Đại Chúng số 73 - phát hành ngày 15/5/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người văn nghệ sĩ hãy thương nhau cùng!”

CÂU CA DAO TRÊN LÀ TIÊU NGÔN CUẢ
“HỘI ÁI HỮU TƯƠNG TRỢ VĂN NGHỆ SĨ HẢI NGOẠI”

 Kính thưa quí thân hữu văn nghệ sĩ,

Sau hơn một phần tư thế kỷ lưu vong ở hải ngoại, chúng ta đã rút tiả được nhiều bài học đủ mọi mặt cuả các dân tộc văn minh, phú cường Tây phương. Đặc biệt đáng quan tâm nhất là tổ chức xã hội qui củ và tinh thần cộng đồng hoà ái. Trong các xã hội Tây phương từ Âu sang Mỹ bất cứ một ngành nghề nào cũng đều lập thành đoàn thể sinh hoạt nề nếp, nghiêm chỉnh. Ngoài ra, các giới nam, phụ, lão, ấu và những người già nua, bịnh tật bẩm sinh v.v...cũng đều tập họp thành những hội tư nhân, nhắm mục đích ái hữu và tương trợ tinh thần cho nhau. Chí đến những người có cha mẹ già nằm trong nhà dưỡng lão cũng quây quần với nhau lập thành  hội gọi là” Thân Nhân Cuả Những Người Già Trong Nhà Dưỡng Lão” với mục đích tốt đẹp là giúp đỡ, chia sẻ những ưu tư, khó khăn, những hiểu biết về các khiá cạnh luật pháp, hướng dẫn cho nhau những điều hay dở...

Cho đến nay, mặc dù cộng đồng người Việt Nam lưu vong hải ngoại đã sinh sôi khá đông đảo, và cuộc sống đã ổn định vững vàng, nhưng về mặt xã hội, ái hữu và tinh thần tương trợ, phi chánh trị, xem ra có phần  rất lỏng lẻo, đến gần như không có gì đáng kể!

Thu hẹp lại trong phạm vi văn nghệ sĩ. Mặc dù văn nghệ sĩ  vốn là một giới  mà bất cứ thời nào và ở bất cứ đâu cũng đều được đại đa số quần chúng trong  xã hội yêu mến, và coi như chất xám cuả dân tộc. Nhưng suốt 25 năm qua, giới văn nghệ sĩ vẫn chưa hình thành được một ý niệm rõ rệt và cụ thể về tinh thần ái hữu và tương trợ trong phạm trù nội giới.

Như trên đã nói, đành rằng sinh sống ở các nước Tây phương, khi người văn nghệ sĩ tới tuổi về già, ai cũng được cơ quan xã hội bản điạ lo lắng chu cấp hoàn bị về mặt vật chất; nhưng còn về mặt tinh thần và tình cảm con người thì sao?

Làm thế nào xã hội Tây phương có thể giải quyết được? Trong khi đó người văn nghệ sĩ VN lại vốn dĩ  chỉ sống bằng tình cảm và tinh thần, ngược lại rất coi nhẹ vấn đề vật chất.

Trả lời cho câu hỏi đó, có người đã nói:” Vài nơi người VN đã có Hội Cao Niên, Hội Hậu Sự , chúng ta tham gia vào đó là được rồi! ...” Thưa vâng! Điều đó rất tốt!

Nhưng nơi đây xin quí thân hữu văn nghệ sĩ hãy xét dùm cho những ý nghĩ sau đây về “HỘI ÁI HỮU VĂN NGHỆ SĨ HẢI NGOẠI”:

Trước hết, hội “Ái Hữu Văn Nghệ Sĩ” ( từ đây viết tắt là: HAHVNS) sẽ là một mái nhà chung để qui tụ tất cả các anh, chị, em không phân biệt tuổi tác, hiện đã và đang hoạt động trong các bộ môn: Thi văn, ca nhạc, kịch nghệ,  điện ảnh, hội hoạ, điêu khắc v.v... ở hải ngoại.

Trong mái nhà chung này, tuy không có ranh giới nào cho tuổi tác, giới tính và ngành nghề, nhưng theo tinh thần văn hoá truyền thống cao đẹp cuả dân tộc, quí anh, chị thân hữu văn nghệ sĩ cao niên sẽ đương nhiên là những cây đại thụ toả bóng mát cho giới văn nghệ sĩ trẻ trung, dìu dắt giới hậu sinh trong việc học hỏi, trau dồi thêm kinh nghiệm, hầu phục vụ đồng bào dân tộc hiệu quả hơn. Mặt khác, thiết thực hơn, hội AHVNS  nếu được đông đảo anh, chị , em đứng đắn, lương thiện hưởng ứng sẽ  mau chóng trở nên một biểu hiện cụ thể cuả tinh thần đoàn kết gây sức mạnh. Chúng ta phải ý thức được rằng : Chỉ có sức mạnh tập thể người văn nghệ sĩ mới có thể phục vụ đắc lực các giới đồng bào lưu vong hải ngoại, bảo vệ danh dự truyền thống cuả dân tộc, giúp cộng đồng VN hải ngoại sớm bắt kịp trào lưu văn hoá tiến bộ Âu- Mỹ và nhất là thoát khỏi mọi hình thức áp chế tinh thần - nhất là bằng phương tiện truyền thông tà ngụy - cuả một thiểu số bất chính, tá danh văn nghệ sĩ , chỉ nhắm mục đích phục vụ cho tư lợi cá nhân và bè nhóm.

Ngôi nhà văn hoá này, tức hội AHVNS,  rồi đây sẽ được truyền thưà mãi mãi đến  các thế hệ mai sau cuả văn nghệ giới hải ngoại. Đó là một công việc rất tốt đẹp, hoàn toàn vô vị lợi,  mang nhiều ý nghiã thiêng liêng cao cả mà bây giờ chúng ta phải xúc tiến ngay công việc đắp móng xây nền...

Trên đây là những nét phác hoạ khái quát nhắm  mục đích phục vụ giới văn nghệ sĩ trong tương lai. Nhưng bây giờ, chúng ta hãy để một vài phút kiểm điểm lại chút sự thể đã diễn ra trong quá khứ và hiện tại.

Theo thời gian, từ những ngày khởi đầu cuộc sống lưu vong cho đến nay, giới văn nghệ sĩ VN cũng đã xảy ra rất nhiều mất mát đáng kể như  một Vũ Khắc Khoan, Trần Cao Lĩnh, Nghiêm Xuân Hồng, Trầm Tử Thiêng, Hoài Bắc, nữ danh ca Thái Hằng, Nghiêu Đề...Gần đây nhất là nhà điện ảnh Bùi Sơn Duân. Các bạn ấy đã kẻ trước người sau lặng lẽ ra đi, ngoại trừ thân nhân và một vài bằng hữu gần gũi, kỳ dư văn nghệ giới sống rải rác khắp nơi đã không được thông báo kịp thời, thậm chí cả không hề hay biết, để có một lời chia buồn sưởi ấm lòng cuả thân nhân người quá vãng.

Sự ra đi ấy đối với những người gọi là ” cùng hội cùng thuyền” hiện còn đang tại thế sao không khỏi cảm thấy lòng mình dấy lên chút nỗi niềm chua sót.  Ngày xưa nàng Kiều bên mộ Đạm Tiên còn biết than thở đôi câu:

“Nỗi niềm tưởng đến mà đau,

Thấy người nằm đó biết sau thế nào?!”

Nhưng , tất cả những lời than thở, chia buồn dành cho người bạn ” cùng hội cùng thuyền đâu xa” sau khi người bạn ấy đã vĩnh viễn rời khỏi cuộc đời này, dù cho là ” nhả ngọc phun châu” vẫn chỉ là phù phiếm, vô giá trị!

Thực tế nhất, giá trị nhất và hay hơn hết  vẫn phải là việc chúng ta cùng nhau sẵn sàng chia sớt cảm tình và yểm trợ tinh thần cho người bạn ” cùng hội cùng thuyền ấy” khi bạn ta còn thưởng thức được.

Điều đó thực sự cần thiết và có giá trị quí báu chẳng kém gì việc các anh chị em trong giới văn nghệ sĩ hải ngoại đã tích cực  giúp đỡ vật chất cho nhà văn nữ Nguyễn Thị Thuî Vũ trong hoàn cảnh quẫn bách, bi thảm mới đây ở Sài Gòn, và bà quả phụ thi sĩ Quang Dũng v.v...

Muốn thực hiện tốt đẹp được những mục tiêu ái hữu và tương trợ cao đẹp như thế, xét rằng một vài cá nhân không đủ, cần phải có sự ái hữu hợp quần tương trợ. Đó là một hình thức hội đoàn qui mô cuả các dân tộc văn minh tiến bộ Tây phương mà chúng ta đang sinh sống chung đụng với họ và đã hội nhập vào xã hội cuả họ.

Với những lẽ trình bày  đơn sơ thô thiển như trên, một số anh chị em chúng tôi có tên dưới đây không ngần ngại xướng xuất, để thỉnh cầu toàn thể quí thân hữu trong giới văn nghệ sĩ   sốt sắng hưởng ứng vào công cuộc xây dựng ”HỘI ÁI HỮU TƯƠNG TRỢ VĂN NGHỆ SĨ HẢI NGOẠI” mà phạm vi hoạt động trải rộng khắp nơi có người VN lưu vong cư ngụ.

 DANH SÁCH QÚI VỊ VĂN NGHỆ SĨ LƯU VONG HẢI NGOẠI ĐÃ ĐƯỢC THAM KHẢO Ý KIẾN NHƯ CỐ VẤN, ĐỂ TẠM THỜI  THỰC HIỆN TIÊU NGÔN CUẢ HỘI

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người văn nghệ sĩ hãy thương nhau cùng!”:

Nhà văn Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, nhà báo Mạc Kinh, Bác sĩ, nhà văn Trần Đại Sĩ, nhà văn Hồ Trường An,  nhà thơ Đỗ Bình, nhà thơ Hà Lan Phương, nhà thơ Nguyễn Tấn Phước, vợ chồng nhà văn Bình Huyên, nhà biên khảo Huỳnh Tâm, nhạc sư dân tộc nhạc Quỳnh Hạnh, nhạc sĩ dân tộc Trọng Lễ, nhạc sĩ Trịnh Hưng, ca sĩ Thanh Hùng, Nhà thơ Hà Thượng Nhân, nhà thơ Hà Huyền Chi, nhạc sĩ Phạm Duy, nhà thơ nhà báo Hồ Công Tâm, nhà biên khảo Sagant Phan, nhà biên khảo Thinh Quang, nữ sĩ Mộng Tuyền, nhà thơ Nguyễn Kinh Bắc (Trạng Phét), nhà thơ Tú Lắc, nhà thơ Phúc Hữu, nhà thơ Hoàng Duy, thi-nhạc sĩ Thái Lâm Văn Phúc, nữ sĩ Trương Anh Thụy, nhà văn nhà báo Nguyễn Ngọc Bích, nhà báo Hoài Thanh, nhà báo Hải Triều, nhà báo Nguyên Nghĩa, nhạc sĩ dân tộc Phạm Đức Thành, nữ ca sĩ Liêu Nguyệt Lan, nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn (hiện đang ở Paris , khi báo lên khuôn, chúng tôi chưa liên lạc được, sẽ xin bổ túc vào danh sách kỳ tới), nhà biên khảo Nguyên Nguyên, nhà văn Nguyễn Ngọc Nga, nhà thơ Từ Ngọc Phong, nhà báo Tùng Văn, nhà thơ Lê Dã Sử, nhà báo Đặng Văn Nhâm, Nhà thơ Cẩm Đan (TX), nhà thơ Dương Trần (CA), nhà thơ Hạ Ái Khanh (CA), nhà thơ Hà Nguyên Du (CA), nhà thơ Huệ Thu (CA), nhà thơ Hà Phương (CA), nhà thơ Hà Việt Văn (CA), nhà thơ Hoài Thi (CA), nhà thơ Hoàng Mai (CA), nhà thơ Huy Giang (Germany), nhà thơ Huy Đức (CA), nhà thơ Lạc Thủy BĐQ (AZ), nhà thơ Lam Nguyên (WA), nhà thơ Kiều Nguyệt Ngân (CA), nhà thơ Lư Hoàng Vị (CA), nhà thơ Lê Ngọc (France), nhà thơ Lê Nguyễn (AL), nhà thơ Lê Đức Phú (CA), nhà thơ Lê Văn Bá (FL), nhà thơ Lê Văn Thảo (CA), nhà thơ Linh Quân (FL), nhà thơ Lâm Thi Giang (CA), nhà thơ Mạc Lan Đình (CA),  nhà thơ Mạc Ly Hương (TX), nhà thơ Mạc Ly Tao (CA), nhà thơ Nguyễn An Phong (CA), nhà thơ Nhất Phong (CA), nhà thơ Nguyễn Đức Linh (CA), nhà thơ Ngọc An (CA), nhà thơ Phạm Bội Điệp (FL), nhà thơ Song Nguyên (WA), nhà thơ Thái Anh Duy (CA), nhà thơ Thái Lâm (CA), nhà thơ Thúy Trúc (FL), nhà thơ Trần Lệ Hoàng (CA), nhà thơ Trang Nguyên (PA), nhà thơ Trùng Dương (?), nhà thơ Trần Ngọc K. Lang (CA), nhà thơ Trần Ngọc Trà (CA), nhà thơ Trần Nhi (CA), nhà thơ Trần Sĩ Lâm (CA), nhà thơ Trương Nhã (CA), nhà thơ Trương Phúc Hậu (CA), TT Mây trên ngàn (CA), nhà thơ Tú Xuân (CA), nhà thơ Uyên Sơn (WA), nhà thơ Vân Nương (France), nhà thơ Vân Trang (CA), nhà thơ Vân Trình (WA), nhà thơ Vinh Hồ (FL), nhà thơ Vũ Gia Sắc (FL), nhà thơ Vũ Khang (CA)....

Ngoài ra, nhắm mục đích thực hiện chương trình qui mô hội AHVNS, chúng tôi vẫn còn đang tiếp tục tham khảo với các vị văn nghệ sĩ các nơi hải ngoại để bổ túc thêm danh sách này cho thật hoàn hảo, trước khi triệu tập một phiên họp khoáng đại vào muà Thu năm nay tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Mọi chi tiết và diễn tiến cuả chương trình hoạt động chúng tôi sẽ công bố thường xuyên trên mặt báo này. Xin quí vị văn nghệ sĩ và độc giả đồng bào theo dõi.

Thủ đô Hoa Thịnh Đốn , ngày 1/5/2001
Nhóm khởi xướng
Ban biên tập tuần báo Đại Chúng

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002