Đại Chúng số 76 - phát hành ngày 1/7/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

CÁI THUYẾT VÔ NGÔN CỦA THIỀN

Huyền Quang

  • Tịnh tịnh lăng già nguyệt
    Không không độ hải chu

Chỉ một cành hoa sen đưa lên Đức Phật đã nói lên cả một triết thuyết mà chỉ duy nhất có mỗi mình Maha Ca Diếp mới thấu rõ Ngài muốn nói gì với hội chúng?!

- Hỡi, Ca Diếp! Ta có chánh pháp nhân tạng, Niết bàn diệu tâm, pháp môn màu nhiệm, từ nay ta phó thác cho ngươi!". Nói xong, Đức Phật di tâm truyền tâm cho Ca Diếp. Và từ đó phép này truyền dần xuống đến 28 đời. Đến Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) vị đại sư này bèn vượt trùng dương mang sang tận bờ Trung Quốc đến trú tại chùa Thiếu Lâm và từ đó sáng lập ra phái Thiền Tông. Trước khi viên tịch ngài Bồ Đề Đạt Ma cho triệu tất cả đám môn đồ lại bảo:

- Hỡi các môn đồ yêu quý! Hãy đem tất cả sở đắc của ta mà truyền đi cùng khắp.

Đám môn đồ vâng theo và xin làm theo như đại thiền sư phán bảo. Duy chỉ có mỗi Huệ Khả vẫn một bề tịnh khẩu, không để lộ ra một sắc thái nào, mà ng thả bước ra đảnh lễ ngài ba lạy rồi trở về nguyên vị trí cũ.

Bồ Đề Đạt ma liền phán:

- Hỡi Huệ Khả, người môn đệ thấu suốt được tâm ta! Thế là ngươi đã được phần cốt tủy của Đạo ta rồi."

Vậy cái phần cốt tủy của cái "Đạo ta", đó là cái đạo "di tâm truyền tâm" tức cái "Đạo bản vô ngôn" vì chưng "Ngôn sinh ly tán".

Đó chính là cái triết thuyết của một sự tĩnh lặng tuyệt đối, môt triết thuyết như một chiếc thuyền trống vắng vượt biển dưới ánh trăng huyền ảo của một vị Thiền Sư đã mô tả trong một lời thơ kỳ diệu:

"Tịnh tịnh lăng già nguyệt
Không không độ hải chu".

Cái triết thuyết "Vô Ngôn" đã cho ta thấy chính những lúc im lặng mới là lúc nói lên được nhiều nhất, nó còn phong phú hơn những sự biện luận của thuyết "Hữu Ngôn", bởi sự tranh luận chỉ là biểu hiện cho những lời lẽ biện hộ cho sự sân si, che lấp những cái tầm thường của con người, bằng cái triết thuyết thuận tai thiếu tính trường cửu. Theo thuyết Vô Ngôn thì ngôn ngữ của thuyết "Hữu Ngôn" chỉ diễn tả được hiện tượng giới, nhưng khi nói đến bản thể tuyệt đối, thì nó hoàn toàn bất lực. Vậy cho nên càng bám víu vào ngôn ngữ càng xa rời bản thể,ta không thể lấy cái "hạn" để mô tả cái vô hạn, lấy cái biến để biểu trưng cho cái bất biến, LÀM NHƯ VẬY là hoàn toàn sai trái.

Cái thái độ được xem đứng đắn nhất là làm sao để trực nhận bản thể, thế có nghĩa phải biết lìa xa ngôn ngữ, gạt bỏ văn tự. Ngôn ngữ, văn tự chỉ tạo ra những cơn giông tố mà chỉ có cái "Vô Ngôn" mới là một thái độ hoàn toàn đúng đắn của Đức Phật áp dụng sau khi đã đắc đạo dưới gốc bồ đề. Đức Phật cho rằng những vấn đề cấp bách không phải là những vấn đề siêu hình mà là vấn đề cứu khổ. Nó cấp bách như mũi tên độc đang cắm vào người phải làm sao được rút ra, chứ không phải bằng sự tranh luận nên rút như thế nào và mũi tên đó làm bằng loại nào, từ đâu bắn đến?v.v...Còn vấn đề siêu hình nó chỉ đến khi ta tách rời khỏi cuộc sống.

Như đã biết, Thiền tông là một trong các tông phái Phật giáo tách hẳn với thuyết hữu ngôn. Thiền tông không chủ trương tranh luận, không đòi hỏi siêu hình mà hoàn toàn theo thuyết Vô Ngôn tương đối triệt để. Đức Bồ Đề Đạt Ma lúc mang sang Trung Hoa được Ngài làm sáng tỏ thêm bằng bốn nguyên tắc:

"Bất lập văn tự
Giáo ngoại biệt truyền,
Trực chỉ nhân tâm,
Kiến tính thành Phật".

Theo Ngài giáo lý chỉ là một sự chuẩn bị nhưng không phải là sự giác ngộ. Chẳng có một tập kinh sách nào, một sự tu khổ hạnh nào mà có thể nào dẫn dắt ta ra khỏi kiếp luân hồi. Nó chỉ soi sáng cho ta tìm ra lối thoát. Chỉ duy nhất có một điều giúp ta có thể ra khỏi cái vòng lẩn quẩn Sinh,Lão,Bệnh,Tử đời đời kiếp kiếp...là làm thế nào nhìn thấy cho được Phật tính, còn những hình tượng khác, chỉ toàn là loại mây mù và ảo ảnh! Ngài bảo đừng đi tìm Phật ở đâu xa, Phật không ở Niết bàn, mà ở ngay tại tâm ta. Chẳng ai có thể diễn giải được Phật tính hay Phật tâm bằng những lời nói, bằng những lý luận, mà bằng sự im lặng và suy diễn. Vậy thì Kinh điển chỉ là sự nhắc nhở, là lời lẽ ca tụng, chứ không phải là con đường đưa ta đến với Phật. Con đường đến với Phật chính là ta, là sự tự chiêm ngưỡng, lãnh hội Phật ngay nội tâm mình, ngay hành động của mình thường nhật.Thế cho nên chỉ có con đường duy nhất tìm cho được Phật chỉ có "Trực chỉ nhân tâm", về thẳng với cái lòng của mình. Phật nằm bên trong đó.

Phái Phật học đã đem "Tâm tính bản giác" để trả lời câu hỏi "Làm thế nào thành Phật"! Không cần phải dài dòng, Mạnh Tử đã bảo Ông Nghiêu, Ông Thuấn ai cũng làm được. Theo Thiền tông thì "Bản tính đó là Phật", "Tự tâm đó là Phật", Phật tính là bản tính duy nhất của nhân tính. Mỗi một con người đều được trời ban cho một sự hiểu biết siêu việt. Cái hiểu biết siêu việt đó là Phật tính. Phật tính tồn tại ở nội tâm thường bị đám mây mù bao phủ, đám mây mù đó khiến cho ta suy nghĩ sai lạc, đó chính là "võng niệm". Vậy muốn được đi vào cõi Phật không phải chạy đi đâu cho xa, chỉ cần giác ngộ cho được tâm tính "linh tri bất mị"- chỉ cần làm được như vậy thì vị chi đã đi vào cõi Phật." (còn nữa)

Huyền Quang

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002