Đại Chúng số 107 - ngày 1 tháng 10 năm 2002

THÍNH HƯƠNG TIỂU TRÚC

Hà Ngọc Bích

Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương

Cái ông Kim Dung tiên sinh nầy cũng thật là rắc rối, không biết ông đào ở đâu ra những cái tên nghe thật là tao nhả thơ mộng. Nào là Yến Tử Ổ, Mạn Đà Sơn Trang. Lang Hoàn Thuỷ Các hay Cầm Vận Tinh Xá...gì gì đó, đã làm cho tôi một thời phải si mê các truyện kiếm hiệp của ông như điếu đổ. Vào tuổi tráng niên, tôi chỉ mường tượng như mình đang sống thanh thản ở Mạn Đà Sơn Trang gần Thái Hồ, giữa một khu vườn đầy hoa sơn trà. Một mái nhà nhỏ đơn sơ mộc mạc nằm ẩn dưới mấy rặng trúc la đà. Hương vị nhẹ nhàng thoang thoảng của hoa sen từ mặt hồ thổi vào, tiếng lá trúc xào xạc, rì rào như một bản đàn êm đềm bất tận. Trong một gian nhà nhỏ lợp tranh, bàn ghế đều làm bằng trúc, nét bút tung hoành, nét mực lâm ly. Trước cửa vào, là một ngỏ trúc biếc sầm uất rậm rạp, phong cảnh thật là u nhả, tịnh mịch đủ cho tôi ngồi uống trà sen, đọc Đường Thi, hưởng thú thanh nhàn. Thật là:

Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt,

Ngỏ trúc quanh co khách vắng teo...

(Nguyễn Khuyến)

Hay:

Một vùng non nước đìu hiu,

Phất phơ gió trúc, dặt dìu mưa hoa

(Bích Câu Kỳ Ngộ)

Thật là từ lúc nhỏ tôi đã thích cây trúc rồi. Trong vườn nhà nội có trồng nhiều bụi trúc rậm rạp màu xanh biếc, thân trúc thẳng tấp, lá nhỏ dài nhọn mọc lơ thơ, ngọn trúc phất phơ qua lại như làn gió thoảng, xào xạc như ru người vào một thế giới mộng mơ. Tôi thường hay đốn những thân trúc già, màu vàng óng ánh, có ngọn dài cong vút để làm cần câu, đi câu cá rô hay cá trê ngoài đồng ruộng. Đôi khi tôi cũng nhờ người anh họ cắt ra một khúc có vằn đẹp, khoét lổ làm thành một ống trúc tiêu mà tôi đã có dịp nghe anh thổi vài nhạc khúc. Tiếng tiêu réo rắc u sầu mênh mang nhất là vào những đêm rằm dưới ánh trăng bàng bạc ở chốn thôn quê, tưởng chừng như tiếng sáo Trương Lương ngày xưa cũng chỉ u buồn ray rứt đến thế mà thôi. Vào mùa mưa, các bụi trúc cho nhiều măng non, tôi có dịp dùng dao nhỏ xắn lên để lấy luộc ăn, chấm với tương hay chao. Tuy hơi đắng, không ngọt bằng măng tre nhưng hương vị đậm đà đặc biệt, âu cũng là một thú vị mộc mạc, thu ăn măng trúc vậy. Người xưa thường hay dùng trúc để làm rèm che cửa gọi là rèm trúc. Sách ta và Tàu cũng hay nhắc đến điển cố “Rèm Tương". Tương truyền hai bà vợ vua Thuấn là Nga Hoàng và Nữ Anh, ngồi khóc chồng trên bờ sông Tương khi được tin vua mất. Nước mắt của cả hai bà vẩy vào và chảy dài trên thân những cây trúc mọc ở bờ sông làm cho giống cây nầy trở nên có vằn vàng óng ánh lạ kỳ. Dân địa phương dùng loại trúc nầy để làm rèm nên gọi là rèm Tương (Bích Câu Kỳ Ngộ).

Sử Việt Nam cũng có chép việc thi hào Nguyễn Du, khi đi sứ Trung Quốc có làm bài thơ Thương Ngô Tức Sự, trong có hai câu:

Nhị phi sải lệ trúc thành ban,

Du du trầm tích thiên niên thượng.

Dấu xưa trãi mấy ngàn thu,

Hai bà lệ vẩy da tre điểm màu

(Phạm Khắc Khoan dịch)

Sách Trung Hoa cũng có đề cập đến một loại trúc đặc biệt nữa gọi là Tương Tư Trúc, tương truyền chỉ mọc ở núi Tân Vân nhưng không nói rõ những đặc điểm của loại trúc nầy và cũng không thấy có điển cố gì sao lại gọi là Trúc Tương Tư. Văn học Việt và Tàu thường hay ví trúc với người quân tử. Kẻ sĩ đọc sách thánh hiền, lòng dạ lúc nào cũng ngay thẳng quang minh như cây trúc thẳng tắp, thông suốt, rổng rang không hề cong queo hay có việc gì mờ ám mà giấu giếm, che đậy. Tương truyền trạng Mạc Đỉnh Chi nước ta, phụng mạng vua đi sứ Trung Quốc. Trong phủ Tể Tướng nhà Nguyên có treo một bức hoạ vẽ hình một con chim sẻ đậu trên một cành trúc, nét vẽ linh động tuyệt vời trông như sống thật. Ông Trạng lầm tưởng, giơ tay rờ thử. Quan Tể Tướng chưa kịp trách thì ông đã đỉnh đạc biện bác rằng:

- Kẻ sĩ nầy trộm nghĩ: Trúc là người quân tử, sẻ là kẻ tiểu nhân. Nay kẻ tiểu nhân ti tiện lại đặt trên người quân tử đức độ, nên tôi vì Đại Nhân và Thiên Quốc mà phá bỏ vậy.

Tể Tướng biết ông nói để chửa thẹn nhưng cũng phải phục tài ứng đối mau lẹ của ông mà không nhắc đến nửa (Giai Thoại Làng Nho-Lãng Nhân). Thế mới biết, cây trúc đã chiếm một vị trí đặc biệt đối với kẻ sĩ vậy. Trong thi văn, cây trúc cũng là một đề tài thường được dùng đến. Những danh từ như: rừng trúc, ngõ trúc, quán trúc, dậm trúc đem đến cho ta một cảm giác thanh thản u nhả tịch mịch. Thử đọc Trúc Lý Quán của Vương Duy đời Đường mà hai vị Đỗ Bằng Đoàn và Bùi Khánh Đản đã phóng dịch:

Thơ thẩn dưới bóng trúc râm,

Một mình dạo mãi khúc cầm ngồi ca

Rừng sâu ai kẻ biết ta,

Canh khuya có bóng Hằng Nga soi vào.

Thật là tiêu dao phóng sái, nhàn hạ cao hứng, ngồi đàn ca giữa một khu vườn trúc tịch mịch, phong cảnh thiên nhiên trang nhả. Người xưa cũng thường dùng đến thể thơ Trúc Chi Từ, một lối thơ mộc mạc, đơn sơ nhưng lại thanh nhả như một cành trúc biếc. Lời thơ bình dị nhẹ nhàng chảy xuôi như một dòng suối.

Mặt nước sông im, dương liễu xanh,

Trên sông văng vẳng khúc ca thanh

Phương Đông rạng nắng, tây mưa đổ,

Đã bảo tình không, lại có tình.

(Trúc Chi Từ-Lưu Vũ Tích-Chi Điền dịch)

Cây trúc cũng là hình bóng của kẻ sĩ ẩn dật, vui thú thanh cao, không để vòng danh lợi trói buộc trong cuộc sống thường tình. Thử thưởng thức bài thơ "Cây Trúc" của Trương Nam Sử, bản dịch Huyền Thanh Lữ, ta cũng thấy thoát ra cái phong độ khí khái của một kẻ sĩ nhân cách cao thượng như một Dửu Tín hay một Đào Uyên Minh, treo áo từ quan về ở ẩn nơi chốn thôn quê và sáng tác ra bài "Qui Khứ Lai Từ" thường được nhắc đến trong văn học Việt Nam.

Trúc

Rẽ non

Liền hốc

Mọc đông nam

Khác thảo mộc

Cành cứng lá mềm

Ngừng sương đọng móc

Thành từng mây khắp nơi

Hàng năm măng nẩy ngọc

Gió trời chợt nổi tranh âm

Nước ao chứa màu xanh lục

Lui tìm Dửu Tín ở trong vườn

Lòng đủ trước cảnh không trói buộc.

Cây trúc thường hay nhắc nhở ta đến bối cảnh hư vô tịch mịch của chốn thiền môn như: Trúc Lâm Thiền Viện, Hư Trúc Đại Sư, Thiên Trúc Thần Tăng hay chuyện Bồ Tát Quan Thế Aâm đan giỏ trong khu rừng trúc. Bồ Tát dùng cái giỏ nầy để b?t con cá tinh vốn sống trong hồ sen của Phật Bà, nhưng có lẽ lòng còn mang nặng nhiều nghiệp chướng nên đã bỏ trốn xuống trần gian để hưởng thú dục lạc của phàm trần. Cảnh một nhà sư già ngồi thiền định giữa rừng trúc bao la. Dứt bỏ tất cả tham sân si, dập tắt mọi vọng niệm, làm tôi cũng muốn trở thành đệ tử của ngài, liệng đi các phiền toái của cuộc đời nầy, quay mặt vào vách đá mà nghiền ngẫm cho thấm nhuần lẽ Vô Thường - Vô Ngã của nhà Phật. Tiếng chuông chùa vọng lại kề bên khóm trúc càng làm tăng thêm sự u nhả, thanh khiết của chốn không môn và dường như nhắc nhở khách phàm trần mau sớm quay đầu về bờ giác

Nhắc sinh kỷ hử thương tâm sự,

Bất hướng không môn hà xứ tiêu.

Hay:

Ở đời bao chuyện thương tâm,

Không về cửa Phật biết làm sao khuyây.

(Vương Duy-Trần Trọng San dịch)

Tôi tần ngần đứng bên cửa sổ nhìn về phía xa xa. Ngoài trời tuyết rơi lả tả, phủ trắng cành cây. Cái mộng một căn nhà lá giữa khu rừng trúc của tôi chắc chẳng bao giờ thực hiện được ở xứ người rồi và cái tên Thính Hương Tiểu Trúc mà tôi để dành cho nó chắc đành phải trả lại cho Kim Dung tiên sinh vậy. Khi ở quê vào lúc tuổi hoa niên, tôi có thể thực hiện dễ dàng ước mơ bình dị nầy. Khu làng Đại Học Thủ Đức, chốn cũ hay lang Tường Lộc quận Tam Bình nơi tôi sinh ra đều thích hợp với một lo?i trúc xanh, lá nhỏ lưa thưa, thân láng mướt, mắt trúc dài đều đặn và mọc rất xum xuê. Nhưng tôi đã bỏ qua cơ hội vì mãi mê chạy theo bả công danh sự nghiệp. Nay đến cái tuổi thất thập cổ lai hi nầy, tôi mới thấy thấm thía cái lối sống đơn giản bình dị của người xưa, dưa chao, tương đậu, màn gió, bạn trăng, không làm tôi mọi cho thể xác nữa. Được vậy, tâm hồn tôi sẽ trở nên bình thản, an lạc, an nhiên tự tại mà sống và thản nhiên trở về với đất mẹ khi đến lúc. Tiếc là hiện nay, quê hương đang chìm dần trong bóng tối, không biết đến bao giờ mới tìm lại được sự thanh bình, an lạc. Đất nước vẫn còn lặn hụp dưới làn sóng đỏ trong một hoàn cảnh bi đát trầm trọng. Tôi chỉ còn nước gói lại cái giấc mộng Thính Hương Tiểu Trúc và ôm chặt nó vào tận đáy lòng, chờ một ngày mai sáng sủa hơn. Ngày xưa, khi đất nước lâm vào những tình trạng gần như tuyệt vọng thì hồn thiêng sông núi vẫn được những bậc anh hùng như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ... để cứu nước. Chả nhẻ ngày nay, linh khí của núi sông đất Việt không còn nữa hay sao?

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002