Đại Chúng số 75 - phát hành ngày 15-6-2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

THƯ TÒA SOẠN

Tháng tư trôi qua và tháng năm đã hết, TBĐC đã gần đến sinh nhật tròn ba tuổi.  Toàn thể BBT và Ban Trị Sự cũng muốn tổ chức ngày đệ tam chu niên cho ĐC.  Nhưng rất tiếc, năm nay có quá nhiều sự kiện xảy ra cùng một lúc mà TBĐC phải đương đầu, phải gánh vác mà chúng tôi tạm gác lại.

Chuyện cứu trợ nạn lụt vẫn còn là việc mà chúng tôi quan tâm theo dõi và tìm cách đưa sự thật ra ánh sáng để quần chúng rút kinh nghiệm.  Chúng tôi đang gặp trở ngại khi Linh Mục Nguyễn Văn Lý đã bị bắt giữ.  Người thông tín viên của TBĐC còn ở lại VN đang cố gắng bắt liên lạc với ông để xin xác minh số tiền nhận được từ Đài TNVNHN do bà Ngô Thị Hiền trao cho Linh Mục.  Chúng tôi mong quí đồng hương đừng nóng lòng và hãy yên tâm. Vì việc nầy, chúng tôi đã bỏ công sức, tiền bạc rất nhiều để không phụ lòng tin của bà con tin tưởng và giao phó.

Trong tuần vừa qua, chúng tôi đã nhận được bài “Viết Về Cà Phê” của Nguyên Nguyên và trong số 75 chúng tôi xin được giới thiệu đến quí độc giả bài “Vấn đề I-ngắn, Y-dài, chữ V, chữ D và Dz” bàn về sự phức tạp của tiếng Việt, và tác giả cũng đưa ra một số hướng giải quyết.  TBĐC thành thật cảm ơn sự cộng tác nhiệt tình của Nguyên Nguyên.  Kính chúc bạn và gia quyến dồi dào sức khoẻ và thành công.

Nền văn hoá Trung Hoa càng ngày càng được các học giả trên thế giới nghiên cứu và tìm hiểu. Các nhà khảo cổ học đã xác nhận rằng Trung Hoa có cả năm nghìn năm lịch sử và góp phần không nhỏ cho nền văn minh nhân loại.  Học giả Thinh Quang đã giới thiệu cho chúng ta biết truyền thống văn hoá, triết học và luân lý của Trung Hoa dân quốc trong mục “Vũ Trụ Và Sự Tiến Hoá Của Loài Người- Tư Tưởng Triết Học Trong Nền Văn Hoá Cổ Đại Trung Hoa” trong số báo 74, và hôm nay học giả Thinh Quang gởi đến chúng ta bài “Nền Văn Hoá Trung Hoa Và Câu Chuyện Bá Tánh”.

Kỹ sư  Sagant Phan xuất hiện trong TBĐC đã lâu nhưng chưa bao giờ nghe kỹ sư thố lộ chuyện tình yêu của thời trai trẻ.  Chúng ta cứ tưởng trái tim ông đã chay như đá, cằn cỏi khô cứng như viên đạn đồng (vì quanh năm đi đánh đấm ở chiến trường). Vậy mà ông đã từng rung động, đã trúng chưởng vì bài thơ “Hai Sắc Hoa Ti-gôn của T.T.KH.  Và bây giờ, khi tóc đã pha màu sương gió mà tim vẫn còn... rung rinh, chới với khi đọc lại bài thơ đã gần tròn một thế kỷ.  Kỹ sư  chưa bao giờ được yêu? (Chỉ duy nhất vào thời làm lính đồn xa thôi.  Làm bộ xạo quá ông ơi!  Ai mà không biết.  Bộ tính làm cho các cô mủi lòng đó hả.  Rủi người ta nhào vô ào ào rồi bỏ chạy không kịp đó).  Qua bài thơ “Hai Sắc Hoa Ti-gôn” kỹ sư  Sagant Phan đã nhắc lại truyền thuyết tên của loài hoa.  Đây là một câu chuyện ly kỳ và hết sức cảm động.  Xin độc giả chú ý đọc kỷ bài “Hai Sắc Hoa Tigôn và Antigone” để hiểu hết cái “tình” trong trái tim đang “đập lộn xộn” của kỹ sư  Sagant Phan. 

Trong phần giới thiệu của lá thư toà soạn số 74, chúng tôi có nói về hai bài thơ của Mục Kính Nhân:  Ông Vô Địch Sửa Sai và Trên Đường Về Tây Ninh.  Đây là hai bài thơ diễn tả lại hình ảnh của đất nước sau 26 năm CS chiếm Miền Nam.  Sài Gòn bây giờ đầy bụi, Sài Gòn như một ổ rác bẩn thỉu đầy kẻ khốn cùng, đỉ điếm, ăn xin... tình trạng tham nhũng tràn lan đã làm cho nhân dân điêu đứng.  Mục Kính Nhân đã động lòng xuất khẩu thành thi để cống hiến cho những ai còn thương nhớ quê hương.

Vườn Thơ Xướng Hoạ đã đón nhận bài thơ mới của nữ sĩ Thân Thị Ngọc Quế “Về Biển Sầm Sơn”.  Bài thơ nói về biển và sóng với bờ cát trắng còn in dấu những kỷ niệm xa xưa để thi sĩ thả hồn về dĩ vãng.  Và nhà thơ Hà Thương Nhân đã hoạ lại bằng những câu thơ gợi cảm: “...Tuổi trẻ toàn hoa nắng.  Rào rạt sóng từng cơn.... Thực hư như giấc mộng... Sầm Sơn sao mà buồn...”

Bả lợi danh là cái vòng lẩn quẩn mà nhiều người vấp phải.  Cũng vì lợi danh mà người ta đã bán tổ quốc cho ngoại bang.  Cũng vì lợi danh mà lừa thầy phản bạn.  Nhà thơ Trúc Nam nhìn việc đời mà ngao ngán.  Ông đã bộc lộ tâm tư mình qua bài thơ “Tâm Trường”: “Một mình, một cõi, một tâm trường.  Danh lợi ngoài vòng chẳng vấn vương...” Cho nên nhà thơ đã phải lánh xa chốn phố phường bon chen danh lợi “..Tránh cảnh phồn hoa tìm tịnh mịch.  Vui cùng tuế nguyệt thú văn chương”.

Nhà thơ Hoàng Duy cũng tặng độc giả hai bài thơ “Vườn Đá Mỉm Cười” và “Tri Túc Duy Ngô”.  Trong bài Tri Túc Duy Ngô rất gần với triết lý của Phật.  Con người sống cho cái “tôi” quá lớn.  Cái tôi đã che lấp tất cả mọi việc đúng, sai, hư, thực.  Nhưng xét cho cùng giữa cái chung luôn có cái riêng và ngược lại.  Bài thơ đáng để suy gẫm mà sống ở đời cho phải đạo.

Nhà thơ Cung Diễm gởi đến bài “Xin Hãy Chuyển Cung” để nói lên nỗi lòng thương nhớ nước non.  Riêng Sài Môn Lý Thu trong mục Đàn Ngang Cung đã diễn tả thế giới “Cốc” ở Việt Nam.  Từ  “Cốc” ít ai hiểu. Bài thơ đã lột trần thực trạng đáng sợ đã xảy ra trong xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.  Nhà thơ “châm chích chỉa” Tú Lắc lần nầy có ba bài thơ chua: Giả Chân (nhại theo bài Dại Khôn”), Già Gân, Tớ Vẫn Chưa Già.  Và đặc biệt Tú Lắc rất  yêu quý nhà thơ Mộng Đài nên phóng bút ghi vài nét thâm tình “...Nhắn người cố quận ba sinh hẹn.  Tình vẫn lâm ly nghĩa vẫn dài”.  Riêng bài thơ “Chân Giả” đọc xong là tưởng như mấy ông thương phế binh vậy đó.  Nhưng đọc kỷ lại thì Tú Lắc đâu có chọc mấy ông thương phế binh.  Tú Lắc chỉ nói cái tình đời đổi trắng thay đen, vì đời còn lắm bon chen đó mà.  Cảm ơn những bài thơ chua của Tú Lắc và Sài Môn Lý Thu.

Trong tuần vừa qua, TBĐC đã nhận được hai bài viết của nhà báo Mạc Kinh “Người Hành Tinh Ở Rừng Amazon”.  Câu chuyện nầy không biết rõ hư  thực thế nào nhưng hết sức ly kỳ.  Nếu chuyện nầy có thực và các nhà khoa học gia xác nhận thì chúng ta có thể khẳng định rằng ở một hành tinh nào đó ngoài trái đất có một sinh vật có nền văn minh phát triển rất cao.  Bài thứ hai nói về mối tình lãng mạn, đẹp nhất thế kỷ 20 của Vua Anh quốc Edward VIII và nàng Wallis, một ngôi sao sáng trên vòm trời thủ đô Luân Đôn vào những năm 30.  Với bài “Mối Tình Đẹp Nhất Thế Kỷ”, đã nhắc lại câu chuyện một ông vua đã dám từ bỏ ngai vàng để chạy theo tiếng gọi của con tim. Và người đàn bà may mắn kia đã yêu ông đến hơi thở sau cùng. Thiên tình sử cao đẹp nầy đã để lại hậu thế sự chiêm ngưỡng và kính phục.  Trong số báo 75, chúng tôi xin giới thiệu bài “Tình Còn Muôn Thuở” của Mạc Kinh, nội dung bài nầy nói về một cụ già 124 tuổi tâm sự cùng các cô thiếu nữ ngày nay.

Đất nước tự do bao giờ cũng là nơi mà tất cả mọi người mơ ước được sinh sống, được hưởng thụ mọi ân huệ mà quốc gia đó trao tặng.  Nhưng nước càng tự do, nhà lãnh đạo càng phải đương đầu với nhiều bất trắc lớn về mặt chính trị mà bản thân cũng thường xuyên bị đặt trong tình trạng bất ổn.  Mỗi mùa tranh cử tổng thống là mỗi lần người dân trong và ngoài nước có dịp được biết tường tận về mạng lưới bảo vệ “một tổng thống” gay cấn đến nhường nào.  Chỉ gói gọn trong một bài “Đằng Sau Hậu Trường Quyền Lực: Làm Cách Gì Để Bảo Vệ Tính Mạng Tổng Thống Mỹ?” của Hà Ngọc, chúng ta sẽ hiểu được sự trung thành kỳ lạ, sự can đảm phi thường đáng khen ngợi của những người “cận vệ” của tổng thống Hoa Kỳ.

Cụ Mộng Tuyền nữ sĩ tuần qua, đã trả lời thư  của ông Bùi Quí Tước Washington D.C, cụ Phan Văn Tường Brookhust Orange County (CA), ông Vũ Thuỳ Maryland, cháu Nguyễn Văn Việt Hải Reseda (CA), cụ Hà Huyền Đạo Naniakea St, Hilo, HI 906720, ông La Thoại Điền Rosemead 19770 (CA), Cụ Vũ Thúc Bảo c\o Inesto Rue Dr. Schweitzer 93600 Aulway S. Bois France.  Và trong số báo 75, Mộng Tuyền nữ sĩ trả lời thư của các độc giả sau: Ông Nguyễn Văn Như  Hà Brookhurst Orange County (CA), cụ Hoàng Hữu Thành San Jose, ông Vũ Ngọc Ngữ Chiêu Spartalus Dr. Grand Prairie TX. 77502, cụ Mã Vi Tuyền Trinity St.Philadelphia, cụ Vũ Hảo Thomas Ave. St Paul MN.55103, Cư  Sĩ Tịnh Sơn Garden Grove, ông Nguyễn Văn Tân San Jose và ông Văn Thành Bảo San Jose.  TBĐC xin cảm tạ sự quan tâm theo dõi của tất cả quí vị trong mục của Mộng Tuyền nữ sĩ.  Kính chúc nữ sĩ và quí vị dồi dào sức khoẻ, vạn an.

TBĐC xin thân ái chào Ngạc Phong, chúng tôi đã nhận được toàn bộ 12 bài thơ của Ngạc Phong.  Chúng tôi sẽ xem xét và giới thiệu đến bạn đọc trong những số báo tới.  Cảm ơn sự đóng góp của Ngạc Phong.

Kính thầy Giác Lượng Tuệ Đàm Tử, ông chủ nhiệm Hoài Thanh cảm động trước những lời khen tặng của Hoà Thượng.  Bài thơ “Tròn Lý Tưởng” tâm ý rất cao xa mà ông Hoài Thanh đang cố gắng học hỏi để đạt được.  Nam Mô A Di Đà Phật, kính xin Đức Phật Từ Bi gia hộ cho chúng con cùng làm tròn nguyện ước với dân tộc và non sông.  Hoà Thượng Thích Giác Lượng cũng đã hoạ lại bài thơ “Bên Trời Lận Đận” của nhà thơ Hà Thượng Nhân thành bài thơ “Dân Tình Lận Dận”.  Qua bài hoạ nầy, chúng ta có thể thấy được nỗi ưu tư của một bậc chân tu luôn trãi lòng mình với nước non.  Kính gởi lời cảm ơn đến Hoà Thượng và cầu chúc Ngài luôn luôn sáng suốt, an bình để dẫn dắt phật tử đi theo con đường của Phật.

TBĐC nhận được bài thơ “Bầy Chim Non” của bà Hỷ Nguyên. Xin cảm ơn sự cộng tác của bà.

Trong số báo nầy, nhà báo Đặng Văn Nhâm sẽ tiếp tục giới thiệu đến độc giả nhà thơ “Quang Dũng Với Bài Thơ Tình Tuyệt Tác Thời Kháng Chiến “Quán Bên Đường”  Chứa Đựng Một Mối Tình Thơ Mộng Nhưng Vẫn Đẫm Máu Và Nước Mắt!”.  Đặng Văn Nhâm vẫn tiếp tục công khai vạch trần sự thật về “Vợ Chồng TT Nguyễn Văn Thiệu Và Thân Tộc Nội Ngoại Trong Các Vụ Đầu Cơ Phân Bón, Đầu Cơ Gạo Và Bán Gạo Cho Việt Cộng!”  Chúng ta nên trả lại cho lịch sử một sự thật nhơ nhuốc bẩn thỉu nầy, để con cháu chúng ta có dịp nhìn vào đó học khôn và rút kinh nghiệm.  Những ai đã có nợ máu, tham nhũng, tiếp tay với cộng sản, đầu cơ, buôn lậu, bán đứng MN cho CS và nướng xương máu anh em binh sĩ cho quyền lợi của bản thân và gia tộc thì bây giờ nên biết sám hối.  Nếu chúng ta có bà con thân tộc, anh em bạn bè hay cha chú có nhúng tay vào tội ác thì hãy đến nhà thờ cầu nguyện cho linh hồn họ được siêu thoát.  Đừng thù hận những ai là nhân chứng lịch sử đã dám viết lên những ẩn khúc đàng sau bức bình phong quyền lực.  Và may đây, khi lịch sử giũ sổ CSHN, chúng ta lại một lần nữa phải viết lại những sự thật “Bóng Tối Của Ba Đình Hà Nội” và cái xác của Hồ Chí Minh có phải là một xác ướp hay chỉ là bức tượng bằng đất sét?  Sự thật và lừa dối dưới ánh sáng mặt trời rồi cũng được phơi bày.  Chỉ có chúng ta biết đón nhận những sai trái, rút kinh nghiệm, ăn năn xám hối thì nhân dân mới tha thứ cho những việc chúng ta đã làm.

Kính thưa nhà văn Lãng Nhân, những bài viết về “Hương Sắc Quê Mình” đã ghi lại những tấm gương trung kiên, liệt nữ của những người phụ nữ Việt Nam đáng để hậu thế soi chung.  TBĐC vô cùng cảm kích sự nhiệt tâm và tình cảm thân thương của nhà văn Lãng Nhân trao tặng.  Chúng tôi kính chúc nhà văn và gia quyến vạn an.  Mong ơn trên bảo vệ, che chở cho nhà văn sống trường thọ.

Khi báo lên khuôn, chúng tôi nhận được 2 bài thơ “Đường Đời và Tiếng Lòng” của nhà thơ Hà Lan Phương (Paris); bài họa thơ “Lại Say” của nhà thơ Hồ Công Tâm, và bài họa thơ “Tiếc Ngọc” của nhà thơ Nguyễn Kim Bắc. Tòa xin thân ái chào Hà Lan Phương. Chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn đọc trong số báo tới. Rất mong nhận được sự cộng tác lâu dài của Lan Phương.

Cũng trong tuần qua tòa soạn Đại Chúng đã nhận được sự ủng hộ của hai nhà hảo tâm: Bà Nguyễn Thị Bạch Mai ở Annandale ủng hộ ĐC $25.00, và thêm một lần nữa cụ bà Thông ở Falls Church, VA ủng hộ ĐC $7.00. Tòa soạn xin đa tạ tấm lòng hảo tâm và xin chúc quí ân nhân được nhiều ơn phước.

Kính chúc quí vị một tuần lễ an lành và hạnh phúc.

Đại Chúng

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002