Đại Chúng số 77 - Lễ Độc Lập 4/7/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

TÌM Ở NƠI ĐÂU

Phạm thị Quang Ninh

"Chúng ta hãy sửa soạn hành lý sang sống bên đảo Okinawa", đó là câu nói đùa của Oprah Winfrey mở đầu cho chương trình "talk show" của cô về những vấn đề liên quan đến đời sống hàng ngày. Chương trình này là một trong những "show" nổi tiếng nhất nước Mỹ, vì có những đề tài lợi ích và lành mạnh cũng như có một số khán giả kỷ lục. Hơn nữa người điều khiển đã có lần được bầu là một trong mười phụ nữ có lực nhất nước Mỹ vì ảnh hưởng của cô với khán giả, chẳng hạn như khi cô giới thiệu một cuốn sách nào đó là được khán giả mua ào ào. Trước hết ta thử tìm hiểu tại sao Okinawa, một hải đảo của Nhật Bản lại được coi là nơi thần tiên của mọi người mà không phải là những nơi khác?

Theo tiến sĩ Willcox, người đã bỏ nhiều năm nghiên cứu đời sống của dân ở đảo Okinawa thì thấy họ không bị bệnh khủng hoảng tinh thần (stress) như các dân ở vùng khác. Do vậy mà họ giữ được tuổi trẻ lâu dài. Đặc biệt là người ở đảo Okinawa biết điều khiển cảm xúc của mình và biến sự buồn bã thành những nụ cười thoải mái từ ngay trong lòng mình.

Người Okinawa có cuộc sống nội tâm rất trong sáng. Cùng với các hoạt động khác, họ còn cầu nguyện và tập thiền hàng ngày. Theo bác sĩ Willcox, hình như người Okinawa không để ý gì đến phong tục tập quán của người tây phương. Về tuổi tác, nhiều người trong chúng ta rất sợ tuổi già nhưng dân Okinawa thì không. Đặc biệt họ không hề dấu diếm năm sinh và rất hãnh diện với số tuổi của mình như các cụ ta ngày xưa vậy.

Theo cuộc nghiên cứu cho thấy, người Okinawa vẫn được coi là trẻ con cho đến khi được 55 tuổi. Khi tới tuổi 97, cả thành phố cử hành lễ mừng các cụ trở lại sống như thời ấu thơ. Vì cách sống thiên nhiên như vậy nên đàn bà không bị ảnh hưởng khi tới tuổi hết kinh nguyệt (menopause) như các phụ nữ đồng lứa tuổi ở các nơi khác. Những nóng, lạnh bất thường không xảy ra ở phụ nữ xứ này.

Một khám phá thích thú khác, các nhà khoa học đã chứng minh được là dân Okinawa sống lâu nhất và có sức khỏe tốt nhất, hơn tất cả các nơi khác. Như vậy có nghĩa họ sống thật sự cho đến lúc họ chết. Xem thế thì Okinawa quả là nơi mà mọi người mơ ước, không như xả hội chúng ta đang sống bây giờ. Bởi vì đời sống ở Okinawa hấp dẫn như vậy nên các nhà nghiên cứu đã cố khám phá để tìm ra bí mật. Sau 25 năm tìm tòi về sự trường thọ và khỏe mạnh của dân Okinawa, các nhà bác học này cho biết sự bí mật ấy là cách dinh dưỡng và luyện tập. Cách dinh dưỡng là ăn nhiều rau trái, ngũ cốc. Ăn nhiều cá, ít thịt. Uống nhiều nước... Tất cả các phương pháp điều độ đều tính theo số lượng hình kim tự tháp mà chúng ta thường đọc trong các sách vở về dưỡng sinh. Về tập luyện, phải tập hàng ngày bất cứ phương pháp nào, đi bộ, nhẩy đầm...làm vườn để có dịp trời đất và con người tiếp xúc với nhau, để có thể làm mất đi những căng thẳng chung quanh cuộc sống.

Vậy thì dân Okinawa sống có khác gì những điều chúng ta đã biết. Có khác chăng là họ "biết" và "hành" nghiêm chỉnh. Các dân vùng khác "biết" nhiều nhưng chẳng "hành" được bao nhiêu nên cuộc sống hôí ha,û thiếu hạnh phúc nên chóng già, lo nghĩ nên dễ bệnh hoạn và không thể sống lâu.

Theo những cuộc nghiên cứu mới nhất, sự khủng hoảng tinh thần (stress) là một bệnh rất nguy hiểm, có thể gây tử vong và đàn bà là nạn nhân số một. Tiến sĩ xã hội học John Mirowsky của đại học Ohio đã nghiên cứu 2,000 các ông và các bà và đã tìm thấy phái nữ bị nhiều "tress" hơn phái nam. Nguyên nhân chính ông cho biết là phụ nữ phải nuôi dạy con cái. Câu tục ngữ "Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà" tưởng chỉ là ám ảnh của các bà mẹ Việt Nam nhưng hình như nó cũng đã ngấm vào tâm trí phụ nữø khắp mọi nơi. Do đó mà các bà cảm thấy có trách nhiệm với con cái, dễ gây nên khủng hoảng tâm trí nếu gặp chuyện không hay. " Stress" về con cái xẩy đến với các bà mẹ bất cứ ở giai cấp nào. Thử hỏi người ở giai cấp tối cao như bà đệ nhất phu nhân Laura Bush có điên đầu khi hai cô công chúa Jenna và Barbara bị bắt vì vi phạm luật cấm uống rượu ở tuổi vị thành niên hay không? Khi bị "stress", theo tiến sĩ Redford Williams ở đại học Duke, sự giận dữ có thể làm rách mạch máu , đưa đến chấn động tim có thể làm chết người.

Theo một nghiên cứu khác được thí nghiệm vào 765 các phụ nữ đi làm tuổi từ 18 trở lên , bảo trợ bởi nghiệp đoàn lao động A.F.L-C.I.O. đã cho thấy các bà phải đi làm bị "stress" ở một mức độ rất cao, lý do là nữ giới phải chăm nom con cái, hoặc không có những quyền lợi như nam nhân viên, hay vì sức khỏe yếu kém ... Những điều này đã làm phụ nữ bị cao máu và mắc bệnh tim.

Xem thế thì chúng ta đều biết bệnh "stress" thật nguy hiểm, nhất là đối với phụ nữ. Biết thế, bây giờ chúng ta phải làm gì? Di chuyển sang sống bên đảo Okinawa? Chuyện thật khó thực hiện. Vậy thì bài học Okinawa chúng ta chỉ còn hấp thụ được là thực hành những điều chúng ta đã biết là dưỡng sinh và tập luyện cơ thể.

Dù muốn dù không, dù cuộc đời ra sao đi nữa chúng ta vẫn phải sống, nên cách tốt nhất để được thoải mái có lẽ vẫn là thi hành theo thuyết "Tri hành hợp nhất" của triết gia Dương Vương Minh bên Trung Hoa cho nghiêm chỉnh. Cố gắng thực hiện những điều mình biết để làm thăng hoa cuộc sống của chính mình. Thêm vào, một điều vô cùng quan trọng vẫn là biết luyện tinh thần, chấp nhận những cái hay cái dở của cuộc đời và cứ coi đó như là một bát phở ngon, có chua có cay, có chanh, có ớt. Khi đã nghĩ như thế ta cảm thấy hết buồn bực và yên vui với cái gì mình có, và cả những gì mình mất. Mà thực ra, giả thử ta có đủ điều kiện sang sống ở hải đảo Okinawa hay một nơi thần tiên nào đi nữa, chắc gì đã tìm được hạnh phúc, nếu trong lòng ta vẫn còn nhiều u uẩn, vì câu "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?" vẫn đúng trong nhiều trường hợp. Như thế, tìm một nơi ẩn náu khi có chuyện buồn bực, có lẽ không nơi nào an toàn bằng chính trong lòng ta. Và khi không bị "stress" theo đuổi, chúng ta sẽ sống an bình và chắc chắn sẽ sống lâu, sống khỏe như người ở đảo Okinawa vậy.

Phạm thị Quang Ninh

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002