Đại Chúng số 55 ngày 1/8/2000

Chuyện Thời Sự:

GÍA DẦU GIA TĂNG - HOA KỲ PHẢI GIẢI QUYẾT NHƯ THẾ NÀO?

Giá dầu tăng vụt như hiện nay lại là một cơ hội tốt để Hoa Kỳ có quyết định đi đến chỗ chấm dứt những rủi ro khi phải lệ thuộc vào nguồn cung cấp dầu hỏa từ ngoại quốc bằng con đường tìm kiếm các nguồn năng lượng cho tương lai.

Phương cách để giảm dần tiêu thụ dầu hỏa là phải đầu tư vào việc khảo cứu để tìm nguồn năng lượng mới. Trong mấy thập niên qua, Hoa Kỳ đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ và gần như đạt đến mục tiêu như đẵ đề ra, và nếu như thành công, thì Hoa Kỳ sẽ hơn bất cứ quốc gia nào khác, bảo vệ được môi sinh, tức là làm sạch bầu khí quyển, và đây chính là điều mà mọi người hằng mong đợi. Vì cái lợi là vừa giảm sự lệ thuộc vào nguồn dầu hảo nhập cảng, tức là môi sinh sẽ không bị ô nhiểm bởi các loại khí đốt thải ra chất độc quá nhiều.

Giá dầu gia tăng, hiểu một cách thông thường là do định luật cung cầu chi phối. Mức tiêu thụ càng ngày càng tăng, trong khi mức cung ứng dầu có giới hạn, tất nhiên sẽ dẫn đến việc tăng giá dầu. Theo nhiều kinh tế gia cho biết, việc tăng giá dầu hiện nay không phải là một sự tăng giá tạm thời, mà là do khả năng tính toán về mức cung ứng dầu của toàn cầu không được chính xác. Nhiều người cũng cho rằng giá dầu tăng là do thuế liên bang về dầu đã tăng 4.3 xu cho một gallon. Thực ra có hai yếu tố quan trọng dó là đời sống tại Hoa Kỳ và các nguồn nhập cảng đã bị lệ thuộc vào dầu hỏa.

Về yếu tố đời sống, một năm trước đây,nhiều chuyên gia đã tính rằng giá dầu sẽ là 12 đô la cho một thùng (barel). Tính như vậy là hoàn toàn sai, vì giá dầu hiện nay là 34 đô la cho một thùng, và theo ước tính của Daniel Yergin, vào mùa hè này giá dầu sẽ lên đến 38 đô la một thùng. Nhưng nhìn chung, nhiều người vẫn lạc quan và cho rằng giá dầu sẽ xuống và có lẽ sẽ xuống trước khi qua năm mới. Nhưng có một điều chúng ta cần phải biết đến là trong gần ba thập niên qua kể từ khi có nạn khủng hoảng nhiên liệu trong thập niên 1970, thì những ai dám mạnh miệng tuyên bố một cách chính xác về giá dầu, thì có thể nói rằng họ là người không điên khùng thì cũng là người nói dối.

Yếu tố thứ hai là là các nguồn năng lượng, đặc biệt là dầu hỏa, không tùy thược vào các lý thuyết trừu tượng về kinh tế, mà phải căn cứ vào luật cung cầu, nguồn cung co giảm lại trong khi nguồn cầu không ngớt gia tăng. Ta hãy nhìn về mức cung ứng dầu trên toàn cầu. Hơn 60 phần trăm sản lượng dầu xuất cảng hiện nay trên thế giới do OPEC ( Organization of the Petroleum Exporting Countries) và hai nước Mễ Tây Cơ cùng với Na Uy đã cộng tác với OPEC sản xuất. Sản lượng dầu dự trữ của OPECT cùng với Na Uy và Mễ Tây Cơ là trên 80 phần trăm, do đó khi các nguồn cung cấp dầu của các nước ở ngoài khối OPECT, chẳng hạn như Hoa Kỳ, Bắc Hải và Venezuela bị khô cạn, thì nguồn cung cấp dầu trên toàn cầu sẽ nằm trong tay OPECT. Triển vọng tìm kiếm khai thác các giếng dầu mới hầu như không thực hiện được, hãy quên nó đi để đi tìm các nguồn năng lượng khác. Theo hai chuyên gia về dầu khí là Colin J. Campbell và Jean H. Laherrere, thì số tiền bỏ ra để tìm kiếm các giếng dầu mới trong hai thập niên qua thực ra chỉ là để khảo sát lại số lượng dầu dữ trữ mà thôi, chứ không tìm ra được các giếng dầu mới nào cả.

Bây giờ hãy xem qua về nhu cầu tiêu thụ dầu. Nếu như nền kỹ nghệ của thế giới vẫn tăng trưởng và các mô hình phát triển không thay đổi, thì nhu cầu tiêu thụ dầu trên toàn cầu sẽ tăng lên một cách kinh khủng. Ví dụ, trong vòng 50 năm tới, số xe chạy bằng xăng sẽ tăng từ 600 triệu chiếc lên đến 4.5 tỷ chiếc. Riêng tại Hoa Kỳ, trong vòng 15 đến 20 năm tới, nhu cầu nhập cảng dầu sẽ tăng từ 9 triệu thùng/ngày đến 18 triệu thùng/ngày trong khi sản lượng dầu sản xuất trong nước không thay đổi.

Nhiều chuyên gia còn cho biết sản lượng dầu sản xuất trong nội địa Hoa Kỳ sẽ bị tụt xuống dưới 9 triệu thùng/ngày.

Hoa Kỳ tất nhiên đòi hỏi phải nhập cảng thêm dầu từ một số nước mà hầu hết các nước đó lại muốn cột chặt nền kinh tế của Mỹ vào họ để từ đó cứ làm cho giá dầu tăng lên. Ðứng trước một tình huống như vậy, Hoa Kỳ phải làm gì đây? Mỗi năm Hoa Kỳ đã bỏ ra 50 tỷ đô la để bảo vệ quyền lợi về dầu của mình tại Trung Ðông, và Hoa Kỳ tiêu thụ hơn 2.3 ngàn tỷ đô la để nhập cảng dầu trong khoảng 1978 và 1998. Các nhà phân tích của các công ty đầu tư như Solomon Smith Barney đã tiên đoán rằng giá dầu tăng sẽ làm giảm mức tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ là 1.5 phần trăm/năm và làm gia tăng nạn lạm phát là 1 phần trăm.

Như vậy làm cách nào để giảm nhu cầu? Bằng cách tạo ra các nguồn năng lượng có hiệu quả trong đoản kỳ và tìm cách giải quyết vấn đề dầu trong trường kỳ. Trong hiện tại Hoa Kỳ với kỹ thuật cao, đã chế tạo ra được các máy chạy xe không cần đến xăng để tránh bị lệ thuộc vào xăng. Hãng Honda đã công bố một loại xe chạy bằng gas-điện và hydric, chạy trong thành phố với tốc độ 61 dậm chỉ tốn một galon và chạy trên xa lộ với tốc độ 71 dậm/galon. Các thế hệ xe hơi mới có triển vọng đạt tới 80 dậm/galon.

Nếu như tất cả các xe cộ tại Hoa Kỳ đều chạy bằng các động cơ có hiệu quả cao như nói trên so với mức tiêu thụ như hiện nay là 20 dậm/galon, thì nước Mỹ sẽ không cần phải nhập cảng dầu nữa. Ngoài ra, kỹ thuật cao còn giúp cho giảm được 40 phần trăm về nhiên liệu sưởi ấm nhà. Tuy rằng giá thành của hệ thống sưởi mới này có đắt nhưng trong trường kỳ vẫn có lợi. Ðây là lúc phải nghĩ đến các nguồn năng lượng như gió, mặt trời, địa nhiệt để chạy các nhà máy, chạy xe cùng sưởi ấm nhà cửa.

Kết luận về vấn đề khủng hoảng về giá dầu, có câu hỏi là tại sao lại phải tăng thuế dầu lên 4.5 cent/galon như hiện nay, mà không dùng số tăng thuế đó để đầu tư vào kỹ thuật cao về năng lượng và tìm ra giải pháp tiết kiệm năng lượng, chứ còn áp dụng giải pháp tăng thuế tiêu thụ về dầu chỉ làm cho Hoa Kỳ càng lệ thuộc vào một số nước sản xuất dầu mà thôi.

Tuần Báo Ðại Chúng

Nhà bảo trợ của chúng tôi DURAMAX

Trang web được thiết kế bởi MQ Services

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002