Đại Chúng số 76 - phát hành ngày 1/7/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

MƯA BÊN NÀY, NẮNG BÊN KIA

Thinh Quang

 (tiếp theo kỳ trước)

Để tránh điềm không lành cho ngày lên đường của con, Thục Trinh cố làm ra vẻ tươi tỉnh. Nàng luôn luôn cười nói. Một buổi tiệc chia tay trong gia đình hôm nay có các chức sắc trong làng và cả vợ chồng chú Hồ cũng được mời đến tham dự. Thục Trinh liền tay gắp bỏ thức ăn cho con trai hết món này đến món khác. Nàng mỉm cười bảo:

_ Cưng này! Trong các bát bánh này có chiếc bánh may mắn, nếu bất cứ ai được thần linh xui khiến ăn nhằm ắt sẽ gặt hái lắm điều diễm phúc.

Dĩ nhiên là nàng cầu xin sao cho chiếc bánh có trái táo màu hồng đó vào tay con trai mình. Nàng âm thầm cầu nguyện cho chuyến ra đi này của Sùng Thực lần này được thuận buồm xuôi gió khi đi cũng như lúc trở về sum hợp.

Mắt nàng chăm chú theo dõi con trai gắp lấy từng chiếc bánh. Nàng hận là mình đã bỏ quá nhiều bánh vào bát để cạnh Sùng Thực, vạn nhất chiếc bánh may mắn kia bị lọt vào tay người khác thì... mọi hi vọng và niềm vui của nàng sẽ tan thành mây khói! Nghĩ đến đây, Thục Trinh khẽ thở dài.

_ Sùng Thực! Nghĩ gì vậy?... Hôm nay phải ăn cho hết mấy cái bánh má bỏ trong bát của con đó... Không được bỏ sót lại một cái nào nha!

Sùng Thực ngay tình đáp:

_ Nhưng mà... nhiều quá, làm sao con ăn hết được...

Vừa nói, Sùng Thực vừa gắp bỏ sang chén cho vợ chồng chú Hồ:

_ Thưa ông chú ... ông chú ăn thay hộ cho cháu...

_ Ấy! không được! làm như thế là vô lễ,biết không?

Ông Hồ chẳng biết dụng ý của Thục Trinh bèn lên tiếng bênh vực cho Sùng Thực:

_ Không sao đâu Thục Trinh ạ! Đừng ép uổng nó, no quá rủi ro ngả bệnh thì khốn!

Được lời như mở tấc lòng, Sùng Thực phụ họa:

_ Thưa má, ông chú nói thế mà phải... con no lắm rồi má à!

Thục Trinh sợ con trao lầm cái bánh có trái hồng cho ông Hồ, nên vội phản bác ngay:

_ Không! ông chú nói thế là... tại vì quá thương con... Gia pháp của nhà họ Mã không cho con phạm tội bất kính như vậy, nhất lại là đối với ông chú! Biết không?

Nàng vừa nói vừa đưa đũa sang bát của ông Hồ gắp lại chiếc bánh vừa vờ trách cứ con lần nữa:

_ Thế này là vô lễ. Lần sau có nữa má sẽ phạt con ăn cho hết cái bát bánh nóng này.

Mọi cử chỉ và lời lẽ của Thục Trinh đều không thoát khỏi mắt của Quốc Trung. Chàng mỉm cười lặng lẽ nhìn để đo lường lòng thương của vợ đối với Sùng Thực. Quốc Trung tìm mọi cách để truy cho ra chiếc bánh có trái đào đỏ au bên trong, âm thầm giúp vợ đạt theo như ý muốn.

_ Mình à! Theo anh thấy cái bánh may mắn ấy thế nào cũng phải nhường cho Sùng Thực ăn mới được! Phải không?

Quốc Trung vừa nói vừa cười. Thục Trinh nhìn chồng như cố ý bảo không nên coi thường chuyện "hên xui" này... Với nàng, cách bỏ trái hồng vào lòng chiếc bánh mục đích là để cầu xin cho con mình được nhiều ơn hồng phúc...

_ Người nào may mắn lắm mới được Đấng Mầu Nhiệm ban cho hồng phúc đó... - Thiếm Hồ lên tiếng tán thưởng hành động này của Thục Trinh.

Chú Hồ chen vào phụ họa:

_ Thật vậy, anh Quốc Trung nó à! Phải may mắn lắm mới được. Chú với thiếm Hồ đây cũng vậy. Lúc mới đi làm lễ vấn danh thiếm, chú gặp phải bà dì ghẽ ác độc của thiếm cũng đặt bày cái trò này. Bà ta bảo hễ chú mà ăn được cái bánh có trái táo đó thì... ới gả thiếm cho chú!

Nói đến đây, ông Hồ nâng chung rượu Ngũ Gia Bì lên nốc cạn một hơi rồi chìa sang cho Quốc Trung rót thêm rượu vào, đoạn cất tiếng kể tiếp:

_ Chèng đét ơi! chú sợ hết hồn đi hè! Mặc dù chú với thiếm đây đã vào Động Tiên Cô hàng ngày, từ sáng đến chiều để xin Tiên Cô cho nên vợ nên chồng... Chuyện tác hợp sắp thành, giờ còn bị bà mẹ ghẽ thuồng luồng hổ mang kia... bắt ăn mò "trái đỏ" hên xui... làm chú ớn lạnh cả người...

Ông Hồ nói đến đây cười hề hề rồi bỏ cả chiếc bánh "há cẩu" vào miệng mình nhai ngấu nghiến đoạn nuốt trửng xuống nghe đánh ực thành tiếng.

_ May mà... nhờ thiếm Hồ này quá yêu trộm nhớ thầm ông chú nên thừa dịp bà mẹ ghẽ cay nghiệt kia vào bếp lấy thêm bánh, bà thiếm vội tìm gắp bỏ ngay vào chén chú... Thiệt tình ông chú mừng ơi là mừng! Thoát đại nạn đó nên bà thiếm con cứ son son hai năm ba đứa liên tu như vậy đến không kịp nuôi... Thê mà bà thiếm cứ... bảo, trời sinh voi sinh cỏ...chuyện gì mà lo?!

Cả bàn tiệc cười vang lên. Bà Hồ tuy đã ngoài bảy mươi song nghe chồng khai ra tự sự, mặt mày bà cũng đỏ au lên, thuận tay phát vào vai chồng:

_ Cái ông quỉ này, chuyện đời xưa lớp mớ nào từ bao giờ đâu cũng mang ra kể,không sợ con cháu nó cười cho...

Trong khi chú Hồ kể chuyện, Quốc Trung lẫn Ngọc Phụng đều âm thầm để ý truy tầm chiếc bánh hồng phúc kia trong các bát đặt ở bàn ăn. Ngọc Phụng mỗi lần gắp bánh bỏ vào bát mình nàng âm thầm khẻ cắn chéo một lỗ nhỏ để tìm xem...nếu phát hiện được quả táo hồng sẽ lén lút bỏ ngay sang cho Sùng Thực.

Điều làm cho vợ chồng Quốc Trung cũng như Ngọc Phụng lo nơm nớp nếu chẳng may chiếc bánh ấy lọt vào tay ông bà khách nào trong bữa tiệc thì đó quả là xui xẻo!

Bất giác, Quốc Trung đưa chén mình cho vợ:

_ Mình cho anh chút nước tương.

Ngọc Phụng vội đứng dậy đở chén trong tay cha chồng:

_ Thưa ba, ba đưa con đi lấy...

Quốc Trung lắc đầu:

_ Phải má con mới được. Má biết ba ăn mặn lạt thế nào, nên quen tay rồi, con à!

Đợi vợ bước qua ngưởng cửa nhà bếp, Quốc Trung vội bỏ ngay vào chén con chiếc bánh mình vừa cắn một lỗ nhỏ, khẽ bảo:

_ Lát nữa má ra, con đưa chiếc bánh này lên, bảo là con vừa gắp được chiếc bánh may mắn đó.

Sùng Thực mỉm cười hiểu ý cha. Ngọc Phụng thì cúi gằm mặt xuống dùng đũa khều cái vỏ tỏi trong chén mình ra bên ngoài. Vợ chồng ông Hồ thì vô tình không hay biết gì cứ thiệt tình ngồi thản nhiên ăn uống, khen tặng liên mồm không tiếc lời:

_ Chị Quốc Trung... nó khéo tay quá!

Bà Hồ phụ họa theo lời chồng:

_ Còn khéo hơn chị Mã ngày xưa nữa...

_ Úi dà! ấy mà ngày xưa anh Quốc Trung nó còn cằn cựa đủ điều...

_ Còn bây giờ?

_ Bây giờ thì khỏi nói... cứ đêm nào cũng đưa nhau ra trước sân nhà ngắm trăng mà ngâm thơ vịnh cảnh.

Lời nói đùa của ông Hồ khiến cả bàn tiệc cười ầm lên. Thục Trinh từ trong bếp vừa ra nghe thấy vội lên tiếng hỏi:

_ Chuyện gì vui mà cười ầm lên như vậy?

Quốc Trung thuật lại:

_ Chú Hồ bảo lúc "cục cưng" mình đi ra tỉnh học, đêm nào mình cũng...

Không nghe hết câu nói của chồng, Thục Trinh vội lên tiếng trách:

_ Kỳ ghê! có chú thiếm Hồ lại có con dâu đang ngồi trong mâm ăn mà cứ bậy bạ hoài!

_ Bậy bạ gì đâu? Hổng thiệt sao? Nó đi xa, ở nhà em buồn, bảo anh...

_ Thôi đi, ông quỉ này... bậy bạ mãi.

_ Bậy bạ gì đâu? Chứ chẳng phải tự em...

_ Cái gì cũng tại ông hết...

Nghe Quốc Trung nói như vậy cả bàn đều xúm nhau cười. Cả Thục Trinh lẫn Ngọc Phụng ửng đỏ cả mặt mày. Quốc Trung cực lực cải chính:

_ Em hãy để anh nói hết lời đã chứ! Anh nói là đêm nào, ngày nào lúc rảnh rổi cũng bắt anh dạy em... ngâm thơ; có phải như vậy không?

Thục Trinh gật đầu:

_ Điều này thì có. Có sao đâu?

_ Ừ... có hề hấn gì đâu mà em... bảo là bậy bạ?

Thục Trinh cười nhìn chồng bằng ánh mắt vui vẻ:

_ Ông này thiệt quỉ quái. Thôi, ăn đi ông quỉ ơi!

Bỗng có tiếng Sùng Thực reo lên:

_ Má... má ơi! trái gì thế này ở trong nhưn chiếc bánh?

Sùng Thực vừa nói vừa đưa cao chiếc bánh trong đũa lên cho mẹ mình xem.

Thục Trinh mừng rỡ:

_ Thật hả! A! phải rồi. Con may mắn lắm con ơi!

Rồi Thục Trinh giục con:

_ Ăn đi con! Ăn nhanh đi, kẻo nguội lạnh cả. Chắc chắn là từ nay việc gì con cũng gặp nhiều may mắn...

Thục Trinh vừa nói vừa gắp thêm các thức ăn bỏ vào bát cho con:

_ Ăn cho nhiều vào... đi đường xa cần phải ăn no nê mới được. Ngày còn ngoại, mỗi lần đi lên chợ Huyện đều được bà ngoại nài nỉ ép ăn cho được cả ba bát cơm mới được... Nhờ vậy mà ông ngoại tuy tuổi quá thất tuần mà trông mạnh mẽ như thanh niên vậy...

_ Dạ, nhưng con ăn chiếc bánh có nhân trái hồng xong, không còn thấy muốn ăn gì thêm nữa cả.

Thục Trinh âu yếm nhìn con:

_ Ừ, có thể là thần linh đã phù hộ con rồi. Vậy từ hôm nay con sẽ gặp được lắm ơn hồng phúc...

Quốc Trung chen vào:

_ Đúng vậy. Việc nào rồi đây Quốc Trung cũng gặp may mắn cả, như trường hợp muốn đi ngoại quốc liền được đi ngay. Thế không phải là mầu nhiệm sao? Rồi đây mình xem, một ngày nào đây sẽ còn là bà mẹ của quan trạng nữa... cho mà xem!

Thục Trinh vừa sung sướng vừa thẹn thùng:

_ ...Thì ông cũng... là cha của quan trạng! Bộ chỉ mình em thôi sao?

Ông Cả, thuộc hàng trưởng lão trong làng đưa cao chung rượu lên góp lời:

_ Bây giờ toàn thể chúng ta nâng ly lên chúc mừng cậu Sùng Thực ra ngoại quốc gặp nhiều may mắn, cướp được mảnh bằng trạng nguyên đem lại niềm vinh dự chung cho làng cho nước.

_ Đúng như vậy! - Ông Lý Ba ngồi cạnh cũng chen vào - Tôi nhân danh cho toàn thể chư vị chức sắc trong làng, trong xóm cầu chúc trước anh chị Quốc Trung được nhiều hồng phúc, sau chúc cho cậu Sùng Thực chiếm được bảng vàng mà sớm sủa vinh qui được làng nước được hưởng chút thơm lây.

Ông Hồ có rượu vào nhìn Ngọc Phụng ngồi ăn kế cận cũng vui vẻ góp lời:

_ Cháu Sùng Thực mà đổ Trạng rồi, cháu Ngọc Phụng hãy chuẩn bị hưởng cảnh:"Lọng anh đi trước, võng nàng theo sau..."

 Xong buổi tiệc, thiếm Hồ cùng các bà trong xóm kéo nhau ra bàn nước đàn bà nơi chái đầu vườn, còn các hương sắc trong làng cũng như chú Hồ thì ra cả mái Tây hiên uống trà tán gẩu.

Thục Trinh quay sang nhìn con dâu ân cần:

_ Sùng Thực may mắn ăn nhằm chiếc bánh có nhưn táo hồng là cũng nhờ cái phúc đức của con mang lại. Còn ít bánh trong xửng nhỏ, con hấp lại để khi nào chồng con muốn ăn mang ra cho nó... Nó thích bánh há cẩu này từ ngày còn nhỏ...

Rồi vì quá vui sướng trước sự may mắn của con trai cũng như nhận được những lời chúc tụng Sùng Thực đổ đạt trạng nguyên, nên Thục Trinh quên hẳn chuyện chia tay sắp đến ngày mai. Nàng nói chuyện huyên thiên đủ mọi thứ. Nàng kể cả cho con dâu nghe chuyện những ngày xa xưa của mình:

_ Lúc má còn ở với cha mẹ chưa ra đi lấy chồng, ngày đầu năm cũng được ăn nhằm cái bánh nhưn trái táo hồng như thằng Sùng Thực hôm nay, quả linh thiêng làm sao, cuối năm ấy má ra lấy chồng. Qua năm sau sinh ngay thằng Sùng Thực... Bây giờ nó lại được sắp ra cái ngoại quốc để làm ông Trạng... Con thấy như vậy có phải là linh thiêng không?

Thấy mẹ vui Sùng Thực cũng vui lây.

_ Má ơi! Nhất định là con cũng sớm sủa quay về để được gần gũi ba má...

Thục Trinh cười hỏi lại con:

_ Chỉ ở với ba má thôi sao?

Sùng Thực liếc sang nhìn vợ đoạn đáp lại lời mẹ:

_ Còn nữa chứ má!

_ Còn ai nữa?

_ Ngọc Phụng...

Cả ba mẹ con phá lên cười. Đây là lần thứ nhất Thục Trinh nói đùa với con, nhất là đối với nàng dâu vừa mới về nhà mình. Ngọc Phụng đứng dây lo thu dọn bát đũa mang đi rửa, song Thục Trinh ngăn lại:

_ Con để cả đó cho má. Hai đứa vào phòng nghỉ ngơi đi. Khách khứa nhà trên về gần hết rồi.

Tuy được phép mẹ chồng nhưng Ngọc Phụng vẫn giành lấy làm.

_ Để cả đó cho con má à! má lên nhà trên đi... Việc này con làm quen rồi. Nhanh lắm...

Thục Trinh vẫn cương quyết buộc con dâu vào phòng nghỉ ngơi với chồng, rồi tự mình thu dọn chén bát trên các bàn tiệc.

Bên trên nhà khách, Quốc Trung đưa vợ chồng chú Hồ ra tận cổng ngoài xong quay vào xuống nhà dưới, nhìn thấy vợ đang loai hoai dọn dẹp bèn lên tiếng hỏi:

_ Tụi nó... đi nghỉ chưa?

Thục Trinh gật đầu ý tứ đáp khẽ:

_ Rồi... để chúng nghỉ...

Quốc Trung khen vợ:

_ Mình đúng là mẫu bà mẹ chồng tốt, biết thông cảm dâu con...

_ Miễn sao Sùng Thực như ý nguyện thì cho dù hi sinh cả cuộc đời mình cho nó, em cũng cam đành. Gia đình ta chỉ có mỗi mình nó thôi, và em cũng chỉ có mỗi nguồn hy vọng nơi nó...

Nói xong, Thục Trinh vội bưng mâm chén đĩa ra sau rửa ráy. Quốc Trung đứng nhìn theo bóng vợ mất hút tận cuối vườn, nơi ngày xưa ông Mã đào chiếc ao nhỏ dùng để nuôi cá và để rửa chén bát... chép miệng thở dài:

_ Tội nghiệp! Biết đến bao giờ Thục Trinh mới được hưởng cảnh sung sướng?

Đêm hôm ấy vì Sùng Thực sắp sửa đi xa nên cả nhà đều mất ngủ. Cứ thỉnh thoảng hết Thục Trinh lại đến Quốc Trung đứng gần bên cửa phòng dặn dò đủ mọi thứ chuyện. Những lúc như vậy Ngọc Phụng nhìn chồng mỉm cười, còn Sùng Thực thì liên mồm vâng dạ...

Bóng trăng chênh chếch trên lưng đồi. Trên vòm trời trong xanh, vài đám mây bạc phếu như đứng yên một chỗ. Tư bề vắng lạnh. Không lấy một tiếng động, ngoại trừ thỉnh thoảng tiếng cú mèo từ trên một cành cây cao nào đó rúc lên vọng lại...

* * *

Mới sáng tinh sương, Thục Trinh đã dậy lo cơm nước cho Sùng Thực ăn lên đường. Ngồi bên bếp nhìn ánh lửa hồng bập bùng cháy mà lòng nang quặn thắt. Niềm vui ngày qua trong buổi tiệc không còn nữa. Giờ đây cảnh biệt ly lại chập chờn hiện lên trước mặt nàng.

Thục Trinh không cầm được hai dòng lệ, rồi giây lát nữa đây, khi mặt trời lên đến chặng con sào, Sùng Thực sẽ phải ra đi... Lần ra đi này của con, nàng cảm thấy bàng hoàng không yên lòng. Nơi đất khách quê người đầy dẫy cả sự quyến rủ, liệu Sùng Thực có tránh thoát được những cạm bẫy đó không? Hay là, nó cảnh phù hoa chốn đô hội sẽ giữ chặt chân nó lại, để rồi... như con hạc vàng một đi không bao giờ trở lại...

Thục Trinh và Ngọc Phụng khóc sướt mướt. Một đàng là nước mắt của người mẹ không bao giờ muốn phải rời xa con mình. Một đàng là nước mắt của người vợ trẻ chưa trọn hưởng niềm tình nồng ý thắm đã phải lâm vào cảnh chia ly mỗi người một ngả!

Sùng Thực không thể cầm lòng, để mặc cho hai dòng lệ mình tuôn trào trên đôi má.

_ Má ơi! Thôi, con không đi nữa... Con sẽ mãi mãi sống bên cạnh ba má.

Rồi quay sang bên vợ:

_ Ngọc Phụng ơi! anh không thể nào nở phải xa rời em được. Anh quyết định ở lại nhà vĩnh viễn sống bên em...

Nhưng, rồi rốt cuộc Sùng Thực cũng phải lên đường giữa những tiếng nấc của người mẹ hiền và tiếng khóc tỉ tê của vợ.

Màn trời hôm nay u ám. Các vầng mây xám sịt từ ngoài khơi kéo vào giăng tứ hướng. Dăm ba cánh diều từ trên lưng trời sà xuống rồi bất thần lại chớp cánh bay lên.

Quốc Trung đưa con lên tận chợ Huyện. Cả hai đều yên lặng sóng bước bên nhau. Quốc Trung không muốn quấy động nỗi ưu tư của con trai mình đang trong giờ phút chiến đấu với bản thân, một là rứt bỏ ra đi để tìm một tương lai rực rỡ cho mình, hai là âm thầm quay trở lại để tìm nguồn vui trong cuộc sống êm ấm dưới mái gia đình...

Bất thần, Sùng Thực quay lại hỏi cha:

_ Cha có nhớ câu :"Thiên hạ hồng trần Nam thoán lộ"... không?

Nghe con hỏi, Quốc Trung quay mặt lại nhìn con gật đầu:

_ Nhớ chứ! "Bất tri quan đái kỷ nhân hoàn"... Người xưa đã bảo trên con đường Nam thoán đó dễ có mấy ai đội cân đai trở về? Nhưng với ba tin rằng trên con đường hoạn lộ đó sẽ có bóng hình con!

Ngâm thơ là tật cố hữu của Quốc Trung. Chàng quàng tay lên vai con trông hệt như đôi bạn tri kỷ khe khẽ ngâm lên:

Hạ mã ẩm quân tửu
Vấn quân hà sở chi.
Quân ngôn bất đắc ý
Qui ngọa Nam San thùy
Đàn khứ mạc phục vấn
Bạch vân vô tận thì...
................
(Cùng chàng nâng chén buông cương
Hỏi thăm đàng ấy lên đường về đâu?
Lời sao nghe thể u sầu
Ờ Nam San đó nằm bầu bạn chơi!
Đã đi xin chớ ngại lời
Mây ngàn trắng xóa xa vời... nhẹ bay.)

 

C H Ư Ơ N G  M Ư Ờ I

Sau ngày Sùng Thực ra đi, Ngọc Phụng thôi dạy, ở nhà săn sóc cha mẹ chồng. Tuy tuổi còn trẻ song nhờ có ăn học, nhất là chịu ảnh hưởng nếp sống nho phong cố hữu của gia đình, nên nàng xử sự hệt như một người vốn đã trưởng thành trước tuổi. Tính tình của Ngọc Phụng hoàn toàn thay đổi. Từ một thiếu nữ ngây thơ trong trắng nay đã trở thành một thiếu phụ đoan trang hiền thục.

Sùng Thực tuy ở tận phương trời xa nghìn trùng lúc nào cũng giữ vẹn chữ hiếu, đối với vợ thì tỏ ra người chồng chung thủy. Cứ cách đôi ba ngày hoặc có thư về cho cha mẹ hoặc cho vợ. Thư nào gửi Ngọc Phụng cũng bảy tám trang. Mỗi lần nhận thư, trên nét mặt Ngọc Phụng đều hiện ra vẻ sung sướng. Sùng Thực đã dành nhiều thì giờ viết cho nàng đủ mọi thứ chuyện. Trong đó gồm chuyện trường trại, chuyện sinh hoạt cá nhân, và luôn cả những chuyện trong giấc mơ hình ảnh chàng và nàng tay trong tay tung tăng

trên đồng nội đầy hoa thơm cỏ lạ...Tuy vậy giấc mơ nàng cho là đẹp nhất mà Sùng Thực đã viết trong cánh thư gần đây, gây cho nàng có cảm giác thích thú nhất. Có đoạn "Đôi ta ngồi trên chiếc thuyền nan rong chơi đây đó, dưới ánh trăng bàng bạc trên dòng sông Thanh Thủy. Em tựa đầu vào vai anh khẽ bảo: ước gì tình đôi ta đẹp mãi thế này. Anh mỉm cười cuối xuống thầm thì bên bờ tai em rằng là :Em yêu ơi! tình đôi ta vời vợi đến muôn đời muôn kiếp... "mà nàng đã đọc đi đọc lại đến cả chục lần như vậy.

Thư Sùng Thực gửi về kể đủ mọi thứ chuyện. Vui có. Buồn có. Vui thì nàng cười. Buồn thì nàng khóc. Có những lúc nàng bụm miệng cười khúc khích khi đọc đến những chuyện riêng tư tình cảm giữa vợ chồng mà Sùng Thực cố ý gợi lại. Nhiều lúc Thục Trinh bắt gặp, lên tiếng hỏi:

_ Con cười gì thế Ngọc Phụng?

_ Dạ, chẳng có gì má ạ!

Thục Trinh mỗi lần nhận được thư con, bắt chồng đọc thật chậm rãi cho mình nghe từng chữ.

_ Mình nè! Thư này nó viết vậy, còn ít hôm nữa nó viết cái thứ gì nữa? Mình biết không?

Hoặc nàng hỏi con dâu:

_ Rồi bao lâu nữa nó gửi lá thư khác, hả Ngọc Phụng?

_ Dạ, thưa má, tùy anh con ở ngoại quốc gửi về, chẳng làm sao biết được.

Nghe vợ hỏi vậy, Quốc Trung cười:

_ Quả lòng tham không đáy... Chưa nghe xong lá thư này đã hỏi đến thư sắp đến...

_ Ừ, thì em tham... Em tham của con đó, có sao đâu?

Thục Trinh thường mang thư Sùng Thực gửi cho mình và thư gửi cho Ngọc Phụng ra so sánh về trọng lượng giữa hai phong bì, rồi hỏi chồng:

_ Ông xem nè! cái thằng con nó thương vợ nó hơn thương mình. Viết cho tụi mình những hai người mà chỉ có hai tờ còn thư viết cho con vợ nó thì xấp đến mấy tờ như vậy. Chẳng biết nó viết giống gì bên trong ấy mà nhiều ghê nhiều gớm... Mình có biết nó nói những gì bên trong ấy không?

(còn tiếp)

Thinh Quang

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002