Đại Chúng số 75 - phát hành ngày 15-6-2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

NHỮNG THÀNH CÔNG BẤT NGỜ CUẢ THẾ HỆ TRẺ V.N. LƯU VONG HẢI NGOẠI:

 THUYỀN TRƯỞNG ĐẶNG - KỲ- TÚ, VÔ ĐỊCH THẾ GIỐI LIÊN TIẾP 4 KỲ, HUẤN LUYỆN VIÊN QUỐC GIA CUẢ TỔNG CỤC THÁI CỰC ĐẠO DO THÁI, ÚC CHÂU VÀ NHIỀU NƯỐC ÂU CHÂU KHÁC!...

  • * ĐOẠT GIẢI VÔ ĐỊCH THẾ GIỐI VỀ KỸ THUẬT LIÊN TIẾP 4 KỲ. TRIỂN VỌNG SẼ ĐOẠT CHỨC VÔ ĐỊCH LẦN THỨ 5 TRONG CUỘC TRANH GIẢI VÀO THÁNG 10. 2001!

  • * GIẢI VÔ ĐỊCH THẾ GIỐI (WORLD CUP) THÁI CỰC ĐẠO NĂM NAY SẼ ĐƯỢC TỔ CHỨC Ở SÀI GÒN VỐI SỰ THAM DỰ CUẢ TRÊN 30 QUỐC GIA CÓ THÀNH TÍCH THƯỢNG THẶNG TRÊN KHẮP THẾ GIỚI.

Phỏng vấn cuả đặc phái viên TÂN DÂN

Lời toà soạn.- Trong chuyến viễn du đến Úc Châu xa xôi mới đây, nhằm thực hiện cuộc tìm hiểu về sinh hoạt cuả cộng đồng người Việt tị nạn tại điạ phương, tình cờ đặc phái viên Tân Dân cuả tuần báo Đại Chúng đã được gặp thuyền trưởng Đặng Kỳ Tú, huấn luyện viên đệ lục đẳng huyền đai Thái Cực Đạo (TCĐ) tại tiểu bang Perth, vùng Tây Nam Úc Châu, trong một trại huấn luyện đông đảo võ sinh người Úc. Đặc biệt là võ sư Đặng Kỳ Tú còn rất trẻ, mới ngoài 30 tuổi, và thấp bé hơn hết so với tất cả võ sinh nam nữ Úc, người nào cũng to lớn lực lưỡng!

Trước sự kiện bất ngờ ấy, đặc phái viên Tân Dân đã không khỏi ngạc nhiên, tò mò tìm hiểu thêm về lãnh vực hoạt động thể thao và võ đạo cuả thế hệ trẻ tị nạn VN ở hải ngoại, và sau đây là cuộc phỏng vấn trực tiếp. Xin mời bạn đọc thưởng lãm...

TỪ ĐÂU MÀ ĐẾN ÚC?

Giữa khung cảnh một trại huấn luyện võ đạo đông hàng trăm võ sinh toàn là người Úc, đa số đều mang đai đen, nhân lúc nghỉ giải lao, đặc phái viên Tân Dân (từ đây viết tắt: TD) đã hỏi huấn luyện viên Đặng Kỳ Tú (sẽ viết tắt KT) như sau:

TD: Xin anh vui lòng cho độc giả tuần báo Đại Chúng biết anh là người VN sinh trưởng ở điạ phương hay ở tiểu bang nào khác đến đây?

KT: Tôi không phải người điạ phương, cũng không phải là người VN tị nạn ở bất kỳ một tiểu bang nào cuả nước Úc. Tôi đến từ Âu Châu do lơì mời của tổng cục TCĐ Úc Châu. Sau khi đã huấn luyện ở Perth, tôi sẽ phải đi dạy ở các nơi khác như Adelaide, và Melbourne...

TD: Trường hợp nào và lý do nào anh đã được mời như thế?

KT: Trước hết nói về lý do. Sở dĩ tổng cục TCĐ Úc biết đến tôi và đã mời tôi từ Bắc Âu đến giảng dạy cho họ vì tôi đã từng 4 lần liên tiếp đoạt giải  vô địch thế giới về kỹ thuật giao đấu và phương pháp huấn luyện. Với kỷ lục độc nhất đó, tất cả các tạp chí về ”Tae Kwon Do” trên thế giới bằng đủ loại  ngôn ngữ: Ả Rập, Do Thái, Anh, Pháp, Bỉ, Đức, Hoà Lan, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Nga, Nam Tư, Tiệp, Hung, Áo, Hy Lạp, Í Đại Lợi, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha...đều đã thường xuyên đăng hình và bài viết về tôi để lưu hành trong xứ cuả họ. Ngoài ra, tổng cuộc TCĐ thế giới còn một bộ phim Video đặc biệt do tôi biểu diễn về kỹ thuật huấn luyện các bài quyền và giao đấu, gồm 3 quyển dùng làm tài liệu giảng huấn  dành cho tất cả các tổng cục TCĐ khắp nơi trên thế giới.

Vả lại đây không phải là lần đầu tiên tôi đến huấn luyện TCĐ cho người Úc. Lần đầu tiên, năm 1998, tôi đã được tổng cục TCĐ Úc mời đến Sydney để thuyết giảng và truyền dạy cho họ về phương pháp huấn luyện, kỹ thuật giao đấu, để cho võ sinh Úc có đủ khả năng tham dự giải vô địch thế giới trong thế vận hội Olympic năm 2000.

Nhờ vậy, trong cuộc tranh giải thế vận hội Olympic năm ngoái tại Sydney, đoàn đấu thủ TCĐ Úc đã đoạt được 2 huy chương vàng và đồng. Còn huy chương bạc về tay một nữ võ sinh VN cư ngụ ở thành phố HCM.

Năm nay, VN được tổng cục TCĐ thế giới cho phép tổ chức giải vô địch thế giới (World Cup) tại thành phố HCM  vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6,  với sự tham dự cuả khoảng 30 quốc gia đã từng đoạt được những thành tích cao như vô địch điạ phương...đến tham dự. Trong đó sẽ có đoàn đấu thủ Úc.[ Nên biết con số các quốc gia trên thế giới có tập TCĐ hiện nay rất nhiều, đến cả trăm, nhưng chỉ có những nước nào đã đoạt thành tích vô địch hay đã có huy chương vàng hay bạc  mới được mời tham dự mà thôi].

Vì thế bây giờ một lần nưã, tổng cục TCĐ Úc lại mời tôi sang huấn luyện cho họ trước khi phái đoàn đấu thủ Úc đến VN tranh giải vô địch thế giới.

TD: Trong thế vận hội Olympic vưà qua ở Sydney anh có tham dự không? Với tư cách gì?

KT: Dĩ nhiên tôi đã được mời tham dự. Tôi tham dự với nhiều tư cách, ngoài tư cách huấn luyện viên cuả đoàn đấu thủ Úc, tôi còn là trưởng phái đoàn cuả đấu thủ Đan Mạch. Nhưng quan trọng hơn hết, tôi còn là đại diện chính thức và duy nhất cuả tổng cục TCĐ Do Thái.

HUẤN LUYỆN VIÊN QUỐC GIA CỦA DO THÁI VÀ ĐAN MẠCH.

TD: Tôi hết sức ngạc nhiên khi nghe anh nói là ”anh đã đoạt giải vô địch thế giới về kỹ thuật 4 kỳ liên tiếp, và năm nay anh còn hy vọng  đoạt chức vô địch ấy lần thứ 5 nưã, đồng thời anh còn là đại diện chính thức và duy nhất cuả tổng cục TCĐ Do Thái tại thế vận hội ở Sydney ”.

Có lẽ độc giả cuả tuần báo Đại Chúng cũng ngạc nhiên không ít.Vậy xin anh vui lòng giải thích cho biết “giải vô địch kỹ thuật” là giải gì? Làm thế nào anh được Tổng cục TCĐ Do Thái mời làm “huấn luyện viên quốc gia” (National Coatcher) và giữ chức Giám Đốc Kỹ Thuật cho tổng cục?

KT: Trong lãnh vực Thái Cực Đạo, tôi và một người anh tôi tên Đặng Kỳ Thụy, từ sau năm 75 ở Âu Châu đã từng dự đấu và đã nhiều lần đoạt chức vô địch thế giới, vô địch Âu Châu  với nhiều huy chương vàng, bạc, đồng, đủ loại. Các giải đó đều là những giải giao đấu.

Nhưng trong giới huấn luyện TCĐ nói riêng  và giới võ thuật nói chung, giải quan trọng nhất chính là giải “vô địch  về kỹ thuật ”. Những đấu thủ muốn tham dự giải này tối thiểu phải là  các huấn luyện viên giỏi, đã tinh luyện  về  mọi mặt kỹ thuật, thí dụ như kỹ thuật biểu diễn quyền cước, vận công, và kỹ thuật giao đấu v.v... Giải này là một sáng kiến mới cuả tổng cục TCĐ thế giới, được tổ chức đặc biệt 2 năm một lần. Lần thứ nhất vào năm 1993, rồi đến các năm 95- 97- 99...Trong 4 kỳ liên tiếp vưà qua đó, tất cả các đối thủ cuả tôi, kể cả các võ sư  Đại Hàn,  huấn luyện viên trụ cột cuả Quốc Võ Đường ở Hán Thành, nhiều người đã mang đai đen đến 7, 8 đẳng, cũng như các võ sư nổi tiếng cuả Nhật và cuả các sắc dân khắp thế giới cũng đều không tranh nổi với tôi giải này.

Năm nay, 2001, một lần nưã giải này lại được tổ chức vào tháng 10, nhưng tôi vẫn tin chắc không một đấu thủ nào khác có thể  giật được giải này  cuả tôi. Tôi tin tưởng chắc chắn sẽ đoạt được giải này lần thứ 5 không gián đoạn...

Chính nhờ giải này mà các tổng cục TCĐ khắp nơi trên thế giới đã biết đến tôi và họ đã mời tôi đến giảng dạy và huấn luyện cho họ. Trong số đó có Do Thái! Năm 1994, lần đầu tiên tổng cục TCĐ Do Thái đã mời tôi đến thủ đô Tel Aviv trong một chương trình huấn luyện đặc biệt  chỉ dành riêng cho các cấp huấn luyện viên trên toàn quốc Do Thái, trong đó gồm cả những người thuộc thành phần quân đội, cảnh sát, và dân sự v.v...Nên biết Tổng Cục TCĐ Do Thái nằm trong Ủy Ban Thế Vận Hội cuả quốc gia Do Thái.

Sau trại huấn luyện đặc biệt này, tổng cục TCĐ Do Thái  chính thức mời tôi giữ chức “huấn luyện viên quốc gia”( National Coatcher) kiêm chức giám đốc kỹ thuật, đồng thời giúp họ tổ chức nên hội đồng TCĐ cho quốc gia Do Thái. Tổng số hội viên đông đến trên 5 ngàn người. Từ đó tổng cục TCĐ Do Thái ngày càng phát triển mạnh vượt bực. Có thể nói, vì hoàn cảnh chiến tranh và tình trạng an ninh đặc biệt cuả đất nước Do Thái nên đa số thanh niên và thiếu nữ Do Thái đều hăng say tập luyện TCĐ.

Tuy tôi ở xa, tận Bắc Âu, nhưng để thực hiện trách vụ nặng nề đó do người Do Thái  giao phó, tôi thường xuyên phải bay qua Tel Aviv để làm việc. Từ năm 1993 đến nay, không một trại huấn luyện  nào tôi vắng mặt.Không một chương trình tranh giải vô địch quan trọng nào tôi không tham dự. Nhất là tôi thường xuyên đến Do Thái để thuyết trình cho các võ sinh trên toàn quốc về phương pháp tổ chức các võ đường mỗi điạ phương  cùng với các kỹ thuật giao đấu trong các trận tranh giải thế giới v.v...  

TD: Xin lỗi. Tôi ngắt ngang: ”Trước năm 1993, trước khi anh đến Do Thái, đã có ai là người ngoại quốc làm huấn luyện viên cho họ chưa?”

KT: Có. Trước tôi, tổng cục TCĐ Do Thái đã mời hai, ba võ sư  Đại Hàn, đều đai đen 8, 9 đẳng, từ Quốc Võ Đường ở thủ đô Hán  Thành tới dạy cho họ. Nhưng không một người nào được chính thức chọn làm “huấn luyện viên quốc gia”, nhất là chưa có ai được mời làm giám đốc kỹ thuật cho họ. Có thể nói tôi là người độc nhất  được sự tín nhiệm này. Trước năm 1994, đoàn tuyển thủ Do Thái chưa lần nào thắng được một giải gì hay một huy chương nào. Nhưng kể từ sau khi tôi đến dạy cho họ, thì họ đã đoạt được nhiều thành quả vẻ vang đáng kể như huy chương đủ loại trong các trận tranh giải vô địch Âu Châu, vô địch thế giới v.v...

Như mọi người trên khắp thế giới đều biết: Không dễ gì một người ngoại chủng – đặc biệt lại là người Việt Nam như tôi – có thể gia nhập vào cộng đồng Do Thái ngay trên đất Do Thái. Ngay cả ở Mỹ, Nga, Đức, Anh, Pháp... người ngoại chủng bản xứ cũng khó mà chen vào được cộng đồng di dân Do Thái!

Bây giờ, sau gần 10 năm  làm việc chung rất mật thiết với tổng cục TCĐ Do Thái, tôi đã gặt hái được cảm tình quí mến trọn vẹn cuả  các võ sinh Do Thái. Giưã tôi với họ đã có sự trao đổi  thân mật, tin cậy như người trong một đại gia đình. Tất cả võ sinh TCĐ cuả Do Thái đều coi tôi như người đã có công dìu dắt họ trên con đường xây dựng nền võ thuật này. Hiện nay, tôi đã đào tạo  được cho tổng cục TCĐ Do Thái nhiều huấn luyện viên giỏi trên tầm mức quốc tế. Bởi vậy, mỗi ngày công việc cuả tôi ở Do Thái cũng bớt nặng nhọc và bận rộn. Những trại huấn luyện điạ phương, ở cấp thấp, dưới đai đen trở xuống, đều do học trò cuả tôi đảm trách. Hằng năm, tôi chỉ phải đến giảng dạy cho các trại huấn luyện đặc biệt dành cho các huấn luyện viên và các trại chuẩn bị dự đấu dành cho đoàn tuyển thủ quốc gia mà thôi.

TD: Ngoài ra, anh còn huấn luyện cho nước nào khác không?

KT: Trên 10 năm qua, tôi vốn là huấn luyện viên quốc gia cuả Đan Mạch, có chân trong hội đồng kỹ thuật cuả tổng cục TCĐ Đan Mạch. Đồng thời tôi còn làm huấn luyện viên cho nhiều nước khác ở Âu Châu, gồm cả Bắc Âu, Trung Âu, Đông Âu và Nam Âu, cùng với một số nước Ả Rập...

TD: Xin anh hãy kể thêm vài chi tiết.

KT: Tại Đan Mạch, từ nhiều năm qua, khi anh tôi là Đặng Kỳ Thụy qua Hamburg, một tỉnh vùng Bắc Đức sinh sống, đã trao lại  cho tôi một võ đường đông đến khoảng 200 võ sinh đủ mọi trình độ. Trụ sở võ đường này là một cơ sở biệt lập, một ngôi nhà lớn rộng xây cất đặc biệt dành cho việc huấn luyện võ thuật, nằm ngay trung tâm thị xã Rodovre, nơi tôi hiện đang cư ngụ. Đây là một trường hợp hiếm có, vì hầu hết các lớp tập võ thuật trên toàn quốc Đan Mạch đều phải chia giờ với các môn thể thao khác, và nằm chung trong các phòng tập thể dục thể thao do thị xã quản trị.

Trước kia, khi còn làm thuyền trưởng cho hãng tàu Maersk Line, tôi phải đi khắp đó đây trên các vùng biển, anh tôi đã gầy dựng và trông nom ngôi trường này. Từ khi tôi về làm việc trên đất liền cho đến nay, ngôi võ đường này vẫn do tôi quản trị và điều khiển về mọi mặt với sự trợ lực cuả một số học trò cũ nay có người đã mang đai đen 4, 5 đẳng. Võ đường này do hai anh em tôi gây dựng lên là một võ đường nổi tiếng nhất Đan Mạch vì đã đoạt được nhiều giải vô địch thế giới, giải Âu châu và các giải quốc gia...      

Ngoài ra, tôi đã từng được tổng cục TCĐ Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Ma Rốc mời đến giảng dạy cho họ bất thường, vô định kỳ, với tư cách một huấn luyện viên khách. Thỉnh thoảng tôi cũng được mời đến Mỹ và Gia Nã Đại. Như năm 1999, tổng cục TCĐ ở tiểu bang Colorado đã mời tôi... Mặt khác, mỗi năm ít nhất cũng 2 lần, tôi phải đến huấn luyện cho các quốc gia sau đây như: Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Đức, Hoà Lan, Tây Ban Nha, Bỉ, Lục Xâm Bảo, Ý Đại Lợi, Bồ Đào Nha, Malta...

Chương trình đi các nơi huấn luyện cuả tôi thường đã phải được sắp xếp trước cả năm. Thí dụ sang năm 2002, nước nào muốn mời tôi đến huấn luyện phải thông báo trước ngày giờ, điạ điểm cho tôi biết ngay từ bây giờ để tôi lên chương trình. Cũng như hiện nay các nước Nga, Bảo Gia Lợi, Nam Tư, Ba Lan, Ukraine... đã gửi thơ mời và đặt sẵn thời gian để huấn luyện cho họ. Có nhiều nước  mời chậm, tôi bị kẹt thì giờ nên đã không đến được.Vì ngoài công việc huấn luyện TCĐ tôi còn phải đi làm...Nghề nghiệp và chức vụ chính thức cuả tôi là thuyền trưởng.

NGHỀ NGHIỆP THUYỀN TRƯỞNG!

TD: Bây giờ thêm một ngạc nhiên khác. Tôi đã thắc mắc định sẽ hỏi anh: Thì giờ đâu để anh có thể đi các nơi huấn luyện TCĐ như thế? Chưa kịp hỏi, bất ngờ lại biết thêm hiện anh đang làm thuyền trưởng. Vậy xin anh giải toả cho sự thắc mắc này.

KT: (cười hiền lành) Vâng. Anh thắc mắc như vậy cũng không có gì lạ. Ngoài anh, nhiều người khác cũng đã thắc mắc không kém. Ngay từ lúc tôi còn bé, khi lên 8, 9 tuổi- anh tôi tên Đặng Kỳ Thụy lớn hơn tôi 2 tuổi – ở Sài Gòn, ba tôi đã cho phép hai anh em tôi được tập TCĐ với điều kiện giản dị: Tuyệt đối cấm không được dùng môn võ TCĐ làm kế sinh nhai (chỉ coi như một môn thể thao giải trí, một ”hobby” mà thôi), và nhất là không được đi đánh lộn!

Vì thế, sau năm 1975, ở hải ngoại, anh em tôi mỗi người đều có một nghề sinh nhai. Sau khi tốt nghiệp trung học, anh tôi  làm nghề trang trí viên nội thất và “graphic designer”, còn tôi tốt nghiệp ngành hàng hải thương thuyền. Khởi đầu tôi làm việc cho hãng tàu Maersk Line, là một công ty chuyển vận hàng hải lớn nhất cuả Đan Mạch mà cũng thuộc loại hãng tàu lớn nhất trên thế giới,  với một hải đoàn nhiều đến hàng trăm chiếc đủ loại. Tôi đã từng làm việc trên đủ các loại tàu chạy viễn duyên  từ: Cargo, Container, tàu chở dầu v.v...và tôi đã từng đặt chân trên tất cả mọi hải cảng lớn khắp thế giới.

Như thế mỗi năm tôi phải sống lênh đênh trên biển và xa gia đình đến 10 tháng. Còn lại là 2 tháng hè. tôi về nhà, nhưng lại phải đi lái những chiếc tàu đò chở hành khách từ Đan Mạch sang Thụy Điển hay từ Đan Mạch sang Đức v.v...

Cuối cùng, ba má tôi đã khuyên tôi nên chấm dứt cuộc sống giang hồ, phiêu lưu nay đây mai đó. Vì thế, với bằng thuyền trưởng, tôi đã xin chuyển qua làm việc trong cơ quan Thanh Tra Duyên Hải cuả chánh phủ Đan Mạch. Công việc cuả tôi vẫn là thuyền trưởng, lái tàu tuần duyên thanh tra các vùng biển thuộc hải phận cuả Đan Mạch. Mỗi tháng tôi đi tàu 15 ngày, khi trở về đất liền tôi được nghỉ phép 15 ngày. Đó là luật dành chung cho tất cả các cấp thuyền trưởng trong cơ quan cuả tôi. Vì thế tôi đã có đủ thì giờ đi đầu này đầu kia để huấn luyện TCĐ.

TD: Trong cơ quan cuả anh có bao nhiêu thuyền trưởng? Có người nào là ngoại quốc không?

KT: Trong cơ quan thanh tra hải phận  cuả tôi  có khoảng 15 chiếc tàu tuần duyên.Tuy Đan Mạch là một nước nhỏ nhưng chung quanh bao bọc một vùng biển bao la, hơn nưã dân tộc này vốn là hậu duệ cuả các tay hải tặc VIKING lừng danh thế giới từ thế kỷ 11, nên họ đặc biệt quan tâm đến ngành hàng hải, đến hải phận cuả họ, và họ đã tỏ ra có truyền thống rất giỏi về ngành này...Trong số 15 thuyền trưởng ấy, tôi là người ngoại quốc độc nhất và trẻ tuổi nhất. Các đồng nghiệp cuả tôi hầu hết đều đã già.Có nhiều người đã đến tuổi sắp về hưu...

TD: Xin anh cho biết vì lý do gì anh đã chọn nghề thuyền trưởng?

KT: Năm 1975 má tôi đang làm việc tại sứ quán VNCH tại Rabat (Maroc), và anh tôi đã được gửi sang Pháp, ở Paris, để đi học từ lâu. Tôi còn lại ở Sài Gòn với mấy chị em tôi để chờ ba tôi đem sang Pháp đoàn tụ gia đình. Nhưng chưa kịp thì biến cố ngày 30.4.75 đã xảy ra. Tôi đã theo ba tôi và các chị em tôi rời bỏ quê hương, trên con tàu Trường Xuân, với nhiều kỷ niệm khó quên.

Mặc dù lúc đó tôi mới 12 tuổi, nhưng chuyến ra nước ngoài đầu tiên bằng tàu, lại phải chịu cảnh đói khát ngất ngư mấy ngày lênh đênh trên biển, và đã được chứng kiến nhiều cảnh tượng đáng buồn trên đài chỉ huy cuả con tàu, nơi  làm việc cuả viên thuyền trưởng cùng với một nhóm sĩ quan và lính tráng đã rã ngũ bỏ chạy nhưng còn mang theo đầy đủ võ khí để uy hiếp đồng bào trên tàu, nên từ đó tôi đã nảy sinh ý nghĩ ... ”làm thuyền trưởng”!...

Đến Đan Mạch, sau khi học hết chương trình trung học, thay vì ghi danh vào một đại học khoa học hay kỹ thuật, tôi đã nghe ba má tôi nói chuyện về nghề hàng hải nổi tiếng khắp thế giới cuả nước Đan Mạch. Dân Đan Mạch lại vốn là hậu duệ cuả hải tặc Viking lừng lẫy, rất giỏi về ngành hàng hải và đóng tàu, nên tôi mới ngỏ ý với ba má tôi rằng tôi muốn học làm thuyền trưởng, vì tánh tôi thích phiêu lưu,  và muốn sống cuộc đời tự do phóng khoáng. 

Nghe tôi nói vậy, ba má tôi đã đồng ý ngay, cho rằng dân tộc VN đã được thượng đế ưu đãi ban cho một dải bờ biển dài hàng chục ngàn cây số với vô số hải sản và  nguồn lợi thiên nhiên mà các thời đại qua đều không ai biết khai thác để giúp cho dân tộc phú cường. Ngoài ra, bờ biển lớn rộng đó cuả ta còn là một cưả ngõ vĩ đại mở ra giao thương với thế giới bên ngoài. Cưả ngõ này, nếu biết khai thác, cũng  giúp cho dân chúng VN tiếp thu dễ dàng và nhanh chóng mọi trào lưu  văn minh khắp năm châu bốn biển. Nhưng đáng tiếc các chánh phủ VN từ trước đến nay vẫn không quan tâm đến điều này, khiến cho cả một khối người trên 70 triệu vẫn chậm tiến và còn phải sống mãi trong cảnh lạc hậu, nghèo đói.

Vì vậy, tôi đã đồng ý với ba má tôi, nghề thuyền trưởng chẳng những là một nghề thực dụng lại còn rất cần ích cho quê hương trong tương lai, khi nước nhà cần phát triển về ngành hàng hải và ngoại thương...

TD: Sống cuộc đời nay đây mai đó như vậy chắc anh chưa có gia đình riêng?

KT: Tuy tôi đã ở riêng, nhưng vẫn chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình, vì tôi còn yêu thích tự do, biển cả và môn võ Thái Cực Đạo là một môn thể thao mà tôi đã say mê từ thuở nhỏ.  

(CÒN TIẾP 1 KỲ)

KỲ TỚI:

VÕ SƯ ĐẶNG KỲ THỤY NÓI VỀ QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG MÔN VÕ T.C.Đ. Ở CÁC NƯỐC BẮC ÂU VÀ MỐI LIÊN HỆ TÌNH CẢM CUẢ GIA ĐÌNH HỌ ĐAËNG VỐI CỰU TRUNG TƯỐNG CHOI HỒNG HI, ĐỆ CỬU ĐẲNG HUYỀN ĐAI, CHƯỞNG MÔN THÁI CỰC ĐẠO ĐẠI HÀN, NGƯỜI ĐÃ ĐƯỢC T.T. NGÔ ĐÌNH DIỆM MỜI ĐEM MÔN VÕ NÀY SANG V.N. LẦN ĐẦU TIÊN TỪ NĂM 1959...

TÂN DÂN

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002