Đại Chúng số 72 - phát hành ngày 30/4/1975

Duramax

Kinh Tế

HỖ TRỢ CỦA IMF VÀ NGÂN HÀNG THẾ GIỚI: CÓ THỂ CHỜ ĐỢI GÌ TỪ CHƯƠNG TRÌNH CẢI CÁCH CỦA VIỆT NAM?

Phạm Thăng Long

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết mình sắp cho Việt Nam vay khoảng gần 800 triệu USD để Việt Nam tiếp tục thực hiện các cải cách kinh tế. Theo dự trù, Hội đồng Quản trị IMF sẽ họp vào ngày 6/4 để quyết định việc này, và WB thì vào tuần đầu của tháng năm.

Đại diện của hai tổ chức tài chính quốc tế chuyên cho vay với nhiều điều kiện kèm theo này nói rằng các khoản vay bao gồm 375 triệu USD của IMF chủ yếu nhằm giúp Việt Nam cải thiện cán cân thanh toán trong việc hỗ trợ các chương trình phát triển và giảm nghèo, và khoảng 400 triệu USD từ WB để hỗ trợ Việt Nam cải cách cơ cấu, nhất là trong việc cải tổ các xí nghiệp quốc doanh và giải quyết các món nợ khó đòi và tái cấp vốn cho các ngân hàng. Đây sẽ là lần đầu tiên kể từ bẩy năm nay Việt Nam được vay tiền trở lại từ IMF.

Các món vay sẽ được giải ngân trong vòng ba năm, kể từ năm nay. Nhưng việc giải ngân không phải "nghiễm nhiên" mà là có điều kiện. Nó tùy thuộc vào việc Việt Nam thực hiện Chương trình Cải cách ba năm, từ 2001 đến 2003, đã thỏa thuận với IMF và WB như thế nào: nhanh hay chậm, có đầy đủ hay không.

Chương trình Cải cách này nằm trong Chiến lược Mười năm Phát triển Kinh tế Xã hội giai đoạn 2001-2010 của Việt Nam đã được công bố rộng rãi (có thể xem trên mạng lưới Internet tại www.worldbank.org). Một cách khách quan, chương trình này nếu được thực hiện nghiêm chỉnh sẽ tác động lên nền kinh tế Việt Nam như thế nào?

Nếu Việt Nam quyết tâm thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách cơ cấu đã đề ra trong Chương trình Cải cách ba năm (xem Khung bên cạnh), nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại đúng hướng đi trên con đường hướng tới kinh tế thị trường, mức sống của người dân sẽ tiếp tục được cải thiện, và đồng thời vài mục tiêu xã hội sẽ được đạt tới: xoá đói giảm nghèo, giảm bớt mức chênh lệch thu nhập giữa các tầng lớp dân chúng, và đền bù cho những người bị ảnh hưởng bởi cải cách cơ cấu qua chương trình trợ cấp thất nghiệp.

Nếu các chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách cơ cấu được thực hiện, thì Việt Nam sẽ đạt được một số kết quả ngay trong năm 2001. Trước hết, nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ, tiếp tục xu hướng thuận lợi từ năm ngoái, theo sau chính sách kích cầu trong bối cảnh đầu tư nước ngoài sụt giảm. Nội lực sẽ là yếu tố quan trọng hơn nữa trong năm nay so với 1999 và 2000.

Tiếp đến, đồng thời với việc kích cầu trong nước, một chính sách thúc đẩy xuất cảng mạnh hơn thông qua tự do hoá thương mại (nhất là nếu thoả hiệp thương mại Việt-Mỹ được chấp thuận và áp dụng vào mùa hè này) và thúc đẩy đầu tư trực tiếp của nước ngoài sẽ giúp đầu tư và sản xuất phát triển mạnh hơn trước. Giá dầu trên thị trường quốc tế dự kiến sẽ còn tương đối cao. Điều này sẽ giúp Việt Nam tiếp tục duy trì được mức xuất cảng cao và bảo đảm khả năng nhập cảng hàng hoá tiêu dùng và tư liệu sản xuất cần thiết.

Việc tích cực áp dụng luật đầu tư trong nước, nhất là tiếp tục làm cho thủ tục đăng ký doanh nghiệp tư nhân trong nước trở nên đơn giản, không chỉ ở các thành phố lớn, mà còn ở các tỉnh, cùng với việc cải cách doanh nghiệp quốc doanh và ngân hàng, tạo sân chơi bình đẳng giữa khu vực nhà nước và tư nhân, cũng sẽ tạo đà cho sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân.

Điều quan trọng hơn nữa là có thể tiên đoán sự "hồi sinh" của khu vực bất động sản đã bị kìm nén từ năm 1997. Vì vài tháng gần đây khu vực này đã phục hồi ở Hà Nội và Sàigòn. Do có triển vọng về kinh doanh và việc làm tốt hơn, nên người mua cũng sẵn sàng trả giá cao hơn, một phần phản ánh nhu cầu bị dồn nén từ vài năm nay. Nếu được phép lấy quyền sử dụng đất để thế chấp, thì tỷ lệ nợ khó đòi của các ngân hàng sẽ giảm bớt. Và việc cải thiện điều kiện ngân hàng và tín dụng sẽ thổi thêm sức sống cho ngành xây cất nhà cửa tư nhân.

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, nếu khuôn khổ pháp lý được cải thiện, với nhiều công ty tư nhân hoặc doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá có thể công bố bản cân đối tài sản công khai và lành mạnh, thì thị trường chứng khoán mới ra đời ở Việt Nam sẽ phát triển hơn, với nhiều công ty được niêm yết hơn. Điều này sẽ giúp huy động vốn cho khu vực tư nhân, giúp khu vực này phát triển nhanh chóng, qua đó tạo ra nền móng vững chắc cho kinh tế thị trường.

Nếu những dự báo trên đây về chính sách kinh tế cũng như sự phản ứng của người dân và nhất là giới kinh doanh là hiện thực, có thể dự kiến rằng năm 2001 sẽ là bước ngoặt quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam, tạo đà cho một thập niên mới phát triển khả quan hơn thập niên vừa qua. Tuy nhiên, các dự đoán kinh tế trên cần mang tính chất dè dặt cần thiết vì còn tùy thuộc phần lớn vào các diễn biến chính trị trong nước, mà kết quả sẽ được định đoạt quan trọng bởi kỳ Đại Hội Đảng CSVN vào ngày 19/4 tới đây.  

Khung: Chương trình cải cách của Việt Nam cho các năm 2001-2003

(Tóm tắt các điểm chính)

Tổng thể các chính sách bao gồm khuôn khổ và chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô nhắm đạt đến độ tăng trưởng kinh tế bình quân là 7-7,5 % và giới hạn mức lạm phát tối đa hàng năm là 5%, và những cải cách khu vực trong năm lĩnh vực chính: ngân hàng, doanh nghiệp quốc doanh, khu vực tư nhân, thương mại, và chi tiêu của chính phủ.

Khuôn khổ và chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô có hai mục đích: đảm bảo thực hiện được các cải cách đã đề ra, không đe doạ đến sự ổn định của kinh tế vĩ mô, và đảm bảo cho bản thân các chính sách kinh tế vĩ mô không làm tổn hại đến những nỗ lực cải cách. Yếu tố then chốt ở đây là phải có một chính sách tiền tệ phù hợp để yểm trợ cho việc phục hồi tăng trưởng cao ở mức 7-7,5% mà không gây ra nguy cơ tái lạm phát cao. Ngược lại, việc điều tiết vĩ mô cũng không thể chặt chẽ quá mà không đủ thoả mãn nhu cầu tín dụng trong nước. Đồng thời cần giám sát và kiểm soát chặt việc tiếp tục cung ứng tín dụng cho khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhằm đảm bảo rằng các DNNN phải tiến hành những cải cách mang tính sống còn.

Cải cách ngân hàng nhằm nâng cao tính minh bạch, lành mạnh, và hiệu quả của hệ thống ngân hàng.

Cải cách doanh nghiệp nhà nước nhằm hỗ trợ cho cải cách ngân hàng. Cải cách DNNN và thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân là điều căn bản để hỗ trợ được việc cải cách hệ thống ngân hàng nói trên vì các ngân hàng không thể lành mạnh nếu các khách hàng hoặc người vay ngân hàng chính không lành mạnh.
Phát triển khu vực tư nhân, đặc biệt là khu vực các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.

Cải cách thương mại bằng cách tiếp tục mở cửa thị trường theo hiệp định thương mại khu vực (AFTA) và hiệp định thương mại song phương với Mỹ.

Cải cách chi tiêu của chính phủ thông qua việc tăng cường tính minh bạch, hiệu quả và công bằng trong chi tiêu của chính phủ. Chương trình này nằm trong khuôn khổ lớn hơn của việc cải thiện điều hành đất nước (governance) đang được IMF và WB nhấn mạnh chung cho các nước nhận tài trợ phát triển, không riêng gì cho Việt Nam, nhắm vào tăng cường hiệu quả đầu tư kinh tế và nhất là giảm bớt nạn tham nhũng trong các nước này.

Đẩy mạnh chương trình an sinh xã hội, nhằm giảm nghèo đói, qua các chính sách phát triển kinh tế nông thôn, đền bù cấp vốn cho các người bị thất nghiệp do việc cải cách cơ cấu như đóng cửa các DNNN thua lỗ, v.v...

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002