Đại Chúng số 74 - phát hành ngày 1/6/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

VŨ TRỤ VÀ LỊCH SỬ TIẾN HÓA CỦA LOÀI NGƯỜI

TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC TRONG NỀN VĂN HÓA CỔ ĐẠI TRUNG HOA

Thinh Quang

Từ đời Thương, Trung Hoa đã có văn tự xuất hiện. Thoạt đầu văn tự được ghi khắc trên mu rùa, hoặc xương loài vật cũng như trên các đồ đồng...

Lối chữ xuất hiện từ thuở ban sơ này được gọi là cổ văn. Về sau Thái tử Trứu đời Chu cải đổi thành loại chữ đại triện. Rồi đần Lý Tư đời Tần lại thêm một lần cải đổi nữa và được gọi là tiểu triện. Từ đó đại triện gọi là cổ văn, nhân vật sửa đổi đó là Lý Tư đời Tần. Bắt đầu từ đó mới gọi đại triện là cổ văn, tiểu triện là kim văn...

Ý nghĩa của cổ văn mục đích để chỉ cho các tác phẩm sáng tác ra từ đời Chu trở lên. Bộ sách do Lỗ Cung Vương tìm được trong vách tại ngôi nhà xủa Khổng Tử được xem là Thư cổ văn, còn các sách báo do các bác sĩ đời nhà Tần soạn thảo thì được xem là Thư kim văn v.v...

Nền triết học Trung Hoa tiềm tàng ngay trong Kinh Thi. Như vậy có nghĩa là văn vần xuất hiện sớm hơn là văn xuôi. Lịch sử văn hóa Trung Hoa đã chứng minh điều này. Như trường hợp Kinh Thi xuất hiện ngay từ thế kỷ thứ Bảy, và chính là những vần thơ ghi lại cái triết "nhân sinh quan" của dân tộc Trung Hoa dưới vòm trời Đông phương.

Thoạt đầu Kinh Thi gọi là "Thi", nhưng kể từ khi nhà Hán mang thi sáp nhập cùng Ngũ Kinh mới gọi là Kinh Thi. Đây là một pho kinh được cả thế giới ngưỡng vọng, xuất hiện từ thế kỷ thứ thứ Xll cho đến thế kỷ thứ Vl tr. CN. Hay nói một cách đơn giản hơn, Thi xuất hiện ngay vào thế kỷ thứ Vll tr. CN. Có nghĩa Kinh Thi xuất hiện từ đời Tây Chu. Như các sách biên khảo đều xác minh được dân tộc Trung Hoa suốt từ khi dân nhà Chu lập quốc ngay lưu vực sông Hoàng Hà tính đến ngày nay đã trải hơn 30 thế kỷ. Nền văn học, nghệ thuật cũng như triết học đều nẩy nở theo sự thăng trầm của lịch sử. Trước tiên là nền thi ca xuất hiện, nó là một thứ văn học truyền khẩu, tuy nó không có chủ đích ngay từ lúc ban đầu là cần phải "tinh luyện" nhưng nó là một thứ ngôn ngữ tinh luyện nhất của loài người.

Tư tưởng triết học của Trung Hoa được xem là phồn thịnh nhất vào thời đại Lưỡng Hán rồi kế tiếp đến Ngụy Tấn, Tùy Đường... Kinh học, Nho học, Huyền học, Phật học được đưa vào tư tưởng của quần chúng khai sáng cho nền văn học cực thịnh của đất nước này.

Tuy tư tưởng triết học lúc bấy giờ đưa nền văn hóc Trung Hoa vào nấc thang huy hoàng xán lạn, song đó chỉ là kế tục và phát triển từ trong Kinh Thi mà ra. Bản năng của tư tưởng - triết học thực sự từ trong lòng dân gian gói ghém trong các thể văn vần. Chính nhờ vậy mà sự truyền đạt tư tưởng trong khắp đất nước được dễ dàng hấp thụ. Trong 3000 thiên của Thi được Đức Khổng Tử gạn lọc còn lại 311 thiên. Sau đó mất đi 6 thiên chỉ còn lưu lại thật sự 305 thiên... Tử Hạ được Khổng Tử truyền cho, rồi Tử Hạ truyền cho Lỗ Thân người nước Lỗ vì vậy mà người đời dưới thời đại này mới gọi là Lỗ Thi... Sau nước Lỗ đến Tề, căn cứ vào bản Tề Hậu Phương còn bản do Hàn Anh truyền thì gọi là Hàn Thi v.v...

Tư tưởng triết học của Trung Hoa phổ cập nhanh trong dân chúng không phải nhờ ở lối văn luận thuyết mà chính nhờ ở lối viết văn vần... Nhìn vào nội dung của Kinh Thi cho ta thấy có ba loại: Phong, Nhã, Tụng mà người xưa từng gửi gắm tư tưởng mình trong các hình thức hoặc Phú, hoặc Tỷ, hoặc Hứng. Tử Hạ viết bài "Tự" của Kinh Thi Phong, Nhã, Tụng cộng chung lại với Phú,Tỷ, Hứng gọi là "Lục Nghĩa". Như viết về phong hóa, phong tục ghi nhận lại sự thăng trầm của một thời đại, mà lúc bấy giờ triều đại biểu trưng cho một nền chính trị...Hay nói về phong thái xã hội như sự sinh hoạt, về phong thái xã hội lúc bấy giờ... Đặc biệt Kinh Thi thường dành trọn khúc ca trữ tình, sự luyến ái của đôi bên trai,gái, lòng xót xa cho thân phận giữa người này với người nọ...

Những bài thơ trữ tình dưới đây nói lên sự quấn quít, rằng buộc giữa đôi nam,nữ:

Sân si hạnh thái,
Tả hữu lưu chi.
Yểu điệu thục nữ
Ngụ mi cầu chi.
.......
Thấp cao ngọn hạnh lơ thơ
Ven theo dòng nước bên bờ hái rau...
Tìm người thục nữ, cơ hầu
Nhớ thương cứ mãi nôn nao nỗi lòng.

hay bài:

Quan quan thư cưu
Tại hà nhi châu
Yểu điệu thục nữ
Quân tử hảo cầu.
........
Quan quan thư cưu
Con sống con mái cùng nhau bãi ngoài.
Dịu dàng thục nữ như ai
Sánh cùng quân tử sánh đôi vợ chồng.

        Tản Đà chuyển dịch

Hoặc như bài:

Thùy vị thử vô ngông
Hà dĩ xuyên ngã dung?
Thùy vị nhữ vô công
Hà dĩ tốc ngã tụng?
........
Con chuột kia
Ai bảo nanh không có?
Bức tường đó,
Lấy gì làm thủng ra?
Mình với ta,
Ai bảo không cheo cưới
Gì làm cớ?
Đem ta đến tụng đình
Thì ta cũng chẳng theo mình lấy nhau.

(Tản Đà dịch)

Hoặc ta thấy trong Sơn Hữu Xu tam chương (Đường Phong):

Sơn hữu xu,
Thấp hữu du.
Tử hữu y thường,
Phất duệ phất lâu.
Tử hữu xa mã,
Phất trì phất khu.
Uyển kỳ tử hỹ
Tha nhân thị du.
........
Cây xu mọc ở non cao
Cây du mọc dười đồng sao tư bề.
Áo quần dư dũ ê hề
Lại không mang mặc sum suê phỉ tình!
Ngựa xe, xe ngựa quanh mình
Mang đi nhốt giữ để dành làm chi?
Rủi ro ngài chết mất đi
Áo quần mọi thứ, nựa xe...về người.
 

Lời lẽ trong bài Kinh Thi nói lên một cách sâu sắc đối với hạng người hà tiện một cách ngu xuẩn. Cơm có không dám ăn. Áo có không dám mặc. Xe sẵn chẳng dám dùng...Kịp đến khi buông tay nhắm mắt, thì cơm kia người ăn, áo nọ người mặc, xe đó người đi... còn "ngựa" của mình thì người khác cưỡi.

* * *

Sau Luận Ngữ có bộ Mạnh Tử. Bộ sách này toàn những lời lẽ đối thoại mà Ngài cùng đám môn đệ ghi chép lại sau một thờ gian dài đi du thuyết mà không chinh phục được các nước chư hầu, mong truyền lại tư tưởng của mình cho hậu thế.

Khác với Khổng Tử, Mạnh Tử năng động, còn Khổn Tử ôn hòa. Khổng Tử trầm lặng, Mạnh Tử nông nổi, sinh động hơn. Khổng Tử có tư cách của một vì Giáo chủ. Mạnh Tử như một chiến sĩ xông pha ngoài trận mạc. Văn vẻ của Mạnh Tử đượm màu triết lý, sâu sắc như có đoạn trong cổ văn Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê biên soạn: "...Văn của ông(Mạnh Tửi) rất nhiều vẻ, thường hùng hồn như những đoạn ông thuyết phục Lương Huệ Vương, có lúc phúng thích cay độc, như đoạn ông tả Lương Tương Vương:"Vọng chi bất tự nhân quân, tự chi bất kiến sở úy yên. Thốt nhiên vấn viết: thiên hạ ô hô định". Ở xa nhìn không ra vẻ một ông vua, lại gần không thấy có gì khiến cho mình sợ. Bỗng nhiên hỏi:"Lúc nào thì thiên hạ yên định?" (Lương Huệ Vương) có lúc giọng phẩn uất mạt sát tất cả bọn cầm quyền đương thờ như trong đoạn:"Tranh địa dĩ chiến,sát nhân doanh dã, tranh thành dĩ hiến, sát nhân doanh thành; tội bất dung ư tử."

(Đánh nhau để tranh đất, giết người để đầy đồng, đánh nhau để tranh thành; thế gọi là cho đất đai ăn thịt người; tội đáng chết).

Mạnh Tử có tài biện luận, hay đúng hơn ông là nhà hùng biện ở đầu của thời Chiến Quốc. Tô Tần, Trương Nghi đều chịu ảnh hưởng về triết thuyết của Mạnh Tử và xem ông là một bậc thầy.

Một đoạn trong bộ Mạnh Tử viết: "Một hôm Mạnh Tử hỏi Tề Vương: "Ví dụ có người bề tôi của vua gửi vợ con mình cho một người bạn để qua chơi nước Sở, đến khi về thấy vợ con mình đói rét, thì ta nên xử trí như thế nào? Vua đáp: "Thì nên tuyệt giao với kẻ đó!"

Mạnh Tử lại nêu ra câu hỏi: "Ví như có một viên sĩ sư mà không biết cai quản dưới quyền mình thì nên xử trí ra sao? Tề Vương lặng thinh hết nhìn bên tả lại ngó sang bên hữu mà lãng sang câu chuyện khác.”

Tóm lại, qua Kinh Thi và các triết thuyết viết bằng văn xuôi trong xã hội Trung Hoa ta thấy có nhiều thích thú, ví như ta nhìn thấy bộ mặt của nhà Chu qua các bài Kinh Thi. Bộ mặt xã hội của thời kỳ cổ đại như chánh trị, xã hội, văn hóa và luân lý các sáng tác gia ngày xưa nhất là trong Kinh Thi đã vẽ lên được một cách rõ ràng.

Đọc Kinh Thi ta thấy ngay được trạng thái xã hội thời nguyên thủy của đời Chu. (Lấy chữ "CHU" không ta đã thấy ngay nó tượng hình cho công việc đồng áng - chỉ cho thấy đó là một quốc gia nông nghiệp.) Nền triết học ở ở thời Chư Tử phát triển cực mạnh. Thời kỳ này cho ta thấy sự hòa điệu giữa các tư tưởng và chính trị cũng như về tư tưởng văn học... Sở dĩ có những sự hòa hợp này là tư tưởng chính trị và tư tưởng văn học cấu tạo thành mà không thể tách rời ra được.

Thinh Quang

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002