Đại Chúng số 57 ngày 1/9/2000

L.T.S: Lẽ ra, tất cả những gì đã qua chúng ta nên bỏ vào một ngăn kéo khoá kín lại và nhờ thời gian xoá nhoà quá khứ. Bởi chúng ta đến đất nước tạm dung nầy là để mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp, bình an, hạnh phúc. Hơn thế nữa, chúng ta vẫn mong mõi xây dựng một cộng đồng vững mạnh, đoàn kết, thân ái và tương trợ lẫn nhau. Nhưng đôi lúc vì hoàn cảnh bắt buộc, vì sự an nguy cho đại đa số quần chúng cũng như các tổ chức chính trị chân chính thật sự có lòng yêu nước, yêu dân tộc mà chúng ta cần nhắc lại quá khứ để soi sáng hiện tại. Sau nhiều ngày đắn đo suy nghĩ và hỏi ý kiến của nhiều vị thưởng trượng có đạo đức, uy tín trong cộng đồng, TBÐC quyết định khởi đăng lá thư của Vũ Ðình Kh. -tác giả của bài truyện ngắn "Quá KHứ Một Ðời Người" đã từng gây sự tranh luận gay gắt trong cộng đồng vùng HTÐ cách đây gần một năm. Chúng tôi không có lời bình luận nào về vấn đề nầy mà chỉ mong đăng tải để quí độc giả rộng đường suy nghĩ.

Thư Không Niêm Gởi Trần Nghi Hoàng và Hoàng Thị Bích Ti.

Thưa hai ông bà,

Cuối năm 1999, qua một vài bạn văn, tôi biết được vùng D.C có tờ báo lá cải Lẽ Phải của ai đó, chụp cho tôi một cái nón cối Cộng sản nằm vùng, sau khi tờ Ðại Chúng của ông Hoài Thanh trích đăng một truyện ngắn của tôi, tựa "Quá khứ một đời người", từ báo liên mạng Văn Học Nghệ Thuật do nhà văn Phạm Chi Lan chủ trương. Tôi nghe và chỉ im lặng. Bạn bè hỏi: sao không lên tiếng? Tôi trả lời: ở hải ngoại này nạn chụp mũ CS thịnh hành quá, thành ra nó hết thiêng! Người ta chụp mũ nhau nhiều khi chỉ vì những chuyện rất tầm phào (dù biết rằng người bị chụp mũ không bao giờ là cộng sản), hoặc tệ hơn nữa, có khi chỉ vì vài khung quảng cáo! Thành thử, nhìn khắp nơi ở hải ngoại đều thấy CS ngày càng nhiều! Có điều hết sức buồn cười: hôm trước, tháng trước thấy ông, bà nọ chụp mũ thiên hạ là CS; thì vài ngày, vài tháng sau chính ông bà nọ cũng bị người ta chụp cho cái nón cối CS. Sống ở xứ tự do, nhưng có rất nhiều người không hiểu tự do là gì. Trong đó có hai ông bà, những người cứ nghĩ rằng: tự do là cứ việc tự do nói, tự do viết, tự do chụp mũ bất cứ ai. Vì lý do đó, tôi chỉ giữ sự im lặng không trả lời, vì nghĩ rằng: hai ông bà làm báo (dù là báo biếu, nhưng cũng bày đặt đề giá một đồng!) cũng có lúc nghĩ lại đến cái sai của mình mà sửa đổi. Nhưng tánh nào, tật nấy, một lần nữa hai ông bà lại ngậm máu phun người trong số báo 01/07/2000, số kỷ niệm Ðệ nhất chu niên của tờ Lẽ Phải, mà trong đó có bài viết ký dưới tên Tương Nghi, cho rằng đã khám phá ra tôi, tức Vũ Ðình Kh. đã làm văn hóa vận cho CSVN!

Tương Nghi là ai? không cần tìm đâu xa. Chính bà đã viết:

"Vợ là Tương Nghi

Chồng là Thông Biện

Hai ta cùng xuống núi

Dẫm nát cuộc đời chơi!"

Tôi sẽ thưa chuyện với bà và trở lại với đoạn thơ con cóc này của bà sau. Bây giờ tôi xin nói chuyện phải, trái với người chồng thứ 2 (?) của bà. Xin bà hãy bình tĩnh.

Ông Trần Nghi Hoàng,

Tôi với ông chưa một lần gặp mặt, nhưng đã có những liên hệ; mà hơn ai hết, ông đã biết rõ điều này, từ khi ông cùng bà Trần Thị Bông Giấy (vợ cũ của ông) điều hành tờ Văn Uyển. Vậy tại sao ông lại làm bộ mặt con nai vàng ngơ ngác khi tôi liên lạc với ông (sau khi bị ông chụp mũ), lúc bà Bích Ti đưa điện thoại cho ông nói chuyện với tôi? Có phải vì lúc đó có mặt bà Bích Ty, mà ông lại không muốn bà ấy biết là ông đã từng liên lạc trên báo và nhờ vã tôi đứng ra làm đại diện phát hành cho tờ Văn Uyển tại Canada? Chuyện nhỏ nhặt như vậy mà ông còn giấu bà ấy, thì huống hồ gì những chuyện to tát khác, tôi sẽ đề cập sau.

Mà cũng lạ, hình như sau khi về sống chung với bà Bích Ti, trí nhớ (vốn rất cùn mằn) của ông ngày càng đi xuống. Nếu bây giờ trí nhớ của ông không được tốt thì tôi xin nhắc lại cho ông hiểu, cũng để cho bà Bích Ti biết điều này. (Mà tại sao phải giấu vợ những điều không cần thiết?).

Trên số báo Văn Uyển, số mùa Xuân 1995, ông và người vợ cũ (không phải bà Bích Ti) có đăng 1 truyện ngắn của tôi, truyện "Lời Nguyền của Gã Tình Si" (Trang 61 đến trang 82).

Trên số báo Văn Uyển, số mùa hè 1995, cũng ông và người vợ cũ lại nhắn tôi: "Muốn nhờ KH. làm đại diện phát hành cho VU bên Canada được không?" (Trang 204).

Số báo Văn Uyển mùa thu 1995, ông lại đăng truyện ngắn của tôi (dĩ nhiên là không nhuận bút, không gởi báo tặng, cũng không thông báo cho tôi biết là bài mình đã đăng, cho đến khi tôi phát giác ra mấy tháng sau đó). Và điều quan trọng tôi muốn nhắc cho ông nhớ: đây chính là truyện Quá Khứ Một Ðời Người (Trang 61 tới trang 80).

Vì đây là thư không niêm, để độc giả hiểu được tường tận vấn đề, nên tôi xin mở ngoặc ở đây. Trước khi gởi bài cho VU, tôi cũng chẳng biết ông là ai, chỉ biết Văn Uyển vào đầu năm 1995, từ một người bạn văn ở California bay sang Canada thăm tôi. Người bạn văn này là một cây viết trụ cột cho Văn Uyển trong nhiều năm liền. (Nếu ông có quên tên người này thì cho tôi hay, tôi sẽ nhắc cho ông nhớ, nhưng xin đừng giật mình. Còn tại sao giật mình thì chắc ông biết, và dĩ nhiên tôi sẽ giấu giùm ông, vì tôi hiểu rằng: ông cũng không muốn bà Bích Ti biết chuyện này).

Có một điều hết sức lạ lùng: tại sao cùng một truyện ngắn, cùng những con chữ, khi ông chọn đăng trên Văn Uyển thì ông hồ hỡi, phấn khởi (vì không phải trả nhuận bút, không cần tặng báo). Khi người khác đăng lại, năm năm sau, thì ông chụp cho tôi cái mũ cộng sản và ra điều là ông không hề biết đến tên tôi?

Tại sao ông cố ý, bóp méo, xuyên tạc ý nghĩa của câu chuyện? Không những thế ông còn khích động những người khác tẩy chay tờ báo đã đăng truyện ngắn này?

Tôi nghĩ có hai khả năng xảy ra.

Một là, vì nồi cơm của ông bà, vì cạnh tranh không lại với những tờ tuần báo khác, trong đó có tờ ÐẠI CHÚNG, nên ông mượn tên tuổi tôi để hạ địch thủ.

Hai là bây giờ trí nhớ ông kém quá, ông không còn đủ nhớ là mình đã đăng truyện này năm năm về trước. Khi trí nhớ bắt đầu tàn lụi, trình độ thẩm thấu văn chương sẽ theo đó mà xuống dốc, nên không nhìn ra được ý nghĩa của nó, mà những năm trước đây ông trân trọng in trên báo văn học của mình (Chứ không phải báo biếu đề giá bán, như ngày hôm nay). Không biết sự mất trí nhớ này của ông có phải bắt đầu từ khi ông về với bà Bích Ti hay không?

Có thể ông sẽ chạy chối mà bảo rằng: ông không chọn đăng truyện này năm năm trước. Ðó là quyết định của Trần Thị Bông Giấy. Vậy thì ông là chủ biên hay là thợ xếp chữ của tờ Văn Uyển? Nếu ông là thợ xếp chữ thì tại sao tên ông in đàng hoàng trên trang báo cùng với tên Trần Thị Bông Giấy. Vậy nếu Trần Thị Bông Giấy quyết định mọi thứ thì điều gì xảy ra? Ô?g cho truyện tôi mang hơi hướm thân cộng sản thì người đăng truyện tôi hẳn là cộng sản? Nếu Trần Thị Bông Giấy là cộng sản sao ông nhìn không ra, để đầu gối tay ấp với bà ấy đến 10 năm. Nếu điều này đúng thì trí thông minh của ông cũng hơi... thấp kém!

Ông Trần Nghi Hoàng,

Dù trả lời bằng cách nào đi nữa về sự kiện này, ông vẫn không thuyết phục được độc giả về hành vi lấp liếm của mình. Ngày nay, người đọc rất tinh tế chứ không phải "nói đâu nghe đó" như ông tưởng. Vì nồi cơm của mình, vì tên tuổi của mình, ông đã đi vào con đường tà đạo. Mà ở đó, ông dùng máu để phun người, dùng lưỡi lê để đâm người, và dùng lọ nghẹ tự bôi mặt mình để che dấu cho thân phận không mấy tốt đẹp của mình.

Ông là người chủ trương tờ Lẽ Phải, thì ông nên tôn trọng lẽ phải. Ðừng ép những sự thật quẹo ...trái theo mưu đồ bất chánh của ông. Xin ông đừng phân phát nón cối cho người khác một cách bừa bãi và tô cho mình một lớp sơn lý tưởng bên ngoài, để dọa người khác và nhất là để giấu thân phận hèn mọn của ông với người vợ sau này, tức là bà Bích Ti.

Nếu phải đặt cho ông một cái tên, tôi không ngần ngại mà gọi ông là: Nhạc Bất Quần-Trần Nghi Hoàng.

Ðiều cuối cùng muốn nói với ông: nếu ông còn tiếp tục chơi trò vu khống hèn hạ cùng những hành động ngụy quân tử Nhạc Bất Quần, tôi sẽ không ngần ngại mở ra hồ sơ của ông, để đọc giả thấy được những toan tính, những âm mưu đen tối của ông. Nhưng tôi hy vọng rằng, ông thức tỉnh sau những cơn mê muội, để rồi đây là thư không niêm đầu tiên và cuối cùng, để khỏi làm bận lòng độc giả.

Cho đến lúc này, nếu ông vẫn nghĩ tôi là cộng sản thì ông hãy liên lạc thẳng với H.T, một người đã cùng ông liên hiệp trong suốt nhiều năm qua. Ông H.T sẽ nói cho ông biết rõ hơn về tôi, để ông khỏi phải mắc cộng bịa đặt.

Và bây giờ xin thưa chuyện với bà Hoàng Thị Bích Ti.

Bà Hoàng Thị Bích Ti,

Thật tình mà nói, tôi không muốn viết thư cho bà, bởi tôi không muốn dây dưa với... đàn bà, nhất là những người đàn bà xem chữ nghĩa như một trò chơi để làm hôi hám cuộc đời. Nhưng chính bà, ký dưới tên Tương Nghi, trong đó có nêu lên thành tích của hai vợ chồng bà đã gặt hái suốt một năm qua! Rằng đã khám phá ra tôi, tức Vũ Ðình Kh. đã làm văn hóa vận cho CSVN! Ðiều này tôi vốn không mấy quan tâm như đã nói, vì nó vốn đã hết thiêng trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại này, mà những người đọc báo ngày nay rất thông minh và sáng suốt chứ không dễ gì lậm vào cái tròng quỷ thuật của một số người làm báo không ngay thẳng, thành thật, chỉ muốn loan những tin giật gân hầu kéo độc giả về phía mình để cứu tờ báo, kiếm chén cơm không mấy quang minh chính đại, như bà.

Trở lại những vần thơ ...con cóc:

"Vợ là Tương Nghi

Chồng là Thông Biện

Hai ta cùng xuống núi

Dẫm nát cuộc đời chơi!"

Ai không biết Trần Nghi Hoàng là ký tên là Thông Biện trong những bài viết đánh phá kẻ khác. Tương Nghi dĩ nhiên là bà, chứ không lẽ là ... bà già nào khác!

Ðây là một bài vè, mà mới đọc qua bất cứ một độc giả nào cũng phải nổi da gà. Cả hai ông bà coi bàng dân thiên hạ ở D.C chẳng ra gì để phải để e dè! Muốn viết gì cứ viết! Muốn làm nát cuộc đời ai là cứ làm. Làm báo, đúng nghĩa với lương tâm và chức nghiệp, là hướng dẫn dư luận quần chúng, chứ không phải để dẫm nát cuộc đời chơi! Ngay ở bài vè này đã thấy cái tâm địa không mấy sáng sủa của vợ chồng bà. Tôi không cần nói nhiều về vấn đề này. Bà con vùng D.C sẽ nói chuyện phải quấy với vợ chồng bà. Bà con chưa nói vì: hoặc là khinh bỉ vợ chồng bà, hoặc thấy bà lớn tuổi mà còn ...trẻ nít nên bỏ qua cho bà.

Bà Bích Ti,

Bà không biết gì về tôi mà bà lại tặng ... nón cối cho tôi y hệt như Trần Nghi Hoàng (người chồng thứ hai) của bà. Bà quả là người khá. rộng rãi trong việc "dẫm nát cuộc đời chơi". Không biết cái chiêu này bà học từ Trần Nghi Hoàng hay Trần Nghi Hoàng học từ bà? Dù là ai học ai đi chăng nữa, chuyện ngậm máu phun người của hai vợ chồng bà xem ra cũng đã tới mức thượng thừa. Tôi không nghĩ bà biết về Trần Nghi Hoàng nhiều. Nếu bà biết nhiều về y, thì bà đã suy nghĩ chín chắn, hơn thiệt trước khi bà hạ bút. Vì thế chuyện bà tặng nón cối cho tôi, tôi không buồn. Vì người không biết là không có tội. Cũng trong tinh thần đó tôi muốn chia xẻ với bà đôi điều về Trần Nghi Hoàng.

Có rất nhiều chuyện mà Trần Nghi Hoàng đã giấu bà. Giấu bà để cưới bà (hay để bà cưới hắn) cho bằng được. Cưới được rồi thì... giấu tiếp. Nên Trần Nghi Hoàng nói sao, bà lập lại y chang làm vậy. Nói tới đây chắc gì bà tin tôi, một người xa lạ. Vì thế, tôi muốn chia xẻ với bà những gì mà TNH đã nói sau lưng bà. Bà có biết Trần Nghi Hoàng đã nói về bà như thế nào không?

Ðây là mẫu đối thoại giữa Trần Nghi Hoàng và TTBG có dính dáng tới bà:

"Em không muốn bố đem các cuốn sách quí để dành cho Âu cơ đi làm gia tài cho người đàn bà khác.

Chàng cau mày, vẻ cực kỳ khinh bỉ:

Con người em, chữ nghĩa đầy mình mà còn không đọc nổi ba quyển sách như thế, nói gì những người đàn bà khác, có được bao nhiêu kiến thức trong đầu để hòng bố làm điều ấy." (TTBG, Nhật Nguyệt Buồn Như Nhau, tập 2, trang 334)

Trần Nghi Hoàng khẳng định là bà chẳng có chút ít kiến thức nào hết. Không tin thì bà thử hỏi lại hắn xem. Nếu Trần Nghi Hoàng nhận là có nói, thì bà nghĩ sao? Hắn chữi bà sau lưng, chê bà vô học, thì hắn có xứng đáng để bà nâng khăn sửa túi?

Nhưng tôi cũng nghi là Trần Nghi Hoàng không có cái gan của kẻ quân tử, dám nhận những điều mình nói. Bởi vì hắn là ngụy quân tử. Người ngụy quân tử sẵn sàng chối phăng tất cả những gì hắn đã nói ra, để che giấu cái bộ mặt ngụy quân tử của mình.

Một điều nữa, tôi hy vọng là bà có trí nhớ tốt hơn Trần Nghi Hoàng. Chỉ hy vọng thôi. Chắc bà còn nhớ hơn một năm trước, Trần Nghi Hoàng về Cali thăm con gái và TTBG. Bà đã gọi điện thoại liên tục về nhà bà TTBG (vì lo lắng hay để đánh ghen ?). Bà biết Trần Nghi Hoàng đã nói về bà như thế nào không. Tôi xin chép lại y chang, không một chữ thêm bớt để bà tường tận.

"Ðưa Trần Nghi Hoàng ra phi trường xong, Nguyễn Dũng về nhà, nói ngay với tôi:

Vừa chui vô xe là anh Hoàng đã chữi toáng lên.

Tôi hỏi:

Chữi ai.

Thì chữi bà đó. Ảnh la to: Thật là loại đàn bà ít học mới gọi đến nhà người ta chầm chập như vậy. Phen này về bên đó, anh sẽ bỏ bả. Anh không thể sống chung với loại người vô liêm sĩ như vậy." (Văn Uyển, số mùa xuân 1999, trang 35 - 36)

Trên thế gian này có người chồng nào vừa nâng niu vợ mình vừa chữi vợ mình là đồ vô học, là thứ vô liêm sĩ như Trần Nghi Hoàng? Dù bà có ít học chăng nữa, nhưng cũng không thể gọi bà là đồ vô học. Dù nết na của bà không được đầy đặn mấy (như lời đồn) chăng nữa, thì Trần Nghi Hoàng cũng không nên chữi bà là thứ vô liêm sĩ.

Bà Bích Ti,

Chồng bà, Trần Nghi Hoàng, ngoài cái tài chữi vợ mình trước mặt người khác, hắn còn cái tài khác mà bà nhìn chưa ra. Ðó là đụng ai hắn cũng chữi. Hắn tạo tên tuổi bằng cách chụp mũ và chữi người khác. Ðây là cái bản tính du côn cố hữu, có từ trong máu. Chính vì cá tánh lưu manh và hợm hĩnh của mình, mà TNH bị cô lập. Nhưng thực ra, hắn tự cô lập lấy mình rồi hô hoán rằng: Tôi bị cô lập!!!

Tôi nghĩ, viết lách không phải để mà chơi, để mà. dẫm nát cuộc đời như bà đã viết! Người biết cầm cây bút phải có lương tâm. Ðiều căn bản là phải biết xây dựng cuộc đời, chứ không phải để Dẫm nát cuộc đời, thưa bà.

Cũng xin cho bà hay rằng: người biết tôi nhiều nhất không phải vợ chồng bà, dĩ nhiên, mà là thầy giáo cũ của tôi, hiện đang cư ngụ trong vùng của bà. Thầy tôi chưa muốn lên tiếng vì thấy vợ chồng bà tuổi tác cộng lại cũng gần một thế kỷ nhưng non dạ quá. Chỉ cho bà hiểu vậy thôi.

Nếu viết đến những dòng chữ này mà bà còn hoài nghi thiện tâm của tôi thì đêm nay, khi nằm bên Trần nghi Hoàng, bà hãy hỏi nhỏ hắn rằng: Anh và Ðoàn Văn Toại đã từng thực hiện những "công tác" gì? (Nếu bà Bích Ti không biết ông Toại là ai, xin bà cho tôi hay, tôi sẽ giải đáp), hoặc: Anh và ông dân biểu quốc hội Cộng Sản N.C.H đã từng bàn bạc và thực hiện những điều chi?

Hy vọng rằng tôi không phải viết một lá thư nào khác gởi bà. Dù chồng bà, Trần Nghi Hoàng nhiều lần bảo rằng bà vô học, nhưng tôi tin rằng: ít ra bà phải cao hơn đó một tí, và hiểu được những chia sẻ này để hành động theo lương tâm và lẽ phải. Tôi chờ xem điều bà sẽ làm có đúng như Trần Nghi Hoàng đã nói hay không?

Chúc bà bình tâm và sáng suốt.

Canada, 25/07/2000
Vũ Ðình Kh.

Nhà bảo trợ của chúng tôi DURAMAX

Trang web được thiết kế bởi MQ Services

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002