Đại Chúng số 75 - phát hành ngày 15-6-2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

Đằng sau hậu trường quyền lực:

LÀM CÁCH GÌ ĐỂ BẢO VỆ TÍNH MẠNG TỔNG THỐNG MỸ?

  • Tâm sự của đoàn cận vệ cảm tử đem mạng sống của mình che chở cho nhà lãnh đạo Hoa Kỳ

  • 30 triệu đô la để giữ an ninh cho một ứng cử viên tổng thống

Hà Ngọc

Câu chuyện dưới đây diễn ra ở Mỹ quốc nhưng cũng là một hoàn cảnh chung của một số quốc gia dân chủ tây phương. Nước càng tự do, nhà lãnh đạo càng phải đương đầu với nhiều bất trắc lớn lao không cứ về mặt chính trị mà riêng về bản thân cũng thường xuyên bị đặt trong tình trạng bất ổn. Nhà nguyên thủ luôn phải xê dịch, xuất hiện trước quần chúng, tiếp xúc và nói chuyện. Cứ mỗi lần như vậy, giữa rừng người tập trung hai bên đường hân hoan chào đón thì lại có biết bao âm mưu đen tối rình rập tìm cách sát hại ông. Vào thời khắc ấy, bộ máy an ninh báo động toàn diện, và đối với những nhân viên có trách nhiệm bảo vệ thì khỏi nói, thần kinh của họ bị căng thẳng hơn lúc nào hết.

Năm 2000 vừa qua là mùa tranh cử tổng thống Hoa Kỳ. Vì thế, ngoài việc bảo vệ đương kim tổng thống, cơ quan an ninh Mỹ còn phải là “cặp mắt thần” bàm sát che chở mạng sống của hai ứng cử viên thuộc về hai đảng Dân Chủ – Cộng Hòa trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc. Và đây cũng là lần đầu tiên người dân Mỹ Quốc và thế giới bên ngoài được nghe biết tường tận về mạng lưới bảo vệ “một tổng thống” gay cấn đến nhường nào qua những lời tiết lộ của Dennis Mc Carthy. Ông là người đóng vai trò chủ chốt trong liền 28 năm, ngày đêm giữ gìn an ninh cho 5 vị tổng thống tiền nhiệm mà mạng sống đứng vào hàng bậc nhất hoàn cầu, luôn như sợi chỉ mành treo chuông. Dennis Mc Carthy cùng với những cộng sự viên thân tín của ông đã tuyên thệ hy sinh đời mình để lo cho sinh mệnh Tổng Thống Mỹ trong bất kỳ trường hợp hiểm nghèo nào xẩy ra. Họ đã khổ công tập dượt, ứng phó trước mọi tình huống, nhất là khi đi bên cạnh tổng thống. Họ luôn luôn là những bình phong vô hình hoặc có lúc lại là những chiếc mộc sẵn sàng hứng đạn thay cho tổng thống. Nhưng vẫn chưa một ai trong bọn họ tìm được sự yên tâm cho dù kỹ thuật đề phòng tinh vi đến đâu, vì súng đạn vốn ... vô tình. Và lằn đạn đi, đâu có báo trước từ một hướng nào. Trong rừng người, ở một mái nhà cao vót, tại một góc đường êm ả ... chỗ nào chẳng là cứ điểm phát xuất tiếng nổ chết người, sát hại tổng thống. Bố trí, bảo vệ tuyệt hảo đến đâu vẫn không thể tự liệu được hết, trước những bất ngờ của hoàn cảnh thực tế. Cho nên, sứ mạng bảo đảm an toàn tuyệt đối mạng sống của nhân vật quyền lực bậc nhất  thế giới tây phương là một ám ảnh ray rứt 24 trên 24 tiếng trong ngày đối với hệ thống an ninh Mỹ quốc ngày nay.

Dennis Mc Carthy thổ lộ: Lúc ban mai, khi vừa mở mắt đón những tia sáng bình minh, câu hỏi hãi hùng chứa chất đầu tiên đã hiện đến trong tôi là làm thế nào ngăn chận cho kỳ được một kẻ sát nhân (như lee Harvey Oswald, kẻ bắn cố TT Kenedy). Mối đe dọa ghê gớm kia đeo đuổi chúng tôi đến tận cùng buổi chiều tà nhường chỗ cho màn đêm bao phủ. Tóc xanh của bọn người chúng tôi sớm ngả mầu muối tiêu cũng là điều dễ hiểu. Hoa Kỳ há đã chẳng có một quá khứ lập quốc nặng nề sao, bắt nguồn từ cuộc “chinh phục miền Tây” với những năm tháng dài triền miên  chìm đắm trong bạo lực, trong súng nổ máu rơi. Lịch sử này, cảnh tượng này làm gì có ở Âu Châu đâu? Chẳng những thế, vì nhiều nguyên nhân xã hội phức tạp, trên đất Mỹ có khá đông những con bệnh thần kinh (đâu chỉ có những âm mưu của phía địch bên ngoài). Họ trút tất cả trách nhiệm vào ông tổng thống. Không công ăn việc làm, gia đình gãy đổ, rồi ngay đến bệnh tật đau đầu nhức óc ...cũng tại tổng thống hết. Có nhiều trường hợp, họ kéo nhau trước Tòa Bạch Cung đòi gặp tổng thống chỉ vì những lý do không đâu vào đâu. Thật tình, hiện tuợng này ít thấy có ở một quốc gia nào khác ngoài Hoa Kỳ.

Cái khối người hành động vì những động cơ cá nhân này, có chừng 40.000 tản mác trên khắp các tiểu bang. Cơ quan an ninh Liên Bang đều nắm rõ lý lịch và địa chỉ của chúng. Trong số, phân loại, có rất nhiều kẻ “cuồng loạn”, “mê sảng”. Ngoài đường phố qua lại, chúng có vẻ bình thường, cho tới một giây phút bất chợt nào đấy, chúng nhìn thẳng vào... “mục tiêu” và nổ súng. Đến lúc đó thì không ai kịp đề phòng nữa. Giữa đám nguy hiểm này – bọn được nhận diện là “cực kỳ nguy hiểm” tình nghi sát hại tổng thống, có khoảng 200 tên. Cứ mỗi dịp tổng thống rời Tòa Bạch Cung đến thăm một nơi nào thì bộ máy an ninh mất ăn mất ngủ. Nhiều phương pháp đối phó được đem áp dụng, bao vây chúng. Chỉ cần có một hai kẻ di chuyển ra khỏi thành phố chúng cư ngụ là đạo quân an ninh bám sát ngay, thông báo cho nhau sát nút. Nhưng đứng trên tất cả vẫn là thiểu số “công dân” không thuộc  vào các thành phần trên. Những phần tử này, ngoại hạng. Họ “hiền hòa” như bao triệu người khác, chưa hề gây sự lưu ý nào cho guồng máy an ninh, như Lee Oswald, thủ phạm giết TT Kenedy hoặc như John Hinckley, kẻ bắn TT Reagan vào năm 1981. Với các chuyên viên thượng thặng bảo vệ tổng thống thì đây là một ám ảnh khủng khiếp nhất- người ta mệnh danh hung thủ không khác nào những “trái bom nổ chậm”.

Để dẫn chứng, nhà chuyên viên từng “sống chết” với TT Reagan, ông Dennis Mc Carthy thuật lại câu chuyện nhiều năm về trước: “Hôm ấy, ngày 30/3/81 vừa kết thúc bài diễn văn trước một cử tọa đông đảo tại sảnh đường Hilton Hoa Thịnh Đốn, TT Reagan cáo biệt ra về Tòa Bạch Ốc. Tôi bước ra trước, đảo mắt nhìn quanh khắp lượt. Hoàn toàn không có gì khả nghi. Chỉ là một quang cảnh khá quen thuộc. Dân chúng tập trung vẫy tay hoan hô, chào mừng tổng thống. Nét vui tươi hiện rõ trên khuôn mặt từng người. Khi tổng thống chỉ còn cách chiếc xe hơi lộng lẫy bọc thép chống đạn độ 5m, bỗng tai tôi nghe như có một tiếng pháo nổ, tiếng nổ từ trái bong bóng của trẻ em thường thả bay lơ lửng thì đúng hơn. Rồi một tiếng thứ hai kế theo liền. Đúng là tiếng súng rồi! Và cùng lúc tôi nhìn thấy nòng súng đưa lên, phản ứng bén nhậy lẹ như tia chớp, tôi lao mình tới phía hung thủ. Mọi sự chỉ diễn ra trong một giây rưỡi đồng hồ nhưng đủ để cho kẻ sát nhân bắn ra 6 viên đạn. Tôi quật ngã y trong khoảnh khắc. Thời gian ấy, TT Reagan còn có thêm cố vấn Bạch Cung James Brady và một nhân viên bảo vệ bị trúng đạn. Quả thật cái điều chúng tôi nơm nớp lo ngại đã đến. Cả đời tôi tập dượt, chuẩn bị ứng phó hàng trăm lần trước những tình huống gay cấn như trên, thường được anh em chúng tôi mệnh danh tắt là “A.O.P” (Attack on the President). Tuy nhiên, tập gì thì tập, khi “tổng thống bị hung thủ ra tay ám hại”, tất cả chúng tôi hoàn toàn hành động theo phản ứng mà phản ứng thích nghi duy nhất là đem thân mình ra đỡ đạn. Chúng tôi triệt để chấp nhận điều này không hề bao giờ thắc mắc.”

Khi được hỏi về nguyên nhân thành lập cơ cấu bảo vệ tổng thống sao lại trao vào tay cơ quan Mật Vụ, và sứ mạng ấy có những siêu bí mật nào, Dennis Mc Carthu giải đáp: “Nếu có điều bí mật như dư luận muốn biết, chẳng qua chỉ bởi từ cái danh xưng của tổ chức ấy mà thôi. Khởi thủy, thật là một sự trớ trêu, vào năm 1865, cố TT Abraham Lincoln cho lệnh thành lập cơ quan Mật Vụ, và chỉ được ít ngày sau, lại chính TT bị ám sát! Đầu tiên, TT Lincoln muốn tạo ra nó để truy lùng và tiêu diệt bọn tứ chiếng giang hồ hoành hành ở miền Tây Hoa Kỳ. Thành tích bất hảo ở chúng là chuyên “làm bạc giả”. Chính phủ Liên Bang cần “cài” người của mình vào trong tổ chức của bọn vô chính phủ này. Nhưng phải đợi đến năm 1902, sau vụ ám sát thứ hai xẩy đến cho TT Mc Kinley, quốc hội mới bỏ phiếu chấp thuận đạo luật cho cơ quan Mật Vụ có sứ mạng bảo vệ trực tiếp TT Hoa Kỳ. Và, sở dĩ chọn như vậy cũng là vì ngẫu nhiên thôi, bởi vì cơ quan này ở kế cận Bạch Cung. Mỗi khi có chuyện cần, điều động nhân viên cũng thuận tiện hơn.

Trong thực tế, không phải vị TT nào cũng “muốn được bảo vệ”. Có vị khó chịu ra mặt. Nhưng luật là luật. Tỉ dụ,với TT Jimmy Carter. Ông không có vấn đề gì gay go đặt ra trong suốt nhiệm kỳ . Ông không có “kẻ thù”. Vì thế, ông bực bội khi thấy đoàn an ninh bao quanh. Có lúc, trong bọn chúng tôi đã phải nhã nhặn thốt ra: “Thưa tổng thống, chính Quốc Hội đã gửi chúng tôi đến đây. Chúng tôi phải làm tròn bổn phận...” Vai trò của sở Mật Vụ chỉ thực sự bước vào giai đoạn chủ yếu sau ngày cố TT Kenedy bị ám sát ở Dallas. Tình thế ngày lại sôi bỏng hơn. Trong hai thập niên gần đây đã càng rõ ràng thêm, qua các vụ sát hại TNS Robert Kenedy, lãnh tụ da đen Martin Lurther King và những tiếng súng mưu sát nhằm cào thống đốc Wallace, TNS Edward Kenedy. Ngày nay các vị tổng thống kế tục nhau đều đã chịu sử dụng xe bọc thép chống khủng bố mỗi lần xê dịch, và mặc áo lót chống đạn. Chúng tôi vẫn nhớ như in cơn nóng giận của cố TT Lyndon Johnson: Ngày 6.6.1968 sau vụ ứng cử viên Đảng DÂN CHỦ Robert  Kenedy (đã có tất cả hy vọng được đề cử ra tranh ghế tổng thống) bị bắn gục, thì vào nửa đêm TT Johnson cho triệu giám đốc sở Mật Vụ Liên Bang đến Bạch Cung gay gắt hạ lệnh: “Các ông chỉ có từ giờ đến sáng mai để chuẩn bị. Tôi muốn các ứng cử viên phải được triệt để bảo vệ. Không thể có chuyện đáng tiếc nào xẩy đến nữa.”

Tính ra, đầu năm 1964, bộ phận an ninh tổng thống có 350 nhân viên. Nay con số lên tới 2000 và còn hơn nữa, trên toàn quốc. Ngân sách dùng vào việc là 850 triệu đô la mỗi năm. Trong mùa tranh cử 1988 trở đi, riêng về mục bảo vệ ứng cử viên TT không dưới 30 triệu Mỹ kim.

Thời TT Reagan, hàng ngày, mạng lưới an ninh bảo vệ tùy theo thời khóa biểu hoạt động của TT mà tăng giảm con số nhân viên đặc trách. Bình thường là 20. Cao hơn là 200 người. Khi TT đứng trước đám đông quần chúng, tầm mắt của chúng tôi luôn chú ý đến bọn người “tay đặt trong túi áo, túi quần” Chỉ khi nào họ đưa hai tay ra ánh sáng như mọi người khác, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Riêng về chúng tôi thì đôi tay của chúng tôi không bao giờ được vướng mắc vào vật gì cả. Nghiêm lệnh, là không được phụ giúp “Đệ Nhất Phu Nhân” ôm bó hoa hoặc giương cây dù che cho TT. Nếu trời đổ mưa, TT cứ phải chịu đội mưa, chịu ướt mà rời xe bước vào thềm nhà hay ngược lại. Mỗi lần xuất ngoại là cả một vấn đề âu lo đặt ra cho chúng tôi, dù trước đó chúng tôi đã liên hệ mật thiết với cơ quan an ninh của quốc gia đón tiếp, trao đổi kế hoạch. Nhưng có biết bao phức tạp kể không xiết. Xin đưa một hình ảnh cho dễ hiểu: Ngày TT Reagan sang thăm nước Áo, bộ máy bảo vệ tại địa phương có khoảng 2000 đặc vụ. Đoàn chúng tôi đi theo 200 người. Các nhân viên chìm của họ không đeo một sắc hiệu nào. Khi máy bay TT Reagan vừa hạ cánh, cả rừng an ninh ùa ra làm nhiệm vụ của họ. Thật là may, chứ nếu có ai trong bọn họ, vì một lý do nào đấy, đưa tay vào bọc rút súng ra ngoài thì chắc chắn anh em chúng tôi phải hạ sát ngay. Làm sao còn có thời giờ để phân biệt nữa. Theo kinh nghiệm riêng, tôi thấy rằng dễ phối hợp với cơ quan Mật Vụ Nga và Trung Cộng trong việc bảo vệ TT Mỹ khi đặt chân lên vùng đất của họ, vì họ có nhiều biện pháp nghiêm ngặt đối với quần chúng nước họ. Nhưng nói thế thôi, chỉ trừ phi máy bay TT đáp xuống phi trường Hoa Thịnh Đốn, và xe đưa về tận khuôn viên Bạch Cung rồi, lúc đó chúng tôi mới trút được cơn ác mộng.

Trách nhiệm của chúng tôi nặng nề và những ngày sống của chúng tôi luôn căng thẳng. Trường hợp thê thảm xẩy đến cho cố TT Kenedy ngày xưa còn đeo đẳng một số anh em chúng tôi đến mãi ngày nay. Hôm tai họa ào tới, tất cả bọn họ cảm thấy mình đều là kẻ có tội. Mặc dầu, trước đó, họ đã khẩn khoản đề nghị với TT Kenedy dùng mui xe bằng kính chắn đạn. Nhưng TT quyết liệt từ chối: “Tôi không muốn bị ngăn cách với dân chúng”, ông nói thế. Người ta đành xin được đứng sau chỗ ngồi của TT, ông khó chịu, trả lời: “ Tôi không muốn thấy một ai khác hơn trong xe của tôi!” Tất cả ngao ngán đành chịu, cho đến khi những phát súng oan nghiệt dội lên.

Chúng tôi làm hết sức mình để phục vụ mạng sống của vị TT Hoa Kỳ. Nhưng lại có những nguyên tắc “danh dự” đặt ra cho chúng tôi phải tự bảo vệ nhân phẩm của chúng tôi đến cùng. Tỉ dụ, một hôm TT Johnson muốn chúng tôi dắt con chó quý của ông ra vườn chơi. Đáng tiếc, không một ai trong chung tôi có thể làm việc này dầu biết rằng ông phật ý lắm. Thế rồi, với cái ông ngoại trưởng Kissinger kia cũng vậy. Nhiều lần ra vào toà Bạch Cung, vì vô tình hay cố ý chẳng biết, ông ta cứ quên cái cặp hồ sơ trên xe, và như muốn nhờ chúng tôi ‘xách dùm” cho ông. Lần nào cũng vậy, chúng tôi tế nhị từ khước: “Xin lỗi giáo sư Kissinger, ông còn bỏ quên chiếc cặp trên xe đấy.”

Chúng tôi rất gần gũi với vị TT và gia quyến ông. Nhưng vẫn có một khoảng cách, vào những lúc như đã nêu trên. Còn gì thân hơn, ngay vào giờ khắc mở quà Giáng Sinh, chúng tôi đâu có vắng mặt được? Chúng tôi biết rõ cá tính của từng vị. Chúng tôi duy nhất là những người chứng kiến TT Hoa Kỳ  mặc “pyjama” kia mà. Vậy còn có gì xa lạ? Nhưng những điều chúng tôi nghe, thấy đều không dễ nhập vào chúng tôi! Chúng tôi trung thành với lời hứa là không bao giờ tiết lộ sự “riêng tư” thuộc về các vị ấy cả. các vị ấy đã tin cậy, tín nhiệm nơi chúng tôi. Chúng tôi không thể “bội ước”, vi phạm.

Về cá tính, tôi có thể nói thêm ít nhiều về TT Johnson. Ông nóng nẩy, thiếu tế nhị, thường quên đi, coi chúng tôi như những “gia nhân”. Vậy thì vào những lúc ấy, tôi cứ phải nhìn thẳng vào đôi mắt ông lạnh lùng mà nghiêm chỉnh, như để nhắc nhở ông phải rút lại lời nói, cách đối xử, nhất là không thể tiếp tục la lối.

Thỉnh thoảng tôi cũng có dịp chứng kiến một đôi nét buồn bã lộ ra nơi vị TT – tôi muốn nhắc đến trường hợp TT Nixon. Dạo ấy, vụ tai tiếng “Watergate” đang ầm lên. TT Nixon bước vào căn phòng bầu dục Tòa Bạch Ốc để ngỏ lời trước công luận , trên đài truyền hình. Lúc kết thúc, TT tiến đến bắt tay chào hỏi các chuyên viên kỹ thuật và ban phụ trách. Ông cũng lại trao đổi với họ đôi lời hài hước vui vẻ. Nhưng khi TT và tôi rời khỏi phòng ấy, bước vào dãy hành lang có nhiều cột đá lúc trời đã sẫm tối, bỗng nhiên ông dừng lại, dáng cách uể oải buồn chán. Không cần biết có tôi ở bên, TT Nixon tựa đầu vào cây cột, ũ rũ, mắt đẫm lệ. Đây là lần đầu, tôi được thấy tận mắt ông đau khổ đến thế. Tôi hết sức muốn lại gần ông, nói với ông rằng tôi cảm thông nỗi buồn của ông vô cùng. Nhưng lý trí lại không cho phép tôi làm thế. Bổn phận của tôi là phải cảnh giác từng giây, bảo vệ sinh mạng của ông. Tuy nhiên tôi vẫn nhòm chừng, chờ ông lấy lại sự bình tĩnh. Và giữa hai chúng tôi, không một ai thốt ra lời nào. Trong tôi, cho đến mãi về sau này, tôi phải nhìn nhận là tôi rất cảm mến TT Nixon.

Sứ mạng của chúng tôi đòi hỏi sự bén nhậy đến tối đa. Khi vị tổng thống cần đến, chỉ trong khoảnh khắc 2 giây đồng hồ là chúng tôi đã có mặt ở bên cạnh rồi. Anh em chúng tôi vẫn thường đùa, thường mệnh danh “khoảng cách” kia là “ một nhịp đập của trái tim”. Không được để chậm hơn.

Tại Tòa Bạch Ốc, những phòng riêng của TT và gia đình đều ở từng lầu trên. Tôn trọng khung cảnh ấm cúng riêng tư, chúng tôi không bước lên lầu, chỉ canh phòng ngay chân cầu thang và các lối đi về phía thang máy. Ngoại trừ, dưới thời TT Johnson, ông luôn có cảm nghĩ sợ sệt là bị chết bất thình lình vào đêm khuya, do đó, đã yêu cầu chúng tôi đứng gác ngay trước cửa phòng ông ngủ. Thông thường, việc canh phòng như thế này chỉ xẩy đến vào lúc TT Hoa Kỳ công du ở ngoại quôc mà thôi. Tôi còn nhớ một trường hợp khá buồn cười mà cũng thật “lên ruột”. Dạo ấy, TT Nixon đi viếng thăm chính thức các nước Âu Châu trong 13 ngày. Đến thủ đô Hung-Gia-Lợi là chặng chót, ông cảm thấy mệt mỏi nhiều. TT nghỉ đêm tại Sứ Quán Mỹ. Lúc đó vào 1 giờ sáng. TT Nixon liên lạc điện đàm với cố vấn Bạch Cung ở Hoa Thịnh Đốn. Bỗng nhiên câu chuyện chấm dứt. Thế nhưng, thật lâu sau phút ấy, điện thoại viên Bạch Cung cảm nhận được điều khác lạ, bất thường, vì tuy đường dây vẫn “bận”, chưa cúp, mà tiếng nói thì hoàn toàn vắng bặt. Nhân viên phụ trách điện thoại bèn vội báo cho cơ quan Mật Vụ. Nhiều giả thuyết được đặt ra như lằn chớp: TT bị ám sát chăng? Hay, bị chứng tim bất thình lình? Tôi có trách nhiệm bảo vệ kề cận TT, bèn “bay” lên lầu ngay. Sau phút quan sát hệ thống truyền hình kiểm soát toàn bộ quanh tòa nhà, không thấy gì khả nghi, tôi mở nhẹ cửa phòng. Đèn ngủ đầu giường vẫn bật sáng. TT Nixon đang an giấc ngon lành nhưng ống giây nói thì ...gác nơi vai ông. Thì ra lý do là vậy! Không muốn phá giấc ngủ ở ông, tôi nhẹ nhàng cúi xuống nhấc ống nói ra, TT Nixon giật mình choàng vậy, hoảng hốt, có lẽ lầm nghĩ là đang đối diện với hung thủ định xiết cổ ông. Chỉ một giây thôi, ông nhận ra tôi, ngỏ lời cám ơn.

Tưởng nên hiểu thêm vị TT Hoa Kỳ nào cũng ý thức được rằng sinh mạng mình như sợi chỉ mành. Vậy thì, giữa đêm khuya khoắt ở ngay vùng cộng sản mà có một bàn tay bí mật đang lần lần xiết vào cuống họng của mình thì sao nhỉ? ...

Mọi chuyện thuật trên đây dầu đã trôi qua nhưng những việc liên quan đến vấn đề bảo vệ vị nguyên thủ Mỹ quốc cùng các ứng cừ viên TT thì lúc nào cũng có chung một đáp số luôn luôn bất ngờ, căng thẳng. Tôi nhớ lại mùa tranh cử 1988 đã đặt cơ quan Mật Vụ trước một trọng trách nặng nề, phức tạp. Có thể nói rằng bộ máy ấy với 2000 nhân viên bị báo đông thường trực. Các ứng cử viênTT như Bush, Dukakisvà Jessie Jackson gặp nhiều sự đe dọa ghê gớm. Một vài âm mưu hạ sát Jackson được khám phá kịp thời, bị tiêu diệt từ trong trứng nước. May mắn hơn cả là đã phá vỡ kế hoạch của một cặp hung thủ “da trắng” quá khích có nhiệm vụ ám sát Jackson vào ngày 4/7/1988, chỉ cách vài hôm trước khi đại hội Đảng Dân Chủ chọn ứng cử viênđại diện chạy đua vào Tòa Bạch Ốc diễn ra.

Người ta thường thắc mắc tại sao những nhân viên an ninh nước Mỹ cứ hay choàng chiếc áo khoác dài màu xám tro muôn thuở kia, cùng với cặp mắt kính màu đen sậm che kín mắt. Chuyên viên mật vụ Dennis Mc Carthy không ngần ngại nói rõ ra một lần: “Chúng tôi không chủ trương dấu mặt. Chúng tôi không muốn rằng những kẻ chủ mưu cứ phải nhận ra chúng tôi tại “hiện trường”. Yếu tố tâm lý ấycó một ảnh hưởng sâu sắc. Khi nghĩ rằng chúng tôi đang nhìn y, hung thủ phải bận tâm đối phó – và dẽ bị để lộ ra những cử chỉ sơ hở. Còn về cặp gọng kính thì để bảo vệ đôi mắt của chúng tôi một khi thủ phạm hắt sơn hay định tạt ác-xít. Ngoài ra, cũng còn để cho hung thủ không thể biết chúng tôi đang nhìn y hay nhìn ai khác- trà trộn trong đám người ngay, kẻ gian sẽ mất đi phần nào sự bình tĩnh cần thiết.

Và, như muốn giãi bầy tâm sự của một người lấy nghề nghiệp làm lẽ sống, Dennis Mc Carthy say sưa nói: ngày đầu tiên tôi bước vào phục vụ ở Bạch Cung là dưới thời TT Johnson. Tôi vượt qua hàng rào cản với khẩu súng lên đạn sẵn nằm chình ình, trong túi áo tôi, tôi cảm nhận được lòng mình phơi phới: Không còn gì “bảnh” hơn thế! Tôi nhìn Tổng Thống không biết mỏi mắt. TT Johnson đang gằn giọng trước một nhà lãnh đạo Phi Châu. Từng lời lại từng lời của Tổng Thống lọt vào tai tôi. Tôi có cảm tưởng mình đang được biết tất cả bí mật của các vị thần của loài người trên thế gian này...

Hà Ngọc

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002