Đại Chúng số 73 - phát hành ngày 15/5/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

LÁ THƯ TOÀ SOẠN

Ngày Quốc Hận 30 Tháng Tư đã được các tổ chức đoàn thể người Việt hải ngoại tổ chức khắp nơi trên thế giới.  Từ Mỹ, Canada, Úc, Pháp, Anh, Đan Mạch... những lá cờ vàng ba sọc đỏ tung bay phất phới, từng đoàn người đứng bên nhau làm lễ và tưởng nhớ lại giờ phút lâm chung của Miền Nam VN cách đây 26 năm. 

Miền Nam, mảnh đất trù phú, phì nhiêu với vựa thóc đồng Bằng Sông Cửu Long nuôi sống cả nước VN.  Người Miền Nam với tầm lòng thật thà trung hậu, hiếu khách và hoà hiếu, lam lũ, siêng năng đã có một cuộc sống sung túc đầy đủ dù chiến tranh bùng nổ khắp nơi. Quân đội VNCH không phải là một đội quân tồi, ham sống sợ chết, họ đã bảo vệ Miền Nam thoát khỏi vòng tay của CSBV trong một thời gian khá dài.  Nhưng tại sao MN lại rơi vào tay CS nhanh hơn dự tính của CSBV?  Tại sao MN không thể thoát khỏi nanh vuốt của CS? Ai là kẻ đã phản bội lòng tin của quân dân, cán chính MNVN?  Ai đã bán đứng MN cho CS?  Nhà báo Đặng Văn Nhâm sẽ vạch trần sự thật đau đớn, nhục nhã của bọn “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản” trong bài “Những Khám Phá Động Trời: Thiệu-Huy Đi Đêm Với MTDTGPMN- Chánh Phủ Ba Thành Phần Của Dương Văn Minh”.

Thưa quí độc giả, vừa qua quý vị đã làm quen với nhà báo Nguyên Nghĩa trong bài viết “Không Mợ Chợ Cũng Đông”.  Hôm nay, chúng tôi xin được giới thiệu đến quí độc giả bài thơ đầu tiên Nguyên Nghĩa gởi tặng TBĐC “Mới Biết Còn Thương”.  Tác giả đã khắc hoạ lại hình ảnh quê hương Miền Tây với những địa danh quen thuộc như Cà Mau, Rạch Giá, Cần Thơ, Sóc Trăng... đã ăn sâu vào tiềm thức của mình.  Đồng thời nỗi nhớ quê hương da diết, ngậm ngùi cứ mãi mãi nằm sâu trong trái tim, khiến nhà thơ phải thốt lên rằng “...người yêu nhau, nước hẹn sum vầy...”.  Xin cảm ơn bài thơ và tình cảm ấm áp của nhà thơ.

Nếu bạn đến thăm viếng Vườn Thơ Xướng Hoạ trong những số báo gần đây, quí vị sẽ đọc được hai bài thơ “Bên Trời Lận Đận” của nhà thơ Hà Thượng Nhân.  Trong số báo nầy, nhà thơ tiếp tục gởi đến chúng ta bài ba “Bên Trời Lận Đận”.  Nhà thơ Cung Diễm khi đọc lại vần thơ xưa của nhà thơ Tạ Ký mà nhớ đến bạn hiền và cảm tác bài thơ “Đọc Vần Thơ Cũ”. Tại sao bèo hợp, nước đi ra biển khơi và mây về với núi nhưng người đi kẻ ở đoạn trường?  Nỗi sầu bi, buồn vui năm cũ vẫn còn đong đầy trong tâm tư người ở lại.  Lời thơ buồn man mác, chứa chan tình cảm khiến cho nhà thơ lãng mạn, đa cảm Hà Thượng Nhân phải thốt lên “...Người đau những nỗi đau không nói. Chim nhạn, chim hồng mỏi cánh bay.  Ta có ngờ đâu rồi mỗi đứa.  Lời thơ đau đớn một phương nầy...” Những bài thơ khóc bạn sao đẹp và thanh cao đến thế! 

Dù có xa tổ quốc vạn trùng khơi, dù cuộc sống có giàu sang sung sướng thì lòng ta không bao giờ quên được quê hương.  Có lẽ quê hương là tiếng gọi thiêng liêng nhất trong mỗi tâm hồn chúng ta, cho nên, trong mỗi lời văn, lời nhạc, lời thơ hình bóng Mẹ VN vẫn hiện về trong từng kỷ niệm, để rồi chúng ta có thể tìm thấy bài thơ “Trên Tàu Ngoạn Cảnh Núi Sông Xứ Người” tâm tình của nhà thơ Hoàng Duy thể hiện qua hai câu cuối của bài thơ “...Lòng riêng chạnh nhớ, bến bờ Việt Nam”.  Nhà thơ Việt Hải cũng bộc lộ tâm tư qua bài thơ “Gia Long Dĩ Vãng” nhắc lại mái trường xưa với mối tình học trò đầy thơ mộng.  Sau đó, nhà thơ Dư Thị Diễm Buồn cũng mơ màng gởi “Nhớ” vào những hình ảnh quê hương quen thuộc, đáng yêu với hương cau, bờ tre, ruộng lúa đầy ấp mảnh trăng thanh, tiếng gà gáy ban trưa... Những hình ảnh đẹp đẽ đó đã tan vỡ sau ngày tháng thư đen.  Hoà bình mà máu chảy, đầu rơi, hàng vạn người chết dập vùi trong những trại học tập cải tạo, hay phơi thây trên biển cả.  Nhà thơ trúc Nam đã khóc quê hương qua bài “Viết Về 30 Tháng 4 Đen- Trang sử Mới” và “Thân Già Đất Khách”.  Cuối cùng nhà thơ Thương Việt Nhân đã tha thiết viết những vần thơ quê Mẹ trong bài “Về Thăm Xứ Huế”.

Chúng ta thường ca ngợi tình yêu cao đẹp và những mối tình đó thường sâu đậm, chung thuỷ, son sắc, vẹn toàn. Tình yêu luôn là nguồn cảm hứng vô tận của người nghệ sĩ.  Nếu chúng ta biết được mối tình cao quý thiêng liêng của Cô Giang đối với nhà yêu nước Nguyễn Thái Học thì chúng ta cũng nên biết mối tình đầy ngang trái của Quang Dũng và cô Loan trong thời kỳ chống thực dân Pháp.  Mối tình nầy, đã được nhà báo Đặng Văn Nhâm ghi lại cũng cảm động bi thiết đến rơi lệ.  Thật thương tâm và xót xa khi hôm nay ngồi viết những dòng nầy mà nhớ về cuộc đời của một tài danh đã bị CS vùi dập cho đến tận cùng sự đau đớn và khốn khổ.

Cũng nói về tình yêu và hạnh phúc lứa đôi, chúng ta thấy hình ảnh của người đàn bà VN sao giống hệt “...Lặn lội thân Cò nơi quảng vắng.  Eo xèo mặt nước lúc đò đông...” Hình ảnh người đàn bà VN đảm đang, chịu thương chịu khó, chung thuỷ luôn là tấm gương cho nhiều thế hệ lưu truyền và gìn giữ.  Riêng người đàn bà Tây Phương thì sao?  Cũng có thể đâu đó vẫn còn vang lên những tiếng khóc than cho số phận hẩm hiu, nhưng dù sao, ở thế giới văn minh nầy, người đàn bà ít bị ràng buộc, họ tự do hơn và có quyền quyết định cuộc đời của mình theo nguyện vọng và mơ ước.  Trong số báo hôm nay, nhà văn Phạm Thị Quang Ninh gởi đến chúng ta bài “Đằng Sau Sự Thành Công Của Một Người Đàn Ông” để quí ông có cơ hội nhìn lại giá trị đích thực của người bạn tình chung.  Vâng, không có những người đàn bà tài năng, tham vọng như Hillary thì làm sao có ông tổng thống đa tình Bill Clinton.  Không có người vợ hiền thục, mẫu mực, dịu dàng, đáng yêu như bà Laura thì làm sao ông Bush dám lăng nhăng.  Sự nghiệp sáng chói của mỗi đức lang quân đều có bàn tay, khối óc của các bà.  Đừng ai cho rằng mấy bà chỉ biết “nồi niêu, xoong, chão”.

Nhà hiền triết Huyền Quang hôm nay gởi đến chúng ta một quan niệm sống về tư tưởng “Vô Vi” của Descartes.  Descartes cho rằng cái gì cũng phải làm đến tận cùng, cho đến khi điều mà ta làm đó không còn tiếp tục được nữa và sự “hoài nghi sẽ đưa ta đến một chân lý tích cực nào đó.  Descartes còn quan niệm rõ ràng là tâm linh và vật thể không là một cái chung hỗn hợp mà hoàn toàn biệt lập nhau.  Cái xác ươn thối, thì cái linh hồn tự nó phải ra đi.  Từ những quan niệm nầy, Huyền Quang nhấn mạnh đến giá trị của người “Thiền Định” là chỉ muốn duy nhất đi tìm cái thật để trút bỏ chốn bụi hồng trần.  Tiếp theo đó, kỹ sư Lê Tiềm cũng nói đến giá trị của phần thực hành “Quán Tưởng Xả Thiền”.  Kỹ sư giải thích những kỷ thuật của “Quán Tưởng Xả Thiền” là “Bí Thuật Để Đào Tạo Sức Khoẻ”.

Trong mục “Một Nghìn Lẽ Một Chuyện Nhớ Quên”, cụ Mộng Tuyền nữ sĩ trả lời thơ của ông Lê Bão Brookhurst ST. Orange County (CA), bà Vũ Ngọc An 49th St. Philadelphia PA., ông Nguyễn Hà Tịnh Nghĩa Birchiston, Missouri City TX, cụ Hà Thị Washington D.C và ông Lê Việt Hải Maryland.

Nhà văn Thinh Quang sẽ giới thiệu đến quí vị nền văn hoá lâu đời với những nét độc đáo, riêng biệt của đất nước Trung Hoa trong phần Vũ Trụ Và Sự Tiến Hoá Của Loài Người.

Tuần báo Đại Chúng xin đa tạ những tấm lòng vàng và công đức của các nhà hảo tâm đã gửi chi phiếu ủng hộ Đại Chúng trong tuần qua: nhà văn Trương Quang (Connecticutt) ủng hộ Đại Chúng $50.00, ông Nguyễn Cường (California) ủng hộ Đại Chúng $25.00 và đặc biệt hai nhà hảo tâmAn Hickey và bà Mỹ ở Annandale (Virginia) đã gửi giúp bà quả phụ Quang Dũng $40.00. Xin Thượng Đế trả công bội hậu và ban phước lành cho quí ân nhân.

Kính thưa nhà báo Huỳnh Tâm cùng toàn thể ban biên tập Gò Kén, chúng tôi rất vui mừng nhận được thư và chân tình của quí vị dành cho.  Thật hân hạnh khi cánh tay văn nghệ ngày càng nối dài, ngày càng mở rộng để chúng ta cùng chia xẻ vui buồn, hoạn nạn trong những ngày xa quê hương và mai đây biết ai còn, ai mất.  Cuộc đời là phù du.  Hôm nay có, ngày mai không.  Tất cả chỉ là ảo ảnh.  Chỉ có một tấm lòng, một tình yêu thương đồng chủng thì còn tồn tại vĩnh viễn với thời gian.  Mong sẽ gặïp lại nhau trong ngày đại hội khoáng đại trong mùa thu năm nay.  Những lời nhắn nhủ của hiền huynh chúng tôi xin ghi nhận.  Cảm ơn lời khen tặng của hiền huynh đối với TBĐC.  Tất cả công lao đó là của toàn thể văn thi hữu bốn phương, ban trị sự và ban biên tập.  Kính chúc Gò Kén khoẻ mạnh, bình an, thành công tốt đẹp để đem tiếng nói văn hoá, đạo học truyền bá cho thế hệ mai sau.  TBĐC cũng đã viếng thăm trang nhà của Gò Kén.  Bài vở cũng phong phú lắm.

Xin đa tạ tất cả quí văn thi hữu, quí đồng hương đã hưởng ứng và nâng đỡ TBĐC trong suốt ba năm qua.  Kính chúc quí vị một tuần lễ an lành và hạnh phúc.

TBĐC

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002