Đại Chúng số 111 - ngày 1 tháng 12 năm 2002

Thử nhận xét về "Tâm Bút" phê phán Petrus Ký

Nguyên Nguyên

Cách đây chừng ba tháng, tình cờ người viết được đọc hai bài viết trích từ một quyển sách tâm bút mới nhất của nhà văn Nguyên Vũ mang tựa đề "Ngàn Năm Soi Mặt” do Văn Hoá xuất bản và phát hành đầu năm 2002. Một bài bàn về "việc nghiên cứu Nhà Tây Sơn", và một bài về Dương Văn Minh, cả hai đều được đăng trong tạp chí ĐI TỚI xuất bản tại Québec - Gia nã Đại. Hai bài này tiêu biểu cho hai thiên trong tất cả 4 thiên của quyển "Ngàn Năm Soi Mặt". Hai thiên kia là "Góp phần vào việc nghiên cứu Petrus Key" và "Vấn đề tài liệu nghiên cứu Việt sử". Cách đây vài năm người viết cũng có dịp đọc quyển tâm bút "PARIS Xuân 96" cũng của Nguyên Vũ do nhà Văn Hoá ấn hành và xuất bản vào năm 1997.

Cả hai quyển "tâm bút" của Nguyên Vũ đều dành đến khoảng một phần tư sách cho việc phê phán và công kích Petrus Trương Vĩnh Ký, người thường được xem có công lớn trong việc triển khai chữ quốc ngữ tại Việt Nam. Việc phê phán và chỉ trích Petrus Ký của tác giả bắt nguồn từ những công trình tra cứu các tài liệu tàng trữ tại những thư viện hoặc văn khố ở bên Tây trong khoảng mùa Xuân năm 1996. Và thật ra chỉ dựa vào một, và duy nhất chỉ một, lá thư đánh máy không có đề ngày tháng, không có chữ ký cuối thư, nhưng đề tên người viết là Petrus KEY, gởi cho một sĩ quan cao cấp thuộc quân đội Pháp tại Việt Nam lúc đó, quan ba hải quân Jauréguiberry. Trong thư đó Petrus Key (?) đại khái có ca tụng nước Pháp và mong mỏi nước Pháp sớm mang quân sang đánh chiếm nước An Nam để bảo vệ đạo Ki Tô và những con chiên ngoan đạo.

Phải thẳng thắn nhìn nhận Nguyên Vũ quả thật là một nhà văn đã "thành danh" từ lâu, ngay từ khi còn ở Việt Nam. Hành văn rất lưu loát và khá trong sáng. Một thể văn hoàn toàn mới mẻ được tác giả gọi "tâm bút", phản ảnh tư duy và tao ngộ của tác giả, bao gồm loại văn hồi ký pha trộn với lối viết sử liệu, và giải bày tâm tư cùng quan niệm chính trị, hoặc phê phán đối với những nhân vật hay hiện tượng lịch sử. Giới ghiền đọc sách nhất là những sách về sử học có thể tìm thấy ở các quyển tâm bút của Nguyên Vũ một số dữ kiện hay hay nhưng dễ đọc vì không khô khan, khó hiểu như những quyển sách sử học thông thường. Theo thiển ý những ai thường khao khát tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, nhất là về nhà Tây Sơn, các giai đoạn triều Nguyễn, mãi cho đến biến cố 11 tháng 11 năm 1960 tại Miền Nam Việt Nam, nên tìm đọc ít nhất 1 quyển sách của tác giả Nguyên Vũ, Chính Đạo hoặc Ts Vũ Ngự Chiêu.

Thế nhưng, như tác giả Nguyên Vũ đã mặc nhiên nhìn nhận, không biết vô tình hay cố ý, qua tiềm thức hay trong ý thức sáng suốt, những tác phẩm tâm bút đó không thể khoác lên nó một chiếc áo giá trị sử liệu có phẩm chất cao. Bởi hai lý do giản đơn như sau. Thứ nhất, tác giả viết sách về sử học nhưng lại gán cho sách một thể văn mới mang tên "tâm bút" bao hàm một lối văn hơi nghiêng về "con tim" (tâm), về những tâm tư, tâm sự hoặc tâm tình, tâm can, tâm linh, tâm hồn, tâm huyết, tâm đủ thứ của tác giả - tức có thể sẽ mang ít nhiều tính cách chủ quan, sôi nổi của một văn sĩ chứ không phải của một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp. Thứ hai, vô hình chung tác giả cũng cho biết chính tác giả cũng không "sua", không hoàn toàn tin tưởng ở những gì tác giả viết, cho nên tác giả đã cố tránh ghi tên thật và chức năng khoa bảng của tác giả Tiến Sĩ Vũ Ngự Chiêu, PhD JD - và chỉ đề tên tác giả của hai quyển sách đó bằng bút hiệu nhà văn Nguyên Vũ. Trong sinh hoạt của giới chuyên nghiệp, việc một người mang học vị tiến sĩ về khoa sử học viết một quyển sách về sử học lại ký tên bằng bút hiệu văn sĩ, có lẽ cũng không khác nhau mấy chuyện một bác sĩ y khoa biên toa thuốc cho bệnh nhân và ký tên trong toa bằng bút hiệu thi sĩ của mình. Hoặc một luật sư ra toà, khi xưng tên họ luật sư đó lại quên ngang xương và xưng tên qua danh tánh ca sĩ của nghề tay trái của mình.

Mục đích của bài viết này do đó khởi điểm bằng việc chính tác giả cũng không “sua” về khám phá về lá thư mệnh danh của Petrus Key - sẽ thử phân tích những gì viết về Petrus Trương Vĩnh Ký trong hai quyển tâm bút kể trên. Bài này sẽ chia làm hai phần. Phần thứ nhất sẽ trích lại những đoạn chính yếu trong một bài viết về quyển tâm bút "Paris Xuân 96" đã được đăng tải ở một vài đặc san của cựu học sinh trường Petrus Ký xuất bản bên ngoài nước Việt Nam vào khoảng năm 2000. Phần thứ hai sẽ đưa ra một vài nhận xét về lá thư tìm được từ các thư viện và văn khố ở bên Tây, được Nguyên Vũ xem rằng của một người mang tên Petrus Key, và theo Nguyên Vũ Petrus Key và Petrus Ký tuy hai nhưng chỉ là một. Những chú giải và bàn luận về bức thư này đã tạo nên 1 trong 4 thiên chính của quyển tâm bút mới "Ngàn năm soi mặt".

1. Nhận xét về công kích Petrus Ký qua "Paris Xuân 96"

Quyển "Paris Xuân 96" (từ đây trở đi xin gọi tắt là quyển "Paris" hay "Paris") là một quyển sách "tâm bút" về sự kiện lịch sử mà tác giả đã tìm tòi ra được trong mùa xuân 1996 tại các thư viện và văn khố lớn ở Pháp. “Paris” được tác giả minh định là một quyển tâm bút, nên đã xuyên qua một số đề tài khác biệt và rất rộng kéo từ thời Tây sang đánh Việt Nam cho đến 1975. Điểm liên hệ chính đến bài này là những nhận xét Nguyên Vũ đã dành cho cuộc đời và sự nghiệp của Petrus Ký - trang 67 đến 74.

Trang 68 Nguyên Vũ (từ đây xin viết tắt NV) viết:

"Ông Trương Vĩnh Ký (1837-1898), theo tiểu sử chính thức, người làng Vĩnh Thành, huyện Tân-minh, tỉnh Bến Tre. Con ông Trương Chánh Thi. Mồ côi cha từ năm 1840, cậu bé Trương vĩnh Ký được mẹ bán cho một giáo sĩ Pháp làm con nuôi. Năm 1847, giáo sĩ này gửi cậu bé Petrus thông minh đĩnh ngộ qua học ở Pinhalu, Cao Miên."

Có cái gì không ổn khi NV viết đoạn đầu tóm tắt về tiểu sử Petrus Ký như trên? Thứ nhất không lẽ tác giả không có điều nghiên tư liệu viết bằng tiếng Việt về tiểu sử Petrus Ký hay sao mà ông không viết đến nghề nghiệp thân phụ của Petrus Ký? Vô đoạn đầu, tác giả đã có vẻ viết hơi thiếu vô tư rồi. Xin ghi lại ở đây thân phụ của Petrus Ký, ông Trương Chánh Thi là võ quan mang chức lãnh binh thuộc hai trào Minh Mạng và Thiệu Trị. Trước khi Trương Chánh Thi mất, ông lãnh mạng triều đình làm sứ thần bên cạnh vua Cao Miên, đóng quân ở phụ cận Nam Vang. Và ông Thi qua đời tại Nam Vang, lúc Petrus Ký vừa lên ba tuổi. Thứ hai, NV cũng có lối viết sử khá "sexist" (tức chỉ để ý đến phái nam mà không đá động gì đến phái nữ) phù hợp với thời xa xưa, trước thập kỷ 60: Không biên ra danh tánh của bà mẹ Petrus Ký, mà nhiều sách vở đã ghi lại, bà Nguyễn Thị Châu.

Thế tại sao NV lại cố tình gạt ra ngoài dữ kiện huyết thống đó mà có thể rất nhiều độc giả hiếu kỳ muốn biết? Đó có lẽ vì tác giả muốn gán ghép việc Nguyễn Thị Châu "bán" Petrus Ký cho một ông giáo sĩ làm con nuôi. Nếu viết Petrus Ký là con trai út của ông lãnh binh từng làm sứ thần ở xứ Chùa Tháp thì dùng động từ "bán" không đư?c. Bởi một bà goá phụ của một vị sứ thần mới đôi ba năm thì làm gì túng bẩn đến nỗi phải đem con ra bán (!). Nhất là bà mẹ lại là người "Nam kỳ" đâu có dễ bị đói rét không đủ tiền nuôi con mà phải "bán". Tác giả đã cố tình hay vô ý gạt ra ngoài dữ kiện thiết yếu thân sinh của Petrus Ký làm lãnh binh và tên họ mẹ của ông để dễ dàng đưa độc giả đến một phỏng đoán là cha của Petrus Ký chắc là người nông dân lam lũ hoặc một tá điền vô danh nào đó và mẹ của ông chắc thuộc giới buôn thúng bán bưng. Cũng có thể trong lối viết thể văn tâm bút mới, tác giả muốn thêm mắm dậm muối vào tiểu sử Petrus Ký một chút ít mùi vị "giai cấp" cho vui vui.

Theo mấy quyển sách tiếng Việt, bà cụ Châu vào một ngày nào đó trong năm 1846 được một cha cố người An Nam tên Cố Tám ghé thăm. Cố Tám vào nhiều năm trước có mang ơn của lãnh binh Trương Chánh Thi đã che chở giúp cố thoát được một cuộc vây bắt của quân lính triều đình đàn áp tôn giáo. Ông Cố Tám lúc đó muốn đền ơn cố nhân bằng cách nhận nuôi dưỡng và lo cho Petrus Ký ăn học. Cố Tám mới dẫn Petrus Ký về giáo đường dạy dỗ kinh thư và chữ quốc ngữ lúc đó mới bắt đầu phát triển. Về sau, khi Cố Tám về cõi Chúa, Petrus Ký mới được một linh mục người Pháp, có tên Việt là cố Long, trông nom.

Tác giả viết tiếp:

"Bốn năm sau, 1851, Petrus được du học ở Penang, với triển vọng thành một thứ thày kẻ giảng tức phụ tá hay thông ngôn bản xứ của các giáo sĩ Pháp. Không rõ Petrus đã tốt nghiệp đại chủng viện hay chưa."

Nêu lên nghi vấn không biết Petrus Ký có học nổi chương trình học bằng tiếng ngoại quốc hay không, tác giả có lẽ muốn bày tỏ nỗi băn khoăn của rất nhiều người đối với sự liên hệ giữa thành công trong việc học vấn và thành công trên trường đời. Điểm này chứng tỏ sự thành thật và tâm sự chính đáng của tác giả. Xin miễn bàn. Chỉ xin được góp ý lịch sử tự cổ chí kim vẫn cho thấy có nhiều người không có được tốt nghiệp khoa bảng gì hết nhưng đều thành công lẫy lừng trên nhiều lãnh vực. Hiện đại có Bill Gates người giàu nhất nhân loại đã từng bị đuổi ra khỏi đại học Harvard vì cứ thi hỏng hoài. Ở Việt Nam có những nhà nghiên cứu lừng danh như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Đăng Thục, Lê Ngọc Trụ, v.v. không có một bằng cấp lận lưng về chính các lãnh yực mà các vị ấy được nổi tiếng. Ở Trung quốc Kim Dung chỉ tốt nghiệp về ngành luật nhưng lại trở thành một đại văn hào về tiểu thuyết kiếm hiệp.

Theo các sách tiếng Việt, thời gian du học của Petrus Ký tại Penang là 8 năm. Chương trình học gồm cả thần học, triết học, tiếng Hy Lạp, tiếng Anh và nhất là tiếng La Tinh. Trong một kỳ thi luận văn bằng tiếng Latin, Petrus Ký đoạt hạng nhất và được quan Toàn Quyền Anh ở Singapore thưởng 100 đồng. Thiết tưởng một người đoạt giải thưởng hạng nhất quốc tế tại một chủng viện chứa 300 học viên Âu Á đã chứng tỏ được khả năng học vấn của mình rồi. Việc trở về nước với mảnh văn bằng hay với tay không sau 8 năm du học trở nên không quan trọng. Quan trọng hay không là những đóng góp gì Petrus Ký đã dành cho quê hương và dân tộc của ông ta.

Qua trang 69, NV viết:

"Từ ngày 12/4/1886 ông được theo Paul Bert ra Huế, làm việc trong Viện Cơ Mật. Vì triều đình Huế chưa có những người hợp tác "tinh thành với Đại Pháp" như Petrus Ký mong muốn, thời gian ngắn ngủi tại kinh đô nhà Nguyễn để lại những kỷ niệm đáng buồn.

Viện Cơ Mật Huế hơn một lần yêu cầu Pháp đừng gửi ra Huế những "quan thông ngôn" như Petrus Ký, hay Diệp Văn Cương, Lê Duy Hinh, v.v. nữa."

Viện Cơ Mật Huế đã hơn một lần yêu cầu Pháp đừng gửi ra Huế những “quan thông ngôn” như Petrus Ký, hay Diệp Văn Cương, Lê Duy Hinh, v.v. nữa? Yêu cầu bằng văn thư, hoặc bằng điện thoại bằng fax, hay bằng email? Không thấy tác giả trưng bày chứng cớ gì hết.

Xin phép tóm tắt những gì sách vở tiếng Việt ghi lại về những chuyến đi Huế của Petrus Ký. Trong chuyến đi Tây tháp tùng phái đoàn Phan Thanh Giản để thương thuyết chuộc lại 3 tỉnh miền Nam Gia Định, Biên Hoà và Định Tường vào năm 1883, Petrus Ký được

dịp làm bạn với nhiều học giả Pháp kể cả Victor Hugo, Ernest Renan, nhưng đáng kể nhất là Paul Bert. Paul Bert là một bác sĩ y khoa và tiến sĩ khoa học, giáo sư tại đại học Bordeaux. Vào tháng Giêng năm 1886 Paul Bert được đề cử làm toàn quyền xứ An Nam và Bắc Kỳ. Đến Sàigòn, Paul Bert tới thăm gia đình Petrus Ký và thiết chặt tình bằng hữu sau đôi ba năm liên lạc bằng thư từ với nhau. Trong chuyến ra Huế năm đó Paul Bert rủ Petrus Ký đi cùng để dễ ăn dễ nói với vua Đồng Khánh. Sau đó Paul Bert đi luôn ra Bắc và Petrus Ký ở lại Huế.

Vua Đồng Khánh đã có ấn tượng rất tốt với khả năng và tinh thần phò tá triều đình của Petrus Ký mới ngỏ ý mời Petrus Ký "tham chánh". Song Petrus Ký từ chối và chỉ xin lãnh chức "Cơ Mật viện Tham tá đặng phò Hoàng Thượng tiến hành điều độ sự nghị". (Cơ Mật Viện nói theo ngôn ngữ thời bây giờ là Hội Đồng An Ninh Quốc Gia bao gồm 4 đại thần thuộc hàng Chánh nhất Phẩm có nhiệm vụ cố vấn cho nhà vua). Lúc đó phe Tây bắt đầu có những hành vi phá bỉnh và lũng đoạn những hoạt động của Petrus Ký. Quan Hiệp Lý Villard ở Sài Gòn nhân chuyến du hành ra Huế của Petrus Ký tự động ký nghị định cho ông nghỉ ba tháng không lương. Rồi sau này khi Paul Bert chết tại Hànội (ngày 11/11/1886), người thay thế tạm thời của ông là Công sứ Bắc kỳ P. Vial tiếp tục trù Petrus Ký và giảm lương để dùng áp lực đưa ông về hưu. Thật ra Petrus Ký ở Huế không lâu vì đến khoảng thượng tuần tháng 7 năm 1886, có lẽ thấy cái "job" của mình - dù dưới mục đích tốt đẹp đề huề gì chăng nữa - rất khó khăn, gây nhiều "stress" và bệnh hoạn, Petrus Ký từ chức trở về Sàigòn trong sự bịn rịn của vua Đồng Khánh. Bằng chứng, vua Đồng Khánh có làm thơ bằng chữ nho tống tiễn Petrus Ký và bản dịch bài thơ này của Huyền Mặc đạo nhân được đăng trong đặc san Đồng Nai 1933. Sau đó khoảng cuối tháng 9, Petrus Ký được vua Đồng Khánh "điều ra" Huế một lần nữa để tham khảo ý kiến trong việc đối phó với nước "Đại Pháp", trước khi trở về Sài gòn hưu trí vĩnh viễn.

Đoạn kế tiếp của quyển Paris đưa ra thêm một dữ kiện sai lầm to tát, chứng tỏ việc viết lịch sử của một tiến sĩ sử học đã bị ảnh hưởng nặng nề của ngòi bút một nhà văn tên tuổi:

"Để tưởng nhớ công đức với tân trào, từ năm 1946, chính phủ Nam Kỳ tự trị của Y sĩ Nguyễn Văn Thinh lấy tên Petrus Ký đặt cho trường trung học bản xứ lớn nhất Sàigòn."

Theo tất cả các tài liệu, văn bản, sách vở về lịch sử có sẵn ở tại Việt Nam hoặc ở bên ngoài VN, trường Petrus Trương Vĩnh Ký chính thức mang tên người có công phát triển chữ quốc ngữ bắt đầu từ niên học 1929-1930. Trước đó trường này mang tên là Collège de Cochinchine. Điều này đã được Trần Văn Lắm, cựu Chủ Tịch Thượng Viện VNCH, lúc còn sinh thời xác nhận với các anh em cựu học sinh trường Petrus Ký, cũng như đã được ghi nhận trong các quyển hồi ký của Trần Văn Khê. Năm sinh của Trường trung học Petrus Ký là 1929 chứ không phải 1946 dưới thời ông Thinh. Vào năm 1946, không ai còn gọi thời Pháp thuộc "tân" trào nữa, nó đã cũ mèm và bắt đầu vào giai đoạn suy thoái và kết liễu! Sự kiện lịch sử rõ ràng như vậy lẽ nào tác giả lại sơ suất trong lúc thu thập tài liệu để viết quyển Paris? Nhưng nếu lầm lộn tại sao tác giả lại lồng tên trường vào thời ông Thinh? Có dụng ý nào đó chăng?

Quyển Paris viết tiếp:

"Người ta xưng tụng ông Petrus Ký là nhà bác học, thông thạo tới ... 26 thứ tiếng (một điều bất khả, theo những nghiên cứu về ngôn ngữ hiện nay), v.v."

Những nghiên cứu về ngôn ngữ nào sao không thấy tác giả trích dẫn? Theo như tài liệu người viết (từ đây xin viết tắt nv) đọc được, người đầu tiên viết Petrus Ký thông thạo 26 thứ tiếng là một ông Tây tên là Pierre Vieillard. Chính Nguyễn Văn Trấn trong quyển tiểu sử về Petrus Ký cũng chỉ viết Petrus Ký trong lúc ở Nam Vang học hành chung đụng với các học trò từ Cao Miên, Lào, Thái, Tàu nên thu nhập được tiếng nói thôi chứ chưa chắc đã thông thạo chữ viết. Tương tự trong 8 năm ở Penang, Petrus Ký cũng có lẽ học được tiếng Mã Lai hoặc tiếng Indonesia và một số tiếng nữa cũng qua sự chung đụng với trên dưới 300 học sinh từ nhiều nước khác trên thế giới sang đó du học. Những ngôn ngữ Petrus Ký thông thạo theo thiển ý có thể liệt kê như sau: Chữ quốc ngữ, chữ Nôm, chữ Nho, tiếng Tây, tiếng Latin, tiếng Tây Ban Nha (trong chuyến đi Tây với cụ Phan Thanh Giản, Petrus Ký có ghé Tây Ban Nha và được Nữ Hoàng Isabelle xứ này trao tặng huân chương), tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Ý, tiếng Mã Lai, và có lẽ một chút ít tiếng Nhật. Cộng với những thứ tiếng ông chỉ biết nói và viết sơ sơ nếu không đến 26 thì cũng tròn trèm 16. Đầy đủ thẩm quyền để góp công phát triển chữ quốc ngữ còn đang trong thời kỳ phôi thai và theo với đóng góp, đã được vinh danh 1 trong 18 nhà bác học trên thế giới vào thời đó.

Paris viết tiếp:

"Thực ra, trên phương diện văn hoá và tinh thần quốc gia, ông Petrus Ký khó so sánh được với những nhân tài miền Nam như cụ Võ Trường Toản, hay những anh hùng vị quốc vong thân như Trương Định, Thủ Khoa Huân, Thiên Hộ Dương, v.v."

Tôn trọng ý kiến riêng của tác giả chúng ta nên miễn bàn đến việc so sánh này nhưng chỉ nên bàn đến cái ethos (theo NV trong Paris) tức bản chất của đối tượng so sánh. Nv xin thú thật rất đỗi ngạc nhiên khi thấy NV đã so sánh một thư sinh chân yếu tay mềm, trói gà không chặc với một tướng lãnh trong việc chống đuổi ngoại xâm. Nó chẳng khác nào người ta so sánh cành hoa đào với súng đại bác. So sánh người mẫu Cindy Crawford với tướng Colin Powell. So sánh tướng Võ Nguyên Giáp với nhà văn Dương Thu Hương. Tướng De Gaulle với đào Brigitte Bardot. Điếu xi gà của tổng thống Clinton với cây thiết bảng của Tề Thiên Đại Thánh.

NV viết tiếp:

"Một nước Việt Nam độc lập thực sự phải dành việc vinh danh các vĩ nhân bằng cách đặt tên họ cho các trường học lớn. Công lao của ông Petrus Ký so với những Võ Trường Toản hay Quang Trung Nguyễn Huệ, thiết tưởng chẳng cần thêm một lời bàn."

Không hiểu tác giả muốn nói cái gì ở đây. Ở Mỹ Tho có trường Nguyễn Đình Chiểu, ở Sàigòn đã có trường Võ Trường Toản ở gần Sở Thú, và hình như đâu đó có trường Thủ Khoa Huân rồi. Hay là tác giả muốn xin đổi tên trường Chu Văn An (trường mà tác giả được học vào một hai năm cuối) thành trường Quang Trung chăng? Có một điểm đáng để ý, tác giả hình như vẫn còn mang phong tác của một ông "nhà binh" vì không thấy tác giả đề nghị đổi tên các trường để vinh danh những nhà văn hào như Nguyễn Du, Tú Xương, Đoàn Thị Điểm, Phan Huy Chú, Bà Huyện Thanh Quan, v.v. để học sinh có thể noi gương hiếu học hầu bảo vệ văn hoá của tổ tiên để lại. "Thiết tưởng" tên những nhà quân sự chỉ nên để vào các trường quân sự như người ta đã làm: Trung tâm huấn luyện quân sự Quang Trung, tác giả đã quên rồi sao?

Bây giờ xin trở lại trang 67 của quyển Paris:

"Xúc động và ngỡ ngàng nhất là lá thư không đề ngày của Petrus Key - một loại "thày kẻ giảng" được các giáo sĩ Pháp giới thiệu vào thông ngôn đoàn của đạo quân viễn chinh Pháp-Espania. Thư đến tay Jauréguiberry cuối tháng 3/1859. Trong thư, Petrus Key -

tức Petrus Ký hay Trương Vĩnh Ký sau này - nhân danh khối giáo dân Ki-Tô Việt Nam, khẩn nài quân Pháp hãy chiếm ngay miền Nam, lật đổ chính quyền nhà Nguyễn hầu cứu vớt giáo dân khỏi tay bạo chúa. Cậu thanh niên 22 tuổi đời, mới rời khỏi tu viện Penang,

ca tụng Grand Chef (Đại Nguyên Soái hay ông Chủ Lớn) Rigault de Genouilly (hoặc Jauréguiberry) như Samson, Moise hay Jacob đã 'được Thượng đế gửi tới gi?i thoát giáo dân Việt Nam'.

(còn tiếp)

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002