Đại Chúng số 73 - phát hành ngày 15/5/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

ĐÒI ĐOẠN XA GẦN

Lãng Nhân

(tiếp theo kỳ trước)

XỂNH HỌC CHỮ NGỜ (XHCN)

Hồi trước, khi có lệnh phải di quân dịch, nhiều bậc cha mẹ hoặc không muốn con em phải xông pha tên đạn, hoặc còn kẹt thân nhân ngoài bắc, sợ lỡ ra bắn phải người trong họ hay bị người trong họ bắn, nên cố chạy chọy luồn lỏi cho con em được vào ngành tâm lý chiến, cảnh sát hay biệt phái, để khỏi ra mặt trận, chỉ ngồi văn phòng làm thứ lính kiểng mà người ta diễu là lính thành phố. Đến khi trình diện học tập, tâm lý chiến cảnh sát, biệt phái, trớ trêu thay, lại nặng tội nhất đối với cộng sản, vì họ cho là thuộc ban CIA, nên bị hành hạ tối đa và cũng ít mong được về.

Chung quy, “đánh cho Mỹ cút”, cộng sản vẫn chưa hết ngại, nhìn vào đâu cũng tưởng như thấy bóng vía Mỹ...

XÁP HUYẾT CHỐNG NÓ (XHCN)

Ngày xưa bên Tàu hay có lối xáp huyết để ăn thề. Bây giờ tuy không xáp huyết nữa, nhưng vẫn có nhiều vụ tuyên thệ long trọng trước bàn thờ tổ quốc. Những sĩ quan và quân nhân không chịu đầu hàng cộng sản nên không ra trình diện, lẫn trong các mật khu, hoặc đổi tên, đổi tuổi đổi nghề, đi tản mác khắp nơi, nuôi chí phục thù. Cũng có người chôn vũ khí đan dược thành lập những nhóm nhỏ, chọn lãnh tụ trong đám trí thức thân với các tôn giáo. Mạnh nhất là nhóm nhà thơ Vinh Sơn, đường Trần Quốc Toản, Saigòn, có đài phát thanh nhỏ đạt tại Sài Gòn, Tam Hiệp và Bình Dương. Vì nội phản, nên sa lưới, bị kêu án từ 15 năm đến tử hình. Vụ này được cộng sản coi như đánh phủ đầu giáo hội, để tách tôn giáo ra ngoài chính trị, và cảnh cáo các mưu mô chống đối. Ngờ đâu lại đưa đến ảnh hưởng tâm lý trái lại, là thúc giục người Quốc Gia ở khắp nơi tập họp lại tìm dịp đề kháng. Trước họ chỉ bận tâm về tàn quân ngụy, nay vấp phải sự chống đối của học sinh, sinh viên, của trí thức, của gia đình ngụy và tôn giáo, những người này liên lạc với nhau ở nhà thầy bói, quán cà phê, quán cóc, chùa chiền, nhà thờ, trường học, ... Thế là cộng sản dẹp các quán chỉ để lại một ít làm tai mắt, bắt thầy bói đi cải tạo, (một thầy ở ngã ba Ông Tạ phải “đền nợ máu”), giam cầm rất nhiều linh mục tu sĩ sau khi bắt quả tang cờ Quốc Gia, lựu đạn, súng mà chính cán bộ hoặc bọn 30 đã giấu sẵn vào một só trong tu viện hoặc trong vườn tu viện. Một số đền, miếu, chùa chiền cũng bị đối xử tương tự.

XỦA HỘ CHO NHAU (XHCN)

Một bà già kể lại với tôi:

Hôm Võ Nguyên Giáp vào đây diễn thuyết về khoa học, tôi có đi dự thính. Anh ta bẻm mép lắm nhưng quá tin tài mình, không soạn thảo diễn văn trước, chỉ tùy hứng ứng khẩu, nên cứ trình bày  đoạn, lại chêm một câu “nó như vậy đó” để dừng lại một dây nghỉ đoạn chuyển tiếp, chẳng khác chi nói tiếng Pháp, anh thường lập cái điệp khúc n'est-ce pas. Sở dĩ tôi biết là vì khi xưa, hồi anh dạy ở tư thục Thăng Long, tôi từng đỡ đần anh một vài lần. Cho nên khi vừa dứt lời, không đợi ngót tiếng vỗ tay, anh đi lại phía tôi, thăm hỏi niềm nỡ. Tôi mời anh đến bên quày rượu dùng một ly bia, rồi vừa chuyện vãn vừa tản bộ tới góc phòng, chỗ tương đối ít người, để ngỏ một vài ý riêng. Kể ra cũng không cần giữ ý như thế đâu, vì tuy nói là cách mạng san bằng giai cấp, thực ra chả mấy ai lãng vãng đến gần một đại tướng. Tôi mượn đà, lân la, bỏ nhỏ:

_ Không mấy khi được gặp anh để hỏi chuyện Điện Biên. Trong này người ta nói hồi đó Tàu có cho tướng Trần Canh sang giúp anh, chả biết có đúng không?

_ Có chứ. Họ còn giúp lương thực và võ khí nữa. Nó như vậy đó. Bên cấp tiểu đoàn của ta có cấp cố vấn của họ, cấp đại đội thì có liên cố vấn, cấp trung đội cũng có bài trưởng, bài phó. Nó như vậy đó. Nhưng mình là chủ, họ chỉ là khách.

_ Tôi phục các anh sát đất. Nhân tiện, anh cho phép tôi đề cập đến chuyện học tập cải tạo. Tôi có thằng con tốt nghiệp trường kinh doanh, ngày xưa khi phải nhập ngũ, tôi xin cho biệt phái sang ngành ngân hàng là chuyên môn của nó để khỏi ra mặt trận, thế mà ba năm nay nó chưa được về, mong anh cứu xét dùm.

_ Để tôi hỏi cho. Nhưng nó có dính líu gì về chính trị không đã?

_ Nó chuyên về kế toán, quen sống chừng mực quanh quẩn bên vợ con, không có tham vọng gì nên tôi mới dám...

_ Thế thì tốt, chứ nếu có gì kia khác thì tôi xin nói trước: chủ trương của Đảng là thà giết oan 10 người còn hơn bỏ sót một tên phản động. Bởi vậy, đơn giản hơn hết là Xích Hết Cho Ngán. Nó như vậy đó...

Thấy mắt anh quắc lên tôi biết câu chuyện đã mấp mé trên bờ giáo điều của lãnh tụ vội lái sang một vài thắng lợi của nhà nước rồi cáo từ. Đi lủi thủi trên đường về, tôi chợt nhớ lại vụ tam tự ngục đời Tống. Lúc ấy Tần Cối cho đem Nhạc Phi ra chém. Có người hỏi: “Tội gì vậy?” Cối đáp gọn: “Mạc tu hữu” (cần gì có tội). Cái án ba chữ này không ngờ lại đè lên đầu những người đi học tập hôm nay.

XẠO HƠN CẢ NGA (XHCN)

Vẫn biết lối bưng bít thực trạng để nói dối và lường gạt là chính sách của Nga, nhưng Nga còn khôn khéo chuẩn bị dư luận, đặt cơ sở lập luận trên biện chứng để ngụy biện, rồi mới hư không đặt để nên lời. Chứ Phạm Văn Đồng tuy đã tuyên bố “muốn nói dối phải biết cách nói để người nghe có thể tin” mà lại thường nói dối một cách rất ngu xuẩn. Đại khái:

_ Hẹn hưu chiến ngày Tết Mậu Thân rồi thình lình đánh trộm.

_ Chối bai bải rằng không có quân miền Nam, rồi sau lòi ra toàn mặt chuột.

_ 10 giờ đêm cho rao không đổi tiền, 2 giờ sáng bắt đầu đổi.

_ Tài sản của những người bỏ nước ra đi chính phủ sẽ trông coi hộ. (!)

_ Ký nghị định thả những người học tập ngày 30/1/78 rồi giữ luôn mút mùa.

Thật là miệng nói hòa bình, tay rình đánh trộm, miện nói hữu nghị, tay dí dao găm. Thức ngủ, đứng ngồi, ở nhà hay ra phố, ở hạ hay trung cao, lúc nào Việt cộng cũng nói dối. Đỉnh cao nói dối là cái lăng ở Ba Đình.

XIẾT HỌNG CÔNG NHÂN (XHCN)

Không có ngày lễ Lao Động nào được nhân dân tham dự nhiệt liệt bằng ngày 1 tháng 5, 1975. Trong giới trung lưu, người thì kẹt lại chưa đi được, người lại ngần ngại không muốn đi, ai cũng sửa soạn ra đường để xam cảnh tượng mới, tự xoa dịu bằng đôi chút lạc quan: rồi cũng không đến đỗi nào đâu mà ngại.

Sung sướngnhất, hò reo khoa chân múa tay nhất là đám công nhân và dân nghèo. Họ tin tưởng mãnh liệt đây là bắt đầu một cuộc đổi đời độc lập tự do cũng quý, nhưng hạnh phúc ấm no còn quý hơn, vì bao năm sống tối tăm không bằng người, nay giới mình lên nắm quyền, ắt là dễ thở hơn trước nhiều và cũng hãnh diện nữa với cái cương vị làm chủ đất nước. Ừ, chẳng gì mình cũng làm chủ cái nhà máy mình đương giúp việc, thay hẳn cái lão chủ hay xét nét những lúc mình đi trưa về sớm, hay cợt rỡn trong giờ làm.

Cuộc diễn binh hùng tráng thế kia, không trách đại thắng là phải. Vừa hôm qua đây, đồng chí Trần Bạch Đằng đã đến tuyên bố trong hãng “Cuộc thắng hôm nay vô cùng vẻ vang, một siêu cường còn thua mình thì ba trăm năm nữa, không có nước nào dám gây sự với mình. Cho mà xem”

Điều kiện sinh sống của công nhân rồi khá hơn trước, cái công ơn của cách mạng thật đáng ghi nhớ muôn đời.

Dự lễ xong ra về, quần tam tụ ngũ, ruợu nốc như nước lã, hôm sai đến hãng, chưa có việc làm, vặn quạt vù vù, nằm khoèo ra ngủ để bảo vệ hãng mà! Cứ thế đến cuối tháng mặc dầu hãng đóng cửa vì lệnh trên chưa cho hoạt động, thợ vẫn lãnh lương đủ như thường lệ, vì cán bộ công đoàn đã ra lệnh cho chủ nhân phải đài thọ, không những lương tháng còn tiền cơm trong thời gian bảo vệ nữa! Khoái chí tử.

Nhưng rồi một hôm, mấy cán bộ đến nhận việc thay quyền chủ nhân. Bầu không khí đổi khác ngay. “Anh coi máy này từ là làm chủ máy, nghĩa là phải chăm sóc cho nó lúc nào cũng hoàn hảo, năng xuất đều đều”. Hôm nay sản xuất một thì mai phải lên 1,1 hay 1,2. Vì lúc đầu nhiều việc, anh em phải cố gắng làm ngày chủ nhật, sẽ được bồi dưỡng một gói mì ăn liền.

Bấy giờ anh em mới thở hắt ra. Khi trước làm 8 tiếng một ngày vừa làm vừa chơi, không ai kiểm soát năng xuất, làm thêm giờ hay chủ nhật lương gấp đôi.

Trong hãng, đã có câu nói lối: khắc phục trời nắng, chiến thắng trời mưa, bỏ giấc ngủ trưa, làm luôn chủ nhật. Và: làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm đêm mất ngủ, tranh thủ chủ nhật.

Có điều đáng buồn là: vượt chỉ tiêu, ắt làm điêu làm dối, nhưng cán bộ có mắt cũng như không, sợ gì.

Vả lại, cán bộ chỉ chú trọng đến lượng chứ không cần phẩm và cũng không có khả năng thẩm định về phẩm.

Thế rồi đầu tháng chín, đến vụ đổi tiền. Dân gian có ngay câu vè:

Năm đồng đổi lấy một xu

Thằng khôn đi học, thằng ngu làm thầy

Vụ này ảnh hưởng đến đời sống công nhân thật tai hại. Khi trước, lương khoảng 30.000 tàm tạm đủ nuôi gia đình. Nay lương vẫn giữ nguyên mức nhưng trả bằng tiền mới thành 50 đồng, trong khi bát phở từ 300 đồng cũ tức là 6 hào, nay phải trả 3 đồng tức là 1500 cũ. Vật giá mỗi thứ đều leo thang khiến cho đồng lương công nhân chỉ còn nuôi đủ một mình, đành phải tính đến chuyện cho vợ con kiếm việc làm mới gọi là đủ ăn...

Vật giá gia tăng, một phần nhu yếu phẩm khan hiếm, một ống kem đánh răng phát cho ba người, một cái khăn mặt phát cho bốn người, ắt phải rút thăm, ai được thì lầy trước, mấy người không may mắn đành chờ mấy kỳ phát sau.

Vì khan hiếm, nên sinh ra chợ đen. Ngày trước chỉ có nhà buôn làm chợ đen, bây giờ chợ đen hóa ra chợ đỏ, vì cả nước đều đầu cơ. Cán bộ cao được mua tha hồ, cán bộ trung được mua có hạn, cả hai đều có thứ không dùng hết, đem bán bằng giá cắt cổ, để bù vào số lượng eo hẹp. Cán bộ thấp cũng rứa. Cho nên đã có câu: cán bộ cao ăn cung cấp, cán bộ thấp ăn chợ đen, cán bộ quèn đi cổng hậu. Đến người dân được ít cũng đành bán ra để mua đồ ăn...

Vì rằng: rau muống mỗi ngày lên mỗi giá, gạo hôi một lít tới 5 đồng.

Không những thế mỗi ngày không khí trong hãng một thêm khó thở: cán bộ kiểm soát năng suất thật chặt chẽ, mà không quên dăn dò nên vượt chỉ tiêu, ngoài giờ, công nhân đã mệt mỏi, còn phải tập quân sự (thợ đói mà hòng đánh ai?) Bữa ăn thì rất đạm bạc, có khi 10 giờ sáng hai chân đã như đứng không còn vững nữa vì bụng cồn cào.

Thêm vào đó, sự giao tiếp giữa đồng nghiệp với nhau không được cởi mở hồn nhiên như xưa: một số 30 tâng công với chủ mới, dò xét từng lời nói, từng ý nghĩ của anh em, để thỉnh thoảng rỉ tai ton hót cán bộ, mong gây niềm tin cậy và may ra kiếm chút tiền còm.

Đối với tụi 30 này, tiền quý, nhưng phải quỳ mà tiến, có tiền mới ra tiên... đó là châm ngôn của phần đông cán bộ và công nhân ngoài Hà Nội. Sự cải hóa thật lẹ làng.

Mà tụi 30 tay nghề có ra quái gì đâu. Họ chỉ tài đón ý, nịnh bợ, thành ra làm ít mà lương lại hơn, người làm đứng đắn tận tâm thì họ ghét, cho nên có cái nhận xét thật trái khoáy mà đúng sự thật: làm đúng theo cán bộ thì ăn cháo, láo nháo như 30 thì ăn cơm.

Thành ra mỗi khi nhóm họp ở hãng, người công nhân thấy mình lép vế, chẳng muốn ngỏ một ý kiến gì riêng tư, dù là ý kiến xây dựng có thể ảnh hưởng tốt đến quyền lợi chung. Họ nghĩ: có cô thì chợ cũng đông, cô đi lấy chồng, chợ vẫn cứ vui, nên họ giữ thái độ:

Thứ nhất ngồi ỳ

Thứ nhì đồng ý

Như phần đông công nhân ngoài Bắc.

*  *  *

Bảo rằng công nhân bây giờ làm việc như máy là không đúng. Công nhân đâu có được đãi ngộ như máy: máy phải đầy đủ dầu mỡ mới chịu chạy, công nhân đói cũng phải nai lưng ra làm. Máy chỉ làm một việc nhất định trong phạm vi chuyên môn của nó. Người công nhân bây giờ, khi hết việc của mình mà chưa đến giờ nghỉ, còn phải làm mọi việc khác trong hãng, như quét tước, khuân vác, dọn dẹp, rửa ráy tùy theo lệnh của cán bộ.

Cho nên một công nhân có học qua tiếng Pháp đã nói đùa:

_ Trước kia, chúng mình quen ăn bơ làm biếng thì trời quả báo, bây giờ làm biến (bien) mà ăn pơ (peu).

Mà ăn pơ lại còn phải độn nữa chứ. Cho nên khi trong hãng, cán bộ bảo đồng ca bài “Cây lúa non” chẳng hạn:

Cây lúa non chờ từng con mưa nhỏ

Cây lúa trổ, chờ nước đổ trên nguồn

Cả quê hương rạo rực thơm đất mới

Trong chờ sức người vun sới những mầm xanh

Con nước trong về miền đông con nước đỏ

Sóng nước đỏ dào dạt vỗ quanh bờ

Ruộng lúa mênh mông từng vùi chôn giặc Mỹ

Trong từng con người cũng thấy những niềm tin.

Cũng ca theo lấy lệ nhưng bên tai lại nghe văng vẳng tiếng hát của trẻ nít ở đầu hẻm mỗi chiều:

Ai đã qua vùng Bình Long đất đỏ

Coi xe chở về thành phố khoai mì

Cả khoai lang, rồi lại thêm khoai bí

Đang chờ dân nghèo đăng ký mang về ăn

Ăn mấy hôm rồi thì lưng nổi ghẻ

Ăn mấy bữa rồi ghẻ nổi um tùm

Cả trên chân rồi chạy lên trên trán

Đang chờ dân nghèo mua thuốc để về xoa...

Đời sống công nhân càng ngày chật vật, vẫn phải cắn răng mà chịu, bây giờ mới thấy câu nói từ ngoài Bắc đồn vào là chí lý:

Lao động là vinh quang

Lang thang là đói rách

Lách nhách thì lên phường

Lên phường là có khả năng đi kinh tế mới:

Khiếp thấy mồ!

Và cũng bấy giờ mới hiểu thủ đoạn của cộng sản, chứ không được như một số dân nghèo Sài Gòn đã nếm mùi thủ đoạn ấy ngay từ ba ngày sau 30 tháng 4.

Ông Hoàng Ngọc Huy kể rằng:

Ba ngày sau khi chiếm Sài Gòn, UB22 ra lệnh mở kho phát gạo không cho dân chúng. Những người nghèo hay thất nghiệp đổ xô mang bị thúng đi lãnh. Sau khi ghi tên và danh sách, họ sung sướng mang về mỗi người 5 lít gạo.

Nửa tháng sau, có lệnh phát gạo lần thứ hai. Những người nói trên lại hân hoan đi ghi tên lãnh phần, mặt vênh váo, miệng bô bô ca tụng cách mạng.

Một tháng qua, lại gọi phát gạo lần thứ ba. Lần này quá đông, nên có bộ đội và cảnh sát giữ trật tự. Sau khi đăng ký, tưởng được đi vào kho như trước, ngờ đâu bị lùa lên đoàn xe Molotova đậu gần đó, để nghe cán bộ giải thích:

_ Đồng bào không có công ăn việc làm nên phải nhờ chính phủ trợ cấp. Với cách mạng, phải làm mới có ăn, không thể ngồi thụ hưởng như thời Mỹ ngụy. Cách mạng sẽ cấp đất và hạt giống, đồng bào chỉ việc tăng gia sản xuất, không phải lo lắng gì về vật chất. Đau có bác sĩ, có thuốc, có vật liệu cất nhà và dụng cụ làm vườn. Nhà nước cấp 6 tháng gạo để đợi thu hoạch. Nhất rồi, chỉ có cách mạng mới lo được cho dân đầy đủ thế, chứ Mỹ ngụy đâu bằng được.

Thế là được chở thẳng ra cùng kinh tế mới. Xe chuyển bánh rồi mọi người còn ngoảnh lại dở khóc dở cười, không thốt nên lời vì cán bộ nói đúng quá: nghèo mà đi xin là xấu, nay được cấp nhà đất cho làm ăn, khỏi phải lụy ai, còn gì sung sướng bằng!

Tóm lại chiến dịch đấu tranh giai cấp đã thu hoạch được thắng lợi lớn. Trung ương gồm đặc quyền đặc lợi trong tay, có bìa Tôn Đản, mua bất cứ thứ gì bằng giá rẻ mạt, thịt 2 đồng một ký thay vì 30 đồng như giá ngoài, sữa giá ngoài 10 đ, đây chỉ 4 hào. Cán bộ thường thì làm việc suốt đời không hy vọng mua được chiếc xe đạp, nay vào Nam, nếu may được ngồi chỗ có uy quyền thì chẳng mấy chốc có không những xe đạp gie-lu-se mà còn cả đài, máy ảnh, cũng gie-lu-se hết.

Trong khi ấy, người dân miền Nam than phiền: Không gì quý hơn độc lập tự do, ăn cơm thì bo bo, hút thuốc bằng giấy vò, lúa để trong bồ thì bị đo, thôi thì thân ai nấy lo...

XẨM HẠI CANH NÔNG (XHCN)

Xẩm hại canh nông – một sáng kiến phi thường của cộng sản khi vào Nam là vẽ ra chương trình thủy lợi: đào những đường hào rộng ba thước sâu 2 thước để đem nước vào ruộng. Đào hàng trăm cây số hào như thế, cần đến cả triệu nhân công. Giản tiện nhất là bắt thanh niên nam nữ phục vụ để họ bận lao động không nghĩ đến chống đối. Lại buộc họ phải lo tự túc, mỗi người ba ngày lương thực. Thế là không tốn một xu mà lợi cho hàng vạn mẫu ruộng đồng thời khỏi phải lo đối phó về chính trị.

Nhưng cộng sản đâu có biết rằng trước đó Bộ canh nông cũ đã đào thử nhiều nơi rồi và thấy rằng đồng bằng miền Nam vốn là do biển bồi lên, nên lớp đất màu chỉ có chừng sáu bảy mươi phân ở trên, còn dưới là đất phèn, nên chỉ cho khơi những con hào nông để dẫn cho ruộng đủ nước mà thôi. Nay các phó tiến sĩ nông nghiệp bắt đào sâu xuống 2 thước thì lớp phèn ở dưới tan vào nước và tràn lên ruộng khiến cho không trồng cây gì được, ngoài những loại xứ và lau sậy. Hàng vạn mẫu đất bị nước phèn ngấm vào, phải đến dăm năm mới lại cây lúa được. Thấy nông dân ta thán không ngớt, cán bộ vỗ về bằng cách rỉ tai bí mật: đào thủy lợi là chiến lược chống chiến xa. Đã là nhu cầu quốc phòng, còn ai dám dị nghị nữa. Chỉ còn gạt nước mắt ngậm bồ hòn mà lẩm bẩm với nhau:

Thằng phèn đã tưởng nằm yên

Ai ngờ thủy lợi đứng lên khuấy mầy!

Ông Hồ thường ước ao mỗi ngày ông già bà lão Việt Nam được uống một ly sữa, nhi đồng được ăn một quả trứng.

Chính quyền miền Bắc xin được Cuba cho bò giống, gà nòi, bò đem nuôi ở Tam Đảo Hòa Bình, gà nuôi ở Kiến An. Tuy có giống tốt những không biết săn sóc, năng xuất không được khả quan. Vả lại không có máy móc để chế bơ, phó mát, để hư, đổ đi rất nhiều.

Khi vào nam thấy những trại gà trại heo và nhà máy sữa, cán bộ đáng lẽ phải mừng sẽ thực hiện lời ước của Hồ, thì trái lại vì không biết cách quản lý, nhất là vì đố kî, bắt các chuyên viên chăn nuôi miền Nam đi học tập, khi thả về lại không dùng, hoặc cho làm công việc khác, thành ra các trại chẳng bao lâu bị phá sản.

XÀI HOANG CHỮ NGHĨA (XHCN)

Cộng sản không ngớt hô hào làm trong sáng tiếng Việt trong khi những tiếng nôm na quen thuộc họ lại thay bằng những chữ Hán lạ hoắc đối với nhân dân.

Ghi tên đổi họ là đăng ký

Trải qua là kinh qua

Gấp rút là khẩn trương

Ngoại ô là ngoài thành

Bếp nhỏ, bếp nhở, bếp lớn là tiểu táo, trung táo, đại táo

Sữa chữa ít nhiều, là đại tu, tiểu tu

Phê bình để bầu cử là bình bầu

Có thể là khả năng

Học giỏi lắm là trình độ lắm

Còn những tiếng Hán Việt đã thông dụng thì lại đổi ra tiếng nôm ngây ngô:

Trực thăng ra lên thẳng

Thủy quân lục chiến là lính thủy đánh bộ

Hỏa tiễn ra tên lửa

Sở hỏa xa ra cục đường sắt

Nhà hộ sinh ra xưởng đẻ

Tửu lầu ra nhà hàng ăn uống

Phòng ngoại kiều ra phòng việc người nước ngoài

Thoại kịch ra kịch nói

Radio ra đài

Phi công ra giặc lái (nếu là phi công Mỹ)

Hỏa đầu quân ra anh nuôi

Ngoài ra nhiều tiếng Nam nói xuôi, Bắc lại “cách mạng” ra nói ngược:

Đá bóng nói là bóng đá

Bảo đảm là đảm bảo

Trưởng lớp là lớp trưởng

Cái sự nghiệp cách mạng ngôn ngữ ấy thỉnh thoảng phát sinh ra một vài từ thật tiêu biểu: tổ đan len gọi là tổ móc, con em cộng sản có tên là thiếu nhi truyền thống.

Và để cho tiếng Việt trong sáng, một thanh niên đã viết thư cho bạn gái:

“Kể từ ngày anh phát hiện ra em, anh đã về báo với đồng chí mẹ, đồng chí cha, khẩn trương ra phường đăng ký để quản lý đời em. Kính, hồ, đài, đạp anh đề có cả. Tiêu chuẩn là trinh tiết em phải đảm bảo chất lượng một chăm phần chăm.”

(còn tiếp)

Lãng Nhân

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002