Đại Chúng số 56 ngày 18/8/2000

Thư cho bạn

"Huế Rặt"

Phụng Hồng

LTS: Ðây là bài viết của nhà văn bác sĩ Phụng Hồng tức bác sĩ Tạ Thúc Phú (M.D.P.A.) ở Carnation Drive, Winter Park, Florida gửi đến ông Nguyễn Cúc, Phương Anh Trang - Chủ Biên tập san Tiếng Sông Hương (TSH) ở Texas để góp ý về câu chuyện "Huế Rặt" của tác giả Võ Hương An. Câu chuyện trong bài viết của bác sĩ Phụng Hồng có nhiều điểm đặc biệt mà chúng ta cần tìm hiểu. Chúng tôi xin đăng tải nguyên văn để cống hiến cùng bạn đọc gần xa:

. "Tình cờ tôi có đọc TSH số kỷ niệm 100 năm trường Quốc Học, trong đó bài "Huế Rặt" của Võ Hương An có nhiều điểm tôi không phản đối nhưng tôi không đồng ý, vì thế nên mới có đôi giòng thương xác kính gửi đến ông để làm sáng tỏ thêm vấn đề rất là đặc thù của xứ Huế vốn dĩ có những thổ âm cá biệt từ ngàn xưa lập quốc.

Trang 126, VHA viết: ". cái con ni ăn nói vô duyên ỏm." (dấu hỏi). Tôi có bà dì cao niên từng chầu vua Thành Thái ở Ðại Nội, sau khi đọc bài này bèn nói: "Không ai nói "vô duyên ỏm" (dấu hỏi) cả. Mà người ta thường nói: "vô duyên cảy" ví dụ như trong câu "Mi ăn nói vô duyên cảy, cảy bảy ngày chưa hết vô duyên", hoặc "vô duyên ộn" (dấu nặng), hay "vô duyên òm" (dấu huyền). Các từ "cảy", "òm", "ộn" là những trạng từ làm mạnh nghĩa động từ "nói vô duyên".

"Ỏm" (dấu hỏi) thường là tỉnh từ có nghĩa là ồn ào. Ví dụ như câu sau đây ngày xưa vua Thành Thái thường hay la rầy bà dì tôi: "Răng mi không dỗ con cháu tau cho nó théc (ngủ) kẻo để nó khóc hoài ỏm quá!" (ồn quá). Ngoài ra "ỏm" (dấu hỏi) còn có nghĩa là "nhức nhói khó chịu", ví dụ như trong câu "Thôi mi nín đi, câm cái họng lại, đừng nói nữa mà ỏm óc ỏm tai" (nhức đầu, nhức tai, khó chịu) hay "ỏm tỏi" (quá ồn ào). Năm thì mười họa thì "ỏm" biến thành trạng từ như trong câu "đừng khót (khóc) ỏm", "đừng đứng đó mà nói ỏm" (ỏm ở đây có nghĩa là ồn làm cho người đối diện khó chịu). Nó bổ túc làm mạnh nghĩa động từ đi trước nó.

"trang 128, VHA biện luận về "GIÁM" như sau" Tuy nhiên cung cấm cũng có lúc cần đến người có sức khỏe, nghĩa là cần người có sức khỏe phục vụ mà vẫn bảo đảm được gọi là các ông giám".

Về mặc sinh lý, thái giám là người thuộc loại không rõ ràng về mặt giới tính (ái nam, ái nữ) do bẩm sinh hoặc do người nam tự nguyện hủy bỏ bộ phận sinh dục để được làm giám.

Theo tác giả, ta phải hiểu rằng những người giám được tuyển chọn vào hầu nội cung là những người "giám bẩm sinh". Nhưng trên thực tế, không đúng như vậy. Bởi vì theo y học, khi đã gọi là bẩm sinh thì cá nhân đó thiếu cân bằng trong cơ thể về một phương diện nào đó, do hổn loạn cơ năng gây ra, do đó trí thông minh (vì não bộ và thần kinh hệ trung ương bị ảnh hưởng trực tiếp trước tiên) bị giảm thiểu một cách trầm trọng. Có thể bị ngu đần nên sức khỏe kém, vì thề không hội đủ tiêu chuẩn "khỏe mạnh" như tác giả đã nêu trên. Bởi vậy loại giám bẩm sinh này không thể vào Ðại Nội để làm con thoi liên lạc giữa vua và hậu cung hơn một chút dẫn chứng tài liệu y học để định nghĩa khỏi bị lầm lẫn.

Vậy "GIÁM" là gì? Ngày xưa, giám được quan niệm là không có bộ phận sinh dục. Ðây là một sự lầm lẫn trầm trọng bởi vì đứng trên bình điện y học, người bị "giám thiệt" (thái giám, giám bẩm sinh, theo VHA) bộ phận sinh dục vẫn có song bị thoái hóa thu nhỏ. Theo từ nguyên tự điển Phám Hoa của Minh Tấn xuất bản tại Ðài Loan năm 198, chữ giám được dịch theo tiếng Pháp là "castration" hoặc "état castré". Ðến đây, cần phải định nghĩa rõ ràng bộ phận sinh dục đàn ông gồm có hai phần riêng biệt:

Dương vật và dịch hoàn (hạ bộ) thấy được bên ngoài vì có biểu lộ. Dương vật có hai chức năng vừa để giao hợp khi làm tình giữa đực và cái, vừa để thải nước tiểu (nước đái, nước giải) ra ngoài từ thận và bàng quang (bọng đái) đưa xuống hàng ngày, lúc bình thường. Dịch hoàn có nhiệm vụ sản xuất tinh trùng (nguyên nhân chính của sự thụ thai khi vào tử cung giống cái) và kích thích tố đực có tác dụng kích thích đời sống tình dục ở tuổi trưởng thành, làm cho ân ái vợ chồng lứa đôi thêm hạnh phúc vĩnh cửu. Do đó mới có thêm danh từ "cường dương" theo Ðông y.

Các ống dẫn tinh và nang tinh (không thấy được bên ngoài vì ẩn vào nội tạng).

Nói một cách khác, ở người giám bẩm sinh, dương vật vẫn còn nguyên để đóng vai trò tiết niệu mà không thể dùng để giao hợp sinh lý được vì không thể cường dương được, bởi vì hai dịch hoàn đã bị teo hoặc thoái hóa hoặc bị mất hẳn (quái thai) không thể sản xuất chất kích thích được nữa. Vì vậy ở người thái giám (theo VHA) tuy còn dương vật nguyên vẹn (hoặc bị nhỏ teo về phương diện kích thước) nhưng đã bị "liệt dương", không thể giao cấu được nữa.

Từ tiền đề giải thích đó, y học, theo Harrison và Tom Shire, đã phân loại những người được gọi là "thái giám" ra năm hạng như sau:

Ái Nam Ái Nữ (true hermaphrodite): đương sự vừa có đặc tính đàn ông, vừa có đặc tính đàn bà. Vừa có cả noãn sao (buồng trứng) lẫn dịch hoàn nhưng cả hai đều bị teo lại không tăng trưởng được. Bộ phận sinh dục bên ngoài không rõ rệt và không phân hóa bình thường. Cơ quan bài tiết bất thường. Người bệnh vẫn hành kinh được (tuy là đàn ông!) nhưng không có con được.

Dịch Hóa Nữ Tính (testicular feminization): cá nhân này nguyên thủy thuộc giống đực nhưng bề ngoài trông giống như đàn bà mà không hành kinh được. Bộ phận sinh dục bên ngoài không rõ rệt (có thể gọi tên khác là phó ái nam ái nữ - pseudohermaphrodine), ít lông ở da. Hai vú to như vú đàn bà. Tuy vậy, không thấy có tử cung và buồng trứng. Nhưng lại vừa có cả dịch hoàn và âm đạo nên teo lại. Nguyên do vì thiếu kích thích tố đực để phân hóa.

Liên Chủng Tính (intersexuality): loại này vừa có cả đặc tính đàn ông lẫn đàn bà, và thích làm tình cả hai phái.

Ðồng Tính Luyến Ái (homosexuality): đàn ông yêu đàn ông (cùng tính phái) và đàn bà thì thích sống với đàn bà (như cô đào nổi tiếng màn ảnh nhỏ Ellen). Còn có cái tên "lại cái, lại đực".

Hội Chứng Nam Hóa Nữ (klinefelter syndrome): người có hội chứng này là đàn ông nhưng lại có dáng điệu tha thướt, yểu điệu như nữ phái. Dịch hoàn teo nhỏ, không có tinh trùng trong ống dẫn tinh nhưng ngực lại nẩy nở như đàn bà, trí thông minh rất kém, chỉ số chỉ đến 30%.

Nói chung, tất cả 5 loại thái giám trên đều có một đặc tính giống nhau là đần độn và sức khỏe kém, là hai yếu tố không mấy khả quan hấp dẫn để dược tuyển chọn vào hậu cung để hầu hạ cung nữ theo hảo ý của nhà vua (theo biện luận của VHA).

Vậy nghĩ cho cùng, thái giám theo tiêu chuẩn của VHA thuộc vào loại nào? Theo tài thô thiển của kẻ hèn này và sau bao đêm thức trắng vấn kế ông nội Bách Khoa Từ Ðiển Y Học, thì ta có thể xếp vào loại 2 (chứ không phải 1 theo VHA) mới được, mới đúng tiêu chuẩn, mới khả dĩ được chọn một cách bất đắc dĩ nếu thiếu người tạm bợ.

Nhưng có thực là triều đình ta xưa chỉ muốn tuyển chọn những giám bẩm sinh không? Theo VHA, giám bẩm sinh rất hiếm và y học ngày nay cũng xác nhận như vậy. Vì thế muốn giải quyết vấn đề một cách tế nhị và nhanh chóng để cho hai bên đều có lợi, các luật xưa đã nghĩ đến "giai cấp hoạn quan". "Hoạn" là gì? Xin thưa hoạn hay thiến có nghĩa là cắt dịch hoàn mà thôi, chừa lại dương vật. Người đàn ông sẽ có dáng điệu, cử chỉ, ăn nói thướt tha, yểu điệu, nhỏ nhẹ như đàn bà, nhưng vẫn to béo đẫy đà và mạnh như voi, rất đúng với tiêu chuẩn mà VHA đề cập như trên. Hãy nhìn vào những con heo đực bị hoãn quan (để nuôi cho mập, mặc dù nuôi chung với heo cái nhưng không bị mất sức vì không muốn "nhảy cái" nữa) rất đẫy đà, bán rất được giá trong các kỳ chợ phiên. Những con gà trống thiến rất oai vệ và to cao nên ai cũng thích mua. Vậy thì các hoạn quan cũng cùng chung một số phận đó và rất đủ tiêu chuẩn của VHA đưa ra.

Y học tân tiến từ lâu đã không làm phẫu thuật "cắt bỏ bộ phận sinh dục" như VHA bàn đến ở trên nữa mà chỉ cắt ống dẫn tinh là đủ (bilateral vasectomy). Cuộc tiểu giải phẩu này rất nhẹ nhàng, nhanh chóng, có thể thực hiện ở phòng mạch tư hiện xảy ra nhan nhãn khắp nơi, sau khi "ông thầy" được thân chủ cúng cho một số tiền lớn chứ không phải là hãng bảo hiểm.

Trở lại vấn đề cũ, ngoại trừ một số lý do bí ẩn nào đó không tiết lộ được, hoặc vì hoàn cảnh bắt buộc phải "hy sinh của quý", chứ thật ra đời xưa cũng như đời nay không mấy ai dại khờ như thế để cho bản thân mình phải bị "đời tàn trong ngõ hẹp" như nhà đại thi hào họ Vũ từng than thở vào thập niên 40. Thử hỏi có sử sách nào đã liệt kê bao nhiêu hoạn quan qua các triều đại? Và con số đó có bằng hai bàn tay chụm lại không? Thật là một câu hỏi đầy mâu thuẫn ma tôi muốn nhân dịp này trân trọng kính gửi đến Phương Anh Trang và Võ Hương An vậy.

Phụng Hồng
Tổng Thư Ký Thường Trực Hội "Quên Huế"

Nhà bảo trợ của chúng tôi DURAMAX

Trang web được thiết kế bởi MQ Services

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002