Đại Chúng số 74 - phát hành ngày 1/6/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

GIÁ TRỊ TÁC PHẨM VÀ THỰC CHẤT CUỘC ĐỜI CỦA
THI SĨ QUANG DŨNG

  • VÌ ĐÂU TÁC PHẨM ”ĐÔI BẠN” CỦA NHÀ VĂN NHẤT LINH NGUYỄN TƯỜNG TAM RA ĐỜI? HAI NHÂN VẬT NAM-NỮ CHÍNH TRONG TRUYỆN LÀ AI?

  • TẠI SAO BUÌ ĐÌNH DIỆM LẠI CẢI DANH THÀNH QUANG DŨNG?

Đặng Văn Nhâm

(Bài thứ 5, tiếp theo. Cấm trích dịch hoặc mô phỏng những tình tiết về cuộc đời của Quang Dũng viết trong loạt bài này, nếu không có phép của tác giả).

TRƯỜNG VÕ BỊ HOÀNG PHỐ

Thực sự tôi không ngờ đường giây của anh Tam lại chu đáo dến thế. Ngay khi vưà đặt chân lên lãnh thổ của nước láng giềng Trung Quốc, tôi đã được các anh em  hoạt động cách mạng trốn sang Tàu trước tôi đón tiếp tôi rất nồng nhiệt, và lo cho tôi đủ cả nơi ăn chốn ở. Dĩ nhiên, trong hoàn cảnh tha hương, làm cách mạng, chúng tôi chỉ sống bằng những điều kiện vật chất tối thiểu, trong tình thương đùm bọc của những người đồng chí hướng.

Trong số các nhân vật hoạt động cách mạng phải trốn sang Tàu lúc bấy giờ, tôi thấy có anh Hoàng Sâm đã tỏ ra quí mến và gần gũi tôi thường xuyên hơn tất cả. Mặc dù một vài anh em đã cho tôi biết anh Hoàng Sâm vốn là một đảng viên CS; nhưng như tôi đã nói, từ trước đến sau, tôi chỉ theo đuổi có một mục tiêu độc nhất là : Chống thực dân Pháp, dành độc lập cho đất nước. Nên trong con mắt của tôi, bất cứ ai theo đuổi mục tiêu chống Pháp, dành độc lập, tôi đều coi là đồng chí hết thảy.

Khi tôi gia nhập đảng của anh Tam, với tâm hồn trong trắng của một thư sinh, tôi nhận thấy anh Tam và các bạn đồng chí như  : Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam...đều là những văn nghệ sĩ hữu tài, nổi danh, ấp ủ lý tưởng chống Pháp, nên tôi sinh lòng ngưỡng mộ mà tham gia. Chứ tôi cũng chẳng hề  tò mò tìm hiểu gì về đường lối, hay chủ trương, hoặc chủ thuyết (chả biết có hay không nưã!) của đảng Đại Việt do anh Tam lãnh đạo như thế nào.

Lúc bấy giờ tôi chưa có kinh nghiệm gì về sinh hoạt chính trị, nên tôi không biệt đảng nọ đảng kia, kể cả đảng Cộng Sản, hay phe này phái nọ. Vì thế tôi đã thơ ngây giao du mật thiết với tất cả mọi người thuộc đủ mọi đảng phái, phe nhóm chính trị khác nhau, tuy cùng theo đuổi mục tiêu chống Pháp, song đường lối,  và chủ nghĩa của họ lại đối chọi lẫn nhau kịch liệt.

Có lẽ các anh em làm cách mạng đang trốn ở bên Tàu lúc đó cũng nhận thấy tấm lòng ngay thật ấy của tôi, nên vẫn chẳng ai  uý kî gì tôi. Mọi người đều đã tỏ ra thương mến tôi và giúp đỡ tôi tận tình.

Trong thời gian giao du thân mật với anh Hoàng Sâm, đã có lần anh Hoàng Sâm thố lộ tâm tình cho tôi biết: Hiện anh đang là sĩ quan trong quân đội Tàu, và anh là người đã xuất thân trường võ bị Hoàng Phố, là một trường quan binh nổi tiếng nhất của Trung Hoa thời bấy giờ.

Sau khi đã kể sơ qua về thân thế của mình, anh Hoàng Sâm còn nói cho tôi nghe nhiều điều hợp lý và rất hấp dẫn khác đối với tuổi trẻ như tôi. Anh nói đại khái:

_ “Bây giờ người VN nào có lòng yêu nước cũng đều ấp ủ lý tưởng chống Pháp. Nhưng theo tôi, muốn chống Pháp một cách cụ thể và có hiệu quả thực tế, khiến quân Pháp phải nể sợ thì ta phải có võ lực và võ khí. Muốn sử dụng được võ lực và võ khí, trước hết thanh niên của ta phải học tập về quân sự và phải được huấn luyện về cách sử dụng các loại võ khí. Ta không thể đánh đuổi thằng Tây bằng mồm và đánh nhau với nó bằng tay không được...”

Nghe anh Hoàng Sâm nói như thế, tôi khoái lắm. Vì các điều ấy rất hạp ý tôi. Cuối cùng anh Hoàng Sâm đã khuyên tôi:

_ “Bây giờ, theo tôi nghĩ, nhân dịp thuận lợi này chú nên xin nhập học trường võ bị Hoàng Phố để mai sau về nước có khả năng cầm quân diệt giặc giúp nước. Trường Hoàng Phố là một trường võ bị nổi tiếng nhất của nước Tàu. Chính tôi là người đã xuất thân từ trường đó...”

Những lời khuyên của anh Hoàng Sâm đã kiến cho tôi càng thêm nức lòng với lý tưởng chống Pháp. Nhưng tôi nghĩ, trước hết, dù sao tôi cũng cần phải thông báo cho anh Tam biết và xin ý kiến của anh về vấn đề này. Được biết ý định của tôi, chẳng những anh Tam đã chấp thuận ngay mà lại còn đặc biệt khích lệ tôi thêm nữa...

Vì tôi vốn có sức khoẻ thiên phú lại thêm đầu óc minh mẫn, nên trong thời gian thụ huấn võ bị ở trường Hoàng Phố, tôi đã gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp hơn so với các bạn sinh viên đồng khoá. Ngày thi ra trường, tôi đã được chấm đậu hạng Ưu, và quân đội Trung Hoa đã tuyển dụng tôi làm sĩ quan ngay sau khi vưà tốt nghiệp.

Được tin này, ở trong nước, anh Tam đã vui mừng lắm. Anh viết thơ  khen ngợi tôi. Đồng thời anh còn  cho biết trong thời gian qua, ở quê nhà, anh đã có dịp lên mạn ngược, đã gặp cô Loan, và đã được nghe kể lể ngọn ngành về mối tình thơ mộng, trong sạch, đầy lý tưởng cao đẹp giưã tôi và Loan. Mối tình giưã tôi và Loan đã gây cho anh nhiều cảm xúc sâu xa, khiến anh nghĩ cần phải viết thành một quyển tiểu thuyết để làm gương cho các bạn trẻ nam nữ khác, đồng thời tuyên truyền cho lý tưởng cách mạng trong quần chúng.

TÊN TRẦN QUANG DŨNG RA ĐỜI

Ít lâu sau, một hôm, bỗng tôi nhận được một quyển tiểu thuyết mới xuất bản, do anh Tam viết,  gửi tặng cho tôi, kèm theo với một là thơ riêng.

Trong thơ anh Tam viết, đại ý là sau khi được biết về mối tình cao thượng và tinh thần hy sinh cho cách mạng của tôi và Loan, anh cảm động lắm, nên đã dùng cuộc tình của chúng tôi để dựng nên quyển tiểu thuyết” Đôi Bạn”. Tên của Loan, một nhân vật chính trong truyện, anh nói: Có thể tạm giữ nguyên được.Vì chữ “Loan” cũng có chất  tiểu thuyết lắm.Nhưng còn cái tên Diệm của tôi, thì hoàn toàn chẳng có chút tính chất lãng mạn, hay tiểu thuyết gì cả, nên anh phaỉ chọn một cái tên khác, nghe cho kêu, lại đượm mùi vị lãng mạn, và đặc biệt phù hợp với tiểu thuyết, nhất là khi đọc lên có thể tạo được ấn tượng mạnh cho người đọc. Vả lại, dù sao,  về mặt an ninh, để tránh sự nghi ngờ theo dõi của bọn mật thám Tây, anh cũng không thể nào đem nguyên cái tên thật của tôi vào trong truyện được. Vì thế anh đã tùy tiện chọn cho tôi một cái tên khác là: Dũng.

Ngoài ra, để cho nội dung quyển tiểu thuyết được thêm phần phong phú và có tính chất hấp dẫn độc giả, anh còn sưả lại “gia phả” của tôi.Anh cho tôi làm con trai của một viên quan tuần phủ đang làm việc cho Tây. Anh giải thích: Con quan tuần phủ, làm cho Tây, sống trong nhung luạ, xa hoa, mà lại từ bỏ tất cả để đi theo tiếng gọi của cách mạng, hy sinh cho cách mạng, thì mới tạo được một ấn tượng mạnh trong tâm thức của người đọc. Rồi người thanh niên, con nhà quan ấy lại còn yêu một thiếu nữ đồng chí hướng, nhưng vẫn không vì tình riêng ấy mà sao nhãng nghiã vụ thực hiện cách mạng. Hình ảnh  cao thượng của cuộc tình như thế mới cao đẹp, mới khiến cho con tim của các giới nam nữ thanh niên phải bồi hồi thương cảm.

Đọc thơ và đọc sách của anh Tam, tôi cảm phục anh nhiều lắm.

Riêng về cái tên Dũng mà anh Tam đã chọn cho tôi. Mới nghe qua, tôi đã thích nó ngay. Nhưng tôi thấy tên tôi nếu chỉ có một chữ “Dũng” đơn độc như thế, ngắn quá, nghe nó cụt ngủn thế nào ấy. Vì vậy, tôi nghĩ lan man đến một cái tên kép, gồm hai chữ ghép lại thì có lẽ hay hơn. Thoạt tiên mấy chữ : Trung Dũng, rồi Anh Dũng, và Hùng Dũng ...đã đến với tôi. Nhưng, sau khi kiểm điểm và cân nhắc lại, tôi thấy mấy chữ đó có vẻ sáo mòn, tầm thường quá. Nhất là cái tên Hùng Dũng, nghe còn có mùi vị cải lương nưã. Cuố½i cùng, tôi đã tìm ra được chữ Quang để ghép vào với chữ Dũng. Hai chữ “Quang Dũng”, chẳng những đã có tính chất mới mẻ lại còn tạo được một âm thanh dễ nghe hơn mấy chữ Hùng Dũng, Trung Dũng v.v...

Thế là tôi nhất định chọn hai chữ Quang Dũng làm tên. Nhưng khi đem ghép cái tên đó vào với họ Bùi của tôi, thành ra Bùi Quang Dũng, tôi thầm đọc lên, thì tôi thấy nó vẫn có vẻ làm sao ấy. Tôi tẩn mẩn nghĩ đến các họ Lê, họ Trần...đã từng tạo ra những nhân vật lịch sử hiển hách.

Cuối cùng, sau khi cân nhắc, và đã chọn lưạ kỹ càng, tôi thấy thích họ Trần hơn hết.Vì, từ thuở bé thơ, trong thâm tâm tôi đã ngưỡng phục đấng anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Vả lại họ Trần còn là họ của mẹ tôi nưã. Tôi cũng muốn dùng họ Trần để nhớ đến người mẹ thân thương của tôi, cả đời bà đã âm thầm, nhẫn nhục hy sinh cho chồng và cho con...như một chiến sĩ vô danh.

Kể từ khi chọn được cái tên mới Trần Quang Dũng, tôi đã bỏ hẳn cái tên cũ Bùi Đình Diệm vào dĩ vãng. Lúc bấy giờ, trong cộng đồng người VN làm cách mạng sống lưu vong ở bên Tàu, việc thay tên đổi họ là chuyện thường tình và lắm khi còn là điều tối cần thiết về mặt an ninh cá nhân nữa.

[GHI CHÚ THÊM CỦA ĐVN: Vả chăng, từ xưa đến nay ở Trung Quốc, - cũng chẳng khác nào ở VN, thời phong kiến - công việc hành chánh rất luộm thuộm, nên việc kiểm tra dân số không bao giờ được thực hiện nghiêm chỉnh. Đại đa số dân chúng đều chẳng ai dùng đến giấy tờ tùy thân, và không mấy ai có giấy căn cước.

Có một dạo, vì tình hình chiến tranh, chánh phủ Tưởng Giới Thạch đã ra lịnh cho mỗi gia cư phải tự kê khai một danh sách nhân khẩu trong gia đình, dán ngay ở cưả, để quan binh dễ dàng kiểm soát. Đó chẳng qua chỉ là một biện pháp kiểm soát vô hiệu quả, vì gia chủ có thể tùy tiện thay đổi tờ khai bất cứ lúc nào, và muốn viết tên gì lên đó cũng được!... Ngoài ra, còn được biết thêm: nhà thơ Trần Quang Dũng chính là chú của thiếu tướng Bùi Đình Đạm, nguyên giám đốc Nha Động Viên bô Quốc Phòng, một chức vụ no béo nhất ở miền Nam!].

Chẳng bao lâu sau,  các anh em lưu vong ở bên Tàu, trú ngụ cùng một chỗ với tôi, cũng chẳng còn ai nhớ đến tên cúng cơm của tôi nưã. Mọi người đều chỉ gọi tôi là Trần Quang Dũng. Vì thế, đến cuối năm 1945, sau khi chánh phủ VM cướp được chính quyền, tôi đã về nước  với cái tên Trần Quang Dũng.

GIA NHẬP BỘ ĐỘI V.M. KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP.

Ngay sau khi vừa về nước, tôi đã gặp lại anh Hoàng Sâm và anh Tam. Như các anh đã biết, từ đầu tôi chỉ nhắm có một mục đích duy nhất là : Chống Tây thôi! Bởi vậy, bất cứ ai, hay đoàn thể, đảng phái nào chủ trương chống Tây đều được tôi sẵn sàng ủng hộ. Riêng đối với đảng CS, do một số người VN chủ trương, trong con mắt và tâm hồn nghệ sĩ trong trắng của tôi, tôi cũng chỉ coi đảng ấy như các đảng phái yêu nước khác mà thôi. Vả lại, lúc bấy giờ tôi còn thấy anh Tam cũng không chống đối người CS chút nào. Hơn thế nưã, anh lại còn tham gia cả vào chánh phủ liên hiệp với CSVM. Bởi vậy, lúc bấy giờ tôi đã mau mắn nghe theo lời anh Hoàng Sâm, tới ngay bộ Quốc Phòng, để được anh giới thiệu với ông Võ Nguyên Giáp, gia nhập bộ đội VM chiến đấu chống thực dân Pháp.

Khi  gặp ông Võ Nguyên Giáp, tôi đã trình cho ông xem chứng chỉ tại ngũ với cấp bậc sĩ quan trong quân đội Trung Hoa và bằng tốt nghiệp trường võ bị Hoàng Phố, chỉ sau anh Hoàng Sâm một khoá, tôi liền được ông Giáp, với tư cách bộ trưởng Quốc Phòng phong ngay cho tôi chức chính trị viên đại đội (tương đương đại úy). Tôi thưà biết ông Giáp ban cho tôi chức ấy, trong quân đội CS lúc bấy giờ không phải là to, vì tôi vốn không phải là đảng viên CS. Ngược lại, nếu tôi là đảng viên CS, như các anh Hoàng Sâm,  Nguyễn Phương Thảo (bí danh Nguyễn Bình, với ngoại hiệu độc nhãn tướng quân), và Nguyễn Sơn  v.v...có lẽ tôi đã được ông Giáp tin cậy mà trao phó cho một nhiệm vụ quan trọng hơn, với cấp bực cao hơn để sau đó dễ dàng lên tướng như các anh: Hoàng Sâm, Nguyễn Bình, và Nguyễn Sơn v.v...

Đến khoảng năm 1946, khi quân Pháp đem quân ra Bắc với âm mưu tái chiếm Bắc Kỳ, để thiết lập lại guồng máy cai trị của thực dân trên toàn cõi lãnh thổ VN, thì tiếng súng giao tranh bắt đầu  bùng nổ. Chánh phủ VM liền ra lịnh cho quần chúng  tản cư ra khỏi thủ đô Hà Nội còn  chánh phủ với bộ đội VM thì rút lui vào bưng biền kháng chiến. Ngay trong thời gian khởi đầu cuộc kháng chiến, anh Hoàng Sâm đã được chính phủ phong tướng và đề cử giữ chức vụ liên khu trưởng liên khu 3. Dịp này anh Hoàng Sâm đã kéo tôi theo anh, và làm việc với anh ở liên khu 3.

Ít lâu sau, vì nhu cầu chiến trường, anh Hoàng Sâm thành lập trung đoàn Tây Tiến, để bảo vệ những yếu điểm miền rừng núi, giáp ranh điạ phận Lào. Nên biết lúc bấy giờ bộ đội VM mới thành lập, nên còn thiếu thốn đủ mọi thứ, từ võ khí, lương thực đến quân trang và quân dụng. Trong khi đó, đại đa số chiến sĩ của trung đoàn lại đều là thanh niên thành thị, trí thức, con cái của những gia đình tiểu tư sản, vốn quen với nếp sống an nhàn, và hưởng thụ. Hơn thế nữa, điạ bàn hoạt động của mặt trận này lại là một vùng đất hoàn toàn xa lạ, toàn núi rừng trùng điệp, đầy sơn lam chướng khí, với những trở ngại thiên nhiên sức người khó vượt qua. Ấy là chứ kể đến  hiểm nguy của các loài dã thú, hùm, beo, rắn, rết lúc nhúc, luôn luôn rình rập quanh mình. Tuy nhiên, nhờ lòng yêu nước nhiệt thành, nên trung đoàn Tây Tiến vẫn được thành hình và đã chiến đấu rất dũng cảm, khiến quân thù phải kiêng nể.

Tuy nhiên, trong cuộc sống hằng ngày vẫn còn lắm vấn đề phức tạp, tế nhị nan giải. Quan trọng bực nhất là vấn đề lương thực và tuyên truyền. Nên biết, thuở ấy các bộ đội chiến đấu chẳng những đã không có lương, lại cũng chẳng được chính phủ cung cấp thực phẩm. Sự sống hằng ngày của bộ đội hoàn toàn nhờ vào dân, đúng như câu tiêu ngôn” Quân dân như cá với nước”. Bộ đội đi đến đâu, đóng ở đâu đều trông cậy vào sự nuôi dưỡng của dân chúng điạ phương. Đồng thời, bộ đội còn phải nhờ dân chúng nơi đó làm tai mắt, thông báo cho những tin tức về địch tình...Nhưng khốn nỗi, trong vùng rừng núi âm u, giáp ranh  biên giới Lào này lại chỉ toàn là các sắc dân thiểu số, như  người Thái, người Mèo, người Mán, Dao, Tày v.v...Họ có những phong tục, tập quán với một lối sống khác hẳn với người VN ở đô thị. Ngoài ra, ngôn ngữ giưã họ với người Việt lại hoàn toàn bất đồng, nên không có chỗ giao cảm tương thông. Nếu đã thiếu sự cảm thông như thế, thì bộ đội rất khó đạt được sự ủng hộ và giúp đỡ của họ.

Trong trường hợp này, anh Hoàng Sâm vốn biết, khi xưa, trước khi  chạy trốn qua bên Tàu, tôi đã từng hoạt động cách mạng  một thời gian trên mạn ngược, đã thông thạo ngôn ngữ và biết tâm lý, nếp sống của người thiểu số. Ngoài ra, tôi lại còn chơi được các loại cổ nhạc, tân nhạc, biết ngâm thơ, làm thơ và hát hay v.v... nên anh đã trao cho tôi trách nhiệm nặng nề của buổi khai sơn phá thạch là giữ chức tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Tuyên Truyền Xung Phong, là một lực lượng chủ yếu của trung đoàn Tây Tiến.

Một năm sau, khi trung đoàn Tây Tiến đã nắm vững được dân tình điạ phương rồi, tôi được lệnh trở về khu bộ để đảm nhiệm chức vụ trưởng phòng văn nghệ của liên khu 3. Với mục đích chiến đấu chống  ngoại xâm, là một chiến sĩ phục vụ quê hương, dù trong hoàn cảnh nào, với trách vụ gì được trao phó, tôi cũng đều cố gắng hoàn thành mỹ mãn, với tâm nguyện mong cho sớm đến ngày dân tộc được hưởng độc lập thái bình.

Một năm sau nữa, vì lúc bấy giờ các cán bộ Tàu đã sang VN làm cố vấn khá nhiều, nên tôi được cử  vào Thanh Hoá làm hiệu trưởng trường Hoa Ngữ, dạy cán bộ VN nói tiếng Tàu. Nhưng tôi cũng chỉ được giữ chức vụ này không quá một năm. Năm sau, tôi lại phải bàn giao cho người khác, một đảng viên CS, để về khu bộ ngồi chơi sơi nước. Trong thời gian này, như một thành phần bất khiển dụng, tôi không phải làm gì cả, nên đã có rất nhiều thì giờ rảnh rỗi  để đi lang thang đây đó, vẽ phong cảnh và làm thơ vớ vẩn. Chính lúc này tôi đã có dịp gặp anh Trạch, rồi thường đến đây ở luôn với anh chị Trạch. Đến bây giờ thì tôi lại được gặp các anh đây.

Nghe anh Quang Dũng kể như thế, các anh Lê Khải Trạch, và Trần Chánh Thành mới hỏi:

_ “Như thế, anh có thấy anh đã bị nghi ngờ và thất sủng rồi không? Vậy, anh còn chờ gì nưã mà không chịu “dinh tê” với chúng tôi cho rồi. Anh ở lại phỏng ích lợi gì mà còn có khi nguy hiểm cho bản thân nữa?!”

Anh Dũng lắc đầu ngao ngán nói:

_ “Tôi biết lắm các anh ạ! Tôi biết tôi đã bị đảng và nhà nước truy đì, tuy chưa ra mặt. Vì còn đang trong thời kỳ cần phải dùng lá bài “chiêu hiền đãi sĩ” để chống Pháp, nên họ đã không tiện đem tôi ra làm tội công khai đấy thôi...Có thể họ cũng đã biết tôi vốn là đảng viên của anh Tam...Nhưng mỗi người một hoàn cảnh. Tôi còn bố mẹ già, còn vợ...và con còn măng sưã... làm sao tôi bỏ đi cho đành!...”

Noí xong, anh Dũng cúi xuống nghẹn ngào, nức nở...

 QUANG DŨNG LẬP GIA ĐÌNH.

Kể từ ngày kết bạn trăm năm với thi sĩ Quang Dũng đến nay, năm 2001, thỉnh thoảng nếu có ai trong số bạn bè năm xưa nhắc lại tình yêu thuở còn trai trẻ của hai người, chị Quang Dũng đã 84 tuổi, vẫn thường mở đầu chuyện cũ bằng câu bất di bất dịch:

_ “Không hiểu tại sao? Tại số phận, tại duyên nợ vấn vương từ kiếp trước hay sao mà cuộc đời của tôi lại dính liền với anh ấy!...

Chứ anh ấy, vưà khoẻ mạnh, cao lớn đẹp trai, trông cứ như Tây, lại là một nghệ sĩ đa tài, đủ mùi cầm, kỳ, thi, hoạ, lại ngâm thơ  và hát hay... hồi đó thiếu gì các cô mê mệt. Hơn thế nưã, tính tình anh Dũng lại dễ thương, rất quảng giao và đặc biệt nói chuyện rất có duyên đến con rắn trong lỗ cũng phải bò ra...[ về điểm này, tôi mạn phép được nhắc đến 2 câu thơ sau đây của thi sĩ Yên Thao, viết trong bài “Nhớ Quang Dũng”, nhân ngày giỗ đầu của Quang Dũng, 13.10.1989, như sau:...Chuyện vui kể suốt đêm trường, Bùi tai con gián khe tường bò ra... ].

Anh  với tôi khác nhau đến nỗi có người đã nói không hiểu tại sao mà anh lại yêu tôi, một cô gái quê rất tầm thường...”

Sau câu mở đầu ấy chị mới thong thả kể tiếp :

_ “Tôi còn nhớ, lúc bấy giờ khoảng năm 1946, anh Dũng ở bên Tàu về nước. Anh đi qua Yên Bái, tạm trú gần nhà tôi. Nhờ thế, chúng tôi đã có dịp quen nhau. Trong những buổi chiều nhàn hạ, anh Dũng thường ngồi bên cưả sổ kể chuyện cho tôi nghe.

Lúc bấy giờ, tôi hoàn toàn là một cô gái quê, nhan sắc chẳng có gì đáng kể, trình độ học vấn đơn sơ, nhưng tôi rất yêu thích văn chương thi phú. Tôi đã thuộc nằm lòng cả chuyện Chinh Phụ Ngâm... Chỉ có thế thôi, mà tôi không hiểu tại sao một thanh niên tuấn tú đa tài như anh Dũng lại có thể yêu tôi cho được.

Nhưng mãi đến khi anh ấy về xuôi rồi anh ấy mới viết thơ tỏ tình cho tôi biết. Anh nói rằng anh đã yêu tôi. Và đó là mối tình đầu của anh. Dĩ nhiên được thơ của anh, nghe anh nói thế, tôi vui lắm. Nhưng tôi không khỏi cười thầm và nói với mình rằng: “...Anh mà là mối tình đầu! Chắc là mối tình đầu thứ bao nhiêu ấy chứ !”...

Sau đó, chúng tôi làm đám cưới, rồi tôi theo anh về Hà Nội. Lúc bấy giờ tình hình chính trị giưã Pháp và VN đã căng lắm. Anh Dũng phải ra đi làm nghiã vụ công dân, chiến đấu chống quân thù. Còn tôi vẫn ở lại hậu phương. Khi tôi vưà sanh được một cháu trai đầu lòng, mới 29 ngày, thì đã có lịnh phải tản cư. Mặc dù cả hai mẹ con còn rất yếu đuối, và thiếu thốn đủ mọi thứ, nhưng tôi vẫn phải ẵm con,  quàng tay nải đựng ít quần aó và tã lót, chạy theo đoàn người tản cư ra khỏi thành phố Hà Nội. Tôi đã phải lặn lội đi bộ suốt ngày nọ sang ngày kia tìm đường trở về quê tôi ở Yên Bái. Tôi bế con đến đâu, đói thì xin ăn, khát thì xin uống...

Nhưng khổ nỗi lúc bấy giờ tôi lại bị những cơn sốt rét rừng hành hạ liên miên. Nhiều lúc tôi đang lên cơn sốt, toàn thân nóng bỏng như lưả, thì con lại đòi bú. Tôi không biết phải làm sao hơn, đành phải cho con bú. Nhưng tội nghiệp, đưá bé thấy sữa nóng quá cũng khóc ré lên và giẫy nảy ra không chịu bú...Ôi thảm cảnh ấy không bao giờ tôi có thể quên được. Có lẽ nó sẽ còn ám ảnh mãi trong đầu tôi cho đến ngày tôi nhắm mắt!”... 

 BÀI THƠ “MẮT NGƯỜI SƠN TÂY”...

Trong thời gian loạt bài này đăng tải trên tuần báo Đại Chúng, có một số độc giả yêu thơ đã gọi điện thoại và gửi thơ cho tác giả yêu cầu cung cấp thêm những bài thơ hay của thi sĩ Quang Dũng. Vì thế, nơi đây tôi xin lần lượt trích đăng lại một vài bài thơ tuyệt tác của thi sĩ Quang Dũng, để bạn đọc nhàn lãm. Bài dầu tiên trong loạt này là bài “MẮT NGƯỜI SƠN TÂY”:

Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì

Vầng trán em mang trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây phương
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương?...

 Mẹ tôi em có gặp đâu không
Những xác già nua ngập cánh đồng
 Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông

Từ độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn ôi lại nối điêu tàn!
Đất đá ong khô nhiều suối lệ
Em đã bao ngày lệ chưá chan?

Đôi mắt người Sơn Tây
U ẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây

Tôi gửi niềm nhớ thương
Em mang dùm tôi nhé
Ngày trở lại quê hương
Khúc hoan ca rớm lệ

Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng

Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Đã hết sắc muà chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta?

Quang Dũng (1949)

(còn tiếp)

Đặng Văn Nhâm

_________________

KỲ TỚI: Lai lịch  một mối tình lãng mạn đẹp như tranh như mộng trong thời gian kháng chiến chống xâm lăng của dân Việt qua bài thơ “QUÁN BÊN ĐƯỜNG”.

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002