Đại Chúng số 57 ngày 1/9/2000

Cái đạo của trà

Vương Chu

Trà xuất hiện từ lâu đời, có thể từ ngày trên mặt địa cầu này có sự sống. Tuy nhiên sự phát hiện ra loại cây vừa có tác dụng giúp cho sự giải khát vừa là phương thuốc có tác dụng ngăn ngừa bệnh hoạn của con người, mới chỉ phát giác được vào thế kỷ thứ tam và mãi đến thế kỷ thứ mười lăm người Nhật mới biết đến.

Một nhà nghiên cứu Nhật viết về trà đã ghi nhận rằng: Loại lá cây này nguyên thủy là một loại dược thảo, về lâu về dài, trở thành thức uống và cuối cùng người uống trà đâm ra nghiện nó. Ðến thời đại Ðường Minh Hoàng uống trà trở thành là một cái thú trong giới thi ca như Okakura Kakuzo viết trong "Trà Ðạo". Ông giải thích "Cái Ðạo của Trà" là nhằm vào cái đẹp trong công việc sinh hoạt hàng ngày mà mọi người đều phải có. Trà còn có ý nghĩa Ðạo Ðồng giữa con người với con người, nó tiêu biểu cho sự hỗ tương trong một xã hội, nó chứng tỏ là một sự tinh khiết cho thể xác lẫn tinh thần... Trà cũng còn là một nghệ thuật có tính vừa thực tiễn vừa trừu tượng. Trong đời sống này nếu có cái gì còn chưa được hoàn hảo, thì "Cái Ðạo của Trà" phải có bổn phận cố gắng đảm nhận vai trò làm cho trọn vẹn được điều đó.

Trong bài "Nghệ Thuật Uống Trà" ("Viễn Xứ" số ra mắt phát hành vào tháng 5 năm 2000) có đề cập đến danh từ "Trà Nghệ" nói lên nghệ thuật uống trà của người xưa lư hạ.

Okakura viết: "Cái thế cô lập từ ngàn xưa của nước Nhật đối với toàn thể thế giới, cái thế thúc đẩy người ta đến chỗ "nội tỉnh" tự xét mình, đã giúp cho trà đạo phát triển mạnh vô cùng. Nhà cửa, tập quán của chúng tôi, cách phục sức, cách nấu ăn, đồ sơn, đồ sứ, đồ vẽ - ngay chính nền văn học của chúng tôi - tất cả đã chịu ảnh hưởng của Trà Ðạo. Người đã nghiên cứu về văn hóa Nhật Bản, không ai là không biết đến Trà Ðạo. Nó đã thấm nhuần vào vẻ thanh nhã của những khuê phòng cao quý, cũng như nó đã thâm nhập vào những nơi nhà tranh vách đất nghèo nàn. Nó đã dạy cho nông dân nước chúng tôi biết cách trưng bày hoa, nó đã dạy cho công nhân thấp kém nhất nước Nhật biết coi trọng những hòn đá, khe nước. Trong lời nói thông thường ta vẫn gọi những người hờ hững đối với những tấn kich nửa trang trang nghiêm, nửa hài hước của chính mình, là những kẻ "thiếu hơi trà". Và ta lại chê trách những nhà thẩm mỹ thô lỗ, bất chấp những thảm kịch của thế gian, để mặc cho mình chuồi theo nguồn cảm xúc không kèm chế, không chừng mực, là những kẻ "quá dư hơi trà". (Trà Ðạo - Okakura Kakuza - Bảo Sơn dịch)

Okakura gói ghém được cái thú vị và cái ý nghĩa sâu xa của nó kết tinh trong chung trà bằng câu: "...Nhưng nếu chúng ta nhận thấy chén vui của nhân gian bé nhỏ như thế nào, và trong cơn khát vọng cái "vô biên vô hạn" chúng ta dễ dàng uống cạn chén trà như thế nào, thì chắc chắn chúng ta sẽ không tự trách mình đã bày vẽ ra lắm chuyện vì chén trà nhân loại đã tồi tệ hơn." (Bảo Sơn dịch)

Lời nói ngắn gọn này mới nghe nó chỉ là một câu nói thông thường như các lời lẽ khác nói về cái đạo của trà, nhưng thật ra vô cùng sâu sắc. Quan niệm của người Nhật trong Trà Ðạo nó còn có ý nghĩa cao hơn Trung Hoa - đất nước có cả một rừng dược thảo quý giá - và biết cái điệu nghệ uống trà từ đời nhà Ðường, vị vua có nhiều tham vọng lên thăm chị Hằng nơi cung Quản. Họ đã biến cái thú vị trong chung trà trở thành cái Ðạo để vừa gợi lên lòng yêu nước vừa tạo điều kiện cùng nhau tận hưởng hương vị thanh tao của nó. Okakura đã phê phán về sự đi quá trớn của dân chúng Nhật trong việc thờ Tửu Thần Bacchus và nêu ra câu hỏi là tại sao chúng ta không tự hiến mình cho Camelia Nữ Vương cũng như đắm mình theo dòng suối êm đềm và ấm áp từ trên bàn thờ của Vị Nữ Vương chảy xuống?

Hình ảnh chung trà của "Trà Ðạo" - nói lên cái đẹp của cả nhân gian này cô đọng lại. Nó là hiện thân của chất nước màu hổ phách được chứa dựng trong chén sứ màu trắng ngà mà chúng ta có thể hình dung hình ảnh của những người trong Trà Ðạo đang trầm mặc trước làn khói hương tỏa lên mùi vị của chung trà. Lúc bấy giờ có thể họ đang là hiện thân hiền từ của Khổng Tử, họ - đang nghiền ngẫm cái chua chát của Lão Tử, và đang đắm mình trong làn hương thơm tinh khiết ấy từ đức Thích Ca Mâu Ni - Ðấng Từ Bi hiện thân của tất cả những gì cao cả nhất...

Nhà bảo trợ của chúng tôi DURAMAX

Trang web được thiết kế bởi MQ Services

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002