Đại Chúng số 56 ngày 18/8/2000

Mưa bên này, nắng bên kia

Thinh Quang

(tiếp theo kỳ trước)

Mặt trời dần khuất sau chân đồi. Gió chiều nhẹ nhàng phe phẩy trên các rặng cây. Ðàn bướm ẩn mình trong đám bụi râm mát để tránh bớt ánh nắng gay gắt của ngày hè, giờ cũng đã bắt đầu xuất hiện. Chúng nhởn nhơ từng đàn trông như những con diều giấy lửng lơ bay theo chiều gió...Hình ảnh này khiến Quốc Trung hồi tưởng lại thuở thiếu thời của mình. Chàng đã từng cùng đám bạn đồng lứa trong làng tung tăng chạy trên các cánh đồng cỏ cháy, hoặc len lỏi vào các nương dâu xanh mướt đuổi theo bắt đem về ép trong các tập vở học. Giờ nghĩ lại tự cho mình lúc bấy giờ đã làm được một việc có ý nghĩa giải thoát cho chúng đi vào một kiếp khác đẹp đẽ hơn. Biết đâu trong giờ phút này chúng đã hóa thân thành một bông hoa dại ven đường, một cánh én mùa xuân hoặc con chim quyên bé bỏng hiền hòa chẳng hạn...

Ý nghĩ ngộ nghĩnh này khiến Quốc Trung bật phì cười lẩm bẩm:

_ Mình triết lý quá. Thật lẩm cẩm như ông cụ.

Miên man thả hồn theo dòng suy tư của mình cho đến lúc cái cổng gạch rêu phong và hai cánh "đại bản" lồ lộ hiện ra trước mắt, Quốc Trung mới sực tỉnh biết mình đã về đến nhà. Hai cái khoăn đồng to tướng gắn ngay giữa đôi cánh cửa lớn sơn màu gạch đầy loang lổ vẫn còn nguyên vẹn. Có điều ngày nay thì nó đã bị han rỉ bởi nắng mưa và thời gian tàn phá ít nhiều rồi.

Sẽ sàng bước lên mấy bậc tam cấp, Quốc Trung khẽ dán mắt vào khe hở nhìn vào bên trong. Ngôi nhà cổ kính ba gian vẫn còn đó. Con Vàng đang nằm ở góc hiên nhà như đánh được hơi người vội nhổm dậy sủa vang lên rồi chạy thẳng ra tận cổng chực tông cánh cửa khép hờ chụp lấy chàng. Nhưng khi nhận ra được hơi quen thuộc thay vì xông đến dọa dẫm cắn xé, nó nhảy chồm lên quẩy đuôi quấn quít rên lên ư ử tỏ vẻ mừng rỡ đến cực độ.

Quốc Trung chưa kịp ôm lấy nó thì con Vàng đã vội bỏ chạy trở vào giữa sân trong sủa lên vài tiếng rời rạc ngắn ngủi, như tuồng vừa mời mọc chàng vào nhà, vừa báo hiệu cho ông bà Mã hay là chàng đã về đến nơi.

Quốc Trung vừa bước quá giữa sân thì cũng vừa lúc có tiếng ho sù sụ của ông Mã từ trong nhà vọng ra. Quốc Trung vội kêu lên:

_ Ba, ba! con về đến nơi rồi đây...

_ A! thằng Quốc Trung!

Bà Mã nghe tiếng con về hối hả từ trong nhà chạy xô ra nhìn con trai mình, cổ bà như tắt nghẽn mãi về sau bà mới mở được miệng cất tiếng run run kêu con:

_Con!... Quốc Trung, con ơi!... Con về thật đó sao?

Rồi bà đứng sững lại tưởng cơ hồ mình đang nằm mơ. Bà giang hai tay ra phía trước mặt, hối hả hỏi liên mồm:

_ Con về thật sao? Trung ơi! con đâu rồi? Má con đây nè...

Bà bỗng reo lên:

_ Thật hả con? Ðừng đùa với má nha! A! mày là cái thằng con quỉ! Con đứng sờ sờ đó mà má không trông thấy gì cả...Dữ hôn xa cách con mấy năm rồi...má nhớ con quá...đi...

Bà vừa nói vừa chạy về phía Quốc Trung ôm chầm lấy con bù lu bù loa khóc:

_ Con! con tôi! Lâu lắm rồi má không gặp được con. Má nhớ con lắm! Má nhớ con đến đổ bệnh đổ hoạn... Hai năm rồi...

Quốc Trung cũng không thể cầm được dòng lệ để mặc cho nó chảy ròng trên đôi má, sững sờ cầm lấy đôi tay xương xẩu của mẹ nghẹn ngào thốt lên:

_ Má! Má gầy quá! Má không còn như xưa nữa. Sức khỏe má thế nào? Má có bệnh hoạn hay đau yếu gì không?

Bà Mã lắc đầu:

_ Không! má chỉ có mỗi cái nhớ con không thôi. Nhớ điên lên được.

Bỗng từ bên trong có tiếng ông Mã vọng ra bằng một giọng yếu ớt:

_ Quốc Trung đó phải không con?

_ Ðó! ba gọi con. Thiệt ông ấy tài dữ đi hè!

Ðến đây bà nắm chặt tay con cười nói:

_ Ba con thính tai lắm. Mau vào nhà thăm ba con đi.

Bà Mã vừa nói vừa dắt con đưa thẳng vào tận phòng ông Mã đang nằm. Quốc Trung sững sờ nhìn cha mình. Cả tấm thân gầy đét của ông như dán chặt bên trên tấm nệm loang lổ cả màu hoen ố. Mắt ông trũng sâu xuống. Miệng hơi xếch lên về phía bên trái. Có lẽ ông Mã cũng nghẹn ngào không nói được thành tiếng nên chỉ lặng lẽ vén áo lên đưa tay đếm từng cái xương sườn của mình.

Giọng của Quốc Trung đầy vẻ xúc động run run nói:

_ Ba! Ba gầy quá!

Chỉ nói bấy nhiêu Quốc Trung chạy xổ đến ôm chặt lấy cha mình nức nở:

_ Ba...ba đau ốm ra làm sao? Có hề hấn gì không? Tại sao ba không gọi sớm cho con về?

Chàng vừa nói vừa khóc. Ông Mã đưa bàn tay xương xẩu của mình lên xoa nhẹ lên lưng con thều thào nói:

_ Việc học hành của con ra làm sao?

Nghe hỏi đến việc học hành, Quốc Trung ngồi thẳng dậy báo tin mừng cho cha biết là mình đã vừa tốt nghiệp xong bậc Cao trung.

_ Tốt! tốt lắm! - Ông Mã lộ hẳn vẻ hoan hỉ nhìn con - Ba rất sung sướng là thấy con đã nên người...

_ Trông ba không được khỏe lắm. Ba có đi Bác sĩ nào không?

Ông Mã lắc đầu:

_ Không! Ba không tin tưởng được mấy ông Tây y. Các ông ấy làm sao bằng mấy ông Ðông y mình được? Sức khỏe ba còn tốt lắm. Con yên lòng...

Nói xong ông Mã gượng nở nụ cười trên vành môi héo hắt của mình, đoạn nói tiếp:

_ Con nay đã thành nhân mà cũng lại thành tài rồi. Ðó là niềm ước vọng của ba trong bao nhiêu năm trường nay...

Bây giờ ông Mã mới chăm chú nhìn con, nhận thấy Quốc Trung ngày nay lớn hẳn ra, lại mạnh khỏe hệt như thời trai trẻ của mình, khẽ gật đầu ra vẻ bằng lòng, đoạn quay về phía bà Mã:

_ Má nó đâu rồi?

_ Tôi đây!

_ Bà làm tí gì cho con nó ăn đỡ lòng đi. - Nói đến đây ông chép miệng trách yêu vợ - Con nó đi đường xa mà bà không sợ nó đói hay sao? Vậy mà cứ bảo là thương với nhớ.

Quốc Trung vội lên tiếng:

_ Khỏi phải nấu nướng gì má à! - Rồi quay lại phía cha - Thưa ba, con còn no lắm...

Bà Mã mỉm cười khẻ nguýt yêu chồng và lặng lẽ xuống nhà bếp lo làm thức ăn cho con.Lòng bà tràn ngập cả niềm vui. Ông Mã thì vì quá xúc động được thấy con trở về nhà, nên sau khi trách vợ ông nằm yên không nói thêm một lời nào nữa.

Ngồi cạnh bên cha, Quốc Trung đưa mắt quan sát lại căn phòng quen thuộc mà những ngày chàng còn ở nhà thường ra vào dọn dẹp hoặc sắp xếp sổ sách cho cha mình. Cái giường gỗ mun đen vẫn còn để nguyên tại chỗ cũ. Có khác là hai cái tủ chứa áo quần ông Mã mới mua sau này từ ngày chàng đã lên Bắc Bình học, kê sát bờ tường đối diện. Bên cạnh đó là cái bàn nhỏ trên có đặt tấm gương lớn soi mặt của bà Mã. Một bộ bình tích làm bằng sứ Giang Tây vẽ hình ba ông Phước Lộc Thọ để ở mé bàn vừa đúng tầm tay với của ông Mã.

Quốc Trung lặng lẽ đi về hướng cửa sổ nhô đầu ra bên ngoài nhìn lại cảnh tượng vườn tược tò mò nhìn xem có gì thay đổi không? Một luồng gió mát thoảng lại. Cây lệ chi vẫn còn đó, trông nó lớn hẳn lên xum xuê cả quả. Trên cành dăm ba con chim xanh nhảy nhót tìm mồi. Vài ba con bướm có bộ cánh rực rỡ màu sắc lượn quanh mấy bông hoa lựu rực đỏ mà bà Mã trồng nó ở xế mái hiên Tây.

Tất cả những hình ảnh kỷ niệm xa xưa lần lượt hiện lên trước mắt. Là đứa con độc nhất trong một gia đình phú nông, tương đối dư dả so với đời sống đồng quê. Chàng có diễm phúc hơn những đứa bạn trong làng, nên sau khi xong bậc tiểu học, chàng được lên chợ Huyện tiếp tục đi vào bậc Trung học rồi thi vào trường Cao trung ở Bắc Bình. Nhờ vậy mà chàng mới gặp gỡ Thụy Quyên - người bạn gái đồng lớp, tâm đầu ý hợp và đã cùng thề non hẹn bể...

Có tiếng cựa mình của ông Mã khiến Quốc Trung giật mình vội quay lại lấy quạt phe phẩy cho cha. Ông Mã vẫn yên lặng như còn đang say ngủ. Tư bề vắng lặng. Thỉnh thoảng có vài tiếng Thạch Sùng tắc lưỡi cùng với tiếng muỗi vo ve, khiến căn phòng đã lạnh lẽo càng lạnh lẽo hơn. Quốc Trung cảm thấy lòng mình nhẹ lâng lên một nỗi buồn man mác. Hình ảnh của Thụy Quyên lại chập chờn hiện lên trước mắt. Chàng không thể nào quên được ngày cuối cùng hai người đưa nhau đi rong chơi tận ngoại ô thành phố. Hôm ấy trời thật đẹp. Ánh nắng xuyên qua các tàng cây trải lên thảm cỏ xanh mướt lấp lánh như các vì sao. Hôm ấy nàng vận toàn trắng trông như một nàng tiên nữ lạc bước cõi trần.

_ Trông em hệt như nàng tiên vậy. Nhìn em anh cảm thấy toàn thân em một màu màu trinh trắng toát ra từ tâm hồn...

_ Em? Anh bảo em? Thụy Quyên này?

_ Vâng! của em... người em bây giờ và muôn thủa!

_ Không! và luôn cả anh nữa. Của cả hai đứa chúng mình. - Nàng cười thành tiếng rồi tiếp tục nói - Anh sắp thành thi sĩ đến nơi rồi.

Thụy Quyên sực nhớ có một lần nào đó, vào ngày đầu xuân, hai người rong chơi ven bờ suối. Nàng dầm chân vào dòng nước trong róc rách chảy, còn chàng thì ngồi trên mon đá trắng đưa mắt vẩn vơ nhìn lên vòm trời xanh thẳm. Nghĩ đến đây Thụy Quyên mỉm cười quay lại hỏi Quốc Trung:

_ Quốc Trung! anh còn nhớ mấy câu thơ mà mùa xuân năm rồi đã ngâm đó không?

_ Có chứ! Thơ anh đâu có phải là thiên nga...

_ Nhưng hay hay dở, không thành vấn đề... Em chỉ muốn gọi lai hình ảnh đó thôi!

_ Nhưng anh không nhớ...

_ Không nhớ có nghĩa là anh rút lại lời ban tặng cho em.

_ Không! đâu có như vậy. Anh dã trao cho em rồi kia mà. Nó đã trở thành vật sở hữu của em. Ðâu còn là sở hữu của anh nữa?! Nếu em không nhớ có nghĩa là em chê và vứt bỏ cái kỷ vật đó đi rồi! - Quốc Trung vừa nói vừa cười hỏi lại - Phải thế không, em?

Thụy Quyên ngửa mặt lên cười:

_ Anh trưởng thành rồi, Quốc Trung à! Hôm nay anh đã vượt xa em.

Khác với thường nhật, hôm nay Thụy Quyên nói luôn miệng:

_ Ðồng quê đẹp hơn thành thị phải không anh?

_ Mỗi cảnh có sắc thái độc đáo của nó.

_ Theo em nhận thấy, anh thích cuộc sống trầm lặng, thì nông thôn chính là nơi anh thích hợp nhất...

_ Không chắc như vậy, còn tùy theo hoàn cảnh thích nghi.

Có lẽ Thụy Quyên muốn che dấu nỗi buồn, nên nàng hết đặt câu hỏi này đến câu hỏi khác. Thỉnh thoảng Quốc Trung bắt gặp có hai ngấn lệ ẩn hiện trong hai khóe mắt nàng.

_ Thụy Quyên! Nhiều lúc anh muốn hủy bỏ chuyện trở về của mình, nhưng...

_ Không! em nghĩ rằng anh nên về vì sau đó anh cũng phải trở lại nơi này để tiếp tục việc học hành của mình...nhất là bước vào ngưỡng cửa đại học...

Rồi nàng cười giả lả:

_ Là nam nhi chi chí kia mà! đừng ủy mị như hàng nhi nữ...

_ Nói thế em cũng... ủy mị lắm sao?

_ Không. Nhi nữ cũng có năm bảy hạng chứ! Chẳng lẽ cô gái nào cũng yếu đuối à?!

Trong lúc Quốc Trung đang miên man suy nghĩ thì có tiếng ông Mã gọi:

_ Quốc Trung!

_ Dạ, có con...

_ Con quả là đứa con chí hiếu. Nhìn thấy con là ba cảm thấy hết cả bệnh hoạn ngay rồi. Chính con đã đem lại niềm vui cho ba. Nay con đã lớn khôn, học hành đã đỗ đạt thành tài, đó là điều làm cho ba sung sướng hơn tất cả. Vậy bắt đầu từ giờ phút này, con phải thay ba cai quản gia đình. Gia tài điền sản của ba má cố công tạo lập suốt cả cuộc đời, nay giao phó lại cho con. So với những nhà giàu có hơn, thì nó chẳng là bao, song bấy nhiêu đó cũng đủ làm nở mặt nở mày với chòm xóm láng giềng...

(còn tiếp)

Nhà bảo trợ của chúng tôi DURAMAX

Trang web được thiết kế bởi MQ Services

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002