng hơn 5 giờ, anh Dũng lại rủ tụi tôi ra quán xem chị Akimi đã khoẻ chưa. Khi chúng tôi vưà bước vào, đã thấy chị đang lúi húi quét nhà. Anh Dũng mừng quá, cười nói:

_ ”Em khoẻ rồi đó hả? Không còn sốt nưã phải không? Đó, anh nói có đúng không. Hôm nay em chỉ cần uống thêm 4 viên thuốc nưã là khỏi luôn mà!”

Chị Akimi tươi cười bảo:

_ “Thật, em cám ơn anh vô cùng. Hôm qua, nếu không có mấy viên thuốc anh cho chắc em chết mất...Và hôm qua, nếu không có hai chú giúp thì mấy đưá con em cũng đã phải nhịn đói suốt đêm rồi!...”

Nói xong, chị bảo anh em tôi ngồi chơi đợi chị một lát, để chị xuống bếp nấu nước pha cà phê cho anh Dũng, và làm trứng đường cho tụi tôi uống. Chỉ thoáng một cái, các thức uống đã xong. Chị đưa hai ly trứng đường cho tụi tôi. Còn tách cà phe nóng, toả mùi thơm ngào ngạt, chị bưng ra cho anh Dũng, và tiện thể chị ngồi xuống ngay bên cạnh anh Dũng cách rất tự nhiên.

Lúc bấy giờ anh Dũng mới mở cái sắc -cốt đeo bên mình, lấy một tờ giấy ra,và đồng thời âu yếm nói với chị Akimi :

_ “Hôm nay, mừng em đã khỏi  bịnh, anh tặng em một bài thơ mà anh vưà mới làm xong đêm qua. Bài thơ này anh tả chiếc quán bên đường này cuả em...”

Ngưng một lát, để cho chị Akimi và chúng tôi phải chú ý, anh Dũng cười và chậm rãi nói tiếp:

_ “Dù sao anh cũng phải cám ơn em. Vì hôm qua em đã ốm, anh đến đúng lúc em đang lên cơn sốt, nằm run rẩy  một mình trong cô đơn lạnh lẽo, khiến anh thương cảm vô cùng...Đó là nguồn hứng dạt dào đã giúp anh đêm qua làm được bài thơ này. Bây giờ anh đem đến để tặng em đây. Vậy, anh đọc  lên cho em nghe nhé!...”

_ “Vâng, anh đọc lên cho em nghe đi!” Chị Akimi ngoan ngoãn đáp.

Trước tiên, anh Dũng đọc bài thơ lên cho chị Akimi nghe qua một lượt, xong rồi, anh  mới cất giọng, với làn hơi dài ấm áp, ngâm cao bài thơ ấy:

Tôi lính qua đường trưa nắng gắt
Nghỉ nhờ đây quán lệch tường xiêu,
Giàn mướp nghèo không hưá hẹn bao nhiêu
Muà gạo đắt đường xa thưa khách vắng
Em đắp chăn dầy, tóc em chĩu nặng
Tôi mồ hôi ra ngực áo chan chan
Đường tản cư bao suối lạ sương ngàn
Em mê sảng sốt hồng lên đôi má.
Em có một mình, nhà hoang vắng quá
Mảnh chăn đào, em đắp có hoa thêu
Hàng cuả em, chai lọ xác xơ nghèo
Tôi nhìn lại mảnh quần xưa đã vá
Tôi chợt nhớ chúng ta không nhà cưả
Em tản cư, tôi là lính tiền phương
Xa Hà Nội cùng nhau từ một thuở
Lòng rưng rưng thương nhau quá dọc đường
Tiền nước trả em rồi. Nắng gắt
Đường xa xa mờ núi và mây
Hồn lính vương qua vài sợi tóc
Tôi thương, mà em đâu có hay.”

Thú thực, trong thời gian mấy năm kháng chiến ấy ở liên khu 3, tôi chưa từng nghe ai ngâm thơ hay như anh Dũng. Giọng ngâm cuả anh rất khác lạ, vưà trầm ấm lại phảng phất chút u buồn. Một phần có lẽ do làn hơi thiên phú; nhưng có thể anh vốn là một nhạc sĩ, giỏi cả về nhạc  cổ điển Á Châu và nhạc mới Tây phương, nên anh đã biết lồng những lời thơ cuả anh vào trong những âm điệu đầy nhạc tính. Lúc đầu, bài thơ cuả anh đọc lên, người ta chỉ thấy hay một cách mộc mạc. Nhưng nếu, bài thơ ấy lại được anh ngâm lên nưã thì thật là tuyệt với, tưởng chừng như  đang thưởng thức một bản nhạc du dương hiếm có.

Vì thế, sau khi anh Dũng vưà ngâm xong bài thơ, chị Akimi đã bị cảm xúc mãnh liệt, chị ôm chặt lấy hai vai anh rồi từ từ gục đầu vào ngực anh mà thổn thức nói không nên lời.Khi chị ngước mặt lên nhìn anh thì trên đôi mắt long lanh cuả chị đã nhoà ngấn lệ và những giọt nước mắt ấy từ từ lăn tròn xuống đôi gò má mơn mởn ửng hồng ...

Chính vì thế mà ngay từ hôm đó tôi đã nhớ nằm lòng luôn cả bài thơ ấy, cho mãi đến tận bây giờ trải bao thăng trầm thế sự  gian nan, tôi vẫn không quên mất một chữ nào! Bây giờ, sau nưả thế kỷ trôi qua, bài thơ này, đối với tôi, vẫn còn là một kỷ niệm êm đềm, thơ mộng nhắc nhở tuổi hoa niên.

Sau lần gặp gỡ và nghe anh Dũng ngâm bài thơ đó, tôi không còn dịp nào gặp lại anh Dũng nưã. Anh đã ra đi biền biệt. Bóng chim tăm cá trong thời buổi khói lưả tràn lan, loạn ly khắp nước, ai biết được gót chân giang hồ cuả anh phiêu dạt đến chân trời nào...Và cũng từ đó không một lần nào nưã anh trở lại thăm ngôi quán nhỏ bên đường, nơi đã ghi dấu bóng dáng cuả một giai nhân đã để lại trong lòng anh nhiều kỷ niệm êm đềm.

Có lần nhớ  anh Dũng quá, tôi đã tìm gặp mấy anh làm việc ở khu bộ để hỏi thăm tin tức về anh, thì được biết anh đã  đổi công tác vào Thanh Hoá, làm hiệu trưởng trường Hoa Ngữ...

Dù lúc bấy giờ không có anh Dũng, nhưng ở đó, chúng tôi vẫn thỉnh thoảng mỗi tuần lễ đôi ba lần ra quán giải khát và luôn tiện thăm chị Akimi.

 

ANH TUẤN SƠN, TRUNG ĐOÀN TRƯỞNG TRUNG ĐOÀN TÂY TIẾN, XUẤT HIỆN...

Một hôm, vì mải vui câu chuyện với chị, nên chúng tôi đã quên cả giờ giấc, cứ ở lại nói chuyện mãi đến khuya. Lúc ấy đã vào khoảng 10 giờ đêm rồi. Nhưng vì chỗ chúng tôi đóng quân gần đó, không đầy một cây số, nên chúng tôi vẫn chưa vội ra về...

Trong khi đang vui chuyện bỗng tôi thấy bóng đen cuả một người đàn ông lạ đẩy  mạnh cánh cưả liếp bước vào quán. Bóng dáng người đàn ông này cũng vạm vỡ, to ngang không kém anh Dũng, nhưng chiều cao thì không bằng anh Dũng. Như thế chắc chắn là không phải anh Dũng rồi.

Vì thế tôi không khỏi ngạc nhiên phân vân, đưa mắt chăm chú theo dõi từng hành động cuả người đàn ông, lúc ấy còn khuất trong chỗ tranh tối tranh sáng, đang cố lách mình qua tấm cưả liếp, một cách rất tự nhiên và hết sức quen thuộc để chống gậy bước vào.

Khi người đàn ông ấy vưà bước vào hẳn trong quán, trước ánh đèn dầu leo lét bập bùng, tôi mới giật mình khi kịp  nhận ra người đó chính là anh Tuấn Sơn, vị trung đoàn trưởng cuả trung đoàn chúng tôi...

Bị bất ngờ, tôi và một anh bạn nưã cuả tôi hết hồn, vội đứng bật thẳng lên như hai chiếc lò so, giữ lễ, chào theo quân cách.

Anh Tuấn Sơn dùng đầu cây gậy dí vào cánh tay tôi đang đưa lên chào kính và thân ái bảo:

_ “Thôi bỏ tay xuống. Làm gì mà phải chào nghiêm chỉnh vậy. Đây là quán hàng, các chú đến đây giải khát, tôi cũng đi uống nước.Chúng ta đều là khách cả, đâu có ở trong hàng quân mà phải giữ quân cách. Các chú cứ tự nhiên, kẻo mất vui đi. Chúng mình là anh em cả mà!...”

Trước kia anh Quang Dũng với anh Tuấn Sơn vốn là đôi bạn thâm giao, cùng một cấp bậc, đều phục ở trung đoàn Tây Tiến. Nhưng anh Quang Dũng thì phụ trách về văn nghệ, chỉ huy tiểu đoàn  tuyên truyền xung phong thuộc trung đoàn. Còn anh Tuấn Sơn thì theo quân sự, nên chẳng bao lâu sau, anh đã được thăng chức trung đoàn trưởng, nắm quyền chỉ huy trung đoàn...

(còn tiếp)

ĐẶNG VĂN NHÂM

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002