Đại Chúng số 109 - ngày 1 tháng 11 năm 2002

CHUYỆN DÀI ĐẤU TRANH

An Xuyên

Cuộc biểu tình đòi hỏi Tự Do và Dân Chủ cho Việt Nam theo tinh thần bất bạo động của thánh Ghandi đã diễn ra trước tòa đại sứ Cộng Sản Việt Nam tại Hoa Thịnh Đốn ngày 21 tháng 9 năm 2002, do Đảng Cấp Tiến Liên Quốc Gia kêu gọi và tổ chức với sự tham gia của trên 3000 người thuộc 103 quốc gia, cùng với 130 Dân biểu Âu Châu. Trong số này có sự hiện diện của hơn 600 người thuộc đồng bào thiểu số của vùng Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam, xuất phát từ North Carolina. Với số người tham dự đông đảo và rất nhiều biểu ngữ cầm tay nói về việc đàn áp người sắc tộc thiểu số tại Việt Nam, đồng bào miền Thượng đã chứng tỏ tinh thần đoàn kết đấu tranh cao độ, khiến cho các ông bà lãnh tụ cộng đồng người Kinh hiện diện phải thẹn thầm cho tình hình tranh đấu của ta. Các ông bà thở than rằng tinh thần dân tộc miền Thượng quá cao, vừa chân ướt chân ráo định cư ở Mỹ, đời sống còn thiếu thốn, chưa ổn định mà đã chịu khó mỗi người đóng góp 50 đô la cho công tác biểu tình một cách ngọt sớt, không hề thắc mắc điều gì. Các ông bà còn mong mỏi, ước sao người Kinh học hỏi được tinh thần đấu tranh của người Thượng thì đỡ khổ cho mấy ông bà quá. Có lẽ các ông bà nghĩ rằng dân đồng bằng Việt Nam keo kiệt, ít khi nhả đồng nào ra cho các cuộc biểu tình và nếu nhả xong thì lại cứ mần mò tìm hiểu xem tiền bạc nó chui vào cái túi của ai. Thiệt là dân đồng bằng không biết đấu tranh gì sốt cả. Các ông bà không quen ghi sổ sách, nay cứ phải trả lời về con số chi tiêu, biết đào đâu ra những con số ẩn hiện như bóng ma đó.

Không biết có phải vì bận bịu đấu tranh, các ông bà đã quên khuấy đi mất vào đầu thập niên 80, dân Việt Nam ta cũng đâu có chật hẹp gì với các ông bà tranh đấu. Lúc đó, lòng dân như thác lũ, ồ ạt theo các ổ kháng chiến của các ông bà, cũng đóng góp không biết mệt tiền triệu cho các ông bà đấu tranh, và không ai đặt vấn đề các ông bà chi dùng tiền bạc của công ra sao. Nhưng chỉ vài năm sau đó, chính các ông bà đầu não đã lôi nhau ra tòa kiện tụng vì tiền bạc luộm thuộm, ăn chia không đồng, chứ không phải dân ngu khu đen tố giác. Liên tiếp kể từ đó đến nay, đã có bao nhiêu quyên góp, bao nhiêu hy sinh, tặn tiện từng đồng gởi cho kháng chiến, gởi cho các cuộc biểu tình, các cuộc đấu tranh đủ loại của các ông bà. Chỉ vài ba ngày chống Trần Trường đã quyên góp đến vài trăm ngàn đô la Mỹ. Đài phát thanh vừa hô hào cứu lụt, cứu lội cũng thâu vô hơn trăm ngàn. Sách vở dán hình cha Lý cũng bán hàng ngàn cuốn. Móc túi dân đồng bằng đâu có gì khó khăn. Nhưng kết quả, sau những phó thác, tin cậy, dân đồng bằng đã gặt hái được điều gì từ những chuyện dài tranh đấu của các ông bà? Cộng Sản càng ngày càng bành trướng. Văn hóa Cộng Sản càng ngày càng lấn áp văn hóa hải ngoại. Sản phẩm Cộng Sản tràn ngập thị trường. Lũ tay sai và thân Cộng thản nhiên ăn cùng mâm với các ông bà trong các tiệc gây quỹ. Các ông bà xúi cha Lý tự do tôn giáo hay là chết trong lúc các ông bà chẳng có ma nào chết cho tôn giáo. Cha Lý vào tù, các ông bà vội vàng nhảy qua đấu tranh kiểu khác. Kiểu nào cũng được, chụp giựt miễn là có lợi cho cái hào quang danh vọng của cá nhân các ông bà. Rõ ràng trách người mà không nghĩ đến nguyên nhân.

Tình trạng đấu tranh èo ọt ngày nay chẳng qua cũng chỉ vì những kẻ hoạt đầu, múa rối chính trị đã làm mất quá nhiều lòng tin của người dân. Khí thế chống Cộng mỗi ngày một tiêu hao bởi vì cứ sau mỗi lần hô hào giải phóng đất nước là lại một lần đổ bể, thối nát về tiền bạc, chức vụ. Quá nhiều các cá nhân, đoàn thể, đảng phái cách mạng không minh bạch tiền bạc, lại chuyên nghề giành giựt chức vụ, danh vọng hão. Cộng đồng, hội đoàn, đoàn thể nào cũng phần lớn tưng bừng ra mắt rồi âm thầm lặn, vì không ai chịu nổi những phường bát nháo vừa háo lợi, vừa háo danh đã làm mất hết ý nghĩa của tập thể hợp quần để tạo sức mạnh đấu tranh. Người thành tâm cách mấy cũng phải nản lòng sau những tiếp tay, hiến công góp sức tưởng rằng cho mục tiêu cao đẹp, ai ngờ chỉ là cho bọn người khoác áo yêu nước, thương nòi để lợi dụng người khác vào mưu đồ cá nhân. Thêm vào đó, bọn người xôi thịt còn phát sinh những trò gây bè, kết phái làm suy hại không ít lòng đoàn kết của cộng đồng hải ngoại. Dân miền Thượng chỉ là sắc dân thiểu số nhưng mỗi lần có đấu tranh, con số người tham dự của họ, tính theo tỷ lệ, chưa lần nào ít hơn người Kinh. Trong lúc đó, nhiều cuộc biểu tình tại Hoa Thịnh Đốn của cộng đồng Việt Nam, số người tham dự chỉ đếm được trên đầu ngón tay, và nếu điểm mặt thành phần tham dự thì chỉ toàn các đấng lãnh tụ, chủ tịch hội nọ, đoàn kia, không có hội viên quèn nào hiện diện. Thế mới biết căn bệnh hữu danh vô thực của cộng đồng Hoa Thịnh Đốn trầm kha đến đâu. Sự kiện èo ọt này cũng bắt đầu từ các đấng lãnh tụ mà ra. Nếu các đấng chủ tịch cao cả cố dành chút ít lương tâm, biết dẹp bỏ lòng tham vô đáy, đừng một người ôm hai, ba Hội Đoàn, giữ năm, bảy chức vụ, choán chỗ không cho ai làm việc, miệng giả đò dân chủ kêu gọi người già,người trẻ tiếp tay nhưng sự thực chỉ muốn đè đầu cưỡi cổ thiên hạ, lúc nào cũng nghĩ mình là cái rốn của vũ trụ, xem thường người khác, coi giới trẻ là bù nhìn và tay sai. Cứ cái đà này, làm sao có thể bàn giao cho giới trẻ trách nhiệm cứu nước khi các đấng anh minh đi về với cát bụi?. Và nếu các đấng lãnh tụ anh minh cứ khư khư tranh đấu lòe dân cầu lợi kiểu này, liệu rằng ngày các đấng về bên kia thế giới, có ai còn can đảm đấu tranh nữa hay không?

Dân tộc Việt Nam anh dũng đã bao lần vùng dậy chống xâm lăng, chống ách thống trị của ngoại bang. Bị Tàu đô hộ cả ngàn năm mà vẫn lấy lại được giang sơn và không bị đồng hóa. Hiếm dân tộc nào có ý chí bất khuất như vậy. Vụ Trần Trường là một chứng minh hùng hồn cho lòng yêu nước nhiệt thành của dân chúng Việt Nam hải ngoại. Năm sáu chục ngàn người đã xuống đường, một lòng góp công góp của quyết tâm loại trừ bất cứ vết tích nào của Hồ Chí Minh, sư tổ của những tên đồ tể Cộng Sản Bắc Việt, kẻ đã xua quân xâm lấn, cưỡng chiếm miền Nam, gây cảnh tang thương cho hàng triệu đồng bào miền Nam. Nhưng mỗi lần nhớ đến thành quả này, người yêu nước vừa hãnh diện, lại vừa hổ thẹn. Hãnh diện vì đồng bào hải ngoại vẫn chưa quên mối thù mất nước, vẫn tràn đầy nhiệt huyết đấu tranh. Nhưng hổ thẹn tái tê vì thùng tiền chính nghĩa giờ đã theo cái túi của ai, im hơi lặng tiếng nơi nào. Ngọn lửa đấu tranh vừa bùng cháy, lại vội vàng tắt ngúm chỉ vì lòng tham vô đáy, bất nhân bất nghĩa của loài người. Nói gì đến thường dân, các đoàn thể quân nhân cũng không tránh khỏi tình trạng suy sụp. Đã từng làm kiếp người hùng trước năm 1975, mà giờ đây, một số đoàn thể quân nhân, từ ông chủ tịch đến ông hội viên, ông nào cũng bò về thành Hồ du hí, muối mặt luồn cúi bọn Cán ngố đần độn đã từng hết lời nhục mạ các ông là hèn hạ, là bám đuôi Mỹ. Mỗi năm họp mặt một lần chẳng biết để làm ích lợi gì cho dân, hay chỉ để vênh vang bộ vó phản bội, mời gọi lũ tay sai và thân Cộng ngồi hàng ghế đầu danh dự để đánh đổi lấy vài ba trăm đồng yểm trợ dơ bẩn. Không những vậy, còn trơ trẽn tặng hoa nịnh bợ mấy bà vô duyên đã từng lặn lội thân cò đi tới đi lui tòa đại sứ Việt Cộng, cũng chỉ để bắt mánh vài ba trăm nhơ nhớp của bà vô duyên. Có những dạ tiệc mang tiếng là tổ chức họp mặt quân nhân cùng khoá nhưng lại mang cả đám tay sai Việt Cộng đến cùng hưởng cùng ăn, trịnh trọng cho vào hàng quan khách hòng xin xỏ tiền bạc, ân huệ. Lũ tay sai chỉ cần mua đấu giá ủng hộ vài ba trăm đồng bạc là được đưa lên hàng quan khách đại ân nhân, được lên sân khấu phát biểu đề cao cá nhân để phủ lấp những việc làm ám muội của bọn chúng. Không những vậy, còn được nịnh bợ chụp hình để đưa lên quảng cáo trên báo quân đội. Ông điều khiển chương trình mặc quần áo lính, nhưng miệng liên hồi khoe khoang vừa đi Việt Nam về, quảng cáo không công cho Việt Cộng ngay trên sân khấu, nhắc đi nhắc lại chuyện du hí Việt Nam khiến cho quan khách phải mắc cở dùm. Quả là không biết nhục và không biết tội nghiệp cho màu áo hùng anh đã từng vấy máu quân thù trên chiến địa ngày nào. Thời còn đất nước trong tay, đồng ý các ông quân nhân không cần làm chính trị chính em gì ráo, các ông chỉ cần xả thân đánh giặc, giữ gìn bờ cõi là đủ cho tổ quốc tri ân. Nhưng ngày nay, tình thế đã thay đổi, đất nước đã mất, dù gì các ông đã từng là những người trực tiếp đối đầu Việt Cộng, đánh đuổi xâm lăng, xin các ông đừng bỏ rơi bổn phận, sống vô trách nhiệm làm hoen ố màu áo anh hùng. Với tình trạng đấu tranh mạnh ai nấy múa như hiện nay, cờ Việt Cộng sẽ cắm đầy hải ngoại một ngày không xa. Bọn Cộng Sản Bắc Việt nhục nhã vì sau bao nhiêu cố gắng vuốt ve, phong tặng hải ngoại là Việt kiều yêu nước, là khúc ruột ngàn dặm, lá cờ máu của bọn chúng vẫn chỉ thập thò treo trong xó cái toà nhà, tạm gọi là tòa đại sứ Việt Cộng nên bọn chúng cố tình triệt hạ lá cờ vàng chính nghĩa của dân tộc Việt Nam bằng mọi cách, gián tiếp qua tay những kẻ ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng Sản. Tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, đã có hai viên đá dò đường đang được tung ra để mở đầu cho kế hoạch triệt hạ lá cờ vàng và lũng đoạn công cuộc đấu tranh của cộng đồng hải ngoại. Một viên đá đề nghị đi biểu tình không nên cầm cờ vàng, chỉ cầm cờ Mỹ, với lý do bôi bác: Mỹ không ưa lá cờ bại trận. Một viên đá vừa gây phong trào không chào cờ trong tiệc gây quỹ, vừa quảng bá cho phong trào đi về thăm quê hương, vì viên đá ngu muội cho rằng không đi về Việt Nam là không yêu xứ sở. Tình trạng tệ hại đến mức này mà vẫn chưa thấy thân hào nhân sĩ nào lên tiếng. Khác hẳn trong các buổi họp, tranh nhau đập ghế đập bàn, không ai chịu thua ai một câu. Đã vậy, các viên đá còn được vinh dự sánh vai các ông đi biểu tình, đọc diễn văn. Kiểu kết hợp cho đông để lợi dụng qua, lợi dụng lại. Thiệt là uổng công các chiến sĩ VNCH đã ngày đêm bên tuyến đầu lửa đạn, hiến dâng xương máu đánh đổi an bình cho lũ người vong ơn bội nghĩa giờ đang chạy theo lũ Cộng Sản vô thần. Còn bao nhiêu đấu tranh thui chột khác. Các ông bà chỉ xâu xé nhau, còn trước mặt lũ tay sai và Cộng Sản lại im lìm như hến. Trách sao dân chúng chẳng dững dưng trước những lời kêu gọi thống thiết của các ông bà.

Cộng đồng hải ngoại ngày nay sung mãn về mọi mặt, nhân sự lẫn tài chánh, khả năng trí tuệ, học thức không thiếu trong mọi ngành nghề nhưng chưa một tổ chức nào kết hợp được thành một mối cũng chỉ vì tính chất quan liêu, tham quyền cố vị, đục khoét của công vẫn còn đầy trong hàng ngũ gọi là lãnh tụ hải ngoại. Lòng yêu nước thương nòi vẫn cuồn cuộn chảy trong tim người Việt tỵ nạn. Dù cho những lợi dụng tâm huyết đồng bào đã làm mệt mỏi phần nào ý chí đấu tranh, nhưng bản chất người Quốc Gia không những yêu nước còn kiên nhẫn và dễ dàng tha thứ, cho nên đến giờ phút này, lòng dân vẫn chưa ngừng tranh đấu. Bề mặt không còn nao nức như những ngày đầu chập chững trên xứ người, nhưng ý chí chắc chắn vẫn chưa hề suy giảm. Mong các ông bà tranh đấu hồi tỉnh lại, đặt quyền lợi tổ quốc lên trên quyền lợi cá nhân để củng cố hàng ngũ chống Cộng hải ngoại và xây dựng một cộng đồng trong sạch, không kết hợp với lũ tay sai, thân Cộng, cùng nhau đoàn kết gắn bó để không mang tiếng thua sút đồng bào Cao Nguyên Việt Nam và giữ vững ngọn cờ vàng, chờ ngày giải phóng quê hương.

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002