Đại Chúng số 74 - phát hành ngày 1/6/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


  

LÁ THƯ TOÀ SOẠN

Người làm báo bao giờ cũng phải lấy lương tâm, chức nghiệp làm trọng.  Bởi người cầm bút là những tầng lớp trí thức mà đại đa số quần chúng nhân dân tin tưởng, quí trọng và đặt hết kỳ vọng vào chúng ta.  Nếu báo chí không trung thực, không lấy thông tin một cách chính xác và đồng thời không đi đến nơi để xác minh và lấy đầy đủ những bằng chứng cụ thể thì giá trị của thông tin không đủ sức thuyết phục người đọc.  Và nếu chúng ta mượn thông tin đại chúng để dựa vào đó gây thanh thế, lừa dối đồng bào, dựa vào việc “cứu nước, cứu dân” mà trục lợi thì những kẻ đó đáng bị lên án và bị luật pháp trừng trị.  Cứ nhìn Việt Nam, từ ngày chiếm Miền Nam Việt Nam, ĐCSVN đã nương nhẹ, xem thường việc ăn cắp, tham ô, hối lộ của cán bộ, do đó “thượng bất chính, hạ tắc loạn” đã lan tràn nhanh chóng.  Và hiện nay, tình hình tham nhũng ở VN vô phương cứu chữa.  TBĐC biết việc tìm hiểu tiền cứu trợ nạn lụt tại Việt Nam không phải là một việc làm dễ dàng dù có tính cách nhân đạo hơn là chính trị.  Những phóng viên đi săn tin, ngay cả những người ngoại quốc cũng gặp những trở ngại rất lớn.  Cứ nhìn gương của dân biểu Lars Rise người Na Uy bị bắt và trục xuất khỏi Việt Nam khi đến gặp linh mục Lý thì thử hỏi làm thế nào chúng ta có thể moi tin tức, tiếp xúc, gọi điện thoại phỏng vấn linh mục Nguyễn Văn Lý được nếu không có sự chấp nhận của chính quyền Việt Nam thông qua một linh mục quốc doanh.

TBĐC đã chịu mọi phí tổn để cố gắng đem vụ cứu lụt ra ánh sáng như mong đợi và nguyện vọng của quần chúng.  Ba người mà TBĐC nhờ đến Nguyệt Biều để điều tra điều trả lời giống như nhau: “Việc gặp LM Lý hay Hoà Thượng Thích Quảng Độ là một việc làm nguy hiểm chẳng khác nào đi vào hang cọp”.  Những gì họ có thể cung cấp cho chúng tôi về vụ cứu lụt đã được công bố trên TBĐC do LM Trần Văn Quí, cha sở của LM Lý trao lại.  Nếu chỉ nhờ người ở VN xác minh thì chúng tôi vẫn chưa dám tin tưởng 100%.  Vì “cò mồi”, tráo trở, nói láo, lừa bịp có thể xảy ra và TBĐC sẽ không có người đối chứng trước cộng đồng người Việt hải ngoại.  Chúng tôi đã cẩn thận cử một đặc phái viên đến tận Nguyệt Biều xem xét tình hình và vợ chồng anh đã trở lại Hoa Kỳ vào chiều thứ ba 1-5-2001.  Đặc phái viên của chúng tôi sẽ tường trình lại sự việc trong bài “Hậu Cứu Trợ Nạn Lụt Miền Trung”.  Mọi thắc mắc, suy tư của tất cả quí vị nếu có về Nguyệt Biều, có thể thương lượng trực tiếp với TBĐC để chúng tôi đối chứng và trả lời trước công luận.  TBĐC xin cho biết thêm, nếu chính quyền CSVN cho phép, những tin tức có liên quan đến Nguyệt Biều cũng sẽ được chúng tôi đăng tải một cách công khai, vô tư vì tinh thần phục vụ lợi ích chung của cộng đồng người Việt hải ngoại.

Trong số báo 74, chúng tôi xin giới thiệu tiếp bài 4 “Bên Trời Lận Đận” của nhà thơ Hà Thượng Nhân,  mấy mảnh thơ rơi của nhà thơ Hoàng Huy trong bài “Chiều Tím”, bài thơ “Xin Hãy Chuyển Cung” của Cung Diễm, mười một bài thơ của nhà thơ Lê Khắc Anh Hào.  Mỗi bài thơ của tác giả thể hiện tình cảm, tâm sự khác nhau về quê hương, đất nước, con người VN và nỗi lòng thương nhớ quê hương. 

Nhân dịp trở lại thăm quê hương VN, nhà thơ Mục Kính Nhân đã chứng kiến biết bao cảnh chướng tai, gai mắt xảy ra tại Việt Nam.  Với đôi mắt của một người nghệ sĩ, anh  đãsáng tác những bài thơ nói về đất nước và những rung cảm của anh khi trở lại quê xưa.  Chúng tôi xin chọn đăng hai bài thơ độc đáo của Mục Kính Nhân mang tựa đề “Ông Vô Địch Sửa Sai” và bài “Trên Đường Về Tây Ninh” để độc giả có thể khái quát được khung cảnh và tình hình đất nước ta sau 26 năm ĐCSVN cầm quyền.

TBĐC cũng vô cùng cảm ơn hai vợ chồng nhà văn Bình Huyên đã gởi tặng chúng tôi quyển sách “Yêu Em Từ Thuở” và hai bài thơ “Làng Xưa” và “Nhìn Trộm Em Ngủ”.  TBĐC xin chân thành cảm tạ nhiệt tâm và lòng ưu ái của Bình Huyên.  Hẹn ngày tái ngộ.  Kính chúc hai vị và gia quyến an vui, hạnh phúc.

Chúng tôi cũng hân hạnh được sự quan tâm, chú ý của nhà thơ Quốc Nam.  Tập thơ “Người Tình Quê Hương” thật ngọt ngào và tình tứ đã đưa chúng tôi trở về quê hương của 26 năm về trước.  Vâng, người con gái Việt Nam trong tà áo dài thướt tha đã làm cho bao thi nhân rung động.  Bởi tà áo đó không giống với bất kỳ một chiếc áo nào trên thế giới.  Tà áo đó chứa đựng một hình ảnh cao quí, thuỷ chung và những giọt nước mắt đớn đau của Mẹ Việt Nam yêu quí ngàn đời.  Cảm tạ món quà tinh thần của nhà thơ Quốc Nam.  Chúng tôi sẽ lựa chọn và cho trích đăng một số bài thơ để giới thiệu đến độc giả.  Mong được sự cộng tác lâu dài trong tương lai.

Trong số báo 72, 73 nhà biên khảo Phụng Hồng đã giới thiệu đến chúng ta tập hồi ký của Henry Kissingger “Chôn Sống Việt Nam Cộng Hoà”.  Hôm nay, Phụng Hồng tiếp tục gởi đến bạn đọc tất cả những chi tiếc có liên quan đến sự sụp đổ toàn diện của MNVN vào ngày 30-4-1975.

Ngoài những người thân cận với nhà thơ Quang Dũng, hoặc là những người từng kháng chiến chống Pháp với Quang Dũng không ai biết được một cách rõ ràng về thân phận và cuộc đời thực của ông.  Một người tài cao, học rộng có lòng yêu nước, can đảm, dấn thân cho đại cuộc nhưng đã bị CS đối xử tàn nhẫn, bạc đãi cho đến chết không có một chén cơm độn no lòng.  Cách đối xử nầy của CSVN đã làm cho biết bao người khiếp sợ mà không dám ngo nghoe chống đối.  CS đã vùi dập không biết bao nhiêu tài năng, biến họ thành công cụ phục vụ cho lợi ích của Đảng.  Cứ đọc thơ của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Thế Lữ...sau nầy thì thấy hồn thơ đã không còn.  Ngay như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, một ngôi sao Mai của trời Nam với những bản nhạc tuyệt vời đi vào tâm tư, tình cảm của hàng triệu người Việt Nam của nhiều thế hệ cũng đã rơi vào quỷ đạo của CS.  Trịnh Công Sơn không tránh khỏi sự kềm hãm của ĐCSVN.  Nhạc Trịnh Công Sơn sau năm 1975 ít có ai nhớ và thuộc bằng những bài hát tiền chiến.  Cái hồn, sự sâu thẳm về tình yêu đúng nghĩa của cảm xúc con người đã bị phá vở từ trong tâm tư của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khiến anh sáng tác hết sức khó khăn (bằng chứng là Trịnh Công Sơn đã lao vào hội hoạ để lấp khoảng trống trong tâm hồn mình).  Từ năm 1975 đến 1988, ĐCSVN đã tổ chức những cuộc tuyên truyền lớn, sâu rộng để đã kích, bài bác văn học nghệ thuật Miền Nam Việt Nam trước 1975; thế là Trịnh Công Sơn đã được lệnh Đảng đi diễn thuyết và nói chuyện với thanh niên khắp nơi trên toàn quốc.  Trong số đó, phải kể đến Lê Xuân Tiến, một cán bộ tuyên truyền đắc lực của Mặt Trận Văn Hoá Tư Tưởng của Đảng.  Lê Xuân Tiến có thể nhái giọng ca sĩ Hùng Cường y hệt và chửi Nhạc Sĩ Phạm Duy rất thậm tệ từ Bắc vô Nam. Và hẳn nhiên, Trịnh Công Sơn đã bị Đảng xỏ mũi dắt đi.  Nếu quí vị đang ở trong tình huống của Trịnh Công Sơn quí vị sẽ làm gì?  Một là về quê cắm câu rồi bị công an phiền nhiểu hết ngày nầy qua ngày khác, cuộc sống bên lề xã hội hết sức nguy hiểm và chôn vùi cả sự nghiệp, tiếng tăm và tài năng.  Hai là quí vị phải lăn vào xã hội để tìm một chút ánh sáng, một chút hơi thở mà sống cho qua ngày đoạn tháng.  Bảy mươi hai triệu dân Việt đã phải sống như vậy.  Đã sinh ra làm người nghệ sĩ và chịu một hoàn cảnh oái oăm, hẳn nhiên Trịnh Công Sơn phải lên tiếng “CHỐI BỎ NHỮNG BẢN NHẠC TIỀN CHIẾN” cũng vì muốn tìm sự yên ổn thế thôi.  Và đáng buồn thay, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại lao vào rượu.  Có lẽ, ông uống rượu nhiều hơn bao giờ hết để giải sầu và giấu kín tâm sự của mình.  Kẻ viết phần nầy, ít ra cũng hiểu về ông nhờ bạn bè trong giới âm nhạc và văn học tâm sự.  Hay tin ông chết, chúng tôi hết sức bàng hoàng và xúc động, nhất là khi nhìn được tấm hình “biến dạng” như con khô mực của Trịnh Công Sơn chụp chung với ca sĩ Khánh Ly.  Những ai còn ghét bỏ Trịnh Công Sơn, nên có cái nhìn cảm thông và công bằng đối với số phận của một tài hoa sinh ra không đúng thời thế.  Và nhìn kia, những tác phẩm đồ sộ của ông để lại mới là giá trị to lớn, đích thực, chan chứa tình yêu thương con người và quê hương Việt Nam.  Đó mới chính là linh hồn thật của Trịnh Công Sơn.  Có đáng trách chăng, chúng ta hãy trách là những kẻ đã gây ra cuộc chiến tranh tương tàn trên quê hương.  Xin trở lại với nhà thơ Quang Dũng, công lao của Quang Dũng đối với CS to như vậy mà còn bị truy đì cho đến chết không tha.  Không có một chế độ nào mà tàn độc đến như vậy.  Cái gọng kềm đó đã siết cổ dân tộc VN hơn nữa thế kỷ.  Trong số báo hôm nay, nhà báo Đặng Văn Nhâm đã bật mí cho chúng ta biết nhân vật chính của tác phẩm “Đôi Bạn” của nhà văn Nhất Linh-Nguyễn Tường Tam.  Và vì sao Bùi Đình Diệm lại cải danh thành Quang Dũng.

Cũng trong số báo 74, chúng tôi giới thiệu đến quí độc giả sự thành công bất ngờ của thế hệ trẻ VN lưu vong tại hải ngoại đó là thuyền trưởng Đặng Kỳ Tú, vô địch thế giới liên tiếp 4 kỳ, anh là huấn luyện viên quốc gia của Tổng Cục Thái Cực Đạo Do Thái, Úc Châu và nhiều nước Âu Châu khác... Mời quí vị theo dõi bài phỏng vấn đặc biệt của Tân Dân, Đặc Phái Viên của TBĐC, phỏng vấn Đặng Kỳ Tú.

TBĐC cũng đã nhận được cảm tình của Việt Hải California.  Bài “Goodbye My Love” rất dễ thương, lãng mạn và rất gần với tâm tư của giới trẻ đang yêu.  Cảm ơn sự cộng tác của Việt Hải.  Mong sẽ nhận được thêm bài vở của tác giả.

Có ai dám mơ lên cung trăng thăm chị Hằng và chú Cuội không?  Giấc mơ thần tiên đó đã bị phá vở khi lần đầu tiên Hoa Kỳ đã phóng phi thuyền lên mặt trăng tìm hiểu chị Hằng Nga.  Eo ôi!  Hằng Nga, chú Cuội đâu không thấy mà chỉ thấy sa mạc không có cây cối, sinh vật, chỉ có thung lũng, đá, cát...thế là ước mơ trở thành mây khói.  Đã vậy, mấy nhà khoa học mê lên chơi với chị Hằng khi trở về trái đất lại trở thành “quan thái giám” mới ác.  Cát Tường Gia xin gởi đến độc giả “Du Hành Trong Vũ Trụ” của kỹ sư  Sagant Phan, để chúng ta tìm hiểu thêm về “Thiên Đàng” trên Mặt Trăng và sự hy sinh của những nhà khoa học.

Chúng tôi cũng tiếp tục cho đăng tác phẩm nóng bỏng “Đòi Đoạn Xa Gần” của nhà văn Lãng Nhân và “Cái Triết Của Thiền” của hiền triết Huyền Quang.

Kính chào Phan Lê, TBĐC đã nhận được rất nhiều bài viết của Phan Lê nhưng chưa một lần nào viết một lời cảm ơn cho phải lẽ.  Đó là một thiếu xót mà chúng tôi cố gắng tạ lỗi cùng Phan Lê.  Hôm nay, viết mấy dòng nầy thay lời cảm tạ đến người bạn mới đã bỏ thời gian qúi báu của mình để viết những bài tiểu luận mang nội dung giáo dục và luân lý cao quí của người VN.  Thường thì bài vở gởi về sớm một chút thì người đánh máy, layout mới có đủ thời gian chuyển sang cho chúng tôi xem xét.  Nếu không thì khi báo lên khuôn, chúng tôi mới biết bài của tác giả nào.  Mong Phan Lê thông cảm.  Kính gởi đến người bạn mới quen một lời chào thân ái.

Trong tuần qua chúng tôi cũng đã nhận được sự ủng hộ của những nhà hảo tâm sau đây: Độc giả Phan Thị Liên (Florida) ủng hộ báo Đại Chúng $50.00, giáo sư Nguyễn Thanh Bình (Connecticut) ủng hộ Đại Chúng $100.00 và cụ bà Thông (Virginia) ủng hộ Đại Chúng $2.00. Xin ơn trên ban phước lành và trả công ơn cho quý vị.

Kính chúc quí vị một tuần lễ an lành, hạnh phúc.

TBĐC

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002