Đại Chúng số 76 - phát hành ngày 1/7/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

MỘT NGÀN LẺ MỘT CHUYỆN NHỚ QUÊN

Mộng Tuyền Nữ Sĩ

Ông Vũ Bắc Tiến Brookhurst Orange County (CA): Trong Kinh Thi có mấy vần thơ nhắc đến mối tình giữa Ngưu Lang và Chức Nữ, có lần tôi được đọc qua, song từ ngày sang Hoa Kỳ thì gần như quên khuấy mất. Kể cả các bài Thường Nga và Thu Tịch đời Đường tôi cũng chẳng còn nhớ đến nữa. Bà cụ nhớ xin nhắc hộ cho.

_ Các bài mà ông nêu ra chỉ về câu chuyện tình giữa Hằng Nga và Hậu Nghệ, mãi đến ngày nay vẫn còn được sùng bái, như câu chuyện anh hùng và mỹ nhân, xem đó thứ tình yêu thơ mộng được thần thánh hóa. Đây là mối tình đẹp nhất trên đời. Trong Kinh thi nơi thiên Tiểu Nhã có bài:

Bạt bỉ chức nữ,
Chung nhật thất tương;
Hoãn bỉ khiên ngưu,
Bất dĩ phục sương.

Bài Thường Nga mà ông muốn được nhắc lại là của Lý Thương Ẩn như sau:

Vân mẫu bình phong chúc ảnh thâm,
Trường hà tiệm lạc hiểu tinh trầm,
Thường Nga ưng hối du linh dược,
Bích hải thanh thiên dạ dạ tâm.

Có nghĩa:

Đèn khuya mờ chiếu bóng bình phong, giữa canh vắng, sao thưa, trắng cả bến sông. Thường Nga cam chịu gánh lấy một mình tội trộm thuốc, giữa đêm vòm trời trong xanh mà cảm thấy xoqt xa lòng.

Còn bài Thu Tịch  của Đỗ Mục như sau:

Ngân chúc thu quang lãnh họa bình,
Khinh la tiểu phiến phác lưu huỳnh,
Thiên gia dạ sắc lương như thủy
Ngọa khán khiên ngưu chức nữ tinh.

Có nghĩa:

Bóng trăng mờ hiu hắt khiến cho bức bình phong phải lạnh lẽo, cánh quạt mềm phe phẩy, con đóm lướt ngang qua. Lưng trời gió thoảng nhẹ nhàng thổi lại, nằm một mình lặng ngắm bóng Ngưu lang.

Cháu Hoàng Dung Orange County : Nhân chuyến đến thăm viếng quận Cam của Đức Đạt Lai Đạt Ma vừa rồi, cháu sực nhớ có câu chuyện được nghe thuật lại tại đất Tây Tạng có cả một làng "không có người chết". Chẳng biết chuyện này có đúng như thế không? Bà cụ chỉ giáo.

_ Có. Bà còn nhớ có lật lần đọc được chuyện này trên tuần báo Tri Thức - do ông Thinh Quang - đứng làm chủ bút, có đăng tải về câu chuyện hi hữu khá lạ lùng này mà các khoa học gia trên thế giới đã đổ xô đến tìm hiểu nguyên nhân các cư dân tại làng

Tungchu, Tây Tạng được "trường sinh bất tử" như vậy. Theo bác sĩ Steven Curtis thì trong lịch sử loài người chưa hề có hiện tượng kỳ lạ này. Ông cho biết người chết đến trụ sở xã khai tử người cuối cùng vào năm 1942 và cũng kể từ đó đến 1991 - theo tờ Sun ấn hàng vào ngày 31 tháng 12 năm 1991 - thì không thấy có ai đến khai tử nữa, có nghĩa là không có người chết tại làng này. Ông xác định sau cuộc điều tra thì cư dân tại đây sống mãi và ông cũng chẳng biết lý do nào đã giúp họ được ơn phước lớn như vậy!"

..."Tôi chẳng thấy có một người nào tại xã Tungchu đó bị bệnh tim, ung thư hay các bệnh đột biến khác. Trẻ em sinh ra không một bé nào tử vong cả.”

Bởi không có người chết kể từ năm 1942 đến năm 1991 - ngót nửa thế kỷ - ngôi làng cổ Tungchu này gia tăng dân số đáng kể, từ chỗ 680 người tăng vọt đến 6.224 ở năm 1991. Người được xem là thọ nhất trong làng Tungchu này 142 tuổi (tính đến năm 1991) và 188 người sống đến 130 tuổi cũng tính đến thời gian ghi trên.

- "Tôi đã khám thật cẩn thận sức khỏe của các bậc trưởng lão này , họ đều nằm trong tình trạng tốt cả.”

Được hỏi là da dẻ của các cụ như thế nào, được nhà khoa học này cho biết: "Da họ có nhăn đi, răng cũng rụng toàn bộ, nhưng thân thể họ thật cường tráng." Và ông kết luận: "Trong đám trường sinh bất tử này chẳng một ai có bệnh tật gì?!"

Theo nhà nhân chủng học - ông Dennis Johnson - người phát hiện đời sống lạ thường ở đây cho biết:" Tunbgchu không giống bất cứ một địa phương nào trên trái đất. Có những người rất già, nhưng tôi không thể tin nổi là số tuổi của họ đến 120 hoặc 130 cả. mặc dù trên mặt họ cũng có những vết nhăn nheo và răng cỏ có cụ rơi năm mười cái, có cụ trọn cả hàm nhưng chẳng phải vì thế mà họ lọm khọm già yếu. Họ vẫn còn đi xe đạp với những đoạn đường dài không biết mệt. Không phải chỉ thỉnh thoảng mà ngày nào họ cũng đạp những cuốc xe mà tuổi trẻ các địa phương khác không thể theo kịp.

Được hỏi vì sao mà họ được phép mầu như vậy, được họ cho biết nhờ vào lòng tin tuyệt đối của họ đối với nhà Phật. Theo các bác sĩ thì họ chỉ ăn uống các thực phẩm như gạo, các loại đậu và cá, ngoài ra chẳng có gì khác nữa. Theo bác Curtis, cho dù họ có bất cứ lối ăn uống thế nào thì con người hay mọi vật thể khác cũng phải theo qui trình của hoại vong.

Đại khái là như vậy. Bà cũng chẳng biết đến bây giờ thì làng Tungchu các cụ trường thọ ấy còn sống hay đã chết? Và dân cư còn ở trong hoàn cảnh nhiệm mầu này nữa không?!

Ông Đoàn Duy Hùng 49 st. Philadelphia (qua Thu Center Road Derxel Hill) Trong Tam Tự Kinh có câu:" Toan khổ cam. Cập Tân Hàm. Thử ngũ vị. Khẩu sở hàm..." Tôi muốn hiểu từng nghĩa của mỗi chữ và đạt được ý của lời dạy này của thánh nhân. Nếu được xin cho lời diễn giải".

_ Nguyên câu như sau: "Toan khổ cam. Cập tân hàm. Thử ngũ vị. Khẩu sở hàm. Thiên tiên hương. Cập tinh hư. Thử ngũ xú. Tị sở khứu".

Nghĩa của từng chữ: Toan (vị chua). Cam (vị ngọt) Khổ (vị đắng). Tân (vị cay). Hàm (vị mặn). Hàm (ngậm trong miệng). Khẩu (cái miệng). Thiên (mùi gây hay mùi hôi của con dê). Tiên (mùi khét,mùi các vật bị khét cháy). Tình (mùi tanh hôi của thịt cá). Hư (mùi mục nát hay mùi thịt bị rữa nát). Xú (mùi thối). Khứu: ngửi bằng mũi. Tị (cái mũi). Nghĩa chung: Chua, ngọt, đắng, cay, mặn là năm loại vị mà ta có thể ngậm vào miệng là phân biệt ra được. Còn hôi, cháy, thơm tanh, mục nát là năm loại mùi thối mà ta dùng mũi ngửi là phân biệt được.

Câu chuyện kể bên dưới nói về ý nghĩa lời dạy của thánh nhân:

Có câu chuyện về sự tích con kiến như sau:" Ngày xửa, ngày xưa, có một anh chàng rất lười biếng không chịu làm việc, hắn ta rất thích ăn đồ ngọt, lại có cái mũi rất thính ngửi, một viên kẹo nhỏ rơi rơi ở đâu hắn cũng có thể ngửi thấy và tìm ra được. Vì tính hay ăn biếng làm, nên ruộng vườn đều bị bỏ hoang. Một hôm người vợ thấy vậy bèn nói với hắn là bây giờ mình còn trẻ, còn có sức lực, nên ra ngoài học hỏi người ta, để rồi học được một cái nghề giữ thân và nuôi vợ nuôi con sau này. Anh chàng nghe vậy bèn thu xếp. Trên đường ra đi qua một cái vườn rau, thấy một con ngỗng rơi xuống hố phân lên không được. Anh chàng cứ tiếp tục đi, mãi một lúc sau thấy một số dân làng chạy ra gặp anh hỏi có thấy một con ngỗng trắng không. Anh ta sực nhớ và nói với dân làng là: "Tôi có thể dùng cái mũi của tôi để ngửi và tìm hộ cho". Thế là hắn bèn làm ra vẻ ngửi hết chỗ này đến chỗ kia rồi đi dần tới cái hố phân trong vườn ra và bảo dân làng cứu con ngỗng lên. Từ đó dân làng rất tín nhiệm hắn và đặt cho hắn cái tên là "Hiếu Tị Sư". Cái biệt danh này truyền đến được tai vua. Khi vua bị mất cái ngọc tỉ, tức cái dấu ấn của vua. Vùa bèn truyền cho gọi hắn lên để tìm. Hắn vô tình và may mắn tìm được kẻ ăn trộm ngọc tỉ của vua. Vua bèn ban cho hắn muốn lấy cái gì thì cứ nói lên. Vốn bản tính thích ăn đồ ngọt, mà lại nghe nói đồ ngọt trên thiên đàng còn ngon hơn ở dưới trần gian xấp trăm ngàn lần. Hắn mới yêu cầu Vua làm cho một cái thang lên trời để hắn có thể leo lên trên ấy mà ăn đồ ngọt. Khi hắn leo đến nửa chừng, không ngờ gặp phải ông thần Sấm Sét và bị ông thần này đánh cho một rìu làm hắn ngã từ trên trời xuống đất. Khi chạm đến đất thân xác hắn vỡ ra hàng trăm ngàn mảnh và biến thành một đám kiến nhỏ, đi đến đâu ngửi đến đó.”

Bà Vũ Ngọc Hồng Washington DC. Tôi được biết về "Sâm Đại Hàn" mà người ta thường gọi là Sân Cao Ly, nhất là Linh Sâm, nhưng chưa rõ về tác dụng của nó. Vậy bà cụ nếu biết xin chỉ giáo hộ cho.

_ Sâm Cao Ly là đệ nhất linh thảo lừng danh khắp năm châu bốn bể. Hình dáng nó giống người có chân tay, có nhiều củ còn có cả bộ phận sinh dục nam hay nữ nữa. Loại sâm tự nhiên thường phát hiện ở Tây bắc Đại Hàn, loại đặc biệt to như đứa hài nhi, đương nhiên là không bán, chỉ gặp được khi có kỳ duyên. Tuy nhiên có một thời gian cách đây gần nửa thế kỷ họ tìm thấy một củ như vậy và hiện để tại viện bảo tàng của Bắc Kinh. Loại được trồng nổi tiếng ở nơi Linh Sơn,Tùng Đô,Thiên Quan, những địa điểm này nằm phía Tây bắc của thủ đô Bắc Hàn khoảng 100 dặm. Sân Đại Hàn có cả thảy 14 loại như sau: Sâm Thiên Nhiên (loại mọc hoang), người ta thường gọi là Linh Sâm. Có giai thoại về loại sâm này thường hiện thành hình các trẻ để đi chơi hay nhập bạn với các thiếu nhi khác để nô đùa. Loại này thường xuất hiện ở tỉnh Kuamo nơi có những ngọn núi cao nằm gần cực Bắc của Đại Hàn. Loại sâm này có thể cải tử hoàn sinh.

Ngoài ra còn có Bạch Hồng Sâm, Bách tế Sâm, Bạch Sâm, Hoàng Sâm, Linh Sâm, Thiên Quan Sâm,Dạ Điểu Sâm, Hoàng Đản Sâm, Lộc Sâm và Triều Tiền Sâm. Có dịp, sẽ nói về tác dụng của mỗi loại.

Ông Đỗ Ngũ Hồ BewtGrasse Dr. Charlotte,NC. 28269: Bà cụ có nhớ bài Tự Tình và bài Chiều Hôm Nhớ Nhà của Hồ Xuân Hương xin nhắc lại hộ. Xin thành kỉnh cảm ơn.

_ Bài: Tự Tình

Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom?
Oán hận trông xa khắp mọi chòm.
Mõ thảm không khua mà cũng cốc,
Chuông sầu chẳng đánh đánh, cớ sao om?
Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ,
Sau giân vì duyên để mõm mòm!
Tài tử văn nhân ai đó tá!
Thân này đâu đã chịu già tom?

 

Chiều Hôm Nhớ Nhà

Vàng tỏa non tây, bóng ác tà;
Đầm đầm ngọn cỏ, tuyết phun hoa.
Ngàn mai lác đác chim về tổ;
Dặm liễu bâng khuâng khách nhớ nhà.
Còi mục thét trăng miền khoáng dã;
Chài ngư tung gió bãi bình sa.
Lòng quê một bước nhường ngao ngán,
Mấy kẻ tình chung có thấu là?

Mộng Tuyền

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002