Đại Chúng số 108 - ngày 16 tháng 10 năm 2002

GIAI THOẠI VĂN CHƯƠNG CAO BÁ QUÁT

Tivi Sưu Tầm

Cao Bá Quát là một văn tài xuất chúng của nước ta vào thế kỷ 19. Ông hiệu là Chu Thần, người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh.

Ngay từ thuở nhỏ ông đã nổi tiếng học giỏi nên được mọi người coi như một thần đồng. Người anh sinh đôi với ông là ông Cao bá Đạt cũng là một người học rất giỏi.

Tuy vậy ông không được may mắn trong việc thi cử. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) ông thi Hương trường Hà Nội, đậu á nguyên cử nhân, tức là đỗ thứ nhì trong kỳ thi đó. Nhưng khi bài thi bị duyệt lại vì có lỗi nhỏ nên bị đánh tụt xuống cuối bảng. Vào trong kinh để thi Hội nhiều lần, ông đều bị đánh trượt..

Thời bấy giờ có ông Nguyễn Văn Siêu nổi tiếng là hay chữ. Được biết ông Siêu dạy học ở Hà Nội, ông Quát từ Bắc Ninh sang Hà Nội đến trường của ông Siêu dạy để nghe giảng bài. Ông Quát tới nơi, đứng cửa sổ dòm vào, thấy một ông đồ khoảng 25, 26 tuổi, ngồi trên một cái chõng cũ siêu vẹo, học trò thì ngồi lê la dưới đất, chứng tỏ là một lớp học nghèo. Thầy đồ Siêu nhìn thấy một anh chàng trẻ tuổi chừng mười lăm, mười sáu, thơ thẩn đứng ngoài cửa sổ nhìn vào, thầy đồ hỏi:

- Anh đi đâu mà đứng ở đây?

Ông Quát trả lời:

- Tôi là học trò đi qua trường thấy thầy giảng văn muốn xin thầy cho vào nhập học.

Ông Siêu muốn thử tài học của anh, bèn nói:

- Nếu thật anh là học trò, thì anh đối thử vế đối này:

- Tiên sinh tọa tịch thượng, cót chi két, két chi cót, cót cót két két.

(ông thầy ngồi trên chõng, (chõng kêu) cót két, két cót, cót cót két két).

- Tiểu tử nhập đình trung, thẩn chi thơ, thơ chi thẩn, thẩn thẩn thơ thơ (trò nhỏ vào sân trường, (đi) thẩn thơ, thơ thẩn, thẩn thẩn thơ thơ.

Nguyễn văn Siêu nghe vế đối tài tình rất phục, mời vào trong ngồi, hỏi tên tuổi và lai lịch mới biết là Cao bá Quát ở Bắc Ninh, là người mà ông đã nghe tiếng đồn là thần đồng. Về sau hai người đi lại thăm nhau luôn và trở thành đôi bạn thân thiết mặc dầu tuổi tác chênh lệch, rồi hai ông nổi tiếng khắp nơi, được người đời khen tặng là "thần Siêu thánh Quát".

Cao Bá Quát còn ít tuổi nên có tính kiêu căng, ai ông cũng chê là học dốt. Ông nói: "Cả thiên hạ có 4 bồ chữ, anh Bá Đạt tôi và ông Nguyễn văn Siêu giữ một bồ, một mình tôi chiếm hai bồ, còn một bồ thì phân phối cho cả thiên hạ."

Một lần khác, ông Cao Bá Quát qua trường quan Đốc Học Hà Nội, nghe giảng sách. Quát nghe thấy đoạn nào giảng không hay, ông đứng ngoài khạc nhổ tùm lum làm ồn ào, quan Đốc học tức giận sai lính ra bắt dẫn vào.

Quan Đốc hỏi tên tuổi Quát, ở đâu, mà vô lễ như vậy?

Ông Quát đáp là học trò ở Bắc Ninh.

Quan Đốc học hỏi học thầy nào?

Ông Quát đáp: Tôi học ông Trình, ông Chu.

(ông Trình ông Chu là ông Trình Y Xuyên và ông Chu Hối Am là hai học giả đời Tống (960-1279) ở bên Tàu, chuyên giảng tứ thư ngũ kinh, là những sách mà tất cả học trò nho học đều phải đọc)

Nghe ông Quát trả lời ngang dở, quan Đốc học nổi giận nói:

- Đã học đạo Thánh hiền thì phải biết lễ phép, tiên học lễ, hậu học văn! (Học lễ phép trước, rồi mới học chữ nghĩa sau). Xưng là học trò mà vô lễ với người trên, tội đáng đánh đòn không thể tha thứ được! Nhưng ta ra một vế đối nếu đối được thì ta tha, còn nếu không đối được thì ta sai lính đánh đủ 50 roi.

Rồi quan Đốc học ra vế đối:

- Nhĩ tiểu sinh hà xứ đáo lai, cảm thuyết Trình Chu sự nghiệp? (Trò nhỏ kia, mày ở đâu tới mà dám nói đến sự nghiệp của Trình Chu?

Ông Quát đáp:

- Ngã quân tử kiến cơ nhi tác, dục vi Nghiêu Thuấn quân dân (Ta người quân tử, nhìn thời cơ mà hành động, muốn làm quân dân thời vua Nghiêu vua Thuấn).

Quan Đốc học nghe đối đáp, thất kinh về chí khí của cậu học trò, và thấy câu đối hay không thể bắt bẻ vào đâu được, bèn nuốt giận mà thả Cao bá Quát ra về.

Cao Bá Quát học giỏi lắm mà chỉ đỗ đến cử nhân thôi, bao lần thi Hội (thi tiến sĩ) mà không đỗ, chỉ vì ông ngông nghênh không chịu tuân theo thể lệ khắt khe của trường thi nên ông cứ bị đánh hỏng mãi.

Thời xưa khi làm bài thi thì phải tránh phạm trường quy nghĩa là tránh phạm vào những điều cấm, nếu vô ý vi phạm thì sẽ bị rớt mặc dầu văn hay chữ tốt. Những điều cấm kỵ thì có rất nhiều. Thí dụ như là phạm tên huý của vua hay tên cha mẹ, tổ tông nhà vua thì gọi là phạm húy, phạm vào tên huý khác như phạm vào tên các cung điện thì gọi là khiếm tị, thiếu sự kính trọng thì gọi là khiếm trang. Cái sự khiếm trang rất là khó tránh vì chữ nho không có dấu phẩy, dấu chấm, ngắt câu, chấm câu như chữ quốc ngữ. Nếu vô tình để chữ cuối câu trên và chữ đầu câu dưới, tuy ở hai câu khác nhau, nhưng đọc lên có nghĩa khiếm trang thì cũng có tội. Thí dụ trong câu văn: “Xuân sinh thu sái. Đế đạo dữ thiên đạo nhi tịnh hành" có nghĩa là: Mùa xuân sinh ra, mùa thu thu lại. Việc của đời Đế đi đôi với việc của Trời. Nghĩa chỉ có thế thôi. Nhưng khi viết chữ nho thì không có dấu phẩy, dấu chấm ngắt câu như viết chữ quốc ngữ bây giờ. Câu thí dụ trên viết theo chữ nho là: ỏXuân sinh thu sái đế đạo dữ thiên đạo nhi tịnh hành. Nghĩa thì cũng vẫn là một, không khác gì. Nhưng nếu câu văn viết như vậy thì quan chấm trường sẽ quy vào tội khiếm trang, thí sinh bị đánh hỏng vì rằng đã viết hai chữ sái và chữ đế cạnh nhau. Bởi vì, chữ sái (nghĩa là thu lại) chữ nho viết y như chữ sát (nghĩa là giết) nên sái đế có thể đọc là sát đế tức là giết vua, nên thí sinh viết câu đó bị đánh hỏng.

Vì có sự đề cử của quan tỉnh Bắc Ninh, vua Thiệu Trị (1841-1847) biết tài của ông, nên năm 1841 gọi ông vào trong kinh bổ làm chức Hành tẩu là một chức nhỏ tại bộ Lễ.

Khi vua Tự Đức (1847-1883) lên nối ngôi, - vua Tự Đức rất có tài làm thơ văn - nghe tiếng hai anh em ông Quát, Đạt là anh em sinh đôi cùng học giỏi, hiện làm việc ở bộ Lễ, vua vời ông Quát vào trong cung ra một câu đối để thử tài:

- Nhất bào song sinh, nan vi huynh, nan vi đệ?

(một bọc sinh đôi, khó biết ai là anh, khó biết ai là em.)

Ông Quát đối lại:

- Thiên tải nhất ngộ, hữu thị quân hữu thị thần.

(nghìn năm gặp một lần, có vua ấy, có tôi ấy.)

Vua Tự Đức rất hài lòng về vế đối này.

Tuy nhiên ta cũng có thể hiểu rằng, Cao Bá Quát có ý nói "có ông vua tài giỏi (như Tự Đức) thì cũng có bề tôi tài giỏi (như tôi đây!)"

Trong thời gian làm việc tại Huế, ông thường làm bạn xướng họa với các danh sĩ đương thời như Tuy Lý Vương, Tùng Thiện Vương, Hà Tôn Quyền, v.v... trong Mặc Vân Thi Xã ở Huế.

Nhưng với tính kiêu ngạo của ông, có lần ông đọc mấy bài thơ xướng hoạ của thi xã, ông chê là dở, ông lấy tay bịt mũi mà nói rằng:

- Ngán thay cái mũi vô duyên

Câu thơ Thi xã, con thuyền Nghệ An

Đọc thơ người mà bịt mữi làm như ngửi thấy mùi khó chịu thì quả thật ông ngạo mạn khinh người quá đáng!

Một lần khác vua Tự Đức làm một đôi câu đối:

- Tử năng thừa phụ nghiệp

Thần khả báo quân ân

(con nối nghiệp cha, tôi đền ơn vua).

Tự Đức đọc cho các quan nghe. Các quan đều tấm tắc khen hay, vội lấy giấy bút chép mang về nhà treo như một bảo vật! Thực ra thì hai câu đó rất tầm thường, nói đến tam cương ngũ thường trong đạo Nho, nghĩa vua tôi, đạo cha con, chứ chẳng có gì là hay ghê gớm, nhưng các quan trong triều thấy vua khoe một đôi câu đối (hay khoe một bài thơ), thì dù hay dù dở cũng phải đồng thanh tán duơng khen ngợi để...” lấy điểm! “.

Nơi làm việc của Cao bá Quát tại công sảnh bộ Lễ, cũng có treo đôi câu đối đó, lẽ tất nhiên chỗ đề tên tác giả thì phải đề "nguyên Hoàng Đế bút, ngày tháng năm: Tự Đức ...niên...nguyệt...nhật”. Cao bá Quát đọc hai câu đó, mặc dù biết là của nhà Vua, nhưng không dằn được tính kiêu ngạo, cầm bút viết lên trên đó:

- Hảo hề! hảo hề! phụ tử quân thần điên đảo!

Có nghĩa là: Hay thiệt! hay thiệt! cha con vua tôi đảo ngược!

Lễ bộ sợ hãi, tâu trình. Vua cho đòi Bá Quát tới. Quát bị lính giải tới trước mặt vua, Quát bình tĩnh nói:

- Tâu Bệ Hạ! từ nhỏ đến lớn thần đọc sách Thánh Hiền đều nói đến đạo quân thần ở trên đạo cha con, chứ chưa bao giờ nghe thấy nói đạo cha con ở trên đạo vua tôi, nay xem đôi câu đối, thần không thể ngăn được lòng bất mãn.

Vua Tự Đức nghe Quát nói có lý và đã biết tiếng Quát là tay văn học giỏi, liền phán rằng:

- Nếu vậy phải sửa sao cho đúng phép?

Quát thưa:

- Tâu Bệ Hạ, thần xin sửa như sau:

Quân ân, thần khả báo

Phụ nghiệp, tử năng thừa

(Ơn vua, tôi phải trả. Nghiệp cha, con phải theo)

Vua chịu là hay, nhưng lòng tự ái của vua bị bề tôi vô lễ và lòng tự ái của một nhà thơ bị sửa văn, làm vua Tự Đức căm giận và ghét thầm. Tuy nhiên Vua không trừng phạt mà lại tha cho Quát .

Một lần tại nơi Cao Bá Quát làm việc ở bộ Lễ, Quát chứng kiến một vụ cãi cọ giữa hai vị quan đồng sự, mới đầu hai người đấu khẩu nhau về một vụ gì đó, rồi sau tức giận quá đi đến ẩu đả nhau. Bộ Lễ tâu lên vua để phân sử. Vua bắt lính dẫn cả hai bên và nhân chứng là Cao bá Quát để xét hỏi.

Từ xưa Quát vẫn ghét những quan đồng sự ở bộ, nên nhân dịp được vua truyền gọi đến làm chứng, Quát làm tờ khai sau đây, cốt để “chửi xỏ” tất cả bọn quan lại cùng làm việc ở bộ.

Tờ khai bằng chữ nho như sau:

Tiền thần bất tri

Hậu thần bất tri

Trung gian thần tri

Đản kiến:

Thượng bàn hô cẩu!

Hạ bàn hô cẩu!

Thượng hạ giai cẩu.

Lưỡng tương đấu ẩu

Thần gián bất đắc

Thần kiến thế nguy

Thần hoảng thần tẩu.

Nghĩa là: Trước ra sao, sau thế nào, thần không được biết. Thần đến lúc nửa chừng thấy bàn trên hô: "Chó!", bàn dưới cũng hô: "Chó!" Trên dưới đều là chó. Rồi hai bên đánh nhau. Thần can không được. Thần thấy nguy, thần sợ thần chạy.

Vua Tự Đức đọc tới câu “Thượng hạ giai cẩu”, biết là Quát lợi dụng lời khai để hỗn xược, gọi tất cả là chó, nhưng vì lời khai đúng sự thực nên không làm gì Quát được phải cho Quát ra về.

Một lần khác nữa, vua Tự Đúc khoe với các quan rằng đêm hôm trước vua làm được hai câu thơ:

Viên trung oanh chuyển "khề khà" ngữ

Dã ngoại đào hoa "lấm tấm" khai

(Trong vườn chim oanh hót giọng "khề khà", ngoài đồng hoa đào nở "lấm tấm").

Hai câu thơ chữ Hán này đã dùng chữ "khề khà" và chữ "lấm tấm" là những chữ nôm, không phải chữ hán, nghe thì trôi chảy có âm điệu, nhưng không thể chấp nhận được vì chưa bao giờ có ai làm thơ pha hán nôm. Các quan nghe lấy làm lạ nhưng cũng vẫn phải tấm tắc khen hay. Chỉ có Cao Bá Quát là không chịu được, Quát tâu với vua rằng:

- Tâu Bệ hạ, thần cúi xin Bệ Hạ tha tội, hai câu thơ này thần đã được nghe từ hồi còn đi học. Toàn bài là tám câu, thần xin đọc để Bệ Hạ thưởng lãm.

Cao Bá Quát đã thật nhanh trí khôn, mau lẹ bịa ra một bài thơ để chế diễu nhà vua, Cao bá Quát đọc:

Bảo mã tây phương huếch hoác lai,

Huênh hoang nhân tự thác đề hồi.

Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ,

Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai.

Xuân nhật bất văn sương lộp bộp,

Thu thiên chỉ kiến vũ bài nhài.

Khù khờ thi tứ đa nhân thức,

Khệnh khạng tương lai vấn tú tài.

Có nghĩa là:

Ngựa quý từ phương tây huếch hoác lại,

Người huênh hoang nhờ cậy dìu về.

Trong vườn chim oanh khề khà hót,

Ngoài đồng hoa đào lấm tấm nở.

Ngày xuân chẳng nghe tiếng sương lộp bộp,

Trời thu chỉ thấy mưa bài nhài.

Thi tứ khù khờ mà nhiều người biết,

Khệnh khạng mang đến hỏi ông tú tài.

Vua Tự Đức nghe xong, tức lắm vì chính hai câu thơ là do Tự Đức nghĩ ra đêm hôm trước, Vua biết là Cao bá Quát bịa đặt ra bài thơ để xỏ lá, nhưng ngoài mặt nhà Vua cũng phải khen hay và sai lính mang trà tặng thưởng Cao bá Quát.

Cao bá Quát được cử làm giám khảo một khoá thi ở Thừa Thiên, trong khi chấm bài ông thấy có một bài văn thật hay mà lại phạm một lổi nhỏ, ông nghĩ đến thân phận mình đã qua cầu phạm trường quy nên muốn giúp cho một người học giỏi mà không may mắn, nên ông dùng muội đèn để sửa và chấm bài đó cho điểm cao. Chẳng may việc phát giác, ông bị đày vào Đà Nẵng. Hai năm sau ông được phép theo sứ bộ Đào Tri Phú đi sứ Tân Gia Ba để chuộc tội. Khi trở về ông được phục chức.

Ông ngậm ngùi viết:

Nỗi mình tưởng đến mà đau

Chút danh theo đuổi mái đầu hoa râm

Nhưng vì tính tình kiêu ngạo của ông, ông bị mọi người ghét, kể cả vua Tự Đức, nên đầu năm 1954 ông bị đổi ra ngoài bắc, làm chức giáo thụ phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây. Chẳng bao lâu, không chịu nổi cuộc sống nhạt nhẽo ở một nơi hèo lánh so với cuộc sống ở kinh đô trước kia, và chán nản về công việc buồn tẻ của chức giáo thụ trông coi việc học của một phủ nhỏ, ông xin cáo quan về nhà.

Mấy câu đối ông làm thời kỳ đó, tỏ ra một tâm trạng chán nản ê chề, tức tối tài minh không được sử dụng đúng chỗ, than thở ra những lời khinh bạc

1- Nhà trống ba gian,một thầy,một cô,một chó cái

Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi.

2- Trói chân kỳ ký cho vào rọ

Rút ruột tang bồng trả nợ cơm

(kỳ ký là tên hai giống ngựa nổi tiếng là ngựa hay, ngựa tốt. Trong văn chương dùng hai chữ kỳ ký để ví một người với bực nhân tài xuất chúng. Tang bồng hồ thỉ chỉ chí khí cao cả của nam nhi, nay phải dùng vào việc cơm áo).

Lúc bấy giờ, con cháu nhà Lê vẫn còn muốn nổi lên chống lại triều đình nhà Nguyễn để tái lập cơ đồ nhà Lê, Cao Bá Quát đang phẫn uất vì có tài mà không được dùng, bất bình vì những tên vô tài được trọng dụng trong triều đình Huế xiểm nịnh hại ông đổi ông ra nơi thôn dã với một chức vụ không xứng đáng với tài của ông, nên ông theo đám quân của Lê Duy Cự nổi lên ở phía Sơn Tây, Bắc Ninh. Vì năm đó có nạn châu chấu phá hoại mùa màng nên người đương thời gọi cuộc nổi dậy của Lê Duy Cự là "giặc châu chấu". Lê Duy Cự tôn Cao bá Quát làm quân sư. Trên lá cờ nổi dậy, ông cho thêu đôi câu đối, coi như là châm ngôn của cuộc chiến chống nhà Nguyễn:

Bình Dương, Bồ Bản vô Nghiêu Thuấn

Mục Dã, Minh Điền hữu Võ Thang

(Chú thích: Bình Dương, Bồ Bản là kinh đô của vua Nghiêu, vua Thuấn hai vị vua hiền đời thượng cổ nước Tàu. Mục Dã là nơi Võ Vương đánh đổ bạo quân Trụ Vương rồi lập ra nhà Chu, Minh Điền là nơi vua Thang nhà Thương đánh đuổi bạo quân Kiệt rồi lập ra nhà Thương).

Tháng chạp năm đó (1854) ông bị Phó lãnh binh tỉnh Sơn Tây là Lê Thuận vây bắt được. Tự Đức ra lệnh xử tử ông và chu di ba đời, nên ông anh song sinh là Cao bá Đạt đang làm tri huyện ở Nông Cống cũng bị bắt giải về Hà Nội, dọc đường ông Đạt tự tử chết. Cao bá Nhạ là con ông Đạt trốn thoát, ẩn náu trong vùng huyện Mỹ Đức, Hà đông, đến năm 1862 bị tố cáo, ông Nhạ bị bắt đày lên thượng du, rồi ông chết ở đó. Trong nhà tù. Bá Nhạ làm bài Trần Tình và bài Tự Tình Khúc rất là thống thiết.(có dịp TV tôi sẽ trở lại hai bài này).

Trong khi bị giam chờ đợi quyết định của triều đình, ông Cao Bá Quát bị xiềng xích trong nhà tù, nhưng ông không hết ngạo mạn.

Câu đối sau đây được truyền tụng là ông làm ra trong thời gian ấy

Một chiếc cùm lim chân có đế

Ba vòng xích sắt đứng thì vương.

và trước khi bị đưa tới pháp trượng sử trảm, ông đã ứng khẩu câu đối sau đây::

Ba hồi trống giục mồ cha kiếp

Một nhát gươm đưa bỏ mẹ đời.

Tiếc thay! một thiên tài mà không được dùng tới đến nỗi bị chết uổng.

Hai câu thơ truyền tụng mà có người nói là của vua Tự Đức ban khen, đã nói đến 4 nhà thơ văn nổi tiếng thời Tự Đức:

Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán

Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường.

Có nghĩa là: Văn như văn của ông Siêu, ông Quát thì đánh đổ cả văn chương đời Tiền Hán; thơ đến như thơ của ông Tùng, ông Tuy thì át hẳn thơ hay cuả thời thịnh Đường.

Trên kia đã nói đến ông Nguyễn văn Siêu lúc còn dạy học ở Hà Nội. Ông đỗ Phó Bảng năm 1938 (39 tuổi) làm quan đến chức án sát, về sau cáo quan về nhà dạy học. Nơi ông ở là thôn Dũng Thọ, huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nôi, sau khi Hà Nôi được chỉnh trang, được đặt tên gọi là phố Án sát Siêu (tức phố Ngõ Gạch). Tùng thiên Vương và Tuy lý Vương là hai con thứ 10 và thứ 11 của vua Minh Mệnh, là hai nhà thơ nổi tiếng trong Mặc Vân thi xã quy tụ những nhà thơ tài giỏi như Hà Tôn Quyền.

Cao Bá Quát thật là một văn tài của nước nhà, nhưng chẳng may số phận không được may mắn nên lận đận trên con đường khoa cử và công danh, mà xét cho cùng cũng tại cái tài sớm nở của ông đã làm ông được sớm quý trọng từ lúc còn nhỏ tuổi, ông không tự kiềm chế được thói kiêu căng quá đáng, cho nên mọi người không ai chịu được tính tình của ông, ngay cả nhà Vua, vì vậy ông đã sống không toại nguyện, sống phẫn uất mà chết cũng chẳng có gì là xứng đáng với thiên tài của ông. Ông chết năm 1854. Các tài liệu nói về ông đều không biết ông sinh năm nào, nghĩa là không biết ông chết năm bao nhiêu tuổi.

Căn cứ vào giai thoại kể trên lúc ông Quát tới trường gặp ông Siêu lần đầu, lúc bấy giờ ông Siêu khoảng 25, 26 tuổì, ông Quát khoảng 15, 16 tuổi, nghĩa là ông Quát kém ông Siêu khoảng 10 tuổi, Tivi tôi đoán năm sinh của ông Quát khoảng năm 1809 vì trong các tài liệu đều có chép năm sinh của ông Siêu là 1799. Như vậy ta có thể ước đoán, mặc dầu không có bằng cứ chính sác, ông Quát sinh năm 1809, mất năm 1854, khoãng 45 tuổi (1809-1954).

Thơ văn của ông rất nhiều, nhưng đã thất lạc, một phần bị thiêu hủy vì không ai dám giữ sợ bị liên lụy. Còn lại được một tập thơ chữ hán "Chu Thần thi tập" trong có những bài diễn tả tâm sự như "Hoành sơn vọng hải ca" (bài Ca qua Đèo Ngang trông biển), bài "Đạo phùng ngã phu" (Đi đường gặp người đói), và thơ văn chữ nôm được truyền tụng gồm một số câu đối, bài phú và những bài hát nói. Thơ văn ông man mác chan chứa tư tưởng chán chường, bao hàm ý mỉa mai chua chát, lâng lâng như muốn ra ngoài ngoại vật:

Khoảng trời đất cổ kim kim cổ

Mảnh hình hài có có không không

(trích bài Uống rượu tiêu sầu)

Tuy nhiên ông cũng không thoát khỏi cái thú thích hưởng nhàn, thích thi tửu và hoa nguyệt của các nhà nho đương thời:

Thú nguyệt hoa là nợ sẵn với cầm thư

Cuộc thi tửu để riêng người phong nhã

(trích bài Hội ngộ)

Bài hát sau đây tiêu biểu cho tâm sự chán đời của ông:

Thế sự thăng trầm quân mạc vấn

Yên ba thâm xứ hữu ngư châu (1)

Vắt tay nằm nghĩ chuyện đâu đâu

Đem mộng sự đọ với chân thân (2) thì cũng hệt.

"Duy giang thượng chi thanh phong, dữ sơn gian chi minh nguyệt" (3)

Kho trời chung mà vô tận của mình riêng.

Cuộc vuông tròn phó mặc khuôn thiêng

Ai thành thị ai vui miền lâm tẩu (4)

Gõ dịp lấy, hát câu "Tương tiến tửu" (5)

Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai bôn lưu đáo hải bất phục hồi".(6)

Làm chi cho mệt một đời!

(Chú thích:

1) Việc đời lên xuống bạn chẳng nên hỏi, trong chốn khói sóng mịt mù có chiếc thuyền câu. Hai câu thơ này mượn thơ Đường.

2) mộng sự là việc trong mộng, chân thân là việc thực.

3) Chỉ có gió mát trên đầu sông, cùng trăng sáng trên khoảng núi là kho vô tận của Tạo hoá chung cho mọi người mà mình có thể hưởng thoả thích cho riêng mình.

Câu này lấy trong bài Phú Xích Bích của Tô Đông Pha, đời Tống.

4) Lâm tẩu là rừng rú, chỗ ở ẩn (ĐDAnh)

5) Tương tiến tửu: cùng mời rượu, tên một bài thơ của Lý Bạch.

6) Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai bôn lưu đáo hải bất phục hồi. Quân bất kiến cao đường minh kính bi bạch phát, triêu như thanh ty mộ thành tuyết (Bạn chẳng thấy nước sông Hoàng Hà từ trên trời xuống, bôn ba chảy ra bể không trở lại. Bạn chẳng thấy, trên nhà cao, trước tấm gương sáng, buồn vì tóc bạc, sáng xanh như tơ, chiều trắng như tuyết). Hai câu thơ này trích trong bài Tương tiến Tửu của Lý Bạch ý nói thời gian và tuổi xanh của người ta trôi nhanh không quay trở lại.)

Tivi tôi nhận được điện thoại của thi sĩ Song Thái kể cho nghe một giai thoại về Ông Nghè Tân mà Tivi tôi không có tài liệu. Xin gửi tới bạn đọc để bổ túc bài Ông Nghé Tân:

“ Khoảng nửa năm sau khi vua Minh Mệnh chết (1840), ông Nghè Tân đi qua phủ Ninh Giang, thấy có hội đua thuyền tranh giải do quan Phủ tổ chức. Ông Nghè Tân viết bốn câu thơ vào một mảnh giấy đưa vào cho quan phủ:

Ô hô! ô hô! thiên!

Thiên tử băng hà vị bán niên.

Giang sơn thào mộc câu hàm lệ,

Thái thú giang biên độc cải (?) thuyền.

Lược dịch ý:

Than ôi! than ôi! hỡi Trời!

Vua băng hà chưa được nửa năm

Núi sông cây cỏ đều ngậm ngùi rơi lệ

Chỉ có quan phủ bên sông tổ chức đua thuyền.

Ông tri phủ đọc xong bài thơ, sợ hết hồn, vội ra lệnh đình chỉ và giải tán ngay cuộc vui".

Xin cảm ơn văn huynh Song Thái.

Kính chào quý vị độc giả

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002