Đại Chúng số 111 - ngày 1 tháng 12 năm 2002

1001 CHUYỆN NHỚ QUÊN

Mộng Tuyền nữ sĩ

Cụ Lương Trọng Hằng Monterey Park (CA). Tôi có đọc Đai Chúng thấy bà cụ có giải đáp về Man Đa Ra, tôi sực nhớ đến từ Pháp Án. Vậy từ Pháp Án đó là gì? Đồng thời cũng xin bà cụ giải hộ luôn cho từ "Thủ Lăng Già", nó có nghĩa ra làm sao? Quả thật tình tôi không được rõ. Kính cẩn cám ơn bà cụ.

1. Pháp Án mà cụ đề cập đến đó là Mudrâ. Nó là biểu tượng, phù hiệu, giống các thủ lệnh của nhà binh, thường thường dùng tay là thông dụng hơn. Tuy nhiên cũng có những phái dùng đến cả chân hay cách đứng, cách ngồi và một vài phái cũng dùng đến cả thiệt hầu tức là lưỡi. Ví như:

A. Án pháp biểu tượng qua hai bàn tay.

Theo chân ngôn tông nếu dùng "Án" thì:

Bàn tay mặt biểu tượng cho cõi Phật.

Bàn tay trái biểu tượng cho cõi Người.

Ngón tay cái biểu tượng cho vũ trụ càn khôn.

Ngón tay trỏ biểu tượng cho Phong (gió)

Ngón tay út biểu tượng cho Thổ (đất).

Các loại "ấn pháp":

Thần ấn:Bắt ấn linh nhập vào trí tuệ.

Phục Ma ấn bắt ấn trừ tà.

Chư hạnh vô thường ấn.

Chư pháp vô ngã ấn.

Niết Bàn tịch tỉnh ấn.

(Có dịp tôi sẽ đề cập đến ý nghĩa của 3 pháp ấn bên trên, riêng phần này tôi chỉ xin đề cập về ấn pháp của Mật Tông, đó là những hành ấn áp dụng chung với Linh Phù và Thần Chú mà thôi.

Nói về hành ấn, cho đến bây giờ cũng không có sách vở nào ghi rõ có bao nhiêu hành ấn đã được phổ biến để dùng, chỉ biết có 172 hành ấn, trong ấy có 36 hành ấn thường được dùng. Bộ Nhất Bách Thất Thập Nhị Pháp ấn được chia ra như sau:

Thập lục nguyên khởi ấn: được phổ biến. / Thập lục phục ma ấn: tùy trường hợp phổ biến. / Thập lục luân hoàn ấn: có thể được phổ biến. / Thập lục nhân linh ấn: tùy nhân duyên phổ biến.

Nhị thập bát thượng tinh ấn: tuyệt đối không được phổ biến.

Trong Mật Tông, ngoài diệu pháp Liên Hoa Kinh, Thủ Lăng Già Ma Súramgama hay là Thủ Lăng Nghiêm đã được hàng ngàn học giả trên thế giới phiên dịch. Đầu tiên là hòa thượng Bát Lạt Mật Đế (Paramiti) đã dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán để truyền bá ra nơi miền Đông Đô vào đời nhà Đường. Thủ Lăng Nghiêm là bộ kinh đại thừa. Nội dung của kinh hàm dưỡng tư tưởng Thiền quán và Mật giáo. Thiền quán là truy về cội nguồn tự tánh chân tâm. Mật giáo là Thần chú với sức vạn năng tiêu trừ nghiệp của Bác Nhã, và Chứng Đắc Nhất Thừa Diệu Pháp của kinh Pháp Hoa.

Một Người Bạn Cao Niên tại Bắc Cali: Anh chuyển lại bà chị nhắc lại hộ: Đức Khổng Tử quê nơi nào? Triết thuyết của người là gì?

Đức Khổng người xã Xương Bính, huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông hạ lưu sông Hoàng Hà, dòng dõi nước Tống tỉnh Hà Nam. Tổ ba đời của Ngài sang ở Lỗ, tức tỉnh Sơn Đông. Thân phụ Ngài là Thức Lương Ngột nguyên là một võ quan. Người vợ trước cụ Thúc Lương Ngột sinh được 9 người con gái. Tiếp đến người vợ thứ hai sinh được một trai tên là Mạnh Bì. Nhưng tiếc thay người con trai này bị tật nguyền (què một chân). Mãi đến lúc tuổi già mới lấy được bà Nhan Thị, sinh ra Khổng Tử vào tháng 10 năm Canh Tuất tức thứ 21 đời Chu Linh Vương. Khi sinh ra, Ngài có tên là Khâu, tự là Trọng Ni.

Triết thuyết của Ngài là "Thuyết Nhân"! chỉ cho sự hiếu để. “Nhơn” của Khổng Tử không phải để yêu không mà còn cả ghét nữa.. (Luận Ngữ, Lý Nhân: "Duy chỉ người có đức Nhơn" mới có thể yêu, mới có thể ghét người".)

Ông Nguyễn Cao Thomas Ave. St. Paul MN. Có lần tôi đọc thấy một câu trong một tập sách như sau:

Mây đùn mấy đám tự nhiên

Chim bay mỏi cánh đã quen lối về!

Câu thơ này của tác giả nào? Và 2. Tôi muốn được có một số câu ca dao nói về nỗi tương tư. Vậy xin bà cụ giúp hộ cho hai câu hỏi bên trên.Thành kỉnh cảm ơn cụ.

1. Câu này của Đào Tiềm. Ca dao Trung Hoa cũng có câu tương tự:

Lưu thủy hạ than phi hữu ý

Bạch vân xuất tụ bản vô tâm.

Có nghĩa:

Mây đùn mấy đám tự nhiên

Chim bay mỏi cánh đã quen lối về.

2. Xin ghi lại một số lời ca dao nói về nỗi tương tư như ông muốn như sau:

Chiều chiều mây phủ Sơn Chà (có nơi gọi là Sơn Trà)

Lòng ta thương bạn, nước mắt và lộn cơm.

Đêm qua mở ngỏ đợi anh

Đêm nay nước mắt long lanh hai hàng.

Tay ôm bó mạ xuống đồng,

Miệng ca tay cấy mà lòng này những nhớ ai!

Anh về thấy cảnh thêm buồn

Nhành mai ủ dột, vách tường nhện giăng.

Bởi thương nên ốm nên gầy

Cơm ăn chẳng đặng gần đầy ba trăng.

Chiều chiều lại nhớ chiều chiều

Nhớ người thục nữ mỹ miều thuở nao!

Anh xa em chưa đầy một tháng

Nước mắt lai láng hai mươi tám đêm ngày.

Bao giờ cạn lạch Đồng Nai,

Nát chùa Thiên Mụ mới sai lời nguyền...

Cụ Vũ Toàn Orange County: Tôi nghe có bản "Văn Đàm Tế”, có phải đó là bài văn điếu không? Nếu bà chị nhớ xin giải thích hộ. Cám ơn bà cụ rất nhiều.

i Văn Đàm Tế này lúc còn ở quê nhà nhiều người thường hay dùng đến. Văn này chỉ dùng khi để tang cha mẹ được 27 tháng (sau đại tường 3 tháng) thì cúng. Lễ đó gọi là “Đàm Tế, ngày xưa người mang đại tang chọn ngày cúng để trừ phục. Bài Văn Đàm Tế như sau: (chép lại như khi còn ở Việt Nam):

... Duy,

Việt Nam quốc, tuế thứ.. nguyệt...nhật.

Quảng Nghĩa tỉnh,... huyện... xã...thôn...

Cô (ai) tử.. cẩn dữ thứ phẩm chi nghi. Cảm cáo vu:

Hiển khảo (hiển tỷ) húy...(...tính, húy..) phủ quân (nhụ nhân) chi linh vị tiền.

Viết: Thống duy phụ (mẫu) thân, khí quyên trần thế.

Xúc mục Xuân (huyện) đường vụ tỏa, vô lệ khả huy;

Hồi đầu Hộ (khởi) lĩnh vân mê, hữu hoài hạc ký.

Kể niên dĩ lịch nhị tường;giáng nguyệt thích lâm Đàm Tế.

Tuy hung lễ biến cát, tang phục tận trừ;

Nhiên nhân tử sự thân, hiếu tư võng thế.

Lễ biến cung hoàng thủy giản mao;

Tình thứ biểu thiên kinh địa nghĩa.

Cẩn cáo.

Tưởng cũng nên biết bài này lời văn dùng để cáo với anh linh phụ mẫu. Nếu trường hợp cho ông hay bà hay vợ chồng v.v... ta phải tìm lời văn nào cho thích hợp. Tôi chỉ nhớ đại khái như vậy. Xin đề nghị với ông nên tìm những bậc cao niên chuyên về văn điếu tế (hiện có thể rất nhiều tại Mỹ) thì rõ ràng hơn. Tôi không thông suốt lắm về vấn đề này.

Cụ Đồ Mậu Maryland (qua Diệp Bảo Quang): Bà cụ còn nhớ các loại giấy bạc Đông Dương ngày trước không? Nếu được bà cụ nhắc nhở hộ cho.

Bạc Đông Dương ngày xưa có nhiều loại như sau:

1. Tờ Năm Trăm có hình hình ảnh hai phụ nữ Pháp đang đứng ngay giữa tờ giấy bạc. Bên trên có hàng chữ lớn: BANQUE DE L’INDOCHINE. Nơi góc hai bên có in số 500, Bên góc trái tờ bạc khi ta cầm nhìn thấy có hai chữ lớn ghi số tiền: CINQ CENTS PIASTRES... Dưới đó là bốn hàng chữ nhỏ li ti, nếu chú ý đọc sẽ thấy phía trên hai chữ ký là hàng chữ nói về chức vụ của hai người ký trên tờ giấy bạc: Le président et le Directeur Général v.v.. Phía bên lưng sau đồng 500 này cũng vẫn hình ảnh của hai phụ nữ như bề mặt tờ giấy bạc 500 này. 2. Tờ giấy bạc MỘT TRĂM, bề mặt là hình của một người phụ nữ và cũng có hàng chữ Banque De L’Indochine và hai chữ lớn bên dưới ghi CENT PIASTRES. Phía bên sau tờ bạc Một Trăm có ghi hàng chữ Trung Hoa cạnh hai con voi và bên mặt là hình của một chàng trai bản xứ. Con số 100 đóng khung (in nơi giữa tờ bạc bên phía dưới). 3. Tờ bạc Hai Mươi Đồng cũng tương tự, tuy nhiên trên là hình ảnh các vị Phật hay thần linh của người Cao Miên hvà người Ai Lao thờ phượng. Bên dưới hình người phụ nữ một dòng chữ Việt ghi "GIẤY HAI CHỤC ĐỒNG” Đồng thời còn có hàng chữ Hán nhỏ bên cạnh hàng chữ Cao Miên lúc bấy giờ. 4. Giấy Năm Đồng có in hình Chùa Tháp, chữ Miên, chữ Lào và một hàng chữ Việt Nam lớn chạy dài bên dưới tờ Năm Đồng này. 5. Tờ bạc MỘT ĐỒNG, bên phía tay trái có in hình ảnh một người phụ nữ ăn vận kiểu người Bắc Việt. Bên trên có hàng chữ Banque De L’Indochine, ngay góc mặt còn ghi con số 1 lớn. Nơi giữa và phía dưới tờ bạc hàng chữ Pháp nói về trị giá của tờ giấy bạc "UNE PIASTRE. Lật bên sau có hình một thanh niên gánh dưa đi bán. Vì vậy mà lúc bấy giờ gọi là "Đồng Bạc Gánh Dưa". (Tưởng cũng nên biết lúc bấy giờ đồng Đông Dương trị giá cao hơn đồng Franc của Pháp và tương đương với đồng Dollar của Hoa Kỳ... Dưới đó là các loại bạc giấy 50 CENTS ( năm chục xu) gọi là NĂM HÀO. Dưới tờ 50 Cents còn có loại bạc giấy 5 Cents gọi là tờ NĂM XU v.v.....Đại khái là vậy, còn nhiều loại bạc khác được tung ra thị trường Đông DƯơng sau đó nữa... Có dịp tôi xin trở lại vấn đề các loại bạc Đông Dương này cùng cụ.

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002