Đại Chúng số 77 - Lễ Độc Lập 4/7/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

NHÀ THƠ NGUYỄN CHÍ THIỆN NÓI VỀ CHA LÝ

NHÂN BUỔI RA MẮT TẬP “HỎA LÒ”

Arlington, VA, 25-6-2001 (QGTTX).-  Khoảng 150 người yêu văn nghệ đã có mặt hôm Chủ nhật vừa qua, 24-6, tại phòng họp lầu 3 Trường Luật George Mason (Arlington, VA) để dự buổi nói chuyện của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện về một đề tài thời sự nóng bỏng, “Cha Nguyễn Văn Lý, bạn tù của tôi,” và buổi ra mắt tập truyện ngắn Hỏa Lò mà ông vừa hoàn tất, Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ in ra.

Đại diện Ban Tổ chức, nữ sĩ Trương Anh Thụy lên cám ơn Trời đã cho một ngày thật đẹp và cám ơn người mà bà cho là còn “đẹp hơn” nữa, đã đến với nhà thơ Nguyễn Chí Thiện sau thời gian ông vắng mặt ở trong vùng gần 2 năm.  Người giới thiệu tác giả tập Hỏa Lò là ông Nguyễn Ngọc Bích.  Ông trình bầy về những việc làm của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện và những người yêu thơ ông trong vòng hơn 5 năm qua, từ khi ông sang Mỹ đến giờ.  Thơ ông giờ đây đã được dịch sang nhiều thứ tiếng, mới nhất là một tập trong tiếng Pháp, Fleurs de l’Enfer, và sự nghiệp thơ của ông cũng được ghi nhận trong cuốn Who’s Who is Twentieth-century World Poetry xuất bản ở Anh vào cuối năm ngoái.

Như đã được thông báo trước, khi lên diễn đàn, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã không chọn nói về mình mà lại tập trung vào đề tài “Linh mục Nguyễn Văn Lý, bạn tù của tôi.”  Ông cho biết, ông đã gặp cha Lý ở trại Ba Sao ở miền Bắc, và “tôi nằm ở giường dưới, cha Lý nằm giường trên.”  Vì ở trong tù cùng buồng nên cái gì cũng làm chung, từ ăn uống, chuyện trò đến cả đi tắm, đi cầu (diễn giả xin lỗi khi nói câu này) nên bao nhiêu cá tính của nhau đều rõ cả.  Sau khi tả dáng dấp của Cha Lý, nhà thơ cho biết nét nổi bật ở cha Lý là sự hiền từ và đức độ.  Không có cái gì Cha có mà Cha không chia xẻ cho những người thiếu thốn, kém may mắn hơn, Cha một mực tốt với hết mọi người nên đã thu phục được cả những người lúc mới vào không có mấy cảm tình với Cha và còn tìm cách hại Cha, gây chuyện để đánh Cha.  Ngược lại, Cha rất thẳng thắn đối với những tên cai tù quản giáo hay chấp pháp mà hành hung người tù.  Cha mắng thẳng: “Người với người không thể dã man như thế được.  Nếu người ta làm sai thì dạy dỗ, khuyên nhủ người ta.  Nếu người ta phạm tội thì đưa ra tòa xét xử chứ không được làm con người ta mất nhân phẩm.”  Hiển nhiên, chúng rất ghét Cha và tìm cách cùm kẹp Cha sau đó nhưng Cha vẫn ngẩng mặt chấp nhận hình phạt.  Khi ra tù, theo nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, Cha Lý nói là Cha sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh sau một thời gian cần bỏ ra để chuẩn bị là dăm ba năm, và Cha Lý đã làm đúng như Cha nói.  Cái đặc biệt đáng ngưỡng phục ở Cha Lý là Cha không phân biệt lương hay giáo khi đi cứu trợ, giúp đỡ, cũng không chỉ tranh đấu cho một mình tôn giáo của Cha là Giáo hội Công giáo mà còn liên kết tranh đấu cho cả những tôn giáo khác vì Cha ý thức đây là một cuộc tranh đấu chung.  Để kết, diễn giả cho rằng đã là Cha Lý thì những chuyện như tiền nong (cứu trợ chẳng hạn) là không thể suy suyển được dù chỉ là một cắc hay một xu.

Đến đây có một màn bất ngờ, họa sĩ Vũ Hối xin được tặng diễn giả một bức thư họa trên lụa ghi lại hai câu thơ kết nổi tiếng của Nguyễn Chí Thiện trong bài “Cuộc chiến đấu này”: “Ta muốn nói với loài dã thú / Khúc hát khải hoàn ta sẽ hát thiên thu.”  Nhận bức tranh, Nguyễn Chí Thiện nói là khi nào Việt Nam có tự do, dân chủ thì tất cả người Việt chúng ta sẽ có cơ hội “hát thiên thu.”

Chuyển mục sang phần Văn nghệ phụ diễn, có hai màn: Bạch Mai được yêu cầu ngâm thơ và chị lên đọc hai bài thơ Nguyễn Chí Thiện trong một giọng ngâm thật điêu luyện và xuất sắc, “Vì ấu trĩ” và “Tôi là bạn.”  Tiếp theo đó là đôi uyên ương Việt Long và Minh Hòa cũng xuất sắc không kém nhưng lại trong nhạc, với Minh Hòa hát bài “Hai hàng cây so đũa” (thơ tù của Nguyên Huy, Nguyễn Thành Trọng phổ nhạc) làm không biết bao nhiêu người sụt sùi rơi lệ: bài hát tả cảnh một người vợ trẻ dẫn hai con lên trại “cải tạo” để xin phép chồng dẫn con đi vượt biên.  Kết thúc phần văn nghệ là anh Việt Long với bài “Tôi vẫn mơ hoài một giấc mơ,” thơ NCT mà anh mới phổ nhạc.

Phần 2 chương trình mới thực sự đi vào chủ đích là ra mắt cuốn truyện mới của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện.  Nhà văn quân đội Phan Nhật Nam đã từ Minnesota bay về nói thật là hùng hồn và cảm động về những ưu điểm mà anh nhận xét thấy trong tập truyện Hỏa Lò, gồm 6 truyện ngắn và một truyện vừa, “Sương buồn ôm kín non sông.”  Anh kể lại, trong tám năm trời bị kiên giam ở trại tù Thanh Cẩm (Thanh Hóa, nơi mà Đoàn Viết Hoạt cũng bị giam cầm nhiều năm trước khi được thả ra), anh có lần được nghe như một huyền thoại về một người tù làm thơ và vẫn kiên trì khảng khái hiên ngang trước sự bạo ngược của CS.  Rồi anh cũng nói, ngày 28 tháng 4-75, trong sự tuyệt vọng của những ngày cuối trước khi miền Nam mất, anh tự hỏi, có ai thông cảm với nhân dân miền Nam không?  Thì ra ở tận ngoài Bắc xa xôi, trong tù đày, vẫn có một Nguyễn Chí Thiện nói thẳng: “Khi Mỹ chạy, bỏ miền Nam cho CS...” và than: “Miền Nam ơi, từ buổi tiêu tan / Ta sống vạn ngàn cơn thác loạn.”

Sau Phan Nhật Nam đến lượt cựu Đại tá Quân pháp Nguyễn Cao Quyền, một cựu tù nhân chính trị.  Ông Quyền nói: “Trong hơn 10 năm tù, đi hết từ Nam ra Bắc, tôi đã tự nhủ là ngày nào ra được với tự do, tôi nhất quyết phải kể lại kinh nghiệm của tôi cho hậu thế vì nó khủng khiếp quá.  Làm sao con người có thể đối xử tàn tệ với con người như vậy được?”  Nhưng rồi thời gian đã trôi qua, nhiều chuyện khác đã trở thành ưu tiên và ông đã không giữ được lời hứa như ông muốn.  Khi được đọc tập truyện của Nguyễn Chí Thiện thì ông đã cảm thấy là nhà thơ làm hộ công việc đó, một cách thật xuất sắc.  Đây là một cáo trạng đanh thép hơn tất cả các cáo trạng từ trước đến giờ về chế độ tù ngục Cộng sản, và điểm đáng nói là cáo trạng được vẽ lên bằng một bút pháp cao cường, sắc bén, nghệ thuật.

Buổi ra mắt đã kết thúc vào lúc 5g30 cùng ngày trong sự tiếc nuối của mọi người là không thể bàn thêm được nhiều hơn nữa về cuốn sách và những vấn đề được nêu ra.  Điều khiển chương trình cả buổi một cách thật uyển chuyển là cựu sĩ quan Không quân và là một trưởng trong Gia Đình Phật Tử Vĩnh Nghiêm, Đào Hiếu Thảo.  Một điều đáng nói nữa nhân dịp này là chưa bao giờ có một buổi ra mắt sách mà có sự tham dự đầy đủ đến như lần này của giới báo chí và truyền thanh.  Trong các báo Việt ngữ người ta thấy có sự tham dự của các ông Nguyễn Minh Nữu (báo Văn Nghệ), Nguyễn Hữu Bình (Gió Mới), Phạm Bá Vinh (Sóng Thần), Trần Viết Tân (Đời Nay), Hoài Thanh (Đại Chúng), Giang Hữu Tuyên (HTĐVB) v.v.  Hai đài VOA và ACTD cũng cho người đến làm tin, như trường hợp VOA làcó các ông Thiên Ân, Phạm Trần và Lê Văn.

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002