Đại Chúng số 55 ngày 1/8/2000

NHẬN-ÐỊNH VỀ THƯƠNG-ƯỚC MỸ-VC

Nguyễn Hữu Nghĩa

Sau nhiều năm nhì-nhằng thương-lượng, cuối cùng Thương-ước Mỹ-VC đã được hai bên ký-kết hôm 13.7 vừa qua, và chờ Quốc-hội Mỹ phê-chuẩn.

Thương-ước này giúp bình-thường-hoá quan-hệ mậu-dịch giữa hai nước, sau 5 năm bình-thường-hoá bang-giao và 8 năm bãi bỏ cấm vận. Hiệu-lực của Thương-ước sẽ giảm thuế-biểu hàng-hoá và dịch-vụ, bảo-vệ tác-quyền và gia-tăng mức đầu-tư giữa hai nước. Kết-quả của Thương-ước sẽ khích-lệ VC cố-gắng cải-tiến để gia-nhập Tổ-chức Thương-mại Thế-giới (WTO).

Về mặt thương-mại, Thương-ước vừa ký mang lợi lợi-lộc cho CSVN nhiều hơn cho Mỹ. Theo phúc-trình của Ngân-hàng Thế-giới, Thương-ước Mỹ-VC sẽ giúp Hà-nội tăng gấp đôi mức xuất-cảng sang Mỹ, từ 338 triệu mỹ-kim, lên 768 triệu trong năm đầu tiên, và sẽ tăng lên nhiều trong các năm sau đó. Mức độ đầu-tư của ngoại-quốc trước đây sụt từ 2,8 tỉ xuốn còn 500 triệu, cũng sẽ nhờ hiệu-quả của Thương-ước, tăng lên lại.

Về phía Mỹ, sẽ bán vào CSVN các mặt hàng thuộc về dụng cụ truyền-thông, nhu-liệu và cương-liệu điện-toán, dụng-cụ tìm dầu, thiết-bị phi-trường và y-khoa.

Trên đây là mặt ngoài của sự việc. Mặt trong, về phía Mỹ, có nhiều tính-toán sâu xa hơn và vượt ngoài tầm thương-mại.

Con số mậu-dịch giữa Mỹ-VC quá sức nhỏ-nhoi so với tổng số giao-thương giữa Mỹ với các nước khác trên toàn cầu, và không phải là động-lực thúc-đẩy siêu-cường này tìm đủ mọi cách để hoàn-tất việc ký-kết Thương-ước kể cả ráo-riết vận-động để đảng đối-lập, hiện làm chủ cả Thượng lẫn Hạ-viện, phê-chuẩn.

Ðộng-lực ấy nằm trong ván cờ chính-trị và quân-sự toàn cầu mà Mỹ đã khởi-sự thay-đổi sách-lược từ cuối thập-niên 60, và dứt điểm năm 1972, khi Nixon đi gặp Mao và Brezhnev, dẫn tới sự muối mặt nhường Ðông Nam á cho Trung Cộng, để rảnh tay tập-trung vào mặt trận Ðông Âu và Liên-sô.

Hai thập niên sau, khối Liên-sô và Ðông Âu tan-rã, Mỹ tính lại thế cờ châu á và tạo một vòng vây vô-hình, mềm mại nhưng chặt-chẽ bao quanh Trung Cộng. Vòng vây này bắt đầu khép chặt quanh con rồng châu á.

Không phải vì lý-do nhân-đạo mà Mỹ ngấm-ngầm hỗ-trợ việc vận-động tái-thống-nhất Nam Bắc Hàn.

Không phải vì lý-do ngoại-giao mà Mỹ đổ rất nhiều tiền của, tâm lực ra bố-trí trên biển Nhật-bản và eo biển Ðài-loan.

Không phải vì lý-do giao-thương mà Mỹ ngưng chỉ kế-hoạch rút quân khỏi Okinawa; và ngược lại cho thiết-kế các cơ-sở quân-sự mới, đủ sức chứa một quân-số rất lớn.

Không phải vì lý-do tài-chính mà Mỹ củng-cố các căn-cứ quân-sự của LHQ gần Phi-luật-tân.

Không phải vì lý-do kinh-tế mà có cuộc diễn binh hỗn hợp Mỹ-Phi "Balikatan 2000", 10 năm sau khi Mỹ rút khỏi căn cứ Subic. Không phải vì lý-do giải-trí mà Mỹ đưa 10.000 quân vào Queensland, thao-diễn chung với quân-đội Úc.

Không phải vì lý-do phô-trương mà Mỹ tập trận Kim Mãng-xà với Tân-gia-ba và Thái-lan, và xây quân-cảng cho các tàu nguyên-tử tại đây.

Không phải vì lý do mậu-dịch mà Mỹ ký hiệp-ước nguyên-tử với Nga.

Không phải vì lý-do thương-mại mà Mỹ bán cho Ấn-độ các thiết-bị và vật-liệu nguyên-tử, đồng-thời chuẩn-bị thao-diễn hỗn-hợp về Không và Hải-quân với quốc-gia này tại Ấn-độ-dương.

Không phải vì nhân-quyền mà Mỹ viện-trợ quân-sự cho kháng-chiến quân Mèo, cơ-quan đầu-não ở Fresno, mở mặt trận mới ở Lào với những loại vũ-khí cá-nhân tối-tân y như trang-bị của quân-nhân Mỹ trong chiến-tranh vùng Vịnh.

Không phải vì lý-do huấn-luyện mà Mỹ cho di-chuyển 15% lực-lượng phòng-thủ Ðại-tây-dương sang tăng-cường cho vùng Ðông Thái-bình-dương, trong đó có các tiềm-thủy-đỉnh nguyên-tử, tình-báo, truyền-tin, xung-kích, bệ phóng Tomahawk,.. thay đổi cán cân phối-trí quân-sự giữa Ðại-tây-dương / Thái-bình-dương từ 60/40 thành 50/50.

Cuối cùng, không phải vì lý-do mậu-dịch mà Mỹ vận-động mọi mặt để VC chịu ký thương-ước sau 4 năm vừa đàm-phán, vừa khăng khăng khước-từ.

Việt-nam, là mắt xích chót của lưới trận bao vây vùng đất Trung Cộng, từ Bắc xuống Nam, từ Ðông sang Tây. Con rồng khổng-lồ này sẽ phải phân-hoá thành nhiều mảnh: Mông-cổ, Mãn-châu, Tây-tạng, Tân-cương, Quảng-tây và Trung-hoa. Ðó là mục-tiêu chiến-lược toàn cầu của Mỹ, mà CSVN, nằm trên hướng tiến của Ngũ-giác-đài...

Trên đây đã đề-cập lợi-lộc của CSVN và mưu-định của Mỹ, còn dân-tộc Việt-nam, chúng ta được gì?

Chúng ta có thế cờ chính-trị của chúng ta. Người Việt quốc-gia không vũ-khí, không tiếp-liệu, nhưng trong 25 năm, chúng ta đã làm chủ được nhiều phương-tiện truyền-thông, ngoại-giao và có ảnh-hưởng trong chính-quyền nhiều nước lớn, có mặt trong nhiều tổ-chức quốc-tế.

Giống như dân-tộc Do-thái, chúng ta có tiếng nói ở khắp nơi, dù không phát-âm bằng ngôn-ngữ Việt.

Vận-dụng chính-trị là dùng đòn bẩy, lợi-dụng những sức mạnh tròng-tréo nhau của người khác làm sức mạnh của mình. Chốt vận-hành của bất cứ guồng máy nào, kể cả nút bấm của hệ-thống vũ-khí nguyên-tử, đều nhỏ. Và ngược lại, một que sắt nếu đặt đúng chỗ sẽ cản-trở và làm hỏng cả một hệ-thống máy móc lớn. Vấn-đề là phải vận-động trí-óc, tìm ra, đến gần và ảnh-hưởng được mấu chốt vận-hành đó.

Chúng ta, với thế-lực cơ-hữu nhỏ bé và tan-nát vì nạn phân-hoá, không thể tự tay bẻ gãy chế-độ bạo-tàn trong nước. Chua chát hơn, như cuối thập-niên 60, nếu chúng ta đủ sức bẻ, thì lực-lượng Ðồng-minh sẽ bẻ gãy tay ta trước, vì nhu-cầu, sự tính-toán và lợi-lộc riêng của họ.

Người Việt quốc-gia có hai thế-lực để đối đầu, một là cộng-sản, hai là nhu-cầu quyền-lợi của các quốc-gia đồng-minh. Muốn tiến tới, chúng ta phải biết nương theo sóng dữ để tồn-tại, và cưỡi sóng để tới gần mục-tiêu.

Chúng ta là những que sắt nhỏ chống lại một guồng máy lớn. Phải kiên-trì, phát-triển không ngừng và tìm cơ-hội tranh-đoạt quyền-lợi cho đất nước. Hãy nương theo thế trận Mỹ-Trung Cộng để vận-động cho phúc-lợi của dân-tộc Việt khi tàn cuộc.

Khi rễ cái cộng-sản ở phương Bắc bật tung, cành lá cộng-sản phương Nam sẽ tàn rũ. Ðó là thời-cơ để dân Việt vùng lên bảo-vệ đất nước, xây-dựng tự-do dân-chủ và nhân-quyền.

Muốn nhanh chóng ổn-định tình-thế, tiết-kiệm máu xương, chúng ta phải bắt tay vào việc chuẩn-bị cho giai-đoạn đó, ngay từ bây giờ. (NHN)

Nhà bảo trợ của chúng tôi DURAMAX

Trang web được thiết kế bởi MQ Services

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002