Đại Chúng số 76 - phát hành ngày 1/7/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

Tin Philadelphia:

TUỔI TRẺ: TRI THỨC VÀ TRÁCH NHIỆM

Chủ Nhật ngày 20 tháng 5 vừa qua, nhân chuyến đi thuyết trình do lời mời của Công Ty Dupont tại Delaware, Giáo Sư  Nguyễn Xuân Vinh đã dự buổi họp mặt tại Nhà Hàng Pacific do Ô.B. Hoàng D. Bình tổ chức để mừng ngày gặp lại Thầy Cô GS. Nguyễn X. Vinh sau bốn mươi lăm năm kể từ 1956.  Số thân hữu hiện diện: Ô.B. TS. Hoàng Ngọc Cẩn (NJ); Ô.B. GS. Phạm Hữu Bính (PA), B. Aileen Van-Nguyen, Ph.D. (DE), B. Mary Chi Ray (VA), Dược Sĩ Đỗ B. Bích, R Ph. RM., Nhà Báo Thomas Toan Le (PA, Asian News), James Tran (Financial Advisor, PA). và Ô.B Nguyễn Đức Lai (NJ), người vừa mới được Thượng Viện New Jersey biểu dương những công trình của ông đã đóng góp cho cộng đồng trong suốt hơn ba thập niên qua mà Báo Asian News đã đăng tải trong bài “Vinh Danh Một Nhà Hoạt Động Cộng Đồng Trầm Lặng” (số báo 149, 18-5-2001).

Được biết GS. Nguyễn X. Vinh sinh năm 1930 tại Yên Báy, nguyên Đại Tá Tư Lệnh Không Quân VNCH (1958-62); tốt nghiệp Tiến Sĩ Kỹ Thuật Hàng Không Không Gian Đại Học Colorado, HK (1965); Khoa Học Gia, NASA, HK; Hội Viên Hàn Lâm Viện Khoa Học Quốc Tế; Giáo Sư thực thụ, Đại Học Michigan, HK. Ông cũng là một nhà văn nổi tiếng dưới bút hiệu Toàn Phong với cuốn Đời Phi Công và Theo Ánh Tinh Cầu.

Trong buổi họp mặt thân hữu, GS. Vinh cho xem một bức hình chụp gọi là “Tứ Đại Đồng Đường” ghi lại bốn thế hệ thầy trò tại Hội Nghị Không Gian HK năm 1999 tại Ginwood, Alaska, gồm GS. Vinh (thầy); TS. James M. Longuski (trò); TS. Jordi Puig-Suari (trò của Longuski); TS. Brian Biswell (trò của Puig-Suari); và qua bài viết trong Việt Mercury, số 116, 13/4/2001, dưới nhan đề là “Trải Hương Theo Gió”, GS. Vinh đã cho thấy ông rất quan tâm đến sự hun đúc thế hệ trẻ VN. 

Ông viết: “Vào khoảng cuối năm 1988, tôi được đọc một bài viết của bác sĩ Trần Quang Đệ, giáo sư thạc sĩ y khoa và là cựu viện trưởng Viện Đại Học Sài Gòn... Bài viết chứa đầy chân tình của một nhà trí thức nặng lòng với đất nước... GS. Trần Q. Đệ đã mở đầu bài viết bằng câu: ‘Trong buổi chiều tàn bóng xế của cuộc đời, không còn điều kiện để dạy học, cũng không còn hành nghề, tôi thường hay tự hỏi: mình còn làm được điều gì lợi ích?’  Từ ngày tôi đọc được những lời tâm sự chí tình đó, ... tôi trân trọng lưu giữ bài của giáo sư Trần Q. Đệ vì tôi coi lời nhắn nhủ của cụ như là những lời khuyên chung cho cả lớp hậu sinh và, từ nhiều năm nay, lúc nào tôi cũng cố gắng trong bổn phận của một người dân gốc Việt đang sống lưu vong, xa quê nhà.  ... Và cũng như vị thầy tiền bối đã làm cách đây nhiều năm, trong ánh hoàng hôn của cuộc đời một nhà giáo, tôi nhìn lại chặng đường đã qua, duyệt những thành quả của thế hệ trẻ Việt đang vươn lên ở hải ngoại, của những thanh thiếu niên, cả nam lẫn nữ mà tôi đã được tiếp xúc và nói chuyện với họ, để rồi tự hỏi rằng: mình còn làm được điều gì lợi ích cho cộng đồng người Việt tha hương, và rồi đây cho quốc gia và dân tộc?”

Trong bài viết đó, GS. Vinh đã nêu tên tuổi một số người như: Bác Sĩ Nghiêm Đạo Đại, giáo sư tại đại học y khoa ở Pennsylvania, người đã đưa ra một phẫu thuật tân kỳ để ghép tụy tạng cho những người mắc bệnh tiểu đường loại I; Bác Sĩ Trịnh Đức Phương ở Washington D.C.: được chọn là bác sĩ ưu hạng trong bốn năm liền trong bộ môn y khoa truyền nhiễm; Bác Sĩ Trương Dũng (Long Beach, CA): nổi tiếng về khảo cứu chúng bịnh thần kinh Parkinson’s; Bác Sĩ Trần Như Hoàng được cựu TT Clinton nhắc tới trong một bài diễn văn quốc tế như là một tấm gương thành công xuất sắc của người Việt di cư: tốt nhiệp thủ khoa Trường Sĩ Quan Không Quân HK ở Colorado, sau đó lại tốt nghiệp bác sĩ y khoa tại Đại Học Havard;  Nguyễn Thị Cẩm Vân: tốt nghiệp á khoa Trường Sĩ Quan Hải Quân HK ở Annapolis, MD; Tiến Sĩ Trịnh Hữu Châu (Eugene H. Trinh) người đã được bay vào không gian năm 1995; Tiến Sĩ Cai Văn Khiêm: kỹ sư trẻ nhất đạt tới địa vị chief division technologist của Hughes Aircraft Company; Giáo Sư Nguyễn Hữu Xương (San Diego, CA) được National Institutes of Health công nhận là một nhà khảo cứu quốc gia qua công trình sáng chế Xuong Machine giúp nghiên cứu các tế bào liên hệ đến ung thư; bà Hoàng Thiếu Quân (Canada) là người phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm làm giám đốc tài chính thành phố Montréal; Bác Sĩ Nguyễn Tuệ đã đạt được bẩy văn bằng của Massachusetts Institute of Technology; Nguyễn Ngọc Quang tốt nghiệp bác sĩ với hạng danh dự tại Trường Y Khoa Baylor, Texas; Nguyễn Đạt (Texas A&M University) chiếm giải Lombardi 1998 về môn bóng bầu dục; Một sự kiện khác đáng lưu ý nữa là nguyệt san Scientific American, số tháng Hai, 1992, các Tiến Sĩ Caplan, Choy, và Whitmore thuộc Đại Học Michigan ghi nhận rằng: sự học hành thành đạt của các học sinh đến từ Đông Dương là nhờ ở sự liên hệ gia đình: phụ mẫu đã có nhiều hy sinh, khuyến khích, và tạo một không khí đầm ấm hạnh phúc dưới mái nhà, rất thuận lợi cho sự mở mang trí tuệ của con cái.

Trong buổi họp mặt, Giáo Sư Vinh đã tặng cho Ô. Bình đặc san New Horizon, Chân Trời Mới: 25 Vietnamese Americans in 25 Years, 1975-2000 với lời nói: “Tôi thấy anh thường viết về Tuổi Trẻ, nên tặng anh cuốn sách này để tham khảo.”  Chủ biên của đặc san đó là Nguyen Thi Diem Huyen và Nguyen Thi Thuy.

Qua bài sơ lược tiểu sử của GS. Nguyễn X. Vinh, bài viết (tr. 77) nhấn mạnh về ba giá trị của thế hệ đầu tiên của người Mỹ gốc Việt được tiêu biểu qua những công trình của ông, đó là: Cống Hiến; Nhân Phẩm; và Đặc Biệt [Dedication; Dignity; and Distinction].  Đối với vấn đề “tuổi trẻ chuyên viên trở về VN để giúp xây dựng đất nước”, ông nói: “Họ đã trở về và rất là thất vọng vì sự hợp tác yếu kém của các viên chức chính quyền.” Và, trong bài báo Công Thương (NY Viet Nam Business News: August 16-31, 2000, tr. 21), ông đã nhắn nhủ giới trẻ: “ Tôi vẫn khuyên các bạn trẻ là phải nên sẵn sàng đóng góp cho đất nước, nhưng phải đóng góp đúng lúc, đúng chỗ.  Đừng có làm những gì tưởng là giúp nước hóa ra lại đi tiếp hơi cho cộng sản nó sống dài thêm được ít lâu.  Chúng ta phải làm cho cộng sản nó sớm tàn lụi đi.  Trong mấy tháng vừa qua, tôi thường vẫn thường gặp các nhà đấu tranh nhân quyền cho Trung Quốc.  Chúng tôi tự bảo nhau là phải cùng nhau làm đủ mọi cách để chấm dứt những chế độ cộng sản.”  Trong đoạn cuối bài phỏng vấn trong New Horizon {tr. 81), GS. nói: “Chúng ta hãy tiếp tục làm việc càng ngày càng hăng hái hơn, nhưng luôn luôn trong sự hòa đồng, và rồi qua sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, huấn luyện, dạy kèm, và giáo dục, để mở rộng nhóm và tối quan trọng là làm sao cho thiểu số người Mỹ gốc Việt có tiếng nói mạnh hơn và có chỗ đứng vinh dự trong cộng đồng Hoa Kỳ.”

Buổi họp mặt kết thúc lúc một giờ trưa.  Anh James Trần, người thanh niên rất ham thích hoạt động cộng đồng, đã bầy tỏ cảm nghĩ của anh với B. Bình: “Ngày Chủ Nhật hôm nay thật là một ngày rất có giá trị đối với em.”

Thầy Cũ

Thầy gọi tên.  Tôi đứng dậy:
“Thưa Thầy, con có mặt.”
Thầy gật đầu, đưa ánh mắt biểu ngồi.
Tôi khoanh tay, nghe giờ phút êm trôi.
Nay: tôi nhớ, lúc tôi còn bé nhỏ,
Tâm trí chứa đầy u tối mông lung.
Tôi khao khát có ánh đèn soi tỏ.
Và chính Thầy đã giúp tôi điều ấy.
Những giờ học chăm chú nghe thầy dạy.
Mắt nhìn lên theo rõi bảng Thầy ghi.
Ngoài trời vắng, thoáng nhìn sân nắng trải
Trong lớp im, nghe nhẹ bước Thầy đi
Tháng ngày qua tâm trí dần đổi khác:
Thấy tự tin và chững chạc hơn ai.
Càng miệt mài sách vở cho tương lai

Dù hôm nay mệt mỏi lún đôi vai,
Tôi vẫn thấy nhớ hoài ơn Thầy cũ.
Tôi vẫn ghi: chưa trả được nghĩa gì.
Dù sóng đời tiếp tục cuốn tôi đi,
Tôi vẫn nhớ mãi ghi tình Thầy cũ,
Nhớ những góc đời ấp ủ thân thương,
Nhớ Những Ngọn Đèn soi tỏ dọc đường
Dẫn tôi tới Ngôi Vườn Hoa Trí Tuệ.

Hải Bằng. HDB

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002