Đại Chúng số 109 - ngày 1 tháng 11 năm 2002

ĐỌC BÁO DÙM CÁC BẠN

Ký Điệu ghi lại các báo

Nhà Văn Hung Gia Lợi Thắng Giải Nobel Văn Chương năm 2002

TIN TỪ STOCKHOLM, Thụy Điển – Giải Nobel Văn Chương cho năm nay đã được công bố, và người thắng giải là một nhà văn Hung Gia Lợi. Ông Imre Kertesz 72 tuổi là người Hung Gia Lợi gốc Do Thái. Ông đã sống sót trong trại tù tập trung của Đức Quốc Xã trong thời Đệ Nhị Thế Chiến. Hàn Lâm Viện Thụy Điển nói rằng những tác phẩm của nhà văn Imre Kertesz đã "duy trì những kinh nghiệm mong manh của một cá nhân trước sự độc đoán tàn nhẫn của lịch sử."

Tác phẩm được nhắc đến trong bản thông báo của Hàn Lâm Viện cũng là tác phẩm đầu tiên của ông Kertesz được xuất bản vào năm 1975. Tác phẩm có tựa đề là “Vô Định” (Sorstalansag). Trong tác phẩm này nhà văn đã viết về một thiếu niên bị đưa vào trại tù Auschwitz. Thiếu niên đã khuất phục các thế lực để có thể sống sót. Hàn Lâm Viện nói rằng đối với ông Kertesz thì kinh nghiệm trong trại tập trung cho thấy "sự thật tối hậu về sự suy đồi nhân phẩm trong thời cận đại.” Ông Kertesz là người Hung Gia Lợi đầu tiên thắng giải Nobel Văn Chương. Vào ngày mai Hàn Lâm Viện tại Na Uy sẽ công bố giải Nobel Hòa Bình và kết thúc một tuần lễ công bố những giải thưởng cho năm nay.

2.- Đây là bài viết cũa nhà văn Phạm Trần đăng trên báo Con Ong tại nam Cali. Ký Điệu thấy rất hay nên xin phép cho đăng lại bài viết rất hay cũa anh Phạm Trần này.

VIỆT NAM: CÁCH MẠNG MÙA THU VÀ NĂM CAM

57 năm sau Năm Cam và Tham Nhũng đã ăn trùm 19-8-1945

Phạm Trần

Hoa Thịnh Đốn.- “Nạn tham nhũng, lãng phí gắn với bệnh quan liêu đang diễn ra phổ biến và nghiêm trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt trong đầu tư xây dựng và quản lý đất đai, làm cho nhân dân phẫn nộ và bất bình" (Báo Nhân Dân, 15-8-02)

"Quá trình điều tra mở rộng vụ án Năm Cam cho thấy một số cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất đã đồng lõa, bênh vực, bao che, chạy tội cho tên trùm xã hội đen Năm Cam và đồng bọn....” (Lê Văn Bình, Tạp chí Xây Dựng Đảng, tháng 8-2002)

“Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu của chúng ta tuy đã có được một số kết quả bước đầu, nhưng quy mô c?a nó chưa bị thu hẹp; tính nguy hiểm, tính gay go và ác liệt của nó chưa có dấu hiệu suy giảm..." (Bà Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Trung ương)

Đó là những nhận định về tham nhũng ở Việt Nam, xuất hiện trong đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) vào đầu tháng 8-2002. Nhưng đó chỉ là những lời than vãn của những người kẻ vứt tóc vò đầu ở vào ngõ bí không biết phải xử trí ra sao.

Ngược lại cách nay 50 năm, Hồ Chí Minh đã thẳng thắn kết tội, dù lúc ấy tính tham nhũng, quan liêu trong đảng còn lén lút, hạn chế: "Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân... tội ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám..." (Hồ Chí Minh trong "Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu", viết năm 1952 , Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, 1995, Hà Nội)

Như vậy là đã có hai cách đối xử khác nhau với những cán bộ, đảng viên tham nhũng, quan liêu giữa Hồ Chí Minh và hậu duệ, bề tôi bây giờ.

Vì vậy mà bà Doan đã thốt ra điều ăn năn: “50 năm sau đọc lại và suy ngẫm tác phẩm Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu, chúng ta càng thấy có lỗi nhiều trước khát vọng của Bác." (Tạp chí Cộng sản, số 13-2002)

Nhưng “có lỗi” không chỉ tác hại đến danh dự và tư thế lãnh đạo của đảng CSVN, hay của những người cầm đầu đ?ng và nhà nước mà "lỗi" này của những người nối tiếp nhau cầm quyền là "tội" phản bội lòng tin, ít hay nhiều, của nhân dân.

Vào năm 1946, ngày 10-1, Hồ Chí Minh nói với Ủy Ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc rằng: "Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Chúng ta phải thực hiện ngay: “làm cho dân có ăn; làm cho dân có mặc; làm cho dân có chỗ ở; làm cho dân tộc được học hành... Làm cho người nghèo đủ ăn, đủ ăn thành giàu, đã giàu lại giàu thêm... Nhưng nếu dân ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm thì độc lập và tự do cũng chẳng có ý nghĩa gì..." (Thanh Hoàn, tài liệu Đảng CSVN nói về mục tiêu cách mạng)

Đó là mục tiêu của Cách mạng tháng Tám năm 1945 mà người Cộng sản tự nhận do họ lãnh đạo thành công, nhưng cũng chính người Cộng sản đã nuốt nhưng lời hứa ấy để 57 năm sau, đến tháng 9 năm 2002, những ước mong và hứa hẹn của Hồ Chí Minh cũng chưa thực hiện được.

Vậy mà vẫn có những người trơ trẽn gọi ngày Việt Minh cướp công cách mạng của toàn dân là "một kỳ tích lịch sử, sự kỳ diệu hiếm có...” của đảng CSVN. Hay “Cách mạng Tháng Tám là bước khởi đầu huy hoàng cho những giai đoạn tiếp theo của Cách mạng Việt Nam đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội..." (Vũ Hiền, Tạp chí Cộng sản 14-02) đảng CSVN.

Hồng Vinh, Phó Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương cũng huênh hoang “Đảng ta, người tổ chức thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám thần kỳ, đã và đang lãnh đạo nhân dân ta thực hiện công cuộc đổi mới đất nước... vai trò lãnh đạo của Đảng được phát huy lên tầm cao mới, xứng đáng là Đảng của trí tuệ, của văn minh...” (Nhân dân hằng tháng, số 64 tháng 8-2002)

Trí tuệ và văn minh đâu không thấy, người dân chỉ thấy rõ một điều: chính người Cộng sản đã sỉ nhục, trét vôi, bôi nhọ vào mục đích của cuộc Cách mạng mùa Thu năm 1945 bằng những hành động mua quan bán chức, bóc lột dân lành, tham nhũng, quan liêu, lãng phí của công.

Bằng chứng này đã và đang hiện ra trước mắt những người cầm quyền bây giờ, tiêu biểu là vụ án Năm Cam (Trương Văn Cam) đang làm lung lay tận gốc guồng máy cai trị của đảng và nhà nước.

SỰ THẬT

Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng CSVN viết trong mục Ý kiến chúng tôi, ngày 15-8-02: “Từ những dự án lớn đến những công trình quy mô nhỏ, khi thanh tra thì đều có tình trạng "rút ruột" vật tư (vật liệu), tiền vốn của Nhà nước, đến nỗi “mới xây thôi đã hỏng".

"Từ các vụ việc trên, có thể thấy rằng có sự thông đồng giữa một bộ phận cán bộ, công chức biến chất, giữa chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, giám sát với đơn vị thi công để moi tiền nhà nước, làm giàu bất chính. Rõ ràng, chất lượng dự án, công trình lớn, nhỏ đều phản ánh trình độ, năng lực đặc biệt là phẩm chất, đạo đức cán bộ, công chức. Và do đó, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí hết sức khó khăn, phức tạp; cần phải tiến hành một cách kiên trì, quyết liệt và đồng bộ."

Nhưng “đồng bộ” (làm cùng một lúc, cùng một nhịp độ) như thế nào thì Nhân Dân đề nghị: "Khẩn trương hoàn thiện các văn bản về luật pháp, nhất là xây dựng luật chống tham nhũng, lãng phí, khắc phục các kẽ hở và bất hợp lý đang bị lợi dụng; bổ sung quy định về quản lý tài sản công, về đầu tư, xóa các “đường dây chạy công trình", "chạy thầu"... Thực hiện thật nghiêm Quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là lĩnh vực liên quan đến tài sản công, tài chính Nhà nước, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử, đoàn thể xã hội và nhân dân đối với cán bộ, công chức ở mọi cấp...."

"Trước mắt", bài báo viết tiếp," truy đến cùng các vụ tham nhũng, lãng phí, buôn lậu..., nhất là các vụ án có tổ chức, móc nối với các phần tử xấu trong bộ máy công quyền, xử lý thật nghiêm những người sai phạm, bất kể họ giữ cương vị gì..."

Tại sao lại cần phải có một bộ luật chống tham nhũng trong khi đảng đã có nhiều văn kiện liên quan đến vấn đề này?

Tục ngữ Việt Nam có câu "nhiều thầy thối ma, nhiều cha con khó lấy chồng" là một bằng chứng thất bại của kế hoạch chống tham nhũng của người CSVN.

Uông Chu Lưu, tân Bộ trưởng Tư Pháp phản ảnh tình trạng tụt hậu này: "Hệ thống pháp luật Việt Nam có nhiều quy định về phòng, chống tham nhũng, như Bộ Luật Hình sự, Pháp lệnh chống Tham nhũng, Pháp lệnh Công chức, Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, Nghị định về kê khai tài sản....Song đến nay hiệu quả chống tham nhũng vẫn rất hạn chế..." (Nghĩa Nhân, tin VASC Orient, 9-8-02)

Tình trạng bất lực của nhà nước CSVN nghiêm trọng đến nỗi họ không còn biết xấu hổ, tự ái dân tộc để mời các chuyên gia Thụy Điển giúp nghiên cứu về hoạt động của tham nhũng và chống tham nhũng tại Việt Nam.

Theo lời Bộ trưởng Lưu thì: "Đề án nghiên cứu tổng quát về tham nhũng và chống tham nhũng đã được chuẩn bị từ 1 năm nay, do Ban Nội chính trung ương chủ trì, Bộ Tư pháp là cơ quan phối hợp tham gia. Dự kiến Việt Nam và Thụy Điển sẽ ký một hiệp định riêng hợp tác nghiên cứu vấn đề này. Mục tiêu của đề án là đánh giá, nghiên cứu tổng quan về tham nhũng, nguyên nhân của tham nhũng, và tại sao chống tham nhũng ở nước ta chưa đạt hiệu quả cao."

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của hai miền Nam-Bắc, những người cầm quyền đã bán danh dự của Tổ quốc, của Dân tộc để nhờ người ngoài giải quyết việc nhà cho mình.

Nhưng Lưu lại biện giải lòng vòng: "Đây là lần đầu tiên ta hợp tác quốc tế ở cấp chính phủ để nghiên cứu về vấn đề tham nhũng ở Việt Nam. Còn ở cấp chuyên gia, trong quá trình sửa đổi Bộ Luật Hình sự, xây dựng Pháp lệnh chống tham nhũng, các giáo sư nước ngoài đã trao đổi nhiều với nhà làm luật Việt Nam. Có người lo ngại rằng, đối tác nước ngoài có thể sử dụng số liệu, vụ việc cụ thể của ta để xuyên tạc, đánh giá sai lệch về tình hình hiện nay của bộ máy Đảng, Nhà nước Việt Nam. Nhưng trong chương trình hợp tác này, phía Thụy Điển chỉ hỗ trợ về mặt kỹ thuật và tài chính. Hơn nữa, chống tham nhũng ở ta là chủ trương nhất quán (thống nhất từ đầu đến cuối), được đề ra từ lâu rồi.”

Tiết lộ của Lưu càng chứng tỏ tất cả những luật lệ, biện pháp ngăn và chống tham nhũng của đảng CSVN từ trước đến nay đều thất bại. Sự việc này giải thích có ý nghĩa câu nói "chiếc áo không làm nên thầy tu" hay dù có bao nhiêu luật mà kẻ thi hành luật cũng tham nhũng như kẻ phải chấp hành luật thì huề cả làng, cùng làm cùng hưởng.

NĂM CAM VÀ CÁCH MẠNG

Thái độ này đã phản ảnh thật rõ từ các vụ tham nhũng, bao che, gây bè kết phái, bẻ cong pháp luật, xử án bằng tiền hay biển thủ công quỹ ở Tamexco, Tân Trường Sanh đến băng đảng xã hội đen Năm Cam.

Lê Đức Bình viết trong Tạp chí Xây dựng Đảng (tháng 8-2002): "Chính dựa vào số cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất trong bộ máy công quyền mà bè lũ Năm Cam đã hoành hàngh ngang ngược, trắng trợn, thách thức công lý và dự luận xã hội kéo dài trong nhiều năm (ít nhất cũng từ trước năm1992). Số cán bộ, đảng viên này là những người có chức có quyền trong bộ máy hành pháp và tư pháp, trong một số cơ quan báo chí, ở phường, quận, thành phố cho tới cơ quan Trung ương, có cán bộ cấp thấp và cán bộ cấp cao, có những cán bộ, đảng viên xuất thân từ thành phần cơ bản đã từng lập được những thành tích công tác và chiến đấu trong quá khứ chưa xa..."

Vẫn theo Bình, kể từ khi đảng CSVN phát động “Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng” từ ngày 19-5-1999, trong các đợt đánh giá công tác thì nơi nào cũng cho mình "lãnh đạo chặt chẽ, sát sao... phê bình nghiêm túc..." Nhưng Bình vạch ra: "Nghe đánh gía, ai cũng mừng. Nhưng vụ án Năm Cam, và một số vụ án khác xảy ra chính thời điểm ấy, thì không thể không đặt lại vấn đề đánh giá lâu nay – ít ra là ở ngành và các đơn vị này – có chủ quan, lạc quan quá không? Phải chăng thực tế tình hình là nghiêm trọng hơn nhiều cái mà ta vẫn nghĩ?"

Nhưng không phải chỉ có cấp cò con "làm láo báo cáo hay" mà ngay cả các cấp ủy Đảng cũng bẻm mép như nhau. Bình viết tiếp: "Những năm qua, các cấp ủy đảng đã tăng cường chỉ đạo củng cố cơ sở, số chi bộ, đảng bộ cơ sở đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh mỗi năm một tăng, có những địa phương, những ngành đạt tới trên 85 – 90% số đảng viên đủ tư cách cũng hầu như cả 100%. Hẳn cũng không ít cơ quan, đơn vị có cán bộ, đảng viên dính líu vào các vụ án nói trên (Tamexo, Tân Trường Sanh, Năm Cam v.v...) đã được danh hiệu đó.”

Vạch ra như thế rồi, Bình hỏi Đảng: "Tại sao có số cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý đã phạm sai lầm một thời gian khá dài mà cấp ủy và cơ quan tham mưu về cán bộ không hay biết, vẫn đánh giá cao, đề bạt được giới thiệu ra ứng cử vào chức vụ lãnh đạo, quản lý, đến khi báo chí phanh phui thì các cơ quan chức năng mới bị động đi kiểm tra? Có cán bộ đã giàu lên rất nhanh, có đất rộng, có biệt thự sang trọng, sắm ô tô đời mới, có tiền cho con đi học nước ngoài, v.v... mà sao thủ trưởng, chi bộ và cấp ủy quản lý cán bộ ấy không yêu cầu kê khai và giải trình nguồn gốc tài sản theo đúng Pháp lệnh về kê khai tài sản và Quy định của Bộ Chính trị về những điều đảng viên không được làm? Do bệnh quan liêu, chủ quan, đại khái, hời hợt trong công tác quản lý cán bộ hay còn do những nguyên nhân nào khác?"

Những"nguyên nhân nào khác" thì Bình phải hỏi đâu xa, cứ gõ đầu Bộ Chính trị thì ra ngay. Điển hình như vụ Năm Cam, sự cố có liên hệ, bao che, chia phần với băng đảng này trong nhiều năm của hai Ủy viên Trung ương Đảng : Trần Mai Hạnh (Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam) và Bùi Quốc Huy, Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công An đã rả lời.

Ngoài ra còn có Phạm Sỹ Chiến, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Hoàng Ngọc Nhất, Thứ trưởng Bộ Công an cũng dính líu với Năm Cam, không kể vài trăm viên chức cảnh sát, công an ở 14 Tỉnh, Thành phố.

Theo hai báo Thanh Niên và Tiền Phong thì Năm Cam và đồng bọn bị buộc 21 tội danh như “giết người, mua bán ma tuý, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, tổ chức đánh bạc, che giấu tội phạm, lợi dụng chức quyền, thiếu trách nhiệm, cố ý làm sai lệch hồ cơ, bắt giữ người trái pháp luật, nhận hối lộ và môi giới nhận hối lộ..."

Hai báo kết luận: “Đây là vụ án liên quan đến nhiều cán bộ, kể cả cấp cao; thậm chí một số đối tượng tìm cách tung tin thất thiệt, đánh lạc hướng điều tra.

Cho đến ngày 16-8-02, theo báo Sài Gòn Giải Phóng, mới có 22 cán bộ cấp tép riu bị khai trừ khỏi đảng, trong số này có 9 người đang làm việc tại Công an thành phố HCM. Vậy trường hợp của các liên can mặt lớn Trần Mai Hạnh, Bùi Quốc Huy, Phạm Sỹ Chiến và Hoàng Ngọc Nhất sẽ được xử trí ra sao mà trong lệnh cách chức để “hợp thức hóa” quyết định của Bộ Chính trị ngày 29-7-02, Phan Văn Khải không nói gì đến, kể cả việc truy tố trước pháp luật?

Nói như bà Doan thì: "Ngày nay, tham nhũng, quan liêu chẳng những là một nguy cơ mà đã thực sự trở thành một hiểm họa trong thức tế. Nó không những đã trở thành quốc nạn, mà còn là nguyên nhân số một của các nguy cơ khác..."

Bà Doan bảo Đảng mối nguy này, theo lời (cựu Thủ tướng) Phạm Văn Đồng, thì đó là “điều đáng sợ nhất là "diễn biến hòa bình từ nội bộ Đảng ta." (Tạp chí Cộng sản, số 10, tháng 5-1999)

Vì vậy Bà đã yêu cầu đảng phải "nhất quyết không sợ vì do đấu tranh quyết liệt chống tệ nạn tham nhũng, quan liêu và xã hội đen sẽ làm mất cán bộ như một số người lo ngại....Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu chúng ta có thể mất "một bộ phận không nhỏ" cán bộ, đảng viên nào đó, nhưng Đảng và Nhà nước ta sẽ lấy lại được niềm tin yêu của quần chúng nhân dân..."

Lê Đức Bình cũng nói thẳng với Nông Đức Mạnh:”Những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất trong vụ án Năm Cam phải bị xử lý nghiêm minh theo kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước. Đó là một việc cần thiết để làm trong sạch và lành mạnh bộ máy đảng và nhà nước, củng cố niềm tịnh của nhân dân."

Vấn đề đặt ra là liệu Bộ Chính trị 15 người và 150 Ủy viên Trung ương do Nông Đức Mạnh cầm đầu có đủ can đảm chặt đứt những ngón tay cùi hủi trong đảng hay tay ai cũng mắc chứng ghẻ lở không còn chữa được nữa?

Vậy cách mạng tháng Tám mùa Thu cách nay 57 năm có còn ý nghĩa gì với Năm Cam không? -/-

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002