Đại Chúng số 56 ngày 18/8/2000

MỘT VẤN ÐỀ NHÂN QUYỀN TRƯỚC NHÀ CẦM QUYỀN CSVN: TẠI SAO PHẢI PHỤC HỒI DANH DỰ CHO PHẠM QUỲNH ?

Ðặng Văn Nhâm

MỘT CÁI CHẾT BỊ BỎ RƠI TRONG QUÊN LÃNG!.

Mùa thu năm ấy đã đánh dấu cuộc khởi nghĩa anh dũng chống xâm lăng của toàn dân Việt từ Nam ra Bắc . Nhưng cũng mùa thu ấy, lịch sử dân tộc còn ghi đậm nét, không thể nào xóa được, nhiều dấu vết đau thương, tang tóc, đáng tiếc đã xảy ra trên quê hương, và đã khiến rất nhiều thường dân vô tội, từ giới bạch đinh, nghèo khổ không hề biết chính trị là gì, đến những nhà trí thức, những danh sĩ giàu tâm huyết đối với tiền đồ đất nước, đã bị đổ máu một cách vô cùng oan uổng, với tội danh hết sức mơ hồ" VIỆT GIAN"!

Trong số, tiêu biểu đáng kể nhất, vì ngậm ngùi oan khuất nhất, là cái chết cực kỳ đau thương và đen tối của học giả Phạm Quỳnh.

Cách nay không lâu, nhà báo lão thành Mạc Kinh Trần Thế Xương , nguyên chủ nhiệm nhật báo Dân Chúng thời đệ nhất CH ở miền Nam, đã viết:" Chúng tôi xin chọn lấy một, và nêu tên người văn nhân xấu số ấy không ai khác hơn là nhà học giả Phạm Quỳnh !

Ông đã bị chính quyền Việt Minh bắt vào mùa thu 1945, dùng xẻng cuốc đập nứt sọ và giữa phút hấp hối ngắc ngoải, hình hài ông bị đạp xuống đáy huyệt giao thông hào nơi khu rừng Hắc Thú thuộc tỉnh Quảng Trị. Cũng bị hành quyết đồng giờ đồng ngày với Phạm quân còn có thêm cựu thượng thư triều đình Huế Ngô Ðình Khôi (bào huynh cố TT Ngô Ðình Diệm) và người trưởng nam là ông Ngô Ðình Huân.

Vụ thảm sát kinh hồn kia được đặt dưới sự giám sát của Tố Hữu, đại diện" cách mạng", đại diện đảng CSVN, đứng thi hành bản án- một bản án có một không hai trên cõi trần gian này. Và ngày sầu thảm ghê gớm ấy được ghi nhận:" mồng 7, tháng 9 d.l.1945"!

Phải đợi đến 11 năm sau, 1956, sau khi đất nước bị chia cắt và phong trào CS tập kết từ bên này vĩ tuyến 17 kéo về Bắc diễn ra rồi thì trong số tiểu đội " giải phóng quân" đất Thần Kinh ngày trước nhúng tay vào máu đã có kẻ động tâm vì ăn năn hối hận, vì lương tâm cắn rứt nên sự việc thê thảm động trời xanh kia mới hé lộ ra! Và nhờ thế, hai gia tộc Phạm và Ngô Ðình mới có cái may được bí mật chỉ dẫn tìm về cánh rừng huyết lệ năm xưa để thu thập 3 hài cốt ruột thịt, đem cải táng!

Riêng với trường hợp Phạm Quân, chiếc kính cận ngày xưa ông đeo hàng ngày, nay gẫy gọng, nhưng đã thành bảo vật vô giá đối với thân nhân huyết thống vì nhờ nó, các người con đã dễ dàng nhận ra hài cốt của ông cha nơi nấm mồ vô chủ bị san bằng..."( trích"Nỗi oan khiên của học giả Phạm Quỳnh", trang 69, tạp chí Hải Ngoại Nhân Văn, số 13, tháng 12.98).

Bây giờ, khi bài này đến mắt độc giả khắp nơi , trong nước lẫn hải ngoại, thì tiết trời Âu cũng đã vào thu. Mùa thu năm 2000. Như thế tức là 55 lần lá rừng Hắc Thú đã đổi màu. Năm mươi lăm năm, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua. Năm mươi lăm năm ấy so với cuộc đời phù du của kiếp nhân sinh thì dài. Nhưng nếu đem đọ với chiều sâu giằng dặc của lịch sử dân tộc , kể từ ngày tổ tiên dòng dõi Lạc Việt khai quốc lập dân cho đến nay, thì chẳng thấm thía gì. Nhưng dù cho khoảng thời gian đã trôi qua, dẫu ngắn hay dài, thì vụ án thảm sát học giả Phạm Quỳnh vẫn còn luôn luôn trơ trơ bất biến trên trang sử đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và sẽ hiện hữu mãi mãi trong văn học sử của dòng giống Việt. Bụi thời gian, tuy có thể phủ lên tầng tầng lớp lớp, nhưng vẫn không sao xóa bỏ được vụ án thương tâm, đầy nghi vấn oan khiên này.

Nơi đây, không oán trách ai, không cả qui kết trách nhiệm cho một người nào, chúng ta biết rằng khởi đầu cuộc cách mạng hỗn loạn nào mà không có những sai lầm đáng tiếc xảy ra, khiến cho những giọt máu của người dân vô tội phải đổ, để tô điểm cho cuộc cách mạng thêm vẻ bi ai, hùng tráng. Nhưng chúng ta vẫn không thể chẳng phàn nàn về thái độ dửng dưng, im lặng sau đó của các giới thẩm quyền VN trên cả hai miền Nam / Bắc. Suốt 30 năm qua, từ 1945 cho đến 1975, ở Việt Nam, kể từ quốc trưởng Bảo Ðại đến các chánh phủ Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Phan Long, Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm, Bửu Lộc, rồi đến Ngô Ðình Diệm...đã chẳng một ai đoái hoài đến cái chết bi thương đầy oan khuất của học giả Phạm Quỳnh.

Riêng đối với thành phần tướng lãnh đã từng thay phiên nhau lên cầm quyền ở miền Nam, từ 1963 đến 1975, như: Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Trần Thiện Khiêm... chúng ta không bao giờ đặt một kỳ vọng nào nơi những người võ biền thô thiển ấy. Nhưng chúng ta vẫn không khỏi ngạc nhiên khi thấy hầu như toàn thể văn giới miền Nam, lẫn những nhà trí thức khoa bảng đã từng có thời tham dự chính quyền, vẫn không hề nhắc nhở gì đến vụ án Phạm Quỳnh. Một sự im lặng mang nhiều ý nghĩa xấu xa, kỳ quặc!

Trong 30 năm trời dài lê thê đó, nếu một Bảo Ðại hay Ngô Ðình Diệm, hoặc bất cứ một nhân vật nào khác trong chính quyền miền Nam đã khởi xướng lên vụ "minh oan cho học giả Phạm Quỳnh" thì chắc vong linh của người quá cố cũng đã được mỉm cười nơi chín suối. Như thế, nay chúng ta đâu phải làm lại việc ấy một lần nữa!

Còn về phần người CSVN, tại sao nơi đây chúng ta không vội đề cập đến ?

Chúng ta thừa hiểu, trong khoảng thời gian từ 1945 đến 1975, người CSVN đang bị lâm vào tình thế quân sự vô cùng khó khăn, và tình hình chính trị cực kỳ tế nhị. Hằng ngày người CSVN đang phải lo vơ vét các tầng lớp thanh niên, đem vào nướng trong chiến dịch"sinh Bắc, tử Nam", làm sao còn có thể nghĩ được đến sự minh oan cho học giả Phạm Quỳnh, mặc dù chính họ là phạm nhân đã gây nên sự đổ máu đáng tiếc đó? Chúng ta thông cảm!

Nhưng còn khoảng thời gian từ 1975 đến nay(2000), thời gian đã trôi thêm 25 năm nữa, thì sao? Các nhà cầm quyền CSVN vẫn làm lơ, không hề nhắc đến vụ án đó một lời nào. Thái độ này, chính bây giờ là lúc chúng ta phải bàn đến, và phải đặt vấn đề trực tiếp trước trách nhiệm lịch sử của các giới cầm quyền VN, và trước lương tâm của các giới hoạt động văn hóa trong nước lẫn hải ngoại.

Sau ngày 30.4.75, đất nước VN đã thống nhất, cuộc chiến cốt nhục tương tàn đã chấm dứt. Ðến năm 1986, noi gương lãnh tụ Liên Sô Michail Gorbatchev, các nhà cầm quyền cao cấp VN đã hô hào" cởi trói" và phát động phong trào" đổi mới". Lúc bấy giờ bất chợt không khí sinh hoạt văn hóa bỗng như bừng tỉnh dậy sau một giấc ngủ dài nặng nề bằng chất ma túy. Người ta đã thấy xuất hiện trên văn đàn những Dương Thu Hương, Nguyễn Mạnh Bảo, Nguyễn Huy Thiệp v.v...Ai cũng hy vọng phong trào "cởi trói" đó sẽ dẫn đến một hành vi tối thiểu - song không thể thiếu !- của nhà cầm quyền văn hóa cao cấp miền Bắc là: Phục hồi danh dự cho học giả Phạm Quỳnh, một thiên tài văn học, đã đóng góp công lao rất lớn cho nền quốc học buổi phôi thai. Chẳng khác nào như hành vi của các giới cầm quyền Liên Sô thời Nikita Khrouchtchev, thời Michail Gorbatchev và thời Boris Yeltsin, đã phục hồi danh dự cho các nhà văn Nga Sô đã từng bị Stalin thảm sát cả hai cha con như Maxime Gorky, cùng với những nhà văn, đã bị chế độ đày đọa, đối xử bất công như: Boris Pasternak, Alexandr Soljenitsyne, Evgueni Evtouchenko... và khoa học gia Sakharov, cha đẻ bom H của Nga...

Thậm chí đến như những tên đồ tể Căm Bu Chia, Khiêu Sam Phan, Ieng Sary, Nuon Chea...sau ngày tổng tuyển cử 26. 7. 98 không bao lâu đã về Nam Vang cộng tác với Hun Sen, còn biết công khai nhắn gửi qua báo chí lời xin lỗi, rất đáng tiếc, đã từng nhúng tay vào máu của trên 3 triệu đồng bào vô tội :" Je suis désolé...Très désolé!..."

Trong khi đó, thực không ngờ, các nhà lãnh đạo CSVN đã từng chủ trương xua quân qua Cam Bu Chia dưới chiêu bài" thế thiên hành đạo", diệt trừ quân CS Khmer Ðỏ dã man, đã cam tâm thực hiện chính sách diệt chủng phi nhân với chính đồng bào ruột thịt của mình, ngay trên quê hương của mình, lại chẳng thốt được một lời nào như Khieu Sam Phan !

Ðáng buồn thay! mãi cho đến nay một phần tư thế kỷ đã trôi qua, đất nước đã thống nhất và hòa bình. Kẻ có công, người có tội với "cách mạng" đã được khu xử tương đối ổn thỏa phần nào. Nhưng còn vụ thảm sát học giả Phạm Quỳnh, năm 1945, đến nay tại sao vẫn còn bị bao trùm trong vòng bí mật?

Có gì lấn cấn trong đường lối chính trị của đảng, của nhà nước VN chăng? Dù sao, như trên đã nói, toàn bộ vụ án này đã đi vào lịch sử. Người làm văn học VN trong nước cũng như hải ngoại phải ý thức rằng : Mỗi bước tới trên con đường đời vô tận là mọi cảnh trí đều thay đổi, tâm hồn con người cũng thay đổi theo ngoại cảnh. Bây giờ ta nêu vấn đề này lên, không phải vì người xưa, càng không phải vì chuyện ân oán, đối nghịch chính trị đã qua, mà chỉ vì cái ước vọng soi đường cho hậu thế. Nay đặt vấn đề Phạm Quỳnh, ta mong rằng, trong tương lai, lịch sử dân tộc VN sẽ không còn dấu vết của bất kỳ một vụ án sát nhân nào dã man, vô tội vạ tới mức chẳng có điều tra thâm cứu, chẳng luận bàn, chí đến chẳng có cả sự công bố quang minh bản án ghi vắn tắt tội trạng. Như thế, tức thị ta nhắc nhở, kêu gọi, dặn dò các thế hệ tiếp nối sẽ không nên quá hèn, quá khiếp nhược, chịu nuốt nhục cúi đầu trước cường lực, để cho những kẻ lãnh đạo lạm quyền " giết người rồi lờ đi như không có gì xảy ra bao giờ!"

TẠI SAO PHẠM QUỲNH ÐÃ BỊ THẢM SÁT?

Nhắm mục tiêu đó, nay chúng ta có bổn phận phải đặt thẳng vấn đề " làm sáng tỏ vụ án Phạm Quỳnh" với nhà đương quyền VN, gồm các nhân vật lãnh đạo cao nhất nước: Ðỗ Mười, Lê Khả Phiêu, và Phan Văn Khải, trước công luận VN và lương tâm những nhà trí thức, hoạt động văn hóa và bảo vệ nhân quyền của nhân loại trên thế giới.

Câu hỏi đầu tiên, hoàn toàn vô tư, dành cho các cấp lãnh tụ cao nhất nước kể trên:" Học giả Phạm Quỳnh đã bị Việt Minh thảm sát ngày 7. 9.1945, vì tội gì?"

Xét trong quá trình hoạt động của Phạm Quỳnh từ khi vào đời (xin đừng hiểu là ngày sanh 17. 12. 1892) cho đến ngày vĩnh viễn lìa đời ( 1908-1945), ta có thể tóm gọn trong hai hoạt động: Văn học và chính trị. Vậy, cái chết thảm của Phạm Quỳnh không thể ngoài hai nguyên cớ chánh trị hay văn học.

- VĂN HỌC.- Trước hết, không một ai, kể cả những người đã từng trực tiếp hay gián tiếp nhúng tay vào máu của cụ Phạm, mùa thu năm 45, có thể dùng bất cứ một bằng chứng nào để phản bác công lao vĩ đại của học giả Phạm Quỳnh.

Về văn học, xin mạn phép được kể vắn tắt vài điểm đặc biệt. Nên nhớ lúc bấy giờ đang là buổi giao thời giữa hai luồng Nho học( Tàu) và Tây học (Pháp). Từ ngàn xưa người VN chỉ có tiếng nói mà không có văn tự. Mãi cho đến khi người Pháp đô hộ, người VN mới được các nhà truyền giáo Gia Tô giúp phát minh chữ quốc ngữ. Thời cụ Phạm là lúc chữ quốc ngữ mới phôi thai, rất thô thiển và còn nhiều khiếm khuyết. Với tạp chí Nam Phong (1907-1932), cụ Phạm đã dày công kêu gọi, khuyến khích người VN nên cố gắng bảo tồn và phát huy ngôn ngữ, văn tự Việt.Cụ nói: "Tiếng nói là yếu tố quan trọng nhất trong thành phần một dân tộc và một quốc gia. Vì vậy, nên thời nào cũng thế, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có tiếng nói của mình; có những dân tộc, những quốc gia đã mất lãnh thổ , mất tư cách quốc gia, nhưng vẫn giữ được tiếng nói, nên họ không bị tiêu diệt..."

Từ đó cụ Phạm kích thích việc trau dồi, phát triển môn văn xuôi. Tại sao cụ lại sáng suốt kêu gọi như vậy? Bởi từ thế kỷ thứ XI, giới sĩ phu Nho học VN đã thấm nhiễm sâu xa cái học chế hủ lậu của Tàu, vốn chỉ chuộng "thi phú"(văn vần) mà ruồng rẫy "tản văn"(văn xuôi). Trong xã hội phong kiến chỉ có những người làm thơ hay mới hy vọng chiếm được bảng vàng, danh đề bảng hổ, mới mong có được vợ đẹp, con khôn"Thi trung hữu nữ nhan như ngọc, thi trung tuấn vũ, diêu tường" (trong thi có người con gái đẹp như ngọc, trong thi có nhà cao cửa rộng). Ngược lại, rất hiếm thấy người viết văn xuôi.Ngoại trừ kiệt tác " Bình Ngô Ðại Cáo" của Hưng Ðạo Ðại Vương... Vả chăng trong nền văn học Trung Quốc từ thời cổ xưa đến năm 1911,vốn phát sinh hai loại: "văn ngôn"(gồm những thứ chữ không dùng để nói, chỉ dùng trong kinh,sử và thi phú, sau này còn gọi là "cổ văn" ) và " bạch thoại"(tiếng nói trắng, nghĩa là nghĩ sao nói vậy, viết vậy, rất phổ thông trong dân gian, nhưng không được dùng trong lãnh vực văn chương, thi phú và khoa cử, hay chốn cung đình). Ðây , ta hãy nghe cụ Phạm kêu gọi:"Gây dựng tổ chức lấy một cái tản văn thích hợp với đời nay, vừa có cốt cách An Nam mà vừa có thể cách tân thời đủ dùng để diễn được cái tư tưởng mới, đó là cái cấp vụ hiện nay mà là cái bước đường thứ nhất trong việc gây dựng một nền quốc học sau này...Nhà viết văn mà lo cho nước nhà không có cách nào khác hơn là giúp cho nước nhà có một tiếng nói đoan trang... Văn quốc ngữ có phát đạt thì nền quốc học mới gây dựng được, mối tư tưởng mới mở mang được thì quốc dân ta mới không đến nỗi chung kiếp đi học mướn viết nhờ như từ xưa đến nay vậy!...Bởi vậy mà ngày nay người nào chịu tập văn nôm là một việc công đức, người nào chịu xem văn nôm là một việc nghĩa vụ vậy. Công đức ấy, nghĩa vụ ấy, người có lòng dạ với nước, há lại chẳng vui vẻ mà làm dư?!.. Báo Nam Phong từ khi mới ra đời đến giờ vẫn theo đuổi một mục đích đó: Gây lấy một cái tản văn An Nam để vừa làm cơ quan vừa làm cơ sở cho quốc học sau này; vì chúng tôi vẫn đinh ninh từ xưa đến nay rằng không có quốc văn thì không sao có quốc học được; không có quốc học thì không sao có độc lập về tinh thần được..."

Mặt khác, cụ Phạm còn tạo nên một phong trào thi đua dịch sách ngoại ngữ, cả tiếng Tàu và tiếng Tây.Chính cụ Phạm cũng đích thân tham gia đóng góp công lớn trong việc phiên dịch, và phân tách các tác phẩm đặc sắc của các văn hào lừng danh Pháp quốc như: Guy de Maupassant, Alfred de Vigny, Paul Bourget, Henri Bordeaux...và những vần thơ tuyệt mỹ của Baudelaire, Ronsard, Lamartine, Verlaine...Cụ Phạm lại còn nghiên cứu và dẫn giải cả kỹ thuật sáng tác kịch bản của Corneille, Molière, và Racine v.v...Từ đó văn giới VN mới có người lĩnh hội được thế nào là "coup de théâtre"( tạm dịch: đột biến sân khấu), và thế nào là " règle de trois unités"( phép ba yếu tố ) trong kịch nghệ.

Mặt khác, cụ Phạm còn ra công nghiên cứu và du nhập các lý thuyết của Montesquieu, Voltaire, J.J. Rousseau ...các triết lý của Descartes, Auguste Comte, Gergson, Carlton...Cụ Phạm cũng không quên dạy cho dân VN biết " túi khôn của Tây phương" qua những lời nói khuôn vàng thước ngọc của Épictète, Barrès, Lebon, Maurras và Lafontaine v.v...Tóm lại, trong lãnh vực văn học, chúng ta có thể khẳng định mà không chút lo ngại sai lầm gì Phạm Quỳnh là một nhân vật đã đóng góp công lao vĩ đại cho nên quốc học dân tộc. Như thế, năm 1945, chắc chắn người CSVN đã không thủ tiêu Phạm Quỳnh cách âm thầm như đã biết vì lý do văn học.

- CHÍNH TRỊ.- Vậy, chỉ còn lại độc nhất lý do chính trị. Ngay trước khi cuộc cách mạng mùa thu 45 bùng nổ, trong dư luận đã phao truyền: Phạm Quỳnh cộng tác với Tây, chủ trương xây dựng thể chế " quân chủ lập hiến" cho một nước VN,và làm thượng thư (tương đương chức thủ tướng) dưới triều Bảo Ðại. Sự kiện này đã hiển nhiên quá đỗi chẳng khác nào như mặt trời giữa trưa nắng mùa hạ. Thiết tưởng không cần biện bạch dài dòng. Nhưng, trong phạm vi này, một câu hỏi phải nghiêm túc đặt ra cho dư luận được sáng tỏ, và nỗi ƯNG / OAN của Phạm Quỳnh phải được minh định dứt khoát, không còn lởn vởn một nghi ngờ phảng phất nào nữa: "Các hành động cộng tác với Tây, chủ trương " quân chủ lập hiến" của Phạm Quỳnh có phải là tội phản quốc, phản cách mạng, chống lại cuộc kháng chiến dành độc lập cho dân tộc không?"

Theo tôi, căn cứ trên sử liệu đành rành, đã phổ biến khắp nơi trong nước lẫn hải ngoại, từ 1945 đến nay(2000), người VN có học nào cũng biết: Trong thời kỳ niên thiếu , Phạm Quỳnh đã tham gia phong trào" Ðông Kinh Nghĩa Thục", bị mật thám Tây bắt giam (1908). Sau đó người thiếu niên yêu nước họ Phạm được tha, vì chưa đủ tuổi thành niên.Trong toàn bộ báo Nam Phong ( 1907-1932) không hề đăng một bài báo nào bị hiểu lầm ngụ ý " đánh phá cách mạng, cản trở cuộc kháng chiến chống Pháp của toàn dân".

Trong suốt thời kỳ làm quan ở Huế, Thượng Thư Phạm Quỳnh cũng không hề ra lịnh bắt giam, hay tra tấn bất cứ một phạm nhân nào, dù là thường phạm, chứ đừng nói gì đến việc sát hại những người yêu nước...

Nếu đã không thể cột buộc Phạm Quỳnh vào những tội " Việt Gian" tày đình đó, thì chỉ còn lại vấn đề bất đồng chính kiến: Cộng tác với Tây và làm việc cho Bảo Ðại.

Ðể cho đáo lý, cận nhân tình, chúng ta lại phải chịu khó phân tách riêng biệt từng trường hợp.

- CỘNG TÁC VỚI TÂY.- Phạm Quỳnh bị kết án "cộng tác với Tây", vậy Hồ Chí Minh có bao giờ cộng tác với Mỹ với Tây, hay với cả Tàu không? Ðây, những điều mà sử sách còn ghi:

- Khoảng hạ tuần tháng 8.1945, đại quân Trung Hoa Quốc Dân Ðảng gồm 2 binh đoàn chính quy, dưới quyền chỉ huy của tướng Lư Hán, vượt biên giới vào Bắc VN để giải giới quân đội Nhật, khiến các nhà lãnh đảo VM lo sợ, phải vội vàng tuyên bố giải tán đảng CS Ðông Dương, ngày 11.11.1945. Ðồng thời mở các cuộc lạc quyên" tuần lễ vàng,tuần lễ bạc" thâu góp tiền bạc của nhân dân đem cúng - kèm thêm cả gái đẹp ! - cho các tướng Tàu Lư Hán, Tiêu Văn...

- Cùng thời gian với quân Tàu ngoài Bắc, trước khi lực lượng Anh-Ấn của tướng Douglas D. Gracey đổ bộ vào miền Nam, các tù binh đồng minh Anh-Mỹ đã được "Ủy Ban Nhân Dân Nam Bộ" chiêu đãi o bế tận tình. Cán bộ VM trong Nam tổ chức những nơi khiêu vũ (hình thức thỏa mãn nhu cầu sinh lý trá hình), những hàng ăn dành riêng cho tù binh đồng minh. Tù binh được tha hồ nhảy nhót tưng bừng, uống rượu mạnh, ăn bánh ngọt miễn phí...Bồi bàn hầu hết đều là các sinh viên giả trang, để tuyên truyền, chiêu dụ...

- Trong khi quân Pháp đã đánh chiếm lại miền Nam, ngày 16.2.1946, chủ tịch Hồ Chí Minh đi gặp Sainteny để chấp nhận nguyên tắc điều đình với Pháp. Ba ngày sau, 19.2.46, Sainteny trở lại gặp Hồ Chí Minh nêu vấn đề hợp tác Việt- Pháp cùng sự đổ bộ của Pháp lên Bắc VN.

- Ngày 6.3. 1946, Hồ Chí Minh ký với Sainteny hiệp định sơ bộ (để đánh lạc hướng dư luận quần chúng đang trong cơn hoang mang cực độ, CSVM đã dùng danh từ "modus vivendi" cho có vẻ..." bí hiểm". Thực ra nó chỉ là: Accords préliminaires!). Với hiệp định này, VM đã dành mọi sự dễ dàng cho cho quân đội Pháp đổ bộ lên phía trên vĩ tuyến 16, khiến dân chúng toàn quốc sôi sục bất mãn, cho rằng VM đã rước Tây trở lại! Vì thế chiều ngày 7.3.46, Võ Nguyên Giáp phải thay mặt chính phủ VM, ra giải thích trước quần chúng đang tụ tập đông đảo trong một cuộc mít tinh ở Hà Nội.

Ngày 22.3.46, quân đội Pháp điểm binh trước Cột Cờ Hà Nội, Võ Nguyên Giáp thay mặt cho chính phủ VM tới dự. Ngày 24.3.46, Hồ Chí Minh ra vịnh Hạ Long gặp Ðô Ðốc D?Argenlieu của Pháp. Ngày 28.5.46, chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn chính phủ VM gồm 12 thành viêncùng kéo nhau sang Paris, để họp hội nghị Fontainebleau, khai diễn vào tháng 7 năm đó... Kể ra còn nhiều, nhưng chỉ xin tóm lược vài việc chính yếu đó thôi.

- HỢP TÁC VỚI BẢO ÐẠI.- Nếu Phạm Quỳnh bị thủ tiêu vì lý do đã hợp tác với Bảo Ðại, thử hỏi Hồ Chí Minh và các đồng chí thân cận của ông lúc bấy giờ có hợp tác với Bảo Ðại không? Ðây là những sự kiện rất cụ thể mà sử sách vẫn còn ghi:

- Ngày 2.3.46, chánh phủ liên hiệp kháng chiến, do Hồ Chí Minh làm chủ tịch, gồm : 1 phó chủ tịch và 11 bộ trưởng, ra đời dưới sự " cố vấn tối cao" của Bảo Ðại.

- Ngày 13.11.1946, chính phủ liên hiệp cải tổ, Hồ Chí Minh vẫn làm chủ tịch nhưng kiêm thêm chức bộ trưởng ngoại giao, gồm 10 bộ trưởng, 9 thứ trưởng, và 2 quốc vụ khanh. Lần này, mặc dù Bảo Ðại đã sang tàu, từ tháng 3.46, nhưng vẫn đứng tên" cố vấn tối cao" của chính phủ.

- Ngày 20.7.47, chủ tịch Hồ Chí Minh cải tổ chính phủ, gồm 14 bộ trưởng, và 8 thứ trưởng, nhưng vẫn còn duy trì nguyên vị " cố vấn tối cao" của Bảo Ðại...

Tóm lại, căn cứ trên những sự kiện sơ lược nêu trên, ta nhận thấy trong thời gian từ 1945 đến 1947, chẳng những một mình Hồ Chí Minh , mà tòan bộ nhân vật đầu não của VM , đều đã hợp tác rất lâu dài và thắm thiết với cả Pháp lẫn Bảo Ðại. Nhưng ta vẫn không nông nổi, vội hồ đồ kết án người CSVM. Bởi chúng ta thừa hiểu hoàn cảnh bất đắc dĩ của người CSVM trong thời kỳ khó khăn ấy, tứ đầu thọ địch, nên họ bắt buộc phải chọn kế sách giai đoạn "ngộ biến tùng quyền". Cùng một nhãn quan chính trị đó, ta ném con mắt nhìn sang hoàn cảnh cô đơn của học giả Phạm Quỳnh, mà lòng ta không khỏi bồi hồi thương cảm. Trước Hồ Chí Minh một bước, họ Phạm đã bất đắc dĩ phải cộng tác với Pháp và chấp nhận vào Huế làm quan cho Bảo Ðại, giữa một bầu không khí ghen tương, đố kỵ nặng nề, chẳng qua cũng chỉ là một kế sách giai đoạn" mượn đò qua sông" để thực hiện hoài bão đưa đất nước và dân tộc thoát khỏi vòng nô lệ cách nhẹ nhàng, êm đẹp, mà nhân dân không phải tốn hao nhiều xương máu trong khói lửa chiến tranh tàn bạo, kéo dài đến trên 30 năm mới dứt.

Như vậy, trong cuộc chiến đấu dành độc lập cho dân tộc, nếu phải giết một người nào về tội "VIỆT GIAN"(danh từ của VMCS thời 45), cộng tác với Tây và làm việc với Bảo Ðại trong giai đoạn khởi đầu, thì người đó chính là ai kia, chứ không phải Phạm Quỳnh !

PHỤC HỒI DANH DỰ CHO PHẠM QUỲNH.

Như trên đã trình bày, chẳng qua Phạm Quỳnh chỉ là nạn nhân của một chế độ trong buổi giao thời hỗn loạn. Nhưng cái chết này không như bao nhiêu cái chết khác.Học giả Phạm Quỳnh bị giết đã gây thiệt thòi cho nền văn học VN không phải nhỏ. Chẳng khác nào cái chết tưc?tưởi, mờ ám của hai cha con nhà đại văn hào Maxime Gorki (*) (thời Stalin), cùng với những hành động áp bức, khống chế, nhục mạ, đày đọa các nhà văn Boris Pasternak(*) ( tác giả danh phẩm Dr. Zhivago, giải Nobel văn chương), Alexandr Soljenitsyn (*) (tác giả các danh phẩm:" Một ngày của Ivan Denissovitch"- giải Nobel-, và " quần đảo ngục tù/ Archipel du Goulag"), nhà thơ Evgueni Evtouchenko(*), nhà thơ Rojdevstevenski(*), nhà văn Doudintsev(*), sử gia Andre Amalrik(*), nhà văn Alexandre Zinoviev(*), và khoa học gia Andrei Sakharov(*) (cha đẻ bom H của Nga) v.v...

Tuy cùng theo đuổi một chủ nghĩa giáo điều Cộng Sản, nhưng tùy tình trạng dân trí mỗi nước - trong đó bao gồm luôn cả trình độ kiến thức của giới lãnh đạo - mà lề lối cai trị và cung cách đãi ngộ giới văn học khác nhau. Thí dụ như : Nga, Tàu,Việt Nam và Căm Bu Chia...

Bọn Khmer Ðỏ sau khi đã vùi dập, tàn sát trên 3 triệu đồng bào ruột thịt vô tội, gây chấn động khủng khiếp lương tâm nhân loại, đến khoảng đầu năm 1999, một lãnh tụ là Khieu Sam Phan khi về thủ đô Nam Vang tiếp xúc với thủ tướng Hun Sen đã thốt lời đáng tiếc hững hờ: "Je suis désolé..., très désolé!". Mỉa mai thay cho số kiếp trên 3 triệu con người. Nhưng thà vậy còn hơn không một ai nói lời nào cả!

Còn Nga Sô, ngay sau khi Stalin qua đời, nhân kỳ đại hội đảng lần thứ XX, ngày 14.2.56, tại Moskva, đảng CS Sô Viết đã đề ra chiến dịch "giải trừ Stalin". Vài tuần sau đó, ngày 6.3.56, đảng CS Nga khởi sự phục hồi danh dự cho các cựu chiến sĩ cách mạng đã từng bị Stalin thanh trừng. Ðến ngày 4.2.1988, đảng CS Nga phục hồi danh dự cho 10 nhân vật trí thức đã bị Stalin sát hại vào tháng 3.1938.Ðến ngày 13.8.1990 nhà cầm quyền Nga Sô đã phục hồi danh dự cho tất cả các nạn nhân đã bị CS Sô Viết sát hại suốt trong hai thập niên từ 1920 đến 1930, dưới thời Stalin cai trị.

Nhưng đặc biệt đáng kể nhất là vụ phục hồi danh dự cho gia đình hoàng gia Nga, gồm Nicolai Ðệ Nhị, hoàng hậu Alexandra Féodorovna, và thân tộc... Hôm ấy là ngày 17. 7. 1998, tức là 80 năm sau vụ thảm sát những nhân vật cuối cùng của hoàng gia, trong một cuộc thánh lễ trọng thể theo nghi thức tôn giáo cổ truyền, thi hài của Sa Hoàng Nicolai II và hoàng hậu Alexandra Féodorovna, đã được cung kính mai táng dưới hầm mộ của Thánh đường Saint Pierre và Paul ở Petersbourg, trong lăng tẩm của triều đại Romanov, kể từ thời Sa Hoàng Pierre Ðại Ðế ( Pierre le Grand). Các công chúa và hoàng tử cùng với những thân nhân khác đã bị tàn sát cùng một lúc dưới căn hầm trong ngôi nhà của Ipatiev ở Iekaterinbourg cũng đã được tẩn liệm kề bên, gồm: ba Công Chúa Tatiana, Olga và Anastasia, viên y sĩ riêng của hoàng gia Evgueni Botkine, người đầu bếp Ivan Kharitonov, bồi phòng Anna Denidova, và nhân viên tạp dịch Alois Trupp. Tuy nhiên còn thiếu thi hài của hai nhân vật hoàng gia nữa là: Hoàng Tử Alexis và Công Chúa Maria, vì thi hài của họ đã không tìm thấy trong cuộc khai quật chính thức năm 1979.

Cuộc cải táng long trọng này là một cuộc lễ đánh dấu cho sự " chuộc tội"( Pokoyaniyé) và " hòa giải"( Soglassiyé). Hai danh từ ấy xuất xứ do nguồn gốc thần học" Chính Thống giáo " của Nga( Orthodoxe). Riêng đối với dân tộc Nga, và các giới trí thức, văn học Nga, người ta còn coi buổi lễ phục hồi danh dự cho gia đình hoàng gia trong "vụ án thảm sát Iekaterinbourg" như là một hành động phục hồi danh dự cho tất cả những nạn nhân vô danh đã bị giết hại dưới hai chế độ " Leninisme" và " Stalinisme", để tiến tới mục tiêu hòa hợp, hòa giải có tính cách kế tục của dân tộc Nga.

Nay, trước tấm gương " PHỤC HỒI DANH DỰ " cho gia đình hoàng gia Nga, cùng với các nhà văn, nhà thơ, khoa học gia Nga... của các nhà cầm quyền Sô Viết như kể trên, chúng ta mong ước sao các nhà chức trách đương quyền ở VN cùng với bộ Văn Hóa và Hội Nhà Văn VN nên cứu xét lại vụ án Phạm Quỳnh cùng với một vài vụ án oan khuất khác , trong đó có cả Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh, Hồ Văn Ngà, Dương Văn Giáo, Bùi Quang Chiêu, Huỳnh Phú Sổ v.v...để sớm phục hồi danh dự cho các vị ấy.

Hành động "PHỤC HỒI DANH DỰ" cho Phạm Quỳnh trong lúc này, ngoài ý nghĩa "phục thiện" còn có tính cách "hòa hợp dân tộc".

Bởi xét cho kỹ, trong 30 năm khói lửa, khởi từ cuộc "kháng chiến mùa thu năm 45" đến cuộc "đại thắng mùa xuân năm 75", người CSVN đã hai lần đắc tội với đồng bào dân tộc dưới hai chiêu bài: "VIỆT GIAN" và "MỸ NGỤY".

- Lần thứ nhất, năm 1945, sử dụng chiêu bài "VIỆT GIAN", CSVM đã chém giết bừa bãi rất nhiều thường dân vô tội. Lịch sử còn ghi: Nhiều người đã bị CSVM chặt đầu, mổ bụng chỉ vì trong nhà có vài quyển sách giáo khoa bằng tiếng Pháp, hay quần áo có màu mè sặc sỡ, xanh, đỏ , trắng , vàng v.v...Mặt khác, CSVM cũng chụp cái mũ "VIỆT GIAN" lên đầu cả những kẻ có tư thù, hay những người không cùng một đường lối yêu nước như VM...

- Lần thứ nhì, năm 1975, sau "đại thắng mùa xuân", CSBV đã hồ hỡi, phấn khởi quá mức trước sự phồn thịnh, sung túc của đồng bào miền Nam nên đả sử dụng chiêu bài "DIỆT NGỤY" để thực hiện tất cả những hành động đặc trưng thổ phỉ dã man nhất của hình thái "chiến tranh xâm lăng", gồm: Bắt giam kẻ chiến bại làm tù binh, trấn lột tài vật, cướp đoạt nhà cửa, ruộng đất trên phần đất bị xâm lăng, coi như "chiến lợi phẩm"!

Muốn nhanh chóng cướp đoạt đồng loạt hết sạch tài sản của tòan thể quần chúng chiến bại miền Nam, người CSBV đã tung ra chiến dịch "đánh phá tư sản, mại bản", dùng võ lực cưỡng bách họ đi "vùng kinh tế mới" với hai bàn tay trắng, để cho họ phải chết dần mòn nơi rừng thiêng nước độc, vì bịnh tật,thú dữ v.v...

Ðiều này, đúng 1?9 ngày trước khi cờ của quân "giải phóng miền Nam" và cờ của quân CSBV kéo lên giữa thủ đô Sài Gòn, chính đại văn hào Nga, giải Nobel văn chương, Alexandr Soljenitsyn, đã tiên đoán không sai: "Tout le Vietnam sera transformé en un camp de concentration!". ( ngày 11.4.75).

Xét lịch sử "chiến tranh giải phóng dân tộc", từ cổ chí kim, từ Âu sang Á, chưa bao giờ đã xảy ra một cuộc "giải phóng" nào mà hình ảnh chiến thắng lại cực kỳ tương phản, đẩm máu,và đẫm nước mắt đắng cay của người dân lương thiện được ... "giải phóng" như CSBV đã thực hiện năm 1975.

Trong cuộc "ÐẠI THẮNG MÙA XUÂN" năm ấy, quân "giải phóng" từ miền Bắc kéo vào miền Nam đã lũ lượt, hớn hở cùng nhau chuyển kìn kìn đủ các loại "CHIẾN LỢI PHẨM" từ cái bát, đôi đũa đến chiếc xe đạp, xe gắn máy, cái máy may, chiếc đồng hồ, cái radio, tủ lạnh v.v... là những thứ mà quân "giải phóng miền Bắc" không có, hoặc chưa từng thấy bao giờ , về miền Bắc. Trong khi đó, ngược lại, dân chúng vô tội miền Nam,những kẻ được "giải phóng" lại phải gạt nước mắt, âm thầm lén lút, trút bỏ tài sản, ruộng, vườn, quê cha đất tổ...cho "quân giải phóng", để bồng bế, dắt díu nhau lao đầu ra biển cả, thà làm mồi cho cá và hải tặc , gây nên một làn sóng chấn động khủng khiếp trong lương tâm nhân loại...

Những hành động kể trên đã khắc sâu thêm mối hận thù chia rẽ Bắc/ Nam không bao giờ phai nhạt. Nay, 25 năm đã qua, không còn mấy ai nhắc đến mối hờn "giải phóng dân tộc" đó nữa. Như thế, chẳng phải mọi sự không hay kể trên đã theo thời gian đi vào quên lãng, mà thực ra nó đã đóng khối và chìm sâu trong tâm thức của con người đến truyền tử lưu tôn, đồng thời khắc ghi đậm nét trong lịch sử dân tộc đến vạn đời sau, không ai xóa được.

Vậy, bây giờ vấn đề "PHỤC HỒI DANH DỰ" cho học giả Phạm Quỳnh và các nạn nhân trong các buổi giao thời đã nói trên chẳng qua chỉ là một hành động tượng trưng không thể thiếu, và cũng không còn sớm sủa nữa, nếu không nói là quá trễ!

Ðặng Văn Nhâm

________________________

PHỤ CHÚ:

* M. Gorki: Tên thật là Aleksej Maksimovitj Pesjkov, sanh năm 1868 , mất năm 1936, vì bị Stalin thủ tiêu. Ông trưởng thành trong cảnh nghèo khổ, bần cùng.Ðời sô?ng khốn khổ ấy đã được mô tả đầy đủ trong bộ tự truyện nổi danh gồm 3 thiên, với nhan đề "ÐỜI TÔI" (1914-1923). Ðọc sách ông, người ta thấy tác giả đã thi vị hóa đời sống lang thang đầu đường xó chợ, rày đây mai đó của những kiếp người nghèo khổ trong xã hội Nga thời bấy giờ.Nhưng trong tác phẩm" NGƯỜI MẸ" (1907), đặc tính hiện thực xã hội lại lộ ra rõ nét hơn. Tác phẩm nổi bật nhất của ông là cuốn "QUÁN TRỌ ÐÊM"(1902). Ngoài ra, từ sau cuộc cách mạng 1917, người ta thường thấy ông viết các loại như: phê bình văn học, lý thuyết sáng tác, mà phần lớn đều nhắm mục đích tạo căn bản cho đường lối hiện thực xã hội.

* Boris Pasternak: Gốc thị dân, nhà ở cách thủ đô Moskva chừng 30 CS, thuộc làng Pederelkino, sanh ngày 10.12.1889.Thân sinh làm giám đốc trường Mỹ Thuật Tạo Hình.Mẹ là một nhạc sĩ tài danh. Những danh nhân văn học như: Leon Tolstoi và Scriabine đều là bạn thân của gia đình này. Boris Pasternak vốn thích sáng tác thi văn và soạn nhạc từ thuở nhỏ, và đã từng du học ở Ðức. Nhưng dưới thời Stalin cầm quyền, ông không muốn xuất bản tác phẩm của mình, chỉ nuôi thân bằng công việc dịch thuật. Ông đã dịch Goethe, Shakespeare, Schiller, Rilke...Lời văn của ông lắm khi còn hay hơn cả nguyên tác.

Tác phẩm Dr Zhivago là một tác phẩm không tỏ ý chống CS mà cũng không ủng hộ hoan hô CS. Nhưng người đọc đều cảm thấy thấm thía về chế độ CS. Thoạt tiên Dr.Zhivago không xuất bản được ở Nga, vì đường lối đàn áp văn nghệ sĩ rất khắc nghiệt của Jdanov. Nhưng sau khi Stalin đã chết rồi, tạp chí Znania mới dám trích đăng một vài đoạn vô thưởng vô phạt. Trong khi đó, tạp chí văn học " Novy Mir" (Thế Giới Mới) vẫn không dám đề cập đến một chữ nào.Sau hội nghị đảng lần thứ XX, ngày 14.2.56, B. Pasternak tin rằng thời gian đã thay đổi không khí chính trị, nên không còn thận trọng, sợ sệt như trước nữa, ông trao bản thảo Dr. Zhivago cho một nhà xuất bản Ý, cũng là một đảng viên CS. Nhờ đó mà Dr. Zhivago đã được dịch sang các thứ tiếng: Ý, Pháp, Anh... rồi các nước khác. Nhưng ngược lại, dân Nga vẫn không hay biết gì.

Ðến ngày 23.10.1958, khi Viện Hàn Lâm Văn Học Thụy Ðiển công bố giải Nobel trao cho tác phẩm DR.Zhivago của B. Pasternak, các giới cầm quyền Sô Viết mới giựt mình chưng hửng. Ðảng CS Nga nổi trận lôi đình cho rằng đó là một hành động khiêu khích và thách đố của B. Pasternak, liền tung ra một chiến dịch bôi bẩn B. Pasternak cách cực kỳ dã man, tàn bạo. Ðồng thời cấp tốc ban hành đạo luật cấm chỉ các sáng tác gia không được phép gửi tác phẩm chưa xuất bản ra nước ngoài. Các hội viên trong Hội Nhà Văn Nga, một công cụ của đảng CS Sô Viết, cũng đua nhau túa lên viết bài vu khống, chụp mũ phản quốc và chửi bới, rủa sả B. Pasternak hết lời. Năm ngày sau, 28.10.58, Hội Nhà Văn Nga ban hành quyết định trục xuất B. Pasternak ra khỏi hội. Ngoài ra, Hội Nhà Văn Nga còn kiến nghị yêu cầu nhà cầm quyền trục xuất B. Pasternak ra nước ngoài. Trong bóng tối B. Pasternak còn bị nhà cầm quyền CS Nga dùng cường lực đe dọa , và ngăn trở không cho B. Pasternak qua Thụy Ðiển lãnh giải thưởng...

Vì thế B. Pasternak đã không dám xuất ngoại sống lưu vong, đành chịu nuốt nhục, xin được ở lại trong nước kéo lê cuộc đời tàn tạ trong đói khổ cho đến ngày nhắm mắt lìa đời...Ông chết năm 1960. Mãi đến ngày 28. 5. 87, B. Pasternak mới được nhà nước CS Nga phục hồi danh dự và cho phép lãnh giải " Nobel" văn chương.

 

* A. Soltjenitsyn: Sau khi Stalin chết, từ 1956 đến 1962, guồng máy mật vụ KGB dường như tạm ngủ yên, nhà văn Chostakovich là người trong nhóm chủ trương"Tự Do" vùng lên chống lại hành động áp bức của tay đồ tể văn nghệ Jdanov. Ðồng thời nhà văn Pomerantsev viết trên tạp chí Novy Mir ( Thế Giới Mới) minh xác công khai: "Sự trung thực là yếu tố chính của tài năng". Cũng trên tạp chí Novy Mir, nhà văn Vladimir Doudintsev còn viết một truyện lý thú nhằm đòi hỏi tự do tư tưởng với nhan đề" Con người không chỉ sống bằng bánh mì!".

Trong tập kỷ yếu văn học "Moskva Literatur" nhà văn Pogodin đã lên tiếng bác bỏ quyền " săn sóc cả đến đời tư" của đảng CS Nga đối với đoàn viên. Cũng trong tập kỷ yếu văn học này, nhà thơ Rojdevstvenski cũng viết bài ám chỉ" Một sinh vật khủng khiếp( hiển nhiên ám chỉ Stalin) đã qui phục thiên hạ dưới quyền lực độc đoán của hắn".

Từ đó, trong văn giới Nga ngấm ngầm nổi lên phong trào đấu tranh cho tự do tư tưởng. Nhưng mạnh mẽ nhất kể từ khoảng giữa năm 1962. Khởi đầu, ngày 21.10.62, báo Pravda đăng một bài thơ chống Stalin của Evgueni Evtouchenko, tựa đề " Những kẻ thừa kế Stalin".Vài hôm sau, tạp chí Novy Mir bắt đầu đăng truyện " Một ngày của Ivan Denissovitch" của Alexandr Soltjenitsyn, một nhà văn chưa ai biết đến tên tuổi bao giờ. Sự xuất hiện và nổi tiếng nhanh chóng của A. Soljenitsyn chẳng khác nào chuyện thần thoại hoang đường. Ðến năm 1963, ông khởi sự viết quyển" Quần đảo ngục tù Goulag" và mãi 5 năm sau mới hoàn tất. Thoạt tiên, A. Soljenitsyn không tỏ ra chống chính quyền CS Nga, vì ông đã được bao che bởi cây dù Nikita Khrouchtchev, người kế vị Stalin.

Ðến ngày 15.10.65, khi nhà văn Mikhail Cholokov đoạt được giải văn chương Nobel,rồi đến ngày 14.2.66, hai nhà văn Andre Siniavski và Youli Daniel bị xử tù 7 năm với 5 năm lưu đày, thì A. Soljenitsyn mới bắt đầu chuyển hướng, dấn thân vào con đường chông gai chống chính quyền CS. Năm 1969, ông bị trục xuất khỏi Hội Nhà Văn Nga, đồng thời bị truất quyền cư ngụ ở Moskva. Từ đó ông phải tạm trú ẩn dật trong căn nhà nhỏ của nhạc sĩ vĩ cầm Rostropovich trong ngôi làng nhỏ bé hẻo lánh Joukovka.

Ngày 16.5.67, nhân đại hội kỳ 4 của Hội Nhà Văn Nga (HNV), ông viết thơ cho Hội phản kháng chế độ kiểm duyệt.

Ngày 8.10.1971, A. Soljenitsyn được Hàn Lâm Viện Thụy Ðiển chấm giải Nobel văn chương. Ngày 26.11.71, Soljenitsyn bị nhà cầm quyền CS Nga cưỡng bách phải khước từ , không được đến Stockholm lãnh thưởng... Sau một thời gian lưu vong, nhà vănA. Soljenitsyn đã được chính quyền Nga phục hồi danh dự và cho phép hồi hương sống tự do...

*A. Sakharov: Khoa học gia, cha đẻ "bom H "( bom khinh khí của Nga).Ngày 9.10.75, A. Sakharov được trao giải thưởng Nobel. Nhưng cả hai vợ chồng ông ( bà Elena Bonner) đều bị quản thúc tại Gorki.

Ngày 6.2.87, M. Gortbachev ra lịnh phóng thích trên 200 người chống chế độ CS .Ðến ngày 18.6.87, nhân đại hội thứ 70 kỷ niệm "cách mạng tháng 10", M. Gortbachevv ban hành sắc lịnh khoan hồng cho tất cả các thành phần chống đối chế độ. Dịp này vợ chồng khoa học gia A. Sakharov cũng được phục hồi danh dự, và trở về sống ở Moskva, rồi được bầu vào Nghị viện Duma. Ngày 14. 12.1990, khoa học gia Sakharov qua đời. Tang lễ ông đã được cử hành trọng thể, và đã có hàng chục ngàn người tới tham dự và tiễn đưa linh cữu ông đến nơi an nghỉ cuối cùng...

Nhà bảo trợ của chúng tôi DURAMAX

Trang web được thiết kế bởi MQ Services

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002