Đại Chúng số 73 - phát hành ngày 15/5/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

Phong Tình Cổ Lục Còn Truyền Sử Xanh:

VÌ SAO MIỀN NAM KHÔNG THỂ THOÁT KHỎI TAY QUÂN CS?

Những khám phá động trời:

  • THIỆU - HUY ĐI ĐÊM VỐI MTDTGPMN.

  • CHÁNH PHỦ BA THÀNH PHẦN CUẢ DƯƠNG VĂN MINH.

Đặng Văn Nhâm

LTG.- Kể từ triều đại nhà Nguyễn cho đến ngày 30.4.75, dân tộc VN  chẳng khác nào như những con ngựa gầy còm kéo xe thổ mộ , hai mắt bị bịt kín bằng một mảnh da nhỏ, không thấy được gì chung quanh, và hoàn toàn bị khống chế bởi chiếc roi dài cuả tên phu xe. Cảnh thật đáng thương!

Kể từ sau năm 1975, ra hải ngoại, những con ngưạ ké xe thổ mộ ấy, tuy không còn bị bịt mắt , không bị roi vọt cuả tên xà ích nưã,  nhưng tội nghiệp con ngưạ già nua gầy ốm trơ xương ấy đến lúc đó đã quá quen thuộc với màn đen trước mắt, và luôn luôn bị ám ảnh bởi tiếng roi vụt đen đét trên lưng, nên vẫn tiếp tục hành động theo câu tục ngữ cổ truyền ” ngưạ quen đường cũ”. Tội nghiệp!

Bây giờ, trên mặt báo này, tôi xin lần lượt cống hiến bạn đọc loạt bài tựa đề là ”CÒN TRUYỀN SỬ XANH”.Đây là một đoạn trích trong 2 câu thơ Kiều:

”Cảo thơm lần giở trước đèn,

Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh”...

với hy vọng có thể hoá giải được phần nào màn đen tăm tối che phủ với tâm trạng nô lệ  bị ám ảnh  bởi roi vọt cuả cường quyền... Mong bạn đọc theo dõi. Tác giả kính cẩn. ĐVN.

 

THIỆU ĐI ĐÊM VỐI MTDTGPMN.

Theo nhận xét của riêng tôi, trong khoảng thời gian 5 năm, từ 1970 đến 1975, TT Thiệu đã sống trong tâm trạng bất an, lo sợ nhất. Trong hai lãnh vực chính trị và quân sự, tất cả mọi yếu tố quyết định đều nằm ngoài tầm tay của ông ta. Về mặt chính trị, trong cuộc hòa đàm bốn bên ở Paris, tuy có sự hiện diện của phái đoàn đại biểu VNCH, nhưng mọi chủ động đều nằm trong tay của 3 phe khác gồm Mỹ, Hà Nội và MTDTGPMN.Một vài đề nghị hay phản kháng yếu ớt, chiếu lệ của VNCH, nếu không bị Mỹ gạt ra thì cũng bị Hà Nội và MTDTGPMN phản bác. Trong tình cảnh đó, TT Thiệu chỉ còn một điểm tựa duy nhất để sống còn là tâm trạng sợ hãi của quần chúng đối với CS. Bởi thế ông ta đã phải đóng kịch cố tỏ ra là một người chống Cộng cùng mình, chống CS đến kỳ cùng, chống chết bỏ, không chịu nhượng bộ một ly ông cụ nào cho CS hết thảy! Thế rồi, để phỉnh gạt quần chúng nhẹ dạ, cả tin, ông tung ra chủ trương ”BỐN KHÔNG” nghe rất xôm. Nhất định không thỏa hiệp với CS, không cắt đất nhường dân cho CS v.v...

Để đáp lại chủ trương ” bốn không ” của ông Thiệu, MTDTGPMN liền tung ra một đòi hỏi hết sức nhẹ nhàng, đơn giản, nhưng cực kỳ độc địa, chỉ nhắm vào độc nhất một mình Thiệu.” TT Ng.V. Thiệu phải từ chức!” Thiệu chính là một chướng ngại vật lớn lao cho cuộc thương nghị tiến tới hòa bình!...

Đây là loại chưởng lực ”cách sơn đả ngưu” đã đánh trúng yếu huyệt của Ng. V. Thiệu, tức lòng tham quyền cố vị vô bờ bến. Thiệu tham đủ thứ, tham quyền, tham tiền, đến cả tham đàn bà. Hiện nay tội ác gây nên do lòng tham  ấy đã chồng chất đầy rẫy, khắp đó đây, trên mọi lãnh vực. Làm sao Thiệu có thể xóa đi được? Hơn thế nữa một tài sản không lồ  trị giá hàng nhiều tỷ bạc mà Thiệu đã ăn cắp được trong mấy năm cầm quyền làm sao chuyển hết ra ngoại quốc cho kịp? Do đó đòi hỏi ấy của MTDTGPMN đã khiến Thiệu lo sợ cuống cuồng đến muốn phát điên lên.

Tai quái nhất là hằng ngày đài phát thanh của MTDTGPMN vẫn cứ lải nhải nhắc đi nhắc lại mãi sự đòi hỏi khủng khiếp ấy. Đài giải phóng nói: ”MTDTGPMN sẵn sàng thương thuyết và hợp tác với chính phủ Sài Gòn, với điều kiện không có Thiệu!”.

Trời ơi, như thế chẳng khác nào MTDTGPMN đòi lôi cổ Thiệu ra pháp trường cát trước bùng binh chợ Sài Gòn mà bắn bỏ rồi còn gì!

Bị tấn vào cảnh khốn đốn ấy, Thiệu rất sợ chết, nhất là chết như anh em ông Diệm, nên một mặt Thiệu tỏ ra rất tuân phục những áp đặt của Mỹ trong  bàn hội nghị, sẵn sàng nhượng bộ mọi thứ dù thừa biết rằng như thế là đưa dân chúng miền Nam vào vòng khốn khổ. Nhưng bản thân Thiệu và gia đình lại được yên ổn, nếu tai biến thình lình ập đến,  ít ra Thiệu cũng còn một cánh cửa mở sẵn để có thể tháo chạy qua cửa đó. Nhưng Thiệu vẫn thừa biết trong không khí căng thẳng của cuộc thương nghị ở Ba Lê, nếu lúc này mà để cho dân tâm đột biến thì mạng sống của Thiệu chẳng khác nào treo trên sợi chỉ. Dù cho lúc ấy người Mỹ muốn cứu cũng không kịp, nên Thiệu vẫn phải đóng kịch cương để trấn an tinh thần quần chúng và lừa gạt binh sĩ. Bên ngoài Thiệu rêu rao hết sức lớn tiếng, quảng cáo rầm rộ cho chủ trương ”BỐN KHÔNG”. Nhưng bên trong, ai dè lúc đó Thiệu lại đang ngấm ngầm thực hiện... ”BỐN CÓ”!

Như câu vè truyền khẩu trong dân gian đã nói” Thiệu gian”. Theo tôi quả thật cái gian của Thiệu không thua Tào Tháo. Xin đơn cử  một chứng cớ cụ thể: Trong hội nghị hòa bình ở Ba Lê, thoạt tiên, chính phủ VNCH đặt điều kiện tiên quyết đòi hỏi quân CSBV phải rút hết 300.000 quân về Bắc. Nhưng khi MTDTGPMN và CSBV lên tiếng đòi Thiệu phải từ chức, và chỉ chịu thương thuyết với chính phủ VNCH , khi nào không còn Thiệu nữa. Lập tức Thiệu liền ngầm chỉ thị cho Nguyễn Xuân Phong phải tìm mọi cách thỏa hiệp mật với CSBV và MTDTGPMN , để mặc cả đổi chác hai đòi hỏi đó. Nghĩa là, Thiệu đã ngầm cho phép CS được quyền duy trì 300.000 quân trên lãnh thổ miền Nam để đổi lấy sự kéo dài chức vụ tổng thống của ông ta. Do đó mới đẻ ra kế hoạch ”da beo”. Chuyện này mãi đến khi  hiệp định Ba Lê công bố vào năm 1973,  mọi người mới bật ngửa. Nhưng bấy giờ rắm đã ra khỏi trôn và ván đã đóng thuyền rồi! 

Ngoài ra còn một chuyện đi đêm khác của Thiệu với manh tâm bảo vệ mạng sống cho cá nhân và gia đình mình, mãi cho đến nay đã 29 năm rồi vẫn không ai hay biết. Tôi nhớ trước đây, vào khoảng  những năm 1980-1981, thỉnh thoảng Ng.V. Thiệu còn qua lại Luân Đôn, tiếp xúc với một số cựu sĩ quan trong  quân đội VNCH, và một vài thân hữu, để mưu bàn chuyện chính trị chính em. Nên nhớ khi chạy ra khỏi VN, Thiệu đã đem gia đình vợ con sang thẳng Đài Bắc tạm trú trong một thời gian ngắn với gia đình người anh là Nguyễn Văn Kiểu, thử thời đại sứ của VNCH tại Đài Loan. Nơi đây, Thiệu đã tậu một biệt thự lớn rộng, sang trọng, với giá 300.000 Mỹ Kim. Khi rời Đài Loan sang tị nạn ở Luân Đôn, vợ chồng Thiệu lại tậu một biệt thư khác, trị giá khoảng nửa triệu MK, tương đương với tiền bán ngôi biệt thự ở Đài Bắc. Sau đó ít lâu Thiệu mới được chính phủ Mỹ cho phép nhập cảnh HK.

[Cách nay chừng 2 tuần lễ, cựu TT Nguyễn Chánh Thi đã gọi điện thoại nói chuyện với tôi, kể cho biết trong một cuộc gặp mặt  mới nhất (khoảng cuối tháng 3. 01) giưã ông và một số thân hữu ở Mỹ trong đó có cựu ĐT  Hoàng Đức Ninh. Dịp này HĐ Ninh đã kể cho ông Thi biết:

_ ”Hiện nay- theo HĐN biết- Thiệu đã đem vào Mỹ được một số tiền khổng lồ đến trên 300 triệu MK... Nhưng số tiền đó còn chưa thấm gì so với số tiền khác cuả Thiệu còn để ở Đài Bắc!...”

Ông Thi nghe HĐ Ninh nói như vậy, ông mới gạn hỏi lại cho kỹ. HĐ Ninh vẫn xác quyết lời mình nói là sự thực. Khi ông Thi bảo: Nếu ông đem chuyện này thuật lại cho người khác nghe, liệu HĐ Ninh có phủ nhận không?

Trả lời ông Thi, HĐ Ninh lại quả quyết thêm bằng câu chắc nịch:

_ ”Anh cứ kể. Tôi với thằng cha Thiệu có mẹ gì đâu mà phải phải ngán!”

Lời tiết lộ cương nghị cuả cưụ ĐT Hoàng Đức Ninh kể trên đã  minh xác phần nào dư luận loan truyền từ nhiều năm qua, TT Thiệu đã đem ta nước ngoài được trên 700 triệu MK.  Vụ này lúc nào tôi vẫn quan tâm theo dõi và truy tầm bằng cớ để cống hiến bạn đọc. Xin hay đón xem các số báo ĐC sắp tới để hiểu vì sao mà Thiệu đã có lắm tiền đến thế !]

Bây giờ trở lại vụ  ”đi đêm với  MTDTGPMN cuả Thiệu. Trong thời gian này, Ng. Ngọc Huy cũng hoạt động lăng xăng, đi đó đi đây để thành lập cái gọi là ”Liên Minh Dân Chủ” ở hải ngoại.

Lúc ấy, vào khoảng tháng 3 và tháng 4, năm 1981, trong một cuộc họp mặt không đông đảo lắm , tại nhà một cựu sĩ quan, đã có người nêu vấn đề ”đi đêm với MTGPMN” ra hỏi Thiệu, nhưng Thiệu chỉ tìm cách nói lảng sang chuyện khác, không trả lời trực tiếp vào vấn đề. Tuy nhiên, Thiệu xác nhận trong hội nghị Ba Lê, ông đã chỉ thị cho trưởng phái đoàn Nguyễn Xuân Phong liên lạc thương thuyết  với phe bên kia...

Vì câu hỏi không được giải đáp thỏa đáng, hơn nữa người ta lại còn biết khá rõ Ng. N. Huy đã nhận lệnh của Thiệu thi hành sứ mạng đi đêm với MTDTGPMN, nên khi Huy sang Luân Đôn lại bị chất vấn thêm lần nữa. Lần này câu hỏi đã được Huy trả lời tương đối thành thực. Nghĩa là Huy không phủ nhận sự việc, nhưng lại đổ tội cho Thiệu, và nêu luôn giả thuyết có thể bên trong hậu trường, người Mỹ đã đưa ra sáng kiến đó với sự đồng thuận của Vatican. Thiệu bắt buộc phải thi hành và Huy chỉ là kẻ thừa ủy nhiệm. Đồng thời Huy còn nói thêm, theo ý nghĩ riêng của ông ta: ”Mình” tính trước, hy vọng có thể lôi cuốn Mặt Trận theo ”mình ” được. Vì thực sự họ chỉ chống ông Diệm!

Như vậy có nghĩa là trong đầu Thiệu và Huy đã lóe lên một tia hy vọng có thể đem khối lượng  tiền bạc viện trợ dồi dào của Mỹ và sự chia chác miếng đỉnh chung  béo bở ở miền Nam ra để dụ dỗ những kẻ đầu sỏ của MTDTGPMN bỏ rơi đám CSBV nghèo đói xác xơ, để chạy theo Mỹ, cộng tác với VNCH.

 

NGUYỄN NGỌC HUY MỘT TAY SAI NGOAN NGOÃN CUẢ THIỆU!

Theo sự tiết lộ của một cơ quan tình báo ở miền Nam, khoảng cuối tháng 11.1971, Thiệu đã sai Nguyễn Ngọc Huy lãnh sứ mạng vào mật khu để tiếp xúc trực tiếp với Nguyễn Hữu Thọ và Huỳnh Tấn Phát, là hai nhân vật chỉ đạo của MTDTGPMN. Chuyến vào mật khu này của Huy đã được kín đáo bố trí trước với đại diện của MTGP. Khoảng 10 giờ đêm, vào một ngày cuối tháng Mười, Ng.N. Huy đã dùng trực thăng, sơn đen, không số , một mình đáp xuống vùng giáp tiếp mật khu Dương Minh Châu. Nơi đó Huy đã được giao liên VC túc trực, sẵn sàng đón tiếp và đưa thẳng về bộ chỉ huy ở Lộc Tấn (thuộc Lộc Ninh). Ng. N. Huy đã ở lại trong mật khu VC cả thảy 4 ngày. Ngày đầu Huy được VC đưa đến họp ở bộ chỉ huy miền trong một vùng rừng rậm, thuộc tỉnh Tây Ninh, sát biên giới Căm Bu Chia. Không ai biết được những cuộc thảo luận ấy đã đề cập đến những điều khoản nào. Nhưng  một điều hiển nhiên ai cũng biết được là kết quả bất thành. Theo Ng. N. Huy, sự thất bại của ông trong chuyến đi đóbởi sự phản đối mạnh mẽ Phạm Hùng!  

Thoạt tiên, đi nước cờ này, Thiệu và Huy tưởng là cao và hy vọng có thể thành công trong mục  tiêu chia rẽ được MTDTGPMN với CSBV, nhưng chẳng dè thất bại đau đớn.Vì Thiệu và Huy đã không nhìn thấy ẩn số: Hầu hết  lãnh tụ MTDTGPMN đều là đảng viên CS thâm niên và cao cấp.

Họ đã bị nhồi sọ ”chỉ biết có đảng, không cần biết đến gia tộc hay tổ quốc”, chẳng khác nào một số tín đồ TCG cuồng tín đã phát nguyện ”thà mất nước còn hơn mất chúa”!

Đến đây sẽ có người còn thắc mắc nêu lên câu hỏi: ”Tại sao TT Thiệu lại dùng Ng. N. Huy vào công tác mật này?”

Câu hỏi rất xác đáng. Trước hết ta phải tìm hiểu từ căn cơ gốc rễ của những liên hệ ngầm về mặt chính trị giữa Thiệu và Huy. Trong thời gian dạy học và làm báo ở quê  nhà từ đầu thập niên 50 , tôi đã có dịp dạy chung trường và quen biết khá nhiều ông Nguyễn Văn Kiểu, tục gọi Kiểu Cụt, nên tôi đã biết mấy anh em nhà ông Thiệu đều là đảng viên Đại Việt.

Nhưng suốt 9 năm dưới chế độ Ngô Đình Diệm, ông Thiệu lúc đó hãy còn là một sĩ quan cấp nhỏ, nên đã không dám hó hé.Vì hai ông Diệm Nhu vốn rất ghét  các đảng phái chính trị quốc gia, đặc biệt là Đại Việt và VNQDĐ.

Trong con mắt của hai ông Diệm và Nhu, không kể thế hệ anh hùng Nguyễn Thái Học, Ký Con, Phạm Hồng Thái... của thời kỳ đấu tranh 1927, còn lại các lãnh tụ VNQDĐ sau này, kể từ Vũ Hồng Khanh, Lê Ngọc Chấn, Nguyễn Hòa Hiệp v.v... sấp xuống đều là những kẻ lợi dụng hào quang Yên Bái, mang cái ” mác VNQDĐ” đi đơm đó, hết chạy theo Việt Minh, lại chạy theo Tây, rồi bám theo Bảo Đại, để kiếm miếng ăn. Đám lãnh tụ chánh trị ấy, hai ông Diệm-Nhu khinh, nên không xài tới. Nhưng còn đảng Đại Việt, hai ông Diệm-Nhu chẳng những đã khinh lại thêm thù ghét. Vì các lãnh tụ đảng này cũng giống y VNQDĐ, chỉ toàn đánh võ mồm, làm chính trị sa lông, chuyên môn đơm đó, đuổi bắt thời cơ, tuần chay nào cũng có nước mắt, khi VM lên chạy theo VM, khi Nhật chiếm Đông Dương  chạy theo Nhật, sau đó lại bám theo Tây và Bảo Đại...Hơn thế nữa đã có lần Hà Thúc Ký, lãnh tụ Đại Việt Cách Mạng miền Trung, đã âm mưu ám sát ông Diệm bất thành ( chuyện này đã kể trong BMHTCTMN, quyển I & II)... 

Vì thế mãi cho đến năm 1964, lúc đó nhà Ngô đã bị lật đổ, và ông Thiệu đã mang quân hàm thiếu tướng, nên mới dám ra mặt làm lễ tuyên thệ gia nhập đảng Đại Việt. Có lẽ hồi ở VN không mấy ai biết chuyện một số tướng hành động tham nhũng thối nát, bị mặc cảm dày vò, hành hạ, nên sau khi chế độ Diệm bị sụp đổ rồi, đã thầm lén kéo nhau gia nhập đảng Đại Việt, để mượn màu ” cách mạng”! Trong đó có Trần Thiện Khiêm, Phạm Quốc Thuần, Lâm Văn Phát, Phan Hòa Hiệp,  Đỗ Kiến Nhiễu, Trần Văn Hai, Lê Quang Lưỡng...và các sĩ quan cấp tá như: Nhan Minh Trang, Huỳnh Văn Tồn, Dương Hiếu Nghĩa,  Phạm Văn Liễu, v.v...

Về phần Nguyễn Ngọc Huy vốn là đảng viên Đại Việt, thuộc cánh Nguyễn Tôn Hoàn, ở bên Tây. Đến cuối năm 1964, Khi Nguyễn Tôn Hoàn  được Nguyễn Khánh mời về nước cho giữ chức phó thủ tướng đặc trách Bình Định, văn phòng đặt tại khu trại lính Tây 11èm RIC cũ, trên đường Đinh Tiên Hoàng, thì Nguyễn Ngọc Huy cũng theo về làm đổng lý. Chính lúc này tôi mới có dịp quen biết Nguyễn Ngọc Huy. Nhà vợ chồng Huy ở trong khu cư xá kiến thiết, nằm gần ngã ba góc đường Cao Thắng và Hồng Thập Tự. Nơi đây, thỉnh thoảng tôi vẫn đến chơi chuyện trò với Huy. Ngày bà vợ Huy bị chết đuối ở bãi biển Vũng Tàu tôi cũng được chứng kiến. Sau ngày 30.4.75, ra hải ngoại, Ng. N. Huy vẫn còn thỉnh thoảng trao đổi thơ từ với tôi. Khoảng đầu thập niên 80, ông Ng. N. Huy sang Đan Mạch, họp với một số đồng bào tị nạn để bàn chuyện thành lập một tổ chức chánh trị ở hải ngoại. Buổi họp đó đã diễn ra cách nhà tôi không xa, có thể cuốc bộ đến được. Mặc dù hôm đó ông Huy có cho người mời tôi, nhưng tôi đã cáo ốm, vì  thấy trước chỉ mất thì giờ vô ích...

Nhưng thời gian làm đổng lý của Huy kéo dài không bao lâu. Vì chỉ vài tháng sau, Nguyễn Khánh đã sa thải Nguyễn Tôn Hoàn khỏi chính phủ.

Lúc này tình hình chính trị ở miền Nam biến chuyển cực kỳ nhanh chóng theo tốc độ cuồng phong. Năm 1967 Thiệu lên làm tổng thống khai nguyên đệ nhị cộng hòa. Mặt nổi tuy Ng. Ngọc Huy không tham chính trong nội các của Trần Văn Hương, và Trần Thiện Khiêm, nhưng mặt chìm, Huy là người hoạt động ủng hộ Thiệu tích cực. Trong sinh hoạt chính trị, với tư cách tổng thơ ký ” Phong trào Quốc Gia Cấp Tiến”(ra đời ngày 20.4.69), và đồng chủ tịch” Liên Minh Dân Chủ Xã Hội”, một mặt trận gồm 6 chính đảng theo khuynh hướng đối lập, Ng. Ngọc Huy đóng vai trò đối lập với chính quyền Thiệu. Nhưng hành động ” Tôn Tẫn giả điên” của Huy không thể nào che được những cặp mắt tinh ranh, soi mói của những quan sát viên chính trị. Người ta thấy Huy chỉ đóng vai trò ”đối lập cụi ” để kiếm tiền. Bởi thế trong dư luận chính giới miền Nam, người ta đã xuyên tạc đảng ” Cấp Tiến” của Huy là đảng ...” Cắp Tiền”!

Chẳng cần phải tìm hiểu thêm trong hậu trường làm gì, chỉ cần quan sát hành động và đường lối của các đảng viên Đại Việt khác, như Hà Thúc Ký (TT Nội Vụ), Hoàng Xuân Tửu (nghị sĩ), Nguyễn Lý Tưởng( dân biểu), Nguyễn Văn Kim ( dân biểu), Nguyễn Văn Ngải ( chủ tịch UB Kinh tế TV), Đặng Văn Sung (TNS) v.v... trong chánh phủ và trong lưỡng viện quốc hội thời bấy giờ cũng đủ rõ. Họ đều là đồng đảng, nên cùng một mẫu số chung, nên cùng đi chung một con đường có tính cách gần như truyền thống từ thuở mới khai sinh.

Cùng là đồng chí với Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm, và Nguyễn Văn Ngải ( TT Cải tiến Nông Thôn) như các đảng viên Đại Việt khác, Nguyễn Ngọc Huy không thể nào đơn phương hành động chống lại các đồng chí của mình được.Vả chăng, trước những hành động lạm quyền, tham nhũng, buôn lậu bạch phiến, mua quan bán chức, bao che gian thương bất chính để làm giàu phi pháp, lừng danh khắp thế giới của Thiệu-Khiêm và đám thủ hạ, tại sao trong bao nhiêu năm trời Ng. N. Huy, với tư cách lãnh tụ đối lập, đã không thốt được một lời nào can gián, hay  phản đối , dù chỉ là chiếu lệ ?!

Viết như thế, có thể một số đàn em hay đệ tử của Ng. N. Huy nêu lý do ”Nói ra sợ vạch áo cho người xem lưng , và làm lợi cho CS ”(?!) để biện hộ cho Huy, đồng thời che đậy tội ác cho các tướng tá tham nhũng , thối nát, đồng chí của Huy.

Lý luận này tôi xin nhường lời cho độc giả phê phán. Nhưng theo tôi, câu nói trên chính là chỗ ẩn núp an toàn cho đám tướng tá thối nát cầm quyền cao cấp ở miền Nam từ 1963 đến 1975. Vì lúc đó cuộc chiến chưa ngã ngũ. Nhưng đến giờ này, miền Nam đã bị CSBV xâm lăng và đất nước đã thống nhất, nằm gọn trong bàn tay cai trị sắt máu của CS, từ một phần tư thế kỷ rồi, thì lý cớ  ”vạch áo cho người xem lưng, và làm lợi cho CS” đã mất hết cơ sở. Ngược lại, sự ”vạch áo cho người xem lưng” bây giờ đã trở nên một nhu cầu hết sức cần thiết  để cho mọi người dân sớm tỉnh ngộ, tự rút lấy bài học ”bị bọn lãnh đạo lừa bịp suốt bao nhiêu năm qua”!

 

CHÁNH PHỦ 3 THÀNH PHẦN.

Cho đến ngày nay chắc chắn đại đa số đồng bào miền Nam còn kẹt ở quê nhà và những người VN tị nạn khắp nơi hải ngoại đều còn nhớ : Trong khoảng thời gian từ 1973 cho đến ngày 30.4.75, thiên hạ đã đồn rùm trời về vụ ”CHÁNH PHỦ BA THÀNH PHẦN”?!

Nhưng cũng chắc chắn chẳng mấy ai biết được sự thể đã diễn tiến ra sao, và các tay lãnh tụ chính trị, tôn giáo, quân sự ở miền Nam đã âm mưu bán đứng thân phận đồng bào của mình cho CS như thế nào. Dưới đây là những sự kiện chính xác nhất mà tôi đã ra công theo dõi và sưu tầm được để cống hiến bạn đọc.

Đọc hết đoạn trên, bạn đã thấy rõ TT Thiệu, từ năm 1970, ngoài miệng lớn tiếng hô hào ”bốn không”, chỉ cốt để che đậy cho âm mưu thực hiện ”bốn có” của ông ta. Sau chuyến vào mật khu thương thuyết bất thành của Ng. N. Huy, ông Thiệu càng khua động khẩu hiệu ” bốn không” dữ dội hơn, ồn ào hơn. Hành động này, nếu đạt được phần nào kết quả tâm lý quần chúng ở các đô thị miền Nam, thì ngược lại nó rất phản tác dụng đối với phe CS và MTDTGPMN. Những người CS không thể nào tin được Thiệu. Cây cầu khỉ mỏng manh, chênh vênh giữa Thiệu và MTDTGPMN kể như đã gẫy.

Nhưng nơi đây tôi tưởng cần phải nhấn mạnh cho rõ: Chính hành động ”ĐI ĐÊM VỐI CS” kể trên cuả Thiệu và Huy đã thúc đẩy mạnh mẽ cho Dương Văn Minh và phe nhóm chánh trị mệnh danh ” thành phần thứ ba” ở miền Nam, sợ mất phần xôi thịt  nôn nóng chạy theo bắt cẳng MTDTGPMN và CSBV. Dân chúng miền Nam bị chết kẹt cứng ngắc trong cảnh bị bán đứng này mà không thốt được một lời nào. Đau đớn ấy nay tôi phải nói to lên, nói hết ra cho hả dạ!!!

Bây giờ là lúc đến lượt Dương Văn Minh ra tay bắc lại cây cầu với phe MTDTGPMN. Kể từ năm 1973, Dương Văn Minh  biết rõ âm mưu của Thiệu và Huy đi đêm với MTDTGPMN đã bất thành , nên ông ta khởi sự thổi phồng và đánh bóng lấy tổ chức ”thành phần thứ ba” do ông ta lập nên và qui tụ đủ mặt các loại chính khách xôi thịt, ăn cơm quốc gia thờ ma CS, và các hạng nhà tu ” mượn danh đạo tạo danh đời” của cả hai tôn giáo lớn ở miền Nam là Thiên Chúa giáo và Phật giáo... với hy vọng lớn lao sẽ thành công trong việc liên kết với MTDTGPMN.

Nơi đây, thiết tưởng ta cần phải lưu ý một điểm đặc biệt này: Kể từ khi chia đôi đất nước,1954, trong tất cả mọi biến cố chính trị, dù lớn dù nhỏ, ở miền Nam đều có sự ngấm ngầm hăm hở đua chen tham dự của một số tu sĩ TCG và tăng ni PG.Những nhà tu này chẳng khác nào mấy con linh cẩu, hoặc bầy kên kên, đánh hơi rất xa và rất chính xác nơi nào đang có thịt thối. Chính họ đã là nguyên nhân tiềm ẩn gây nên những đổ vỡ trầm trọng cho nền đệ nhất cộng hòa và tiếp tục thao túng nền đệ nhị CH cho đến ngày mất miền Nam...

Biết được như thế, ta sẽ không lấy gì làm ngạc nhiên khi thấy trong tổ chức ”HÒA HỢP HÒA GIẢI DÂN TỘC” (từ đây sẽ viết tắt:HHHGDT) thành hình từ năm 1973, đã có sự tham dự trục tiếp của một số tu sĩ TCG và PG. Tổ chức này ra đời đã khiến cho Ng.V. Thiệu nhận thấy nguy cơ trước mắt. Nếu tổ chức đó thành công, kết hợp được với MTDTGPMN, thì chắc chắn một lần nữa Dương Văn Minh sẽ cho Thiệu đi theo hai anh em ông Diệm. Bởi thế Thiệu đã đặc biệt quan tâm theo dõi, và canh chừng rất kỹ về mặt này. Thiệu ra lịnh cho các cơ quan an ninh phải triệt để bám sát và báo cáo cấp kỳ mọi hoạt động của tổ chức ”HHHGDT”.

Theo tôi biết, vào khoảng tháng 5 năm 1974, một mật báo viên đã thành công trong mục tiêu xâm nhập vào tổ chức HHGDT ở miền Tây, do linh mục Đại, cha xứ họ đạo Chợ Lách, đánh cắp được một tập tài liệu dầy 50 trang, ghi đầy đủ mọi chiết về bản cương lĩnh ”ỦY BAN HÒA HỢP HÒA GIẢI DÂN TỘC”, kèm theo cả bản nghị quyết của 3 thành phần miền Nam đã ký từ ngày 20 tháng 3.1973.

Bản nghị quyết này mang chữ ký tên của các ông: Vũ Văn Mẫu (đại diện cho Dương Văn Minh, phe chính phủ VNCH), Huỳnh Tấn Phát (đại diện cho Nguyễn Hữu Thọ, phe MTDTGPMN), và Phạm Văn Đồng (đại diện cho Tôn Đức Thắng, phe CSBV).

Nội dung bản nghị quyết này đặt trọng trách cho Dương Văn Minh, vàVũ Văn Mẫu  phải tận dụng mọi khả năng để vận động lưỡng viện quốc hội bỏ phiếu truất quyền Nguyễn Văn Thiệu, và dành cho kỳ được quyền lãnh đạo về tay Dương Văn Minh.

Kèm theo bản nghị quyết còn có thêm một bản hiệp ước đại cương, tạm thời qui định những điều kiện đã thỏa thuận  giữa ba bên, trong thời gian chuyển tiếp, trích lục gồm các chi tiết chính yếu đại khái như sau:

I.- Một chính phủ liên hiệp ra đời tại miền Nam để giải phóng dân tộc miền Nam khỏi bàn tay của đế quốc tư bản Mỹ. Ủy Ban HHHGDT gồm 3 thành phần tham dự được hoạt động song hành, trên căn bản bình đẳng, tự quyết, để kết hợp giải phóng miền Nam khỏi ách đế quốc Mỹ.

II.- Đại diện ba thành phần trong ủy ban ủy quyền cho ông Dương Văn Minh đứng ra thành lập chánh phủ 3 thành phần , gồm có:

1.- ỦY BAN LÃNH ĐẠO TỐI CAO:

Đồng chủ tịch: Dương Văn Minh (VNCH), Nguyễn Hữu Thọ( MTDTGPMN), Phạm Hùng ( BV).

2.- CHÁNH PHỦ BA THÀNH PHẦN:

Thủ tướng : Vũ Văn Mẫu (VNCH)

Phó thủ tướng: Huỳnh Tấn Phát (MTDTGPMN)

Phó thủ tướng: Võ Văn Kiệt ( BV)

Tổng trưởng Quốc Phòng: Trần Văn Trà (MTDTGPMN).(* một tài liệu khác do sách báo CSVN ấn hành lại thấy đề tên tướng Phú?).

TT Nội Vụ: Nguyễn Văn Linh (BV)

TT Tài Chính: Trương Như Tảng (MTDTGPMN)

TT Ngoại Giao: Nguyễn Thị Bình, Võ Đông Giang, Đinh Bá Thi ( BV& MTDTGPMN)

TT Thông Tin Tuyên Huấn: Trần Bạch Đằng( MTDTGPMN)

GHI CHÚ ĐAËC BIỆT CUẢ TÁC GIẢ: Căn cứ trên thành phần này cuả chánh phủ, ta thấy Dương Văn Minh đã ngầm trao trọn miền Nam cho CSBV và MTDTGPMN. Vì các bộ quan trọng đều nằm hết trong tay cuả CS !

Còn một số tổng, bộ khác dự trù cho các dân biểu, và chính khách, đại diện các tôn giáo gồm: Lý Chánh Trung, Lý Quý Chung, Ngô Công Đức, Kiều Mộng Thu, Trần Ngọc Châu, Ngô Bá Thành, Huỳnh Tấn Mẫm v.v...

 3.- QUÂN ĐỘI:

Tổng tham mưu trưởng: Nguyễn Chánh Thi (?). (*) Ghi chú đặc biệt: Tên ông Thi, tôi chỉ ghi lại trung thực theo tài liệu.Nhưng trong lòng vẫn không khỏi thắc mắc rất nhiều.Vì lúc bấy giờ ông Thi đang lưu vong ở Mỹ. Nên nhớ ông Thi đã bị Thiệu-Kỳ lấy cớ cho ông Thi đi chữa bịnh... ”thối mũi”(!) để cưỡng bách ra khỏi VN từ năm 1965 ).

Tham mưu trưởng liên quân: Nguyễn Hữu Hạnh

Tham mưu phó: Nguyễn Thị Định , Vĩnh Lộc

4.- CỐ VẤN:

Trịnh Đình Thảo, Nguyễn Văn Huyền, Thích Trí Quang( PG miền Nam), Thích Trí Độ (PG miền Bắc), ni sư Huỳnh Liên, Thích Nhật Thiện, LM Chân Tín, LM Đại, LM Nguyễn Hữu Thanh ( chủ tịch ủy ban Bài Trừ Tham Nhũng)...

5.- VỊ TRÍ ĐÓNG QUÂN CỦA BA THÀNH PHẦN:

_Vùng trái độn, từ Bến Hải đến Quảng Ngãi, do quân đội của cả ba phe :VNCH, BV và MTDTGPMN kiểm soát hỗn hợp. Mỗi phe một sư đoàn.

_ Từ Qui Nhơn vào đến Phan Thiết, mỗi thành phần cung cấp 2 sư đoàn Bộ Binh. Các binh chủng liên hệ qui định sau.

_ Vùng Cao Nguyên, gồm các tỉnh: Ban Mê Thuột, Phú Bổn, Pleiku, Kontum , và Đà Lạt , là nơi đóng quân của MTDTGPMN.

_ Miền Tây Nam phần, gồm các tỉnh từ Bình Tuy đến Cà Mau, là địa điểm đóng quân của VNCH.

6.- Trên đây chỉ là sự phân chia vùng đóng quân tạm thời để chờ quyết định giải quân theo qui định của chính phủ ba thành phần.

Bản hiệp ước đại cương này ký ngày 3. 3. 73, tại thủ đô Hà Nội, có chữ ký của Vũ Văn mẫu, Phạm Văn Đồng và Huỳnh Tấn Phát. 

Ngoài những văn kiện kể trên, người ta còn tìm thấy trong tập tài liệu này hai văn thư mang chữ ký của Dương Văn Minh trao đổi với chánh phủ Hà Nội, BV, về việc ủy nhiệm cho Vũ Văn Mẫu từ Pháp đi Hà Nội, trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến  20.4.73, để thảo luận và ký kết với Phạm Văn Đồng và đại diện của MTDTGPMN những thỏa hiệp cần thiết. Vẫn trong tập hồ sơ mật này, người ta còn khám phá thêm chuyến đi bí mật lần thứ nhì của Vũ Văn Mẫu sẽ đến Hà Nội nhằm ngày 11.12.1974. Vì chuyến đi này còn trong vòng dự trù, nên không thấy ghi chi tiết gì khác...

Sau khi đã đánh cắp được tập hồ sơ mật này của UBHHHGDT, nhân viên mật báo ấy chính là một sĩ quan cao cấp ngành An Ninh quân đội đã vội vàng làm copie thành 3 quyển, rồi tức tốc dùng trực thăng bay về Sài Gòn trao cho ANQĐ/ sở 4.

Căn cứ vào các chi tiết trong tài liệu kể trên, ta không còn lấy gì làm lạ khi thấy trong khoảng thời gian từ 1973 đến 1975, tình hình chính trị ở miền Nam đã sôi lên sùng sục mỗi ngày như ngọn núi hỏa diệm sơn. Phe Phật giáo thì gọi là Phật nạn để kêu gọi bá tánh xuống đường đòi thay đổi cấp lãnh đạo, đưa Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu lên cầm quyền.Phe Thiên Chúa Giáo thì gọi là ”chống tham nhũng” để hô hào đòi lật đổ Thiệu. Tình hình miền Nam rối mù, đời sống hằng ngày ở thủ đô trở nên rối loạn. Trên chiến trường, quân CSBV và MTDTGPMN bành trướng tấn công khắp nơi với mục tiêu chiếm đất dành dân. Trên chính trường , trước diễn đàn thượng viện, Vũ Văn Mẫu tuyên bố công khai rằng ông tin tưởng các LM Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Nguyễn Bá Cẩn và các tăng ni trong nhóm ni sư Huỳnh Liên cùng với các dân biểu

đối lập sẽ kết hợp thành công để tạo áp lực cho thiệu phải rời bỏ quyền hành, nhường ghế Tổng Thống lại cho Dương Văn Minh.

Lúc này quân đồng minh đã rút hết, người Mỹ để mặc cho các tướng lãnh VNCH tự xoay xở lấy. Vì tai tiếng xấu xa, tồi tệ của giới tướng lãnh  cầm quyền ở miền Nam đã vang lừng khắp năm châu bốn biển nên lúc này Quốc Hội Mỹ mới bắt đầu gây khó khăn, cắt giảm viện trợ.

Việc này chẳng khác nào màn tuồng tái diễn hồi chung kết cuộc chiến tranh Quốc – Cộng của Trung Hoa, giữa Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch, năm 1949. Căn bịnh hối lộ, tham nhũng , thối nát của chính quyền quốc gia đã trở nên trầm trọng , vô phương cứu chữa. Bao nhiêu tiền bạc, vật dụng, võ khí của đồng minh Anh-mỹ cung cấp cho chính quyền quốc gia đều lọt hết vào túi riêng của Khổng Tường Hi và  Tống Tử Văn , là những tay chân bộ hạ , thân tín của Tưởng Giới Thạch.

Tuy nhiên giữa Tưởng Giới thạch và Nguyễn Văn Thiệu vẫn có một khác biệt rất rõ rệt.Trong khi đức tính liêm khiết và tinh thần phục vụ đất nước của Tưởng Giới Thạch không một ai có thể nghi ngờ, hay phủ nhận được; ngược lại Nguyễn Văn Thiệu là một kẻ nổi danh gian tham, hèn hạ và thối nát đến mức đáng khinh tởm. Cộng thêm vào đó còn có một  đám tướng tá tay chân bộ hạ bẩn thỉu không kém, đáng kể nhất  như: Trần Thiện Khiêm, Đặng Văn Quang, Đồng Văn Khuyên, Nguyễn Khắc Bình, Nguyễn Văn Toàn, Phạm Văn Đổng, Cao Văn Viên, Phạm Quốc Thuần, Nguyễn Vĩnh Nghi, Đỗ Kiến Nhiễu, Lê Văn Tư, Ngô Dzu, Vĩnh Lộc v.v...

Khi nhìn vào chữ ký của 3 thành phần trong bản nghị quyết này, ai là người chậm hiểu nhất cũng nhận ra ngay từ đây chế độ VNCH sẽ không còn một hy vọng nhỏ bé nào để tồn tại nữa. Nếu trước đây, Nguyễn N.Huy đã thành công thì chế độ VNCH cũng không sống được lâu hơn hai năm nữa. Bây giờ với bản nghị quyết này, cùng với bản hiệp ước đại cương kể trên, khi thực hiện, thì miền Nam sẽ biến từ màu vàng đến 90% đỏ. Chỉ còn lại 10% vàng.

Với kinh nghiệm thực tế đã từng ghi rõ nét bằng máu trong các trang lịch sử cận kim của dân tộc thì cũng chỉ vài năm sau là toàn bộ miền Nam sẽ bị xích hóa hoàn toàn!

Rõ ràng nhân dân miền Nam đã bị các tướng lãnh, chánh trị gia, các tu sĩ, tăng ni...coi như một món hàng đem bán đứng cho CS ! 

Đặng Văn Nhâm

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002