Đại Chúng số 75 - phát hành ngày 15-6-2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

VŨ TRỤ VÀ LỊCH SỬ TIẾN HÓA CỦA LOÀI NGƯỜI

NỀN VĂN HÓA TRUNG HOA & CÂU CHUYỆN BÁ TÁNH

THINH QUANG

Nền văn hóa Trung Hoa ngày càng được các học giả trên thế giới, nhất là Tây phương - đặc biệt lưu ý, nghiên cứu trên mọi lĩnh vực đối với một quốc gia vốn có một nền văn minh cổ đại và đa dạng này. Cũng kể từ đó các học giả trên thế giới hoàn toàn bác bỏ luận cứ cho rằng Âu Châu mới tiêu biểu cho nền văn minh khoa học. Qua các công trình nghiên cứu các nhà khảo cổ học đều xác nhận rằng Trung Hoa có ngót cả năm nghìn năm lịch sử, góp phần không nhỏ cho nền văn minh nhân loại. Trong công cuộc đóng góp qui mô đó có cả nền luân lý bắt nguồn từ Tông Pháp gắn liền với Tính Thị.

TỪ TÔNG PHÁP

Tông pháp là dấu hiệu tiêu biểu của một dòng giốmg cùng chung một huyết thống. Nó vừa là nền móng cho chế độ gia đình và vừa là nền tảng cho sự phát triển về mặt đạo lý cho xã hội. Vì vậy mà các nhà nghiên cứu về đất nước có nền văn minh tối cổ này cho rằng xã hội cổ đại Trung Hoa là một xã hội tông pháp, một xã hội lấy nguyên tắc quan hệ huyết thống. Điều này cũng có người phản bác lại, cho rằng không mấy thỏa đáng bởi xét về mặt phát triển của xã hội thì nó đã phải trải qua nhiều giai đoạn tuần tự phát triển của nó.

Nếu nói một cách khác cũng cùng một ý nghĩa như nhau thì sự quan hệ huyết thống chính là một nguyên tắc căn bản của một xã hội cổ đại Trung Hoa. Sở dĩ nói như vậy là dân tộc Trung Hoa từ ngày xây dựng được một xã hội có nề nếp đã áp đặt chế độ kế thừa của trưởng nam, tức sự thừa kế của con trai đầu lòng. Chế độ kế thừa này được trình bày sớm sủa nhất mà các nhà nghiên cứu tìm thấy được trong Lễ Ký nơi mục Đại truyện và Tang phục. Một học giả đời nhà Thanh - Trình Dao Điền - đã ghi lại khá tỉ mỉ về vấn đề này trong Tông Pháp tiểu ký:"Tông pháp trong thời đại nhà Chu bị gò bó,hay đúng hơn là giữ độc quyền cho giới quan quyền hoặc trong phạm vi sĩ đại phu nhưng về sau thì hầu như không còn nữa.

Nguyên tắc của Tông pháp là sự phân biệt rõ ràng giữa đại tông và tiểu tông. Muốn hiểu rõ ràng vai vế của hai hệ phái đó phải truy cứu được vị thủy tổ của một gia tộc. Thông thường trưởng nam được kế vị ngôi vua, còn các người em trai thì được gọi là "biệt tử". Các biệt tử không phải nối ngôi vua cha mà phải "ra riêng" do sự chỉ định của chính nhà vua đó.

Theo nguyên tắc thì "biệt tử" lập nên "gia" - nôm na là "nhà" đến khi chết được xem là thủy tổ của "gia" đó. Lễ Ký ghi "biệt tử vi tổ" tức biệt tử là ông tổ, bởi biệt tử tách ra riêng đó dẫn đầu cho một đơn vị mới. Như vậy thì con trai trưởng (của biệt tử", cháu của người trai trưởng, chắt của người trai trưởng v.v... của biệt tử cũng theo nguyên tắc thế tập đúng với truyền thống với con trưởng kế thừa, chuyển xuống từ đời này sang đời khác... và cứ tính từ người biệt tử đầu tiên "ra riêng" đó mà các đời sau gọi là thủy tổ. Lễ Ký đó là đại tông... Cứ như thế mà truyền tử lưu tôn, sách có câu:"đại tông bách thế bách thiên", có nghĩa cả trăm đời đại tông không đổi khác.

Về "tiểu tông" được giảng giải: Người trưởng nam của biệt tử xem là người kế thừa của đại tông. Tuy nhiên người này lại có thể có các con trai thứ, tức là các thứ tử v.v... Lại nữa các cháu trai trưởng, chắt trai trưởng v.v...của người trai trưởng đều thuộc về tiểu tông.

Quan hệ về huyết thống xã hội cổ đại Trung Hoa rất mực quan tâm. Và vì quan tâm nên họ đã thể hiện đúng theo nguyên tắc tông pháp. Căn cứ vào lễ chế tang phục, khi trong nhà có người qua đời, thì người có mối quan hệ huyết thống chiếu theo xa gần mà phục tang để bày tỏ nỗi đau thương của mình. Tuy nhiên đối với huyết thống tổ tông quá ngũ đợi thì miễn phải bày tỏ lòng mình qua chế phục. Vì vậy Lễ Ký nói:"tiểu tông ngũ thế tắc thiên", có nghĩa tiểu tông năm đời có thay đổi. Các nhà khảo cổ học gần đây phát giác giáp cốt văn ở Ân Khư thấy được người đời Thương cũng đã có nguyên tắc Tông Pháp, chứ không phải như trước kia cho rằng tông pháp là do người Chu đưa ra.

Tóm lại, chế độ Tông Pháp trải qua nhiều thời đại như từ Tiên Tần đến Tần Hán. Rồi từ Hán đến Đường, thời kỳ này đều tỏ ra sùng thượng phổ hệ môn phiệt, từng cùng có quan hệ tông pháp. Trương Tái đời Tống cho rằng muốn giữ được lòng người, thu được tông tộc, đắp bồi cho phong tục, làm sao cho người ta không thể quên được nguồn gốc mình, thì không gì hơn làm sáng tỏ được phổ và lập tông tổ pháp. nếu không lập được tông pháp thì làm sao người ta biết được nguồn gốc của mình. Người xưa ít thấy có trường hợp có người quên được nguồn gốc của mình. Tông tử pháp phá bỏ đi, người đời sau chuộng phả điệp, còn sót lại phong tục. Nếu phả điệp cũng lại phá nốt thì, người ta sẽ quên mất nguồn cội của mình, không thể chép đời đời từng nhà, cốt nhục cũng chẳng biết thống thuộc, cho dù chí thân đi nữa thì ơn ấy cũng mỏng đi." Đến đời Nam Tống trở về sau người đời lại xem trọng việc thi hành việc gia phả, xem gia phả là then chốt quan trọng không thể bỏ qua để duy trì huyết thống.

 

ĐẾN TÍNH THỊ

Người Trung Hoa ngoài có tính, có danh còn có tự. Tính đó là họ. Danh đó là tên. Khi mới lọt lòng không được đặt "tự" tức tên "chữ", có nghĩa không quyền đặt tên "chữ" cho đến khi nào qua giai đoạn lễ chế tức "quán lễ" và "kê lễ" - lúc ấy cha mẹ mới được đặt nốt thêm phần tên "tự" còn lại. Vì vậy mới có câu "đồng tử vô tự" là vậy.

Họ của người Trung Hoa đặt trước tên (danh) và "tự" thì đặt phần cuối của toàn bộ tên họ. Ví như Lý Hạ tự Trường Cát. Lý chỉ cho họ (tính), Hạ là tên (danh) còn Mục Chi là tự (tên chữ) v.v... Như vậy ta thấy Họ, tên và Tự đi liền nhau. Khác với người Tây phương tên đi trước họ. Nguyên tắc họ trước tên sau của người Trung Hoa đã sử dụng phức tạp hơn nhiều. Sở dĩ có sự khác biệt nhiều hơn vì họ người Tiên Tần liên quan mật thiết với chế độ mẫu hệ. Nó tiêu biểu của từng bộ lạc được gọi là thị tộc. Dưới chế độ mẫu hệ lúc sinh ra chỉ lấy họ mẹ mà chẳng biết cha, vì vậy chữ tính có thêm bộ nữ... Các họ mang bộ "nữ" như họ Quy, họ Cơ hay họ Diêu v.v...

Theo Quốc ngữ Trịnh ngữ thì Chúc Dung có tám họ, nhưng khi đổi, chiếu với các tài liệu khác chỉ thấy có sáu họ. Như vậy chứng tỏ Chúc Dung chỉ có sáu họ, còn hai họ thêm vào đó có thể từ họ khác tách làm đôi ra. Tám họ này gồm họ Kỷ, họ Đổng, họ Bành, họ Thốc, họ Vân, họ Tào, họ Châm và họ Mỹ...

Đặc biệt về thời Tiên Tần không như thời Chu Thương và kể cả đến hiện nay cũng vậy, lúc bấy giờ đặt tên (danh) trước họ (tính) như các nước Tây phương. Việc đặt họ của từng tông là mục đích để dễ nhận ra có liên hệ với dòng máu mình đặng tránh không lấy nhau, lễ chế quy định như vậy. Trong Lễ Ký có câu:"Đồng tính bất hôn" tức cùng họ không lấy nhau.

Nói về tính thì vô cùng phức tạp. Có sách bảo nó là do sự tiếp tục của "Thị" vào thời Tiên Tần. Cũng như có nhiều "tính" xuất phát từ các dân tộc thiểu số v.v...Về sau, cũng có nhiều nhân vật đặt thêm "hiệu" gắn liền với tên mình. Ví như Đỗ Phủ tự Tử Mỹ, hiệu Thiếu Lăng..tức biệt hiệu là Thiếu Lăng. Biệt hiệu là do tự mình đặt ra để chỉ về một ước vọng nào đó hoặc nói lên về cái ý chí của mình hay chỉ về nơi chốn mình sinh ra...như Khúc Phụ nơi âý có núi Ni.

Vào các thời đại xưa thường có lệ úy kî của các bậc tôn giả, ví như tên của vua, dân tránh việc đặt trùng, nếu đã có trước thì phải đọc hay gọi chệch đi.( Thậm chí cả trong các giới trong dân gian, việc đặt tên và xưng hô cũng úy kî, là tránh không được đặt tên của con cháu mình trùng hợp tên tuổi của các vai vế cao hơn, hoặc xưng hô không được phép gọi đích danh của người trưởng thượng hay vai vế bằng nhau trong vòng anh em máu mủ cũng vậy,mà chỉ xưng hô bằng thứ bậc)

Qua lĩnh vực tìm hiểu Tông Pháp và Tính Thị ta có thể nhận thấy dân tộc Trung Hoa đã trải qua một xã hội thị tộc nguyên thủy dài lâu tính từ thế kỷ thứ 21 kế đến tận thế kỷ thứ 16 tr. CN. đời nhà Hạ cho thấy rằng nền văn minh đã xuất hiện ngay từ ngày tiến đến lập quốc về phương diện phát triển đạo lý của con người để bảo đảm sự an toàn cho xã hội.

Thinh Quang

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002