Đại Chúng số 76 - phát hành ngày 1/7/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

VÕ SƯ ĐẶNG KỲ THỤY, NGŨ ĐẲNG HUYỀN ĐẠI THÁI CỰC ĐẠO, GIÁM ĐỐC CÁC VÕ ĐƯỜNG HWA RANG, HUẤN LUYỆN VIÊN QUỐC GIA ĐAN MẠCH, NA UY, THỤY ĐIỂN, PHẦN LAN VÀ ĐỨC QUỐC... ĐÃ NÓI GÌ VỀ QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG NỀN VÕ THUẬT Ở CÁC NƯỚC BẮC ÂU?

  • CON NGƯỜI, NẾU CHỈ CÓ VĂN SẼ LÀ VĂN NHƯỢC, NẾU CHỈ CÓ VÕ THÌ SẼ TRỞ THÀNH VÕ PHU! TẬP VÕ TỨC ĐỂ TỰ LUYỆN TINH THẦN VÕ SĨ ĐẠO “UY VŨ BẤT NĂNG KHUẤT”!

Phỏng vấn của đặc phái viên Tân Dân

TẬP DƯỢT CHO VÕ SINH ÚC DỰ GIẢI VÔ ĐỊCH THẾ GIỐI Ở V.N.

Trong số báo trước, chúng tôi, đặc phái viên Tân Dân, đã cống hiến bạn đọc bài phỏng vấn bất ngờ võ sư Đặng Kỳ Tú, lục đẳng huyền đai, từ 1993-1999, đã liên tiếp 4 lần đoạt giải vô địch kỹ thuật, và hãy còn triển vọng rất lớn sẽ tiếp tục giữ chức vô địch kỹ thuật lần thứ 5 trong một cuộc tranh tài thế giới giưã các võ sư thượng thặng của các quốc gia trên thế giới sẽ được tổ chức vào tháng 10 năm nay ở Âu Châu.

Với kỷ lục hãn hữu đó, võ sư Đặng Kỳ Tú đã được giới võ thuật thế giới cũng như các báo chuyên về võ thuật  viết bằng đủ loại ngôn ngữ hiện hành trên hoàn cầu tặng cho danh hiệu dễ yêu “little big man of poomse” hiện đang làm  huấn luyện viên quốc gia của Do Thái, Đan Mạch, và Úc Châu... Ngoài ra, võ sư  Đặng Kỳ Tú còn là người VN duy nhất đã đại diện cho môn võ Thái Cực Đạo của các  quốc gia Đan  Mạch và Do Thái tham dự Thế  Vận  Hội đã diễn ra năm 2000 tại Sydney.

Mới đây, đầu tháng 5, đặc phái viên Tân Dân đã có dịp gặp võ sư Đặng Kỳ Tú tại một trại huấn luyện TCĐ đặc biệt tại Úc Châu. Chuyến đi này, theo chương trình đã hoạch định của tổng cuộc TCĐ Úc, Võ sư Đặng Kỳ Tú đã được mời đến tập cho các võ sinh thuộc các tiểu bang Perth, Adelaide, Melbourne, và cuối cùng là Sydney. Tại Sydney, trong tuần lễ thứ 3 cuối tháng 5, các đài truyền hình của thủ đô Úc Châu đã thay phiên nhau tường thuật những cuộc phỏng vấn và những cuộc tập võ TCĐ đông đảo võ sinh Úc dưới sự chỉ dẫn và biểu diễn nghệ thuật quyền cước vô song của võ sư Đặng Kỳ Tú. Sở dĩ tổng cuộc TCĐ Úc đã mời  võ sư Đặng Kỳ Tú sang huấn luyện đặc biệt lần này, vì ngay sau đó, đầu tháng 6.2001, Úc châu sẽ cử một phái đoàn võ sĩ đến thành phố Hồ Chí Minh để tranh giải vô địch thế giới.

Sau khi huấn luyện ở Úc xong, nghe đâu võ sư Đặng Kỳ Tú, còn là một thuyền trưởng viễn duyên của Đan Mạch, sẽ tiện đường bay về VN để thăm quê hương sau 26 năm xa cách. Ngày 30.4.75, cậu bé Đặng Kỳ Tú đã theo cha rời bỏ đất nước từ khi mới hơn 10 tuổi !...

 CÔNG TRÌNH PHÁT TRIỂN VÕ THUẬT Ở BẮC ÂU.

Sau khi đã tiếp xúc với võ sư Đặng Kỳ Tú, đặc phái viên Tân Dân lại có dịp gặp võ sư Đặng Kỳ Thụy [anh của Kỳ Tú], đệ ngũ đẳng huyền đai, nguyên giám đốc các võ đường Hwa Rang ở Đan Mạch và Đức, huấn luyện viên quốc gia của Đan Mạch, Na Uy, Thuî Điển, và Phần Lan... Vì võ sư Đặng Kỳ Tú quá bận rộn với công việc luyện tập, nên đã không có thì giờ trả lời chúng tôi về những câu hỏi liên quan đến một số vấn đề trọng yếu của võ thuật mà hầu hết độc giả thuộc bất cứ tuổi tác hay giới tính nào cũng đều muốn được am tường, nhất là nói về lịch sử của môn võ TCĐ Đại Hàn ở VN. Do cơ duyên nào môn võ này đã phát triển ở Đại Hàn rồi bành trướng sang VN, sau đó lan tràn khắp thế giới và đánh bạt cả các môn  võ KungFu (Thiếu Lâm của Tàu) và Karate (không thủ đạo của Nhật)...Hiện nay,Thái Cực Đạo đã được trở thành một môn võ chánh thức của Thế Vận Hội (Olympic).

Dưới đây là cuộc phỏng vấn tiếp theo của chúng tôi. Xin bạn đọc chú ý: Những chữ viết tắt đầu mỗi câu, TD (Tân Dân) và KT (Kỳ Thụy).

 TD.- Trước hết xin anh vui lòng cho biết trong trường hợp nào hai anh em  của anh và gia đình đã trôi giạt đến Đan Mạch, và kể từ bao giờ?

KT.- Trước khi miền Nam  bị mất vào tay CS, gia đình tôi đã bị chia đôi. Mẹ tôi đang phục vụ tại toà đại sứ VN ở Rabat, Maroc. Còn tôi đã được ba má tôi gửi sang học ở Pháp từ lâu. Tôi cư ngụ ở Rue Carpentier, thuộc Choisy Le Roi, gần quận 13, Paris. Còn em tôi, Kỳ Tú vẫn ở VN với ba tôi...Về sau , mãi đến cuối năm 1975, má tôi và tôi đến Đan Mạch đoàn tụ gia đình.

TD.- Trước khi sang Pháp, anh đã có tập TCĐ chưa?

KT.- Có! Cả hai anh em tôi đã được ba má tôi cho tập TCĐ từ khi mới lên 6,7 tuổi. Các bạn trang lưá tôi chỉ phải tập mỗi ngày có một lần. Nhưng ba tôi bắt anh em tôi phải đi tập mỗi ngày đến 2 lần. Sáng sớm, từ tinh sương, trước khi đi học, và buổi chiều sau khi đã tan học và trước giờ ăn cơm tối. Đến bây giờ tôi hãy còn nhớ mãi câu ba tôi thường nói “văn ôn , võ luyện”. Thoạt tiên tôi chẳng hiểu gì. Khi lớn lên tôi mới biết được ý nghiã của nó.

Khi tôi sang Pháp học, tôi đã được tổng cuộc tổng cuộc TCĐVN cấp bằng đai đen đệ nhất đẳng, cùng một lúc với em tôi.

TD.- Khi đến Đan Mạch , anh được bao nhiêu tuổi? Làm thế nào anh có thể mở được võ đường dạy Thái Cực Đạo?

KT.- Năm đó tôi mới 14 tuổi , còn em tôi 12 tuổi. Việc quan trọng trước tiên là anh chị em chúng tôi đều phải lo đi học để mai sau ra đời có nghề nghiệp sinh sống. Anh em tôi không ai nghĩ đến chuyện tập võ hay dạy võ gì cả. Nhưng một hôm qua sự liên hệ của ba tôi với Hội Đồng Cứu Trợ Tị Nạn Đan Mạch (Dansk Flygtninge hjaelp), anh em tôi đã được đài truyền hình Đan Mạch mời lên Tivi biểu diễn võ thuật cho một chương trình đặc biệt dành cho thiếu niên trên toàn quốc. Cuộc biểu diễn đầu tiên hôm đó đã diễn ra rất ngoạn mục và đã thành công rất tốt đẹp. Anh em tôi đã được tán thưởng nồng nhiệt và cũng là lần đầu tiên anh em tôi đã được các giới khán thính giả khắp nơi khen ngợi.

Vì thế chỉ hai ngày sau, gia đình tôi bỗng được vài người khách lạ đến viếng. Đó là những người Đan Mạch đại diện cho tất cả võ sinh đang tập môn võ Thái Cực Đạo trên toàn quốc, đến mời và đón rước cả ba cha con tôi đến các võ đường ấy để dạy cho họ.

Nhờ đó, chúng tôi được biết lúc bấy giờ trong dân chúng đại đa số vẫn chưa phân biệt nổi Teakwon Do với Karate , và cả nước Đan Mạch mới có khoảng 10 võ đường (Taekwondo klub), tổng số võ sinh mới có khoảng vài trăm người, hầu hết đều mới tập, còn mang đai trắng và đai màu. Trong số chỉ có vài người đã mang đai cao nhất là đai nâu (hay đỏ). Đứng đầu là một người tên Palle Pedersen, chủ tịch một võ đường ở Ballerup, một tỉnh cách  nơi gia đình tôi cư ngụ khoảng 25 cây số. Chưa một ai có đai đen. Trong khi đó kể từ ba tôi đến hai anh em tôi đều đã mang đai đen từ lâu.

Từ đó, mỗi ngày đi học, đến tối hay trong những ngày nghỉ cuối tuần, dù là muà đông rét buốt, tuyết đổ mù trời,  anh em tôi cũng đều phải theo ba tôi đến các tỉnh lân cận huấn luyện cho học trò. Nhiều hôm về đến nhà đã quá nửa đêm!

Ngoài ra, thỉnh thoảng Palle Pedersen còn tổ chức thêm những buổi trình diễn Thái Cực Đạo mà các phần chính yếu đều do anh em tôi đảm trách, cho quần chúng khán giả xem. Từ đó phong trào học tập TCĐ ở Đan Mạch bắt đầu  nảy nở thêm ra. Không bao lâu sau ba tôi lại còn giúp người Đan Mạch ở tỉnh Brondby Strand, một vùng  ven biển, mở thêm ra một võ đừơng mới lấy tên là Hwa Rang, vốn là một chi nhánh lớn trong ngành  TCĐ ở Đại Hàn mà cha con tôi đã xuất thân từ đó.

 MỘT QUAN NIỆM VỀ VĂN VÀ VÕ.

TD.- Trong thời gian này, có người VN nào ở Đan Mạch hay Bắc Âu đã tập TCĐ hay đã dạy môn võ này không?

KT.- Theo tôi biết trong thời gian đầu thì không. Nhưng đến năm 1977, hai anh em tôi được tổng cuộc TCĐ Đan Mạch  cử làm đại biểu chính thức tham dự giải vô địch thế giới ở Chicago, HK. Dịp đó tôi mới gặp anh Tôn Thất Tiến, đai đen 3 đẳng, dắt phái đoàn đấu thủ Na Uy đến tranh giải này. Khi về tôi đã kể chuyện lại cho ba tôi nghe.Chẳng dè anh Tiến lại là con rể của ông cựu đại tá Khâm, nguyên giám đốc cảnh sát vùng 1, một người bạn cũ của ba tôi, mà ba tôi đã quen từ khi ông còn là đại úy , cảnh sát trưởng ở tỉnh Rạch Giá vào khoảng năm 1968.

Từ đó anh Tiến và gia đình tôi trở nên gần gũi, thân thiết hơn. Do đó tôi được biết anh Tiến đã gây dựng được một võ đường khá đông học trò ở Oslo. Thỉnh thoảng vợ chồng anh Tiến đã đến Đan Mạch thăm gia đình tôi. Từ đó năm nào, cứ mỗi  muà Hè,  anh Tiến cũng đều tổ chức những trại huấn luyện đặc biệt kéo dài hàng tuần lễ, có cuộc thi lên đai cho học trò toàn quốc và có biểu diễn kỹ thuật quyền cước, công phá và song đấu...Mỗi lần như thế anh Tiến đều đài thọ mọi chi phí mời ba cha con tôi lên Oslo để giúp anh. Hai anh em tôi thì lo huấn luyện và biểu diễn, còn ba tôi thì giúp anh trong công việc tổ chức, làm trọng tài cho các cuộc giao đấu và chấm thi cho học trò các cấp lên đai v.v...Từ đó đến bây giờ, theo thông lệ năm nào anh em tôi cũng lên Na Uy huấn luyện giúp cho các võ đường trên đó. Trong số những học trò cũ của anh Tiến và anh em tôi bây giờ đã có nhiều người  đã đứng ra lập được những võ đường riêng của họ nơi đia phương họ cư ngụ.

Cũng trong thời gian khoảng cuối năm 1977, ba tôi có ý định mở ra võ đường Hwa Rang  tại tỉnh Taastrup, nơi gia đình tôi cư ngụ.Theo lời ba tôi tâm sự , lúc bấy giờ ba tôi có ước vọng thành lập một võ đoàn gồm toàn thanh thiếu niên nam nữ VN từ 10 tuổi đến 25 tuổi, coi đó như rường cột của cộng đồng người Việt tị nạn trong tương lai. Nếu  thành công , ba tôi sẽ phát triển chương trình đến các giới thanh niên VN tị nạn ở Na Uy, Thụy Điển rồi đến các nước Âu Châu, để làm mẫu mực cho các nơi khác như Mỹ và Canada...

Từ ngày còn ở VN, ba tôi thường nói với anh em tôi rằng: Tuổi trẻ luôn luôn hiếu động, hằng ngày các bậc cha mẹ đều phải lo làm ăn , đầu tắt mặt tối, không còn thì giờ nào để dòm ngó đến sinh hoạt của con cái ngoài những giờ học ở nhà trường. Vậy , muốn tránh cho trẻ con rơi vào cạm bẫy bê tha như chơi ma túy, cờ bạc, lêu lổng du thủ du thực , trai gái v.v... cần phải trao cho tuổi trẻ một cái gì để chúng nó yêu thích, say mê, mà quên đi khoảng thời gian trống trải trong ngày, như  học đàn, học vẽ...nhưng cái hốp-bi hay nhất vẫn là học võ.

Theo ba tôi, học võ không phải để đi đánh lộn, để ăn thua với thiên hạ. Mặt khác, võ thuật không phải chỉ là một môn thể thao luyện tập cho thân xác khoẻ mạnh, nó còn có khả năng tự vệ khi cần thiết, giúp người  yếu đuối trong cơn hoạn nạn. Ngoài ra, võ thuật chính là một phương cách đào luyện tinh thần ” võ sĩ đạo” vô cùng hiệu nghiệm. Hãy soi gương giới võ sĩ đạo Nhật Bản,  Đại Hàn và giới võ lâm Trung Quốc thì biết. 

Ba tôi thường nói:” Một người, nếu chỉ có văn thôi thì là văn nhược (tất sẽ hèn nhát, dễ bị cường quyền áp bức) , và nếu chỉ có võ thôi thì sẽ là võ phu (tất sẽ thô lỗ, bạo tàn, thiếu nhân tính, có xu hướng hà hiếp kẻ yếu)”. Vậy muốn làm người có đức tính cân bằng , cần phải gồm cả văn lẫn võ ! ” ...

Nói đến đây, bỗng ngưng một lát, Kỳ Thụy thở dài chán nản, rồi lại thong thả tiếp:” Nhưng đáng tiếc, ba tôi đã không thực hiện được mộng ước tốt đẹp của ông , vì một vài lý do bên ngoài!”...

 MAU CHÓNG TỰ LẬP.

TD.- Vậy còn việc thành lập võ đường thì sao?

KT.- Ba tôi vẫn xúc tiến mạnh mẽ. Vì lúc bấy giờ anh em tôi, tuy đã thừa khả năng và kinh nghiệm để huấn luyện, nhưng chưa ai đủ tuổi thành niên pháp định để có thể  đứng ra thành lập và điều khiển võ đường. Nhất là anh em tôi còn ” con nít” quá, không thể nào ký tên phát cấp bằng lên đai cho các lớp võ sinh. Vì thế chúng tôi hãy còn phải hoạt động dưới cái dù của ba tôi. Vì sau khi gia đình  tôi đến Đan Mạch tị nạn không bao lâu, (khoảng cuố½i năm 1977) thì cựu trung tướng Choi Hong Hi, chưởng môn mà cũng là ” cha đẻ” của môn võ Thái Cực Đạo  Đại Hàn, lúc đó cũng đang lưu vong ở Canada, đã sang Đan Mạch thăm ba tôi, và đã lưu lại trong gia đình tôi vài hôm.

Dịp này , chưởng môn Choi Hong Hi đã trao tặng cho ba tôi quyển sách nghiên cứu về Taekwon Do rất giá trị , nổi tiếng thế giới của ông, đồng thời truy cấp bằng sắc cho ba tôi và còn  làm giấy ủy quyền cho ba tôi được phép thay mặt ông ký tên cấp bằng lên đai cho tất cả võ sinh TCĐ đến cấp đai đen đệ nhất đẳng.

Ngay ngày đầu tiên mới khai giảng, võ đường của mấy cha con tôi đã thu được kết quả tốt đẹp ngoài mức dự tính. Từ đó môn võ TCĐ đã bành trướng rất nhanh chóng trên toàn cõi Đan Mạch.

TD.- Ngoài việc dạy võ ở Đan Mạch, anh còn làm gì khác nữa không?

KT.- Ngay khi cho phép anh em tôi được bắt đầu tập võ, ba tôi đã đưa ra 2 điều kiện quan trọng: Không được dùng võ đánh lộn với bất cứ ai. Chỉ coi môn võ như một môn thể thao, như đá banh chẳng hạn, và phải cố gắng học hành để tạo cho  mình một nghề sinh nhai đàng hoàng. Bởi thế, hai anh em tôi đều không ai dùng TCĐ làm nghề mưu sinh. Em tôi đã trở thành thuyền trưởng, còn tôi thì làm nghề trang trí nội thất.

Song song với học hành  từ năm 1977, mỗi tối và mỗi cuối tuần anh em tôi còn lo dạy cho võ đường Hwa Rang do cha tôi sáng lập và đứng tên làm chủ tịch. Ngoài ra, anh em tôi cũng thường xuyên đi dạy cho các võ đường khác ở các nước Bắc Âu , như: Na Uy, Thuî Điển và Phần Lan, Đức Quốc v.v...

Từ khoảng năm 1980, anh em tôi đã trưởng thành , đã được cử làm huấn luyện viên quốc gia của Đan Mạch, đã có chân trong hội đồng Kỹ Thuật của tổng cục Thái Cực Đạo Đan Mạch. Như thế anh em tôi đã có thể tự đảm nhiệm được mọi công việc của một võ đường, từ tổ chức hành chánh, quản trị tài chánh, và huấn luyện võ sinh, cùng với việc tổ chức các cuộc thi lên đai cho các võ sinh v.v..., nên lần hồi ba tôi đã nhường quyền điều khiển võ đường Hwa Rang lại cho hai anh em tôi, để chuyên lo viết sách và biên soạn tự điển.

Vả lại, đến lúc này môn võ TCĐ đã có nhiều thay đổi quan trọng từ cơ chế đầu não là Quốc Võ Đường, ở Hán Thành (Seoul) cho đến một số kỹ thuật căn bản trong các bài quyền (poomse) và phương cách huấn luyện...Về hệ thống điều hành và danh xưng kể từ năm 1954 tổng cuộc TCĐ Đại Hàn được gọi là: International Teakwondo  Federation (viết tắt là ITF). Nhưng sau khi cựu trung tướng Choi Hong Hi, vị chưởng môn khai sáng đã vì lý do chánh trị , chống đối chánh phủ, phải lưu vong hải ngoại (khoảng đầu thập niên 70), thì ở trong nước, các võ sư trong Quốc Võ Đường thuộc phe thân chính đã cải danh là: World Teakwondo Federation (viết tắt: WTF) đồng thời cải biến cả hệ thống  ” poomse”, nhắm mục đích loại trừ hẳn ảnh hưởng của phe nhóm của chưởng môn Choi Hong Hi ...

Trong trường hợp này, như anh đã biết, ba tôi vốn thuộc lớp người cũ , thuộc cánh của chưởng môn Choi Hong Hi, và là bạn thân của ông ấy, lại từng giữ chức phó chủ tịch tổng cuộc TCĐ Âu Châu thuộc hệ thống của chưởng môn Choi Hong Hi, nên ba tôi đã không chịu chuyển hướng theo thời đại. Ba tôi vẫn giữ nguyên nhãn hiệu ITF để tỏ lòng  trung thành với người cố cựu. Như vậy, Quốc Võ Đường ở Đại Hàn không thể nào chấp nhận được.

Duy còn hai anh em tôi, vì không có ràng buộc gì sâu xa với hệ thống cũ, nên anh em tôi đã dễ dàng  thích nghi với hệ thống tổ chức mới mà lúc bấy giờ đã được các nơi trên khắp thế giới hưởng ứng. 

TD.- Anh có mở thêm võ đường nào khác không?

KT.- Có chứ !Trong thời gian này anh em tôi lại có thêm một võ đường mới khác, cũng mang tên Hwa Rang, ở tỉnh Rodovre, cách nơi gia đình tôi cư ngụ khoảng trên cây số. Đồng thời một số học trò cũ của anh em tôi đã có người lên tới đai đen , nên  đứng ra lập riêng một võ đường khác ở tỉnh Albertslund , nơi điạ phương họ cư ngụ. Nhưng họ vẫn chưa đủ khả năng và kinh nghiệm, nên vẫn còn phải nhờ đến sự tiếp sức của anh em tôi.

Giưã lúc mọi việc đang tiến triển tốt đẹp, bỗng em tôi, vì lý do nghề nghiệp, đã phải rời đất liền để sống cuộc đời hết ngày nay sang tháng khác lênh đênh trên biển cả. Em tôi làm việc cho công ty hàng hải thương thuyền  A.P. Moller, của Đan Mạch.

Từ đó, ngoài việc phải đi làm hằng ngày, tôi còn phải cáng đáng một lúc đến 3 võ đường  đông hàng trăm võ sinh. Vì  thế tôi đành phải trao võ đường Hwa Rang ở Taastrup, đã do ba tôi khai sáng , cho một người học trò cũ, mà bấy giờ đã có đai đen nhị đẳng trông nom. Tiếp theo, vì không đủ thì giờ, tôi lại phải bỏ luôn võ đường Hwa Rang ở Albertslund. Tôi chỉ còn giữ lại một võ đường Hwa Rang duy nhất ở Rodovre, là một võ đường lớn nhất và nổi tiếng nhất ở Đan Mạch. Vì nơi đây đã sản xuất ra nhiều võ sư và võ sinh xuất sắc nhất , mang đai cao nhất Đan Mạch, và đã từng đoạt được nhiều giải vô địch Âu Châu và vô địch thế giới nhất. Hơn thế nưã, ngôi võ đường này lại là một cơ sở hoàn toàn biệt lập, đã được chánh phủ Đan Mạch xây cất dành riêng cho việc huấn luyện TCĐ. Trên toàn quốc Đan Mạch , trong số gần 140 võ đường thuộc tổng cục TCĐ , không một võ đường nào đã có được một cơ sở lớn rộng trang bị đủ tiện nghi , trên một thưả đất  rộng rãi biệt lập như vậy.

Đến đây tôi tưởng cần phải nói thêm, kể từ 1975 đến nay, tính ra tại Đan Mạch đã có đến ngót 10.000 võ sinh , đủ các đẳng cấp, và đã thành lập được khoảng từ 130 đến 140 võ đường.Trong số đó có khoảng 8 võ đường trên toàn quốc mang tên Hwa Rang, đã do anh em tôi gầy dựng nên. Có thể nói hầu hết các võ sư huấn luyện viên người Đan Mạch từ đai đen đệ nhất đẳng trở lên đếm không xuể. Nhưng số võ sư học trò cũ mang đai đen cao nhất đến ngũ đẳng đã có tới khoảng 3-4 người...

Tôi đã quản lý và điều hành võ đường này liên tục trong suốt 5 năm cho đến khi em tôi, Kỳ Tú trở về làm việc lại trên đất liền.

Đến khoảng năm 1995, võ sư  Shin Boo Young, 8 đẳng, một thầy cũ của anh em tôi và bạn thân của ba tôi, từ lâu  vốn làm chủ một võ đường lớn, cũng mang tên Hwa Rang, ở Hamburg, vùng Bắc Đức, ngỏ ý muốn trao cho tôi việc cai quản võ đường này giúp ông. Dịp này tôi đã trao võ đường ở Rodovre cho em tôi quản lý, để qua Hamburg. Tôi đã giúp võ sư  Shin Boo young , cai quản võ đường và huấn luyện võ sinh trong 2 năm. Trong thời gian này tôi đã được hưởng lương hằng tháng. Tuy vậy, trong thâm tâm, vẫn không bao giờ tôi quên được lời ba tôi đã dạy: Không được sống bằng nghề võ. Vì thế, tôi đã mau chóng trao lại võ đường cho ông, để tiếp tục làm nghề trang trí nội thất. Tôi đã mau chóng tìm được việc làm đúng khả năng ở Đức, mặc dù tiếng Đức của tôi lúc bấy giờ vẫn chưa được thành thạo và lưu loát cho lắm. Tuy nhiên, tôi vẫn không bỏ hẳn việc dạy võ. Lúc bấy giờ toà tổng lãnh sự Thổ Nhĩ Kỳ ở Hamburg

lại có ý muốn mở một lớp dạy TCĐ cho các tầng lớp thanh niên Thổ cư ngụ trong vùng này. Toà tổng lãnh sự Thổ vốn toạ lạc trên một thưả đất rộng, nằm sát cạnh một Mosqué đạo Hồi giáo do cộng đồng Thổ lập nên. Kế bên đó là một phòng rất rộng hoàn toàn bỏ trống, nên toà tổng lãnh sự và cộng đồng người Thổ ở Hamburg quyết định dùng nơi đó làm  một võ đường. Họ mời tôi đến  giúp họ tổ chức và huấn luyện cho  các võ sinh người Thổ. Nên biết, sau đệ nhị thế chiến, nước Đức đã bị tàn phá rất nặng nề. Đa số đàn ông và thanh niên Đức đã chết trận hoặc bị tàn phế trong cuộc chiến, nên  không đủ nhân lực để phục hưng nền kinh tế hậu chiến và tái thiết nước Đức. Vì thế chánh phủ Đức đã phải dùng đến lực lượng lao động ngoại quốc, và mở cưả cho nhập cảnh rất nhiều công nhân người Thổ. Hiện nay theo con số thống kê mới nhất, tại Berlin đã có đến trên nưả triệu người Thổ. Kế đó, đứng vào hàng thứ nhì là còn số dân thổ ở Hamburg!

Võ đường này của cộng đồng người Thổ tôi đã đặt cho cái tên đặc biệt là: “Hamburg Tiger”!

Tân Dân

  • KỲ SAU: TRƯỜNG HỢP NÀO MÔN VÕ THÁI CỰC ĐẠO ĐÃ DU NHẬP VÀO V.N., TỰ BAO GIỜ ? CUỘC VIẾNG THĂM ĐAN MẠCH CỦA VỊ CHƯỞNG MÔN KHAI SÁNG VÕ PHÁI THÁI CỰC ĐẠO ĐÃ NÓI LÊN ĐIỀU GÌ? TẠI SAO ƯỐC VỌNG THÀNH LẬP VÕ ĐOÀN CHO GIỐI THANH THIẾU NIÊN V.N. HẢI NGOẠI BẤT THÀNH?

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002