Đại Chúng số 76 - phát hành ngày 1/7/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

LOÀI HOA MANG TÊN EM

Kỹ sư  Sagant Phan.

 Hoa ở Việt Nam rất nhiều, nhưng mang tên em thì rất ít, nhiều hoa nở rất đẹp nhưng không nghe ai đặt tên cho nàng. Như hoa Sen chẳng hạn, chẳng lẽ tên nàng là Sen? Nghe như tên một đầy tớ gái rồi. “Con Sen đâu mất rồi?” “Nó đang gánh nước ngoài ngõ...”

Bài viết vừa rồi, tựa đề là “Hai sắc Hoa Tigôn và Antigone” viết cũng khá lâu, vì để trong diskette khác nhãn hiệu nên tìm hoài không ra. Trong một buổi nhậu với tụi bạn nhà binh, cuối tuần đã lâu, một thằng ngồi góc trái hỏi:

_ Mày nói hai sắc hoa Ti-gôn. Tao cả đời chưa thấy loại hoa này, chắc hoa của mày ở bên Tây quá há?

Tôi cười hề hề:

_ Mày có nói  kế nhà mày, có con nhỏ Mễ mập nói nó khoái mày thường cho mày bia mà mày không nhận phải không?

_ Ừa đúng rồi.

_ Mày có thấy hoa mọc hàng rào của nàng không? Nó có lá như lá nho, có vòi uốn cong cong, lá y hệt như lá nho, có bông màu đo đỏ, mày có nhớ không?

_ Ừa, đó là hoa Nho mà, ở Saigon nhà tao có trồng, nhổ hoài mà nó vẫn mọc mạnh.

_ Ừa, hoa Nho ai ai cũng biết. Đó là hoa Ti gôn đó.

Vâng, hoa Tigôn là hoa Nho mọc thường ở hàng rào, lá y hệt như lá nho. Lúc nhỏ tôi thường bị loài hoa này lừa. Tôi tưởng khi ra hoa, rồi thì sẽ kết thành trái, trái Nho mà. Nhưng không đời nào có trái Nho, dù cây y hệt cây nho vậy.

Hoa Tigôn còn có thêm tên Việt là hoa Hiếu Nữ, Hoa Nho. Tên đúng là hoa Antigon.

Tên khoa học là:

_ Mountain Rose,  Love’s chain,  Corallite , Liane Antigone, Rose de Montana
_ Antigonon  leptopus  Hook. Et Arn
_ Họ rau răm (Polygonaceae)

Cây có nguồn từ Nam Mỹ và Địa trung Hải, được gây trồng rộng rãi trong nước Việt. Nhưng thật sự từ đời Tây đem qua cây elo, thân gỗ, ngọn có vòi râu cuốn, lá y hệt lá nho màu xanh, nhưng lá mỏng hơn lá nho. Thân mềm, phân cành, nhánh nhiều, dài, mềm, dáng rất đẹp mắt. Lá đơn mọc cách, đầu lá kéo dài hình mũi, gốc lá hình trái tim sâu. Lá xanh quanh năm, lá già khô héo nhưng không rụng, nên nhà vườn hay nhà chơi cây cảnh, thường phải tỉa đễ giàn cây được thoáng. Cụm hoa ở đỉnh cành, mọc vươn cao do nhiều tua râu cuốn cong quéo lại, hoa nhỏ xếp hình chùm dài, màu hồng nhạt hay màu trắng, ít khi hoa nở rộng, khi nở hết hoa là tất cã hoa rụng hết. Nụ hoa có hình tim 3 cạnh nho nhỏ, bằng đuôi viết chì. Quả nhỏ, có 3 cạnh nhỏ cứng. Cây rất dễ trồng, bằng cách tách các nhánh mầm từ gốc mẹ, hay gieo bằng hẹt. Ở Huế, cây trở thành hoang dại, mọc nhiều ở bờ rào hoang, hoa nở liên tục trong năm. Đó là hoa tygôn, hay hoa antigonê hay hoa hiếu nữ, gọn hơn là hoa nho, giống y hệt cây nho nhưng không có trái nho. Đây là loại hoa gốc từ ngoại quốc đem vào nước ta từ thế kỷ trươc... Như cây trái măng cụt vậy, hay là cây “Soài Riêng”.  Do mấy nhà truyền  giáo đem vào trồng tại vùng Lái Thiêu trước nhất. Lúc đó trái “Sầu Riêng” cho bóng mát tốt nhất, rồi ra trái. Trái có gai, nặng hết sức, lúc chưa chín trái, thì không ai dám hái, không biết ăn làm sao. Nhưng khi trái chín, nở múi ra mùi “Sầu Riêng” bốc khắp nơi trong vườn. Thì lúc này người trồng mới khổ nhất vì nó có mùi thối không nói được nhà vườn vừa bịt mũi vừa lấy sào mà khều trái ra ngoài góc vườn vụt bỏ.  Thời may, có một nhóm người Hoa, từ  Chợ lớn Saigòn lên  tình nguyện hái trái sầu riêng trước khi nó chín tét ra. Nhà vườn mừng hết lớn, nhưng năm nào mùa sầu riêng chín thì có họ như vậy phải tính tiền mới được. Họ đành chịu móc tiền ra trả. Rồi sau đó nhà vườn khui trái ra ăn thử. Ngày kia, ngon hết sức bán rất cao giá. Tại Tháilan họ gọi trái này là  “King fruit” nghĩa la Trái Vua của các trái cây. Ngon hết sẩy. Hiện nay cũng có khá nhiều người không chịu được mùi này, cho nên nhiều hãng phi cơ không cho khách hàng đem loại trái cây này lên phi cơ. Sợ nhiều người nhảy dù bỏ phi cơ hết.

Hoa ViệtNam rất nhiều, trên 300 loại, nhưng ít tên cho nàng mang tên. Ta nghe tên nàng như “Cô Lan, chị Huệ, cô Cúc, em Lài, chị Điệp, cô Hồng, chị Hường, cô Trang... như vậy là gần hết tên nàng rồi .

Riêng hoa Hường hay hoa Hồng cũng cùng một loại, tại sao gọi khác nhau như vậy?

Tại một người, người này mà.. Ông Cố Nội tôi thấy cũng phải quỳ mọp sát đất. Ông nầy tên là  Hồng Nhậm đó. Từ khi Ông thay thế Thượng Đế, mà ta gọi là con Trời (Thiên Tử) thì thiên hạ bàng dân phải xài chữ khác. Từ chữ Hồng phải chuyển thành Hường. Miền Nam người ta gọi là bông Hường không dám xài chữ Hoa vì cũng có một Bà mang tên Hoa  làm rất lớn trong cung điện Bà Nguyễn thị Hoa đó ai còn nhớ bà là ai của vua Tự  Đức không? Cho nên miền Nam không dám xài chữ Hoa mà xài chữ Bông như bông Hường, bông Huệ, bông Lài, bông Sen, bông Cúc, bông Bưởi...

Ngày kia chúng ta mà có một Ông Vua nào dùng tên là: A B C D... đến XYZ, thì ngày đó chúng ta hết chữ Quốc ngữ rồi vì dùng chữ nào cũng đụng tên Vua hết, tội khi quân đâu ai dám dỡn. Đành trở lại chữ Tàu hết thì xong.

Cùng cùng một trái cây nhập từ bên Tháilan mà dân Hà Nội gọi khác, dân Saigon gọi khác. Có kỳ ra Hà Nội trong dịp đi chung đoàn khảo cổ tôi thấy một bà gồng gánh đầy trái cây, rất ngon. Tôi gọi:

_ Bà bán trái Sa-cu-Chê một chục trái bao nhiêu vậy?

_ Vâng, tôi không bán trái sa-cu-chê. Trái này là Hồng Xiêm đấy ạ.

Vâng, dân HàNội quả thật là xứ ngàn năm văn hóa, gọi cây trái rau quả cũng có vẻ văn chương thi phú,  còn dân Saigon thì gọi trái cây gì cũng hơi hơi... thô lỗ. Trái cây gì mà gọi sa... rồi cu rồi chê? Có một loài rau mà dân miệt vườn Nam Bộ gọi là rau thúi đ..t vì mùi của rau y như mùi  mà con nít gọi là: xù xì hột mít lùi tro. ăn no té đ...t thì dân nhậu Hà Thành gọi là rau Mơ. Nghe có mộng mơ ghê chưa? Tại Hà Nội có gánh hàng trái cây, mà tôi gọi trái đó là trái Thanh trà, trái mỏng vỏ màu vàng nhạt. Hànội họ gọi là quả Nhót. Vâng! đúng y thị rồi, tôi mua về cho mấy người bạn Saigon thì họ ăn xong họ muốn nhót thiệt tình vì nó chua té đ...i luôn, nhảy nhót vì chua là phải. Rồi tên bạn Hà Thành cười hì hì... Mấy anh ăn quả này phải chùi cho sạch. Tôi hỏi rửa là xong, tại sao phải chùi cho sạch? tên bạn này cười, vì nó có lông mịn, nếu không chùi cho sạch lông tơ thì ăn vào ngứa miệng vừa chua Nhót người vừa ngứa miệng thì còn gì vui hơn.

Ngày xưa còn tuổi học trò, có lần may mắn hết sức. Tôi được chở nàng đi học. Có một lần rồi vạn kiếp thiên thu. Nàng là em gái thằng bạn học cùng lớp. Xe gắn máy của nàng bị hư, thằng bạn nhờ chở... nó đi học dùm tao đi mậy. Vâng, vui quá. Xe chạy ngang con đường rộng, sát bờ sông Saigon, bến Bạch Đằng, rồi thông lên đường Cường Để, hai bên đường có nhiều loại cậy hết sức lớn, và cao hơn cây me nữa. Thân cây thẳng, có những trái to màu nâu y như trái avocado (hay là trái bơ) vậy, khi trái chín, thì nó nứt vỏ ra, bay  tung ra những hạt có cánh, bay như chonh chóng vậy. Tụi tôi thường lượm nhiều, nhét vào túi, rồi lên tầng cao nhất của trường học, thả từng cánh nó bay vòng vòng trên không rồi từ từ đáp xuống mặt đất. Gió mát từ  sông Saigòn thổi về, mát hết sức, vui miệng tôi hỏi nàng:

_ Em, mấy cây gì cao hết sức, đố em cây gì?

_ Em... hổng biết.

Tôi định nói tên cây này, nhưng tự nhiên giật mình, tại sao đố một người con gái, một loại cây mà mang tên nghe giật mình hết sức vậy? Nàng hiểu lầm là cái chắc. Một chuyện ngu mà nghĩ lại không thấy cái nào ngu hơn. Quả thật cho đến ngày nay, tôi cũng chưa biết cây đó tên khoa học là cây gì? Cây muỗm hay chăng?

Tôi làm bộ suy nghĩ một hồi... rồi trả lời:

_ Cây gì tự nhiên quên mất tiêu rồi, để kỳ sau hỏi lại rồi nói cho nghe.

_ Hừ, vậy cũng làm bộ đố người ta.

Rồi tôi quên đi, ngày qua ngày. Nhưng nàng không quên nàng hỏi ông anh của nàng. Rồi nàng giận tôi luôn kể từ đó. Vâng cây đó gọi là cây d...i ngựa. Nhìn cao lên giống in hệt như cái đó vậy. Đúng là dân Nam Bộ, thấy sao thì hình dung vậy.

 Hoa Thạch Thảo.

Nhờ nhạc sị Phạm Duy và tiếng hát khàn khàn bất hủ của Julie Quang mà bài ca mang tên Hoa Thạch Thảo trở thành thiên thu bất tử. Hoa Thạch Thảo và mùa Thu. Tại sao như vậy

Tôi rất thích nghe nhạc, từ thuở trẻ đến mang áo chiến chinh, rồi mang áo tị nạn xa quê hương nhớ mẹ hiền. Bài ca thuộc nhiều nhưng hát trọn bài thì không được.

Vì quen bạn khá nhiều, từ phương trời xa đến gần. Lũ bạn này cộng lại thì gặp sư huynh thày dòng thì ngó lên trời thốt lên: “Chúa ôi!” Còn nếu găïp vị sư thì được ngó xuống thốt lên: “Mô Phật! Tội lỗi tội lỗi”. Nhưng lỡ quen bạn như vậy rồi làm sao? Nhiều bản nhạc rất hay, được tụi nó nghe xong rồi sửa lại nghe riết thành ra thật...

Nhạc sĩ Lam Phương có bản nhạc mới đây, hết sức hay là “Bài Tango cho Em” nhập đề thật sự tôi nhớ được khúc đầu “Từ khi có em về... nhà mình nhiều ánh trăng thề” rồi tụi bạn nói trên sửa thành: “từ ngày có em về nhà vang tiếng.. chưởi thề”. Đó hát như vậy, thiên hạ thuộc phái nữ không ghét sao được. Bởi vậy cho nên trong nhóm này rất hiếm thằng được có vợ, ai cũng sợ hết, đành tụ nhau ngồi nhậu mà nhớ quê hương vậy.

Bản nhạc cũng khá hay mà cô gái Bắc kỳ nho nhỏ thường hay hát, rồi nhóm họp ca này sửa thành câu hát mà đến nay tôi không tài nào nhớ đến khúc hát thứ nhì hát ra sao “Tôi đưa em sang sông rồi tôi... bóp cổ em, rồi tôi... bụm miệng em.” Nghe như vậy chắc chắn có ngày... ủ tờ vũ phu ỷ thị.  Nhưng còn đở hơn bản nhạc hùng của Văn Cao, bản nhạc này nghe như sau “Thề phanh thây uống máu quân thù...” Bản này vừa nghe vừa ăn  tiết canh vịt và gà xé phay thì hết xẩy...

Trở lại bài nhạc dễ thương của nhạc sĩ họ Phạm là Hoa Thạch Thảo. Quả thật tôi nghe từ Saigon, rồi lên Pleiku gió núi mưa mù, đá sỏi cao nguyên mà tôi chịu không biết hoa gì, dịch ra thì hết nghĩa rồi chẳng lẽ hoa đá? Đá có rêu, làm gì có hoa? Hay là nó cùng chung họ là Hoa Thạch Lựu chăng? Vạn lần không.

Hoa này mọc, được trồng trong chậu hẳn hoi, nó thuộc loại hoa Cúc nho nhỏ, bằng lon thiếu úy vậy. Hoa cúc này nhỏ, cánh thưa mà mấy chị gái nho nhỏ thường hái vén tóc thề

mà kẹp mang vành tai, nhìn thấy là trái tim đập liên hồi. Người đẹp mà hoa cũng đẹp luôn. Đó là hoa Thạch Thảo đó.

Cây Hoa Thạch Thảo, hay Cúc cánh Mối (vì hoa mỏng nhẹ như cánh mối vậy).

Tên Khoa học:

_ Starwort, Aster, Oeil de Christ Aster amellus Linn.
_ Họ Cúc (Asteraceae)

Cây có nguồn từ châu Âu, Châu Á. Được gây trồng làm cảnh ở các bồn hoa, công viên hay căm lọ. Cây thân cỏ, sống lâu năm nhờ rể mọc bò dưới đất. Thân đơn hay phân nhánh, lá dài, thuôn hình giáo tù, hơi có lông mịn. Cụm hoa hình đầu đơn độc. Vòng hoa đều dài, cánh môi thuôn hẹp, thẳng màu lam tím. Hoa giữa hình ống hẹp màu vang, xếp sát nhau. Hoa thường màu tím nhạt.

Đó là những loại hoa mà thi sĩ hay nhạc sĩ gieo vao lòng người một loại hoa mà mình tưởng như truyện thần tiên, nhưng thật sự hoa này nằm sát ngay tầm tay. Lúc nhỏ còn đi học, thích đỗ đạt khi thi cử lắm ai cũng vậy nghe hai chữ Trạng Nguyên là khoái rồi có nghĩa là đỗ đầu trong các Tiến sĩ được xướng danh bởi triều đình.

Nhưng có ai biết Hoa Trạng Nguyên không? Hoa này xuất xứ từ bên Tàu hay chăng? Vì từ chữ Tàu mới có chữ Trạng Nguyên mà?

Thật sự nó phát xuất từ Mexico, được các nhà truyền  giáo đem trồng khắp nơi. Nhất là đến mùa Đông, thì có rất nhiều. Người ta gọi là Hoa Giáng sinh cũng được, vì gần Giáng Sinh thì khắp chợ búa đều có bày bán chậu cây có hoa đỏ trên cánh này.

Hoa Trạng Nguyên.

Tên Khoa học:

  • Easter flower, Christmas flower, Mexican flame leaf

  • Poinsettia pulcherrima

  • Họ Thàu dàu (Euphorbiaceae)

Lá ở thân dạng bầu dục thuôn dài, chia thùy hay có răng rộng, cuống mập, màu xanh đậm, bóng gân nổi rõ. Lá bao quanh cụm hoa màu đỏ chói (hoàn toàn đỏ hay chỉ đỏ một phần lớn phía gốc, phần đỉnh vẫn màu xanh). Chén hoa màu xanh nhạt, có một tuyến lớn màu vàng. Quả nang tròn nhỏ.

Cây dễ trồng bằng cách giâm cành, mọc khỏe phân cành nhánh nhiều, chịu được nắng hạn. Hoa nở quanh năm. Đây là một loài hoa rất phổ biến khi dịp Giáng sinh về, vì mùa Đông giá rét nên các cây hoa khác đều chết rụi  trước đó từ lâu. Mới du nhập nước ta cũng không lâu. Tiện luôn trong bài viết về cây hoa mang tên em, chung ta nhận thấy hoa nước Việt rất nhiều, nhưng loài hoa mang tên em rất ít. Miền Nam thì đặt tên hoa không nhiều bằng người HàNội. Tên nào mà là Lan thì đa số là con gái người Bắc, vì hoa Lan miền Nam rất hiếm thấy. Mấy cụ đồ Nho miền Nam cũng ít khi đặt tên con gái mình tên những loài hoa sặc sỡ, ít thấy cô Hường hay cô Hồng vào khoảng thời gian của cụ đồ Chiểu (Nguyễn đình Chiểu) vì mấy cụ cho rằng hoa chỉ có sắc mà vô hương, như là hữu duyên mà bạc phận.

Đi tới một bước về một loài cây mà chúng ta thường thấy tại khắp nơi, ViệtNam hay Hoakỳ nhất là xứ có nhiều nắng đó là cây xương rồng. Trong kinh Chúa Giêsu, ngày xưa tôi có đọc đến mấy sư huynh thày dòng kể đoạn Chúa Giêsu ra ngoài sa mạc chịu sự thử thách của cam dỗ, chịu sự thử thách của quỹ Satan. Chúa đói, khát... Chúa ăn cây xương rồng. Lúc đó đọc đến đoạn này thì thấy quả là một điều... kinh khủng.

Nhưng khi qua Mỹ, tiểu bang California có rất nhiều anh chàng họ Mễ như Fernando  hay Jose Alberto vv...vv... thì họ có chợ super market của họ. Họ có bán cây xương rồng cắt nhỏ ra, dài như đậu đũa vậy, có chỗ họ bán xương rộng sắt nhỏ mà ngâm dưa chua. Tôi hỏi có ăn được hay không? Khi hỏi vừa dứt thì mình cũng tự cười luôn, chẳng lẽ ăn không được mà họ bán trong chợ rau trái làm chi?

Nhưng sau đó, tôi thử ăn mau gói xắt nhỏ từ xương rồng bản bự như bàn tay, họ gọt mất gai và một phần vỏ xanh, họ xắt lát mỏng đem về chiên với tỏi và một chút thịt bò ăn có vị chua và nhớt nhưng vị nhớt ngọt như ta ăn đậu rồng vậy.

Đây là một loại thuốc trị chất độc trong người rất hiệu nghiệm vô cùng. Trong sách thuốc của Mexico đây là một loại ăn có chất rửa ruột. Người Mỹ họ ít tin ăn rau trái để trị bệnh, họ tin chỉ có thuốc từ Bác sĩ cho thì mói hiệu nghiệm. Kết quả bệnh rất nhiều. Tôi thấy nhiều cụ già mỗi ngày uống thuốc gần 20 viên khác loại nhau, có cụ uống thuốc bổ vitamin hàng bụm, nhưng họ chưa biết đến loài dược thảo mà Á Đông, nhất là bên Ấn độ họ đã dùng rất lâu.

Ông Nội tôi ngày xưa, Tết đến rất thích trồng hay mua những chậu cúc vàng loại đại đóa về nhà chưng 3 ngày tết. Sau hết  tết thì Nội tôi hái những bông cúc đó để phơi khô, rồi làm trà. Nội cho con cháu uống, con cháu chạy khỏi tay một lèo.

Nhưng đến tuổi đời rồi thì thấy tiệm Trà Tàu đều có bày bán Trà Hoa Cúc phơi khô quả thật nấu uống như Trà tối ngủ khỏe quên dậy luôn. Và giá Trà Hoa Cúc rất đắt gấp 2 lần Trà xanh của tiệm Càphê.

Kỹ sư Sagant Phan

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002