Đại Chúng số 107 - ngày 1 tháng 10 năm 2002

DẠY CON EM HỌC TIẾNG VIỆT

Nguyễn Đức Tăng

Nhân dịp nhà văn Trần Song Thu nói về đề tài "Giới Trẻ Việt Nam Hải Ngoại Hướng Về Cội Nguồn" tôi xin mạo muội góp phần thô thiển của mình về sự cần thiết dạy cho con em nói, đọc và viết chữ Việt, tức là chữ quốc ngữ, vì "Quốc Ngữ là chữ nước ta".

Kính thưa quí vị,

Với bất kỳ một quốc gia tiến bộ nào, tuổi trẻ là tương lai rường cột của đất nước và tương lai của đất nước lại chính là trách nhiệm của tuổi trẻ.

Với lòng trong trắng, trung thực, hăng say, với đức hy sinh, với trí thông minh...tuổi trẻ như một bằng chứng của nổ lực và nhiệt huyết để vươn tới một tương lai tốt đẹp. Niềm tin của các thế hệ đi trước và của cả dân tộc phải dành cho thế hệ trẻ như cuộc sống tin vào cái đẹp và lẽ phải.

Thế hệ cha ông theo thời gian sẽ lùi vào dĩ vãng. Với quy luật "Tre già măng mọc” chúng ta đặt kỳ vọng vào con em của chúng ta, vào tương lai của thế hệ trẻ. Nhưng trong hành trang hướng tới tương lai, chúng ta không ít trở trăn khi chúng ta thấy khó có thể nhận ra tiếng nói chung giữa thế hệ cha ông và thế hệ trẻ giữa thời kỳ phát triển mới mẻ này. Thế hệ trẻ ở hải ngoại khi phải tiếp cận hai nền văn hoá giáo dục khác nhau, hằng ngày các em phải dùng tiếng của quốc gia mình cư ngụ, một số vì thiếu ý thức dân tộc đã không thiết tha gìn giữ tiếng mẹ đẻ, dần dà không còn giữ được tâm hồn dân Việt và đi đến chỗ thiếu gắn bó với quê hương, với dân tộc. Là con dân Việt mà không còn nói, đọc, viết được tiếng Việt thì làm sao hiểu rõ giá trị lịch sử và văn hoá Việt để giữ gìn bản sắc, để hướng về cội nguồn dân tộc. Như vậy, làm sao thế hệ trẻ có thể nhận lấy trách nhiệm tiếp nối thế hệ đi trước gánh vác công việc của đất nước. Riêng trong phạm vi gia đình, con em không nói được tiếng Việt hoặc ít nói được tiếng Việt thì giữa mẹ cha và con cái khó có thể diễn tả tình cảm một cách trọn vẹn nên thiếu sự cảm thông sâu đậm, thiếu gắn bó, do đó nền tảng gia đình có thể bị lung lay.

Người Việt hải ngoại đang đứng trước nỗi lo lắng về thế hệ trẻ dần dà mất khả năng dùng tiếng Việt, sẽ đi đến chỗ mất gốc. Cho nên, việc trau giồi tiếng Việt cho con em phải được xem nhu là một bổn phận thiêng liêng phát xuất từ lòng yêu nước thương nòi của mỗi người, của mỗi gia đình có huyết thống Việt Nam.

Xưa kia Tản Đà Tiên Sinh đã viết trong tập sách Vỡ Lòng rằng:

Quốc ngữ là chữ nước ta

Con cháu trong nhà phải lo mà học.

Người Việt hải ngoại không thể thúc thủ trước tình trạng con em dần dà quên tiếng mẹ đẻ nên từ nhiều năm qua, nơi nào có cộng đồng người Việt là nơi đó có các tổ chức, các Hội Đoàn, các cơ sở Văn Hoá, Tôn Giáo...mở lớp dạy triếng Việt miễn phí cho các con em. Không những chỉ dạy cho người Việt học để khỏi mất gốc, học để giữ truyền thống giống nòi Lạc Việt mà còn thừa cơ hội dạy cho các bạn ngoại quốc học để quảng bá chữ quốc ngữ, góp phần phát huy và đề cao văn hoá Việt Nam nơi hải ngoại. Người ngoại quốc mà còn biết học tiếng Việt thì không lý do gì con em người Việt chính thống mà lại không trau giồi để nói, đọc, viết được tiếng Việt rành rẽ, nói rành cả về văn chương, về phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam ta. Hơn thế nữa, họ còn biết ca hát những bài dân ca Việt Nam một cách đáng khâm phục.

Theo thiển ý, học tiếng Việt có thể đi song song với việc học ngoại ngữ. Những ngôn ngữ nầy sẽ phong phú hoá cho Việt Ngữ. Cụ Bảo Vân, một nhà giáo dục đã qua đời, từng làm thơ khuyến khích giới trẻ học tiếng Việt và biết nhiều thứ tiếng càng hay:

...Biết nhiều tiếng lại cành hay chứ

Tiếng mẹ ta, ta cứ duy trì

Đừng đi vọng ngoại bỏ đi

Sao cho đúng nghĩa hoà nhi bất đồng”.

Cộng đồng người Việt tại Pháp chúng ta có được một điều may mắn là trong nhiều năm qua, Bộ Giáo Dục Pháp đã chấp nhận tiếng Việt là một sinh ngữ trong chương trình thi tú tài. Dù năm nay, chính quyền Pháp có ý định bãi bỏ, nhưng nhờ sự kiên trì đấu tranh của cộng đồng Việt Nam, Pháp phải xét lại và đã quyết định cho tái tục. Như vậy, con em người Việt mình sống trên đất Pháp nếu chọn tiếng Việt làm sinh ngữ 1 sẽ rất có lợi cho điểm thi lấy bằng tú tài.

Qua nhiều buổi sinh hoạt của các Hội Đoàn từng thiết tha đến việc duy trì tiếng mẹ đẻ cho con em, qua những lần tiếp xúc với các giáo chức như Cô Mai, cô Hoa hiện dạy văn chương Việt tại các Lycée Louis Le Grand, La Fontaine và qua hai lần Tập San Ngày Mới tổ chức các buổi hội thảo nhắm vào thế hệ mà gần đây là buổi hội thảo về "Thế hệ Hai quê hương, hoà nhập và giữ gìn bản sắc dân tộc", khi bàn đến phương cách dạy tiếng Việt cho giới trẻ, nhiều vị đã đóng góp ý kiến, tôi xin ghi tóm lược như sau:

- Phụ huynh nên nói chuyện với con em bằng tiếng Việt. Bửa cơm gia đình hằng ngày là dịp để cha hay mẹ nói chuyện với con bằng tiếng Việt. Dù cho bận việc làm ăn, nếu trong 24 giờ mỗi ngày mà cha mẹ không dành được nửa giờ để trao đổi tiếng Việt với con thì thật là đáng tiếc.

- Nếu thấy cần, có thể nói tiếng Việt với con em bằng tiếng Việt và kèm theo nghĩa tiếng Pháp;

- Đừng sợ nói tiếng Việt với con em chúng sẽ dở tiếng Pháp, tiếng Anh...Trong thực tế, có nhiều trẻ sinh ra ở hải ngoại, nói rành tiếng mẹ đẻ mà vẫn nói giỏi tiếng ngoại quốc.

- Nên có tủ sách tiếng Việt cho con em, vì muốn con em học tiếng Việt mà trong nhà không có tủ sách tiếng Việt là một thiếu sót.

- Nên mua băng nhạc Việt cho con em. Ở nhà chúng ta nên cho con em xem video ca nhạc Việt Nam. Trên xe hơi cha mẹ nên để ít cuốn băng tiếng Việt cho con nghe khi gia đình đi chơi xa.

- Tập cho con hát và chép những bài hát Việt.

- Ghi tiếng Việt vào album hình ảnh gia đình để mỗi lần con em xem hình là mỗi lần có dịp đọc những chữ Việt chú thích về tấm hình. Những tập hình nầy không nên cất kỹ mà nên để ở chỗ dễ thấy để con em thường xuyên lật xem.

- Chịu khó viết tiếng Việt cho con em về những lời dặn dò, nhắn nhủ thường ngày để chúng ráng đọc cho quen (chẳng hạn như: “Trời lạnh con đi học nhớ lấy khăn quàng cổ”, “Có ly nước cam tươi trong tủ lạnh để con giải khát”, “Chiều nay ba mẹ về trễ, có sẳn cơm canh ổ bàn ăn, tới giờ cơm các con bỏ vào micro-onde hâm lại ăn rồi lo học bài, đừng xem tivi nhiều"...v...v...)

- Tập cho con viết bằng tiếng Việt những thứ nhu cầu cần xin cha mẹ (tiền học phí, thể thao, giải trí...v...v...) hoặc ghi bằng chữ Việt những thứ gì cần mua ở siêu thị (sữa, nước, gạo, đường, kem đánh răng...v...v...) trên một mảnh giấy để ở tủ lạnh để nhớ mua, dần dà con em sẽ viết thành thạo.

- Cho con em tham gia vào các cuộc họp bạn, những lễ hội, pic-nic, các sinh hoạt Hướng Đạo, Giáo Xứ, Gia Đình Phật Tử, Thanh Thiếu Niên...để tạo môi trường cho con em nói tiếng Việt hầu phát triển khả năng Việt Ngữ và làm quen với nếp sống sinh hoạt Việt, giữ được tâm hồn Việt...

- Nói tiếng Việt, chúng ta cũng phải ghi nhớ công ơn các bậc tiền bối đã phát minh và tu chính chữ quốc ngữ như giáo sĩ Alexandre de Rhodes, các giám mục Pigneaux de Béhaine và Tabert, các học giả Việt Nam đã có công tài bồi chữ quốc ngữ như Petrus Trương Vĩnh Ký, Paulus Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Phan Kế Bính, Đông Hồ Lâm Tấn Phác, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam...v...v...

Theo sử sách, năm 1906 tiên sinh Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) sau khi được cử đi dự cuộc đấu xảo ở Marseille trở về nước, ông đã cùng với một người Pháp tên là F.H. Schneider mở nhà in và nhà xuất bản. Những quyển sách được xuất bản đầu tiên là Kim Vân Kiều và bộ Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa. Trong bài tựa bộ sách nầy Nguyễn Văn Vĩnh đã viết một câu bất hủ:

"Nước Nam ta mai sau này, hay dở cũng ở chứ quốc ngữ".

Vào năm 1921, Tản Đà làm chủ bút báo Hữu Thanh, cơ quan ngôn luận của Trung Bắc Kỳ Nông Công Thương Hội. Trong bài Kính Cáo Quốc Dân, Tản Đà có bài thơ dài, chỉ xin trích đoạn sau đây:

Tôi làm văn quốc ngữ

In bán trong mấy năm

Sang hèn cũng thể sinh nhai

Một sự văn chương, vui với bút cùng nghiên cùng giấy mực

Hay dỡ mặc cho công luận

Trăm năm tâm sự, gửi cùng cây cỏ với núi sông

Bước văn chương chẳng nợ thì duyên

Cõi trần thế không duyên thì nợ

Kể từ Hồng Lạc dựng cơ đồ

Vua chúa có đổi, sĩ phu thường tồn

Aáy trải bao bể đúc, non nung, bồi nguyên khí cho đất nước

Nay lại được thồi thế đương khai hoá, vận quốc mở văn, cờ bay báo giới

Ai có nhẽ châu chìm ngọc báu, phụ công đức với giang sơn

Bước văn minh, hoạ may có cơ vận tự giời

Công tiến bộ, thực cũng bởi nhân tài trong nước.

Chúng ta còn biết đế học giả Phạm Quỳnh (1892-1933), khi nói về truyện Kiều trong bài diễn thuyết bằng quốc văn kỷ niệm Tiên Điền Nguyễn Du tại Hội Khai Trí Tiến Đức Hà Nội ngày 8-9-1924 (10-8 năm Giáp Tý), Phạm Quỳnh đã có những lời tâm huyết để hậu thế nhải suy ngẫm:

"Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn; còn non còn nước còn dài, chúng ta là kẻ hậu sinh xin giầu lòng dốc chí cố gia công trau chuốt lấy tiếng quốc âm nhà, cho quốc hoa ngày một rực rỡ, quốc hồn ngày một tỉnh tao, quốc bộ ngày một tấn tới, quốc vận ngày một vẻ vang, ngỏ hầu khỏi phụ cái chí hoài bão của Tiên Sinh: ngậm cười chín suối cũng còn thơm lây!"

Phạm Quỳnh bút hiệu là Thượng Chi, là người sáng lập tạp chí Nam Phong (1917-1945), tạp chí nầy đã phát hành 210 số, quy tụ nhiều học giả, văn nhân thi sĩ tiếng tăm, đã góp công lớn vào việc quảng bá tư tưởng Đông Tây Kim Cổ cũng như sựnghiệp chấn hưng nền văn hoá Việt Nam.

Ngoài ra, chúng ta còn phải kể đến Đông Hồ (1906-1969), quê quán ở Hà Tiên, Việt Nam. Đông Hồ là bút hiệu của Lâm Tấn Phác, một cộng tác viên của tạp chí Nam Phong. Trong bài Gia Đình Giáo Dục Ký đăng trên báo Nam Phong số 115, ấn hành vào tháng 3 năm 1927, Đông Hồ có ghi tóm tắt những lời giáo huấn học sinh Khai Trí Tiến Đức Học Xá Hà Tiên ngày 19-11-1926 như sau:

BA ĐIỀU ĐÁNG TIẾC

Oû đời có ba điều đáng tiếc:

Một là hôm nay bỏ qua,

Hai là đời nay chẳng học

Ba là thân này lở hư.

QUỐC NGỮ, QUỐC GIA

Tiếng là nước,

Tiếng còn thì nước còn,

Tiếng mất thì nước mất...

Truyện Kiều còn, tiếng ta còn,

Tiếng ta còn, nước ta còn.

Những lời vàng ngọc của các bậc tiền nhân để lại. lẽ nào hậu thế bỏ quên! Chúng ta là những con dân nước Việt, dù ở nơ đâu, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải cố g8áng dạy dỗ con em trau giồi tiếng mẹ để, gìn giữ truyền thống văn hoá dân tộc.

Để kết thúc bài này, tôi xin ghi sau đây một đoạn tron bài thơ "Hoà Nhi Bất Đồng" của cụ Bảo Vân:

Có mấy ông di cư tị nạn

Sang được đây là mãn nguyện rồi

Đua đòi nhảy nhót ăn chơi

Việt Nam là chuyện lỗi thời bỏ đi

Con cháu ông cần gì Việt Ngữ

Chẳng còn cần vâng, dạ, trình, thưa

"Yes, no, non, uẩy" sớm trưa ào ào

chúng chạy theo phong trào vật chất

Bắt chước bừa theo thật giống Tây

Nhưng than ôi, có điểm nầy

Da vàng mũi tẹt, giờ đây vẫn còn

Sao ông chẳng khuyên con bảo cháu

Rằng chúng ta ở đậu sống nhờ

Nhập gia tuỳ tục, tuỳ cơ

Nhưng đừng mất gốc, quên lờ tổ tiên

Trung Hoa với Triều Tiên, Nhật Bản

Cùng biết bao người bạn Á Đông

Sang đây họ cũng làm công

Mà sao vẫn lập cộng đồng riêng tư]

Vẫn hộp họp, thư từ, liên lạc

Giúp đỡ nhau, bàn bạc cùng nhau

Giữ gìn tiếng nói dài lâu

Để cho con cháu ngày sau nhớ nguồn...

Xin chân thành cảm ơn sự lưu ý của quý vị.

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002